Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.688.887
 
Hương vô tình
Vinh Anh

 

 

Thực ra, chẳng có hương hoa gì ở đây cả, mọi sự đúng như thế diễn ra. Trong đó cái hương thoang thoảng mơ hồ vô tình là chính. Mà cũng chẳng vô tình đâu, hữu tình đấy, nhưng kết quả là do sự vô tình nhiều hơn. Vậy là nó không thật, nhưng tôi và em là thật.

Câu chuyện bắt đầu từ tình thân của hai bà mẹ. Mẹ tôi chậm chạp, ít nhời nhưng có vẻ sâu sắc. Mẹ em nhanh nhẹn, thanh mảnh, như muốn thể hiện sự lạc quan yêu đời. Mẹ em còn yêu hoa và yêu thơ. Cái đặc điểm yêu thơ của mẹ em, đôi khi có thể dẫn đến sự hời hợt trong cách nhìn nhận về một vấn đề nào đó chăng?

 

Họ biết nhau từ khi còn chơi chuyền, đánh chắt, nhảy dây với cả trồng nụ trồng hoa hay hò hét với trò “rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…”, nhưng hồi bé đó, có mấy ai hình thành được tình bạn sâu sắc. Đơn giản là biết nhau và chơi với nhau. Vậy thôi.

Sau hoà bình, cả hai đã có gia đình và có những đứa con đang cái tuổi ăn tuổi chơi. Hai bà gặp nhau trong cùng cơ quan và rồi những kỷ niệm thời thơ bé khiến họ trở nên khăng khít, gắn bó hơn các đồng nghiệp khác, một tình bạn mà cả hai đều tự hào, vốn có từ xửa xưa.

Tôi lớn hơn em ba tuổi. Với tuổi đó, tôi tự tin có thể làm anh, để em gửi gắm lòng tin và cả niềm tin nữa. Làm anh trọng trách nhiều lắm, đặc biệt là với em gái, tôi học xong lớp 7 rồi, với những kiến thức được học từ nhà trường, tôi nghĩ vậy.

Nhà em và nhà tôi ở hai đầu thành phố. Chúng tôi với cái tên là lạ hay hay khi ghép vào. Em là Bắc và tôi tên Nam. Ghép thành Bắc-Nam, một từ mà thời chúng tôi, người đời nói hàng ngày, một từ chỉ sự đất nước đang phân li, chia rẽ.

Vào thời ấy, thành phố đủ rộng để  người ta ngại đến nhau chơi, cũng như tiềm năng kinh tế cũng chỉ vừa đủ để may thì được ăn no (thực ra, cũng nhiều nơi không no, cái này phải động não lớn, não nhỏ để suy), các gia đình không mấy khi tổ chức cái gọi là “ăn tươi”. Cái từ “ăn tươi” mà kem theo “nuốt sống” thì ra ý khác, cũng phải huy động não lớn não nhỏ đấy. “Ăn tươi” là để nói ăn hơn ngày thường tí chút. Nói vậy để hình dung, với những gia đình bình thường, tổ chức gặp được nhau, vui vẻ hàn huyên trong một bữa cơm, khó! Ôi, một thời để ta nhớ và thương những gì ta là nhân chứng.

Vì vậy, thông tin về hai gia đình chỉ dựa hoàn toàn vào những gì hai bà mẹ nói lại. Tên tuổi những đứa con, học hành, sở thích, thậm chí có cả những chuyện buồn vui ở trường chúng học, hai bà cũng tỉ tê với nhau, mọi chuyện về Bắc-Nam, cả hai nhà đều biết, chỉ có điều, chúng, những đứa con của hai bà, chưa khi nào tận mặt nhau.

Ngày tháng đó, tôi học xong cấp 2, chuẩn bị lên cấp ba, thì em cũng học xong lớp 5. Tôi ra vẻ đã lớn. Con trai mà, ý thức tự lập cao hơn. Chẳng hiểu từ câu chuyện vui nào, hai bà mẹ như có ý với nhau, bà để tôi con Bắc cho thằng Nam. Tôi cho không bà đấy… Vậy nhé… Thế bí mật tạo cơ hội cho chúng quen dần nhau đi. Ừ… Cứ như vậy theo thời gian, cái tên Bắc Nam là cái tên thành viên của hai nhà. Mẹ tôi ngấm ngầm thu xếp.

 

Rồi thì vượt những trở ngại, họ đến thăm nhau. Đúng cái lý, buổi đầu tiên, nhà giai phải đến thăm nhà gái. Ông bố cô gái là nhà giáo, đã được bà mẹ cô gái báo trước. Ý thức của một nhà giáo thời xưa ăn sâu, ngấm lâu, ông dọn dẹp căn phòng ngoài rất gọn gàng để đón khách, chuẩn bị thêm cả hai cái ghế đẩu để sẽ cho hai đứa ngồi hóng chuyện người lớn, thực ra là để chúng nó biết mặt nhau.

Khi chủ và khách đã ngồi vào chỗ của mình, bà mẹ cô gái định cất lời, gọi cô con gái ra pha nước thì ngoài cổng có tiếng gọi cửa, cô gái nhanh nhẹn chạy ra, cậu con trai chỉ thấy một bóng áo trắng, vắt vẻo trên đôi vai nhỏ là mái tóc xoã mới gội chưa khô, thoang thoảng mùi thơm của lá sả, hương nhu, dàn gần hết đôi vai nhỏ, rồi có tiếng cô vọng vào, giọng chứa chan những âm thanh nhí nhảnh, nũng nịu “ bố mẹ ơi, con đến nhà cái Mai…” Bà mẹ cô gái đỡ lời “ Hai đứa lại đến thăm mẹ cái Mai bị ốm… Nhà đó chỉ có hai mẹ con… Lại trốn rồi…’’. Sự việc vô tình qua cũng chẳng gây chú ý. Đặc biệt mẹ cô gái, như vô tình hay làm cao, mà quên ý nghĩa cuộc thăm viếng của mẹ con tôi.

Một chút hẫng hụt với cậu trai, chẳng gì tôi cũng đã biết điệu điệu trước mặt con gái, để ý đến con gái. Tối nay, cái mà tôi nhận được ở cô ấy chỉ là mái tóc ngắn ngang vai đung đưa trên đôi vai nhỏ, một thoáng mùi hương và khi chạy, thì mái tóc phủ trên chiếc sơ mi trắng học trò. Vậy là tôi nghĩ ở em có mùi hương học trò, thấy cả vẻ đẹp thanh cao, ngây thơ.

Hai bà mẹ và một ông bố thì coi sự kiện như là cái bâng quơ, bất chợt của một làn gió. “Cái vô tình đi qua có thể giết một tình yêu”, sau này rất lâu, tôi bỗng nhớ lại và nghĩ ra. Một câu thơ như nhảy múa trước mắt “Vô tình em mái tóc/ vô tình tiếng em vang/ bên tai anh ngỡ ngàng/ và chúng mình xa nhau…”.

Mấy người lớn vẫn rôm rả chuyện trò, ôn lại ngày xưa, khi bé bằng chúng nó, nhớ ra tên đứa bạn nào thì xướng lên, thích thú khi nói được đặc điểm của đứa bạn đó. Hầu như suốt gần tiếng đồng hồ, tôi ngồi nghe, cũng đôi khi vô duyên cười lơ đãng. Cả ông bố cũng vậy, đôi khi chêm vào những kỷ niệm xưa của hai bà mẹ, với cái ý cho đưa đẩy nêm mắm muối.

*****

Thời gian cứ vô tình trôi, cậu con trai và đứa con gái cứ lớn lên tự nhiên, hai bà mẹ cũng già đi như tự nhiên phải vậy. Tôi tự thấy lớn nhanh, từ ngày học xong lớp 8, nhận ra có bao nhiêu thay đổi trong cơ thể. Tôi nhìn con gái và đối xử với bọn con gái bằng con mắt nương nhẹ hơn, chiều chuộng hơn, đàn ông hơn. Cũng chẳng còn nhớ gì đến chuyến chơi nhà bạn của mẹ, định xem mặt cô gái mà cả hai bà mẹ định dẫn mối cho hai đứa con. Những cái tên Bắc, tên Nam hình như cũng được ít nhắc tới. Chỉ đôi lần, mẹ nói khẽ bên tai, như gió thoảng, chỉ cốt cho mình cậu con trai nghe “Cái con Bắc nghe nói học giỏi lắm; cái con Bắc được làm trưởng lớp từ năm lớp 6 đấy; khối lớp 6 của cái con Bắc, được nhà trường cho đi tham quan đảo Cát Bà…” Ý bà vẫn thích em, con Bắc, vẫn muốn một cái gì đó tạo ra sự ám ảnh cho cậu con trai về con gái bà bạn. Đó là “cái con Bắc”.

Thời gian vẫn không ngừng trôi. Hai bà mẹ tiếp tục già đi và hai đứa con vẫn tiếp tục lớn lên. Khi tốt nghiệp cấp hai, em đã như chứa đựng đầy đủ dáng dấp một thiếu nữ, em mới 14 tuổi. Cái tuổi chưa hết nhí nhảnh, nũng nịu và vẫn bị cậu trai là tôi coi là trẻ con. Trong đầu tôi, hình ảnh về em vẫn chỉ là mái tóc đen cắt ngang vai, mái tóc đó vẫn lắc lư trên đôi vai gầy. Chẳng còn gì nhiều để nhớ về em hết. Ừ thì đôi khi bất chợt trong một hoàn cảnh, một cái tên và một mái tóc cũng “tạo ra nỗi nhớ” chứ sao.

Rồi thời gian trôi qua mau hơn, mái tóc đen ngúng nguẩy sau lưng và cái tên Bắc cũng trôi theo thời gian. Có khi biền biệt hàng năm, rồi hai ba năm cũng không được nhắc đến, tôi như đã quên mất hẳn mái tóc em.

Cũng có thời gian, “cái con Bắc” được mẹ tôi nhắc đến bất chợt, khi chỉ có một mình tôi. “Cái con Bắc” ấy học giỏi, được sang Liên Xô học đấy”. Tôi ầm ừ cho qua, bụng nghĩ rằng em cũng hảo thủ ghê gớm đây. “Con bé ấy học ngoại giao” mẹ tôi lại tiếp. Tôi cầm cuốn sách, lại thêm thông tin, chứng tỏ khả năng giao tiếp của em. Bỏ ra chỗ khác, lẩm bẩm, thì từ bé, em đã giỏi rồi mà… Vậy là trong đầu thằng tôi, thêm hai chi tiết về em gái năm xưa, học ở Liên Xô và ngành ngoại giao. “Ngoại giao”, tôi cứ tự thầm với mình, nó là một ngành học cao sang… chẳng lấm lem dầu mỡ như mình… một thoáng tự ti bay ngang ý nghĩ vẩn vơ.

Hoà bình, tôi trở về toàn vẹn. Mẹ tôi mừng trong mắt, bà không biết cách thổ lộ bằng lời nói và lại được dịp thể hiện sự lo lắng, quan tâm lẫn sốt ruột cho cậu con trai về cái chuyện vợ con. Hai bà mẹ cũng đã từ lâu không gặp nhau. Chiến tranh ác liệt ở mảnh đất gian lao, anh dũng đã làm chia lìa nhiều gia đình, rất nhiều mối thân tình đứt quãng giữa đường. Cậu con trai được thuyên chuyển về Hà Nội, vậy là sẽ có nhiều dịp về quê Hải Phòng. Lần nào về mẹ cậu cũng tìm bà bạn cũ vì “cái con Bắc”, bà bạn nói, cháu nó cũng công tác ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao mà!

Đương nhiên với hai bà, chuyện con Bắc, thằng Nam được nói đến với những lời ngợi ca về sự giỏi giang và than vãn cho số phận của hai đứa. “Con Bắc nhà bà thế nào, mấy cháu rồi?” Bà mẹ cô gái nói liền một lèo, như nói ra sẽ trút bỏ nỗi lo sau khi được sẻ chia với bà bạn thân: “Chồng con gì đâu. Sự nghiệp, sự nghiệp cái gì mà sự nghiệp! Này hay nó là cái duyên cái số chúng nó vận vào nhau, sau đận con Bắc nhà tôi đi lại Liên Xô lần nữa, tôi đã lo. Học cao học giỏi để phần con trai. Đấy, thằng em thì chẳng ra gì, con chị cứ tiến vù vù. Nó vụ phó ở Bộ đấy… Thế còn thằng Nam nhà bà?” “ Nó lành lặn, không đui què gì cả, chỉ phải cái sốt rét… Tôi bỗng nghĩ đến con Bắc, hỏi nó chuyện người thương người nhớ… nó chỉ nhăn răng, trai ba mươi tuổi đang xoan, lo gì… nhưng có vẻ như sao ấy, khi nói đến con Bắc, nó chỉ “ghê thế cơ à?” Hay là ta tạo cho chúng gặp lại nhau. Thằng Nam cứ mỗi lần nói đến con Bắc, nó chỉ cười, bảo, đi xem mặt mà chỉ thấy mỗi mái tóc ngúng nguẩy trên vai gầy… rồi thì tiếng oanh vọng vào như chim hót…(câu này mẹ như bịa ra để tim người con gái nghe được thổn thức thêm) Này bà, cái kiểu nói đó cũng có ý có tứ đấy chứ, bà hiểu không?” “Ừ nhỉ, cậu ấy vậy mà cũng dí dỏm ra phết, nhỉ? Để tôi kể cho con Bắc...”

Bắc ở Hà Nội. Em không phải ở chung kiểu nhà tập thể nữa mà đã được phân nửa gian căn hộ tập thể 28 mét vuông. Sau đó, em mua lại một nửa của người ở chung, vậy là em có riêng một căn hộ. Từ đó, mẹ em hay lên ở với em. “Ở cùng nó cho nó đỡ buồn…” Giọng bà ngậm ngùi, tồi tội. Mỗi lần lên, hai bà thế nào cũng tìm cách gặp nhau.

Mẹ em hay thơ. Mẹ anh kể lại, bà ấy nói chuyện mà hay xen vào những câu thơ, tài thế. Viết thư cho mẹ bằng thơ… đây này, những mấy bức cơ, đọc không. Tôi cầm và đọc thư của mẹ em viết cho mẹ anh, phải nói là tâm hồn mẹ em ở ngưỡng qua năm mươi như vậy là quá tuyệt, đọc và thấy lại cái tươi mát tình bạn xưa, thấy kỷ niệm của mẹ chúng ta quý quá. Mẹ tôi lại thủ thỉ: “ Bà ấy giận chồng, ông ấy làm lành, không chịu, ông ấy làm thơ mới chịu. Gớm già rồi còn lãng mạn, chẳng bù cho bố anh, gì cũng xong, muốn bực cũng không được. Đời mỗi người mỗi vẻ nhỉ…? Mẹ anh bâng quơ buông câu nói nửa chừng… nhưng đủ gợi thương gợi nhớ về người đã đi xa. “Đời vô tình nghiệt ngã/nên chúng mình xa nhau”. Tôi vô tình nhái lại câu thơ Pus-kin. Mẹ nhìn tôi, anh lại thơ với thẩn, hợp với mẹ con Bắc đấy… Cuộc đời sao nhiều vô tình thế nhưng sao riêng mình không thấy cái vô tình để gặp,  để được thương nhớ nhau. Vẫn đành lòng vậy và cầm lòng vậy, phải đợi thôi. Ừ mà đợi chờ cũng hay hay vì lúc đó tâm hồn ta sẽ tha hồ bay bổng, sẽ có thời gian để được thoả sức tưởng tượng. Tôi lại nghêu ngao: Chẳng ai hiểu vì đâu/Đường đời chia hai ngả/Chẳng ai có lỗi cả/Chỉ vô tình mà thôi” Pus-kin”. Vâng, vô tình, vô tình dẫn lối, là nguyên nhân đến nay, đã ba chục xuân, không một mối tình riêng, chỉ có riêng ta với ta.

 

Khi người ta còn trẻ, khi người ta đang độ thanh xuân, người ta không nghĩ nhiều đến thời gian, người ta cứ tự nhiên vô tình không đếm xỉa, không quan tâm đến nó. Sự lơ đãng vô tình đó có khi phải trả giá. Tôi lại ngâm nga “Đời vô tình nghiệt ngã…”, tôi nhìn sự đời rõ nét hơn vì chẳng gì, tôi cũng đã một lần vô tình. Kể vậy cũng là quá chậm. Tôi quên dần những cái xa xa, mờ mờ, thoang thoảng. Tôi nhớ cái gần gụi, cái rõ nét, cái thấm đậm. Một câu thơ buông lơ lửng nghe chơi vơi hợp với tôi: “Em xa lánh những ngày vui trên phố/ Để nhớ người hay nói/ Lính mà em…” Tôi nhớ cô bé đó. Chút chất lính còn lại trong tôi xao động. Tôi không ngờ, sau này người đó lại là nàng thơ của tôi. Cũng vô tình thôi, chiều đó, tôi đi qua một khu trọ tập thể nữ sinh. Tôi nghe được tiếng hát từ trong đó vọng ra. Không phải là hát mà là đọc thơ. Đọc với kiểu ngâm của người xứ ta, nó ngân nga như hát. Em gái đang yêu hay sao? Có lẽ vậy! Tôi thích tiếng hát và đứng lại nghe. Tôi giả vờ ngắm hàng cây dọc hàng rào, nhìn trời trong, nhìn mây trắng và nhìn chim bay. Tôi đang cố tạo ra dáng vẻ vô tình. Tôi phát hiện ra một con chim lách chách, nhảy liên tục từ cành này sang cành khác. Con chim bé tí, màu xanh. Tôi gọi nó là chim sâu. Mắt tôi tìm chim sâu nhưng tai tôi tìm nghe tiếng thơ, tiếng hát. Cô bé giọng hát mà nghe như thì thầm to nhỏ bên tai, đã chuyển sang một bài hát khác, cũng là bài hát về tình yêu, bài quan họ “Người ơi, người ở đừng về…” Chính vì lời ca đó mà tôi đứng lại, đừng vô tình nữa, nán lại xem mặt cô gái kia đi. Tôi tò mò. Rồi giọng ca lại chuyển sang “Con đường xưa em đi, vằng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê… con đường xưa em đi, thời gian cố quên đi, đá mòn kia vẫn ghi..” Tôi mê đi vì lời ca, vì giọng hát, cô bé nỗi lòng quá, tâm trạng quá, chắc chắn cô đang muốn gửi tiếng hát về phương trời nào đó, cho ai đó, vì nghe thao thiết lắm. Tôi quyết phải nhìn tận mặt cô bé, mà bất ngờ hay vô tình, tôi gọi cô bé là con chim sâu… Tôi nghĩ gọi là “chim sâu” hay hơn là nếu cứ dùng cái từ, mà người đời ca ngợi đã sáo mòn là oanh vàng hay hoạ mi. Ừ, đơn giản cho nó lành và em cũng cũng đừng cao quá để có thể lại vô tình ngoảnh mặt đi, dễ quên nhau.

Rồi cái sự vô tình không diễn lại. Tôi và nàng thơ nên vợ nên chồng. Chúng tôi có những đứa con trong một tổ ấm, để bây giờ nghĩ lại, thấy yêu và thương nhớ vô cùng tổ ấm nghèo nàn cơ cực ngày đó. Có thể nói, cái nghèo, cái đơn sơ làm tâm hồn chúng tôi đơn giản, trong sáng ít bụi bẩn pha trộn, khiến chúng tôi dễ thông cảm nhau, hoà đồng cùng nhau.

 

Nhưng cuộc sống đi lên. Người văn hoa bảo là lên hương và tôi sợ tình cảm con người cũng có nhiều thay đổi. Mẹ tôi dưới quê gọi điện nhờ tôi đến thăm bà bạn bị ốm, đang ở Hà Nội, thăm bạn là gửi gấm cái tình cho bạn con ạ. Tôi thấy nàng thơ của tôi nín lặng lắng nghe câu trả lời. Liếc nhìn nàng thơ, tôi thấy một chút xáo động trong em. Em không lộ ra nhưng tôi nhận biết được qua các giác quan. Tôi đồng ý và rủ nàng thơ cùng đi thăm. Nàng đồng ý, có lẽ, cũng chút ít vì tò mò muốn biết mùi hương vô tình học trò mà tôi đã kể cho nàng nghe.

Khi tôi gõ cửa đánh tiếng báo đã đến, nàng thơ của tôi thấy một bóng người chạy vào gian trong không ánh đèn. Vợ chồng tôi và mẹ em nói chuyện ngày xưa của tôi, tuyệt không một lời nào nói về em, mái tóc ngang vai và hương học trò vô tình vẫn chỉ là mờ ảo. Chuyện thăm hỏi cũng xong. Tôi thầm cám ơn em đã lánh mặt, vẫn để tôi giữ mãi cái hình ảnh của mái tóc với mùi hương vô tình ngày ấy.

 

 

 9/01/24

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 140
Ngày đăng: 24.01.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Xuân của đá - Nguyễn Thỵ
Đêm đông nhớ ngày xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Lên "phây" - Trần Yên Hòa
Chuyện ngày cuối năm - Cát Huỳnh
Kẻ giết người công lý - Nguyễn Vĩnh Căn
Hồi nào giờ ai cũng biết mà - Tiểu Lục Thần Phong
Trở về quá khứ - Ngọc Thảo
Kể lể trong gió đông - Nguyễn Thỵ
Chung một cuộc tình - Võ Công Liêm
Mèo con lạc lõng - Elena Pucillo Truong
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)