Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
774
116.692.865
 
Ở rừng
Vinh Anh

 

Kiên sống với rừng cũng kha khá thời gian. Này nhé, cả giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, giai đoàn 65-75 ấy. Gian khổ ư, thì cũng gian khổ, nhưng cả nước như vậy, ngàn vạn quân như vậy, nên chẳng đáng để nói, nói người ta bảo công thần. Những kẻ ghen ăn tức ở trên đời bao giờ cũng nhiều, những kẻ mượn thời thế mưu lợi cho mình bao giờ cũng nhiều. Đừng nói về thời gian đã qua đó thì hơn. Cứ chìm trong bể nhân gian, im ắng trong ao tù thì nó lành. Đấy là thói đời mà.

 

Ở rừng thì buồn tênh, buồn não nề, nhất là những ngày mưa dầm dề. Cái duy nhất để con người thấy mình còn sống là phải ăn, không ăn thì chết đói. Ngoài ra là sốt rét, đừng để con sốt rét  nó xâm nhập, nó đục đẽo, nó hút máu cho mòn ruỗng cơ thể. Trong cái nhàn tản nơi rừng rú u minh đó, người ta nghĩ đủ chuyện. Cấm thế nào được ý nghĩ con người.

 

Chuyện ở rừng của Kiên có điều vui mà chẳng mấy người có. Đó là những chuyện tình với  cô gái nơi đóng quân. Sống ở rừng, mọi sự như bị tách rời, cô độc giữa thâm u và cả hoang vu nữa nên rất thèm tiếng người, nghe người nói và nói chuyện với người. Ở một nơi cô quạnh như vậy, có một mối tình để thương, để nhớ cũng đỡ những lúc đêm đen, mưa gió phũ phàng, gió rừng ầm ầm ào ào thổi hoặc những đêm mưa rả rích, đếm được từng giọt mưa rơi ngoài lán. Nhưng chẳng gì hạnh phúc hơn, ở rừng, bên cái thâm u, lại có một người con gái để yêu, để ôm ấp, nói những điều về ngày mai, quên hẳn, quên hết cái hôm nay gian khổ, cái hôm nay chiến tranh, cái hôm nay chết chóc.

Và cái đó cho ta cảm nhận, còn có những thứ để ta có thể muốn sống và đáng sống trên cõi đời. Nhưng cũng có điều lạ, những người ở khoảng thời gian đó, có cái nhìn khác nhau, khác nhau về mối quan hệ khác giới, khác nhau đến kỳ lạ. Ông Quân, sếp của Kiên là sự khác biệt kỳ cục đó.

Kiên là trưởng kho của một kho lớn, rất nhiều quân trang, quân dụng, cả thuốc men lẫn đạn dược. Theo cách nói của Kiên, kho ta phải giữ và bảo quản cả cái

 

 sống và cái chết. Kho phải phân tán khắp nơi trong rừng, rộng cỡ chục ki-lô-mét vuông. Mỗi một phân kho có ba bốn người canh giữ. Canh bọn chuột bọ, mối mủng, hươu nai, thú dữ là chính. Phá hoại thì lo mấy thằng thám báo đánh hơi được, chứ đồng bào dân tộc chẳng khi nào đến đây. Khổ nhất là chuột và mối. Thôi đó là chuyện khác, thuộc về kỹ thuật giữ kho, không nói ở đây.

Ông Quân, một ông già trước tuổi, sếp trực tiếp của Kiên, lại có quan hệ rất thoáng trong chuyện quan hệ nam nữ. Ấy vậy, phải khi đến cái tuổi về già ông mới lấy được vợ. Sau lấy vợ, ông bảo: “Giá như biết lấy vợ sướng như thế, tao lấy từ khi mười tuổi”. Bọn lính được dịp: “ Sướng thế nào hả bố? Sướng mê li, chúng mày trai tráng, chịu cảnh “l.tù, c. hãm” thế này thì quá khổ, những thằng chết mà chưa biết cái ôm mềm mại và nụ hôn ngọt nào của đàn bà cũng quá thiệt thòi cho cái phận làm trai. Tao thương chúng mày lắm, đứa nào chết càng thương. Chúng mày nên kiếm mỗi đứa một đứa con gái để mà yêu, yêu thật ấy, yêu rồi làm chồng chúng nó, chứ đừng có yêu lăng nhăng, yêu lăng nhăng là tao không ủng hộ, là tao cắt d. Chúng mày làm ễnh bụng chúng nó, để chúng nó khổ cả đời là không được”. Ông nói vậy rồi bỏ đi, đơn vị vừa có thằng chết vì sốt rét ác tính. Cái chết nào trong chiến tranh cũng tức tưởi, cũng đau xót. Sao con người cứ gây nỗi đau khổ cho nhau.

 

Gần nơi đơn vị đóng quân, phía bên kia sông là một bản nhỏ, leo teo mấy nóc nhà ẩn trong rừng. Chỉ nhận ra khi có khói chiều bay nhập nhòa trên mái tranh. Bom đạn nhiều, nên không hơi sức đâu mà làm nhà lớn. Cái cảnh tạm bợ thời chiến thì đâu cũng giống nhau, còn cảnh khói lam chiều vương víu, quấn quít, bảng lảng, lan tỏa lẫn với sương chiều, sương sớm đó, làm khối anh ngậm ngùi, ngao ngán vì cuộc chiến kéo dài, dài mãi không dứt. Kiên là người có thể nói là đa mộng, đa tình, rất nhanh đồng cảm với những vương víu hồn quê, êm êm dìu dịu đó. Cứ chiều chiều, rỗi việc, Kiên lại muốn tìm sang cái bản heo hút, lèo tèo vài mái nhà sàn tiêu điều đó.

 

Cái bản dân tộc gần kho đó vẫn duy trì cuộc sống du canh, du cư nay đây mai đó. Mỗi nơi dân bản chọn làm chỗ ở, nhiều thì được hai ba năm, còn như không hợp với bản, thí dụ như nơi đó người bản ốm nhiều, hoặc có người chết, mùa màng thất bát thì, có khi, chỉ được nửa năm lại chuyển. Chỗ ở hiện nay, dân bản đã ở sang năm thứ hai. Vậy là cũng có thể gọi là đất lành.

Cũng cách kho hai nhăm ba chục số, qua bản đó về phía núi, hướng Nam, là một đơn vị thanh niên xung phong hỏa tuyến, toàn nữ, đảm bảo giao thông. B trưởng là Lụa, mới hai nhăm, chị cả của đơn vị toàn gái mười tám, đôi mươi.

Kiên bỗng nghĩ về câu nói của ông Quân. Câu ông Quân nói là nói “tuy tục nhưng thanh”. Ông nói cảnh “l. tù, c. hãm” là nói về sự hi sinh của lớp người trẻ. Sự hi sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân của lớp người như thế hệ ông và thế hệ Kiên hôm nay. Thấy cuộc sống của các nữ thanh niên ngày ấy, mới thấu cái sự hi sinh. Chắc chắn ông đã thấy cuộc sống của những cô gái nơi đây. Đó là cuộc sống chồng chất những hi sinh, sự hi sinh chẳng có giá nào mua được. Chẳng có gì đánh đổi được thời rực rỡ nhất, thời tỏa hương thơm nhất, thời thanh xuân ngất ngây nhất của con người.

 

Như trên đã nói, người đời thường nhiễu sự khi sự việc xảy ra. Đặc biệt những việc xảy ra không hay. Những kẻ nhiễu sự thường là những kẻ ti tiện, hèn mọn với tư cách của kẻ chỉ suốt đời cam tâm làm cái công việc hầu hạ, cắp tráp. Người đời gọi chung là những kẻ xu nịnh. Bọn xu nịnh cũng là những kẻ cơ hội. Chúng có tài của kẻ biết đánh hơi, biết hướng gió thổi để lựa chiều.

Cấp trên rút Lụa ra ngoài nhưng Lụa chưa chịu, Lụa nói nhớ những người bạn đã hi sinh ở đây, không muốn xa. Đợi khi đơn vị giải thể, sẽ quyết định sau. Tình yêu thương đồng đội nơi lửa khói, khiến đôi khi, có những người thường không thể hiểu, thậm chí khó hiểu vì nó có thể vượt qua những giới hạn không tưởng. Đang thiếu người (thời chiến thì chỗ nào chả thiếu), nên đơn vị đồng ý để Lụa ở lại.

 

Cái giá trị và sức cuốn hút của Lụa là sự đồng cảm rất đàn bà với những người con gái gần như đồng trang lứa, chỉ kém Lụa đôi ba tuổi, mà Lụa coi như em. Khi người ta đã trải qua những giờ phút sống chết với nhau, thì, tự nhiên thôi, nảy sinh sự đồng cảm đó. Ôi, người con gái mới tuổi hai nhăm, hai nhăm Lụa vẫn còn con gái lắm mà sao cách đối xử ân tình sâu nặng thế. Cái ân tình đó như che đậy những giông bão trong lòng. Kiên gặp Lụa trong trạng thái tình cảm của Lụa như thế. Sự gặp gỡ với những phút giây cuối cùng còn lóe hương sắc của thời con gái. Con gái của thời lửa khói, con gái có thì, đâu có được những phút giây của “gái thời bình”.

 

Ngày đầu tiên họ gặp nhau là ngày mưa. Mưa rừng xối xả. Ngồi bên bếp lửa nói chuyện với đồng bào. Đồng bào nghèo lắm, có con gà muốn đổi lấy quần áo bộ đội. Biết mưa thế này, nước  suối sẽ dâng cao. Kiên còn lưỡng lự giữa ở lại và về đơn vị thì thấy tiếng chí chóe của mấy cô thanh niên xung phong hỏa tuyến và các cô ùa vào nhà như ngọn gió. Tiếng cười con làm gái bạt đi cái lạnh rừng rú và mang cả sự tươi trẻ đến, các cô cũng đến đây để đổi gà, nấu cháo cho người bị ốm. Trung đội mới về, chưa triển khai được cái việc “cải thiện”. Vậy là quen nhau. Kiên “Các em đến bản làm gì khi mưa gió thế?” “Hứm...Nhìn lại mặt nhau đi...” Kiên nhìn sang phía phát ra tiếng “hứm”. Ồ, chị phụ trách thiếu nhi... chị dẫn các em vào bản chơi à?” “Này, đây không phụ trách thiếu nhi, đây toàn người lớn, các chị cả rồi đấy... Chú ăn nói cẩn thận nhé, các chị cho no đòn đấy...” Kiên ngập ngừng trước đối đáp của cô ra dáng chị thật. “Thôi, em xin các chị...Nhà em bên kia suối, không về được, các chị cho em theo với...”  “Thật ghét, mồm dẻo quẹo...” “Kinh! Con gái gì mà ăn nói như tướng...” Giọng con gái khác: “Đúng là chỉ huy đấy... B trưởng bọn em đấy... chị Lụa đấy...” Họ quen nhau như thế. Không gây được thiện cảm ở phút đầu tiên.

 

Mấy ngày sau, Kiên tìm đến đơn vị thanh niên xung phong chơi. Đến nhà B trưởng. Một cô gái nhỏ nhắn ra. Kiên ngớ người. Sao tối hôm mưa khác thế. Vì mưa ướt, vì trời tối, vì ghét ngay phút đầu... Lụa cất tiếng: “ Chú gặp ai, có việc gì...” “Gặp B trưởng, làm quen... tự giới thiệu... Lụa “Thôi, không quen kiểu đó. Các em đây nhiều, đều chưa chồng, muốn làm quen ai cũng được...” “Cho quen B trưởng...” “Xi...ì” “B trưởng không thích...” “Đây thích... thật đấy...” Lụa thấy thú vị

Lần sau, lần sau nữa, vẫn cứ nhấm nhẳng nhưng đỡ hơn. Khi Lụa nhận bó hoa Kiên hái dọc đường: “Lụa đẹp như hoa rừng ấy...”“Cám ơn chú...Ờ, ờ... mà xin lỗi, cám ơn anh nhé...” “Đúng rồi, phải thế, “anh” chứ còn gì nữa...” “Còn lâu nhé... lịch sự thì thế thôi...chả nhẽ không cám ơn...” “Nhưng mà là cám ơn anh. Nghe “Anh” thích hơn, thân mật hơn... “Anh” là anh mà “chú” là em...” “Đây không thân, không thích nhé...” “Lại thế...” Lụa thấy vui vui.

Một lần không phải ngày nghỉ, Kiên đến. Chỉ có Lụa ở nhà. Lụa mời cơm canh măng và mì chính. Hai người ngồi ăn cơm cùng nhau. Kiên: “Con đường đến em xa quá...” “Xa thì đừng đến...” “Lại thế, không đến thì nhớ...” “Nhớ gì?” “Nhớ nhấm nhẳng, khó tính, kiêu kiêu...” “Thật nhớ không?” “Thật” “Nhớ làm gì?” “Để yêu, yêu thật, nhớ lắm...” Lụa thấy xiêu xiêu, lặng im, lúng túng làm đổ bát canh măng vào quần Kiên, ướt cả ống quần. Lụa vội lấy khăn thấm, kéo quân Kiên lên để lau. Kiên giữ đôi tay Lụa, kéo Lụa lại gần, rồi ôm, rồi hôn... Tất cả là nhờ bát canh măng bị đổ. Làm lính phải biết chớp thời cơ.

 

Vậy là họ yêu nhau và ập vào nhau nhanh như nai rừng, mạnh như lốc cuốn và mát lành như gió. Những lóe sáng cuối cùng của thời con gái bị dồn nén bao lâu đã làm nên cổ tích nơi rừng già với ngây ngất tình yêu. Lụa quyết định hết thảy. Kiên như ngây dại, si mê trước những tình cảm nồng nàn, cháy bỏng của Lụa. Lụa đòi yêu như khát vọng, đòi được bù đắp những hi sinh ngày hôm qua, ngày trước nữa, năm trước nữa. Yêu như không thể thỏa mãn, yêu như không có bến bờ. Chỉ hiểu đấy là sóng cuồn cuộn xô cuốn, chỉ hiểu đấy là gió ầm ầm gào thét, chỉ hiểu đấy là sự bùng nổ của tiếng nổ hạt nhân tình yêu. Đó là sự mãnh liệt của khát khao được giải tỏa. Họ quấn lấy nhau mỗi lần gặp nhau như giây chão neo thuyền, hai cặp môi như ứa máu và nhàu nát để rồi đi đến sự tê mê tuyệt đỉnh. Họ vừa buông nhau ra thì lại ập vào nhau, quyện chặt vào nhau, dính liền vào nhau.

 

Có lần Kiên không về, đường xa lắm mà Lụa thì hây hây, ngọt ngào, chờ đợi. Kiên không thể cưỡng lại được những nồng nàn ân ái ấy và họ lại vùi vào nhau và của nhau. Kiên ân hận và tự đến đứng trước mặt ông Quân. “Mày đã làm gì nó chưa?” Kiên giả bộ: “Làm gì là cái gì ạ...” “Thằng ngu, con gái nó chỉ chờ mày như vậy mà mày ỡm ờ... Mà tao nói cho mày biết, không che được mắt tao. Không làm gì mà lại qua đêm. Thế cả đêm chúng mày chỉ ôm nhau ngủ thôi à... Thôi về, lần sau tao đuổi... Mà nó ễnh bụng ra chưa? Đụng vào bọn con gái đang cấn cái cái đó là dễ lắm đấy. Liệu mà giữ gìn... khổ là khổ đời con gái ấy...”

 

Có hôm, Lụa nói đưa Kiên đi một quãng. Một quãng đó là bao nhiêu lâu không rõ nhưng ham muốn nhau thì cứ tràn trề. Họ lại ôm nhau, lại hôn nhau, lại làm nhàu nát môi nhau, lại giây chão buộc thuyền, lại tê mê đến mê man. Rừng thần bí như liều thuốc thiêng bồi đắp liên tục và không ngừng cung cấp năng lượng cho tình yêu của họ. Rồi Lụa lại đưa Kiên thêm một quãng nữa. Không hiểu con đường có bao nhiêu quãng tất cả và Lụa tiễn cả thảy mấy quãng. Giời biết hay chỉ tình yêu họ biết.

 

Những cô gái đồng trinh của Lụa biết chuyện yêu của trung đội trưởng, xúm lại căn vặn tra hỏi bởi tò mò và háo hức muốn biết cái gọi là “gái phải hơi trai”. Còn Lụa đang chất đầy hạnh phúc thì muốn chia sẻ. Lụa giờ đây nghiễm nhiên đã là người từng trải chuyện trai gái yêu đương, cô thầm thì với các bạn: “Các em biết không, khi hôn, người đó làm ta mềm ra đờ đẫn như mất hồn, những cái hôn dài, liên tục ập vào môi khiến ta mê man, không còn biết gì nữa, không còn làm chủ được mình. Người đó hỏi, cho anh nhé. Cho cái gì? Mình vẫn còn đang mê man, còn biết gì nữa đâu, tay người đó đã luồn vào áo, nắn bóp ti của mình và vục đầu vào đấy. Đây rồi vườn địa đàng và trái cấm đây rồi. Những cái hôn khiến mình chẳng còn biết trời đất là gì, chỉ thấy đau đau tê tê. Lại nghe thấy, cho anh nhé. Em có gì mà cho anh. Em đang ngất lịm, tan chảy trong mê man. Tay người ấy luồn xuống dưới, kéo áo ta lên, hôn từ đầu xuống bụng và xuống chỗ đó. Người ấy nói, cái ngàn vàng của em đây rồi. Lúc đó, thì mình thật đã chết chìm trong mênh mông huyền ảo, hồn vía bay bổng đâu đâu, đâu còn biết gì khi người ấy hôn nó. Chao ôi, thần tiên là gì không biết nhưng chị biết chắc đấy là giờ phút tuyệt đỉnh của con người, con người có quyền được hưởng. Chị đang lạc vào chốn mê cung, rậm rì, không lối ra, tự nguyện để người ấy chiếm đoạt...”

 

Kể xong, Lụa im lặng, nét mặt mơ màng với đôi mắt nhìn vào xa xăm, như đang nhớ lại những phút giây thăng hoa với Kiên. Đám con gái đồng trinh còn xuân sanh, mơn mởn sắc hương cũng im lặng, mỗi đứa mỗi kiểu, thả hồn bay lửng lơ và mường tượng những gì Lụa nói. Tất cả chìm trong u minh của rừng già.

Bạn biết không, ở rừng, người ta nghĩ nhiều lắm, nghĩ ra vô khối chuyện. Chỉ có điều, người ta mong mỏi đủ điều, kể cả cái điều xã hội kiêng kỵ, cấm đoán. Càng cấm đoán càng ham muốn. Chuyện quan hệ nam nữ đó cứ như tự nhiên bị cho là tội lỗi. Chẳng ai nói ra, nhưng người ta biết, rất nhiều chuyện về những kẻ đạo đức giả, luôn đóng vai những kẻ răn dạy đạo đức, tô vẽ ra cái đạo đức mơ hồ, huyễn hoặc, huyền bí đó. Cái thứ đạo đức giả tạo đó mà ông Quân, nói là bị “l.tù, c. hãm” ấy.

Ôi, bố Quân, sếp già của chúng con, chỉ có bố hiểu và thương chúng con thôi, cái bọn vẫn săm soi chúng con kia là một lũ chỉ ăn theo, nói láo. Chúng con biết, trong đầu chúng chứa đầy những thứ chẳng thể ngửi được...

 

14/4/21

 

 

 

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 720
Ngày đăng: 27.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mộc hương cuối mùa thu - Nguyễn Hải Yến
Ngày về - Nguyễn Đại Duẫn
Trả giá - Lê Hứa Huyền Trân
Những chuyến tàu đêm - Nguyễn Thị Kim Lan
Nhặt trên đường thể dục sớm mai - Phan Văn Thạnh
Ám ảnh một lời nguyện - Nguyên Minh
Kế hoạch kinh doanh - Lê Hứa Huyền Trân
Cái rào tuổi thơ - Quang Nguyễn
Ông lão 80 trên lồng cu - Nguyễn Lệ Uyên
Món quà Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)