Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
837
116.682.750
 
Ngày ấy, nắng còn thơ dại…
Nguyễn Vĩnh Căn

 

           

            Ngày ấy, nắng ở một miền quê còn nhạt mầu lắm! Gió còn thơ thẩn đi hoang, tung tẩy hương hoa cỏ dại khắp miền đồng nội. Mây nhẹ mong manh, đan dệt  rợp khung trời tuổi thơ. Con bướm vàng say nắng, bay la đà trên những cánh hoa ngọn cỏ vườn sau. Chú chó Lu nằm yên ắng, vẫy đuôi bên thềm hong nắng ấm. Con mèo mướp hiền ngoan, nằm ngủ mơ màng nơi bậc cửa…

Bỗng đâu chú gà trống cất giọng gáy kiêu hãnh bên những cô nàng gà mái, bươn chải trên những đống rơm rạ xây cao. Con bò giam ràn ngoá gọi, như giục lũ trẻ sớm ra đồng. Và con người chân quê, mộc mạc trong áo vải thô nâu đen, nhàn nhã đi uống nước mới chè xanh, rồi về thong thả ra đồng.

Tất cả, người và cảnh vật đã hoà nhập để làm nên một cảnh miền quê rất đỗi dung dị hiền hoà yên vui.

***

Ngày ấy, tuổi thơ chúng tôi đong đưa trên chiếc nôi êm ái, với lời ru à ơi của mẹ, làm tuổi thơ chúng tôi lớn dậy giữa niềm ru ngọt ngào.

Lớn lên, ngày hai buổi cắp sách đến trường, tung tăng tung tẩy, đùa chơi như những chú chim non hồn nhiên ca hót líu lo suốt bốn mùa. Những mái đầu xanh vô tư không phân biệt trai gái vui học với nhau hết lớp này qua lớp nọ, mà không hề giữ ý tứ nhau cho đến năm lớp ba, thì những trò chơi nhảy dây, bịt mắt bắt dê, ú tìm...có khi tay quờ quạng phải của quý nhau - vùng cấm địa, mới thấy thẹn thùng len lén tâm tư, khiến cho bữa đó, con Vĩ đỏ mặt giận hờn quay đi. Sau khi tháo khăn mặt ra, tôi vẫn còn ngẩn ngơ để không biết tại sao, con Vĩ bỗng dưng giận mình.

Thế là những ngày sau đó, con Vĩ không thèm rủ tôi đi học như mọi hôm nữa. Lối đi học nó thường qua nhà tôi, nhưng nó tránh đi lối khác. Phải rất lâu sau đó, tôi mới lờ mờ hiểu ra…Lúc ấy, chúng tôi như đã bước qua một ngưỡng cửa tuổi mới lớn ở lớp nhì mất rồi.

Từ đó, chúng tôi đã không chơi những trò đùa vô tư với nhau như thủa bé nữa. Tôi lấy làm hối tiếc, vì đã vô tình sai phạm để mãi sau đó, con Vĩ trừng phạt tôi: không còn được suồng sã cầm tay nhau, dắt tay nhau dung dăng dung dẻ, kể cả kề vai áp má ngồi học bên nhau, hay thọc lét nhau nhột nhạt cười bò càng lăn ra sân...như ngày xưa nữa.

Lên đến lớp nhì, mà tôi vẫn còn là một cậu bé ngu ngơ như thuở nào. Trong khi, cô bé Vĩ, màu mắt đã long lanh và má đã chớm ửng lên với làn môi mọng hồng, làm tôi cảm thấy có chút xao xuyến khi nhìn Vĩ. Còn tôi vẫn ngô nghê tía lia chuyện trò: “Làm bài tập toán về nhà chưa?”. “Bài kiểm tra hôm qua mấy điểm?”. “Hôm nay có đưa chùm ruột không?”. “Cho Vĩnh ăn với, Vĩnh có đưa muối ớt đây”. “Sáng hôm qua ngủ quên hay sao mà không đi lễ đoàn?”.  Còn Vĩ kín đáo, ý tứ và kiệm lời hơn: “Ừ”. “Rồi”. “Có”. “Không”. “Ngủ quên”...

            Lên đến lớp nhất - lớp năm bây giờ, mặc dầu con trai chúng tôi vẫn đang còn mặc xì đùi, áo sơ mi cụt, và con gái thì áo cánh, quần thẩm Mỹ A, hoặc sang lắm là Sa Tanh, nhưng giới tính nam nữ thì đã phân ranh rõ ràng. Bạn bè trai gái trong lớp đã bắt đầu ghép đôi ghép lứa nhau. Chỉ cần vô tình quan hệ với nhau là chúng nó có cớ để ghép đôi.

Ban đầu là thằng Hành, cứ ngày nào cũng đưa ổi cho con Đồng; thế là được ghép Đồng Hành. Thằng Mỹ hay cho con Nga xem bài cũng chung số phận ghép lứa với nhau: Nga Mỹ. Con Dung khóc khi thấy thằng Từ bị thầy đánh đau, cũng duyên cớ vì nó, nên được tụi nó chiếu cố ghép thành đôi.

Đứa nào khi bị ghép đôi, cũng giãy nảy lên: “Đừng có nói bậy, mới tí tuổi đầu mà yêu đương cái nỗi gì?”. Có khi bức bối, chạy theo rượt đuổi, đấm đá ra vẻ oan ức lắm! Và con gái cũng thế, mặt cau mày có ra vẻ giận hờn.

Đến ngay cả tôi, chúng nó thấy con Vĩ thường cho tôi chùm ruột, nên cũng là nạn nhân của bọn chúng. Nói thật, từ khi tụi nó ghép đôi, tôi vẫn cảm thấy có điều gì làm ngượng ngập giữa hai đứa! Nhưng rồi nghe mãi quen tai, và xét thấy cô bé cũng xinh xắn đáo để.

Còn cô bé nghĩ gì về tôi thì có trời mới biết được!? Chỉ biết những ngày sau đó, Vỹ thẹn thùng để không dám đi chung lối với tôi mất một thời gian dài. Nhưng rồi về sau quen dần, để rồi ý trong như đã mặt ngoài còn e nữa mà thôi!?

Đến bây giờ tôi không hiểu tại sao, thời đó, chúng tôi có tình ý với nhau sớm thế. Đành rằng, có thể vì thời cuộc di cư, nên chúng tôi đi học trễ mất vài năm, thì ngay cả thời bây giờ, trẻ con chóng khôn sớm, làm gì vào tuổi 13,14 đã ý tình, yêu nhau.

Và thời đó, nếu ai tinh ý sẽ thấy nhân cách của những đứa yêu nhau, bỗng lớn dậy khi nào khiến chúng tôi không hay. Chúng tôi đã bớt đi những trò nghịch ngợm quậy phá của tuổi học trò: đánh nhau, bắn bi, đánh đáo, bắn tên, hái trộm ổi, mận...Và bắt đầu biết chải chuốt đầu tóc, áo quần sạch sẽ tươm tất hơn. Còn các cô ả cũng không kém phần trau diện: gương lược, môi má có chút phấn son.

Nhưng rồi có khôn lớn và điệu đàng cách mấy, chúng tôi vẫn là bọn học trò nhà quê, chưa dám tỏ tình bằng thư từ, hay lời tán tỉnh văn hoa bay bướm. Có lắm, là hẹn nhau đi nhà thờ, ra về chuyện trò ít câu dọc đường là chia tay. Có một điều lạ, là vắng nhau một bữa, lòng bỗng cảm thấy trống vắng, và có chút nhớ nhớ len lén tâm tư. Không hiểu sao, tự dưng bỗng thấy buồn mênh mang?

Ngày đó, chúng tôi hãy còn nhỏ lắm, chưa đứa nào dám nghĩ đến chuyện tình yêu. Hình như, chuyện tình yêu đó chỉ dành cho người lớn. Nhưng rồi ngày tháng cứ đong dần sợi nhớ sợi thương trong tâm hồn thơ dại ấy mãi, đến khi lên cấp hai ở Thị Xã, mỗi đứa học một trường xa cách, mới cảm thấy tiếc nuối những ngày bên nhau năm xưa không còn nữa.

 Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thấy bồi hồi xao xuyến như thuở nào.

Chưa hết cấp ba, tôi phải lên đường nhập ngũ…

***

Ngày ra đi, cô ấy tiễn tôi lên xe…với câu nhắn gửi: “Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe và nhớ viết thư về cho Vỹ nha!”. Rồi bỗng quay mặt đi như để che những giọt nước mắt khi phân ly. Xe đi được một đỗi mới quay lại vẫy tay chào…

Khi ấy, lòng tôi cảm thấy xốn xang và bồi hồi xao xuyến trong tâm tư; Lòng nghe tiếc nuối, tưởng như đánh mất một điều gì cao quý!

Ngày ra đi đó, tôi vẫn dự cảm, ra đi là mãi đánh mất mối tình thơ dại vừa chớm nở giữa hai chúng tôi. Bởi, tương lai của đời lính sẽ bị vùi dập trong mịt mù khói lửa chinh chiến. Biết bao giờ cho người chiến binh sẽ trở về đây? Và ngày trở về có thể là những câu trả lời: “Em hỏi anh, bao giờ trở lại. Xin trả lời, mai mốt anh về. Anh trở về, chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về, bờ tóc em xanh. Chít khăn sô lên đầu vội vã…Em ơi!”. (Kỷ vật cho em. PD)

Một tương lai chinh chiến mờ mịt, luôn đe dọa những điều thảm khốc như thế, bảo sao người ở lại ai dám trông chờ. Và rồi cô nàng ở nhà, phận gái lấy chồng phương xa. Ngày lấy chồng cô gái viết cho tôi mấy dòng thư:

Khi dòng thư này đến tay anh. Em đã đi lấy chồng về miền xa. Em biết, lúc này có nói lời gì đi nữa, cũng chỉ khiến anh buồn lòng mà thôi! Có lẽ, duyên phận chúng ta đã không cùng chung về một lối mộng. Cầu cho mùa chinh chiến sớm qua mau, để anh về với quê nhà vui duyên mới. Xin hãy quên em đi, một người phụ bạc tình anh”.

Chúng tôi chia tay nhau phẳng lặng như mặt nước hồ thu, mà chẳng hề có sóng gợn giận hờn chi nhau. Nhưng, ngày được tin cô nàng đi lấy chồng, sao lòng tôi cảm thấy thấm đẫm hai câu thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”.

***

Ngày tàn chinh chiến. Quay về làng, tôi sống an phận của một người phó thường dân Nam bộ. Cuộc sống hết sức khó khăn, đầu tắt mặt tối để không còn thời gian nghĩ đến chuyện xưa. Rồi tôi lấy vợ. Mặc dầu ai cũng trầm trồ vợ tôi xinh xắn, dễ thương, nhưng câu thơ của một thi sĩ nào đó, tôi không còn nhớ tên, vẫn mãi mênh mang trong tôi: “Nếu biết rằng em đã lấy chồng. Anh về lấy vợ thế là xong. Vợ anh không đẹp bằng em lắm! Anh lấy cho đỡ chạnh lòng…”.

Ngày đám cưới, tôi tặng vợ tôi một đóa hoa Lài, ép khô trong trang giấy trắng. Đóa hoa đó, tôi hái trên đường bụi mờ hành quân. Lẽ ra, đóa hoa đó, sẽ được trao tặng cho một người con gái khác…Thế nhưng, duyên số đã gắn kết tôi với người con gái mang tên một loài hoa, từ cái ngày chinh chiến ấy, mà tôi nào hay biết!

Dù mối tình đầu của tôi chia xa, nhưng tôi cũng xin cám ơn một miền quê Châu Sơn, đã như một vành nôi tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào, lãng mạn và đầy thi vị của tuổi học trò nhỏ dại. Và biết đâu… “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.

Bây giờ chúng tôi đã bước vào tuổi “Lục thập nhĩ thuận”. Những cuộc họp mặt bạn bè giữa tôi và cô ấy, vẫn còn đầy ắp những tình cảm bạn bè thân thương thuở nào. Và đôi khi, tôi cảm thấy mình vẫn còn hồn nhiên và ngô nghê như ngày xưa ấy.

Hình như, bây giờ, nắng vẫn còn thơ dại…

                                                         

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 522
Ngày đăng: 26.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gã khờ - Tiểu Lục Thần Phong
Bỏ đi Tám - Tiểu Lục Thần Phong
Cho mẹ nghe mùi tết - Bùi Thanh Xuân
Dịch ngôn - Tiểu Lục Thần Phong
Đêm Xuân màu tím - Nguyễn Thỵ
Vàng mai rực rỡ - Phan Trang Hy
Giấc mơ cuối đời của chú bé dưới đáy ống bê tông - Nguyễn Anh Tuấn
Nhập dòng chính - Tiểu Lục Thần Phong
Còn lại với hoàng hôn - Nguyễn Thỵ
Chẳng phải muốn thế - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)