Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.678.526
 
Đôi nét chấm phá về kho tàng âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy
Nguyễn Vĩnh Căn

 

Để viết về cố nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nghĩ, phải có một học viện mới chuyển tải hết được nội dung nghiên cứu về ông; Bởi gia tài âm nhạc của ông quá đồ sộ, lại phong phú và đa sắc màu với nhiều thể loại. Và dường như, ở mọi thể loại âm nhạc nào của ông, cũng đều thấu đạt chất lượng nghệ thuật.

Bài viết này, xin được mạo muội chấm phá đôi nét tản mạn trong kho tàng âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Phiến diện và thiếu sót là khó tránh khỏi. Rất mong quý bạn lượng thứ cho người viết.

 

“Phù thủy âm nhạc”. Đây là ngôn từ của họa sĩ Tạ Tỵ phong tặng cho Phạm Duy trong tập sách “Phạm Duy, còn đó nỗi buồn” do Văn Học Sử ấn hành năm 1971. Tôi được nghe nhạc Phạm Duy khá sớm với các bài: Bà mẹ Giao linh, Bà mẹ quê, Quê nghèo, Tình hoài hương…Nhạc của Phạm Duy đến với tôi một cách tự nhiên, không phải khiên cưỡng, nó giống như các bài dân ca, càng nghe càng thấm đẫm.

 Thời đó, ca sĩ Thái Thanh chuyên trị ca khúc của Phạm Duy: Mùa thu Pari, Tiễn em, Kiếp nào có yêu nhau, Đường chiều lá rụng, Nương chiều….Nhưng thú thật, thời đó, tôi không mấy khoái giọng ca nữ này, vì hát ở âm vực cao Soprano khó nghe đã đành, Thái Thanh lại còn màu dáng cách điệu bài hát lên với những kỹ năng điêu luyện, khiến cho cảm xúc người nghe bài hát giả tạo, không thật…Có người nói: Đôi khi nghệ thuật đến với trái tim bằng sự giản dị và mộc mạc của đời thường…

 

Nhưng những người cao tuổi, hay những người có trình độ thưởng ngoạn âm nhạc đều rất thích. Nhưng dù thích hay không, khó có ai có thể phủ nhận được “Phạm Duy là ông vua nhạc tình của VN”.

Với gia tài đồ sộ khoảng 1.000 ca khúc, Phạm Duy là người viết nhiều thể loại âm nhạc nhất VN: Tình Ca, Dân ca, Thiếu nhi ca, Chiến trường ca, Tâm ca, Vỉa hè ca, Bình ca, Tục ca, Thiền ca, Đạo ca, Ngục ca, Tỵ nạn ca, Rong ca, Hương ca, Dị khúc, Hoàng Cấm ca, Kiều ca…Thể loại nào ông viết cũng thấu đạt, chứ không riêng gì tình ca.

Nếu bàn về sự đa dạng thể loại của nhạc Phạm Duy, phải là công việc của nhà nghiên cứu chuyên môn, nên tài hèn sức mọn như tôi xin miễn bàn.

Ở đây, tôi xin được nói về cấu trúc ca khúc của ông. Phải nói, Phạm Duy là bậc thầy về sáng tác ca khúc, nhưng những sáng tác của ông luôn tuân thủ luật cân phương và câu đậu khổ một cách chuẩn mực.

Trong ca khúc: Một đoạn nhạc của ông thường sử dụng với 8 trường canh với các chi câu 2 hoặc 4 để làm nên đoạn A, sau đó và lập lại thành đoạn B để có 16 trường canh, rồi mới chuyển qua đoạn C có 8 trường canh, lập lại đoạn B’ rồi mới kết thúc bài nhạc. Thành ra một bài nhạc có 32 trường canh, trong đó có các chi câu 2 trường canh hoặc 4 trường canh là chuẩn mực của sách giáo khoa về sáng tác một bản nhạc. Ông ít sử dụng chi câu lẻ 3 hay 5 trường canh.

 

Tuy nhiên, cách sáng tác khúc thức của ông cũng rất phong phú, ví như trong tập Hoan ca, bài Bình ca, Xuân ca, có các tiểu khúc 8 trường canh để điệp khúc chỉ 2 câu lập lại thành 4 trường canh nghe cũng rất cân phương…

Ngoài trừ việc phổ thơ là không theo được ý muốn của riêng mình khi phổ nhạc cho đúng luật cân phương. Nhưng những bài: Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Ngày xưa Hoang thị, Ngậm ngùi…ông vẫn vận dụng tài tình câu nhạc để đúng luật sáng tác, nghe thấy tự nhiên mà không khiên cưỡng.

Nhiều người cho rằng: Phạm Duy chỉ giỏi phổ thơ thành bài nhạc một cách tài tình và xuất chúng, chứ ca khúc Phạm Duy thì không mấy xuất sắc. Điều này không hẳn thế, những ca khúc: Nước mắt mùa thu, Nghìn trùng xa cách, Tình ca, Hẹn hò, Tình hoài hương…cũng đâu kém cạnh những ca khúc phổ thơ. Tuy nhiên, chúng ta thấy những ca khúc phổ thơ của ông rất nổi trội. Tất cả đã bồi đắp cho gia sản của ông những ca khúc đỉnh cao nghệ thuật cả lời và nhạc: Ngậm ngùi, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Mùa thu Paris, Hoa rụng ven sông, Ngày xưa Hoàng Thị, Thuyền viễn xứ….

Nhưng phải công bằng mà nói, công phu phổ thơ và chọn lời của ông vào ca khúc là rất lớn. Chẳng có mấy bài mà được ông phổ thơ nguyên si cả bài thơ như bài Ngậm ngùi của Huy Cận.

Chẳng hạn như bài Ngày xưa Hoàng Thị…Bài thơ của Phạm Thiên Thư có tên là “Ngày xưa người tình”, gồm 15 khổ thơ bốn chữ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã sàng lọc, đãi thơ như đãi cát thành vàng để thành một bài nhạc nổi tiếng, mà hầu như ai cũng biết, và ai cũng hát được. Xin đưa ra 4 khổ thơ để chúng ta tham khảo:

Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
Chim non giấu mỏ 
Dưới cội hoa vàng 

Bước em thênh thang 
Áo tà nguyệt bạch 
Ôm nghiêng cặp sách 
Vai nhỏ tóc dài 

Anh đi theo hoài 
Gót giầy thầm lặng 
Đường chiều úa nắng 
Mưa nhẹ bâng khuâng 

Em tan trường về 
Cuối đường mây đỏ 
Anh tìm theo Ngọ 
Dáng lau lách buồn

Chúng ta thấy các khổ thơ nguyên bản của nhà thơ Phạm Thiên Thu khác với bài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy…

Em tan trường về đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê…

Hay như bài Đưa em tìm động hoa vàng, thơ của Phạm Thiên Thư gồm 100 khổ thơ lục bát. Khi xem lại bài thơ thì chỉ tìm thấy 2 câu thơ “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”. Phạm Duy để nguyên làm 2 câu mở đầu cho bài hát, còn những câu sau của bài hát, Phạm Duy đã vận công xào rán lại và thêm gia vị vào, cũng bằng lời thơ lục bát…

Theo tôi, ca khúc Đưa em tìm động hoa vàng không phải là phổ thơ thành bài nhạc, mà Phạm Duy chỉ mượn ý và mượn từ ngữ để dệt nên một tuyệt tác bất hủ. Như thế mới thấy cái tài họa thơ của Phạm Duy cũng chẳng kém Phạm Thiên Thư. Hãy xem lại 4 câu thơ dưới đây thì thấy chẳng ăn nhập gì với bài hát cả.

Ta về rũ áo mây trôi 
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan 
Rằng xưa có gã từ quan 
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say 

Lời trong ca khúc của ông cũng luôn tuân thủ gieo vần, và lại gieo vần một cách tài tình, tự nhiên như một nhà thơ, chứ không khiên cưỡng.

Hãy xem kỹ năng sáng tác giai điệu ca khúc của ông. Xin được lấy ca khúc:

Đừng bỏ em một mình, tác giả Phạm Duy, để khảo sát giai điệu. Ca khúc được viết ở chủ âm Am - la thứ, nhưng giai điệu khá lạ lẫm bởi những hợp âm Esus4 với quãng 4 tăng (Mib – La - bỏ em) (Sib – Mi - bỏ em) chi phối giai điệu, làm cho giai điệu trở nên gai gốc và thống thiết hơn của tâm trạng người bị bỏ rơi cô quạnh giữa nghĩa trang buồn…

Nhưng đến đoạn B tác giả lặp lại giai điệu đoạn đầu A với một sự phỏng tạo rớt xuống một quãng 2 trường để giai điệu trở sang âm giai Gm với những nốt Mib và Bb nghe giai điệu càng não nề hơn.

Sau đó, lại phỏng tạo lên một quãng 4 trong âm giai Dm với nốt Sib để rồi cuối câu nhạc cho nốt Sib vút lên nốt Mib ở hợp âm Eus4.

Ở cuối bản nhạc tác giả đã ghi một bàn thắng đẹp mắt, khi cho giai điệu luồn qua khung cửa hẹp bằng nốt Mib để về cảm âm Sol# bằng một quãng 5 trước khi về chủ âm Am. Cái độc đáo của tác giả khi tạo hợp âm Ab bằng 2 nốt nhạc Mib để cho rớt xuống nốt Sol# - cảm âm để về chủ âm Am (La thứ) một cách tài tình trong lời ca: Ai mái tóc còn xanh. Đây là một thủ pháp hiếm thấy trong các ca khúc VN. Từ hợp âm Ab (ở bộ khóa có 3 dấu b (Bemol) để trở về Am (La thứ - bộ khóa không có dấu # thăng và dấu b giáng).

Quả là danh bất hư truyền của “phù thủy giai điệu”. Phạm Duy đã kiến tạo một giai điệu đột phá đầy ngoạn mục để phá cách giai điệu, nhưng vẫn nằm trong hệ thống chuyển âm rất hợp lý.

Thông thường PD hay sử dụng hợp âm bậc IV thứ, thay vì đó là hợp âm bậc IV trưởng trong hệ thống âm chủ trưởng. Ví như bài “Hoa rụng ven sông”. Hợp âm chủ là Sol Trưởng G, tác giả đã cho chuyển hợp âm bậc IV thứ là Cm, để thay vì nốt Mi bình, thì tác giả giáng xuống thành Mib…nghe hiệu ứng của nốt Mib chùng xuống ½ cung một chút mênh mang buồn…

Với nhạc sĩ Phạm Duy cây đại thụ hàng đầu của VN, nói về chuyên môn sáng tác thì phải được xếp vào hàng “tuyệt kỹ” khỏi phải bàn cãi nói năng chi. Nói về tầm ảnh hưởng của giới âm nhạc thì cũng phủ sóng trước 75 và kể cả sau 75 ở hải ngoại cũng chẳng phải bàn. Ông còn có uy tín với thế lực chính quyền trước 75 và với chính quyền Mỹ, ông cũng đã từng đi lưu diễn ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới…

Ông sở hữu một lượng khán giả lớn tuổi, sành điệu âm nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, đến các nhạc sĩ đương thời cũng phải thầm ganh tỵ.

Một đời tài hoa trong sáng tác âm nhạc như thế, nhưng tôi lấy làm lạ là, tại sao nhạc sĩ Phạm Duy lại hầu như không đạt được một giải thưởng nhỏ to nào từ trong và ngoài nước? Trong khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh sau đẻ muộn, lại có được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước.

Phải chăng, vì cái tính khí bốc đồng của ông hay tuyên bố ẩu tả linh tinh…để mất uy tín với giới thưởng ngoạn âm nhạc??!! Đáng tiếc lắm thay!!

Nói về Phạm Duy, thú thật ban đầu tôi không mấy thiện cảm với ông và định kiến về những ngôn luận của ông…dù biết ông là thiên tài về âm nhạc. Tôi chỉ xem ông như một người xu thời, mẫn thế, gió chiều nào theo chiều đó. Đang là văn công cho bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, viết những bài động viên bộ đội đánh Pháp thì bỗng đâu “dinh tê” về thành.  

Sau 75, sang Mỹ, ông viết tổ khúc: Những cánh chim bỏ xứ…ám chỉ những con chim bồ câu, những con chim sơn ca đã đi hết, chỉ còn lại những con chim cú, ác quạ ở lại mà thôi. Xem ra ông tâng bốc những nghệ sĩ ra nước ngoài và xúc phạm những người trong nước, bảo sao giới nghệ sĩ trong nước không tự ái để ghét ông.

Nhưng rồi khi đọc hồi ký Phạm Duy, tôi mới được giải độc về ông và hết lòng ngưỡng mộ ông. Lúc này tôi mới nghiệm ra rằng: ở đời chưa biết hết sự tình thì khoan vội có định kiến với người khác. Cha ông ta đã nói: tri nhân, tri diện, bất tri tâm.

Ở đây, xin cho tôi mở ngoặc về Hồi Ký Phạm Duy.

Trước hết, phải nói 4 tập hồi ký của PD đã vẽ nên một bức tranh hoành tráng, có tầm khái quát tổng thể rất cao về nhiều mặt: lịch sử, âm nhạc, xã hội, con người…

Xét về lịch sử, ông đã khắc hoạ nên được một giai đoạn chống Pháp của bộ đội Việt Minh với những căn cứ Việt Bắc: Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hoá, Hà Nội…Ông cũng đã từng tiếp xúc với những nhân vật cao cấp lịch sử: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Tướng Nguyễn Sơn, Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ…

Giao lưu với những nhà văn nghệ chính trị: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Cù Huy Cận… với việc đấu đá nhau trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm với các nạn nhân mà ông từng quen biết: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang... Ông thân quen với các nhà văn: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh…

Các nhạc sĩ cùng thời như: Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Văn Trạch, Trần Văn Khê, Phạm Đình Chương…

Các nhà thơ Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền….

Các nhà chính trị Nguyễn Đức Quỳnh, Hoàng Đức Nhã…các nhà xã hội…

Cập nhật với lớp trẻ đương đại như, Lê Hữu Hà, Nguyễn Trung Cang, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Trường Kỳ, Tùng Giang…

Ông sớm trải đời: chỉ với năm 17 tuổi, ông đã đi theo gánh hát Đức Huy để rong ruổi từ miền Bắc cho tới Cà Mâu, mà lại là gánh hát cải lương của miền bắc mà dám múa rìu qua mắt thợ cải lương chính quy của miền Nam thì đúng là gan hết cở thợ rèn.

Trong cuộc du Nam đó, ông đã hát những ca khúc cải cách đầu tiên của nền tân nhạc VN, khi hát những sáng tác của văn Cao, Buồn tàn thu, Trương Chi, Còn thuyền không bến (Đặng Thế Phong), Đêm tàn bến ngự (Dương Thiệu Tước), Kiếp hoa (Nguyễn Văn Tuyên)…. Chính trong thời gian này, ông đã đi qua 3 miền để tích luỹ vốn liếng âm nhạc dân ca VN.

Theo ông, dân ca miền Bắc và Nam không có cái buồn cung ai, cung oán như cung điệu của Huế, buồn da diết…Sở dĩ giai điệu của người dân từ Huế trở vào đến Phan Thiết có giai điệu cung ai, cung oán…buồn da diết là bởi, họ chính là người dân của Đế quốc Cham Pa… từng bị thất trận và mất nước, nên giai điệu của họ sầu buồn da diết vì nỗi vong quốc.

Phải nói, Phạm Duy là nhân chứng sống lớn của lịch sử, chính trị, xã hội, âm nhạc… Đến cả sang bên nước ngoài Mỹ, ông vẫn sáng tác và hoạt động âm nhạc đều đặn. Ông sáng tác tập Rong ca, trong đó có ca khúc Người tình già trên đầu non.

Chẳng những thế, ông còn có tầm ảnh hưởng lớn về văn hoá và âm nhạc. Có thể PD có trình độ văn hoá nhất định, nhưng ông lại là con nhà nòi, khi có bố là nhà văn lão thành Phạm Duy Tốn với “Sống chết mặc bây”, nên văn phong của ông khá sắc sảo, pha chút tếu táo và chân thật.

Ông viết về ông rất trần trụi, kể cả những cái thói hư tật xấu của ông: ái tình lãng mạn đầy phóng túng…Chính ông đã thổ lộ: không có tình yêu, không có tình dục tôi không thể sáng tác những ca khúc lãng mạn để đời được. Ông cho rằng: tình dục của sự lang chạ là một phần không thể thiếu trong đời ông. Ông cũng xót xa để bộc bạch về chuyện tình phóng túng loạn luân của ông với nữa ca sĩ, nữ diễn viên rất nổi tiếng vào thời đó là Khánh Ngọc, lại là vợ của Phạm Đình Chương mà không ai khác là anh vợ Thái Hằng, vợ của ông. Đó là vết nhơ mà ông không thể tha thứ cho ông được.

Ông tự bạch: Tôi cố chống lại sự cám dỗ, nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy hai người phải làm việc chung với nhau trong đoàn làm phim lâu ngày ở Đài loan và Phi Luật tân…nên chuyện lửa gần rơm là việc đương nhiên…

Có một nhà nghiên cứu về hồi ký đã cho rằng: hồi ký Phạm Duy và hồi ký của ca sĩ Ái Vân là trung thực và đáng để đọc hơn cả. Lời của nhà báo Chu Minh Vũ trong chương trình Văn hóa nghệ thuật trên VTC3.

Nếu ông không dinh tê năm 1951, VN sẽ mất đi một nhân tài lớn. VN sẽ không có những tác phẩm bất hủ để đời, vì trong XHCN, nghệ sĩ bị đóng đinh theo đường lối Cộng Sản để giết chết cảm xúc của người nghệ sĩ…

Xem hồi ký của PD, cho thấy âm nhạc của ông luôn đồng hành qua chiều dài lịch sử đất nước. Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam… sáng tác từ năm 1954 đến 1960. Những sáng tác của ông luôn phản ánh kịp thời với những sự kiện biến cố chính trị, xã hội và lịch sử, tùy theo từng giai đoạn để ông sáng tác những tập nhạc theo thời cuộc. Thời kỳ nhiễu nhương từ 64 – 68 là thời kỳ chính trị miền Nam xáo trộn ông đã ra tập nhạc 10 bài Tâm ca, để tìm lại cái nhân bản: kẻ thù ta đâu có phải là người…Giọt mưa trên lá…Hát với tôi nào.

Đến năm 1972 ông cho ra đời tập ca khúc “Chiến trường ca”…Đây là giai đoạn quyết liệt đầy máu lửa của cuộc nội chiến Nam Bắc….10 bài đạo ca. Gần đến 75, ông ra đời tập Hoan ca, trong đó có Bình ca…Qua hành trình âm nhạc, cho ta thấy PD như một nhà tiên tri về vận mệnh của đất nước.

Nếu nói về PD thì viết bao nhiêu pho sách, và viết đến bao giờ cho hết…

Nhưng cả chiều dài âm nhạc của nhạc sĩ PD có thể gói trọn vào một câu nói của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Khóc cười theo vận nước nổi trôi” ở trong bài Tình ca.

Với tôi, không biết có quá lời không? Tôi nghĩ, gom hết tất cả tác phẩm những nhạc sĩ VN chưa chắc đã vượt qua được đỉnh cao vời vời của nhạc sĩ Phạm Duy!!?? Số lượng ca khúc đồ sộ, phong phú, đa sắc màu âm nhạc, chất lượng tính nhạc thuật cao.

Nhưng cái điều tôi cho là quý giá nhất nơi âm nhạc Phạm Duy là, giai điệu của ông luôn bàng bạc chất tự tình qua dân ca cổ truyền ba miền trong ca khúc của ông. Các tác phẩm của ông đều mang hồn quê VN đi phổ biến khắp thế giới.

Tiếc rằng: dường như đất nước và giới chuyên môn chưa đánh giá đúng mức về di sản âm nhạc to lớn của Đại nhạc sư Phạm Duy để, trả lại công bằng cho những gì ông đáng có và đáng được trân trọng!!??

Bỏ qua những định kiến chính trị thời thế… Và để tỏ lòng tri ân với cố nhạc sĩ Phạm Duy đã tặng ban cho chúng ta một di sản âm nhạc vô cùng lớn lao và quý báu. Hãy dựng cho ông một pho tượng đồng trang trọng tại Nhạc viện TP!!?? Hay chí ít, vinh danh ông bằng một con đường mang tên Phạm Duy cũng xứng đáng lắm chứ!!

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 615
Ngày đăng: 03.04.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung Tiến – Nhạc sĩ bậc thầy trong ca khúc cổ điển - Nguyễn Vĩnh Căn
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt (2) - Bùi Đức Hào
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt - Bùi Đức Hào
« Trầm Tử Thiêng » giữa mơ thiêng và trầm tích phận người - Bùi Đức Hào
"Cung Tiến" qua Camille Huyền và Walther Giger - Bùi Đức Hào
Nhạc Pháp trong hồn người Việt - Đỗ Nguyễn
Trịnh - Tình yêu và những khúc ca bất tử. - Đỗ Nhựt Thư
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – tình khúc cho đời - Đỗ Nguyễn
"Tháng sáu trời mưa ", một bà hai ông: thơ vào nhạc ... ... - Lê Anh Thu
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường - Bùi Đức Hào
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)