Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
849
116.685.397
 
Mẹ tôi
Nguyễn Vĩnh Căn

 

Tự truyện này, như một lời tạ tội với mẹ

 

 

Tôi là đứa con vô phúc và cũng đầy bất hạnh, vì đã không thể yêu nổi mẹ mình.

Người Mẹ, hai tiếng thật ngọt ngào, êm ái, và đầy thân thương lẫn thiêng liêng trong mỗi người con, khi nói về mẹ mình. Thế mà tôi lại không có được niềm xúc cảm thiêng liêng ấy, bảo sao tôi không tiếc nuối và day dứt!?

Người ta có thể viết về một người cha tồi tệ với một sự hằn học, thù hận, khinh bỉ…Nhưng tuyệt nhiên, chưa có nhà văn nổi tiếng nào, dám viết thoá mạ, bêu rếu, ghét bỏ người mẹ mà đã từng mang nặng đẻ đau cho mình được tồn tại trên cõi đời này. Điều đó, gần như một quy luật cấm kỵ của một người con đối với mẹ mình.

Còn tôi, vô phúc thay, yêu mẹ chẳng đặng, ghét mẹ chẳng đừng. Dẫu biết rằng, trong kinh Phật răn dạy: Tận cùng của thiện là hiếu đạo với cha mẹ, và tận cùng của ác là bất hiếu. Và tôi mơ hồ thấy rằng: cái lờ lững, mập mờ giữa yêu và ghét, là một sự ngụy tạo của cái ác nơi chính bản thân mình.

Biết thế, mà tận đáy lòng tôi vẫn không sao cải hoá được sự hững hờ, bàng quan, vô tâm, thành niềm trìu mến yêu thương của một người con với mẹ, mà đó lại là một người mẹ khốn khổ trong tai quái bệnh hoạn. Điều đó, hằng làm tôi day dứt, khắc khoải trong những năm tháng sau khi mẹ tôi qua đời.

Và những điều tôi sắp viết dưới đây là một chút tâm sự giải bày hơn là biện luận về sự vô phúc bất hiếu của tôi, và cũng mong muốn được hoá giải cho người mẹ khốn khổ: Tại sao mẹ lại rơi vào một hoàn cảnh hết sức tai quái và nghiệt ngã, mà không một người con nào lại muốn mẹ mình như thế!

***

Tôi xa rời mẹ tôi lúc lên ba, để di cư vào Nam với cha và các anh chị tôi năm 54. Nhưng trong thực tế, tôi gần như không được sự nuôi nấng bú mớm của mẹ, sau khi sinh tôi. Bởi chính trong thời điểm đó, mẹ tôi đã chớm phát bệnh tâm thần khá trầm trọng. Và như thế, lẽ ra, tôi phải biết hàm ơn mẹ tôi nhiều hơn, vì sự cưu mang tôi, đã khiến cho mẹ tôi vốn đang ở trong giai đoạn căng thẳng với gia đình nhà chồng, lại càng trầm trọng hơn khi sinh ra tôi, đã là nguyên nhân phát sinh ra căn bệnh tâm thần thêm cuồng liệt.

Thời gian và sự lớn lên không có bàn tay người mẹ ân cần chăm sóc, đã khiến cho tôi nghĩ rằng: Mình không có người mẹ nào trên cõi đời này. Thực ra, những năm tháng đầu tiên khi mới vào Nam, tôi được các chị và cha tôi nhắc nhở một đôi lần. Và hình ảnh về một người mẹ rất xa vời, chỉ được nhắc nhở trước bữa cơm, để tôi thường vòng tay: “Con mời mẹ mời cơm”. Và rồi theo tháng năm, thói quen đó bị quên lãng khi nào, kể cả gia đình và chính ngay cả tôi cũng không hề hay biết.

Những năm tháng thơ ấu đó, tôi sống vô tư và hồn nhiên như cây cỏ dại. Ngày lên trong nắng mai rộn ràng. Chiều về trong bữa cơm sum họp, dẫu có đạm bạc cũng không thể làm tan loãng cái không khí đầm ấm, yên vui gia đình bên bếp lửa hồng. Và đêm tối ru giấc tuổi thơ nồng say trong một miền quê tĩnh lặng. Cho dẫu cuộc sống trong những năm tháng truân chuyên dâu bể của một miền đất mới di cư, cũng không làm tôi nghĩ tới là mình cần phải có một bàn tay người mẹ nâng niu ấp ủ. Vì thế, làm sao tôi có thể hiểu nổi: Tại sao, tôi lại không có mẹ, và tại sao mẹ lại không di cư vào Nam? Điều này, phải rất lâu, khi tôi trưởng thành mới hiểu nổi.

22 năm sau, tôi được mới gặp lại mẹ tôi sau một năm đất nước thống nhất, mà trước đó, chẳng hề có được một chút hình ảnh nhỏ nhoi nào đọng lại trong ký ức.

Cuộc sống trong những ngày tháng thơ ấu và lớn lên trong con đường hoạn lộ di cư đầy truân chuyên đó, đã có sự che chở và đùm bọc êm ấm trong vòng tay thân thương của cha và chị tôi, đã khiến cho trí óc non nớt của tôi vốn chẳng biết gì về mẹ, lại càng mịt mờ hơn về người mẹ trong những năm tháng sau đó. Và vì thế, nỗi thao thức được gặp lại mẹ, chỉ là sự hiếu kỳ hơn là sự háo hức của lòng thương nhớ, mong gặp lại mẹ sau gần một phần tư thế kỷ chia xa.

Và cái buổi chiều nhạt nắng cuối đông năm 76 đó, đã làm tôi thật sự thất vọng, khi gặp lại mẹ sau hơn 22 năm xa cách. Những tưởng khi bến bờ xa cách sau bao năm, sẽ đọng lại nguồn cảm xúc trào dâng như một dòng chảy chan hòa tình cảm thân thương trong nước mắt, sẽ rửa sạch bao buồn tủi thương nhớ. Nhưng rồi cuộc hội ngộ được trông chờ sau hơn 22 năm, đã không theo một kịch bản thường tình đầy nước mắt chứa chan, để bày tỏ nỗi niềm thương nhớ sau bao năm tháng xa cách.

Dẫu biết rằng: Ở cái tuổi 25, thật khó để oà vào lòng mẹ khóc và để được xuýt xoa an ủi vỗ về cho vơi cạn niềm thương nhớ, thì chí ít, cũng gợi lại chút cảm xúc thân thương đã đánh mất từ độ nào. Thực ra, đó là một sự đòi hỏi mang tính lãng mạn của tiểu thuyết nhiều hơn là hiện thực cuộc sống. Có lẽ, thời gian biền biệt và không gian cách chia, chính là thủ phạm đã xoá đi những tình cảm thiêng liêng giữa tình mẹ con. Điều này không chỉ riêng với mẹ tôi và gia đình tôi, mà là hiện trạng chung của cả đất nước.

Có lẽ, có quá nhiều lý do, để cho hai bên lạnh nhạt, bàng quan và ngầm đố kỵ với nhau, sau một thời gian dài xa cách. Và cũng không thể loại trừ, một ý thức hệ khác nhau giữa hai miền, mà trước đó là một cuộc chiến tranh tương tàn vừa kết thúc. Một bên tự hào với niềm kiêu hãnh là người chiến thắng, và bên kia là mặc cảm nhục nhã người thất trận, nhưng lại hãnh tiến khi có một đời sống kinh tế và văn hoá cao hơn miền Bắc.

Và trường hợp của mẹ tôi cũng không là ngoại lệ. Hơn hai mươi năm xa cách, để nối lại nghĩa tình vợ chồng trẻ đã là quá khó, huống hồ, đó là một sự nối kết trong sự già nua tuổi tác, mà trước đó, đã có sự nhiễu nhương, lại càng khó khăn hơn. Và cuộc sum họp vì nghĩa hơn là vì tình, đã đem lại sự khiên cưỡng trong tình nghĩa vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Cuộc sống giữa vợ chồng già đã mất đi sự gắn bó keo sơn từ rất lâu, đã khiến cho đôi bên trở nên thờ ơ và lạnh đạm với nhau, để chỉ còn lại những đố kỵ cố hữu, và dường như chỉ nhằm vào những sơ hở, thiếu sót của cha tôi để mẹ lên tiếng than thở lẫn sói xỉa trách móc.

5 năm cuối đời sống chung với mẹ tôi là, thời gian của những khắc khoải, dè giữ trong âm thầm nhẫn nhục của sự bất ổn nơi tâm hồn của cha tôi. Và những khi mẹ tôi lên cơn bệnh tâm thần cuồng liệt; đó là cả một sự chịu đựng của cơn bão giông xoáy sâu vào nỗi đau day dứt khôn nguôi của cha tôi, mà những người con ở ngoài cuộc như tôi cũng không thể che chắn nổi cho người. Một người chồng, một người chủ hộ mà phải nén chịu sự tuỳ lụy vợ trong tình cảnh đó, thật không dễ chịu một chút nào.

Khi căn bệnh đi qua tâm bão, những vùng lân cận cũng tài nào tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Chính gia đình vợ con tôi, cũng bị kéo vào dòng xoáy bão bùng đó. Nhưng rồi cũng không thể đổ lỗi hết cho cơn bão đó được. Bởi cuộc đời đó, cũng giống như môi trường sinh thái toàn cầu: Có bị ô nhiễm khói công nghiệp lủng tầng ozon, chặt phá cây cối, phá hoại môi trường sinh thái thì làm sao tránh khỏi gây ra động đất, bão bùng…Và tâm bệnh của mẹ tôi gần như là hệ quả tất yếu của cuộc sống đem lại.

Gần 30 năm, mẹ tôi chung sống với chồng con là, một sự xào xáo với bao cảnh đời chao đảo, chênh vênh, đã làm cho mái ấm trở nên gai góc trong những phiền muộn, những khó dễ, những đố kỵ gây khổ lụy cho nhau, là không thể tránh khỏi trong cái bi lụy đó.

Lần đầu tiên, sau gần sáu tháng sống trong êm ả của cuộc hội ngộ sum họp gia đình, tôi mới biết thế nào là cơn bệnh tâm thần của mẹ tôi. Mẹ thường nói huyên thuyên về những năm tháng sinh sống ở ngoài Bắc: Mẹ là mẹ chiến sĩ bộ đội, mẹ được mọi người thân thương và được các cấp huyện xã ưu đãi cấp phát vải vóc, gạo tiền… Tự một mình, mẹ có thể kể chuyện, đối thoại, rồi mẹ khóc, mẹ cười, mẹ hát vè, nhưng tất cả các mẫu chuyện đều thứ tự và rất ăn khớp với nhau. Ai nghe tưởng mẹ là người bình thường đang nói chuyện với người khác. Và lần nào, mẹ cũng tái tạo lại thuộc nằm lòng như thế!

Đó là những ngày đầu khi mẹ mới phát bệnh. Nhưng khi lên đến đỉnh điểm cao trào, mẹ thường ít ăn hoặc nhịn đói. Mẹ hay tắm gội, tóc mẹ thả rối tung. Mặt mẹ phờ phạc, con mắt mẹ bạc lai đến thất thần. Mẹ thường tố khố chồng con đủ điều: “Cha con bây thù lù, rủ nhau đi Nam, bỏ tau lại một mình cô quạnh ở quê nhà, sống khốn khổ. Bây có biết tau cơ cực biết là dường nào không?? Đến khi tau vào đây, cha con bây tỏ ra khinh khi và hắt hủi tau…Hỏi có cơ cực không trời ơi là trời ơi!!??”.  

Những lúc lên cơn bệnh, mẹ thường bỏ nhà đi lang thang, ăn nhờ ở đợ với bà con lối xóm. Tuy nhiên, những điều mẹ tố khổ lại rất bài bản, và dựa vào những thực tế có thật, rồi mẹ phóng đại lên, khiến ai nghe cũng ngỡ là có thật. Còn người trong cuộc thì ấm ức, mà không cách nào lý giải được. Đã có lần mẹ tôi rêu rao khắp làng xóm là tôi đánh mẹ tôi bầm tím hết cả thân người, và ngay cả chính tôi cũng không hiểu tại sao, cả người mẹ lại bầm tím như thế. Ai nghe mà chẳng tin.

Đó là những năm tháng tôi bị hàm oan và phải sống trong bức rức khốn khổ. Ngay cả các anh chị tôi cũng còn nghi ngờ nữa là người ngoài. Những năm tháng đó, nếu mẹ  chết, tôi sẽ bị tiếng để đời: Con trai đánh đập mẹ. Tôi rất khổ sở để biết rằng: Nhiều người trong làng xóm, và kể cả bạn bè đều nhìn tôi với một ánh mắt không mấy thiện cảm và thậm chí là thầm chê trách tôi là đứa con bất hiếu đã đánh đập mẹ. Nhưng khi tôi muốn giải bày, họ phất tay và tỏ ra cảm thông với tôi: Chấp chi người bệnh. Nhưng tôi biết họ chẳng tin tôi. Những tháng năm sau đó, tôi luôn sống trong âm thầm đau khổ mà chẳng biết giãi bày cùng ai.

Sống trong một xứ đạo toàn tòng, một tính chất của Nghệ Tĩnh, tiếng xấu đồn xa và những vết đen thành kiến xấu, sẽ rất khó gột rửa sạch, để lấy lại sự bình thường hóa hàng ngày. Phải hơn hai mười năm sau, khi các anh chị tôi chung đụng với mẹ tôi và cũng bị đặt điều hàm oan cho các anh chị, dần dần các anh chị mới vỡ lẽ ra, và tôi cũng dần được giải oan với làng xóm.

Cuộc sống xào xáo giữa mẹ con, mà phận làm con, chắc chắn còn nhiều nông nổi, còn nhiều thiếu sót và còn nhiều lỗi lầm, cũng góp phần làm cho căn bệnh của mẹ cũng thêm phần căng thẳng, nhiễu nhương và trầm trọng hơn. Đó là điều mà chẳng người con nào mong muốn như thế!

Chỉ những khi phát bệnh, gia đình mới bị xào xáo và cuộc sống mới căng thẳng. Còn bình thường, mẹ tôi vốn là một bà mẹ chân chất, mộc mạc của con người nhà quê. Mẹ sống rất chan hoà tình cảm với con cái. Mẹ thường hát ru, hát vè rất hay. Mẹ luôn quan tâm đến con cái cháu chắt. Đứa cháu nào chưa lấy chồng hỏi vợ, bà thường chỉ mai mối đám này, đám nọ. Đứa nào chưa có con trai hay con gái, bà thường khuyên bảo: Con là của trời cho, và câu: “rườm người hơn rườm của” luôn được người nhắc nhở cho con cháu.

Khi thấy tôi dạy con quát tháo ầm ĩ, người thường nói: “Rằm thì trăng tròn, tụi nó lớn là tất khôn ngoan ra, chứ phải dạy ốp áp làm chi”. Và tôi thấy điều đó rất đúng với con tôi. Hay những khi nằm một nơi, con cái chăm sóc phụng dưỡng mẹ, thì mẹ vẫn công thần: “Có ngựa là có thằng dắt”. Hay “của trong giai (Chai) bốc ra ngoài nắp, tao đang ăn của tao, chứ chưa đứa nào phải nuôi tao…”.

Những năm tháng cuối đời, mẹ được chị Ba ở bên Mỹ gửi tiền về phụng dưỡng mẹ rất chu đáo. So với cha tôi thì, mẹ tôi được sống và chết trong hoàn cảnh sung túc và đầy đủ hơn. Số mẹ thật đúng là số công thần!

Nhưng rồi tôi cứ mãi khắc khoải về người mẹ mình: Tại sao lại lâm vào một căn bệnh tai quái, làm xào xáo và đảo lộn một cuộc sống đang yên ổn và đầm ấm như thế? Một căn bệnh mà trước đó 40 năm, mẹ tôi không hề mắc phải. Và rồi căn bệnh cứ bám chặt lấy mẹ tôi mãi cho đến khi người chết.

Tôi cố gắng để góp nhặt những mảnh đời về mẹ tôi, khi được nghe kể lại nơi họ hàng, bà con lối xóm và những người thân quen, để truy tìm ra căn nguyên bệnh tình của mẹ.

 

***

Ngày đó, tôi chỉ lờ mờ nghe các chị bảo: Mẹ muốn về dưới Gia Hoà để đi Nam với bà ngoại. Nhưng khi mẹ tôi xuống đến nơi, bà ngoại đã đi Nam rồi. Thế là mẹ tôi phải ở lại miền Bắc. Mãi đến khi lớn khôn tôi mới biết rằng: Các chị tôi và kể cả cha tôi cũng ngại ngùng khi nhắc về mẹ. Những năm tháng đầu di cư, các chị đã sống trong nỗi kinh hoàng khi những đêm mơ về mẹ. Sau này tôi mới biết rằng: Di cư, gần như là một cuộc chạy trốn mẹ.

Và mặc dầu cha tôi như linh cảm là mẹ tôi sẽ không đi Nam được, đã cho chị Năm xuống Gia Hoà đưa tiền và ở lại với mẹ; chính chị Năm cũng chỉ làm xong nhiệm vụ đưa tiền, rồi trốn về ngay trong chiều đó, để đi Nam với gia đình. Bởi tôi đâu biết rằng: Trong ba năm khi sinh ra tôi, mẹ tôi đã phát bệnh tâm thần một cách tai quái. Những lúc như thế, mẹ tôi thường trèo lên cây mít trước nhà thờ Cầu Khóng - sát kề nhà ông nội tôi, hát giọng Đức Mẹ, đã làm cho cả gia đình tôi hoảng sợ phát kiếp để đưa mẹ xuống. Và rồi từ đó, căn bệnh tâm thần đã làm xáo trộn cuộc sống trong cái đại gia đình họ tộc Cố Thông Mỹ tôi.

Căn bệnh của mẹ tôi bộc phát vào lúc cái cơ ngơi phồn vinh của cái đại gia tộc Tứ Đại Đồng Đường họ Nguyễn đang đến hồi suy tàn. Và mẹ tôi, với tư cách là người con dâu cả trưởng tộc của một dòng họ phồn vinh, sự tiếc nuối lại càng quay quắt hơn. Trong bối cảnh đó, chính ông nội tôi lại là người đang mặc sức phung phí cái gia sản đó, vào trò tiêu khiển nàng tiên nâu thuốc phiện. Và rồi cuộc chiến muôn thuở trong gia đình, đã kéo theo những điều bi lụy, mà bao giờ cũng là sự đối đầu giữa mẹ chồng và con dâu.

Bà Nội tôi tạng người thấp và nhỏ con, nhưng lại rất xinh đẹp, hiền lành và rất độ lượng với con cái cháu chắt và kể cả người làm tôi tớ trong nhà. Nhưng vốn xuất thân trong một gia đình đạo đức gia phong, nên bà tôi luôn tỏ ra nghiêm ngặt trong lễ nghi phép tắc: đi thưa về trình, trên dưới hẳn hoi.

Có lẽ, bên một người chồng (ông nội) nông nổi, và chìm trong nghiện ngập, bà tôi như muốn lấy lại cái kỷ cương khuôn phép của một dòng họ bề thế phồn vinh thuở nào, đang trên đà trượt dốc? Và trong sự suy tàn của một dòng tộc đã có sự “Thượng bất chính thì ắt, hạ tắc loạn” nảy mầm. Và vì thế, cái kỷ cương đó, hầu như không mấy được tôn trọng nơi các dâu con trong nhà, mà mẹ tôi lại là người trực tiếp đối đầu thường ngày, làm sao tránh khỏi sự va chạm và xung đột với bà nội được.

Mẹ tôi là người con thứ ba trong gia đình ông Ngoại tôi - ông Cựu Hiến, là Lý trưởng. Ông tôi là người khá to cao và thân hình đẫy đà trong chiếc áo the thâm của một viên chức Lý trưởng thời bấy giờ. Và vì thế, ông Ngoại tôi vẫn mang tính quan quyền, sĩ diện và lý sự trong cuộc sống. Điều này đã được thể hiện rõ nét nơi bà chị mẹ tôi, vẫn ưa lý sự, và một đôi chút nơi mẹ tôi.

Bà ngoại tôi di cư vào Nam với con dâu là mự Báu, ở Tân Bình, Cam Ranh. Năm nào tôi cũng theo cha tôi đi tết bà, nên tôi biết bà ngoại rất rõ. Cha tôi rất hiếu thảo với bà, và cũng vì thế mà bà rất thương và nể trọng cha tôi hơn cả con ruột của bà.

 

***

Mẹ tôi vẫn thầm kiêu hãnh vì, phải là cô thiếu nữ Gia Hoà trẻ đẹp mới lọt vào tầm mắt của con một ông Phú hộ ở Cầu Khóng. Mẹ tôi còn quá trẻ, 16 tuổi lấy cha tôi vào cái tuổi tam thập. Ngày về làm dâu bà tôi, mẹ tôi còn là cô bé quê nhút nhát và xa lạ trong cái cơ ngơi phồn vinh của nhà chồng. Mẹ tôi vốn tính lặng lẽ và ít nói, kể cả ít lời thưa gửi với bà tôi, nên vì thế mà, bà tôi hay chấp nhất và rồi, đó là cớ sự để gây nên sự va chạm và bất hoà giữa mẹ tôi với bà tôi.

Và rồi, khi cô vợ trẻ tự biết mình là dâu cả trong một gia đình giàu có, cũng vừa lúc nhận ra mình có chút thế giá, sự non trẻ lại luôn là động cơ thúc đẩy cho cái hãnh tiến, để dần lấy lại cái quyền uy mà mình đã lãng quên lâu nay. Hai cái quyền lực khác nhau giữa thân phận hai người phụ nữ, đã cùng bộc phát trong một gia đình, tránh sao khỏi một sự va chạm và rạn nứt...

Còn cha tôi, một người chồng, sống điềm đạm, cương nghị trong vai trò một người anh mẫu mực, không muốn mất lòng mẹ và các em, đã khiến cho mẹ tôi càng bức bối, vì sự mềm mỏng đến nhu nhược như mẹ tôi thường chê trách. Và từ đó, một cuộc chiến không cân sức đã xảy ra giữa mẹ tôi và các Chú Mự, O Dượng đều ngầm đứng về phía bà tôi. Rồi những điều xúc xiểm, dèm pha về một chị cả thế này, chị cả thế kia với bà Nội, là nguyên nhân đưa tới sự bất hoà của đại gia đình, khác nào lửa đỏ, bỏ rơm thêm.

Trong khi thế lực vây bủa như thế, cha tôi lại muốn làm người trung gian hoà giải đôi bên, tránh sao mẹ tôi không bực dọc giận dỗi chồng được. Hơn nữa, vị thế người chồng già, làm sao để hiểu hết tâm tình và tính khí dỗi hờn của một người vợ trẻ. Thế là cha tôi ở vào cái thế chẹt che, một bên các em, mẹ chồng và một bên vợ đơn độc mà không sao bênh đỡ nổi. Thật là nỗi khổ tâm cho cha tôi trong những năm tháng đó.

Cái đỉnh điểm cao trào xẩy ra, khi mẹ tôi đang mang thai tôi, là ngày bà nội tôi mất. Một cuộc chiến tuy âm thầm, vì bà mới mất, nhưng cũng ngầm chứa những tham vọng của con người trong sự  giằng co để phân chia chút tài sản còn lại sau sự phá sản của ông tôi, mà người phải đứng mũi chịu sào lại là cha tôi. Như lời Mự Sinh sau ngày giải phóng vào gặp anh, cha tôi – đã khóc nỉ nước nỉ non: “Tội nghiệp anh, muôn vàn đắng cay đều đổ lên đầu anh. Anh như người chẹt che, bên mẹ bên vợ, bên các em. Thật là mông mù, được lòng thần thì mất lòng thánh, không biết đâu mà xử trí”.

Đến bây giờ, tôi vẫn thấy mẹ tôi hoàn toàn có lý của một chị dâu cả tộc trưởng. Chỉ vì cô thế mà bị bà nội và các em lấn lướt. Nhưng để trách cứ cha tôi thì cũng tội nghiệp, bởi muốn chút thiệt thòi về mình cho các em được thanh thoả, cũng là điều thuận hoà ấm êm vậy. Thực ra, đó là những xung đột rất đời thường, gần như là sự đấu tranh sinh tồn muôn thuở trong gia đình.

Và ngày sinh tôi ra, cũng là cái ngày khó khăn nhất của người đàn bà vượt cạn, đã không có được một sự đồng cảm trong đại gia đình đó, để rồi mẹ tôi phải rối bời và lao lung  tâm trí của người đàn bà trong kỳ sinh nở. Và hậu quả tất yếu, là mẹ tôi đã phát cuồng lên trong cơn bạo bệnh tâm thần phân liệt.

Đối tượng quay quắt trước hết, vẫn là cha tôi. Nhưng sự đằm thắm, nhẫn nhịn, và lòng nhân hậu của cha tôi, đã không làm cho mẹ tôi gặp phải sự chống đối nào để vùng lên cơn bệnh tam bành tâm thần hơn. Khi quay quắt không được cha tôi, mẹ lại quay sang các chị tôi - những người con gái đã lớn tuổi luôn kề cận với mẹ. Và chị Hai tôi là người được chiếu cố đầu tiên, bởi; chị Hai tôi là người có nhiều duyên nợ với mẹ tôi từ thời con gái, những lúc gánh gồng chợ búa giúp mẹ tôi buôn bán ở chợ Trổ, chợ Thượng… Mà chị tôi, vốn bản tính ương ngạnh, biếng nhác, và tính công thần của ông Ngoại tôi còn sót lại, nên những hôm chợ búa bị phang đòn gánh của mẹ tôi là chuyện cơm bữa.

Kế đến chị Ba, cũng chịu phiền lụy với mẹ tôi; bởi vì chị tôi lúc đó đã má ửng hồng đào tới tuổi cập kê, nên mẹ tôi sinh bệnh đã ghen tuông chị với cha tôi, đã khiến chị phải bỏ nhà lên Hương Khê ở với người bà con. Điều đó cũng làm cha tôi hết sức đau đầu, và khốn khổ, để phải ba lần bảy lượt mới đưa chị về nhà được.

Riêng chị Tư, không phải chịu những sự thành kiến của căn bệnh của mẹ tôi, vì chị là người có bản tính rất giống với cha tôi: nhẫn nhục, chịu thương chịu khó, nên chị là người duy nhất được mẹ tôi tin cậy. Nhưng rồi chị lại phải thay mẹ để gánh vác công việc nội trợ gia đình và những toan tính về nợ cơm áo gạo tiền vào cái thời kinh tế suy tàn đó thì, cũng không kém phần vất vả, truân chuyên cho chị tôi.

Còn chị Năm, một con người quá ư hiền lành, ít điều, và luôn mang chút sầu muộn trên khoé mắt, một bằng một bát với cha mẹ, nên cũng chẳng có điều gì để khiến mẹ tôi phải gây phiền lụy cho chị. Riêng anh Sáu và tôi hãy còn quá thơ dại, để chưa biết đến những điều phiền lụy do mẹ tôi gây ra trong gia đình.

Đó là một bức tranh sơ lược, tôi góp nhặt được nơi các anh chị tôi và sau này về Bắc nghe kể lại. Chắc chắn, bức tranh đó còn nhiều sinh động và dâu bể hơn, mà tôi chưa thấu đáo hết, hoặc biết cũng chẳng dám viết thêm về một người mẹ vốn đã khốn khổ vì bệnh tật, lại càng làm thêm đau xót hơn khi nghe người con tả chuyện nhiễu nhương về mẹ mình.

Có một điều, tôi rất lấy làm lạ: Những ai từng sống, từng sinh hoạt tiếp xúc buôn bán, đi lại với mẹ tôi, đều thương yêu và cảm mến mẹ tôi. Và chính họ là những người đã cưu mang mẹ tôi trong suốt 22 năm, kể từ ngày chồng con bỏ đi Nam, để lại mẹ tôi một mình ngoài Bắc. Và chính họ cũng đã kể nhiều chuyện tốt đẹp về mẹ tôi.

Đó là chân dung đích thực nguyên bản mà tôi muốn phác hoạ lại về mẹ tôi, như một sự đoái tội với mẹ. Một chân dung mà đã tồn tại gần 40 năm, kể từ ngày mẹ tôi về nhà chồng cho đến ngày sinh ra tôi. Đó là những năm tháng êm đềm, thuận hoà và sum vậy trong cái đại gia đình cố Thông Mỹ. Và sau này, chân dung đó đã được nhiều người dưng nước lã, bà con họ hàng thân thích, và lối xóm, biết đến và thương mến mẹ tôi hơn là những người trong gia đình.

Chính bà Tư, bà Hoàng, là những người bạn buôn bán thuốc, đồng hội đồng thuyền cùng với mẹ tôi. Họ cũng chỉ là những người làng lối xóm, đã cùng sống và chia sẻ nỗi niềm với nhau rất đậm đà tình cảm.

Vào những năm sau di cư, miền Bắc vẫn triền miên đói khổ, vì bão lụt, vì bom đạn Mỹ, và vì phải tự nhận thêm một trọng trách không đáng có là, đánh Mỹ Ngụy cứu nước. Và mẹ tôi đã được những người bạn cưu mang ăn ở, như chị em ruột thịt. Cuộc sống với những chân chất tình cảm đong đầy.

Những năm tháng đó, mẹ tôi đã được bù đắp những tình làng nghĩa xóm, để mẹ khỏi phải sống côi cút một mình ở lại quê nhà. Sau này, mẹ tôi vào Nam đoàn tụ gia đình, họ luôn gửi lời thăm hỏi, hoặc những người quen biết mẹ tôi qua vài lần, cũng thân thương ghé thăm mẹ tôi. Và họ đều nói những điều tốt về mẹ tôi: Sống chân tình, hiền hoà, đằm thắm và thơm thảo với mọi người. Bức họa êm đềm và hiền hoà này, đã khiến tôi cảm thấy day dứt về một thực tại nghiệt ngã giữa mẹ và gia đình: Tại sao lại không thể có được một sự đầm ấm yên vui ở trong gia đình tôi? Và câu trả lời luôn bỏ ngỏ cho những dằn vặt trong tôi.

 

Chắc chắn đó là những năm tháng hết sức khó khăn cho mẹ tôi, vì phải chống đỡ với nỗi đau đớn bệnh tật dày xé, nợ cơm áo, và sự lẻ loi đơn độc tại quê nhà. Và nếu không có những bàn tay của bà con lối xóm đùm bọc, sẻ chia vui buồn trong những khi cơn trời hơi gió một mình, làm sao mẹ tôi có thể sống để vào Nam đoàn tụ được.

Và sau 30 năm ngày thống nhất đất nước, tôi đã về thăm lại quê cũ làng Cầu Khóng, Hà Tĩnh, được bà con họ Nội, và xóm làng kể về những tháng năm cam go và gian khó của miền Bắc với những tấm lòng vàng đã cưu mang mẹ tôi hơn 22 năm, nghe cảm động nhạt nhòa nước mắt.    

Đó là một bức tranh kém cỏi của tôi, đã không diễn tả hết những cảm xúc thân thương và trìu mến giữa mọi người với mẹ tôi. Nhưng qua đó, cũng cho tôi một ý niệm khá đầy đủ của một bức chân dung trung thực về mẹ tôi: Một người phụ nữ chân quê, hiền hoà và đằm thắm.

Tôi tự nghĩ, tại sao người ngoài sống tốt được với mẹ, mà tại sao lại không xẩy ra với gia đình tôi, và điều đó có phải là đáng tủi hổ và bất hạnh lắm thay? Chắc chắn, điều này, tôi và mỗi người trong gia đình tôi đều phải tự suy nghĩ. Và tôi nghĩ, mọi người trong gia đình tôi, đều ít nhiều có lỗi với mẹ, khi đã vô tình đưa đẩy mẹ tới một chứng bệnh tâm thần tai quái.

Và tôi có thể lý giải: Mẹ tôi là một con người nhân hậu, đã mặc lấy cái số phận nghiệt ngã của căn bệnh tai quái, vừa cả lý do ngoại tại và nội tại đã làm nên một con người khốn khổ và đầy bất hạnh như mẹ.

Đó là số phận của một con người đã được mặc định để làm nên một quảng âm nghịch điệu trong cái gia tộc phồn vinh Tứ Đại Đồng Đường. Nhưng rủi thay, mẹ tôi lại là vật tế thần oan nghiệt trong cái số phận tai quái đó.

Dẫu rằng, mẹ tôi đã “Một cõi đi về” hơn 20 năm rồi, nhưng con vẫn muốn viết lên điều này, để phần nào giải oan cho mẹ. Rằng: Mẹ không hề có tội tình gì, và số phận là một tên xó lá đã ném đá giấu tay, trốn chạy để mẹ ở lại chịu tai tiếng đời. Và phải chân thật mà nói: Chính chúng con là những người có lỗi với mẹ, vì đã vô tình đưa đẩy mẹ đến một bến bờ xa cách…mà ở đó, nỗi đau sẽ không được gột rửa, nếu các con mẹ không chịu cúi đầu nhận tội với mẹ.

Tự truyện này, như một lời tạ tội với mẹ, dẫu muộn màng, nhưng cũng xin mẹ nhận chút lòng thành nơi chúng con.

 

Châu Sơn ngày 13/12/2005

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 233
Ngày đăng: 12.02.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba mươi Tết - Nguyễn Thỵ
Mai tết - Tiểu Lục Thần Phong
Hương vô tình - Vinh Anh
Mùa Xuân của đá - Nguyễn Thỵ
Đêm đông nhớ ngày xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Lên "phây" - Trần Yên Hòa
Chuyện ngày cuối năm - Cát Huỳnh
Kẻ giết người công lý - Nguyễn Vĩnh Căn
Hồi nào giờ ai cũng biết mà - Tiểu Lục Thần Phong
Trở về quá khứ - Ngọc Thảo
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)