Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
886
116.664.996
 
Thân Phận Người Nữ Trong Các Tác Phẩm Của Trần Minh Nguyệt
Đặng Quý Địch

 

Trần Minh Nguyệt tên thật là Trần Thị Cẩm Tú, sinh năm 1972, tại quê hương Văn hào Đào Tấn – Vinh Thạnh- Phước Lộc – Tuy Phước – Bình Định. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, cách nay 16 năm, trong 16 năm này cô dạy Anh văn cấp 3 tại trường Trung học Phổ thông số 2 Tuy Phước.

 

Ngoài giờ lên lớp, cô còn tham gia các sinh hoạt tuyen dung VHNT như viết truyện ngắn, dịch truyện nước ngoài và làm thơ. Chỉ trong ba năm, các truyện ngắn, truyện dịch, và thơ của Trần Minh Nguyệt đã được giới thiệu trên một số tờ báo ở Trung ương và địa phương, được ban Văn Nghệ Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh truyền hình Bình Định chọn giới thiệu…

 

Năm 2011, Trần Minh Nguyệt đã xuất bản hai tập truyện ngắn có tên là “Những kẻ tự phong” và “Ngươi đàn bà và những giấc mơ”.( nhà XB Thanh Niên). Mùa Hè năm nay, 2012  Nhà xuất bản Hội nhà văn in tập truyện ngắn thứ ba có tên là “Khoảng trời bình yên”. Qua ba tác phẩm này, thân phận người nữ (từ em bé gái đến bà cụ già)  đã được tác giả quan tâm đề cập đến rất nhiều. Qua mỗi câu chuyện tác giả đã lần lượt chia sẻ về thân phận của những người nữ trong đời sống xã hội hiện tại - thật đáng trân trọng.

 

Có thể ví dụ::

 

I. Trong “Những kẻ tự phong” :

 

1. Truyện “Giọt máu”: Mẹ của Minh Sơn bị tình phụ phải lấy một người đàn ông có vợ và có nhiều con gái. Ông ta muốn có con trai. Khi mẹ sinh ra con gái là Minh Sơn thì ông ta bỏ rơi ngay, khiến Minh Sơn thành đứa con hoang vì không cha. Mẹ Minh Sơn sống trong tủi nhục, còn Minh Sơn thì “sống bất cần đời” tr.19.

 

2. Truyện “Những kẻ tự phong”: Cô Hoa, một cử nhân kinh tế mới ra trường, lấy chồng tên Nam là một kỹ sư tự phong, đến bằng tốt nghiệp cấp 3 cũng không có. Làm vợ Nam rồi cô mới phát hiện ra điều vừa nói đành chịu “lỡ duyên” mà xin ly dị, tr.27.

 

3. Truyện “Nhật ký một đời người”: Nga, một cô gái có ngoại hình quê kệch khó coi, “không có người yêu… cô giấu đi nỗi đau trần thế”, tr.43. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, có việc làm ổn định, tới 35 tuổi mới vớ được tấm chồng, sinh được một bé gái. Sau đó, chồng đổi tính bèn chở hai mẹ con về trả cho cha mẹ vợ. Nga đau buồn rồi lâm bệnh nặng, chết không thấy mặt chồng ! Chồng cô đọc nhật ký của cô để lại thì hối hận nhưng đã quá muộn, tr.45.

 

4. Truyện “Xa rồi nỗi ám ảnh một đời”: Ông Kha bị vợ bỏ ông mà theo người khác. Ông trút nỗi “tức giận, hận thù lên tấm thân nhỏ bé, gầy guộc” của bé gái con ông bằng những trận đòn vô cớ và vô lý, tr.46.

 

5. Truyện “Cánh bèo phiêu bạt”: Bà Thanh vốn là một hài nhi mới lọt lòng đã bị mẹ bỏ cạnh gốc đa một làng quê ở Quảng Nam. Vợ chồng người Hoa bắt gặp bèn ẵm bà về nuôi. Sau đó, gia đình bố mẹ nuôi gặp nhiều bất hạnh. Chủ nhà tin lời thầy bói cho bà là khắc tinh nên đẩy sang tay người khác, bà vào nhà nào thì nhà đó bị xui xẻo. Cuối cùng phiêu bạt tới Bình Định, lớn tuổi rồi mới lấy được tấm chồng, đẻ được một gái thì chồng chết. Bà ở vậy nuôi con. con lớn có chồng đi nơi khác, bà sống cô độc trong ngôi nhà của chồng để lại, tr.56.

 

6. Truyện “Mẹ ơi, con xin lỗi!”: Cô Lam mất mẹ, ba cô tục huyền, cô phản đối bằng cách bỏ học, lao vào vũ trường làm gái nhảy, ăn chơi trác táng để trả thù cha, tr.62. Kết quả, cô mang bầu rồi sinh ra bé gái mà chính cô cũng không biết cha đứa bé là ai, tr.64.

 

7. Truyện “Còn nỗi đau nào hơn”: Cha bà Thu làm Lý trưởng, mê hát hò, đã đem bà (mới 15 tuổi) làm giải thưởng cho ai đối được câu hát mà ông đã xướng. Một anh trai cày 30 tuổi đối được, cưới bà về làm vợ. Anh ta không moi của nhà vợ được bèn hành hạ bà, bắt bà đội từng thúng phân ra ruộng, tr.69. Về sau, vợ chồng bà Thu đã già, bị vợ chồng thằng con trưởng đoạt mất nhà, mất vườn phải ra xó vườn che lều mà ở. Rồi ông trước bà sau lần lượt chết trong đói lạnh, tr.73.

 

8. Truyện “Làng những người độc thân”: Vì một câu nói đùa quái ác của một bạn trai học cùng lớp mà Hạnh bị mang tiếng có bầu lúc còn học phổ thông. Cô bị vị hôn phu từ hôn, phải sống lặng lẽ trong làng những người độc thân, tr.92.

 

9. Cô Tâm 40 tuổi, nhà nghèo, phải đi làm thuê để nuôi mẹ già và nuôi thân. Cô được một anh thợ đóng gạch vừa góa vợ, muốn cưới cô và hứa sẽ nuôi mẹ cô. Sắp đến ngày cưới thì mẹ cô nghe lời bà mối mà gả cô cho một Việt Kiều, lớn hơn cô 15 tuổi. Sau đám cưới một tháng, chú rể bảo có viêc phải về Mỹ rồi không bao giờ trở lại, cô đành chết già ở làng người độc thân, tr.96.

 

10. Hùng nhà nghèo, yêu một cô gái nghèo là Thư, cả hai muốn đi đến hôn nhân nhưng bị cha mẹ Hùng cấm cản, anh chị bèn uống thuốc tự tử để được đoàn tụ ở thế giới bên kia. Hai người được đưa đến nhà thương cấp cứu nhưng chỉ cứu được có mình Hùng, còn Thư thì đi luôn, bỏ lại Hùng sống lặng lẽ trong làng người độc thân, tr.97.

 

11. Truyện “Trôi theo dòng đời”: Cô Hiền “theo tiếng gọi của tình yêu” đến sống chung với Quy tại một phòng cho thuê. Hiền báo cho Quy biết mình đã có thai, hối thúc Quy thuyết phục cha mẹ để cưới Hiền. Quy cho đồng bọn một nam một nữ đến đánh thuốc mê rồi cưỡng hiếp Hiền. Quy xuất hiện, đuổi Hiền ra khỏi nhà, tr.101.

 

12. Truyện “Lặng lẽ một tình yêu”: Phú và Sương là bạn học thời phổ thông. Tốt nghiệp Đại học rồi, hai người tìm gặp lại, tình yêu ngày càng thắm thiết, cả hai đồng ý đi đến hôn nhân. Phú đưa Sương về giới thiệu với bà nội Phú. Lừa lúc Phú ra ngoài, bà đã đem gia thế của Sương ra mà hạ nhục cô bởi bà muốn cháu dâu bà phải đẹp, học giỏi, nhà giàu hơn Sương. Sương về rồi bà còn đặt điều nói dối là Sương cãi lại bà khiến cha mẹ Phú cũng tin mà không chấp nhận lời xin của Phú. Phú không vượt được rào càn của gia đình, đi cưới vợ để Sương đau khô một mình, tr.130.

 

13. Truyện “Chị em bé Trúc”: Vợ chồng bỏ nhau, gởi con gái là bé Trúc, con trai là cu Bi về quê nương nhờ bà nội và cô. Bà nội và cô biết mẹ chúng lăng loàn nên Trúc và Bi không phải con của ba Thông nhưng vẫn thương yêu đùm bọc chúng. Chị em Trúc thường bị lũ trẻ trong xóm trêu là “đồ con hoang”, thường đánh chị em Trúc. Những lần như vậy, Trúc thường bị bà nội đánh đòn. Bà càng căm tức con dâu bạc nghĩa bao nhiêu thì càng trút nỗi căm tức lên thân thế Trúc bằng những trận đòn vô cớ bấy nhiêu, mặc dù rất thương Trúc, tr.133.

 

II. Trong “ Người đàn bà và những giấc mơ”:

 

14. Truyện “Niềm an vui còn lại”. Lúc cô Lan được 2 tuổi thì ba cô buộc mẹ cô cưới vợ lẻ cho ông. Vợ lẻ được ông cưng nên dần dà lấn quyền mẹ cô rồi đẩy mẹ cô xuống thân phận tôi đòi. Cuối cùng thì ba cô vu cho mẹ cô ăn cắp tiền của ông bèn đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà. Bà ẵm Lan về nương nhờ cha mẹ già, được vài năm thì cha mẹ qua đời, “nỗi đau chồng chất nỗi đau, mẹ Lan gầy như thây sậy, không thể ngoi lên được nữa”, tr.13.

 

15. Truyện “Đứa con lưu lạc của biển”: Thuở ấy, cư dân ven biển miền Trung rất cần lao động nam hành nghề trên biển. cho nên, nhà nào sinh được con trai thì rất mừng. Người nào chưa có con trai thì cưới thêm vợ để kiếm con trai. Ở nơi ấy, một ngư dân có tới 4 vợ, ba vợ trước chỉ sinh toàn con gái, đến vợ thứ tư mới có được một mụn trai, ông ta rất mừng, bắt con của ba bà săn sóc em trai đó. Bà vợ ba sinh được một gái. Năm cô bé lên 5 tuổi thì bà bỏ con cho chồng mà đi tìm hạnh phúc mới. Cô bé mất mẹ không ai bênh vực nên thường xuyên bị ba bà mẹ và một bầy chị gái bắt nạt đủ thứ mà người cha cũng làm ngơ. Bé làm quần quật suốt ngày, chưa xong việc này của người này đã phải làm việc khác của người khác. Bé sống lây lất như thế rồi trở thành một thiếu nữ lúc nào cô không hay. Cô rất yêu biển. Những lúc rảnh rổi cô thường ra bãi cát ngắm biển, khấn vái Mẹ Biển phù hộ cho cô. Mẹ Biển cũng thường hiện ra trong những giấc mơ của cô để an ủi cô như mẹ vỗ về con vậy. Chiều hôm ấy cô giữ em trai, vô ý để em ngã đến bầm mặt, chảy máu mũi, cô sợ cha cô đánh đòn nên trốn ra bãi biển, gôm lá bạch đàn rồi nằm dưới tàn cây. Đến đêm, cô ngủ ở đó rồi bị ba tên du đãng thay nhau cưỡng hiếp đến mang bầu. Cô bị cha cô đánh đuổi ra khỏi nhà, còn bảo đi thật xa, đừng bao giờ trở lại ! Cô phiêu bạt tới thành phố Hải Phòng, ngày thì đi rửa bát cho cửa hàng ăn để kiếm cơm thừa canh cặn, tối thì vào lều chợ ngủ như những kẻ ăn xin khác. Một mẹ mìn bắt gặp cô ở cửa hàng ăn, liền dụ cô về nhà, thay đổi y phục, dẫn cô đến Bệnh viện phá thai. Vài tháng sau sức khỏe cô phục hồi, trở nên xinh đẹp, mụ ta lừa cô dẫ ra biên giới bán cho bọn buôn người từ Trung Quốc sang. Cô bị bọn chúng đưa qua Trung Quốc bán cho một động mãi dâm. Cô bị giữ ở đó hơn nửa năm, làm việc từ 6 giờ sáng đến 1 – 2 giờ đêm, ngày nào cũng tiếp hơn mười người khách. Sau đó chúng chuyển cô sang một động mãi dâm khác, may gặp mấy người Việt Kiều tốt bụng giúp cô trốn thoát về Việt Nam. Cô không dám về nhà mà đến vùng biển xa lạ này, ngày thì đi bán vé số kiếm sống, đêm thì ra bãi biển ngồi trên mỏm đá mà than khóc cho số phận của mình, tr.39.

 

16. Truyện “Tiếng hát lúc nửa đêm”: Phi và Ngân yêu nhau thời phổ thông. Học xong Đại hhọc, hai người đều có việc làm, Phi ngỏ lời cầu hôn, Ngân rât yêu Phi nhưng cô từ chối vì bị bệnh bẩm sinh không thuốc chữa khỏi “mạng sống mong manh”, chỉ biết vừa khóc vừa hát thầm bài “Tiếng đàn ai buông lơi…” để tạ lòng bạn tình, tr.53.

 

17. Truyện “Chuyện tình bên dòng Nhược Thủy”: Đôi bạn Tân (nam) Cầm (nữ) có nhà cạnh nhau, ở gần dòng Nhược Thủy, có nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến trưởng thành, hai người yêu nhau, đính ước làm vợ chồng. Bỗng Cầm bị mẹ đưa lên thành phố ở với bố dượng rồi bị mẹ ép làm vợ một ông Giám đốc giàu có. Sau đó mấy tháng, Tân có việc vào Sài Gòn thì gặp Cầm làm tiếp viên cho quán Thư Trang. Hỏi ra mới biết mẹ con Cầm bị gã Giám đốc lừa : “Sau khi gã đã thỏa thuê no say trên thân xác nàng, gã vứt bỏ Cầm để đi tìm một bông hoa khác… Cầm bị vợ con gã hành hạ rồi đuổi ra khỏi nhà như đuổi một con ở!” tr.74. Cầm thấy có lỗi với Tân nên không dám nhận lời về sống với Tân, chỉ để thư tạ lỗi rồi bỏ đi nơi khác, tr.76.

 

18. Truyện “Người đàn bà và những giấc mơ”: Cô giáo Diễm lấy phải chồng là một tên lừa đảo. Hắn bảo cô đưa hết tiền bạc tư trang là của hồi môn và của cô tích góp được để gã mua đất cất nhà; tiền còn thiếu, gã bảo cô vay mượn của cha mẹ và bạn đồng nghiệp. Nhà cất xong, gã tìm cách bỏ rơi cô, một trong những lý do mà gã nêu ra là đã nhiều năm rồi mà cô không chịu đẻ, chỉ là thứ “gà mái nâng”. Ra tòa để ly dị, cô mới biết toàn bộ đất đai nhà cửa được tạo dựng từ tiền bạc của cô đã được cha chồng đứng tên, cô và chồng cô không có gì để chia chác. Ra khỏi tòa, cô chỉ còn hai bàn tay không với nợ nần chồng chất lên vai, tr.84, với những giấc mơ buồn lặp đi lặp lại hằng đêm, các tr.77, 79, 83.

 

19. Truyện “Nỗi buồn của ba tôi”: chị em cô Nhị mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà rất nghèo, hằng ngày hai chị em phải làm thuê cho người trong làng. Năm ấy cô 16 tuổi, em trai chừng 10 tuổi, đến lau nhà cho người nhà giàu trong làng. Vợ con ông chủ về quê vợ ăn giỗ, chỉ có mình ông ở nhà. Hai chị em bị lão chủ nhà đánh thuốc mê, cô Nhị bị lão hãm hiếp, mang bầu rồi đẻ non. Cô mang mãi nỗi tủi nhục và căm hận trong lòng, không lấy chồng, ở vậy nuôi em đến trưởng thành… tr.91.

 

20. Truyện “Vòng đời oan nghiệt”: Bà Sinh thuở còn là con gái cũng rất dễ nhìn nhưng nhà nghèo, mẹ bà bỏ chồng theo trai, cha bà buồn bực say rượu cả ngày nên trai làng không ai muốn cưới bà. Khi cha say, bà thường trốn ra bờ sông ngồi một mình mà mơ tưởng, nghĩ ngợi. Bà bị lão nuôi vịt trên sống kéo bà vào lều rồi hãm hiếp, đến mang bầu, lão nuôi vịt làm ngơ, bà muốn chết đi thì được chàng trai nghèo ở bên kia sông cứu sống rồi cưới bà làm vợ. Bà sinh trai đầu lòng là Thụy. Sau đó có lần đi ngang qua lều lão nuôi vịt, bị lão kéo vào lều ép bà cho lão thỏa mãn nếu không lão sẽ nói cho chồng bà biết quá khứ của bà. Bà sợ mất hạnh phúc gia đình nên thỉnh thoảng đến với lão, có lần bị chồng bà bắt gặp. Bà có con với lão nuôi vịt sinh một bé gái. Đến đứa con trai út mới thật là con chồng bà. Từ khi chồng bà biết Thụy và em gái Thụy không phải con mình thì thường xuyên đánh đập chúng, trút hết nỗi căm hận lên thân thể chúng, tr.105. Chúng lớn lên, ông bắt chúng bỏ học mà đi bán vé số, tr.105. Sau cùng, ông bán chúng cho một người ở thành phố, tr.106. Những lần như thế, bà Sinh sợ chồng nên không dám can ngăn dù rất thương con, bà chỉ biết khóc mà thôi, tr.112.

 

III. Trong “Khoảng trời bình yên”:

 

21. Truyện “Một lần ly hôn”: Một cô y tá ở  Bệnh viện huyện, có ngoại hình khó coi, nên đã 40 tuổi rồi mà không ai cầu hôn, thậm chí một lời tỏ tình cũng không có. Sau đó cô cũng vớ được một tấm chồng. Cả anh và ả đến với nhau không do tình yêu, anh thì chìu ý gia đình cho yên bề gia thất, ả thì thỏa mãn tính tự ái “dẫu xấu xí cũng có chồng” để hãnh diện với bạn bè. Cho nên, sau hôn lễ bảy ngày thì anh đi đàng anh, ả đi đàng ả. Để bù lại có vợ xấu xí, anh cặp một cô bồ nhí, trẻ đẹp hơn vợ nhiều, để hãnh diện với bạn bè. Tin cô bồ của chồng có bầu đến tai vợ, vợ đòi ly hôn, anh an ủi : “Với anh, em vẫn là vợ chính thức”. Vợ phản đối: “Anh tưởng anh là ai mà đòi có vợ lẻ nàng hầu?!” .Làm xong thủ tục ly hôn tại tòa án, vợ ra về “cảm thấy một nỗi buồn len nhẹ vào lòng!”, tr.24.

 

22. Truyện “Còn lại bên đời”. Mẹ cô Trâm lên thành phố giúp việc cho một nhà giàu. Người làm mẹ cô có thai được gia đình đưa đi du học nước ngoài rồi cưới vợ Tây, ở luôn bên đó. Bà về quê sinh ra Trâm. Trâm lớn lên trong sự hờn ghen của mẹ, sự ghẻ lạnh của bà con bên ngoại.! “Mẹ cô vì quá hận người tình phụ bạc để cha mẹ bà phải xấu hổ với mọi người nên Trâm thành nơi để bà trút hết những nỗi bực dọc trong lòng”, tr.81. Cô lớn lên, “đã mấy phen lỡ duyên vì mẹ luôn gạt phăng những người yêu thương cô tìm đến”, tr.87. Năm cô trên 30 tuổi, có người đàn ông chết vợ nhờ người sang hỏi cô làm vợ kế, cô muốn nhận lời nhưng bị mẹ phản đối kịch liệt vì sợ không người nuôi bà! tr. 87.

 

23. Truyện “Bến nước 13”: Cúc lấy chồng muộn. Chồng Cúc nhu nhược, không quyết đoán, mọi việc đều nghe theo lời cha mẹ và mấy đứa em. Cả nhà không ai làm gì cho ra tiền, sống nhờ vào đồng lương tháng của Cúc. Đứa em trai út ngang ngược, hung dữ, không học hành gì được, luôn vòi tiền Cúc, không cho tiền thì nó hành hung. “Cảnh nha xào xáo bất hạnh như vậy đó”, tr.92. Cô sẩy thai, chồng cô không quan tâm tới, tr.95. Chồng cô đòi cô chấp nhận để anh ta đi lại với một phụ nữ đã  có con với anh trước  khi cưới cô, tr.95. Cha chồng cô chết vì mọi người trong nhà tin lòi đồng bóng chỉ cầu cúng chứ không thuốc men gì, tr.95. Cha chồng chết được 3 ngày thì chồng cô kết tội cô là không lo cơm cháo cho cha chồng để ông chết đói rồi đuổi cô ra khỏi nhà, tr.96 để đưa mẹ con người phụ nữ kia về nhà sống với ông. “Cúc về lại nhà mình, vừa buồn nản vừa thất vọng”, tr.97, sống trong lặng lẽ trong quãng đời còn lại mà cô gọi là “Bến nước thứ 13”, tr.97.

 

24. Truyện  “Sự dối trá ngọt ngào”: Cậu Trường và cô Diệp chơi thân với nhau từ thời học Phổ thông. Lên Đại học, cả hai đều vào học trường Đại học Kinh tế. Diệp yêu Trường tha thiết nhưng chưa có lần nào nói cho Trường biết. Tốt nghiệp rồi hai người đều có việc làm ổn định tại hai  Công ty gần nhau nên tuần nào hai người cũng vào quán cà phê Thiên Đường để tâm tình sau 6 ngày làm việc vất vả. Sáng chủ nhật hôm, cũng nơi quán Thiên Đường, Trường trao tận tay Diệp một tấm thiệp cưới. Diệp thấy tên Trường và tên một cô gái nằm sóng đôi thì nước mắt trào ra, hỏi Trường: “Nếu em không xấu mà xinh như cô vợ Bác sĩ sắp cưới của anh, anh có bỏ em đi cưới vợ không?” tr.129. “Diệp vẫn không biết hết ý nghĩa mầu nhiệm của tình yêu là gì? Phải chăng nó giống như thứ tình mà Trường đã bao năm dành cho cô?” tr.130. Đó là : Một sự dối trá nhưng ngọt ngào!.

 

***

Trong  24 truyện viết về thân phận người nữ, Trần Minh Nguyệt đã vận dụng bút pháp thuật sự chen miêu tả rất điêu luyện, bố cục mỗi truyện mỗi khác nhưng hợp lý, tâm lý nhân vật được đào sâu và phân tích tinh tế. Nhờ vậy mà đã tạo được sự mới lạ trong sáng tạo truyên ngắn, có sức hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối, từ tập I đến hết tập III. Nhưng điều khiến tôi trăn trở, nghĩ thầm là:: Những người nữ nói trên không phải người nước ngoài mà là người Việt Nam, không phải người đời xưa mà là người đời nay, chuyện của họ không phải chuyện đời xưa mà là chuyện đời nay. Vậy chúng ta phải làm gì để những cảnh đời bất hạnh khổ đau như thế (hoặc tương tự như thế) không tái diễn, để cuộc sống mọi người được thăng hoa, có ý nghĩa và tốt đẹp hơn. – ngoài sự ngậm ngùi chia sẻ?

 

Xin mượn  bốn câu thơ của Hồ Dzếnh để khép lại bài viết này :

 

Cô gái Việt Nam ơi!

Từ thở sơ sinh đã khổ rồi !...

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi !”./.

 

Bồng Sơn, 12.09.2012

 

Đặng Quý Địch
Số lần đọc: 1681
Ngày đăng: 24.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Hôm Nay - Nguyễn Vy Khanh
Cảm nhận "Chơi giữa mùa trăng" - Trần Trung Sáng
Thế-giới nhân-bản của Nhật Tiến - Nguyễn Vy Khanh
‘Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ Điền” - Bùi Công Thuấn
Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ Điền. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tìm hiểu thơ “Có Thể” của Đoàn Minh Châu - Khổng Ðức
Cao Đông Khánh, ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ - Nguyễn Vy Khanh
Bài Thơ Người Về Qua Một Số Lời Bình - Nhiều Tác Giả
Từ Trung Tâm Ra Ngoại Biên, Từ Ngoại Biên Vào Trung Tâm - Lại Nguyên Ân
Yêu mãi cuộc đời này - Huỳnh Ngọc Nga