Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.632.087
 
Trái tim con rồng đá
Trần Trung Sáng

Đã hơn 10 năm, khi trở lại Huế, tôi vẫn dễ dàng nhận ra ngôi nhà của Bạch Dương. Từ cánh cổng sắt nặng nề, đến những bệ đá dọc bờ hồ ngoài sân, đến các thứ đồ đạc sắp xếp trong phòng khách ... tất cả gần như còn nguyên vẹn, trầm lắng, chừng muốn theo dõi từng cử động của tôi. Nhưng Bạch Dương, nàng đã rất khác xưa: dáng người gầy guộc, mái tóc cắt ngắn, nụ cười héo hắt, chốc chốc tạo thành những nếp nhăn buồn bã; nếu không vì đôi mắt tròn xoe, đen láy, mơ màng còn lại, chắc khó lòng tôi biết được đó là Bạch Dương thuở xưa. Tuy nhiên, gặp nàng tôi không khỏi bồi hồi, luyến tiếc. Tôi nói:

- Phải chi hồi đó mạ em đừng từ chối(!)

- Thôi anh, chuyện đã như vậy, chẳng nên nhắc lại làm chi.

- Nhưng ít ra, em cũng phải viết thư cho anh biết chừng là em vẫn chưa có ai.

           

Bạch Dương không nói, nàng lặng lẽ châm trà mời tôi. Cũng vẫn bằng bộ ấm tách nhỏ xíu như luôn nhủ người ta về sự chừng mực, nguyên tắc mà trước kia mạ nàng đã tiếp tôi. Một hồi, sau khi trao đổi nhau những câu thăm hỏi bâng quơ, Bạch Dương chúm chím, bảo:

- Hồi ấy, chính anh bảo trước sẽ không viết thư cho Bạch Dương, chừ còn trách chi nữa.

Tôi bật cười. Câu chuyện của nàng và tôi lại hiện mồn một trang đầu.

­

    Ngày ấy, vào khoảng thời gian năm học cuối cùng ở Huế, có lần tôi đã phàn nàn về cái tên của nàng : Công Tằng Tôn Nữ Nguyễn Thị Bạch Dương. Một cái tên dài lằng nhằng như vậy, trước hết, thế nào cũng gây cho tôi lắm sự rắc rối về sau. Hơn nữa, mai này khi ra trường, tôi không thể ghi đủ tên nàng vào phiếu thư gửi bảo đảm (vì tôi có tật gửi thư tình và thư đăng báo là phải gửi bảo đảm - mặc dù, cả hai loại thư này bưu điện vẫn ưu tiên cho miễn dán tem). Tôi nói:

- Trời ơi, cái tên chi mà lê thê ! sao không bỏ bớt vài chữ cho gọn?

- Làm sao mà bỏ được - dòng dõi nhà em như vậy mà.

- Nhưng nó khó nhớ quá !

- Có ai bắt nhớ đâu. Nói là nói vậy, chứ tôi vẫn quyết đeo đuổi Bạch Dương đến cùng. Mấy đứa bạn cùng cùng lớp với tôi cứ mãi bàn ra, cho rằng nàng là con nhà trâm anh thế phiệt, tôi chớ dại trèo cao té nặng. Nhưng tôi không hề nản chí, những khi nàng tỏ ra gay cấn quá tôi tự trấn an mình bằng hai câu thơ:

Học trò trong Quảng ra thi

Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành

 

Thế rồi, nước chảy đá mòn. Những nhọc nhằn chông gai ban đầu cũng trôi qua, tôi nài nỉ Bạch Dương đưa tôi về nhà gặp mẹ nàng.

 

Mạ Bạch Dương, ấy là một người đàn bà trạc trên dưới 60, đài các nhưng phúc hậu. Vừa gặp tôi, bà đã niềm nở như thân quen từ lâu:

- Chao ôi! Lâu nay sao không chịu về nhà chơi cho biết? Tôi nghe em Dương nhắc hoài về cậu.

Vừa khoan thai têm trầu, bà vừa thăm hỏi chuyện học hành của tôi và Bạch Dương, lại vừa ngắm nghía quan sát tướng mạo của tôi. Bà chép miệng:

- Chà, tiếc quá! Cậu có cái nốt ruồi trên sống mũi... Theo tướng số, đàn ông mà có cái nốt rồi như vậy thì cuộc đời không thành đạt lắm!

 

Thoạt đầu , tôi nghe ỉu xìu, định chối quanh bảo rằng đó là một vết tàn nhang do mụn gây ra, vài tháng sẽ phai. Nhưng chợt bà lại bảo tôi nghiêng đầu về phía bà, và gật đầu nói:

- Nhưng được cái lỗ tai. Lỗ tai tốt tướng đó. Được ! ... Được ...!

Tôi nghe mừng rơn, tìm cách trả lời thật dài dòng những câu hỏi thăm về cha mẹ, anh em, quê quán ... để khỏi bị nói chuyện tướng số. Đến chừng hết chuyện, tôi ngỡ đã thoát, bà lại hỏi tiếp:

- Cậu tuổi con chi rứa?

Tôi nhanh nhẩu đáp :

- Dạ tuổi con ngựa. Tuổi Ngọ đó bác !

- Ý chết,  cậu nhỏ tuổi hơn hơn Bạch Dương rồi ! Con Dương nhà tôi tuổi con Rồng, tuổi Thìn.

Tôi giật mình, thật tình bấy lâu nay tôi chẳng hề biết Bạch Dương bao nhiêu tuổi, vả lại bao giờ tôi cũng thấy nàng bé bỏng vô cùng. Tôi nghẹn lời, còn mạ Bạch Dương thờ dài ra chiều tiếc rẻ, đoạn bà hỏi thêm như để trấn an tôi:

- Cậu sinh tháng nào biết không?

- Dạ sinh tháng chạp, bác ạ.

Bà lẩm nhẩm tính toán trên những đốt ngón tay, vừa đứng dậy bỏ đi, bảo:

-       Thôi, cậu ngồi nói chuyện với Bạch Dương, để tôi tính lại.

­

Sau buổi tiếp chuyện với mạ Bạch Dương lần đầu, Bạch Dương gặp  tôi cho biết :” Không ổn rồi , mạ em đi coi bói, thầy bói bảo tuổi hai đứa mình không hạp nhau, phải xa nhau thôi”. Nhưng tôi không thể chấp nhận được điều đó. Tôi nghĩ, một khi đã yêu nhau thật lòng, tất phải sống với nhau hạnh phúc, không vì tuổi  tác. Tôi quyết tâm nói chuyện với mạ Bạch Dương kỳ cùng.

Dăm ba lần sau đó, tôi trở lại nhà Bạch Dương. Mạ nàng vẫn không có dấu hiệu nào giảm đi sự ân cần thân mật với tôi. Nhưng khi bước vào đề tài chính, bà khẳng định ngay:

- Tôi cũng mến cậu lắm. Nhưng không được đâu cậu ạ. Bạch Dương là mạng con rồng, mạng vua chúa cao sang. Còn cậu đã nhỏ tuổi hơn, lại mạng con ngựa, mạng của kẻ bề tôi. Hai mạng này chung sống sẽ bẻ nhau, không lâu dài được.

Rồi từ chuyện tuổi, mạ Bạch Dương nói sang chuyện tên. Bà dẫn giải lý do Bạch Dương mang cái tên dài dằng dặc: nào tổ tiên, nào ông cố, ông nội từ các đời vua quan xa xưa đến những người thân thích họ hàng trong thời cách mạng hiện đang làm lớn tận cỡ nào, ở những đâu... để tôi hiểu rằng: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Và để kết luận: giữa tôi và Bạch Dương tính từ tuổi đến tên, vị chi là không được.

­

Không được, cũng như phần lớn những cô gái dòng dõi phong kiến ở Huế thường giữ trọn câu ”Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” Bạch dương gạt nước mắt tìm mọi cách lẩn tránh tôi. Phần tôi: ra trường xong, tôi trở về quê quán, lẫn lộn giữa dòng đời, làm đủ mọi thứ: dạy học, đi buôn, viết văn, viết nhạc, ứng cử Hội đồng nhân dân, rồi lấy vợ... Ngẫm lại, cuộc đời nhiều lúc ba chìm bảy nổi, nhưng cũng thật hào hứng, ý nghĩa. Thỉnh thoảng, có bạn bè cũ rủ ra Huế, tôi hỏi thăm mới biết sau tôi, Bạch Dương có thêm dăm ba mối tình khác nhưng không biết những anh chàng này tuổi tác bổn mạng ra sao mà cũng chẳng đến đâu.

­

Ngồi với Bạch Dương suốt buổi sáng, tôi nói hoài vẫn không sao hết chuyện, nhưng Bạch Dương có ý né tránh mỗi lần tôi nhắc đến quá khứ nhiều quá , nên nàng hỏi:

- Anh bây giờ được mấy cháu rồi ?

- Một - học mẫu giáo, và một - sắp sinh.

Mạ Bạch Dương, đã khá già yếu, bà chỉ ra thăm hỏi tôi, lúc tôi vừa đến, rồi lại quay vào buồng phía sau phòng khách. Nghe tôi nói chuyện gia đình, bà lại lên tiếng:

- Lại sắp sinh rồi hở ? Ui chao, sao không sinh hồi trong năm ! ra giêng là tuổi con rồng, tuổi này con trai thì tốt, con gái thì ...

 

Dường như bà vừa nhai trầu, vừa lẩm bẩm tính toán, nhưng khi tôi đứng dậy chào ra về không nghe bà trả lời.

Mùa xuân. Dọc hai lối đi trên sân vườn nhà Bạch Dương, lạng lờ từng đàn bướm muôn màu sắc. Những cánh bướm bao giờ cũng làm lòng người xao xuyến nhớ đến một thời yêu đương hò hẹn. Kề vai cùng Bạch Dương ra cổng, mấy lần tôi toan siết chặt tay này, nhưng nàng cứ rụt lại bảo:

- Không được, không được đâu anh.

 

Tôi hụt hẫng. Khi còn lại một mình ngoài cổng sắt cứ mãi thẫn thờ. Tự  dưng, nhìn theo cái dáng đi còm cõi đến xót xa  của Bạch Dương đang dần lẩn khuất, tôi bỗng oán giận người xưa đặt ra chi cái truyền thuyết cao sang về một con vật vốn chẳng có thật, để có những kẻ ghép mình trong chiếc vỏ của nó, cách biệt, lịm chết trước cuộc đời đầy sống động, bao la...

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3064
Ngày đăng: 05.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hà Chính - Vũ Ngọc Tiến
Song nguyệt - Trần Lệ Thường
Bắt chồng - Đỗ Trọng Phụng
Lưỡng tính - Trần Văn Bạn
Mang nặng kiếp người - Hội An
Nhà sáng tác - Đổ Thị Hồng Vân
Đêm pháo hoa - Trần Lệ Thường
Điều con muốn biết - Trần Văn Bạn
Quán thiêng - Vũ Ngọc Tiến
Bức hoạ của người nữ tu - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)