Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
847
116.685.770
 
Cùng... bay về tâm dịch 'Phần II: Từ Sài Gòn đến Doha'
Trương Văn Dân

 

 

 

  1. Từ Sài Gòn đến Doha

 

 Giải quyết gấp công việc trong một tuần, sau đó tôi liền đặt vé để bay về Ý.  Tưởng mua vé là đi nhưng không ngờ đây là cuộc hành trình đầy gian lao và đầy thất vọng, có khi tưởng như không lối thoát!

Tình hình ở Ý những ngày sau căng khủng khiếp. Ngày 3.03, 2036 ca nhiễm, đóng cửa trường học trên toàn quốc. Ngày 8.03 hơn 5800 ca nhiễm, phong tỏa toàn miền Bắc Ý. Ngày 10.03, mở rộng phong tỏa ra toàn quốc, hiệu lực ngay lập tức…

Ngày 10/3, tôi đặt vé trở lại Italy. Thai Airways đã không bay về Ý nữa, nên phải đặt vé qua Emirate. Chuyến bay dự kiến cất cánh ngày thứ hai 16/3.

 

Thứ hai 16/3/2020       SGN   23:55     DXB Dubai 4.25 Thứ Ba    17 /3/20 20

Thứ Ba 17/3/2020       DXB    09:05    MXP Milan 13:10 Thứ Ba 17/3/20 20

 

Vậy là tạm yên tâm. Sáng thứ sáu 13  tôi họp mặt cà phê để từ giã với các bạn[7]. Tuy tình hình không ổn lắm nhưng chúng tôi vẫn nói cười rôm rả. Biết tôi sẽ bay về tâm dịch nên mọi người đều lo lắng, các bạn Tuyết, Hoàng Kim Oanh, Vũ Yến, Thu Hiền và các cháu Quỳnh Anh, Hoan đều mang tặng khẩu trang, nước rửa tay. Ai rảnh thì mang đến, người bận thì nhờ giao qua Grab. Em gái Tuyết Nga, chị Quỳnh, chị Hạnh… thì lo hậu cần, tặng Elena các thức ăn khô, súp rong biển, và nấm khô, chị Hương và cháu Thịnh chuẩn bị một ít sả, gừng, chanh, nói chung ai nấy đều quan tâm lo lắng vì ai cũng biết là  một chuyến đi không bình thường và nguy hiểm.

 Trước đó tôi có nhờ  một bạn dược sĩ phụ trách pha chế ở nhà máy gửi cho một ít dung dịch BKC để pha thuốc súc họng để mang theo, rồi pha thêm một ít nữa để tặng các bạn.  Hành trang thế là tạm ổn, vì bên Ý tôi đã có sẵn một  số quần áo rồi.

Đang ngồi café thì khoảng 9h Thịnh gọi điện cho hay là chuyến bay ngày 16.3 của hãng Emirate bị huỷ. Tôi rụng rời, biết là mình sẽ phải đơn độc chạy đua và chiến đấu với cối xay gió thời gian. Số ca lây nhiễm ở Ý đang tăng khủng khiếp, cả thế giới đều kinh hãi, các hãng hàng không đều ngần ngại. Không chần chừ, tôi dặn Thịnh lên mạng tìm mua vé khác, hãng này không nhưng hãng khác vẫn bay. Bay càng sớm càng tốt, vì để lâu càng bất lợi.

Sau bữa trưa, Thịnh gọi nói là tìm được chuyến bay cũng vào ngày thứ hai 16, nhưng lần nầy phải qua 2 chặng dừng, phải từ Sài gòn bay qua Singapore , từ đó  bay qua München Đức rồi từ đó mới bay về Milan: 

          16 thg 3 Hồ Chí Minh 19:50, đến Xinh-ga-po 22:55– SQ 185   2 giờ và 5 phút

17 thg 3 Xinh-ga-po 00:25   đến München –06:30, – LH 979113 giờ và 5 phút

17 thg 3 München 11:25 đến Milan –12:30, – LH 1856

 Mua vé rồi, nhưng trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng từ Á sang Âu tôi vẫn không an tâm và thấy cần có phương án dự phòng. Sợ bị kẹt lại ở Singapore tôi gọi điện cho Bạch Nga và sau đó em báo là đã liên lạc với một người bạn đang sống bên đó, có trở ngại gì thì bạn sẽ can thiệp và hỗ trợ, giúp đỡ; Còn trường hợp bị chặn lại ở München, tuy không có người quen ở thành phố này, nhưng dù gì ở Âu châu tôi nghĩ là mình có thể xoay xở được, lấy xe lửa hay thuê xe hơi chạy về Ý, còn nếu khó khăn hơn thì có thể lấy xe chạy về nhà bạn Minh ở Dressden một thời gian…

Thế nhưng, vừa đặt xong vé buổi trưa, vừa báo tin Elena hay là về cùng ngày 16.2 nhưng trên chuyến bay khác, chưa kịp mừng thì ngay trong chiều hãng gửi email thông báo là chuyến bay qua Munchen đã bị hủy.

Tôi sững sờ! Tình hình thay đổi từng giờ chứ không phải từng ngày nữa rồi!

Tôi hỏi Thịnh mình làm gì bây giờ? Thịnh ngẫm nghĩ rồi đáp:

  • Cháu nghĩ tình hình này chắc phải liều và không thể chậm trễ. Ngày mai thứ bảy 14.2 chú chuẩn bị hành lý sẵn, khoảng 4,5h chiều mình gặp nhau ở sân bay. Sau đó đến Singapore Airline để xin can thiệp, sẵn sàng trả tiền phạt, nếu được thì đổi ngày bay luôn trong  đêm hay ngày chủ nhật hôm sau. Cháu nghĩ chỉ còn cách đó.

Tôi đồng ý…

Thời gian gấp gáp, tôi thu xếp hành lý vội vàng, bỏ một vài món đồ cá nhân, nhưng quan tâm nhất vẫn là các đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay, kính bảo hộ, nước súc miệng... ghi ra giấy tất cả xem còn thiếu thứ gì để mua thêm như khăn ướt có cồn, vài hộp vitamine C loại sủi bọt…

 Sáng thứ bảy đọc báo thấy số người nhiễm và chết ở Ý càng tăng dữ dội, miền Bắc Ý đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Đó cũng là lúc tôi nhận được cuộc gọi của chị Adriana qua điện thoại: “Chị không chọn con đường dễ dàng! Chị cũng không sợ phải leo đốc! Nếu cần chạy, chị chạy! Nếu cần liều, chị liều. Nhưng phải chắc là điều ấy tương xứng với công sức của mình” và tôi hiểu là chị đang ngầm nói chuyến bay về Ý với Elena còn hơn tương xứng. Chị là bạn của tôi gần 40 năm, tuy chỉ biết Elena vài năm gần đây nhưng rất yêu quý Elena.

Lệnh phong tỏa toàn nước Ý lúc này đang được siết chặt, cắt giảm những hoạt động không cần thiết,  ai vi phạm có thể bị phạt từ 3000 Euro đến tù giam 3 tháng.

Tôi gọi điện cho bác sĩ Võ vănThành để hỏi thêm các thứ gì cần để mua thêm và cách ngừa lây nhiễm suốt hành trình. Anh gửi ngay cho tôi mấy bài viết hữu ích rồi căn dặn là khi làm thủ tục bay xin ngồi phía cửa sổ, an toàn hơn là ngồi ngay lối đi. Nơi nguy hiểm nhất là toa lét,  hạn chế tối đa, nếu nhịn được thì càng tốt, không nhịn được thì “đóng bỉm” cho an toàn.

Trong không khí căng thẳng nhưng tôi cũng phì cười, đọc cho anh 2 câu thơ của ông bạn già Nguyễn Bảo Sinh: “Già rồi đóng bỉm đi chơi, Chứ quyết không chết ở nơi xó giường”. Nghe giọng anh cười trong điện thoại lòng tôi như trút được phần nào nỗi lo.

  Văn phòng Singapore Airline ở sân bay nói là họ có thể làm thủ tục cho tôi bay qua Singapore ngay tối 14 hoặc ngày mai 15 mà không phải trả phí đổi ngày, nhưng không thể can thiệp hay giải quyết chuyến bay kế tiếp qua Đức rồi về Ý vì tình hình Âu châu lúc nay thay đổi khó lường.

  Hy vọng thế là tiêu tan, nhưng chẳng lẽ lại mang hành lý trở về nhà? Tôi và Thịnh đến môt nơi vắng người ở sân bay để tìm phương án mới.

Nhất định không bỏ cuộc, tôi nhờ Thái Huyền làm trong một công ty du lịch đặt vé giúp. Khoảng 6h một nhân viên gọi điện rồi gửi tin báo giá và lộ trình bay vào ngày chủ nhật, giống như chuyến bay vừa bị huỷ, 2 chặng dừng, từ SG qua Singapore- đi Munich rồi về Milano, nhưng giá vé tăng cao gấp 8 lần và chỉ có hạng thương gia! Tuy vậy, nếu họ bảo đảm về đến Milano thì tôi cũng chấp nhận, nhưng hỏi kỹ thì hành lý chỉ được ký gửi đến Munich,  nghĩa là đến nơi tôi phải ra ngoài  nhận hành lý rồi lại làm thủ tục để ký gửi và bay về Milano, mà thời gian chỉ có một giờ. Tìm chuyến về Milano trễ hơn thì không có. Các hãng lớn lúc này đều ngại qua Milano, chuyến bay này nói là Lufthansa, nhưng thực chất là do một công ty con là Air Dolomiti thực hiên.

 

  

     

 

 Sau đó Thái Huyền có đề nghị các chuyến bay khác, trong đó có một chuyến có lộ trình  tương tự, giá vé thấp hơn và thời gian nhận hành lý - làm thủ tục dài hơn:

 

Thành phố Hồ Chí Minh

Singapore Changi

Singapore

19:50

22:55

SQ185

Singapore Airlines

 

Singapore Changi

Singapore

Munich

Germany

00:25

17 thg 3

06:30

17 thg 3

LH9791

Lufthansa

 

Điều hành bởi Singapore Airlines

Munich

Germany

Milan Malpensa

Italy

11:25

17 thg 3

12:30

17 thg 3

LH1856

Lufthansa

 

Điều hành bởi Air Dolomiti

 

Nhưng chuyến này bay vào ngày thứ 3, tuần sau, tôi thấy mình không thể chờ đến đó, ai biết sẽ có bao nhiêu việc bất ngờ xảy ra nữa. Chỉ ngồi chờ mà đầu óc tôi căng thẳng thế này rồi. Tôi tính thầm và quyết định là nếu bay được thì phải trong tuần này, nếu không được thì đành chịu.

Cuối cùng Huyền thông báo chuyến bay khác, bay ngay trong đêm thứ 7, 14/3 , và tôi đang ở tại sân bay Tân Sơn Nhất nên có thể  làm thủ tục ngay. Mừng quá, tôi và Thịnh kéo hành lý đến quầy ngay vì sợ trễ giờ.

Chuyến bay  này  bay lòng vòng với Turkish airline,  từ  Sài Gòn bay qua Istanbul, rồi từ Istanbul quá cảnh ở Belgrade (Serbia) và từ đó đổi sang hãng Alitalia để tiếp tục bay về Milan.

 

Như vậy thì hành lý chỉ được ký gửi đến Belgrade, nghĩa là đến  đó tôi nhập cảnh vào Serbia để ra  nhận hành lý rồi lại làm thủ tục nhập cảnh để ký gửi với Alitalia và bay về Milano!

Tưởng như may mắn đã mỉm cười vì sắp được bay, nhưng khi làm thủ tục thì nhân viên cho biết là không thể vì vừa có lệnh cấm người mang hộ chiếu Italy vào Serbia. Và một lần nữa, lại không thể bay.

Tôi ngồi thụp xuống vì thất vọng.

Nhưng khi bình tĩnh  thì tôi xác định là trong tuần này khi lệnh cấm chưa thực sự siết chặt thì vẫn có cửa đi được. Phải tìm cách khởi hành vào ngày thứ bảy hay chậm nhất là chủ nhật 15/2 vì thứ hai tuần sau các sân bay ở Ý và Âu châu sẽ có thể bị phong toả. Vì thế tôi không về nhà ngay mà ngồi nán lại sân bay và nhờ Huyền tìm giúp một chuyến bay khác ngay trong đêm.

Sau đó có mấy đề nghị khác nhưng bay vòng vèo hay  lộ trình không hợp lý nên tôi không đồng ý và ngồi chờ các đường bay khác.

Nga em gái từ QN gọi hỏi thăm, tôi chỉ biết nói là đang chờ chứ không biết nói gì thêm. Được? không được? Ai biết ra sao sau vài giờ nữa. Các bạn tôi Hoàng Kim Oanh, Mỹ Lệ, Đặng Châu Long, Nguyên Cẩn liên tục nhắn tin hỏi thăm. Cảm động nhất là Quynh Iris de Prell, cô em gái  chỉ quen trên FB, chưa gặp mặt lần nào mà mấy ngày trước luôn nhắn tin thăm hỏi và động viên tinh thần. Tôi  càng hiểu thêm giá trị của tình người và kết nối của văn chương.

Cuộc điện thoại bất ngờ nhất là của cô ba tôi, 95 tuổi, thăm hỏi và nói quyết định bay về Ý của tôi là đúng tình đúng nghĩa, nguy hiểm  thì phải cẩn thận chứ không thể bỏ Elena, người trọn đời hy sinh cho tôi, một mình trong lúc này. Cô nói cô thương quý Elena lắm và cầu mong là chuyến đi sẽ an toàn.

Tôi vô cùng cảm động. Chắc rồi Tuyết Nga sẽ báo cho các em bên Australia, Hoang Kim Oanh sẽ báo cho  các bạn trong nhóm Quán Văn… Bạn bè và người thân đang theo dõi từng bước… nên tôi phải có trách nhiệm thông tin khi thực sự chắc chắn và không được để mọi người mừng hụt hay lo lắng.

Tuy tôi bay một mình mà  không đơn độc. Linh tính còn báo cho tôi biết là mình sẽ bay về được.

 

Đến 10h30 sốt ruột, tôi gọi và Huyền nói anh cứ chờ thêm một lát nữa, em và một nhân viên đang tìm, nếu có chuyến là bay luôn khỏi về nhà rồi mất công lên lại. Chờ mãi đến gần nửa đêm, sân bay lúc này vắng hoe, Huyền gọi điện khuyên tôi về nhà nghỉ ngơi, còn cô và nhân viên tên Được sẽ thức tìm , sẽ báo ngay khi có vé.

Tôi về nhà, cơ thể bất động, rã rời, nhưng đầu óc cứ tiếp tục lo nghĩ. Đó thực là một đêm ác mộng và giấc ngủ chập chờn chỉ do mệt mỏi.

9h sáng ngày hôm sau  Huyền thông báo có chuyến bay trong ngày15/3, nghĩa là đi trước 1 ngày so với  các chuyến trước: Từ Saigon bay qua Doha (Qatar), rồi từ Doha để về Roma. Từ Roma anh có thể về nhà ở Milano được không, vì không tìm được chuyến bay nào từ Roma về Milano cả, chỉ có một chuyến  mà rất bất tiện vì phải bay vòng với 2 trạm dừng.

Tôi mừng rỡ: được! được!  bay đến Roma là OK rồi!

Lúc này tôi mới vỡ lẽ là với tình hình dịch bệnh kinh khủng như thế ở miền Bắc Ý nên các hãng hàng không không bay về Milano. Thế mà 2 hôm nay mình cứ khư khư đòi bay về Milano nên không tìm được vé.  Mà đến Roma là đến Ý rồi, đến nhà rồi, tôi có nhiều cách để về Milano mà cách hay nhất là đi tàu lửa cao tốc.  Huyền gửi ngay lộ trình:

 

Sunday 15 March 2020 QR 971 19:15 Ho Chi Minh City, Arrival 15 March 23:45 Doha, (Hamad International) (+)      

                              Duration 08:30 Equipment BOEING 777-300ER Flight meal Meal .

 Monday 16 March 2020 QR 131 Departure 16 March 08:45 Doha, (Hamad International) (+) Arrival 16 March 12:55  

Rome, (Fiumicino) (+)Duration 06:10 Equipment BOEING 777-300ER Flight meal Meal

 

Thế là xuất vé ngay. Nhưng tối bay mà đến 12h trưa Thịnh vẫn không làm checkin online được. Lo. Loay hoay mãi  mới xong. Lúc này chuyện bất thường nhỏ nào cũng làm tôi thót tim.

Tôi vào mạng xem và mua vé tàu cao tốc để từ Roma về Milano.

Tuy đã  ổn nhưng lòng tôi vẫn thấp thỏm, không yên. Đã mấy lần bị hủy vé vào giờ phút chót nên tôi dặn mình không mừng vội, cũng chưa dám báo tin cho Elena hay bạn bè.

 Khoảng 3h chiều Tuyết gọi thăm và tôi nói nếu muốn em có thể mang một ít khẩu trang để khi về đên Ý anh sẽ gửi qua đường bưu điện cho con gái đang sống ở Đức. Khi Tuyết đến thì tôi và Thịnh chuẩn bị lên sân bay. Tuyết chúc tôi đến nơi an toàn.

 Đến sân bay khoảng 4h00. Tôi và Thịnh tìm chỗ vắng người để chờ  đến giờ quầy mở cửa. Bạn bè nhắn tin hỏi thăm, tôi chỉ trả lời là đang ở sân bay chứ không dám nói gì thêm. Mãi đến khi làm xong thủ tục, cầm thẻ lên tàu trên tay tôi mới dám nhắn tin cho Elena, cho em gái Tuyết Nga, chị Dạ Ngân, các bạn Hoang Kim Oanh, Mỹ Lệ, Đặng Châu Long, Ngọc Anh... để mọi người yên tâm.

Sau đó tôi  kiểm tra lại các thứ cần thiết. Khẩu trang, gel tiệt trùng, khăn ướt có cồn, thuốc súc họng. Mỗi thứ tôi chia đều và bỏ vào ba lô, túi áo khoát và hành lý xách tay. Cẩn thận vậy, để khi cần là có, sợ khi vội, lính quýnh, lục tung mà không thấy.

Khi thấy gói khẩu trang mà Thu Hiền, con gái đỡ đầu, đã nhờ Grab chuyển vào ngày hôm trước tôi thật cảm động. Đang lu bu chuẩn bị sinh đẻ mà vẫn lo mọi việc chu toàn. Buổi sáng Hiền còn gọi điện thăm và nói: “Mấy giờ ba có mặt ở sân bay?” “ Chiều, khoảng 4h30, 7h00 bay” “Hôm qua con có nhờ bạn mua bộ đồ  bảo hộ cho các bác sĩ ở bệnh viện mà hết hàng. Trưa nay hàng về, con sẽ nhờ bạn gửi thẳng lên sân bay cho ba nhé!” “Ủa, chi vậy?” “ Trời, thì ba mặc vào, đi máy bay cho an toàn. Chuyến đi này nguy hiểm lắm!” “Ba không mặc đâu! Người ta cười chết!” “Kệ họ, ba quan tâm làm gì! Cứ vậy cho chắc ăn ba nhé. Ba phải an toàn để về với mẹ!” “Con đừng gửi, ba không mặc đâu!  Qua Âu châu họ tưởng  ba là zombie và bắt nhốt đó!”. Phải tranh luận một hồi thì Thu Hiền mới bỏ ý định, tuy vẫn còn… ấm ức. Thương thiệt là thương!     

Gần như 3 ngày đêm cháu Thịnh luôn sát cánh bên tôi. Một kỷ niệm hiếm có và khó thể lập lại. Cháu đã làm hết sức để chuyến đi thành công. Tính tình điềm đạm, vững vàng và bình tĩnh trước sự việc nhưng nét mặt cháu có lúc cũng đầy ưu tư và lo lắng trước những diễn biến quá nhanh.

            Lúc chuẩn bị vào trong làm thủ tục để lên máy bay, thay lời cảm ơn, tôi ôm chặt Thịnh trong vòng tay mà cứ tưởng đang ôm ba nó, người anh trai mà tôi hết lòng thương mến. Tính cách và trái tim của Thịnh là của ba nó: Nghiêm túc. Trung thực. Nhân hậu. Thịnh là mẫu người  mà ai quen biết cũng đều yên tâm, tin tưởng. Khuôn mặt Thịnh lúc này giãn ra, có lẽ vì mọi việc cuối cùng cũng thuận theo ý muốn. Khi buông vòng tay tôi đứng nhìn Thịnh rất lâu làm nó ngượng,  hỏi “có gì không chú” nhưng tôi không đáp mà trong lòng thầm nghĩ nếu chuyến đi không trọn vẹn, biết đâu đây có thể là hình ảnh cuối cùng mà mình nhìn thấy người thân thương... Ý nghĩ đó chỉ lướt qua trong một thoáng rồi biến mất như chưa bao giờ xuất hiện, vì khi  nhìn đôi mắt hiền lành của Thịnh tôi như thấy anh Hiếu đang ở bên mình và tôi tin là chuyến đi sẽ bình an vì linh hồn anh tôi sẽ đi cùng, che chở cho tôi.

            Tuy vậy cũng có lúc trong đầu tôi cũng bất chợt lướt qua ý nghĩ về những bất trắc. Ai biết  là điều gì sẽ xảy ra trong những giờ sắp tới?

 Thí dụ mình bị lây nhiễm rồi mất thì tiếc cho những quyển sách đang hay sắp viết chưa kịp hoàn thành. Ai sẽ là người sẽ giữ các di cảo của tôi? Tuy biết tác phẩm của mình viết ra chẳng có gì to lớn, nhưng đó là tâm huyết và những suy nghĩ, chiêm nghiệm của tôi về cuộc sống, trước hết là “Tình thương con người”, những trăn trở về kiếp người, trân trọng và xót xa cho mọi biểu hiện nhỏ bé nhất của nỗi đau, kể cả những số phận vô danh.

Tôi yêu văn chương từ những ngày thơ ấu và nó giúp tôi nhận thức và tưởng tượng. Văn chương còn cho tôi hiểu được niềm vui hay nỗi đau của cuộc sống, có khi được hoà mình vào nhân vật, tự do bay trong không gian và thời gian, được mở rộng tầm nhìn, đào sâu ý tưởng, và giàu thêm cảm xúc. Tôi thích đọc, sau này, khi có thể cầm bút, tôi viết như một cách tự bay vào giấc mơ. Vâng, chỉ là giấc mơ để, ít ra cũng được một khoảnh khắc nào đó,  thoát khỏi những niềm đau ở cái thế giới bất toàn và đầy bất trắc. Tôi xem những quyển sách như những chiếc hộp nhỏ đựng những “suy tưởng tự do”, có khi lạc lõng giữa cái thế giới thích giải trí hơn là tìm hiểu. Dù biết thế nhưng vẫn viết vì biết đâu cũng có ích cho một ai đó. Chỉ một người thôi là cũng đủ an ủi cho những phút giây khó nhọc miệt mài trên cánh đồng chữ của mình rồi.  Vả lại, trong cái xã hội đang vun vút lao đi như hôm nay, hình như mình chỉ còn cách trú vào văn chương để an nhiên mà sống.

 Lòng tham, tiền hay quyền lực thường gây nên khổ đau cho người khác và cho chính mình mà đã có bao người thấu hiểu? Khi Lòng trần còn tơ  vương khanh tướng, thì đời còn mưa bay gió cuốn… Vì nếu hiểu thì chắc ai cũng muốn đời mình chỉ thấm ướt vì những cơn mưa nhè nhẹ mà thôi.

Khi còn viết là còn tự do, được thoả thích bay lượn trong không gian do mình tưởng tượng và sáng tạo. Trú vào đó, mình tha hồ được sống hết mình, yêu hết mình, cháy hết mình, rồi khi tất cả là tro tàn, cùng đứng dậy, như loài chim Phượng Hoàng bất tử để tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương như chưa biết thế nào là đau khổ.

 

                                                                        &

 

            Trong phần lớn các tác phẩm của tôi đều nói về cái chết, các nhân vật của tôi đều lìa bỏ cõi đời và nhiều khi ngòi bút tự dưng dẫn dắt chứ chưa hẳn là chủ ý. Có thể vì cái chết là sự công bằng duy nhất trên trái đất, không phân biệt sang hèn, vai trò xã hội, điều duy nhất đánh động lương tâm và làm con người tỉnh thức để nhận ra chân giá trị của cuộc sống. Tôi viết nhiều  và có thể nói là quá “quen thuộc” nhưng có lẽ chưa lần nào tôi thấy đời mình gần kề với cái chết như lần này, không cần phải nằm mơ mà vẫn thấy “như mình sắp qua đời”.  Và chợt nghĩ, nếu mất đi, thì đó có lẽ đó là câu chuyện duy nhất mà không thể kể lại được cùng các bạn!

 Về những năm sau này, sau khi sắp đến tuổi 60,  tôi thường đếm những tháng năm và phát hiện ra rằng mình như một đứa trẻ, được đời ban cho túi kẹo thời gian: mới đầu ngấu nghiến ăn nhanh, loay hoay đi tìm sự bình an hay hạnh phúc dựa vào những điều chưa phù hợp với mình… rồi bây giờ nhận ra là kẹo còn quá ít nên phải nhủ lòng là sống chậm mới thưởng thức những viên cuối cùng sâu sắc và đậm đà. 

Có lẽ chính vì những ý nghĩ này mà tôi, và sau đó là Elena, tuy công việc đang ổn nhưng mà đùng một cái, cắt ngang, nghỉ chờ hưu hơn 10 năm, không làm việc đến tuổi hưu như luật định. Tất nhiên suốt thời gian đó sẽ không có trợ cấp nào, đến khi nhận được tiền hưu, thì bị cắt giảm rất nhiều nhưng chúng tôi không mấy bận tâm vì đã chọn cách sống với rất ít nhu cầu. Chúng tôi muốn có thời gian để học hỏi và đọc sách. Phí bao nhiêu thời gian sống để đổi lấy một căn nhà to, một chiếc xe lộng lẫy thật không xứng đáng. Dù là để phô trương cho… đời biết mặt!

Có vài người nói chúng tôi sai nhưng tôi nghĩ như mình bỏ số tiền ấy để mua thời gian để tự do sống theo ý mình và làm theo lời trái tim mách bảo.

Đúng hay sai theo cách nhìn của người khác, quan trọng là tôi không phiền đến ai và được sống theo cách của mình. Cứ sống như ngọn nến, dù biết vừa cháy vừa tàn lụi, nhưng vẫn cứ cháy trong mọi khoảnh khắc khi còn  sống.

 Tôi luôn luôn quý trọng và chắt chiu thời gian và ý thức rằng thời gian là vô giá.

                                                            &

 

Thực lòng mà nói, tuy đã có trong tay thẻ lên tàu về Doha và sau đó về Roma nhưng, như con chim bị bắn thấy cành cong là sợ, lòng tôi vẫn cứ thấp thỏm.

             Đi qua hàng rào hải quan và kiểm tra passport để vào cổng chờ ra máy bay, lòng tôi cũng ngổn ngang nhiều ý nghĩ. Tôi nhớ đến các bạn, đến gia đình đến những người thân đang quan tâm theo dõi, giống như họ đang đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này. Tôi nhắn tin báo  để mọi người biết và sau khi lên máy bay tôi còn gọi cho Elena một lần nữa “Anh đang lên máy bay về  Doha nè!” rồi tắt máy.

            Kiểm lại và thấy mình có đủ các thứ. Khẩu trang. Găng tay. Kính bảo hộ. Nước sát trùng. Thuốc súc họng. Tôi nghĩ tất cả những gì có thể thì mình đã làm, còn việc an toàn hay không  đành phó thác cho trời. Cho  định mệnh. Vì đi như vậy có khác gì người lính băng qua bãi mìn mà không thấy mìn đâu, chỉ biết là nó đang rình rập đâu đó, chỉ sơ sẩy là mất mạng.

Tôi không quên là một hôm qua điện thoại Đức Minh đã hỏi tôi: Anh quyết định đi về tâm dịch ở Ý à? Bộ không sợ sao? Tôi chỉ  đáp là mình phải về thôi, chưa trả lời câu hỏi. Và lúc này câu hỏi như đang dội lại.

Tôi tự hỏi lòng, vậy mình có sợ không? 

Phải thành thật thú nhận rằng nỗi sợ hãi là rất nhiều... Thế nhưng tôi không thể để Elena một mình đối phó với dịch bệnh bên Ý. Tôi không có suy tính gì khác. Không có lý luận hay phân tích. Tôi chỉ đi theo sự mách bảo của trái tim. Cuả lương tâm và trách nhiệm.

Tôi cũng thừa hiểu là chuyến đi này có nhiều nguy hiểm, biết có nhiều rủi ro mà vẫn đi, không phải vì liều lĩnh hoặc muốn làm anh hùng. Nhưng lúc ấy, thật lòng tôi chỉ sợ mình không về kịp. Còn một nỗi sợ khác là bị lây nhiễm trên đường về, và những cố gắng đều vô ích.

Luôn nhủ lòng là mình phải hết sức cẩn thận, tận dụng kiến thức về y học để tự bảo vệ. Mọi thứ đã chuẩn bị: Mười con mắt mở ra, tư thế luôn sẵn sàng đối phó.

Sợ! Sợ nhiều! Không  việc gì  mà phải dấu giếm! Nó là một cảm xúc lành mạnh và tự nhiên, có chức năng cảnh báo nguy hiểm để giúp chúng ta tự vệ và thận trọng trong hành động. Có biết sợ thì con người mới thận trọng giống khi đi trên băng mỏng hay đứng trước vực sâu.

Nỗi sợ có đến thì cũng  để dạy mình có thêm  lòng can đảm!

Tuy nhiên, tôi cũng biết là nếu cảm xúc sợ vượt quá một ngưỡng thì sẽ có tác dụng ngược, nó ngăn mình phản ứng, thụ động hay hốt hoảng, mất kiểm soát.

Tôi đã từng đọc ở đâu đó là để vượt qua cảm giác sợ hãi thì cần phải lập đi lập lại một ý tưởng, không sao đâu, không sao đâu… như một cách tự thôi miên để khỏi bị ám ảnh.

Vì khép mình trong run sợ không giải quyết được gì.

Còn chết? Nếu không chết vì coronavirus thì sớm hay muộn gì thì mình cũng phải chết vì một lý do gì đó, một ngày nào đó,  thế thì việc gì phải lo lắng?

Và thế là lên đường!

Trong tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần tôi đã viết: “Nhưng chết là gì? Và tại sao nó làm mọi người phải sợ hãi, khi mà ai cũng biết là trong đời người, trước hay sau gì cũng đến? Từ thời La Mã, vua Hùng… mọi người đều đã chết, vua chúa, cùng đinh, kẻ giàu, người nghèo, từ thất phu đến trí thức, ai cũng phải trải qua, thế thì đến thời chúng ta, có gì là đặc biệt?

Con hãy nghĩ thử xem, trái đất mà chúng ta đang sống không phải là một nghĩa địa vĩ đại hay sao? Khai quật đào xới bất cứ nơi nào mà chúng ta không tìm thấy những bộ xương người? Xưa nay không phải là có hằng tỷ người sinh ra rồi chết đi trên mặt đất này sao? Chúng ta đang sống, ăn, ngủ, khổ đau, hạnh phúc trên bề mặt của một nghĩa trang. Thế thì cái nghĩa địa bé nhỏ có những ngôi mộ bao quanh bởi những hàng tùng bách kia có là gì mà cứ xem đó như là nơi đau khổ, chia lìa, than khóc?

Nghĩ cho cùng, cái nghĩa trang to lớn mà chúng ta đang sống kia chính là thiên nhiên, có

cây xanh, có núi đồi, sông rạch, hoa và động vật tung tăng… tất cả đang cùng sống với chúng ta cho đến ngày những giác quan ta khép lại, hắt hơi thở cuối cùng… để bắt đầu vào một cuộc hành trình mới: hòa vào thiên nhiên bất diệt..

           

            Trong suốt 2 chuyến bay, tôi hay nhẩm lại các lời khuyên quý giá của  bác sĩ Võ VănThành, một người bạn, hay đúng hơn là một người anh mà tôi rất quý trọng, về sự an toàn trong chuyến đi. “Anh cứ xem như ai cũng có thể lây nhiễm cho mình, nên  tìm cách tránh xa họ. Máy bay đông người, phải dùng các biện pháp bảo hộ. Cố gắng hạn  chế  đi vào toalet, vì đó chính là ổ dịch. Nên nhớ là con virus không có cánh. Nó nhảy từ nơi này qua nơi khác nhờ trung gian con người để có thể cỡi máy bay, chạy trên xe lửa.”

 Tôi thuộc nằm lòng lời khuyên quý báu ấy. Rồi không hiểu bằng cách nào  mà  sau đó suốt  cuộc hành trình, trên cả 2 chuyến bay từ Sài Gòn về Doha và từ Doha về Roma, tổng cộng gần 15 giờ mà tôi đã có thể ngồi yên và không vào toa lét! Tất nhiên sau khi máy bay đáp xuống tưởng mình là con ngựa xích thố sau khi vượt qua năm cửa ải của Tào A Man!

 

  1.  Từ Sài Gòn đến Doha

 

Lúc19 giờ, máy bay chuẩn bị khởi hành sang Doha nhưng tôi vẫn chưa thấy nhẹ lòng, sau đó còn một chuyến bay nữa, ai biết sẽ thế nào?

 Trong tâm trạng bời bời đó, Ngồi trên máy bay, tôi lơ đãng lật những trang sách trong tờ tạp chí đặt trước mặt. Bài viết không nhiều, phần lớn chỉ là hình ảnh bắt mắt của những quảng cáo thời trang. Những người mẫu, đồng hồ nữ trang cao cấp, những xe hơi đắt tiền, những nhà nghỉ dưỡng sang trọng, biển xanh, mây trắng… Tôi lật nhanh rồi chán nản khép lại vì thấy nó lạc lõng và xa lạ. Tôi không thể không tự hỏi, những phù phiếm này quan trọng hay chỉ là những nhu cầu giả tạo? Trong một tình huống như hôm nay, những thứ phụ kiện bề ngoài đều bị tước bỏ, chúng ta bị lột truồng mọi thứ mà chúng ta và hiện hình như chúng ta . Tất cả không có nghĩa gì khi con người không thể sống cùng nhau. Chúng ta đang lạc lõng và cô đơn đến nỗi, ngay cả trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời cũng không có được cái ân huệ cuối cùng là được nhìn mặt người thân. Có bà cụ ở Ý bị cách ly, sợ trở thành người lây nhiễm cho con cháu mình. “Mấy tuần rồi tôi không được ôm các cháu, chúng sẽ nghĩ gì về bà nội?”. Rất nhiều người ở Ý lúc này đang cô độc đi từ giường bệnh đến lò thiêu, và nếu còn ý thức, khi cảm nhận được mình sắp ra đi, chắc chắn họ muốn đánh đổi những thứ đã lao tâm khổ tứ giành giật trong cuộc đời, để có được một cái nắm tay sau cuối, một vài phút được trò chuyện với người thân.

 

Trong những ngày này ở thành phố Bergamo đang có rất nhiều người chết. Có người nói đó là thành phố ma khi chỉ có xe cứu thương và xe tang chạy trên đường. Một nhân viên chuyên tin cáo phó cho hay là phải tăng trang cáo phó từ 2 lên 10 trang mỗi số, chẳng khác gì bản tin những người tử trận trong thời chiến. “Ở đây không ai là không có một người thân, một người  bạn, một đồng nghiệp, một người hàng xóm bị chết vì virus. Thật là bi thảm. Nghe bác sĩ và y tá kể những gì mà họ thấy ở bệnh viện,  tôi nghĩ là tượng đá cũng có thể khóc”. Có gia đình mà tất cả thành viên, cha, mẹ, rồi các con đều chết thảm! Phần lớn người chết đều lớn tuổi, những người lưu giữ lịch sử và ký ức cộng đồng. Virus đến, và họ rụng như lá mùa thu. Rơi, mà không tên, không quá khứ hay có câu chuyện nào về đời họ. Chứng kiến cảnh ấy, bao người chợt “khám phá” rằng đời sống thật phù du và nhận ra là xung quanh mình có biết bao vật dụng vô ích hay không thật sự cần thiết.

Ô nhiễm. Loài người đang sản xuất và tiêu thụ vô tội vạ.  Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Friedrich Nietzsche  có lúc đã chán chường: “Trái đất có một làn da và làn da này đang nhiễm bệnh. Một trong những căn bệnh đó là con người”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 299
Ngày đăng: 16.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xanh biển lặng ( Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến ( Chương 9) - Phan Tấn Uẩn
Cùng…bay về tâm dịch ‘Phần I : Từ Milano đến Sài Gòn. ‘ - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 7) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 6) - Phan Tấn Uẩn
Hải hành mùa đại dịch 11 (Chương cuối) - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 29) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)