Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
849
116.686.701
 
Kẻ giết người công lý
Nguyễn Vĩnh Căn

 

            Bản án tử hình của phiên tòa sơ thẩm, hình như không làm hắn nao núng chút nào. Chẳng những sắc mặt hắn không đổi mà hắn còn ngẩng cao đầu nữa là đằng khác. Vụ án rất được mọi người dân thành phố quan tâm. Mà tên này cũng lạ thật! Hâm hết số rồi hay sao mà lại đi bắn chết một quan phụ mẫu thanh liêm, có tiếng tăm thế lực trong thành phố, tránh sao khỏi tội chết!

 Thế mà có khi cả hội trường tòa án phải nín khe, tưởng hắn thoát tội chết, khi hắn đưa các bằng chứng rành rành ra đấy chứ! Hay hắn tự tin vì còn 15 ngày nữa để xin kháng án lên tòa cấp cao xử? Điều này thì có lẽ hắn dư biết phận hắn hơn ai: không tiền, không thân thế, dẫu có chứng cứ cách mấy cũng khó qua khỏi cái chết. Hình như hắn có chút ngông nghênh để tự hài lòng theo phép thắng lợi tinh thần của AQ - không được bề ngang cũng được bề dọc. Nhưng nói gì thì nói, hắn vẫn mãn nguyện vì hắn đã làm hết sức mình rồi. Và thời gian 15 ngày là để hắn rà soát lại vụ án...

***

            Không ai có thể ngờ, Giám đốc công an thành phố bây giờ, lại bắt đầu sự nghiệp đời mình bằng một công an viên xã.

            Ngày đó, Trần Kiệt xúng xính trong bộ phục công an ở một vùng giáp địa giới Campuchia. Một công an viên chăm chỉ và nhiệt tình trong công tác truy quét Fulro.

            Sau ngày giải phóng, các tàn dư nguỵ quân nguỵ quyền đã cấu kết với lực lượng Fulro quấy phá các xã ven biên giới, để khi bị truy kích có thể trốn thoát sang bên kia biên giới là an toàn. Việc quấy phá này cũng gây phiền nhiễu cho các  thôn xã mất ăn mất ngủ. Thường các vụ quấy phá của bọn chúng: chặn xe hàng trấn lột, vào nhà dân cướp bóc tài sản, và thực phẩm gạo cơm mắm muối…Có khi chúng còn táo tợn cướp cửa hàng hợp tác xã rồi đốt cháy luôn.

Sau nhiều lần ruồng bắt truy quét không được, Trần Kiệt nghiên cứu địa hình và nhận thấy các lần rút lui của bọn chúng khi nào cũng tháo chạy qua eo núi đồi Cốc để thoát qua biên giới. Thế là Trần Kiệt điều động toàn bộ du kích xã, nằm phục suốt cả tháng trời. Và quả thật, khi đụng trận truy quét của lính biên phòng, bọn chúng đã dính ổ phục kích của Trần Kiệt. Cả bọn bị bắt giải về xã, lập biên bản rồi giải lên Huyện.

Đến lần thứ hai, bắt được tên phản loạn Trần Huân cùng đồng đảng thì tiếng tăm Trần Kiệt nổi lên như cồn. Thế là Trần Kiệt được điều về Huyện làm trưởng phòng an ninh với nhiệm vụ truy quét Fulro mặt trận Tây Nam. Hình như cứ nghe tiếng Trần Kiệt đi tới đâu là bọn Fulro khiếp bóng vía đến đấy. Rồi Trần Kiệt được đề bạt lên chức Trưởng công an huyện với hàm Đại uý. Làm trưởng công an huyện Trần Kiệt lại càng có thời cơ để hoạt động tích cực hơn.

            Lý lịch của Kiệt, thực ra không có gì đặc biệt lắm. Có chăng cũng chỉ là một người xuất thân ở Hà Nội, vừa học xong lớp 10, được điều vào chiến trường miền Nam như mọi anh lính bộ đội khác. Sau đó, Kiệt được khai tên đổi họ để thâm nhập hàng ngũ lính Ngụy làm nội gián. Không biết xoay trở ra sao? Kiệt được lên cấp uý. Có nhà cao cửa rộng, có vợ con hẳn hoi. Nhưng vẫn được cấp trên tín nhiệm.

Một điều rất lạ là, sau 75, Kiệt không mấy khi muốn gặp anh em đồng đội. Mấy lần họp mặt - khi ấy Kiệt đã lên chức trưởng công an huyện, Kiệt thường lấy lý do bận công tác liên miên, để luôn vắng mặt. Thằng Mạnh thấy thế thốt lên:

- Mẹ, lần sau đừng mời nó nữa tụi bây. Bây giờ nó có chức có quyền rồi, đâu còn thèm nhìn xuống bọn mình nữa.

Nhưng rồi Hoành - em của Mạnh, đỡ lời:   

- Anh em thông cảm cho nó, bây giờ càng làm lớn, nó càng bận rộn cũng phải thôi.

- Mà cũng lạ thật! Từ ngày làm lính lái xe cho thằng Kiệt, thằng Đông cũng mất mặt đâu không thấy. Nhung phàn nàn.

- Đúng là thầy nào trò đó. Huấn chêm vào.

            Cùng nhóm đồng đội cũ, nhưng Đông được phái qua lái xe tải chuyển binh lính, đạn dược vào phía trong, chứ không trực tiếp tham gia chiến trường như đồng đội. Khi cùng ở một đơn vị, tiếng là đồng đội với nhau, nhưng Kiệt và Đông chẳng thân thiết gì nhau, thậm chí còn đấu đá nhau là đằng khác. Kiệt vốn tính thâm trầm, ít nói, nhưng thủ lợi vô tâm thì không ai bằng. Còn Đông tính thẳng thắn bộc trực, đứa nào không nên không phải là toạc ngay.

Bữa đó, Nhung sốt cao mấy ngày không có thuốc nằm rên hùi hùi. Tình cờ Đông lục ba lô Kiệt tìm bút viết thư về nhà, thấy một lọ thuốc sốt rét còn đầy ắp. Khi Kiệt về, Đông ném hộp thuốc trước mặt Kiệt:

- Thằng Nhung sốt nguy kịch thế mà mày nỡ nhẫn tâm được hả Kiệt? Kiệt chống chế:

- Tao đâu biết trong ba lô còn thuốc đâu mà mày trách tao. Nhưng tại sao mày lại lục lọi ba lô tao? Lần sau mà còn thói đó là không xong với tao đâu?

Đông sửng cồ lên:

- Có ngon mày chơi tao đi!

Thế là hai đứa xông vào đấm đá nhau túi bụi, bạn bè can mãi mới được.

            - Vậy mà giờ đây hai đứa lại là thầy tớ nhau, nghĩ cũng lạ. Huỳnh lên tiếng.

            - Lần gặp Đông, nghe nó phàn nàn về thằng Kiệt lắm! Nhưng hoàn cảnh khó khăn mà Đông phải chịu làm lính thằng Kiệt đấy! Huấn giải thích.

            Tình cờ trong một chuyến xuống UBND xã nọ, Kiệt đang ngồi bàn kế hoạch với xã đội trưởng và công an xã để truy quét Fulro, có một người đưa văn thư tới. Cả hai ngờ ngợ nhìn nhau:

- Mày là Đông phải không?

- Ủa, Kiệt đây hả?

Hai đứa tay bắt mặt mừng, gặp nhau sau mười mấy năm xa cách. Kiệt bảo:

- Mầy lái xe còn lụa nữa không?

- Khỏi lo, cái nghiệp lái xe nó ngấm vào máu tao từ bao giờ rồi.

- Xong ngay, mày về đầu quân lái xe cho tao đi.

Từ đó, Đông về huyện lái xe cho Kiệt. Cũng vừa lúc, Kiệt có tên trong HĐND huyện. Một thời gian sau, Kiệt được điều sang phòng kế hoạch lên khuôn tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp của huyện. Thế là Kiệt nhiệt tình xông xáo, bằng cách xuống từng thôn xã để đốc thúc nông dân làm ăn theo kiểu tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

            Ngày đó, sau giải phóng. Người nông dân vốn ở chế độ VNCH đang được làm ăn tư hữu, nay vừa bị thất trận, lại bị tước bỏ ruộng đất để sung vào nhà nước, còn lòng dạ nào mà vào Tập đoàn, Hợp tác xã nữa chứ! Chưa thấy cái hiệu quả làm ăn tập thể của XHCN đâu, mà bị điều đi hết đào đất đắp đập, đến khơi dòng kênh mương, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Chưa hết, lại còn phải dao rựa khai hoang hết đồng này đến đồi kia mệt muốn đứt hơi, thế mà tối về còn phải hội họp kiểm điểm, khiến cho người nông dân chán nản vô cùng. Quả thật, tư tưởng chưa thông, bình đông không cũng nặng.

            Thế rồi có ông cán bộ ở trên huyện xuống tận thôn, tận xã cùng ăn ở, cùng làm với người nông dân, và bất cứ nơi nào gai gốc khó khăn cũng đều có mặt ông, người nông dân làm sao lùi bước được. Khi cán bộ đi trước, dân làng lội nước theo sau, bảo sao ông đi đến đâu phong trào lại chẳng mạnh lên.

Được một điều là ông ít nói, ít chỉ thị, chỉ biết lắng nghe và làm, thậm chí còn làm nhiều hơn người dân. Cái mừng nhất của dân làng là sau một ngày lao động vất vả về là nằm ngủ thẳng cẳng, chứ không phải hội họp kiểm điểm rắc rối cuộc đời như trước nữa. Tác phong con người ông điềm đạm, ít nói, ăn uống kham khổ, cũng cơm hấp mì khoai, uống nước lã, như thế bảo sao người dân không nể phục ông!

            Điều đó chỉ có Trần Kiệt làm được mà thôi. Thế là tiếng tăm ông nổi lên là ông vua phát động phong trào: đi đâu dù khó khăn mấy ông cũng bưng bê phong trào lên được. Sau đó, ông được thăng chức lên làm chủ tịch UBND huyện. Và huyện của ông luôn được biểu dương là lá cờ đầu trong phong trào tập đoàn của một huyện điểm tiên tiến.

            Nổi tiếng và được lòng dân là thế, nhưng với bạn bè, Kiệt lại tỏ ra ít quan tâm và luôn tránh né.

Nhân một dịp nọ, anh em không báo trước và nhờ Đông chở ngay đến địa điểm họp mặt. Vừa vào Kiệt khá ngỡ ngàng, nhưng rồi biết chẳng đặng đừng, nên Kiệt cũng làm ra vẻ vồn vã, tay bắt tay mặt mừng với anh em và luôn miệng cáo lỗi mấy lần trước không họp mặt được.

Không gặp thì trách móc thế, chứ đến khi gặp mặt thì cả bọn hồ hởi phấn khởi với nhau lắm! Đứa này đến cụng, đứa kia đến cụng ly, nhưng Kiệt chỉ uống cầm chừng, và thoái thác lý do là bận phải họp hành. Huân hứng chí:

            - Trong mấy đứa bạn chỉ có mày là có chức có quyền, và còn triển vọng đi lên. Vậy tất cả anh em cụng ly chúc mừng mày, và mày không được từ chối đâu nhé!

            Thế là cả bọn hô to:

            - Một, hai, ba, dô!

            Cả bọn phấn khởi dô hết, khiến Kiệt cũng phải nốc hết ly.

            Rồi bao kỷ niệm một thời chợt ùa về như những vại bia lai láng men nồng tràn đầy trong tâm tưởng, làm cho tình thân hữu thêm đậm đà và thắm thiết hơn. Bao nhiêu câu chuyện vui buồn gian nan chiến đấu một thời, cũng tuôn tràn ào ạt. Luân chợt hỏi:

            - Kiệt, hồi đó mày nằm vùng ở đất địch ra sao, kể cho tụi tao nghe với. Nghe bảo mày được ăn nhậu với tụi nguỵ toàn rượu tây, và nhảy nhót với em út tá lả có phải không?

            Kiệt có vẻ hơi đo đắn:

            - Đã vào cuộc thì tao cũng phải mút mùa Lệ Thuỷ cho tụi nó tin, chứ không mà lạy ông tôi ở bụi này à!

            - Nghe bảo mày có con bồ đẹp và múp lắm phải không? Mạnh hỏi.

            - Bậy nào, vợ con của nó đàng hoàng rồi, chứ đâu phải như mày nói. Hoành đính chính.

            - Thế tại sao bây giờ mày không sống với vợ con mày nữa hả Kiệt?

            Những câu hỏi tới tập, khiến Kiệt thoáng bối rối. Kiệt không ngờ tụi bạn biết rõ về Kiệt như thế. Kiệt chống chế:

            - Vợ con gì đâu. Tụi nó trét cho tao, vì nhiệm vụ mà tao phải cam chịu thôi.

            - Nhưng có một điều lạ, là mầy ở vùng địch mà không tìm ra được đứa nào phe ta làm nội gián cho địch, khiến mấy điểm đóng quân và các kế hoạch trận chiến của phe ta đều bị bại lộ làm tổn thất rất nặng nề?

            - Thằng Quân, thằng Ngữ đấy chứ ai? Tao không ngờ bị bắt, tụi nó khai ra làm bại lộ quân mình đấy! Kiệt tố cáo.

            - Không thể thế được, tao chơi với hai đứa đó lâu ngày, tao biết tụi nó không lòng nào phản lại tổ quốc và bè bạn bọn mình đâu. Ngay cả việc tụi nó bị bắt, cũng có vấn đề nội gián mới bị phát hiện. Nhung chống chế.

            - Tụi mày không tin thì thôi, tao chả nói nữa. Bằng chứng là hai đứa đang phải giam trong trại tù đặc biệt đấy!

            Hình như sự quay quắt của anh em về chuyện đó làm Kiệt khó chịu.

Trên đường về, Kiệt bảo với Đông:

            - Tao không ngờ mày lại đưa tao đến nơi khó xử như thế!

            Đông phân bua:

- Bấy lâu nay, tụi nó mong mỏi gặp mày. Tưởng cho vui vẻ, ai ngờ chuyện xảy ra như thế.

Nhưng rồi chuyện đó cũng chẳng làm Kiệt để tâm lâu. Vì sau đó, Kiệt được đi học sáu tháng ở Hà Nội, và về làm Uỷ ban cải tạo công thương Thành phố.

Thời gian đó, việc buôn bán ở thành phố rất hỗn mang phức tạp và bừa bãi, làm mất trật tự cảnh quan đô thị. Chợ xuống đường vô tổ chức. Họp bất cứ nơi nào có thể là túm tụm nhau lại, mà bọn cò mồi chợ trời lại đông hơn người buôn bán. Hễ cứ đuổi đầu này thì chạy lại họp nơi kia, nhất là giữa các ranh giới phường xã với nhau. Cứ đuổi phường này thì qua phương khác là an toàn, nên rất khó dẹp bỏ được.

Làm trưởng ban cải tạo công thương, Trần Kiệt phối hợp tất cả các bên: cảnh quan đô thị, công an giao thông và công an phường lại thành một khối thống nhất. Phân công rõ ràng trách nhiệm từng bộ phận và cùng bắt tay đồng bộ vào việc, mà chính Trần Kiệt xuống tại hiện trường, bộ phận nào còn dám trì trệ và xao lãng công việc được.

Một tuần sau, cả thành phố nhốn nháo lên. Dân buôn thúng bán mẹt bưng bê hết nơi này đến nơi kia không có chỗ ẩn thân, đành phải nằm nhà. Dân chợ trời chạy tháo thân im re, vì tơ lơ mơ là bị bắt đi cải tạo như chơi. Các quán xá, lều túp đều bị giở bỏ. Các nhà phố cơi nới lấn chiếm cũng bị đập phá để trả lại đường thông hè thoáng.

Nghe đâu chính Trần Kiệt đã tự tay đập phá ngôi nhà của bà chị mình, dân gân guộc chợ trời đâu có cớ gì để làm khó dễ với ban cải tạo công thương nữa. Thế là sau đó chợ búa, được phân khu vực cho các hàng quán buôn bán có môn bài trật tự hẳn hoi, chứ không phải buôn bán chụp giật chạy thuế như trước kia, khiến cho ban thuế thất thoát cả hàng tỷ đồng. Khu buôn bán chợ trời cũng được phân lô và quy định rõ ràng nơi chốn, để không còn túm tụm bừa bãi, tiện đâu họp đó nữa.

Quả thật trong những ngày đó, dân công thương buôn bán rất hận Trần Kiệt để có câu: “Ghét cướp, ghét trộm chưa bằng ghét Trần Kiệt”. Nhưng khi làm ăn buôn bán ổn định, cảnh quan đô thị đường thông hè thoáng thì người dân mới nể phục Trần Kiệt là nhà cải cách công thương tài giỏi. Từ đó, tiếng tăm của Trần Kiệt nổi lên như một quan phụ mẫu đáng kính.

Nhưng rồi Trần Kiệt cũng gặp phải những vấn đề gai gốc đau đầu, khi đối mặt với việc giải tỏa các khu dân cư trong diện lấn chiếm khu vực quy hoạch một cách vô tổ chức, ổ chuột chồng chéo nhau... Điều đó đụng chạm đến sự an cư lạc nghiệp, khiến nhiều người dân sống chết không chịu di dời. Lệnh giải tỏa hơn một năm, nhưng không lực lượng nào giải tỏa được. Khi xe ủi đến, người dân cứ ngồi lỳ ăn vạ, “mọc gạc” cũng chẳng ai dám liều. Mãi rồi cũng đến tay Trần Kiệt.

Ngày ra quân đầu tiên, Trần Kiệt đích thân tự mình ngồi trên xe ủi điều khiển xúc ủi chính ngôi nhà Trần Kiệt đang ở, khiến vợ con đứng nhìn mà khóc. Rồi cũng chính Trần Kiệt đến giải toả năm ngôi nhà của cán bộ có máu mặt trong thành phố, xúc ủi san bằng để làm gương, khiến bà con thành phố lè lưỡi thán phục. Vậy thì còn ai dám cả gan đứng ra chống đối nữa.

Thế mà rồi cũng có mấy trường hợp thương phế binh gần guộc đứng ra chống đối, khiến cho Trần Kiệt phải đau đầu nghĩ không ra cách ứng phó. Bỏ bẵng đi một thời gian dài, ai cũng nghĩ Trần Kiệt thua cơ bọn họ rồi. Nhưng rồi một hôm, mấy thương binh được mời lên văn phòng UBND thành phố để Trần Kiệt hoà giải. Thế là trong khi mấy tên ngoan cố được mời lên, ở ngoài hiện trường, xe ủi cấp tốc giải toả san bằng ổn thoả. Người nhà thấy chồng mình bị mời thì cũng lo sợ cho chồng, còn lòng dạ nào mà chống đối cản ngăn nữa. Cái thế chuyện đã lỡ rồi, Trần Kiệt chỉ gọi đàn em khiển trách và kiểm điểm để làm mặt xoa dịu, khiến mấy người thương binh cũng chỉ còn biết chấp nhận mà thôi.

Xong chuyện giải phóng mặt bằng thành phố, Trần Kiệt nổi lên như cồn, người dân thành phố hết lòng ca ngợi. Rồi họ tô vẽ thêu dệt ra nhiều giai thoại chung quanh vị chủ tịch thần tượng của thành phố mình. Vì thế mà có câu vè:

“Kiệt về cải tạo công thương

Chợ trời khiếp vía tìm đường tháo thân

Chợ thời quy hoạch lên khuôn

Bán buôn tấp nập cảnh quan sum vầy”

Nhưng với nhóm bạn bè, thời điểm đó lại bắt đầu bất mãn với Trần Kiệt, nhất là khi Ngữ với Bá đi tù về.

Bữa đó, anh em chiến hữu làm tiệc linh đình mừng hai đứa ở trại tù về. Có đứa sụt sùi khóc cho số phận của tụi nó bị hàm oan. Hoành sốt ruột lên tiếng:

- Thế không có cách nào để vạch mặt sự thật nó ra hả tụi bây?

Ngữ và Bá can:

- Thôi thì đàng nào bọn tao cũng phải chịu ở tù về rồi, có làm to chuyện cũng chẳng được ích gì. Bây giờ nó làm to, có chức có quyền, có ô có dù, uy tín với cấp trên, và được nhân dân thành phố mến mộ như vị thánh sống, dẫu có bằng chứng mười mươi cũng không lật nó xuống được đâu, mà có khi còn luỵ vào thân, đi tù là có đấy!

Mạnh ức lắm:

- Theo tao thì tụi mình phải đồng tâm góp sức, và kiên quyết làm cho ra lẽ trắng đen, chứ không thể để cho kẻ có tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật được.

- Muốn tố nó phải có bằng chứng, người chứng hẳn hoi chứ chẳng đùa được đâu. Luân đưa ra ý kiến.

Cuối cùng Ngữ tiết lộ:

- Việc nằm vùng của nó làm nội gián cho địch, chỉ có thằng Trường - Đại uý lính nguỵ, biết rõ. Hồi đầu nó ở trại tù cùng với bọn tao, nó kể nhiều điều về Trần Kiệt lắm!

            - Thế bây giờ nó ở đâu?

            - Nó đi diện H.Ô sang Mỹ mất rồi.

Thế là cả nhóm nhất quyết ăn thề: dù thế nào, cũng phải làm cho bằng được.

- Tụi bay muốn làm vụ này cho hiệu quả, tao nghĩ, phải liên kết với thằng Đông, vì thằng Đông thân tín với nó, may ra biết được nhiều chuyện về nó, mới có cơ sở pháp lý tố tụng. Huấn góp ý.

- Khổ nội thằng Đông bữa nay lại vắng mặt.

***

Còn Trần Kiệt sau khi công thành danh toại bên sự nghiệp hành chính lại muốn trở về đơn vị cũ là công an của mình ngày xưa. Trần Kiệt chỉ mới ngỏ ý, bên Sở công an đã đồng ý cả hai tay để cho Trần Kiệt về lại.

Xét thấy, sau nhiều năm tháng đóng góp cho sự nghiệp hành chính, nên Kiệt được đặc cách lên hàm Trung tá công an, phụ trách bên mảng tệ nạn xã hội: Xì ke, ma tuý, mãi dâm, đâm chém, du thủ du thực, trộm cướp...

Sau những thành công bên an ninh quốc phòng ở huyện và sự nghiệp hành chính huyện cũng như thành phố cũng gặt hái được nhiều thành quả vẻ vang, với việc an sinh xã hội, có lẽ không phải là bài toán quá khó với Trần Kiệt.

Vừa mới về công an, Trần Kiệt bắt tay vào ngay với các phong trào truy quét.

Nạn mãi dâm, Kiệt chỉ thị công an phường phải kiểm tra gắt gao các quán Karaoke, khách sạn, nhà chứa… thường xuyên về hộ khẩu thường trú, tạm trú tạm vắng...Bắt được các đối tượng mãi dâm là đưa đi cải tạo ngay.

Nạn chích choách, buôn ma tuý được cài đặt các camera ở những góc phố, góc vườn, góc rẫy khả nghi với máy quay hồng ngoại, và từ đó in ra hình lớn cho mỗi công an viên, nên đã truy bắt được nhiều ổ mua bán ma tuý cấp quốc gia. Treo thưởng cho ai phát hiện ra con nghiện, và bọn mua bán ma tuý, cũng đem lại kết quả rất khả quan. Từ đó, phanh phui ra đường dây ma tuý có quan chức công an bao che và tiếp tay.

Thu nhận vào công an những tay trùm sò anh chị để dĩ độc trị độc các băng đảng đầu nậu, bảo kê, thu về một mối.

Hình như công việc xoá tệ nạn xã hội, đem lại thành quả còn hơn cả lòng mong đợi, đã khiến cho người dân thành phố tôn Trần Kiệt lên bậc thánh của thành phố.

Cùng lúc đó, bất ngờ bên toà án lại có đơn tố tụng Trần Kiệt. Ai nghe cũng buồn cười. Đứa nào ngu dốt đến mức muốn vạch tội một ông thánh thì sao tránh khỏi rước họa vào thân.

Quả vậy, vụ tố tụng đó, đứng nguyên đơn tố cáo là Hoàng Đình Mạnh đã bị thất bại, vì các nhân chứng phản cung - trước ngày ra tòa bị hăm đe qua điện thoại. Sau cùng, tòa tuyên án:  “Ba năm tù giam vì tội vu cáo, bôi nhọ viên chức cao cấp của nhà nước, làm giảm sút uy tín thanh danh và ảnh hưởng đến lòng tin cậy của quần chúng”. Nhưng tòa án đã vì lời xin của Trần Kiệt để cho Mạnh tại ngoại trong vòng 15 ngày lo vụ tái kiện.

Sự thất bại đó, thực sự làm anh em chiến hữu hết sức nản lòng. Vì đang không Mạnh lại rơi vào vòng tù tội. Cả bọn tính bỏ cuộc thì Hoành - em trai của Mạnh, lại hô hoán lên để động viên anh em: “Chúng ta phải kiên quyết theo vụ án này đến cùng, để đưa kẻ ác ra ánh sáng”.

Trần Kiệt vốn được người dân thành phố xem như một quan phụ mẫu tài đức, qua việc xử án, lại còn lưu tình cho kẻ tố mình được tại ngoại, khiến ai cũng ngả mũ kính nể ông là người bao dung độ lượng với bạn bè.

Còn Hoành và phe cánh bạn bè đang nỗ lực để tìm chứng cứ do Đông cung cấp, và mặt khác thuyết phục nhân chứng đừng quá sợ thế lực của Trần Kiệt mà thoái thác hay phản cung như lần trước.

Bỗng đâu xảy ra cái chết bất đắc kỳ tử của Mạnh, khiến Hoành và cả bọn hết sức bàng hoàng khi hay tin Mạnh bị chết do một tai nạn xe hơi đụng vào xe máy, khiến nhiều người nghi ngờ về sự cố đó!?

Tưởng cái chết của Mạnh sẽ dập tắt vụ kiện, vì nguyên đơn đã chết không còn ai dám đứng ra đương đầu với Trần Kiệt. Nhưng không, chính cái chết vô cớ của Mạnh càng làm bạn bè phẩn uất, và càng hun đúc cho vụ án xúc tiến nhanh hơn bao giờ hết.

Hôm đưa tang, chính Trần Kiệt tới thăm gia đình Mạnh, với lời chia sẻ và phúng điếu trông rất thảm não, khiến cho cả thành phố ngưỡng mộ hết mình vì nghĩa cử cao đẹp đó. Quả thật, để khóc thương cho người đã tố cáo mình, tưởng phải là một tín đồ Thiên Chúa sùng đạo lắm, mới có thể tha thứ cho kẻ nghịch thù vậy. Nhưng Hoành - em Mạnh, lại căm phẫn để đắng cay thốt lên: “Mẹ đời chó thế! Nó giết chết anh mình rồi còn giả nhân giả nghĩa đến thăm thì có ức không chứ!”

Kịp khi Đông bị Kiệt nghi ngờ là có dính dáng tới vụ kiện và đã cho nghỉ, vì lấy cớ: “Bây giờ sang bên công an, cậu không có nghiệp vụ công an đi lại cơ quan không tiện việc”. Thực ra lâu nay, không mấy khi Kiệt sai Đông đi công tác với mình nữa. Nhất là sau cái lần Đông can ngăn Kiệt nhiều việc, nhưng Kiệt vẫn không nghe. Từ đó Đông làm ngơ như câm như điếc về chuyện của Trần Kiệt, mà chỉ âm thầm ghi nhận mà thôi.

Nghỉ lái xe cho Kiệt, điều đó, lại là dịp thuận tiện cho Đông có điều kiện góp thêm những chứng cứ vào hồ sơ tố cáo Trần Kiệt, hòng làm sáng tỏ nhiều việc mờ ám của Trần Kiệt trong quá khứ và hiện tại. Bây giờ mọi người đều biết rằng: Vụ án thành hay bại, đều trông nhờ tất cả vào Đông. Bởi lâu nay, Đông đã thu thập được khá nhiều chứng cứ bổ sung vào hồ sơ tố giác tội ác của Kiệt thêm chồng chất.

Nhưng điều đau đầu nhất, làm anh em lo ngại: vị thế và quyền lực của Trần Kiệt quá lớn, khiến người làm chứng nào cũng nơm nớp lo sợ Trần Kiệt trả thù, để không dám đứng ra làm chứng.

Hoành ức lắm! Anh nó đã bị chết oan uổng. Vì theo Đông, là có dấu hiệu của một vụ thảm sát. Bởi người gây ra tai nạn, Đông nhìn mặt rất quen, hình như là lính của Kiệt hồi ở dưới huyện lên, chứ không phải dân thành phố. Bây giờ Trần Kiệt nắm bên ngành công an, khó chi mà không bịt được đầu mối.

Ngẫm nghĩ một lúc lâu, cuối cùng Hoành đấm bàn, rồi đưa ra lời tuyên bố:

- Tao đã có cách làm cho bọn mình chuyển bại thành thắng rồi.

Mấy đứa hỏi, Hoành cứ cười cười giữ bí mật:

- Nếu tao thành công, tụi bây cứ theo kế hoạch như vậy…như vậy mà làm. Hồi sau tụi bây sẽ rõ.

Có lẽ, cuộc đời của Trần Kiệt chưa bao giờ được vinh vang trên đài danh vọng như thế! Vừa được đề cử lên làm Giám đốc công an thành phố, vừa được Bộ gửi bằng khen thưởng vì sự nghiệp hành chính của Kiệt. Đến lúc này, Kiệt mới được đôi chút thư thái. Trần Kiệt tự nghĩ: danh vọng đời mình như thế là quá mãn nguyện rồi. Kiệt dự tính: hè này, cả gia đình sẽ làm một chuyến đi nghỉ mát dài hạn, để tĩnh tâm thư thái, cho bỏ đi những tháng năm gian truân vất vả của hơn nửa đời người.

Nhưng hầu như cuộc đời không mấy khi chiều lòng người.

Đông đang ngồi bổ xung lại những điều thiếu sót vào hồ sơ vụ án, để trao cho luật sư nguyên cáo, thì Huấn hớt hãi vào:

- Hỏng rồi Đông ơi! Sự việc đã khó khăn rối rắm, thằng Hoành lại làm rối tung lên cả rồi!

- Chuyện gì thế? Nói mau tao nghe nào.

- Thằng Hoành lẻn vào phòng Trần Kiệt, bắn ba phát vào đầu Trần Kiệt nằm chết ngay đơ, rồi quay về nhà gặp tao, dặn đủ điều, sau đó tới công an tự thú.

Đông nghe cũng phải choáng váng mặt mày!

- Thằng này có điên hay không mà làm cái việc rồ dại như thế chứ! Chỉ tổ làm cho sự việc thêm rối tung lên. Thế nó nói gì với mầy.

 - Nó bảo: “Trần Kiệt nợ máu cách mạng và anh em, đáng phải tội chết! Tao đã đem lại sự công bằng cho anh tao và thay công lý để xử phạt nó là đích đáng lắm rồi! Nếu chờ cho công lý ra tay đối với một kẻ có quyền lực ô dù như nó, biết ngày nào cho thấy bóng dáng công lý đây?

Thực ra, tao hy sinh làm việc này, là để cho vụ kiện tụi bay được suôn sẻ hơn trong tiến trình xử án. Bởi khi thằng Kiệt chết rồi, uy quyền và vây cánh của nó cũng giảm sút, để nhân chứng dám ra đối chứng trước toà, mà không sợ bị trù dập trả thù như trước nữa”.

Cái chết của Trần Kiệt gây một cú sốc rất lớn cho cả thành phố. Không ai ngờ, một vị quan phụ mẫu đáng kính như thế, lại có kẻ đang tâm oán ghét để giết chết, thật đáng thương lắm thay!

Chính quyền ghi nhận công ơn của Trần Kiệt, nên đã đứng ra tổ chức tang lễ theo cấp tỉnh, và quàn xác tại hội trường thành phố. Các quan viên trong Tỉnh đến viếng thăm phúng điếu đông đủ với lẵng hoa, trướng, chiếu, cờ hoa ngợp nhà. Có kẻ còn khóc thương, bày tỏ lòng tiếc nuối cho một anh tài của tỉnh, sớm bị yểu mệnh. Ai cũng căm phẫn với kẻ đang tay giết chết ông, và hứa sẽ làm cho ra sự việc trắng đen. Trần Kiệt như một vị ân nhân thành phố, khiến ai cũng tiếc nuối ngẩn ngơ.

Ngày tiễn đưa Linh cữu Trần Kiệt về nghĩa trang thành phố yên nghỉ, cả thành phố chen lấn nhau đưa tang. Xe cộ tấp nập trên mọi nẻo đường phố. Thật là một đám tang hoành tráng chưa từng có cho một quan chức nào ở thành phố này. Mà cũng phải thôi, một vị quan phụ mẫu với cơ ngơi và công trạng lớn lao như thế, thật xứng đáng với phần thưởng của nhân dân thành phố đem lại.

Và chuyện xử án kẻ giết quan phụ mẫu để răn đe con dân, cũng mau chóng được tiến hành xử. Kết quả là một án tử hình cho một kẻ ngông cuồng, mà cả thành phố đều lên tiếng nguyền rủa.

Rồi cái ngày vụ án được đưa lên toà Phúc thẩm, mọi người cầm chắc cái chết của tên thủ phạm, nên chẳng mấy ai quan tâm vụ xử án nữa.

Nhưng vụ án không đơn giản như mọi người nghĩ, vì có liên quan đến hồ sơ mật của bộ quốc phòng, và nhiều tội danh nghiêm trọng đã đưa vụ án lên tầm mức quốc gia.

Ngày một ngày hai, khi báo chí đăng tải nhiều điều bất ngờ về quý nhân Trần Kiệt, cả thành phố mới ngã ngửa ra, để quan tâm theo dõi toà xử hằng ngày.

Qua chứng cứ của Đại uý Trường - nguỵ quân, vừa từ Mỹ về nước, rất khớp với tài liệu mật của bộ quốc phòng cho biết: “Chính Kiệt đã phản lại tổ chức để làm nội gián cho địch, và cung cấp nhiều bí mật quân sự, làm tổn hại rất lớn đến lực lượng của ta. Ngữ và Bá bị bắt cũng do Kiệt tiết lộ. Ngày giải phóng, chính Kiệt đã tự tay bắn chết Hoàng và Lộc đang bị giam trong tù, để bịt đầu mối khi Hoàng và Lộc biết chuyện Kiệt phản bội cách mạng. Sau đó, Kiệt lại tố cáo với cấp trên là Ngữ và Bá phản bội và làm nội gián cho địch”.

Thực ra sau giải phóng, có biết bao việc tất bật lo toan cần làm, để cấp trên không có thời gian rà soát lại, điều này thật là oan uổng cho Ngữ và Bá. Nhưng cũng may mắn có Trường - sĩ quan Nguỵ, đã cung cấp nhiều chứng cớ thì mới truy ra tội ác của Kiệt được.

Nhiều báo cáo dối trá của Kiệt khi làm công an huyện và chủ tịch huyện lên cấp trên, chỉ là cách man trá lập công, để được khen thưởng. Ngay như chuyện bắt được Fulro là một sự dối trá đánh lận con đen, khi bắt những người dân đi làm rẫy nương xa nhà trong rừng, rồi đổ vấy cho là phản loạn Fulro...Nghiêm trọng hơn là Kiệt đã cưỡng hiếp một phụ nữ trong một lều tranh, trên đường truy sát Fulro. Kiệt giết chết, rồi ném xuống hố phi tang. Nay nhân chứng là chồng đứng ra truy tố.

Chuyện lên khuôn tập đoàn, hợp tác xã, chỉ là báo cáo dối trá, khi Trần Kiệt cho đàn em ra tay đánh đập, và áp bức người nông dân vào tập đoàn một cách cưỡng bách, có người phải chở vào bệnh viện cấp cứu...

Đó là những năm đói kém nhất của người nông dân, vì kế hoạch lên tập đoàn không thành công. Mãi về sau nhờ có khoán 10 phổ biến thì nông dân mới tích cực tham gia thì việc sản xuất mới bội thu. Nhưng trong báo cáo: “Người nông dân rất phấn khởi, tự nguyện vào tập đoàn, và làm ăn kiểu tập đoàn đã cho người dân bội thu trong sản xuất nông nghiệp”. Nhưng thủ lợi nhất là thanh lý một số lượng lớn những máy móc thiết bị sản xuất: máy cày, máy ủi... để bỏ túi. Đó là chưa nói đến những ưu đãi cho các cán bộ cấp cao, được ưu tiên chọn những lô đất giá trị ở trung tâm thị trấn huyện.

Chuyện về thành phố giải tỏa nhà cửa cũng là trò bịp, khi cùng nhau mua lại nhà vùng giải tỏa, để cho dân thấy Kiệt công minh khi ủi cả nhà mình nữa. Nhưng kỳ thực mỗi người được chọn ba lô bồi thường ở trung tâm thành phố đáng giá gấp mấy mươi lần căn nhà cũ.

Việc truy quét tệ nạn xã hội, cũng chỉ phát động rầm rộ, gây tiếng vang cho thành phố. Thực chất là một ván bài ẩn chứa nhiều toan tính để nguồn tiền chảy vào cái túi của Kiệt. Ví như bắt nhiều gái mãi dâm, dân nghiện hút đi cải tạo là cái cớ cho thân nhân nạn nhân đến đút lót để cho tù nhân về nhà.

Và lợi nhuận lớn nhất là khối lượng đốt huỷ ma tuý Heroin công khai, chỉ là trò bịp bột mì là chính...Và số lượng Heroin đó, lại được tẩu tán ra cho con buôn, bán lại cho con nghiện. Cứ thế vòng luẩn quẩn bắt tha luân hồi. Bảo kê cho các nhà hàng, khách sạn, quán Karaôkê kinh doanh gái mãi dâm cũng là một nguồn thu đáng kể. Nhưng cũng làm ra vẻ ta đây lùng sục nhà hàng khách sạn gắt gao, để cho người dân thấy mà lầm tưởng là công an nghiêm nhặt lắm!

Ngoài ra Kiệt còn lợi dụng uy tín của mình để tạo điều kiện thâm thủng ngân quỹ lên đến tiền tỷ trong ngân sách thành phố. Đánh tiếng đi học sáu tháng Hà Nội, cuối cùng mua bằng cấp về để hợp thức hóa chức vụ mới của mình.

Cái chết của Mạnh - người tố tụng, cũng là do Kiệt dàn xếp cho một tên lính lái xe đâm chết, hòng giết người diệt khẩu.

Và lần đầu tiên tài sản của Trần Kiệt được công khai hoá trên báo, khiến dân thành phố cũng há miệng ra kinh ngạc.

Hai nhà hàng, một khách sạn, có tất cả các dịch vụ: mát xa, ăn chơi, nhảy nhót, gái bao cao cấp người mẫu. Một công viên nước. Hai nhà lầu đúc ở quận trung tâm Sài Gòn và hằng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Mấy người xe thồ rỗi rảnh, đọc báo rồi kháo nhau:

- Một quan phụ mẫu thanh liêm mà có số tài khoản khổng lồ như thế, quả cũng hơi bị lạ!???

- Trần Kiệt mới nổi lên như một chính nhân quân tử được cả thành phố ca ngợi hết mình, thế mà giờ đây, bỗng lòi ra cái bản mặt nguỵ quân tử bỉ ổi, gian trá, hiểm độc. 

Cuộc đời hư hư thực thực, thiện ác, thật không biết đâu mà lần!?

Nhưng đằng sau song cửa tù, có một người tự bằng lòng với cái giá: Năm năm tù giam cho một tội ác được đưa ra ánh sáng công lý, kể cũng còn rẻ chán!!!

 

Châu Sơn ngày 10/06/2008.

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 220
Ngày đăng: 03.01.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồi nào giờ ai cũng biết mà - Tiểu Lục Thần Phong
Trở về quá khứ - Ngọc Thảo
Kể lể trong gió đông - Nguyễn Thỵ
Chung một cuộc tình - Võ Công Liêm
Mèo con lạc lõng - Elena Pucillo Truong
Sau mười năm... - Nguyễn Vĩnh Căn
Cuộc đời vẫn đẹp - Elena Pucillo Truong
Cuộc đời mẹ Monica - Nguyễn Vĩnh Căn
Hai thành phố biển - Trần Hạ Vi
Rocky - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)