Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
844
116.684.204
 
Cung Tiến – Nhạc sĩ bậc thầy trong ca khúc cổ điển
Nguyễn Vĩnh Căn

 

Trong làng âm nhạc VN, có lẽ, cố nhạc sĩ Cung Tiến (1938 – 2022) chịu ảnh hưởng sâu đậm âm nhạc cổ điển Tây phương hơn cả. Chí ít là bộ tứ quý: Hương xưa – Thu vàng – Hoài cảm – Nguyệt cầm. Chúng ta có thể thấy rất rõ giai điệu của Cung Tiến khai triển theo cách cổ điển tây phương. Mà điển hình nhất là ca khúc Hương xưa. Giai điệu hết sức cổ kính, sang trọng và quý phái, nhưng không kém phần lãng mạn trữ tình. Xin được nói qua về Âm nhạc cổ điển Tây phương.

Âm nhạc cổ điển Tây phương được chia ra làm 3 giai đoạn: Baroque – Classicism – Romanticism.  Âm nhạc cổ điển là thứ âm nhạc cung đình, mang tính nghệ thuật bác học của các bậc nhạc sư tiền bối. Âm nhạc cổ điển thường để phục vụ trong tôn giáo – Công giáo Roma, Cung đình Vua Chúa, quý tộc, vương tước…ở những chốn xa hoa đại sảnh, hí viện, thính phòng…

Thời kỳ Baroque (1600-1750) JS Bach, Vivaldi, Scarleti, Handel, Coreli…

Thời kỳ Classicism 1730-1820: Gluck, J Haydn, Morzart, Beethoven, Paganini…

Thời kỳ Romanticism 1730-1820: F Shuchbert, Chopin, Schumann, F List, F Mendelssohn…

Xin được mạn phép lấy ca khúc Hương xưa của cố nhạc sĩ Cung Tiến, để phân tích kỹ năng biến tấu trong giai điệu ca khúc.

Hương xưa của Cung Tiến, (1938 - 2022)

 

Ca khúc Hương xưa viết ở ô nhịp ¾ có 1 dấu giáng sib ở bộ khóa. Trong bản nhạc xuất bản năm 1966, giọng hát có phần nhạc đệm soạn cho piano rất công phu. Tác giả trải giai điệu với những câu 4 trường canh. Bắt đầu câu 1 với một quãng 6 trưởng, nghe êm đềm, giai điệu biểu đồ bằng một làn sóng lượn nhấp nhô. Câu mô phỏng thứ 2 ở một quãng 8 làm cho câu nhạc sâu đậm hơn. Qua câu 3, giai điệu phát triển theo một motip khác với những quãng phỏng tạo quãng 8, quãng 6, quãng 4….

Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa – Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò – Còn đó, tiếng tre êm ru – Còn đó, bóng đa hẹn hò – Còn đó những đêm sao mơ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu…

Cái đặc biệt của Cung Tiến trong bài Hương xưa là, sử dụng âm nhạc cổ điển Tây phương, nhưng lại chuyển tải cái mộc mạc thân quen bằng những ca từ chải chuốt và bay bướm về miền quê VN với: Con đường về làng dìu mấy thuyền đò – Tiếng tre êm ru – bóng đa hẹn hò – nghe sáo vi vu…

Lời thơ gợi nhớ những hình ảnh miền quê thật đẹp: Trưa nào thời nào vàng bướm bên ao – tiếng ru buồn trong ca dao – Tiếng khung quay tơ – Con diều vật vờ - bao lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa. Giai điệu nhẹ nhàng êm ái, tưởng như lời ru chở những lời thơ dấu yêu về một miền quê.

Sang đến đoạn B, với Tempo quasi rubato làm cho giai điệu mạnh mẽ hơn (mf), những nốt si bình càng làm tăng sự khắc khoải của những hồi ức chợt tràn về…Đẹp lắm những lời thơ: Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi, buồn sớm đưa chân cuộc đời…

Bỗng đâu tiết tấu gấp rút hơn, để giai điệu lên cao trào với Crescendo với cường độ ff, tạo đất diễn cho giọng soprano…lời thơ cũng hòa điệu đi lên trong cao trào tột đỉnh của niềm nhớ: Lời Đương thi nghe vẫn còn trong sương mưa, dù có bao giờ lắng men đợi chờ.

Giai điệu chợt thảng thốt lên nỗi khắc khoải với ca từ: Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, Cung nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô, nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ…Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó!

Thanh bình như bóng trưa đơn sơ…diễn tả thanh bình bằng hình ảnh bóng trưa đơn sơ, thật không thể có hình ảnh nào đẹp hơn được. Cái tài tình của tác giả đã diễn tả hình ảnh hết sức thấu đạt.

Ở phần lời 2 tác giả lại gửi hồn mình về với những hoài niệm của dĩ vãng một thời xa vắng: Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ về một kiếp xa xôi, buồn sớm đưa chân cuộc đời

Tác giả đã dệt những lời thơ rất đẹp về một hồi ức xa xưa của thời Đường thi: lời Đường thi vẫn rền trong sương mơ, dù có bao giờ lắng men đợi chờ. Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa. Cung nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô. Nàng Quỳnh Như thủa đó…(VN).

Giai điệu khắc khoải nỗi nhớ thương, chuyển tải lời thơ óng ả thiết tha, nghe xao xuyến bâng khuâng một nỗi nhớ mênh mang…

Tác giả sử dụng những điển tích quen thuộc của Trung Quốc thời xa xưa: Nhị Hồ, Cung nguyệt cầm, Cô Tô. Nàng Quỳnh Như…VN, làm cho ca khúc thêm phần cổ kính và đầy tính Văn học.

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa… Điển tích Nhị Hồ là hai cây đàn: đàn Nhị và đàn Hồ. Đàn nhị, là loại đàn có 2 dây, âm thanh hơi giống vĩ cầm. Đàn Hồ Cầm, là đàn 5 giây tượng của Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Thổ, Hỏa.

Cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô. Tác giả muốn nói đến chuyện tình tay 3: Tây Thi với Phù Sai và Phạm Lãi. Mặc dù sống trong Cô Tô thành với Phù Sai, nhưng lúc nào Tây Thi cũng vẫn nhớ thương Phạm Lãi.

Sau đó tác giả lại quay về nhung nhớ mối tình trắc trở của nàng Quỳnh Như và Phạm Thái trong Tiêu sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực văn Đoàn.

Một ca khúc chuyển tải những điển tích đầy thơ mộng và lãng mạn của một thời xa xưa vẫn còn vang vọng lại trong kiệt tác Hương xưa. Thật xứng đáng một kiệt tác bất hủ để đời cho nhân loại.

Về giai điệu bài Hương xưa, tôi xin được khảo sát đoạn cuối, ở đó, bao nhiêu kỹ năng biến cung “tuyệt đỉnh Kungfu” đều dồn vào đoạn này.

Đời lập từ những đêm hoang sơ. La – Sol# - La – Mib – Rê – Rê – Rê…Nốt Sol# bán cung này thường hay được dùng trong nhạc cổ điển. Nốt Mib (trong bài nhạc sót mất 1 dấu bemol) không có trong âm giai Fa trưởng, mà phải mượn âm giai quãng IV trưởng là Bb mới có nốt Mib. Lời chuyển qua: thanh bình như bóng trưa đơn sơ…giai điệu phỏng tạo xuống 1 cung để có: Sol – fa# - Sol – Rêb – đô – đô. Thực ra, nốt Rêb chẳng xa lạ chi, vì nó nằm trong hợp âm Bbm, thuộc hệ bà con với hợp âm bậc IV thứ của F.

 

Đến đoạn: Nay đời tan biến trong hư vô, chết đầy từng mô oán thù, máu xương tơi bời nhiều mùa thu… Đoạn này giai điệu theo rất sát ca từ: Chết đầy từng mồ oán thù: Đô – Lab – Lab – Lab – Lab – Si bình – Sol…Sự bi thảm của chết chóc oán thù đã tạo ra giai điệu gồm 3 nốt Lab trong hợp âm Fm, để rồi khi “oán thù” thì trả nốt sib về Si bình để phá cách tỏ sự căm hờn rõ nét hơn. Và chưa hết ai oán, tác giả viết: máu xương tơi bời nhiều mùa thu…với giai điệu: Rêb – Sib – Sol – Mi – Fa – Sol…Lúc này, giai điệu và lời ca quyện vào nhau để hạ thủ đoạn nhạc một cách không thể độc đáo hơn. Giống như đao kiếm hạ thủ kết liễu đời một kẻ thù truyền kiếp vậy.

 

Tuy nhiên, những giai điệu này không mấy ca sĩ hát đúng chuẩn theo bản nhạc được. Ngay cả ca sĩ Lý Mạc Sầu như Lệ Thu, mà hát cũng chưa chuẩn nữa là…Ca khúc này gồm các ca sĩ hát: Thái Hiền, Lệ Thu, Mai Hương, Carmie Huyền…Theo tôi, ca sĩ Carmie Huyền là hát đúng với bản nhạc hơn cả.

Với tôi, ca khúc Hương xưa của Cung Tiến, có thể sánh vai với những tác phẩm cổ điển Tây phương mà không hề thua kém: Serenade của Frank Schubert – Reverie của Robert Schumann – Serenata của Enrico Toselli – Khúc hát nàng Solveig của Edward Grieg – Elegie của Jules Massenete…

Thiết tưởng trong âm nhạc VN, khó có ca khúc nào mà ca từ đẹp long lanh, giai điệu đậm chất cổ điển, nhưng lại chuyển tải được những gam màu đặc thù của miền quê VN như Hương xưa của Cung Tiến.

Nếu âm nhạc VN chọn một ca khúc tiêu biểu để “đem chuông đi đánh xứ người”, thiết nghĩ không có ca khúc nào có thể hay hơn Hương xưa của Cung Tiến được. Mà cũng xứng đáng thôi, vì Cung Tiến được xem là thần đồng âm nhạc của VN vào những năm 1953, 1954, khi Cung Tiến chỉ mới 14,15 tuổi đã sáng tác những ca khúc: Hoài cảm, Hương xưa, Thu vàng…mà đã trở thành bất hủ.

Theo tôi, nhạc sĩ Cung Tiến có 4 bài hát bất hủ để đời: Hoài cảm, Thu vàng, Hương xưa và Nguyệt cầm. Bài Nguyệt cầm là bài hát mà tác giả ghi đậm dấu ấn tuyệt kỹ về sáng tác nhất. Bài hát mở đầu bằng cung Mi trưởng, chuyển sang Mi thứ, rồi chuyển sang Sol thứ…rồi về Mi trưởng sau cùng. Phải là người có kỹ năng vững chải, nhạc sĩ Cung Tiến mới cho giai điệu biến tấu chuyển cung thật tài tình như thế. Bài này rất kén người hát, vì kỹ năng người hát phải rất vững chải, người yếu kém sẽ lộ ra sự non nớt của chính mình.

Trong một lời tựa của nhạc sĩ Cung Tiến viết, những bài thời đầu sáng tác chỉ là bài tập, ý nói 4 bài tuyệt tác trên. Ông có vẻ tâm đắc với những sáng tác giai đoạn sau này, với những sự cầu kỳ quá mức, lạm dụng kỹ năng sáng tác ca khúc khiến cho những bài hát như: Mắt biếc, Đêm, Đôi bờ…rơi vào sự khô cứng mầu dáng, đánh mất cái hồn của ca khúc.

Điều đó đã khiến cho những ca khúc gia đoạn sau này của ông không mấy phổ biến đến người nghe là điều dễ hiểu.

 

GX Châu Sơn

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 577
Ngày đăng: 09.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt (2) - Bùi Đức Hào
Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt - Bùi Đức Hào
« Trầm Tử Thiêng » giữa mơ thiêng và trầm tích phận người - Bùi Đức Hào
"Cung Tiến" qua Camille Huyền và Walther Giger - Bùi Đức Hào
Nhạc Pháp trong hồn người Việt - Đỗ Nguyễn
Trịnh - Tình yêu và những khúc ca bất tử. - Đỗ Nhựt Thư
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – tình khúc cho đời - Đỗ Nguyễn
"Tháng sáu trời mưa ", một bà hai ông: thơ vào nhạc ... ... - Lê Anh Thu
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường - Bùi Đức Hào
Bài hát “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Nguyễn Phú Yên
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)