Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
647
116.673.319
 
Kỷ niệm100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử (22/9/1912- 22/9/2012):------------ Cảm nhận "Chơi giữa mùa trăng"
Trần Trung Sáng

 

Chơi Giữa Mùa Trăng do Ngày Mới ấn hành lần đầu vào năm 1941, và An Tiêm tái bản vào năm 1969. Mặc dù, trên bản in ngày 7 tháng 4 năm 1969 ghi rõ: “Chơi Giữa Mùa Trăng tập văn di cảo của Hàn Mặc Tử do nhà An Tiêm xuất bản theo sự thoả thuận của thi sĩ Quách Tấn…”, song từ đó đến nay, mỗi khi nhắc về tác phẩm này của Hàn Mặc Tử, nhiều người vẫn không ngớt phân vân, chưa thể xác định, đây thuộc thể loại văn học nào: tùy bút, tạp văn hay thơ xuôi?

 

Theo Trần Thanh Mại, Chơi Giữa Mùa Trăng là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy. Bài ấy, nhan đề là Chơi giữa mùa trăng, là một bài văn mới lạ, xưa nay trong văn giới của toàn thể hoàn cầu cũng chưa ai nghĩ đến nó, hay đến có thể để ngang hàng với những bài hay nhất thế giới, cả Đông phương và Tây phương.” (Hàn Mạc Tử (1912-1940), NXB Văn Học, Hà Nội 2006, tr. 148-149). Đào Ngọc Chương cho rằng, có lẽ đó là thơ văn xuôi. Tác giả này viết: “Tôi nói có lẽ bởi vì ngay dưới tên tác phẩm Chơi giữa mùa trăng, trong quyển sách này có dòng ghi Thơ văn xuôi. Tôi dài dòng như vậy để thấy một điều là “có lẽ” (vì hiện nay chúng tôi không có bản in đầu tiên) khi viết Chơi giữa mùa trăng, chính Hàn Mặc Tử cũng không chú thích thể loại cho cái tác phẩm đặc biệt này” (TCSH số 234 - 08 - 2008).

.

Còn Lê Huy Oanh nhận định, phân loại cụ thể Tuyển tập Chơi Giữa Mùa Trăng bao gồm 10 bài viết là : “các bài Chơi Giữa Mùa Trăng ( trang 10), Mùa Thu Đã Tới (trang 21), Kêu Gọi (trang 27), Khao Khát (trang 43), Tình (trang 47). La Pureté de I’ame có kèm bản dịch Việt ngữ của chính Hàn ( trang 65 và 71) đều có thể được coi như mhững bài tuỳ bút được viết theo thể văn xuôi thi vị hoá (tương tự như thơ xuôi).


- Hai bài “Thơ” (trang 54) và “Ra Đời” (trang 59) thuộc thể thơ xuôi thuần tuý.


- Hai bài “Quan Niệm Thơ” (trang 33) và “Chiêm Bao Với Sự Thực” có tính chất nghị luận”(Văn
học.- 1974.- Số 181).

 

Có lẽ cũng chính từ nhìn nhận trên, nên phần lớn các nhà nghiên cứu khi nhắc đến Chơi Giữa Mùa Trăng thường tập trung nhiều hơn vào tác phẩm đầu tiên Chơi Giữa Mùa Trăng, bởi xem đây là tác phẩm tiêu biểu cho dòng thơ xuôi của Hàn Mặc Tử.

 

Tương tự phần lớn những bài thơ khác của mình, Chơi Giữa Mùa Trăng, chỉ với cái tựa đề, Hàn đã dẫn người đọc đến một không gian tràn ngập ánh trăng huyền ảo. Trăng nơi đây là trăng mùa thu, hay nói chính xác là trăng rằm mùa thu. Trăng lan toả trên mặt sông biến dòng sông thành một “đường trăng trải chiếu vàng”. Nhà thơ bơi thuyền trên sông trăng cùng một người chị. Hai chị em bơi thuyền đi “Chơi Giữa Mùa Trăng”: “Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa, và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê không còn biết có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói... Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn Giang!” . ‘Đi trong thuyền chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền...” ( trang 11,12)

 

Tác giả Lê Huy Oanh nêu nghi vấn: “Chúng ta không biết rõ quả thật hai chị em Nguyễn Trọng Trí có từng chèo thuyền đi chơi sông trăng bao giờ hay không. Dầu có thật hay không thì chúng ta cũng vẫn thấy rõ ràng Hàn Mặc Tử đã vận dụng trí tưởng tượng để tạo dựng (hoặc tô diểm) cuộc “Chơi Giữa Mùa Trăng” đó thành một biểu tượng. Sự huyền ảo tinh khiết của cảnh đó tượng trưng cho cõi Mộng của tác giả, bởi đối với Hàn Mặc Tử chỉ trong cõi mộng, chàng mới thấy mình lâng lâng vui sướng”.  Và Lê Huy Oanh khắng định :”Chơi Giữa Mùa trăng là một bài văn loại thơ xuôi rất đặc sắc, cả về nội dung lẫn hình thức”.

 

Trong khi đó, theo tác giả Lê Phụng, áng thơ xuôi Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử làm gợi nhớ đến không gian của vài  truyện cổ Việt Nam, mà cụ thể là truyện Từ Thức Lấy Vợ Tiên, chép trong bộ Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Lê Phụng viết : “Phải chăng đó là biệt tài của Hàn Mặc Tử đã biến đổi một truyện cổ tích thành một áng thơ xuôi? Còn một chi tiết đáng để ý, là trong thơ xuôi chị của tác giả cho biết là chị ông khi đó mới mười lăm. Như vậy áng thơ xuôi này chính là một giấc mơ trở lại thời niên thiếu của Hàn Mặc Tử, ngày ông mới mười hai mười ba tuổi. Hàn Mặc Tử, dẫu mới mười hai mười ba tuổi đã lấy giấc mơ vũ trụ làm thi hứng. Hàn Mặc Tử đeo đẳng hứng thơ giấc mơ vũ trụ đó trong nhiều sáng tác khác của ông. Hứng thơ vũ trụ đó hé mở tiềm thức của nhà thơ như ông viết trong câu cuối cùng áng thơ xuôi Chơi Giữa Mùa Trăng:  Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi [... ] em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm …Phải chăng ước mong đó chính là mầm mống dòng thơ Đạo của Hàn Mặc Tử?”

 

Phần còn lại trong tập Chơi Giữa Mùa Trăng đều đáng được xem là thứ tuỳ bút viết bằng thứ văn xuôi thi vị hoá. Các ý tưởng được phát biểu trong bài rất rời rạc mơ hồ, đôi khi nghe như những lời mê sảng.

 

Riêng bài “Quan niệm thơ” là một nghị luận mà Hàn Mặc Tử đã viết gửi cho Trọng Miên để giãi bày vài điều quan trọng trong đường lối sáng tạo của ông, bằng cách so sánh, về vài điểm, thơ ông với thơ Baudelaire. Bài “Thơ” là bài mà Hàn Mặc Tử đã viết làm bài “Tựa” cho tập thơ Đau thương của ông. Trọng Miên đã tuyển chọn nó vào tập Chơi Giữa Muà Trăng (1941) rồi lại dùng nó như một bài mở đầu cho tập tuyển thơ Hàn Mặc Tử (1942). Trong thơ Hàn mặc Tử, cái nhan đề “Thơ” của bài ấy đã bị loại bỏ. Còn bài “Ra Đời” được Hàn mặc Tử viết sau lễ Giáng Sinh 1939, tại Quy Nhơn, vào một ngày mà chính thi nhân cho là “rất say, rất dại và rất nhớ, rất thương”. Bài này, ngoài Chơi Giữa Muà Trăng, còn được tuyển lựa in vào tập Thơ Hàn Mặc Tử thành bài đề tựa cho Mục Xuân Như Ý. Bài “LA PURETÉ DE L’ÂME” đã được Hàn Mặc Tử sáng tác bằng Pháp ngữ vào thời gian ông nằm trên giường bệnh, lúc sắp qua đời tại nhà thương Quy Hoà. Bản văn này, Hàn Mặc Tử cũng viết lại bằng tiếng Việt, nhan đề Linh Hồn Thanh Khiết như một bài thơ xuôi tuyệt đẹp, rất nồng thắm, rất thiết tha…chứng tỏ Hàn đã viết bài ấy trong một lúc xuất thần, cái lúc mà ông chiêm nghiệm thấy rõ rằng sự đẹp đẽ nhất của trần thế này chính là sự thanh khiết của linh hồn con người, sự thanh khiết được hun đúc bằng tinh thần Thiên Chúa Giáo.

 

Nhìn chung, dù mỗi người cảm nhận về Chơi Giữa Mùa Trăng một cách khác nhau, song điều cần khẳng định, tác phẩm này đã để lại một dấu ấn hết sức quan trọng trong sự nghiệp thi ca của Hàn Mặc Tử. Đặc biệt, cùng với các tác giả Xuân Diệu (điển hình với tập Phấn Thông Vàng), Huy Cận, Bích Khê, Chế Lan Viên…,Hàn Mặc Tử là một trong những thi sĩ đầu tiên đã góp phần cổ xuý,  hiển dương lối thơ xuôi tại nước ta./.

 

Ảnh: Bìa sách Chơi giữa mùa trăng  do An Tiêm ấn hành năm 1969

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 4679
Ngày đăng: 22.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thế-giới nhân-bản của Nhật Tiến - Nguyễn Vy Khanh
‘Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ Điền” - Bùi Công Thuấn
Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ Điền. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tìm hiểu thơ “Có Thể” của Đoàn Minh Châu - Khổng Ðức
Cao Đông Khánh, ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ - Nguyễn Vy Khanh
Bài Thơ Người Về Qua Một Số Lời Bình - Nhiều Tác Giả
Từ Trung Tâm Ra Ngoại Biên, Từ Ngoại Biên Vào Trung Tâm - Lại Nguyên Ân
Yêu mãi cuộc đời này - Huỳnh Ngọc Nga
Chiều cạn - Hòa Văn
Đôi Điều Ghi Nhận Về: Hai Tập Truyên Ngắn Của Nhà Văn Mang Viên Long - Ngọc Bút
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)