Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
590
116.767.877
 
Bắt chồng
Đỗ Trọng Phụng

Nhà văn Triệu Xuân: Xưa nay, người ta thường lên tiếng bảo vệ nữ quyền. Thân phận người phụ nữ ở quốc gia nào, thời đại nào cũng thiệt thòi, bất hạnh hơn đàn ông rất nhiều… Thế nhưng, hủ tục bắt chồng ở Tây Nguyên lại khiến cho số phận người đàn ông- cụ thể là chàng trai mới lớn Y Kuất trong truyện ngắn này - thấm đẫm bi, hài kịch! Bằng lối kể chuyện giản dị, hiểu thấu tâm trạng và tính cách người dân tộc, Đỗ Trọng Phụng đưa chúng ta đến kết luận tưởng như rất cũ nhưng vô cùng khẩn thiết và thời sự: Cần xóa bỏ hủ tục để mang lại tự do chân chính cho con người… Tôi xin giới thiệu truyện ngắn Bắt chồng với bạn đọc. 

                                                                           

Thằng Y Kuất cắm mặt bước sau lưng người đàn bà, con mắt nó có lúc chỉ bén gấu yêng mụ. Gùi của nó chẳng có gì, ngoài mấy củ rừng, nắm lá làm rau bữa tối. Vậy mà cái gùi với cái xà gạc vác vai cứ như níu nó xuống, buộc nó phải  rút chân, từng bước nặng nhọc. Lúc ở  với anh, cả khi anh có vợ, nó vẫn thường gùi nặng đủ thứ. Amí, ama mất sớm, không làm lụng thì lấy gì nuôi nhau. Bình thường cái gùi ấy trên vai, nó bay nhảy như con sáo non mới ra ràng. Đã ba mùa rẫy, nó cam chịu bén gót người đàn bà này. Còn bây giờ thì nó sợ. Sợ nhất vẫn là cái gấu yêng túa rua lất phất dưới bắp vế nửa trắng nửa nâu, chắc như lõi gỗ rừng trăm tuổi. Mặc dù đôi bắp vế ấy còn hấp dẫn với lứa người như ama Me. Hắn làm kiểm lâm huyện, nghe nói ăn hối lộ, bị tù. Hắn ở một mình như cây Kơ nia bơ vơ giữa rẫy. Có lần ở bờ suối, nơi gốc cây vả, hắn gạ gẫm đòi mụ, mụ chửi vào mặt. Hắn cười: “Thằng Y Kuất con nít không biết đổ nước đâu!”. Lúc ấy, Y Kuất mới mười ba tuổi, nhỏ thó lơ ngơ, cũng biết ama Me làm bậy.

 

Bây giờ nó quá tuổi con nít, vào tuổi người lớn, cái đầu đã bắt đầu biết nghĩ lúc nào cũng ong ong đựng cả rừng ve sầu. Nó ớn rợn nổi da gà, mỗi khi vào nằm với mụ.

 

Khi ngọn lửa ở bếp đầu sàn phía trong tắt lịm. Y Kuất chọn góc ngoài nơi cửa ra vào, nằm cuộn tho lo. Nằm kề nó là bốn đứa con trai, con gái mụ. Ngăn trong là cặp vợ chồng đứa con gái thứ ba. Ngăn trong nữa là cặp vợ chồng đứa con thứ hai. Sát ngăn mụ nằm là cặp vợ chồng con gái lớn. Chúng nó với lũ con nằm như bầy heo. Thằng Y Kuất ngáy kho kho, mãi tới lúc nó thấy cái gì nằng nặng dằn ngang bắp vế mới oằn mình giẫy giụa. Nó đẩy mãi, cái vật nặng ấy mới lăn ịch ra sàn. Nó mở mắt. Đêm đen đặc. Tai nó nghe rõ tiếng thở dài với hơi thở nóng ran phả vào mặt. Nó quờ tay đụng vào cái gì nhẽo nhẽo. Lúc ấy lại có tiếng thở dài và bàn tay nào vuốt ve bụng nó. Im lặng, nó sờ sợ. Ngọn gió rừng núp ở chốn nào chợt ào ào chạy dọc nhà dài, làm hồng bếp lửa. Ánh than lập lòe, nó thấy mặt người đàn bà nửa chìm nửa nổi trong đêm sâu. Uía, amí đã về với ông bà từ lúc nó lẫm chẫm? Đầu nó nghĩ hung. Lại thấy tiếng thở dài, rồi lại những ngón tay thô ráp vuốt ve nó. Cái người ấy ẵm nó, chiều nó như mẹ, xốc nó lên, hun nó. Nó nằm miết, ngủ lúc nào không biết. Mãi tới lúc con gà cộc cộc, nó mở mắt nhìn xung quanh, thấy mụ H’Liết với mấy đứa cháu quây quần quanh bếp lửa nấu cơm.

 

Mụ tập riết cho nó tới ba mùa rẫy...

Cho tới hồi hôm, cách chừng nửa con trăng, khi lũ con cháu mụ đã ngủ say, ngọn lửa bếp vẫn chưa chịu tắt. Ở cuối sàn, mụ thở dài ngó ngơ ra đầu sàn, nơi Y Kuất dựa lưng vào thưng nứa ngủ ngồi. Nó giật mình. Có tiếng chân người đi trên sàn. Mụ H’Liết. Nó mở mắt tròn xoe nhìn mụ. Mụ cười, nó không biết mụ cười gì. Mụ chìa tay dắt nó. Nó mắc cỡ, uể oải đứng lên đi lại cuối sàn. Mụ không lụi bếp, cứ để ngọn lửa lật phật nuốt củi. Mụ kéo nó nằm xuống, hun nó. Mặt nó đỏ rựng, quay vào trong. Mụ cười khanh khách, ghì chặt nó. Nó không chịu thuần phục như đứa trẻ. Nó bật dậy, trố mắt nhìn mụ. Mụ cười bẽn lẽn, quơ tay kéo nó. Nó quẫy đạp. Mụ xổ yêng, tốc lên che mặt. Ngọn lửa ác nghiệt soi tỏ thân thể người đàn bà. Tính con trai thức dậy, nó chịu hết nổi. Hai bộ ngực ập vào nhau. Người nó có lửa rạo rực. Nó làm theo mụ, chẳng được mấy hồi, người nó run bắn lên. Mụ mừng, biết nó là đàn ông thật rồi. Mụ xiết ghì nó, như con thú đói vồ được mồi. Nó mềm nhũn như tầu rau non gặp nắng. Từ ấy, cứ buổi tối, nó tự nguyện vào cái nơi định mệnh, làm cái việc bắt buộc... Nó lui cui như chú trũi con tập đào hang, lúc vội vội vàng vàng sợ người ta biết, lúc thì rệu rã như kẻ đi đường xa sắp chết đói, chết khát.

 

Bây giờ nó lẽo đẽo bước theo người đàn bà, chân tay rã rời sắp rớt ra khỏi người. Mụ dừng lại đỡ hai tay xuống đáy gùi xốc lên: “Mệt hả ?”. Nó gật đầu. Mụ ngồi phệt xuống đặt gùi, đứng lên đỡ gùi cho nó. Mồ hôi trên trán mụ chảy thành vệt loang lổ. Mụ chọn mấy củ bự nhất san sang gùi mụ. Mụ kéo nó ngồi xuống gốc cây pơ lang: “Tắm hả ?”. Nó ngoảnh mặt đi, không trả lời. Mụ cởi áo để lộ tấm lưng trần. Mụ khỏe thật. Bây giờ nó mới biết người phụ nữ hồi xuân, theo miệng mấy người lớn trong buôn hay chọc: “Mụ lại xuân, ăn thịt mày”. Thoạt đầu không biết, bụng nó sợ. Tới giờ nó không sợ nữa. Nó biết bụng mình và bụng mụ, cả hai cùng chán ngắt nhau. Cái đầu nó tối hù. Đầu mụ cũng vậy. Dường như cả hai đều nghĩ: “Giàng bắt như vầy, phải chịu thôi !”.

 

Mụ ngó nghiêng ngó ngửa, rừng trưa vắng người. Mụ cởi yêng vứt vào gốc cây pơ lang, quay lại nói với nó: “Tắm”! Mụ lột quần áo nó ra, lôi nó xuống suối. Nước suối mát, làm cho mụ quên nỗi mệt nhọc. Mụ kỳ cọ cho mình, cho nó. Nó ngồi ỳ trên hòn đá nhẵn mịn, mặc cho mụ muốn làm gì thì làm. Phải chi mụ cùng lứa với nó, thì nó đã bơi lội, đùa rỡn tung tăng. Nước mát không làm cho nó tỉnh táo trở lại. Từ ngày nó làm chồng H’ Liết, nó không có bạn. Bọn trẻ cùng tuổi thường hay chọc tức nó: “Y Kuất! Amí mày gọi về ăn cơm!”. Còn thằng Y Suất mỗi lần gặp mặt nó cứ nhơn nhơn cười, miệng ngoác đến mang tai: “Y Kuất! Nằm với amí có sợ không?”. Mặt nó buồn như có ma ám.

 

Mụ đắm mình trong dòng nước, bần thần nghĩ nhiều điều. Có vị thần nào giúp mụ giải được nỗi niềm này, thì mụ ơn đời. Thà bắt mụ phải gùi cả trái núi xuống sông thế tội, mụ cũng gùi. Đằng này bắt mụ phải ăn ở với thằng con nít đáng tuổi con cháu. Mụ đau đớn muốn nguyền rủa cái tục lệ. Nhưng chợt nghĩ, mụ lại giật thột sợ Giàng bắt tội. Tục lệ xưa nay của người Êđê là vậy, ai dám cưỡng? Lần chết người chồng trước, người kế làm chồng mụ là cháu ông ta, kém mụ chục tuổi. Hai người ăn ở với nhau được hai mặt con, không có điều tiếng gì. Ông không có bệnh. Ngày phát rẫy khỏe, đêm hôm ấy mụ cứ ngỡ là ông làm mệt, ngủ say. Ai dè sáng lâu không thấy ông dậy, mới hay ông chết còng queo. Mụ ôm xác chồng khóc như mưa rừng. Mụ làm ma cho chồng, nước mắt chưa kịp ráo thì dòng họ nhà chồng dẫn thằng Y Kuất gọi chồng trước là ông họ tới. Đang lúc bối rối, lòng mụ nghĩ không sâu, phó mặc việc đời cho hai họ. Thằng Y Kuất đến nhà “vợ” như đi chơi, rồi người ta để nó ở lại, bắt lũ con mụ gọi nó là ama. Mặc người ta bàn đủ chuyện, nó cũng chẳng cần biết nguyên do, cứ đùa giỡn, đánh chiêng với mấy đứa con nít. Mãi sau này người trong buôn xì xầm chuyện hay dở, nó mới biết, cả dòng họ bên chồng sợ không đưa nó vào nối dòng thì mất của, mất con. Của và con với nó có nghĩa lý gì? Cho nó đứng đầu dòng tộc Niê danh giá thì nó cũng chẳng thèm. Mụ biết lũ con trai con gái thời nay ưng bụng thì lấy nhau liền, khỏi cần làng, mặc người chê bai, chán nhau thì mỗi đứa một nơi.

 

*

Thằng Y Kuất cắm đầu chạy ngược dòng Sêrêpốc.

Dòng sông sôi sùng sục. Tới chân thác Ea Ba, nó dừng lại nhìn. Dòng nước réo gào đằng trước, đằng sau, cuồng loạn, dữ tợn...

 

Không sợ.

Chớp mắt, nó nhún người bay qua, huơ tay bíu vào mỏm đá cheo veo lưng thác. Nước xối tung toé vào mặt, vào lưng rát rạt. Nó mở mắt lượng sức định ném người qua  bờ bên. Không được, chỉ hụt hơi chút xíu thì tan xác, xưa nay ai dám cắt chân con thác cao ba sải cây rừng. Nó nghĩ vậy.

- Y Kuất...uất...uất ! Mụ H’Liết gào thét.

 

Mụ đuổi theo. Thằng Y Kuất ngoái lại. Mụ chạy nhanh, chỉ cách nó có cái với tay. “Sức con trai, chịu thua mụ già à?”. Đầu nó nghĩ, chân nó bay khỏi mặt đất.

“Tù...hu...hụ ! Tù...hú...ú...ú !”. Chết ! Cả làng biết rồi. Tiếng tù và thúc vào lưng nó. Nó bỏ đường lớn chạy cắt rừng dầu, về phía mặt trời mọc.

Ôi cái bến nước buôn làng, yêu làm sao! Đáng nguyền rủa làm sao !

“Tù...hu...u...ụ ! Tù...hú...ú...ú !”

 

Tiếng tù và dội đằng sau, tiếng trống ngực ập ình đằng trước níu nó lại. Mụ H’Liết loạng choạng vịn vào ngốc cây dầu, nhìn theo thằng Y Kuất. Bóng chiều chiếu xiên, xả vạt rừng dầu ra nhiều mảnh sáng tối. Thằng Y Kuất chạy như mũi lao bay, nhỏ dần, thấp thoáng lúc tối, lúc sáng...

Tiếng xe cúp rồ ga. Tiếng xe đạp lóc cóc. Tiếng lũ trai làng gọi nhau í ới. Chúng nó vác lao, cầm búa mặt phừng phừng. Thằng ama Me lăm lăm khẩu súng săn, nháo nhào đuổi theo thằng Y Kuất.

Cả làng lao xao bàn tán.

- Giữ làm gì cái hòn đá cuội. Thật là nhơ nhuốc cho cả dòng tộc Niê !

- Úi Giàng ! Được làm con một dòng tộc danh giá như thế ! Con nhiều! Của lắm ! Giống dòi sa hũ mắm nêm, lại không biết điều. Ngu hết chỗ chê !

         - H’ Liết Niê không đáng là vợ nó à ? Có giỏi thì kiếm được người như thế! Loại nó đến chó sói cái già cũng chê. Rồi nó cũng lang thang chết rục góc rừng thôi!

Mụ H’ Liết cúi đầu lặng thinh.

 

*

Chờ cho con cháu nằm yên, mụ H’ Liết mới len lén vào ngủ. Đứa con gái lớn biết bụng mẹ, nó ẵm con vào nói: “Bà cho cháu ngủ với !”. Mụ xua tay ra dấu cho nó bế con ra.

Mụ nằm chèo khoeo co quắp, lăn bên đông trống huếch, trằn bên tây trống hoác. Gió cuối mùa khô vật vã, lọt sàn nứa rít lên vu vú. Mụ rét run. Hai lần chồng chết mụ nằm khèo một mình, nhưng mụ không thấy tủi nhục đau đớn như hôm nay. Mụ tắt bếp, để lọt mình vào đêm sâu, vừa lăn ra, cơn gió đổ ập tới thổi bùng ngọn lửa. Mụ lụi cụi bò dậy lụi than, quẳng mấy cây củi ra vườn. Trăng sáng bên ngoài. Trăng sáng trong nhà. Nhắm mắt vào cũng thấy trăng. Mở mắt ra cũng thấy trăng. Dường như mọi đồ dùng trong nhà đều có mắt. Chúng mở mắt thao láo nhìn mụ, rồi lại nhíu nhíu con mắt cười cười. Mụ nằm trọi thọi lọi một mình, cố nén tiếng thở dài, nhưng càng cố nén  nó càng đầy ắp bụng, ộc lên cổ. Mùi mồ hôi khen khét, âm ẩm quen thuộc còn vương trên tấm chiếu cũ, làm cho mụ khó nhắm mắt. Mụ rướn người quài tay lấy cái áo của thằng Y Kuất đắp kín đầu.

 

Trăng sáng.

Con mắt mụ sáng thao láo như trăng. Mới tối hôm qua thôi, mụ đi dọc nhà dài xới cơm canh cho lũ con cháu, khi mụ trở vào, vẫn thấy thằng Y Kuất ngồi chờ. Nó gắp khúc cá nạc to nhất vào bát mụ. Mụ sẻ lại cho nó một nửa. Nó gỡ một miếng to đưa cho mụ. Mụ sung sướng ăn, ngoảnh mặt ra ngoài, tránh cái nhìn của nó. Hai người chồng trước thương mụ lắm! Nhưng có thương thì để trong bụng, chớ đã ai làm được thế! Nó ít tuổi làm được như vậy là tốt rồi. Mụ ăn cơm ngon lành. Vừa ăn vừa nghĩ đến một ngày giữa dòng tộc, mụ là người đàn bà kiêu hãnh có đức ông chồng cường tráng, khôn ngoan thay mình coi sóc dòng họ. Bụng mụ vui khấp khởi như thời con gái mới biết nhìn trộm con trai!

 

Vừa chập tối, Y Kuất đóng cửa kêu bọn nhỏ đi ngủ, mấy đứa lớn cũng kêu con chúng vào nằm. Thằng Y Kuất vào ngăn của mụ trước. Nó rờ nắn bắp vế mụ. Nó xổ tấm yêng vứt ra cạnh, ghì chặt lấy mụ. Mụ tê dại líu cả lưỡi. Giây lát, mụ là người sướng nhất thế gian. Ôi ! Cái mùi vị con trai vừa quen vừa lạ, mà có lúc mụ lầm tưởng là trái cây rừng sần sùi, vứt góc vườn không ai lượm, giờ được Giàng cho nếm thử, ngọt mát lịm tâm can. Người mụ trôi nổi bập bềnh đến cõi trời của ông Gỗn. Toàn thân mụ run rẩy. Nó cũng run lập cập. Cái nhà dài rung lên. Rừng đại ngàn cũng rung lên như sợi dây đàn brố lúc đang ca. Mồ hôi túa ra. Mụ mệt mỏi rã rời, nhưng thỏa lòng như người lao động cần cù khi được mùa nhìn nhà kho đầy ắp lúa.

 

Đầu mụ láng váng lảng vảng, rồi lịm đi. Mãi tới khi có tiếng chày đôi bậm bịch ở nhà bên, mụ mới giật mình. Người mụ nặng như bị trói vào đá. Tóc mụ dính bệt vào lưng, vào ngực như rễ dây leo bấu chặt vào thân cây rừng. Thằng Y Kuất ngủ như chết. Mụ cố sức kéo tấm mền phủ lên mình nó. “Thôi thì ráng chịu. Nó muốn có con với mình rồi”. Mụ nghĩ như vậy mà vui. Từ đấy cho đến chiều mụ mẩm bụng: “Đã cột được chân con voi rừng một ngà”. Có ngờ đâu con voi rừng lại bứt xích phá cái lệ bắt chồng.

Mụ thất thần vùng dậy đi ra khỏi nhà.

Trăng đỏ bầm mặt sông.

 

Dòng sông Sêrêpốc ngầu ngầu quặn mình gào rú như muốn lao thẳng về nơi hoang dã vốn sinh ra nó. Mụ dựa lưng vào gốc cây pơ lang nhìn dòng nước cuồn cuộn lao đi. Cả đời tắm nước sông tới bây giờ mụ mới biết dòng sông chỉ chảy một chiều. Những giọt nước mát tắm cho mụ, sẽ về đâu ? Mụ lần từng bậc xuống hòn đá thằng Y Kuất vẫn ngồi tắm, bụm tay vốc nước vã lên mặt. Giờ này con voi một ngà của mụ ở đâu ? Nó tìm thấy bầy chưa hay còn bơ vơ giữa đại ngàn ? Ngực mụ buốt rát. Nó bỏ làng trốn. Lệ làng xưa nay như nước dòng Sêrêpốc chỉ chảy một chiều. Cái thứ cưỡng lại lệ làng thì chẳng còn là người. Nhưng con trai con gái bây giờ chúng nó coi luật tục là cái gì ? Chuyện amí Me đấy thôi. Chồng làm kiểm lâm có tiền nhiều thì nó ở, lúc bị thôi việc về làng nó bỏ thẳng theo trai giữa ban ngày, đã ai làm gì ? Già làng đòi phạt trâu trắng cúng Giàng, nó cười toét miệng: “Trâu trắng chứ trời trắng cũng chịu. Đây chỉ có tiền. Ai muốn ăn đến lấy tiền mà mua”. Đàn bà con gái trên trời dưới đất chỉ có nó là một, đụng chuyện gì cũng tiền, tiền... Đã vậy, tối nào cũng thấy cái thằng mặc áo pun đỏ ghé xe cúp vào buôn chở đi. Nó ngồi sau xe ôm chặt thằng đàn ông, gặp người làng là cười: “Có đi ăn phạt hông?”. Vậy mà nó vẫn là công nhân lâm trường. Có ai nói sao, nó đối đáp: “Lệ làng thế, chớ lệ lâm trường đâu có thế !”

Từ ngày cả buôn vào lâm trường, mụ bám riết thằng Y Kuất mà không được. Bây giờ thì mụ lo cho mấy đứa con gái cứ đi làm lâm trường miết rồi cũng sanh hư. Rừng bây giờ là của lâm trường chứ đâu phải thứ Giàng cho, không làm thì ăn bằng gì ? Nước mắt mụ lã chã rơi, dòng sông hung dữ cuốn đi mất tăm.

 

Có ai choàng lên người mụ tấm áo. Mụ giật mình ngoảnh lại. Thằng ama Me!

- Mình ơi mình! Về với tui đi. Đừng có liều thân phí đời. - Hắn cười nhăn nhăn, nhìn xoáy vào mắt mụ. Mụ quay phắt vứt cái áo xuống sông.

- Con cáo đói, cút đi!

Hắn cười hì hì ôm chầm lấy mụ thì thào :

- Tui... tui thương mình !

Mụ tức giận chồm lên đẩy vào ngực hắn. Hắn bật ngửa xuống sông. Hắn chới với một đoạn, lồm cồm bò lên bờ, không ngớt miệng rủa:

- Con sói đói lại chê thịt à ? Thèm chết đi được còn giả bộ !

“Đồ khốn ! Giòng giống nhà mày rồi cũng tiệt nòi”! Mụ lẩm bẩm bỏ đi.

Sau lưng mụ, dòng sông điên cuồng gào thét!1

 

Buôn Ma Thuột, ngày 16-10-1990



1 Truyện này in lần đầu trong tập Bắt chồng, NXB Văn hóa Dân tộc, 1990; sau đó in trong tập Mùa bỏ mả, NXB Quân đội Nhân dân, 2003.

Đỗ Trọng Phụng
Số lần đọc: 2344
Ngày đăng: 01.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lưỡng tính - Trần Văn Bạn
Mang nặng kiếp người - Hội An
Nhà sáng tác - Đổ Thị Hồng Vân
Đêm pháo hoa - Trần Lệ Thường
Điều con muốn biết - Trần Văn Bạn
Quán thiêng - Vũ Ngọc Tiến
Bức hoạ của người nữ tu - Trần Trung Sáng
Chị em sinh đôi - Nguyễn Nguyên An
Cổ thụ lùn - Quý Thể
Lão Khương Câm - Đặng Hoàng Thái
Cùng một tác giả
Bắt chồng (truyện ngắn)