Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
735
116.706.808
 
Tản mạn về cái tôi Phạm Thiên Thư trong thi phẩm “ Trại hoa đỉnh đồi”
Phan Trang Hy

 

 

      Phạm Thiên Thư được nhiều người biết đến từ khi những bài thơ của ông được Phạm Duy phổ nhạc. Thơ của ông man mác, bàng bạc từ “Ngày Xưa Hoàng Thị”, “Động Hoa Vàng” đến “Em Lễ Chùa Này”, “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”… Nhiều khi nghe và đọc thơ ông, tôi thấy một Phạm Thiên Thư với Cái Tôi của một con người vừa muốn thoát tục, vừa muốn gắn bó cõi bụi trần. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin tản mạn về Cái Tôi của Phạm Thiên Thư trong thi phẩm “Trại Hoa Đỉnh Đồi” (Nxb Văn Nghệ, 2006).

      Theo S. Freud, mỗi cá nhân đều thể hiện Cái Tôi của mình, và Cái Tôi ấy là một phần tính cách của cá nhân. Cái Tôi ấy, vừa có Cái Nó, vừa có Cái Siêu Tôi. Và với cá nhân Phạm Thiên Thư, Cái Tôi của ông, theo tôi, cũng chịu sự tác động của hai yếu tố còn lại. Tuy nhiên, với cái tâm mộ đạo, cái tâm hướng về Phật học đã ảnh hưởng rất nhiều đến giọng thơ của Phạm Thiên Thư trong nhiều thi phẩm, và cả “Trại Hoa Đỉnh Đồi”.

      Cái Tôi vừa muốn thoát tục, vừa muốn gắn bó cõi bụi trần của Phạm Thiên Thư, trước tiên, là Cái Tôi hóa thân từ cõi uyên tuyền đến cõi người. Cõi uyên tuyền, ở đây, theo tôi cảm nhận, đó là cõi vừa là ma, vừa là Phật, vừa là quỷ, vừa là thánh thần, là cõi hỗn mang, u u minh minh, vừa là hố thẳm vũ trụ, vừa là hạt bụi trần ai. Ông như trút bỏ tất cả, như lột xác từ cõi vô cùng, cõi xa xăm từ ngàn vạn xứ sở để thành người chốn trần ai.     

      Dù từ chốn xa xăm, chốn bồng lai, hoặc cõi ta bà, hoặc cả ba ngàn thế giới đến trần gian này, Cái Tôi của Phạm Thiên Thư tự biết “theo tiếng chim Quyên”, phải tự thanh lọc ô trược để hồn thơm như hoa lê, hoa bưởi, kể cả “ứng thân trắng nốt cơn mê cháy nồng”, để hồn và vóc thể thơm lừng từng chút, từng chút như “chuỗi bông hương rừng”. Hình tượng “chuỗi bông hương rừng” làm tôi liên tưởng đến chuỗi tràng hạt hoặc chuỗi Mân Côi, những chuỗi hạt dùng trong việc tụng niệm giúp con người hướng đến cõi thanh sạch, thiêng liêng. Và khi hướng đến cõi ấy, Cái Tôi như hòa nhập với cõi vô cùng: “Cái ta hay chỉ là từng bầy hoa”. Cái Tôi ấy cũng được tô bồi, lớn lên cùng kỳ hoa dị thảo:

          “Phải chăng từ cõi uyên tuyền

          Bước ta theo tiếng chim Quyên gọi về

          Rồi như hoa bưởi hoa lê

          Ứng thân trắng nốt cơn mê cháy hồng

 

          Mỗi mùa xuân hạ thu đông

          Hồn thêm kết một chuỗi bông hương rừng

          Ướp thêm vóc thể không ngừng

          Cái ta hay chỉ là từng bầy hoa

 

          Đã cười nói với chim ca

          Lại trầm mặc giữa trại hoa đỉnh đồi

          Sương lam mây trắng tô bồi

          Nuôi khôn lớn giữa một nôi cỏ hường”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Như hài nhi giữa chốn bụi đời, vẫn ngây thơ đến độ nhiệm màu nguyên thủy, vô tư lự với nụ cười, tiếng khóc ban sơ, như tuổi từng bước trôi theo dòng đời cô đơn rong ruổi kiếp người khắp chốn, từ cánh đồng cỏ xanh đến từng trời mây trắng, Phạm Thiên Thư ngộ được sự màu nhiệm, sự huyền bí của muôn kiếp chúng sinh từ thuở “ban đầu linh thiêng”. Rõ là Cái Tôi của ông từ cõi uyên tuyền ấy vào cõi người trải qua bao tuổi, trải qua bao chuyện thấm đẫm giấc mộng làm người giữa chốn nhân gian:

          “Mộng còn vàng sẫm hiên xanh

          Ta hài nhi mãi giữa thành nôi thơm

          Tuổi là tuổi suối cô đơn

          Rong chơi nội cỏ lam vờn làn mây

 

          Sự huyền bí của rừng cây

          Mãi còn là một bậc thầy cao sâu

          Khúc ca cầm thú nhiệm mầu

          Vẫn là ngôn ngữ ban đầu linh thiêng”

                  (“Căn gác tịch mịch cuối chân đồi ấp Đông”)

      Cái Tôi hóa thân từ cõi uyên tuyền ấy đến cõi người trong thi phẩm “Trại Hoa Đỉnh Đồi” làm cho trong lòng tôi hiện lên câu chuyện “Con nhện và Đức Phật”. Chỉ là câu chuyện do người đời tạo dựng nhằm ngụ ý trong thế gian này, cái quý nhất không phải là thứ không có được và mất đi, mà là hạnh phúc đang có. Hình ảnh “nhện” có khác chi tiền kiếp của Chu Nhi, hình ảnh “sương” có phải là Cam Lộc? Chỉ là hồn vỡ mộng trong lòng của kẻ si tình đơn phương nên tình yêu của Chu Nhi dành cho Cam Lộc đâu được đền đáp. Thôi thì, tiếc chi thứ không có và mất đi! Phải tự biết mình cũng như hạnh phúc mình đang có:

          “Vô tình bước xuống hội hoa

          Nhện giăng sương đọng như là thủy tinh

          Long lanh in đậm bóng mình

          Tự ta đạp vỡ cái hình khói sương”

                  (“Chút bâng khuâng trên hiên hoa vàng”)

      Trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi”, ngoài Cái Tôi hóa thân từ cõi uyên tuyền đến cõi người, còn có Cái Tôi phiêu bồng của thi nhân ngộ đạo của người từng viết “Kinh Ngọc” (thi hóa Kinh Kim Cương), “Đạo Ca”, “Kinh Thơ” (thi hóa Kinh Pháp Cú), “Kinh Hiền” (thi hóa Kinh Hiền Ngu)…

      Cái Tôi phiêu bồng ấy của gã thi sĩ Phạm Thiên Thư như bay lên cao, hay hồn bước lên cao nhẹ tênh như khói lam chiều, hay như cánh diều, vờn bay như theo mây, theo gió. Đây là Cái Tôi phiêu bồng trong cõi không gian hữu tình:

          “Bóng ai chất khói lam chiều

          Ta lên chỏm gió buông diều theo mây”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Cái Tôi phiêu bồng ấy bùng khởi từ tâm hồn tự do, khoáng đạt, không vướng lụy trần ai; lên núi lên non thả hồn cùng mây, tung tăng đùa chơi như con trẻ giữa đồng, để rồi gặp lại nguồn cội cùng giấc mê đẹp vô ngần:

          “Sớm theo mây nổi non bồng

          Tung tăng chạy giữa cánh đồng reo ca

          Giận mình lỡ đạp ngàn hoa

          Đưa tay phủi rụng hai tà áo sương

 

          Chơi đùa ném sỏi trên nương

          Từ đâu vảng vất làn hương thoảng về

          Tìm theo gặp cội hồng lê

          Đêm sau hoa rụng giấc mê trắng ngần”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Từng một thời làm gã từ quan tìm động hoa vàng, phiêu bồng cùng non nước, trời mây, từng ngâm nga “Mười con nhạn trắng về tha/ Như Lai thường trụ trên tà áo xuân/ Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò bồng đảo trên miền tuyết thơm” (“Động Hoa Vàng”), Phạm Thiên Thư giờ vẫn là người không thể kìm nén hồn thơ trong cõi hữu tình, cõi đầy sắc dục vấn vương. Dễ gì thoát được mộng tưởng phiêu bồng trong cõi thế:

          “Nuôi tôi đất cát đã nhiều

          Chiếc thân mây họp tiêu điều nhân gian

          Trăm năm thấp thoáng qua ngàn

          Hoa rơi những bước phai tàn rưng rưng

 

          Đêm đêm tơ tưởng chưa ngừng

          Cái ta hay chỉ là từng bấy hoa

          Mai sau xuống ngựa cuồng ca

          Phủi tay ném hết ngọc ngà trên yên”

                  (“Căn gác tịch mịch cuối chân đồi ấp Đông”)

      Ngoài ra, tôi lại bắt gặp Cái Tôi yêu nước trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi”. Cái Tôi yêu nước ở đây theo hồn thơ lục bát, theo ngọn cỏ ven sông, theo dáng bay chim Lạc, ẩn tàng bao chứng tích lịch sử, khơi dậy bao nỗi niềm thế sự thi nhân:

          “Cò mang nắng quái cheo leo

          Chân dong bãi thẫm buồn neo đầy mình

          Con chim Hồn Việt tàng hình

          ‘Lý Trần Lê’ bỗng tỏ tình non sâu”

                  (“Ngọn suối reo quanh lều cỏ hồng”)

      Dù sau này, Phạm Thiên Thư có viết “Hát Ru Việt Sử Thi” như muốn bày tỏ Cái Tôi yêu nước của mình, thế nhưng, cái cốt cách của người một thời làm tu sĩ mãi vận vào những câu thơ ẩn chứa lòng yêu nước man mác. Theo tôi, Cái Tôi yêu nước của Phạm Thiên Thư là Cái Tôi yêu nước của người tu đạo, là Cái Tôi yêu nước không như lẽ thường tình. Cái Tôi yêu nước trong thi phẩm này, đượm màu chữ nghĩa, đượm triết lý của những người ngộ được dịch lý phương đông, của người tu hành, những bậc lên non đợi người tri kỷ:

          “Cửa lều uốn ngọn bầu quanh

          Thầy trầm ngâm viết bên nhành hoàng hoa

          Mình ngồi ngưỡng cửa ê a

          Đọc trang Quốc Sử Diễn Ca diệu thường

          ……………………………………………

          Xóa đi bày lại ván cờ

          Ngừng tay Thầy ngó hững hờ chân non

          Mặt trời như liệng quân son

          Đợi ai tri kỷ mỏi mòn bao năm”

          (“Dã thoại quanh bếp sưởi sương trắng”)

      Bên cạnh đó, tôi còn bắt gặp Cái Tôi an trú trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi”. Cái Tôi an trú này chính là cái tâm yên bình. Cái tâm yên bình ấy nhìn thấy đâu đâu cũng đẹp, cũng yên bình. Dẫu một mình lên non, tâm như thấy lau lách vui mừng chào đón, để rồi tâm lại bình yên như trâu về làng, bỏ lại lửa dục vọng, sân si, tà kiến:

          “Một mình lên núi tung tăng

          Rước ta lau lách cũng giăng cờ vàng

          Tiếng trâu khua mõ về làng

          Bỏ quên đống lửa hôn hoàng bãi tây”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Cái Tôi an trú ấy như suối hiền, suối khai tâm bồ đề, chảy khắp xứ, tưới nhuần giọt nước cam lồ đến muôn vật, muôn loài, muôn sắc tướng. Trong tâm chỉ còn sự yên tịnh vô cùng tỏa lan một vùng sương khói mang mang:

          “Thì thào suối bỏ rừng sâu

          Về quanh lều cỏ hồng màu phù dung

          Bài ca tịch mịch vô cùng

          Bốc lên sương khói một vùng mang mang”

                  (“Ngọn suối reo quanh lều cỏ hồng”)

      Cái Tôi an trú tạo nên cảnh sắc bình yên trong tâm của Phạm Thiên Thư. Tâm an mới cảm nhận được từ những đóa hoa đời yên bình khi chiều xuống, từ những giấc mơ đẹp nhẹ nhàng trên bước đường sinh tử, ngọn suối nguồn tâm linh vẫn chảy trong bản ngã thi nhân:   

          “Chiếc vòng tâm tưởng trong ta

          Kết nên từ những đóa hoa chiều vàng

          Kết từ những bước mơ màng

          Xâu dài con suối nơi trang trại hồng”

                   (“Căn gác tịch mịch cuối chân đồi ấp Đông”)

      Bên cạnh Cái Tôi an trú, khi đọc “Trại Hoa Đỉnh Đồi”, tôi còn bắt gặp Cái Tôi sầu bi của Phạm Thiên Thư. Không sầu bi vô cớ như Xuân Diệu thở than: “Hôm nay, trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…” (“Chiều”), Phạm Thiên Thư buồn thương về kiếp nhân sinh trong cõi vô thường;

          “Buồn buồn leo nhánh hồng lê

          Hỏi con bươm bướm có về cố hương

          Hay rồi tha thẩn du phương

          Mốt mai rụng chết bên đường theo hoa”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Cái tâm “buồn buồn” ấy theo con bướm nhởn nhơ, mộng về quê cũ, hay là làm kẻ tha phương vờn theo ảo ảnh, đi tìm sự viễn vông mà tưởng là chân lý để rồi rụng chết bên đường, có khác chi một thời Huy Cận sầu bi về thân phận: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu/ Những nàng tiên dần chết/ Mơ mộng thuở xưa đâu” (“Ê chề”).

      Nguyễn Du từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm buồn làm cho cảnh buồn hay cảnh tác động đến tâm? Thế nhưng, trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi”, cái tâm “buồn buồn” ấy nhuốm màu buồn cho cảnh vật. Một màu buồn riêng của Phạm Thiên Thư – “màu vàng” nhuộm đạo:

          “Chiều vàng phơ phất mưa buông

          Vàng hong mái rạ vàng luồn khe lau

          Áo tơi ai khoác qua cầu

          Dừng chân ủ rũ phơi màu buồn tênh”

                  (“Chút bâng khuâng trên hiên hoa vàng”)

      Sầu bi là thật, nhưng qua giọng thơ thấm đẫm chất đạo của người từng gắn duyên với Phật học, người đọc chợt ngộ ra rằng sầu bi cũng có “năm bảy đường”, đâu cớ phải là khóc than, đâu cứ phải là nước mắt trong bê khổ của kiếp người. Rõ là Cái Tôi sầu bi trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi” nhẹ như không:

          “Mắt Thầy suy ngẫm mông lung

          Vuốt râu nhàn thấm một chung nước trà

          Gió thu xao xác đầu nhà

          Thương ai nhổ hạt trăng sa xuống thềm

 

          Mở trang sách thuốc thâu đêm

          Thầy nằm trõng trúc tựa viền trăng hoen

          Lưng non tươi một hạt đèn

          Lá khô lệ gót buồn len gối sầu

 

          Vào bẫy chim giữa rừng sâu

          Cánh hoa rơi lợp trên đầu như mưa

          Chợt buồn ngâm mấy dòng thơ

          Thử xem sắt đá ngồi chờ thi gan”

                  (“Chút bâng khuâng trên hiên hoa vàng”)

      Bởi Cái Tôi sầu bi nhẹ như không, nên tâm của gã thi sĩ một thời làm những bài thơ tình cho mình, cho người phát khởi những câu thơ buồn thương khác lạ. Khác lạ, vì Cái Tôi sầu bi ở đây hư hư thực thực mênh mang huyền diệu hòa điệu cùng vạn vật, đất trời:

          “Con chim thúy vũ ngoài sông

          Cánh lam vượt mấy dặm bông trắng về

          Thả buồn chuỗi hạt lê thê

          Ta leo lên cội hồng lê ngó trời”

                  (“Tiếng chim hát núi trên cánh đồng sương lam”)

      Bên cạnh Cái Tôi sầu bi, tôi còn bắt gặp Cái Tôi hoan hỉ của Phạm Thiên Thư trong “Trại Hoa Đỉnh Đồi”. Cái Tôi hoan hỉ ở đây là được tự do vui thú cùng trẻ chăn trâu trong non sâu, hay trên đường về cô thôn lúc hoàng hôn vang tiếng gọi nghé, hay là lúc vui thú hái sim trên đồi, hoặc nằm trên sỏi trắng nhìn trời xanh biêng biếc, hoặc cùng bạn hiền, chim chóc xôn xao thưởng thức vẻ đẹp diệu kỳ của mặt trời. Đây là Cái Tôi của người mộ đạo, lấy niềm hân hoan của mình hòa cùng niềm vui với chúng sinh:

          “Mùa hạ cùng trẻ chăn trâu

          Vui theo vào tận non sâu bẫy chồn

          Đường về biêng biếc hoàng hôn

          Nghé ơi hát gọi vang cồn hoa lay

 

          Hái sim đỉnh ngọn đồi sau

          Nằm trên sỏi trăng ngó màu trời xanh

          Bạn hiền chim chóc vây quanh

          Mặt trời mọc nấm đỏ nhành gỗ khô”

                  (“Ngọn suối reo quanh lều cỏ hồng”)

      Niềm vui, niềm hân hoan ấy không phải là chuyện dại khôn như Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nghĩ: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao” (“Nhàn”) mà là niềm hoan hỉ được hòa điệu cùng đất trời, hát ca theo bước chân của gã thi sĩ một thời “Lên non cuốc sỏi trồng hoa/ Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương/ Vớt con cá nhỏ lòng đòng/ Mãi vui lại thả xuống dòng suối tơ/ Vào non soi nguyệt tầm rùa/ Đọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư/ Thả rùa lại đứng ưu tư/ Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa” (“Động Hoa Vàng”):

          “Lên nương trảy đỗ bao người

          Ta theo đuổi bướm reo cười trong sương

          Tiếng ca đâu cất mùi hương

          Gót chân ngơ ngẩn bên đường mây in”

                  (“Ngọn suối reo quanh lều cỏ hồng”)

      Có niềm hoan hỉ nào hơn khi được gặp Mẹ, gặp Cha, gặp chị em sau những ngày xa cách. Ngày đoàn viên có đầy tình thân của gia đình, có niềm vui nào hơn thế trong ngày Xuân đến. Niềm vui có Mẹ, có Cha, có chị, có em trong cuộc đoàn viên làm vui cả đất trời. Ngoài kia có tiếng chim hót mừng chào đón bình minh, nắng cũng gieo từng hạt hân hoan ấm hồng trên lá hoa, và hoa cúc nở niềm vui nhuộm màu vàng tươi đón chào Xuân đến:

          “Mừng ngày gặp gỡ Mẹ Cha

          Chị em lên núi hái hoa đem về

          Cắm vào chiếc lọ pha lê

          Chút quà hương sắc của quê hương mình

 

          Chim ngoài tấu khúc bình minh

          Nắng gieo từng hạt thủy tinh ấm hồng

          Cúc vàng đôi khóm trổ bông

          Nghiêng mình tiễn cuộn gió đông về rừng”

                  (“Dã thoại quanh bếp sưởi sương trắng”)

      Cái Tôi hoan hỉ của Phạm Thiên Thư quả là ngộ thật! Trước đây thì “Mùa xuân bỏ vào suối chơi/ Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa/ Múc bình nước mát về qua/ Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa” (“Động Hoa Vàng”). Còn giờ thì mừng vui quá đỗi, hoan hỉ đến độ muốn cả sỏi đá, hoa suối, cỏ cây, đủ cả cầm thú, côn trùng cũng mừng vui như lòng thi sĩ:

          “Lên đỉnh núi chạy tung tăng

          Chúc mừng sỏi đá tròn năm vui vầy

          Mừng luôn hoa suối cỏ cây

          Lợn rừng, nai, nhím, chim, cầy, dế, trăn…”

                  (“Dã thoại quanh bếp sưởi sương trắng”)

      Theo S. Freud, Cái Tôi của một con người là một phần tính cách có nhiệm vụ điều tiết những nhu cầu của Cái Nó, Cái Siêu Tôi và đời sống thực. Tìm hiểu về đời tư của Phạm Thiên Thư, như nhiều người biết, ông tên là Phạm Kim Long, sinh năm 1940, tại Hải Phòng, trong một gia đình đông y, có thời đi tu trong chùa, rồi hoàn tục. Như ông từng tâm sự: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Những điều ấy ảnh hưởng đến Cái Tôi của ông, tạo nên một thi pháp vừa nhuốm màu đạo học vừa rất đời.

      Những điều tản mạn như trên, với tôi, như là một phần cống hiến cho bạn đọc biết về Cái Tôi của Phạm Thiên Thư trong thi phẩm “Trại Hoa Đỉnh Đồi”. Mong là vậy!

 

Tháng 10/ 2020

 

 

Phan Trang Hy
Số lần đọc: 874
Ngày đăng: 03.02.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Thành Sơn, Kẻ khác bên trong chúng ta - Nguyễn Đức Tùng
Liên hệ thi pháp bài” Người đàn bà trắng” của Phạm Ngọc Thái - Nguyễn Thị Hoàng
Như một phong thư gửi nhiều địa chỉ - Nguyễn Thanh Huyền
Khép cửa vô thường - một "đoản khúc" hay của nhà văn Từ Sâm - Mỹ Lệ
Lê Xuân với tình yêu - Hoàng Thị Bích Hà
Cao Bá Quát - kẻ sĩ Bắc Hà - Phan Ngọc Anh
Chất châm biếm trong thơ Nguyễn Khuyến - Trần Thanh Xem
Thế giới hình tượng của Nguyễn Thế Quang qua "Thông reo ngàn hống" - Đặng Văn Sinh
“ Đất nước những cánh cung”- ký ức lính của nhà thơ Chung Tiến Lực - Vũ Tuyết Nhung
Chỗ của THƯỢNG thơ - Vũ Trọng Quang
Cùng một tác giả
Khỏa Thân (truyện ngắn)
Bán Chữ (truyện dài)
Phóng Sinh Chữ Nghĩa (truyện ngắn)
Làng cuồng mê (truyện ngắn)
Bao La Tình Mẹ (tạp văn)
VŨ ĐIỆU BIKINI (truyện ngắn)
Blogger sợ chữ (truyện ngắn)
Đau đáu Hoàng Sa (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Hát giữa trần gian (truyện ngắn)
Có hậu (truyện ngắn)
Đảo gọi (truyện ngắn)
Nụ cười xứ Nẫu (truyện ngắn)
Vòng ký ức tháng ba (truyện ngắn)
Ấm áp mùa Noel (truyện ngắn)
Mơ về lại Hoàng Sa (truyện ngắn)
Nghe mưa chờ tết (truyện ngắn)
Vàng mai rực rỡ (truyện ngắn)