Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
818
116.678.998
 
Về một số nhầm lẫn trong cách đánh giá Lược Khảo Văn Học của Nguyễn Văn Trung
Bùi Đức Hào

 

      "Huyền nhiệm của ngôn ngữ rất lớn lao; đảm nhiệm bảo vệ ngôn ngữ, duy trì vẻ trong sạch của nó là gánh lấy một  

           trách nhiệm thiêng liêng có ý nghĩa như một sự tượng trưng, chứ không phải chỉ là mặc ý nghĩa nghệ thuật"

                     (Thomas Mann)

 

 

  1. Những bất cập và sai trái trong nhận định của Vũ Hạnh về LƯỢC KHẢO VĂN HỌC

                                                                                             (…)

2.3 Trên vấn đề thứ ba : “Một giai cấp hay nhiều giai cấp”

 Trong 5 chủ đề nêu ra, đây có lẽ là cái ngắn nhất về mặt «lập hồ sơ» buộc tội, nếu ta dẹp bỏ những dòng khoe nghề của ông thầy dạy Việt văn qua các mẫu trích dẫn đủ loại không mấy chi cần thiết từ ca dao đến Ôn Như Hầu, Nguyễn Công Trứ qua những Đoàn thị Điểm, Cao Bá Quát…Nhưng, khách quan mà nói, đây có lẽ cũng là vấn đề mà nội hàm trên phương diện học thuật mang nhiều khía cạnh phức tạp, tế nhị và sâu sắc nhất.

Cái tệ của Vũ Hạnh thì vẫn vậy : hoặc đọc cẩu thả, hoặc cố tình ém nhẹm những trang hết sức rành mạch của Nguyễn Văn Trung rồi hô lên là có… «nghịch lý». Ta đã bắt đầu quen chứng kiến cái «kiểu chơi» đó, nhưng dẫu sao cũng cần phải nhắc lại một cách chính xác rằng, dưới tiêu đề «Văn chương và xã hội», LKVH có gần 6 trang (103-108) bàn về vấn đề phản ảnh giai cấp của tác phẩm văn học.  Chẳng hạn ở tr. 104, tác giả nói rõ : …không phải một nhà văn thuộc tầng lớp trưởng giả […] thể hiện một xã hội trưởng giả trong tác phẩm ” thì, đương nhiên, ta phải kết luận “văn chương bao giờ cũng là văn chương của một giai cấp xã hội, phản ảnh giai cấp xã hội đó […] như một định luật tất yếu”. Bởi lẽ (tr. 105) “ý thức không phải bao giờ cũng chỉ là phản ảnh của giai cấp một cách đơn thuần theo nghĩa phản ảnh là cái bóng của một sự vật ”. Điều kỳ diệu, hết sức đáng suy ngẫm là “ý thức thường phản ảnh con người xã hội trong một hoàn cảnh giai cấp nào đó. Nhưng cũng có thể bao hàm khả năng phủ nhận, vượt quá những qui định của con người xă hội đó.

Vũ Hạnh có lẽ quá tin vào «lý thuyết phản ảnh» (théorie du reflet) theo quan điểm duy vật biện chứng của Marx và Engels (đặc biệt trong thư ông này gửi nhà văn Margaret Harkness năm 1888 nói về Balzac), đã từng được Lénine vận dụng để phân tích tác phẩm Tolstoï [58] đến độ xem đó là chân lý tuyệt đối. Nên chi nhà văn giải Nhà nước của chúng ta không đếm xỉa gì đến ít nhất 5 lý lẽ vững chắc Nguyễn Văn Trung đã đưa ra (tr. 106), mà ta có thể điểm lại như sau :

  • 2.3.1/ Khởi từ nhận xét có những những nhà văn thuộc tầng lớp trưởng giả dựng lên một nếp sống trưởng giả trong tác phẩm (nội dung minh bạch) nhưng bao hàm một chủ đích phủ nhận nếp sống đó, nghĩa là phủ nhận lập trường, nhân sinh quan của nếp sống trưởng giả (nội dung hàm xúc)”, tác giả LKVH đi đến câu hỏi quyết định : “Làm sao những nhà văn đó có thể phủ nhận, nếu ý thức của họ chỉ là một phản ảnh máy móc, thụ động, hay chỉ là một sản phẩm thuần túy tầng lớp xã hội của họ ?

        -     2.3.2/ Do việc ngay cả trong xứ cộng sản, “người ta không thể kết án toàn thể văn chương thời trưởng giả và vẫn đề cao một số nhà văn thời trưởng giả mà người ta gọi là nhà văn tiến bộ”, Nguyễn Văn Trung ghi nhận : “như thế nghĩa là gì nếu không phải là không thể tất nhiên cho rằng bất cứ hễ cái gì của xã hội trưởng giả đều đáng nghi hết, một cách tiên nghiệm, võ đoán.

         -     2.3.3/ Một xã hội đã vong thân (tha hóa) thì tạo ra ý thức vong thân, nhưng không nhất thiết đó phải là một ý thức “tuyệt đối xa lìa sự thật, hoàn toàn là hư hỏng sai lầm”. Bởi nếu không đúng thế thì xã hội tư bản đã chẳng sản sinh ra được một tư tưởng nào, ngay cả chủ nghĩa Mác cũng không thể tự cho là chân lý được nữa”. Nhắc lại sự kiện chính Lénine đã từng nói chủ nghĩa Mác đã được đem lại cho giai cấp cần lao từ bên ngoài”, tác giả phát biểu : “nói cách khác, ý thức cộng sản đã không phải do một người thợ, nhưng do một người ở tầng lớp trưởng giả tạo thành. Người đó là Karl Marx.”

          -    2.3.4/ Trong tác phẩm nổi tiếng Lịch sử và ý thức giai cấp”, Lukacs cũng đã cho rằng “ý thức có thể lầm lạc, vong thân vì phản ảnh con người của một xã hội vong thân, nhưng không phải tự bản chất ý thức là vong thân, lầm lạc như một nguyên tắc ; trái lại, ngay cả khi sai lầm vong thân, ý thức vẫn chứa đựng khả năng vươn tới chân lý hay tham dự một phần nào vào sự thật.”

           -    2.3.5/ «Nói có sách, mách có chứng», vẫn theo Lukacs, “những thiên kiến giai cấp của Balzac lại có thể làm cho ta thấy nhiều khía cạnh của xã hội thời ông hơn là tinh thần cởi mở tiến bộ của một Stendhal chẳng hạn ”(LKVH, tr.108). Giáo sư họ Nguyễn còn nhấn mạnh thêm, trước hết, về Balzac tuy “là một nhà văn có tư tưởng bảo hoàng, bảo thủ, nhưng xã hội mà ông phơi bày đôi chỗ lại mang những tính chất đả kích xã hội đó hơn cả những nhà văn tiến bộ đồng thời với ông có ý phủ nhận xã hội đó” ; kế đến, về nhà văn thế hệ sau François Mauriac, giải Nobel văn học 1952 : “cũng mô tả xã hội trưởng giả Pháp là xã hội của ông. Nhưng sự mô tả của Mauriac lại tố cáo xã hội trưởng giả đó ”.

Chính trong phần này, Nguyễn Văn Trung đã đề cập nhiều lần đến Lukacs (Lukács György, viết theo tiếng Hung), một cách trực tiếp như vừa dẫn trên hoặc gián tiếp qua lời Merleau-Ponty bàn về quan điểm của triết gia ngoại hạng này (LKVH, tr.107) : “La littérature n’exprime jamais les postulats d’une seule classe, mais sa rencontre et éventuellement sa collision avec les autres. Elle est donc toujours le reflet de tous même si la perspective de classe le déforme (Les aventures de la Dialectique, p.59) [Văn chương không bao giờ diễn đạt những «định đề» – yêu cầu không chứng minh – của một giai cấp, mà thể hiện sự gặp gỡ và đôi khi sự tông đụng nhau của giai cấp này với những giai cấp khác. Cho nên văn chương luôn luôn là phản ảnh của toàn thể, dù viễn tượng giai cấp làm cho cái nhìn có bị lệch lạc đi (Những cuộc phiêu lưu của Biện chứng pháp (tr.59)]”.

 

Vũ Hạnh bác bỏ hoàn toàn luận điểm ấy. Ông nhắm mắt cáo buộc bằng giọng nói xéo : «tác giả lại mượn lời của Lukacs – mà tác giả gọi là triết gia lỗi lạc – để xác nhận rằng văn chương luôn luôn là phản ảnh của toàn thể». Lại thêm một kiểu «kỳ thị» nữa chăng ? Rõ ràng sự hằn học đó đã khiến ông vấp ngay trên một lỗi sơ đẳng : ở đây, Nguyễn Văn Trung không trích Lukacs, mà là Merleau-Ponty. Tại sao cái tên Lukacs lại làm Vũ Hạnh «giật mình» mất hết bình tĩnh đến như vậy ?

Tất nhiên, ông có quyền không đồng ý với tính từ «lỗi lạc» được dùng. Nhưng trong giới học thuật [59] thì Lukacs đã từng được mệnh danh «là người mác-xít lớn nhất kể từ Karl Marx», là «triết gia kiêm phê bình gia văn học duy nhất của Đông Âu có thể làm quan tâm người phương Tây» theo nhà phê bình Mỹ Alfred Kazin, là tác giả được nhiều nhà triết học mác-xít có tầm cỡ như Lucien Goldmann mà ông giáo Việt văn đã «dựa hơi» mượn lời (BK, tr.47) cho… có thế, dù bản thân lại rất «bài ngoại» trong lập luận đối nghịch với LKVH trân trọng nhìn như «một trong những khuôn mặt đã để lại dấu ấn nhiều nhất trên đời sống trí thức thế kỷ XX». Riêng những công trình về các vấn đề mỹ học của tác giả người Hung này đã được đánh giá là một «toan tính chặt chẽ thuần hợp (cohérent) nhất trong nỗ lực xác lập nền mỹ học mác-xít.» [60] Và cũng vẫn chính từ triết gia này đã xuất phát những cống hiến lý luận nền tảng của chủ nghĩa hiện sinh ở châu Âu[61], những ý niệm tha hóa (aliénation), sự vật hóa (réification), mà chính Sartre đã phải vay mượn.[62]

Có cần chăng phải nhắc thêm nữa rằng Goldmann được coi là môn đệ của Lukacs, để ghi nhận thêm hiện tượng «lưỡng phân» nơi một Vũ Hạnh vừa ác cảm với thầy, lại vừa đề cao trò, trong cùng trường phái ? Mà ngay cả lời trích dẫn Goldmann, trong bài báo của ông, cũng chỉ là hời hợt. Bởi lẽ, đúng như nhận xét của Patrice Deramaix http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=623&rb=0202 - anm3, câu nói  «thiên tài luôn luôn có một khuynh hướng tiến bộ» là một «khẳng định trông có vẻ mâu thuẫn với việc Lukacs vốn chối từ lối phê phán chuẩn định về các tác phẩm (affirmation apparemment contradictoire avec son refus de jugement normatif des œuvres)» [63] và, do đó thay vì bị đem xử dụng ở trạng thái nguyên thô như vậy , nó cần phải được hiểu một đầy đủ, tinh tế hơn, chẳng hạn như theo ý tác giả Pháp gợi ra dưới đây :

«Tính thiên tài, trước nhất, là sự vượt quá cái hữu hạn số phần ; nó siêu việt hóa cái hiện tại, cái cảnh thế nhân sinh để trở về với những giá trị chủ yếu, tức sự phổ quát (La génialité est surtout un dépassement du contingent, elle transcende le présent, le conjoncturel pour retourner aux valeurs essentiels à savoir l'universalité).» [63]

Lukacs là triết gia cộng sản, nhưng nhìn chung đã không để mất hết óc phê phán, sự sáng suốt và những trực giác (intuition) lành mạnh, sáng tạo. Hơn thế nữa, ông còn biết đồng hành với những người dám đứng lên chống lại nhà cầm quyền cộng sản trong cuộc nổi dậy lịch sử Budapest 1956 [64], đặc biệt với tư cách là Ủy viên Văn hóa trong chính phủ mới, dù rất ngắn ngủi. Lukacs là bậc kỳ tài, yêu nước, sống giữa lòng một chế độ toàn trị kiểu Staline lệ thuộc Liên Xô, cũng giống như một Trần Đức Thảo [65], nhưng mặc dù đã từng tham chính sau khi lật đổ chế độ như vậy vẫn không bị đối xử tàn bạo và nhất là không phải chịu một số phận hẩm hiu như nhà triết học xuất chúng nhưng xấu số của Việt Nam chúng ta…

 

Mọi người đã hiểu : Vũ Hạnh, khô cứng và hãnh diện trong bộ giáp «cách mạng vô sản», không thể nào có được một thái độ nào khác hơn, trước cái tên Lukacs «gai góc lịch sử» này (dù Goldmann kia có khâm phục đến mấy [66]) !  

Thế nhưng, mặt khác, hình như có một sự khó khăn lớn cho ông giáo Việt văn đi vào chiều sâu của khái niệm (notion) [đã trở thành ý niệm (concept) triết học] mang tên cái Toàn thể (la Totalité) [67,68], một mảng quan trọng của triết học thế giới cũng như hệ thống tư duy Lukacs, khiến ông cứ một mực muốn loại bỏ nó dù chỉ mới gặp dưới dạng một từ ngữ, qua câu viết của Merleau-Ponty khi ông lập luận về tác dụng phản ảnh giai cấp. Nghĩa là ông phủ nhận những gì hay đẹp nhất trong suy tưởng nhân loại về mối quan hệ hữu cơ giữa cá thể và toàn thể, giữa bộ phận và toàn cục. Là chối từ sự tìm hiểu, dù chỉ dựa trên các công trình nghiên cứu được phổ biến rộng rãi của nhiều tác giả phương Tây, về mặt triết học (như Lucien Pelletier [69], Alix Bouffard [70], Vincent Charbonnier [71]) cũng như về văn học-xã hội học (ví dụ Brigitte Munier[72], Marc Angenot/Régine Robin[73] chẳng hạn).

Nói cho cùng, phải chăng tất cả những hành động vô nhân, những thành kiến hẹp hòi, tội lỗi của cộng sản xưa nay đối với người không thuộc giai cấp họ đề cao, đều bắt nguồn từ chỗ họ chỉ tôn thờ duy nhất một «giai cấp» độc tôn ấy, không hề đặt vấn đề tìm hiểu và do đó sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa của cái Toàn thể trong tinh thần duy vật biện chứng thuần túy, chân chính, mà Lukacs rồi Goldmann đã góp phần soi sáng ?

Vũ Hạnh cũng không là một ngoại lệ. Sẵn đà đã lấy, ông tiếp tục chất vấn Nguyễn Văn Trung trên một điểm tưởng chừng vô thưởng vô phạt, thuộc loại …«đề thi Trung học », nhưng khổ thay ông lại cũng làm cho mất hết đi sự trong sáng của nó.

 

 

2.4 Trên Trên vấn đề thứ tư : “Bi quan hay lạc quan”

 

Chủ đề khá trung tính, tác giả thì cẩn trọng trên từng chút phân biệt tinh tế (nuance) không thể chê trách vào đâu được , thế mà ông Tú gốc Quảng của chúng ta vẫn cứ… «thừa thắng (?) xông lên» bằng sự lạm dụng từ ngữ một cách thái quá, như trong dòng cáo trạng bất ngờ này : “lối nhìn đời như một bi kịch không phải là một cái nhìn lành mạnh, mà chính là một cái nhìn bệnh hoạn, không phải là một lối ngó thành tâm mà chỉ là một giả trá cao độ đến mức chính kẻ giả dối cũng không còn tự nhận biết rõ mình được nữa” (BK, tr.48)! Ta chỉ biết thốt tiếng hỡi ôi, vì bất cứ ai dở LKVH ra đều sẽ bị choáng ngợp trước cái khoảng cách ghê gớm giữa trang sách và kiểu «đọc» ngang ngược, nếu không nói là «bịp bợm», của cha đẻ sản phẩm «Người Việt cao quý» :

                       -  2.4.1/ Vũ Hạnh lạc đề hoàn toàn : cố ý bóp méo, xô đẩy nội dung LKVH về phía những mệnh đề «cò mồi» được ông tự ý chế ra cho dễ bề công kích, thao thao bất tuyệt với một thứ bài giảng sặc mùi «mác-xít cấp vỡ lòng» ở thời điểm những năm đầu thập niên 1960 (sđd, tr.47-49) !   

Sự kiện dễ kiểm chứng nhất là Nguyễn Văn Trung, trong LKVH, chưa bao giờ nói đời bi kịch, mà chỉ đưa ra quan điểm (đừng quên đây là sách giảng dạy văn khoa) “chọn viết văn là chọn một cách thế riêng để nhìn đời và tác dụng vào đời trong muôn vàn cách thế khác […] CHỌN VIẾT VĂN : CHỌN NHÌN ĐỜI NHƯ MỘT BI KỊCH ” (LKVH, tr.154) : tất cả sự khác nhau nằm ở chữ trong vế trước và, trong vế sau, việc chọn nhìn đời như một bi kịch thông qua sáng tác hoàn toàn không đồng nghĩa với thái độ chủ thể luôn nhìn đời như một bi kịch. Đọc ẩu tả kiểu Vũ Hạnh chỉ có thể gây sai lầm trong nhận thức đưa đến hành động bất công đối với tác giả.

                -  2.4.2/ Ông giáo Việt văn «chốp» vội hai tiêu đề đã được tác giả cố ý xếp theo thứ tự nối liền nhau trong Chương IV (Tại sao viết ?) nhằm nói lên cùng lúc tính toàn diện của sứ mạng nhà văn và sự liên hệ khắng khít giữa hai khía cạnh tiêu biểu, tế nhị, «hóc búa», vừa có tính liên tục vừa bố sung cho nhau

 “CHỌN VIẾT VĂN : CHỌN NHÌN ĐỜI NHƯ MỘT BI KỊCH” (sđd, tr.154) [i] và “CHỌN VIẾT VĂN : DUY TRÌ TÌNH TỰ DÂN TỘC, BẢO VỆ  LƯƠNG TÂM NHÂN LOẠI” (tr.164) [ii], để tuyên bố như dao chém thớt rằng chúng «không thể hoàn toàn phù hợp với nhau» (BK, tr.47) vì khi «kén chọn nhìn đời như một bi kịch, người ta không còn tin tưởng ở nơi tình tự dân tộc, lương tâm nhân loại» (sđd, tr.48).

Thêm chữ «kén» vào một cách láu lỉnh như vậy, Vũ Hạnh tưởng sẽ chọc cười được thiên hạ, làm hạ thấp ý nghĩa, nhưng thực ra chả làm suy suyển được chút nào tính nhân bản trong ý hướng chọn lựa của nhà văn mà tác giả đã trình bày với tất cả đức kiên nhẫn sư phạm, sức thuyết phục, sự thanh lịch và cả lòng tử tế nữa qua 10 trang (154-163) dành cho điểm đầu [i] và  11 trang (164-174) cho điểm sau [ii].

Khuôn khổ bài viết này không cho phép trích dẫn nhiều hơn, nhưng LKVH chứa đầy những bằng chứng cho độc giả có cơ sở suy xét. Ví dụ ở trang 155 : “Cách thế riêng biệt của nhà văn là nói với tình cảm của người khác để đi tới đối thoại, thông cảm. Nó bao hàm một thái độ tôn trọng sự tự do đáp lại của người khác. Nhà văn không nói với lý trí, không thuyết phục, không giảng dạy, ra lệnh, nhưng đề nghị một lối nhìn, khơi mạch một con đường tình cảm để người khác bước vào, đi tới những quyết định mà chính họ sẽ tự đảm nhiệm lấy”.

Vũ Hạnh thì làm ngược lại tất cả những điều trên và tự ý làm thay cho mọi người. Sau khi đưa ra «định lý» rằng bất cứ ai hễ chọn nhìn đời như bi kịch thì mặc nhiên «có những thái độ a…, b…, c… » (xem đầy đủ trong hình chụp trang 47), chàng hiệp sĩ bèn dơ cao lưỡi kiếm xác quyết : “khi nền văn minh châu Âu đi dần vào trạng thái phi nhân bản như ngày nay thì những nhà văn có ý thức nhất của nền văn minh ấy thường kêu than về thân phận con người, một thứ con người trừu tượng không thể tìm thấy trên cuộc đời này”.

Chàng vốn không hà tiện chữ khi phải ra tay : “Sự rên rỉ tưởng như thành thật của họ chỉ là hiện tượng dối trá” v.v… Cho nên lời kết án dù rất «khơi khơi» nghe cũng thật nặng nề : “Lối giả trá ấy là một trạng thái tự vệ cộng đồng  của một xã hội suy bại”v.v…

Ai dối trá, xã hội nào suy bại, chế độ nào phi nhân bản ?

 Là kẻ trong cuộc, nằm chung guồng máy (và đến nay thì đã có thêm hơn 45 năm nếm mùi hiện thực), làm gì trên đời này còn có ai biết rõ bằng chàng : người đã viết Bút Máu (và, đối với cái chế độ sờ sờ ra đó, tác phẩm về thực chất quả là đã được viết từ bên trong)

Cần lưu ý thêm rằng toàn bộ 5 giả thuyết «a,b,c» ở trang 47 cộng với «a,b» (mang cùng ký hiệu) ở trang 48, đều do Vũ Hạnh tưởng tượng ra, không mảy may dính dáng chi đến những ý tưởng «trực tiếp» lẫn «gián tiếp», theo cách nói của Nguyễn Văn Trung trong LKVH, dù có suy diễn thế nào đi nữa.

 

                  -  2.4.3/ Viết xong LKVH 1 vào khoảng cuối 1962, Nguyễn Văn Trung có lẽ là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã sớm đề cập đến tính đa nguyên, một khái niệm nhưng trước tiên là một từ tuyệt đối «ta-bu» mà cộng sản, đặc biệt ở Việt Nam, coi như cái gai đáng sợ nhất. Từ một ví dụ đề tài «nhiệm vụ phá hoại» trong chiến tranh được đặt ra, ông lần lượt điểm qua những «đáp án» có thể có của các thành phần khác nhau trong xã hội (lãnh đạo, cán bộ lý luận chính trị, nhà giáo, người cần lao…), rồi xét trường hợp của một nhà thơ «chỉ dựng nên một cảnh nói tới trăng gió, đêm sao, nóng lạnh, tiếng động, màu sắc […] để truyền cảm bằng hình ảnh , tình tự». Rồi chính bài thơ mang tên «Phá hoại» đó lại có khả năng khiến người nghe «rung động, phấn khởi, tự mình nhận ra tiếng gọi của một bổn phận, tự mình quyết định lấy một thái độ dấn thân theo tiếng gọi kia trong im lặng thầm kín của cõi lòng, và biết đâu […] lại chẳng tác dụng sâu xa […] hơn cả mệnh lệnh, chỉ thị, lý luận».

 

Ông viết tiếp (tr. 156) : “Cùng một mục đích, cùng một đòi hỏi, nhưng có nhiều cách thế, đường lối để đi tới. Vậy phải duy trì và tôn trọng tính chất đa nguyên của những lựa chọn […] không nên bắt buộc nhà thơ phải làm nhà kỹ sư, bác sĩ, chính trị, giáo sư”. Rồi nhắc lại một lần nữa ở trang sau : “Không có lối nhìn nào thay thế cho lối nhìn nào. Cho nên, ý chí giản lược chỉ làm thiệt hại, co hẹp lại những thành quả mà người ta chỉ có thể thu lượm được một cách phong phú với điều kiện mở ra nhiều đường lối thực hiện và tôn trọng tích cách đa nguyên của nhiều cách thế đi tới.”

Nói như vậy thì có gì là «phản động», «dối trá», để phải lãnh búa rìu bủa xuống từ ngòi bút đỏ như máu thuần túy «nhất nguyên» của Vũ Hạnh ?

                  -  2.4.4/ Nguyễn Văn Trung chưa bao giờ «gạt gẫm», dù dưới hình thức ám chỉ, rằng «tầng lớp có ưu thế nhất ở trong xã hội cũng […] đau khổ như kẻ bị bạc đãi nhất », hoặc tìm cách «xóa bỏ […]những kêu đòi […] của một tầng lớp dân chúng đông đảo ở trong xã hội» v.v… như bài báo đã dựng đứng ra (BK, tr. 48). Ngược lại, LKVH có nhiều đoạn lý giải khía cạnh bi đát trong thân phận con người, qua một vài trường hợp dễ nắm nhất ; tất cả đều chẳng liên quan gì đến cái phạm trù giai cấp mà Vũ Hạnh bo bo bám giữ :

                                  - 2.4.4a/ Từ ví dụ tội sát nhân, sau khi lần lượt trình bày lối nhìn của các nhà luật học, nhà luân lý giáo dục, rồi đến cảnh sát công an, quan tòa, tác giả xét đến nhà văn và xác định anh ta “không phủ nhận sát nhân không phải là tội, cũng không chối tính cách hợp lý, chính đáng cần thiết của quan điểm luật học, tòa án cảnh binh, giáo dục…nhưng nhà văn nhìn tội sát nhân theo quan điểm riêng của mình. Nhà văn chú ý tới con người đã phạm tội và muốn nhìn hành động phạm tội của người đó như một bi kịch.” (sđd, tr. 158 [xin mạn phép nhấn mạnh trên hai từ vừa được in đậm]).

Sẽ không có chỗ ở đây để lập lại các lý lẽ LKVH biện minh cho động tác nhân văn qua chọn lựa đầy ý thức của người cầm bút. Nhưng chắc chắn là, làm như vậy, nhà văn chỉ muốn vén mở cho thấy góc khuất của thực tại nhân loại chứ chẳng hề có ý định “biến nó thành một biểu hiện tinh thần hợp pháp chính thức […] khiến cho mọi người lầm tưởng rằng mọi con người đều khổ” như ông giáo Việt văn chúng ta cố tình xuyên tạc. Ông ta lại còn gài những dòng kiểu «tái bút», than thở rằng «dưới thời Diệm Nhu, loại văn chương về thân phận con người rất được khuyến khích ưu đãi» : một sự lẫn lộn nghiêm trọng khó tha thứ đối với một nhà văngiữa dòng văn học nhân bản thời đại với «thân phận Diệm Nhu», như ông nói, ở Miền Nam (mà trên đó ông còn thấy cần cố «tán» thêm về một sự thật quá hiển nhiên, rằng giới lãnh đạo chóp mu thì «quả có sướng hơn đông đảo nhân dân nhiều lắm»).

 

Khi Vũ Hạnh so sánh lý lẽ trong LKVH với “một thứ khói mù của kẻ chạy trốn tung ra ngõ hầu làm cho cay mắt, lạc đường kẻ khác”, ông đã vượt lằn ranh của sự tỉnh táo. Làm sao một người bị ám ảnh bởi mặc cảm giai cấp có thể hiểu cho được rằng, trên đời này, không phải chỉ có «chuẩn giai cấp» để rồi ngồi tù trong đó ! Có cần phải nhắc nữa chăng rằng, ít ra trong lịch sử văn học Pháp (mà ông tỏ ra rất rành), có cả khối ví dụ về những nhà văn nổi tiếng [74] đã từng dám đứng ra bênh vực lý tưởng/giai cấp chống lại lập trường giai cấp của chính mình khi họ tự thấy nó có điều hay, đúng : từ Chateaubriand (đặc biệt với tác phẩm Génie du christianisme mà Victor Hugo và, gần đây hơn, cả Louis Aragon đều ngưỡng mộ) đến Mauriac, qua Bernanos, tất cả «mặc dù» là công giáo nòi và thuộc khuynh hướng thủ cựu – đều đã biết bảo toàn khả năng phán xét và sự tự do lấy thái độ của chủ thể cá nhân ?

 

                                          - 2.4.4b/ Nguyễn Văn Trung có cho in đậm (tr.160) câu “Bi kịch không xóa bỏ tội ác, mà chỉ làm cho nó trở nên bi đát”. Ông trích dẫn truyện ngắn «Người khách trọ» của Albert Camus để minh họa, sau tất cả những gì đã được diễn giải. Đối với ông, “nhà văn không kết án lý luận, nhưng lo lắng làm sao hiện thực được một cảnh đời trong muôn ngàn khía cạnh phức tạp của nó như thế là không có một lối nhìn nào bao quát hết được và một giải đáp nào thanh toán xong được […] bi kịch là ở chỗ không có giải đáp nào hoàn tất” (tr. 161). Sau đó, tác giả còn nhắc thêm sự kiện không chút gì do tình cờ này : “nhà văn chọn sứ mệnh thể hiện […] trong chiều hướng con người, sự thực, là cái bi đát […] và chính vì thế […] những tác phẩm văn chương đích thực lớn lao bao giờ cũng là những tác phẩm chan chứa lòng nhân đạo, bao hàm những ý nghĩa nhân bản”(tr.163).

Hơn 45 năm sau LKVH, Nguyễn Huy Thiệp cũng phát biểu gần gần như thế : “Văn học là một sự chiêm nghiệm nỗi đau khổ của con người và nó đi tìm những tư tưởng nhân đạo, những tinh thần nhân đạo. Đó là cái chức năng duy nhất của văn học chứ nó không phải là những thứ khác”. [75]

Quan điểm này nhất định quấy rầy những kẻ chỉ biết nhắm mắt tin duy nhất ở một chân lý, một chiều kích cuộc đời – cái của phe họ, «lý tưởng» họ – như cô Phương Thảo có phần đáng thương kia thôi. Không biết mà cứ tưởng mình biết và biết hơn kẻ khác : đó là tình trạng đưa đẩy ngòi bút tác giả bài báo tiếp tục tích lũy thêm những điều sai lạc.

 

2.5 Trên vấn đề thứ năm : “Có quyền hay không có quyền”

 

Trong 5 chủ đề «bút chiến», đây là phần mà bài báo có vẻ như ít cực đoan nhất, do chỗ nội dung chỉ trích phần lớn thuộc về lý thuyết tổng quát và tương đối ít chạm tới những điều húy kỵ của tác giả. Dù vậy cũng có vài điểm cần được làm rõ :

-  2.5.1/ Nguyễn Văn Trung (sđd, tr.120) phân biệt luân lý với công lý khi ông viết “Trên phạm vi luân lý, không ai có quyền phán đoán người khác…”, so với việc “trong phạm vi công lý, ta vẫn có quyền phán đoán nhân danh công ích”. Tuy nhiên, tác giả cũng không quên nhấn mạnh đến tính tương đối của công lý, vốn “có thể sai lầm vì không nắm hết được những lý do qui định trách nhiệm”. Và, do quá rõ tim đen nhân thế, ông có in đậm những dòng này : “Luân lý không phải là tảng đá cho người đội lốt đạo đức dùng để ném chết anh em mà mình thù ghét”.

Vũ Hạnh thì nhất định không kể gì đến việc giáo sư họ Nguyễn đã dành những 16 trang (117-132) để phân tích cặn kẽ vấn đề luân lý, với những trích dẫn – từ văn học đến Kinh Thánh – nhiều ý nghĩa : do «bất đồng ngôn ngữ» chăng ?

Rất có thể lắm. Vì một kẻ tự kiêu tự đại với «tư tưởng Mác-Lê» trang bị đầy mình như cô Phương Thảo này thì sẽ khó lòng thấy được sự khoảng cách giữa luân lý (la morale) được dùng trong LKVH, và đạo đức (l’éthique) được hiểu trong bài báo. Về cơ bản và trên mặt triết luận, chữ trước khác với chữ sau trên nhiều mặt mà ta sẽ không đi vào chi tiết ở đây, nhưng chủ yếu và trước tiên, nói theo André Comte-Sponville [76] diễn ngôn quy chuẩn liên quan đến Thiện Ác, được quan niệm như những giá trị tuyệt đối [hoặc siêu nghiệm tùy theo  trường hợp], còn đạo đức là diễn ngôn quy chuẩn liên quan đến cái xấu tốt, được xem như giá trị tương đối và tại thế (la morale c'est le discours normatif qui porte sur le Bien et le Mal considérés comme valeurs absolues [ou transcendantes selon les cas], alors que l'éthique c'est le discours normatif qui porte sur le bon et le mauvais considérés comme valeurs relatives et immanentes)”.

 

Chính vì cái lẽ siêu nghiệm ấy mà Vũ Hạnh không sao hiểu được câu “mỗi người chỉ chịu sự phán đoán của Đấng Tối cao” : trước hết đó là một cách nói chẳng dính chi đến thần quyền, mà chỉ nhấn mạnh rằng luân lý thì vượt quá những phán đoán thị phi giữa người và người, những con người vốn hay ganh tị, ham danh lợi, quyền thế. Kant gọi mệnh lệnh của luân lý, khiến ta phải tuân theo, là những «impératifs catégoriques» có tính triệt để, vô điều kiện, khác với tiếng nói của đạo đức chỉ là những «impératifs hypothétiques», tương tự những lời khuyên, cho ta khả năng được chọn lựa trong cách ứng xử. Thứ đến, giáo sư họ Nguyễn nhận định rằng “phán đoán hành động luân lý của người khác là rất khó và tế nhị”, thế mà – oái oăm thay – lại có “nhiều người lên mặt đạo đức và kết án người khác một cách quá dễ dãi như thể mình là người không bao giờ phạm tội và muốn đứng ở quan điểm Thượng đế để phán xét người khác ”(tr.119). Và, trước khi trích dẫn câu nổi tiếng của Thánh Augustin : “Có một điều xấu hơn cả nết xấu là sự tự phụ về nhân đức” (tr.136), tác giả đã phát biểu rõ ràng, như xuyên thấu lòng dạ không phải chỉ của riêng những kẻ ham bắt bẻ trên vấn đề này : “Không có gì tai hại và phản đạo đức hơn là người tưởng rằng mình là người đạo đức và đạo đức hơn người khác” (tr.127).

 

-  2.5.2/ Cho nên, khi Vũ Hạnh hí hửng tưởng ghi được «bàn thắng» trước Nguyễn Văn Trung – và đắc ý lập đi lập lại 7 lần chỉ riêng trong phần này (không kể các đoạn trích dẫn) từ «salauds» đặc thù của Sartre, coi như «bắt quả tang» tác giả LKVH mắc lỗi «mâu thuẫn» –, thì cũng chính là lúc nhà văn chúng ta đang lẫn lộn hoàn toàn : luân lý và đạo đức bị trộn chung làm một. Gần như nguyên hết lập luận của ông (xem hình chụp trang báo) chỉ là một thứ thuyết giảng dài dòng về tính lệ thuộc của việc phán đoán đạo lý đối với thành phần giai cấp người đưa ra, theo quan điểm mác-xít sáo mòn.

 

-  2.5.3/ Nên nhớ rằng LKVH không bàn về luân lý trên bình diện triết học, mà chỉ ở trong lãnh vực văn chương, đặc biệt để triển khai khái niệm nòng cốt của Nguyễn Văn Trung về nội dung hàm súc, dưới tiêu đề «Phương hướng tìm nội dung hàm súc» (tr. 116), bao gồm ba trường hợp văn học (tr. 117-132) : chính với tinh thần đó mà tác giả đã đề cập đến tính chất phi luân lý (amoral) trong nhiều tác phẩm kịch và tiểu thuyết của Sartre (tr. 123), xác định rằng “phi luân lý không phải là vô luân lý ; phi luân lý là không đặt ra vấn đề luân lý một cách tiên nghiệm, còn vô luân lý là chối luân lý” và cho biết, theo triết học hiện sinh, không có «luân lý khách quan (morale objective)» mà chỉ có «luân lý hoàn cảnh (morale de situation)».

 

-  2.5.4/ Khi Vũ Hạnh lại đưa trường hợp «điển hình» về án tử hình của Ngô Đình Cẩn lên bàn cân để kết tội vội vàng, vơ đũa cả nắm, những người đã “nhân danh tinh thần vị tha và các giá trị luân lý đạo đức cố truyền của dân tộc ta để xin tha mạng ” cho đương sự, một cách đầy sát khí và tự đắc – đặc biệt với điệp khúc sằng sặc tiếng chửi «salauds» mượn của Sartre (BK, tr. 51) –, nhà văn đã đi quá xa. Và đã vô tình thủ tiêu chút cảm tình văn nghệ cuối cùng còn lại trong lòng người mến mộ.

 

2.6 Trên đúc kết chung cuộc bài báo : “Quan niệm văn học theo lối cá nhân chủ nghĩa”

 

Bài báo khép lại với một tuyên ngôn lấy giọng trịnh trọng, nhân danh cái gọi là «tập thể» để triệt tiêu cá nhân, lấy cái nhãn «xã hội» làm tiêu chuẩn để loại trừ mọi ý hướng nhân bản. Nguyễn Văn Trung ra sức xây dựng, soi rọi thực tại con người – phức tạp, bi tráng và sáng tạo – bao nhiêu, thì Vũ Hạnh tán tận hủy phá cho kỳ được công trình, bằng vũ khí nhãn quan thô thiển, giản lược, u tối, bấy nhiêu :

-  2.6.1/ LKVH không hề nói ta phải chọn theo cá nhân chủ nghĩa, mà chỉ vinh danh chủ thể dù nó có yếu đuối (nhưng chân thật) đến đâu, và chủ trương nâng cao tầm quan trọng của một nền văn học quan tâm đến thân phận con người trong mọi chiều kích của nó, kể cả sự bi đát : chỉ có Vũ Hạnh là muốn đồng hóa lừa lọc – cho dễ bề lên án – qua cách chèn thêm hai chữ «theo lối» (để trước cụm từ áp đặt «cá nhân chủ nghĩa») quá vu vơ, hàm hồ (một sự làm dáng «thận trọng» vì không chắc chắn về chính mình ?) .

Nguyễn Văn Trung không hề “phủ nhận thực tại xã hội để tự rút lui về một cứ điểm cố thủ”, cũng chẳng “nép mình vào lô-cốt […] có đủ khí giới bắn phá chung quanh”v.v., như lời văn sặc mùi du kích của nhà văn. Và nền văn học mà LKVH góp phần phân tích cái lớn đó đã chưa bao giờ – cũng như sẽ không bao giờ – “suy mòn thác loạn, trở nên khô kiệt sinh lực, mất hết khả năng sáng tạo […] tiêu diệt cá nhân, tiêu diệt luôn cả văn học” như Vũ Hạnh cả lo : có đáng lo chăng, là lo cho bản thân cái nền văn học «minh họa», chuyên môn ở sau đuôi lãnh đạo, mà ông là một trong những quán quân, bởi nó mới chính là cái gớm ghiếc nhất.

-  2.6.2/ Quan niệm văn học vì con người được trân trọng trong LKVH như thế, mà dưới mắt ông giáo Việt văn thì lại chỉ ngang hàng với “một ngộ nhận, tệ hơn, là một giả trá» ! Ai giả trá, thì thiên hạ đều biết. Thế mà, ông cứ ngang nhiên đánh giá là nó «ích kỷ, lỗi thời» và buộc tội nó đã dẫn tới việc “văn học Tây phương ngày nay đẻ ra nhiều loại tác phẩm quái vật […] gây hoài nghi rối loạn, khiến cho nhân phẩm đồng hóa với bản năng, sáng tạo đồng ý với phá hoại, thiên tài đồng nghĩa với cuồng điên”.

Chưa đủ : chàng hiệp sĩ «bảo vệ văn hóa dân tộc» số một ở Miền Nam dạo ấy còn dõng dạc tuyên bố «chống lại các biểu hiện sa đọa», được kê ra hàng loạt như «nô lệ thực tại […] chỉ nhìn thấy mỗi thú tính mà không thấy rõ bản sắc nhân loại […] chú trọng quá đáng đến mặt tiêu cực, phá hoại hoặc những tâm lý bệnh hoạn, hưởng thụ».

Chưa hết : trước những «biểu hiện thấp kém, cô độc, cảm tính, phản động» được cho là không sao kể hết, hiệp sĩ của chúng ta đưa lời cảnh báo/tuyên thệ rằng «nền văn học đứng trên quan điểm xã hội», lý tưởng của chàng, sẽ toàn quyền đảm bảo việc phải «chiến đấu không ngừng để xóa sạch đi».

-  2.6.3/ Trong những dòng cuối cùng bài báo, Vũ Hạnh còn dám lớn tiếng trách tác giả đã «không chịu dứt khoát chọn lấy một trong hai thái độ», khiến cho LKVH trở thành «một sự hỗn hợp khó hiểu, một mê lộ» khiến cho người đọc bị «bối rối […] hoài nghi, nếu không tỏ ý khiếp sợ, đầu hàng vì bị mặc cảm về sự thấp kém… trí thức» : thật chưa thấy một «lời bình» nào lại… tào lao, tệ hại, đến như thế !

 

Quả thực, có lẽ đây là tác phẩm kém nhất của Vũ Hạnh. Đến độ, Nguyễn Văn Trung dường như không thấy cần phải trả lời, hay đúng hơn, đã có trả lời tự thân bằng sự ra đời của hai Tập LKVH 2 và 3 sáng chói tiếp theo. Nhưng, chúng ta và đặc biệt những người thuộc các thế hệ sau, không thể nào khoanh tay im lặng, để bài báo tiếp tục nhỡn nhơ khoe mình sau lồng kính huân chương của những kẻ tung hô chế độ, một nhà nước toàn trị với trọn gói ý thức hệ cùng bàn tay vấy máu của nó : vạch trần những sai trái là nhiệm vụ tối thiểu, trước lương tâm và lịch sử.

 

 

Với độ lùi có được sau khi đã làm một vòng chung quanh bài báo như thế, ta có thể dừng trên một nốt «văn nghệ» của LKVH, để thấy rằng tác phẩm rất phong phú, cho phép ta tìm ra được trong đó nhiều nét về thế thái nhân tình, đôi khi còn khoác cả một chút tiên tri, giống như việc chơi …bói Kiều !

Quả thế, về tình trạng chữ nghĩa xuống cấp chẳng hạn, Nguyễn Văn Trung có nói đến nạn «loạn chữ» – nghĩa là khoảng năm thập kỷ trước nạn «fake news» hiện nay – và trích dẫn Brice Parin, người đã từng xác định (như thể đã dự ước [anticiper] trường hợp cô Phương Thảo !) rằng “ sự kiện chính dự phóng nói, viết theo một quan điểm ý thức hệ, giai cấp xã hội là nguyên nhân của tình trạng loạn chữ” (sđd, tr.214).

Nói đến những kẻ ấm ức trên văn đàn, tác giả như «đi guốc trong bụng» họ khi viết ra những dòng chẩn đoán này :

“Nếu được phép đi vào thâm ý của những nhà phê bình văn học đạo đức […] bất mãn và lớn tiếng cảnh cáo tác giả và cảnh giác độc giả, có lẽ chỉ tìm thấy hai lý do : hoặc là các vị đó mắc phải cái bệnh «Ghen văn nghệ», hoặc là vì lầm lẫn phạm vi văn học và luân lý” (sđd, tr.111).

Không phải chỉ có «ghen» hay «lầm lẫn» không thôi , mà còn nhiều ý đồ khác. Nguyễn Văn Trung có dành ba trang (172-174) để đề cập đến vị trí các nhà trí thức – nhất là giáo sư đại học – trong vai trò nhân chứng khách quan, nhà nghiên cứu, trong xã hội văn minh hiện đại, những người theo ông có may mắn được “tự do tìm kiếm, giảng dạy và phát biểu ý kiến mà không phải chịu những áp lực chính trị, kinh tế, tôn giáo nào từ bên ngoài”. Tuy nhiên, cũng chính vì “dư luận tín nhiệm ở lời nói của họ, coi đó là tiếng nói của lương tâm, ý thức quốc gia, phát ra từ đáy lòng họ chứ không phải do một thế lực đảng phái chính trị nào”, cho nên lắm khi họ phải chịu cảnh trở thành nạn nhân của những tay đao phủ “muốn nhổ những cái gai chướng mắt, muốn làm tắt những lời nói chướng tai để những tiếng nói kia phải im lặng hay phát biểu theo chiều hướng của mình” : còn có gì rõ hơn nữa, để lý giải cho tình trạng LKVH bị ném đá ?

Ta thường nghe nói «văn là người». Mà đã là người thì cái cách cư xử ở đời – dù chỉ sai phạm một lần – vẫn được khắc in đâu đó : Vũ Hạnh hoàn toàn câm nín, ngay cả trong những dịp thuận tiện nhất để bày tỏ [57], trên việc có lần chịu ơn Linh mục Thanh Lãng, với tư cách chủ tịch Trung tâm Văn bút Quốc tế (PEN CLUB), đã can thiệp cho chính ông [77] ( chứ không phải chỉ riêng «vài nghệ sĩ» như ông thuật lại [57]) được ra khỏi tù.

                                                                                                    *

                                                                                               *        *

Khôi phục nội dung và vị trí văn học những trước tác của một trí thức như Nguyễn Văn Trung là góp phần phục hưng một mảng không nhỏ của «Giá trị Miền Nam» trước 1975 ( Giá trị thời VNCH), mà rất nhiều sự kiện văn hóa gần đây – từ những bài viết, trao đổi suy tư [78-81] đến diễn đàn, hội thảo [82-83], qua cả sự tái xuất của những cây bút đã gây xôn xao một thời như Nguyễn thị Hoàng[84-86] – cũng cho thấy phần nào sức thu hút đặc biệt, nhất là đối với giới trẻ và những chứng nhân thời thế.

Những «mâu thuẫn» – nếu phải dùng lại từ này – không hề có trong LKVH : một tác phẩm tầm cỡ, hiếm thấy, mà vài nhà phê bình do thiếu nghiêm túc không đọc kỹ, hoặc vì lý do chính trị [87], đã vô tình hay cố ý làm suy suyển, méo mó, trước một công chúng cần thông tin đích thực để trở về điểm gốc của mọi vấn đề.

Cái – nếu cần phải nhắc thêm – là sự đối lập về bản chất giữa hai thái cực : một bên là ngụy trang, điển hình qua sự biến dạng từ một Vũ Hạnh-Pazzy đến Vũ Hạnh-Phương Thảo trên văn đàn, để bêu điều giả trá (bởi chính tay người đã viết ra «Văn hóa và mạo hóa» [88] năm nào), là bạo lực ngay cả trong ngôn từ (thể hiện qua cách nhà văn đòi «tiễu trừ» một ấn phẩm mới xuất bản thời ấy mà ông coi là …«phiến loạn»! [89]) ; và bên kia là sự thanh lịch, từ tâm, là khát vọng nhân văn soi thấu trên mỗi phận người – tiểu vũ trụ giữa vô vàn vũ trụ –, toát ra trên từng trang sách viết bởi một người đã từng chọn ở lại vào thời điểm 30/4/1975. Một tâm hồn cao rộng. Một sự dấn thân công chính, dũng cảm.

Dù chỉ để đón nhận sau đó một thực tại ê chề, phản trắc.

Song, ít ra – về phía chủ thể đi tìm ngòi lửa soi đường –, thực tại đó cũng đã đánh thức phản tỉnh và kêu đòi phản ứng : trong phạm vi đời tư, lôgic, bình thường, của riêng phần tác giả cũng như ở mức đời chung, gay gắt, sống còn, cho toàn cả dân tộc.

                                                                                                                                            

 Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản cập nhật do tác giả gửi                 

 

Chú thích

 

[1] Theo ghi chú của các nhà sách:

 https://www.netabooks.vn/luoc-khao-van-hoc-tap-1-nhung-van-de-tong-quat  ; https://www.khaitam.com/sach-moi/luoc-khao-van-hoc-tap-3-nghien-cuu-va-phe-binh-van-hoc

[2] Đã được Thụy Khuê đề cập trong Nguyễn Văn Trung, http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenvanTrung01.html

 

[3] https://tuoitre.vn/giai-thuong-sach-quoc-gia-2020-vinh-danh-nha-tho-quang-dung-20201009225334563.htm

 

=>Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo thay mặt ban tổ chức đánh giá đây là "bộ sách có giá trị về mặt văn học sử, góp phần giúp những người nghiên cứu và yêu văn học hôm nay hiểu thêm về bộ phận văn học, văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975".

 

[4] Những nguồn cảm hứng trong văn học, Huỳnh Như Phương, Nxb. Văn Nghệ, TP. HCM, 2008, tr.173

[5] Huỳnh Như Phương, sđd, tr.172

[6] Nguyễn Văn Trung và thái độ trí thức, Đỗ Lai Thúy (18/04/2016):

https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguyen-van-trung-va-thai-do-tri-thuc.html

(Câu trích dẫn được in nghiêng trong bài này nên phần tác giả Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh được in chữ đứng để phân biệt)

[7] Nhận định về những mâu thuẫn trong quyển LKVH của Nguyễn Văn Trung, cô Phương Thảo (tức Vũ Hạnh), Tạp chí Bách Khoa số 179 (Sài Gòn,15/6/1964), tr. 41-54: đây là bài đầy đủ, còn trước đó – như đã được nhắc tới -, tác giả có nhanh chóng viết một phê bình ngắn trên tờ Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút VNCH.

[8] Người Việt Cao Quý, Vũ Hạnh (dưới bút danh A. Pazzi):

https://123hoang.wordpress.com/2011/05/31/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-cao-qui/

=> Khó có thể tưởng tượng trên thế giới có người cầm bút không ngần ngại bịa ra tên một người nước ngoài để tiện viết sách ca ngợi chính dân tộc mình, trong mục đích tâng bốc lừa mị dư luận bản địa. Khó tưởng tượng hơn nữa là, hơn nửa thế kỷ sau, « Cách mạng » và một số người Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì, tôn vinh sự « tự hào » về “mưu chước” hành động cùng nội dung « tác phẩm » ấy!

[9] Vũ Hạnh và những tác phẩm lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 (28/12/2019), TRẦN HOÀI ANH:

https://vanhocsaigon.com/vu%CC%83-ha%CC%A3nh-va-nhu%CC%83ng-tac-pha%CC%89m-ly-lua%CC%A3n-phe-binh-van-ho%CC%A3c-o-mien-nam-truoc-1975/

[10] Vũ Hạnh: Đời văn, chiến sĩ (5/10/2015) https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/vu-hanh-doi-van-chien-si-20151005220807985.htm

[11] Nhà văn Vũ Hạnh: “Không có mùa xuân nào tôi vui hết…” (20/01/2016):  http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-van-vu-hanh-khong-co-mua-xuan-nao-toi-vui-het/

[12] Bản lĩnh ngòi bút Vũ Hạnh và sức sống của những tác phẩm, Nguyễn Công Lý, Nghiên cứu văn học số 8- 2016, tr. 52-61

[13] Nhà văn Vũ Hạnh, lý luận, phê bình, nghiên cứu, sáng tác, Nguyễn Xuân Huy, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, luận án tiến s TS: http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFqWrNMZPm2013.1.17

[14] Do chỗ qua quan hệ gia đình (thời trung học ở Sài Gòn), đã có cơ hội quen biết tác giả và khâm phục tài năng, trước khi biết chuyện ông giả danh A. Pazzi viết Người Việt Cao Quý.

[15] Qu'est-ce que la littérature, Jean-Paul Sartre, Collection Idées, nrf, Gallimard, Paris (1948)

[16] Lược khảo văn học, Tập I, Nguyễn Văn Trung, nxb Nam Sơn, Sài Gòn (1963), tr.5

[17] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.8

[18] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.9-10

[19] http://baophutho.vn/chinh-tri/201406/viet-de-lam-gi-viet-cai-gi-viet-cho-ai-viet-the-nao-8407

[20] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 22-24

[21] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 25-31

[22] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 34-39

[23] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 40-44

[24] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.12

[25] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 46-62

[26] Về vấn nạn chung của nghệ thuật đương đại, mời đọc thêm:

   a/ Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học, https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc

   b/ Mấy vấn đề chung quanh việc tiếp cận tư tưởng và nghệ thuật đương đại – Phác thảo phân tích nguyên nhân khủng khoảng cùng triển vọng giải pháp (phần “Nguyên nhân chủ quan của khủng khoảng nghệ thuật”), https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc-2

[27] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.357

[28] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.71-75

[29] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.76-84

[30] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.85-95

[31] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.99

[32] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.100-106

[33] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.202-211

[34] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.196

[35] Bạn đọc có thể tham khảo trọn bài ở đây: https://nhatbook.com/2019/02/27/nhung-mau-thuan-trong-luoc-khao-van-hoc-cua-nguyen-van-trung/

[36] Critique de la faculté de juger (1790), § 46, Kant [bản dịch tiếng Pháp của Alexis Philonenko, Vrin (1965), tr.138-139]

 (Những ý này được trình bày theo trình tự bố cục lớp lang như sau: Critique de la faculté de juger, Première partie: "Critique de la faculté de juger esthétique", Première section: "Analytique de la faculté de juger esthétique", Livre II: "Analytique du Sublime", § 46.)

[37] Bạn đọc có thể tham khảo chẳng hạn ở đây: https://grandes-ecoles.studyrama.com/espace-prepas/prepa-litteraire/preparer-le-concours/le-genie-dans-l-art-selon-kant-5320.html

[38] "Le Monde de l'art", Philosophie analytique et esthétique (1998), Arthur Danto, Méridiens-Klincksiek, tr.195.

[39] Làm lý luận phê bình văn học cần lao động nghiêm túc, khách quan (26/03/2021):

http://baovannghe.com.vn/lam-ly-luan-phe-binh-van-hoc-can-lao-dong-nghiem-tuc-khach-quan-22585.html

 

[40] La presse dans L’Éducation sentimentale : https://www.amis-flaubert-maupassant.fr/article-bulletins/043_032/

 

[41] Palimpsestes, G. Genette (Paris, Editions du Seuil, 1982, Points Essais n°257)

[42] Les hypertextes en questions:(Note sur les implications théoriques de l’hypertextualité), Frank Wagner, Études littéraires (2002), 34 (1-2), 297–314: https://www.erudit.org/fr/revues/etudlitt/2002-v34-n1-2-etudlitt694/007568ar/ ;

Plasticité du récit : de la transmodalisation à l’intermédialité1, Frank Wagner: http://vox-poetica.com/t/articles/wagner2016.html

 

[43] Grandeur et décadence de l’influence en histoire littéraire, Jérémy Naïm: http://www.revue-silene.com/f/index.php?sp=comm&comm_id=210

[44] https://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%89criture_cr%C3%A9ative ; https://theconversation.com/creative-writing-en-france-une-formation-universitaire-en-voie-de-legitimation-72475

[45] La théorie dans le rétroviseur (2013), Simon BROSSEAU: http://salondouble.contemporain.info/lecture/la-theorie-dans-le-retroviseur

[46] Đó là một trong những kết luận đáng chú ý trong bài giới thiệu về quyển Eléments pour une théorie de la création littéraire của Bernard Lahire :https://www.franceculture.fr/oeuvre/franz-kafka-elements-pour-une-theorie-de-la-creation-litteraire

[47] La littérature et l’espace, Antje Ziethen: https://www.erudit.org/fr/revues/arbo/2013-n3-arbo0733/1017363ar/

=> Ta có thể ghi nhận  nhiều khái niệm và lãnh vực mới được hình thành , dưới những thuật ngữ nguyên văn tiếng Pháp mới lạ như la géographie de la littérature, la géocritique, la narratologie spatiale, la géopoétique, la pensée-paysage et l’écocritique…

[48] La création littéraire anglo-saxonne en théorie et en action, Elise Bayle, Thèse de Doctorat d’Université de Jean Monnet Saint Etienne (19/3/2011): https://tel.archives-ouvertes.fr › file › docid › filename

[49] Processus Agora. Approche bioculturelle des théories de la création littéraire, Montréal, Les Herbes rouges (2015), Jean-Simon Desrochers, được giới thiệu ở đây: https://publications-prairial.fr/iris/index.php?id=1525 (Thèse de Doctorat en études littéraires, Université du Québec à Montréal: https://archipel.uqam.ca/6082/)

[50] Mener une thèse en théorie et pratique de la création littéraire: https://www.fabula.org/actualites/atelier-mener-une-these-en-theorie-et-pratique-de-la-creation-litteraire_85049.php

[51] Littérature et neurosciences. Appel à une collaboration interdisciplinaire (12/2009), Marc-Mathieu Münch: https://effet-de-vie.org/articles-de-fond/36-litterature-et-neurosciences-appel-a-une-collaboration-interdisciplinaire ; Création, Neurosciences, Littératurehttps://www.fabula.org/actualites/creation-neurosciences-litterature_24544.php ; Littérature et neuroscience (2021): https://www.ailc-icla.org/fr/litterature-et-neuroscience/

[52] Entre théorie de la littérature et neurosciences (24/2/2020): https://www.implications-philosophiques.org/implications-epistemologiques/entre-theorie-de-la-litterature-et-neurosciences/; Littérature et sciences cognitives : apports et légitimité d’une lecture transversale (2017), Gabriella Bandura : https://journals.openedition.org/carnets/2113

[53] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.58-59

[54] La mort de l’auteur, Roland Barthes, tạp chí Manteia, số 5, 1968 (in lại trong Essais critiques IV — Le bruissement de la langue, Paris, Seuil, 1984 và Le plaisir du texte, Seuil, 1973)

[55] A propos de Racine, Roland Barthes, trong Annales. Économies, Sociétés, Civilisations/ năm thứ 15, số 3 (1960), tr. 531

[56] Đọc lại Truyện Kiều, sự sáng tạo trong nghệ thuật phê bình của Vũ Hạnh, Nguyễn Xuân Huy (11/08/2015) :

https://trieuxuan.info/Doc-lai-Truyen-Kieu-su-sang-tao-trong-nghe-thuat-phe-binh-cua-Vu-Hanh/

[57] Nhớ lại những ngày... Vũ Hạnh (Nhân lần in thứ tư Đọc lại Truyện Kiều, 2015) : http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4889-doc-lai-truyen-kieu.aspx

[58] Reflet, Laurence van Nuijs (Katholieke Universiteit Leuven) : http://ressources-socius.info/index.php/lexique/21-lexique/68-reflet

[59] La théorie du roman de Georges Lukacs, Naïm Katta: https://www.erudit.org/fr/revues/liberte/1964-v6-n5-liberte1433590/59944ac/

[60] La théorie de la littérature de Lukács, Alan Swingewood et Daglind Sonolet (Người dịch : Annette Lorenceau): https://www.persee.fr/doc/homso_0018-4306_1972_num_26_1_1719

[61] https://www.universalis.fr/encyclopedie/gyorgy-lukacs/1-le-createur-de-l-existentialisme/

[62]   https://www.cairn.info/revue-actuel-marx-2006-1-page-29.htm

[63] STRUCTURALISME GENETIQUE ET LITTERATURE / LUCIEN GOLDMANN, CRITIQUE ET SOCIOLOGUE (4. GOLDMANN ET LA CRITIQUE LITTERAIRE MARXISTE), Patrice Deramaix :  http://dialectiques.ironie.org/textes/gold4.htm

[64] https://fr.wikipedia.org/wiki/Georg_Luk%C3%A1cs

[65] Qui est Tran Duc Thao ? Vie et œuvre d’un philosophe vietnamien, Alexandre Féron ( 2014) :

https://www.contretemps.eu/qui-est-tran-duc-thao-vie-et-oeuvre-dun-philosophe-vietnamien/

[66] À propos d'«Histoire et conscience de classe», Lucien Goldmann :

 https://www.persee.fr/doc/homso_0018-4306_1977_num_43_1_1892

[67]   La notion de totalité dans les sciences sociales, Henri Lefebvre : https://www.jstor.org/stable/40688912?seq=1

[68]   https://fr.wikipedia.org/wiki/Totalit%C3%A9

[69] Lucien Pelletier, L’émergence du concept de totalité chez Lukács (I): https://www.erudit.org/fr/revues/ltp/1991-v47-n3-ltp2141/400625ar/ ;  L’émergence du concept de totalité chez Lukács (II): https://www.erudit.org/fr/revues/ltp/1992-v48-n3-ltp2144/400719ar/

 

[70] Georg Lukács, Histoire et conscience de classe, Alix Bouffard : https://f.hypotheses.org/wp-content/blogs.dir/851/files/2012/12/Lukacs-Totalit%C3%A9-et-r%C3%A9volution.pdf.

 

 [71] Le problème de la totalité chez Lukács*, Vincent CHARBONNIER (Nantes) :

https://hal.archives-ouvertes.fr/file/index/docid/640683/filename/Le_pb_de_la_totalite-Article.pdf

(* Đã phát hành trong E. Kouvélakis (dir.), Marx 2000. Paris : PUF, 2000, tr. 155-167) /Xuất phát từ một luận văn DEA de philosophie Totalité et dialectique (à partir de György Lukács), Université de Nantes, 1998 : https://www.academia.edu/25455785/Totalit%C3%A9_et_dialectique_%C3%A0_partir_de_Gy%C3%B6rgy_Luk%C3%A1cs_

Những bài viết khác về Lukacs : https://hal.archives-ouvertes.fr/hal-00750599

[72] De la sociologie du roman au roman sociologique, Brigitte Munier :

https://www.cairn.info/revue-l-annee-sociologique-2001-1-page-185.htm?contenu=resume

[73] La sociologie de la littérature : un historique, Marc Angenot et Régine Robin:

http://classiques.uqac.ca/contemporains/ANGENOT_Marc/sociologie_de_la_litterature/sociologie_de_la_litterature.html

[74] L’honneur des écrivains catholiques et conservateurs, Guy Konopnicki, Marianne (8-14/12/2017), tr.26-27

[75] Nguyễn Huy Thiệp (đăng ngày: 22/03/2021) :

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210322-nguy%E1%BB%85n-huy-thi%E1%BB%87p-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%B1-chi%C3%AAm-nghi%E1%BB%87m-nh%E1%BB%AFng-%C4%91au-kh%E1%BB%95-c%E1%BB%A7a-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di

[76] André Comte-Sponville : http://www.philosophie-spiritualite.com/textes_2/comte_sponville2.htm

[77] Hướng về miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Trung:http://nguyenvantrung.free.fr/baiviet1/huongve.html

è  « …Vũ Hạnh thời Ðệ Nhất Cộng Hoà đã bị an ninh bắt. Tổng hội giáo giới đứng bảo lãnh xin trả tự do cho Vũ Hạnh (Nguyên Sa, Hồi ký 1998, trang 223). Thời Ðệ Nhị Cộng Hoà, Vũ Hạnh lại bị bắt. Thanh Lãng nhân danh Chủ tịch Văn bút -mà Võ Phiến là hội viên- can thiệp với công an xin trả tự do cho Vũ Hạnh, và Vũ Hạnh lại được tự do ».

 Sự kiện này, nếu để gần việc Vũ Hạnh chỉ nói tới cảm ơn LM Thanh Lãng vì đã giúp cho «vài nghệ sĩ» được ra tù, chắc sẽ soi sáng hơn nhiều những lời tâng bốc nhà văn như, mới đây, trên báo chí, ví dụ : «Vũ Hạnh chính là nhà tư tưởng văn hóa dân tộc đúng nghĩa. Tinh thần tự tôn dân tộc của nhà văn đã không chịu khuất phục trước bất cứ một thế lực nào. Tính cách nhân nghĩa, sống có trước có sau cũng thể hiện rõ nét suốt cuộc đời dài của nhà văn - chiến sĩ, từ lúc trưởng thành, đi theo lý tưởng cho tới tận bây giờ" ( https://nld.com.vn/thoi-su/nha-van-vu-hanh-qua-doi-tho-96-tuoi-20210815082519429.htm )

 

[78] http://xuandienhannom.blogspot.com/2019/11/le-nguyen-noi-bi-ai-va-long-mong-moi.html ;

https://hi-in.facebook.com/Saigontrongtraitimtoi/posts/2466615143667135/

[79] Việt Nam Cộng hòa lững lững đi vào lòng đất nước (Posted on 03/05/2020 by Boxit VN), Trần Doãn Nho :

http://www.boxitvn.net/2020/05/03/viet-nam-cong-hoa-lung-lung-di-vao-long-dat-nuoc/

[80] Tự do tư tưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa: bài học cho hôm nay về giá trị nhân bản, Thới Bình, Việt Nam Thời Báo (24-4-21): http://www.viet-studies.net/TuDoTuTuongVNCH_VNTB.html

[81] Tháng Tư đỏ hay đen?, Luật Khoa tạp chí (04/04/2021),

https://www.luatkhoa.org/2021/04/thu-toa-soan-thang-tu-do-hay-den/

[82] https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/littlesaigon-phong-su/gioi-tre-tai-viet-nam-lon-len-sau-chien-tranh-nhin-ve-vnch/

[83] Literature and Journalism in the Republic of Vietnam (1955 – 1975) and the Reception of Western Thought (June 11, 2021) - Organisers: Prof. Dr. Thomas Engelbert- Dr. Phạm Phương Chi:

https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:V9bXODM1nPIJ:https://www.aai.uni-hamburg.de/soa/aktuelles/21-06-11-viet-literature-conference/programme-literature-and-journalism.pdf+&cd=3&hl=fr&ct=clnk&gl=fr&client=firefox-b-d

 

[84] Có một nhà văn của tuổi trẻ và bản ngã đam mê (16/04/2021): http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Co-mot-nha-van-cua-tuoi-tre-va-ban-nga-dam-me-637337/

[85] Giới phê bình nhìn nhận lại văn học đô thị miền Nam (20/4/2021):

https://vnexpress.net/gioi-phe-binh-nhin-nhan-lai-van-hoc-do-thi-mien-nam-4265487.html

[86] https://tuoitre.vn/van-hoc-mien-nam-vuot-thoat-va-tro-ve-20210420102305385.htm

 

[87] NHỮNG NHÀ PHÊ BÌNH CHÍNH TRỊ, Bùi Công Thuấn ( 23/08/ 2017) :

https://buicongthuan.wordpress.com/?s=nh%E1%BB%AFng+nh%C3%A0+ph%C3%AA+b%C3%ACnh+ch%C3%ADnh+tr%E1%BB%8B

[88] Văn hóa và mạo hóa (1971) in lại trong Vũ Hạnh tuyển tập, tập 2, NXB Tổng hợp TP HCM (2015), tr. 517-641                                                                                                                             

[89] Nguyên Phủ : Điểm sách Thi nhân hiện đại của Phạm Thanh, Bách Khoa thời đại số 67/1959, tr. 69
 

 

 

 

 

Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 341
Ngày đăng: 23.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa Quốc Văn trung học ở miền Nam 1954 -1975 - Trần Hoài Anh
Không có gì thích đáng giữa sinh diệt hoặc niết bàn - Võ Công Liêm
Sắc thái Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian - Võ Phúc Châu
Có thiệt là ca dao Khánh Hòa không? - Lê Ký Thương
Nén hương lòng cho anh - Đỗ Tư Nghĩa
Vài mạn đàm về câu “49 chưa qua 53 đã tới” - Đặng Xuân Xuyến
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Chùa Phúc Khánh – Ngôi chùa linh thiêng đất Hà Thành - Đặng Xuân Xuyến
Một xã hội trong guồng “chạy” điên cuồng - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn chuyện nghệ danh của các “Sao” Việt - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả