Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
858
116.683.887
 
Cùng...bay về tâm dịch 'Phần III: Từ Doha đến Roma và từ Roma đến Milano'
Trương Văn Dân

         

 

  1. Từ Doha  đến Roma

   

Đến Doha vào buổi sáng. Ghé lại đây rất nhiều lần nên tôi rất biết sân bay này và lúc này thì lượng khách chỉ còn khoảng ¼ so với ngày thường.

Tôi phải đợi 9h mới có chuyến bay chuyển tiếp về Roma.

           Đến Doha, khi nối được mạng internet, tôi vô cùng xúc động khi nhận được  tin nhắn từ khắp nơi: Việt Nam, Ý, Úc, Pháp, Đức…  khích lệ, chia sẻ nỗi lo, hy vọng và lời cầu chúc về chuyến đi.  Ngoài các tin nhắn của các em Nga, Nguyệt, Xuân, Minh, các bạn… Mỹ Lệ, Hoàng Kim Oanh… tôi còn nhận được các bài viết trên FB hay trên báo cuả chị Dạ Ngân, Phạm Xuân Nguyên, Đặng Châu Long, Nguyên Cẩn, Bích Ngân, Ngô Đình Miên, Hà Thanh Vân, Nam Thi, Nguyên Tâm, Dung Thị Vân, Hoài Huyền Thanh, Quynh de Prell,  Nguyễn Thuỳ Hương, Xuân Huy, Võ Đảm, Lê Viết Yên, Lam Hồng Phạm Viết Kha.

            Các bài viết và hình ảnh rất nhiều, như thể tất cả các người thân  đã cùng đồng hành cùng tôi trong chuyến đi nên tôi nghĩ là sẽ gom hết lại  để in trong 1 tập sách để kỷ niệm và tri ân tất cả. Tựa đề tập sách sẽ là Cùng Bay Về Tâm  Dịch.

                                                   &

Suốt 9 tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi  tìm chỗ vắng người để ngồi  chờ nhưng không dám rời xa khu vực bán kính vài chục mét quanh tấm bảng thông tin về cửa ra máy bay. Biết là còn quá sớm nhưng tôi cứ nhấp nhỏm, cứ 10-15 phút, tôi lại ra ngó chừng một lần, chờ đến khi tấm bảng thông báo để xem đã hiển thị cửa ra máy bay của chuyến bay kế tiếp hay chưa.

Nhưng sau 3h chờ đợi mà vẫn không thấy có tin gì mới. Cuối cùng mới thấy có chuyến bay về Roma, giờ bay và điểm đến đúng như chuyến của tôi sẽ đi nhưng số hiệu lại khác chứ không phải QR 131 như thẻ lên tàu. Thay vào đó là 2 số hiệu lại khác. IG 9131 và MH9239, thông báo là sẽ ra ở cổng số 3A. Tôi chạy đến cổng 3A mà màn hình ở đây đang tắt nên không có thông tin. Sau 3 lần bị hủy chuyến ở Sài Gòn bây giờ gặp tình trạng này thật đáng lo ngại, tôi cầm vé tiến về phía quầy thông tin để hỏi, cô lễ tân bằng một giọng thiếu lịch sự bảo tôi phải chờ đến gần giờ bay. Rất muốn nổi nóng nhưng tôi dặn mình phải bình tĩnh và không nên tranh cãi. Tôi kéo hành lý về  cổng số 3A mà lòng thấp thỏm không yên, sau đó tôi kéo hành lý đến một quầy thông tin khác xa hơn, để hỏi tiếp. May quá, cô tiếp viên này kiểm tra thẻ lên máy bay của tôi, đối chiếu với hai số hiệu trên bảng thông tin và nói là cả 3 đều cùng là chuyến bay về Roma và bảo tôi cứ an tâm đợi ở cổng số 3A. Nhưng an tâm sao nổi, tâm trí tôi khi đó cứ nặng như chì. Bạn bè và vợ liên tục nhắn hỏi han tình hình, tôi chỉ dám nhắn lại: "Đang ở Doha, chưa thể nói trước điều gì.” Tôi ngồi chờ mà mắt cứ lấm lét nhìn vào bảng thông báo.  Một giờ, hai giờ trôi qua…  không có gì mới. "Nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là bị mắc kẹt lại đất nước xa lạ này, khi không thể sang Italy, cũng không thể về lại được Việt Nam", Mãi về sau số hiệu chuyến bay QR 131 về Roma mới hiển thị trên tấm bảng ngay trước cổng 3A. Lúc này, tôi mới thở phào, liền gọi điện báo tin cho Elena hay rồi tự thưởng cho mình chiếc bánh ngọt dằn bụng.

 

 Khác với tưởng tượng của tôi, chuyến bay vẫn có đông hành khách. Nhớ lời bạn dặn "ngồi gần cửa sổ ít khả năng lây nhiễm nhất",  và lúc làm thủ tục online tôi đã chọn vị trí này. Trên máy bay, mọi người đều cảnh giác. Khi sắp bay bỗng có một thanh niên Á Rập vào ngồi ở ghế giữa, sát bên . Nhìn dáng dấp và cách ăn mặc có vẻ bụi bặm của anh ta tôi cảm thấy chẳng yên tâm chút nào. Nhớ lời các em, “đến Doha anh phải cẩn thận vì Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) nữa đó” nên tôi nghiêng người, kéo cao cổ áo  khoác rồi quay lưng về phía anh ta. Sau đó tôi kiểm tra găng tay, kính bảo hộ, gel diệt khuẩn và thuốc súc họng đặt trong tầm tay.  Tôi kéo cao khẩu trang che mũi, ngoảnh mặt ra phía cửa sổ để tránh tiếp xúc, rồi mệt mỏi nên thiếp đi.

Chừng 10 phút sau tỉnh lại, tôi thấy chiếc ghế bên cạnh bỏ trống, vị khách biến mất. Hóa ra, anh ta đã xin xuống phía dưới ngồi với một người đồng hương. "Chắc thấy mình là dân châu Á, tưởng người Hoa nên sợ nhiễm coronavirus",  nghĩ thế nên tôi bật cười.

Máy bay hạ cánh xuống Rome, phi trường quốc tế Fiumicino. Tuy chưa về đến nhà nhưng được đặt chân lên đất Ý thì cũng xem như đến đích. Tôi thở phào nhẹ nhõm!

Sân bay vắng tanh. Hàng quán đóng cửa, hành khách vắng vẻ, chỉ thấy nhân viên an ninh mang khẩu trang, bồng súng đi qua đi lại khiến tôi tưởng chừng như nước Ý bị Đức chiếm đóng trong các phim thời đệ nhị Thế Chiến

Hành khách người đeo khẩu trang, người không, nhưng đều đứng cách xa nhau ít nhất một mét. Cảnh sát đứng dày các lối đi, kiểm tra tờ khai y tế của từng người.

Tôi gọi điện thông báo cho Elena biết là mình đã đến Roma và nghe thấy tiếng thở như trút được gánh nặng của vợ mình.  Elena dặn tôi phải cẩn trọng. Hành trình về Milan còn dài.

Tôi mở túi xách, lấy ra tờ tự khai báo nhân thân theo mẫu của Bộ nội vụ Ý đã điền và ký sẵn, có trình bày lý do đi lại, địa chỉ nơi đến vì lúc này nước Ý đang có lệnh cách ly rồi đứng vào hàng người chờ để khai báo y tế và làm thủ tục nhập cảnh.  Hàng khá dài, có lẽ phải mất hơn 20 phút mới xong thủ tục.

            Đứng trong hàng tôi nhớ lại là 49 năm trước, sáng ngày 21/12/1971 mình và các bạn cũng đã đến sân bay quốc tế Fiumicino ở Roma. Tất nhiên sau nhiều năm sống và làm việc ở Ý tôi đã đến Roma nhiều lần, nhưng chỉ đến  sân bay nội địa. Những lần công tác ở nước ngoài, khi về tôi chỉ về sân bay Linate hay Malpensa ở gần Milano. Lần này, do sự sắp xếp của coronavirus mà tôi được quay lại nơi đặt bước chân đầu tiên lên nước Ý. Gần nửa thế kỷ trước, trong tâm trạng háo hức của chàng trai bước đi du học, còn bây giờ thì căng mình cảnh giác vì hiểm nguy rình rập.

            Không thể nào quên buổi chiều 49 năm trước ở sân bay Tân sơn nhất, những thanh niên ngơ ngác vì lần đầu xuất ngoại, làm quen với nhau rồi vui mừng khi biết  là có  cả một nhóm 11 người cùng bay sang Ý. Nói cười rối rít, ai cũng có tỏ ra mình cứng rắn, mạnh mẽ, cách thể hiện bề ngoài để che giấu những lo âu về con đường trước mặt. Mặt ai cũng đăm chiêu, ngồi trịnh trọng trên chuyến bay Air VietNam từ Sài Gòn qua Bangkok. Thế nhưng lớp vỏ mạnh mẽ như lớp sáp mỏng tan chảy khi máy bay sắp hạ cánh. Tiếng nhạc trong khoang mở to lời hát  Bài không tên số 2 của Vũ Thành An: “Xin một lần xiết tay nhau một lần cuối cho nhau, Xin một lần vẫy tay chào thôi dòng đời đó cuốn người theo” thì có tiếng thút thít từ các ghế ngồi át cả tiếng nhạc. Một người, hai người… rồi tất cả đưa mắt nhìn nhau trong dòng lệ, khuôn mặt nhạt nhoà.

             Cố nhớ tên những người bạn đồng hành cùng tôi thời đó. Những Lưu Vân Khương, Trần Ngọc Định, Bùi Mạnh Hổ, Trần Thiện Phụng, những Châu Phan Trinh, Trương Minh Kiên, Phan Đức Thiên, Lê Hồng Quang, Nguyễn Trí Dũng, Lê Hồng Đăng..  và tôi. Và bây giờ, sau bao vật đổi sao dời,  tuy khởi điểm đi chung một chuyến tàu nhưng cái dòng đời đã cuốn chúng tôi, mỗi người trôi theo một định mệnh khác nhau. Để rồi… có những lúc  “Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều… Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn, Và cơn đau này vẫn còn đây..”.

Từ cái ngày gần năm mươi năm trước, tôi đã học hành rồi sống và làm việc ở đây, đi theo sự chọn lựa mà nhiều khi cũng không có quyền chọn lựa. Nhiều lúc tôi đã phải cắn răng nhưng có lúc cũng mỉm cười, nhìn chướng ngại như một cuộc thử sức rồi ngẩng đầu để đi lên.

 

            Thấy các nhân viên an ninh đi lại ở sân bay tôi tưởng là mình sẽ bị xét hỏi ghê lắm. Nhưng không! Mọi người chào hỏi tử tế, biết  tôi bay từ Việt Nam về với gia đình trong tâm dịch nên ai nấy cũng đều thân thiện hỏi thăm rồi chúc thượng lộ bình an.

 Bước ra  ngoài sân bay, trước mắt tôi hiện ra một quang cảnh thê lương. Những hàng quán đều đóng cửa, khó khăn lắm tôi mới gặp một nhân viên để hỏi đi về hướng nào để ra trạm xe Bus. Ngồi lên xe, tôi cảm thấy yên tâm vì chỉ còn 30/40 phút nữa đến nhà ga Termini, từ đó chỉ chờ vài giờ nữa rồi có thể lấy xe lửa về Milano.

 

  Chỉ chờ mười lăm phút thì xe Bus rời sân bay để vào thành phố. Trên những con đường vắng vẻ, im lặng, vì là mùa đông nên vắng cả tiếng chim. Thỉnh thoảng hình như chỉ có tiếng hụ còi của xe cảnh sát hay tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Đó đây chỉ lác đác vài khách bộ hành, mang khẩu trang, lấm lét bước như đang phòng thủ, sợ những kẻ thù vô hình không biết mai phục từ nơi nào. Trung Tâm La Mã cho tôi cái cảm giác là thành phố vắng như sa mạc này đang run rẩy và hoảng sợ, một thành phố bị cách ly, phong tỏa trong một đất nước bị coronavirus đánh gục mà chưa biết lúc nào có thể ngẩng cao đầu. La Mã là đây? Nơi những chiến binh từ dòng sông Tevere (Tiber) đã đứng lên chinh phục thế giới và trở thành  một trong những đế quốc lớn nhất trong lịch sử, với những vùng lãnh thổ tiếp giáp nhau khắp châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. “Imperium sine fine” là thành ngữ Latinh nhằm nêu lên mộng tưởng là đế quốc không bị giới hạn về thời gian hay không gian. Nhà thơ lớn cổ đại Publius Vergilius Maro (Virgil) đã từng ca tụng rằng nhờ vị thần Jupiter ban cho nên người La Mã có sức mạnh vô biên. Một đế quốc hùng mạnh lẫy lừng như thế mà giờ đây thủ đô vắng lặng, quạnh hiu  như siêu thực đến thế này ư?

            Tâm trạng này, quang cảnh đó, trong trí tôi không thể không hiện lên máy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan  khi chứng kiến cảnh hoang tàn của cố đô, chỉ còn thấy mùa thu vàng úa:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo.

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Xưa nay, cuộc sống chỉ là một hý trường, bao triều đại vinh quang rồi cũng suy tàn. Thế sự luôn thay đổi và hôm nay, con  coronavirus bé  tí đang là đạo diễn cho bao nhiêu trò khóc, cười, buồn, vui, đau thương, chết chóc và nhanh chóng lan ra toàn thế giới.

Chúng ta như vừa thức dậy trong một thế giới khác!

Đâu rồi những cỗ xe của các vương công, quốc thích, những nguyên lão quý tộc nghênh ngang? Đâu rồi những cung điện nguy nga mà thời gian làm thay chủ đổi ngôi, nay đổ nát hoang tàn?  Cái hồn của mấy câu thơ cổ cứ làm tôi bâng khuâng mỗi khi nhớ lại, ngậm ngùi như một chứng nhân buồn, nhìn sâu thẳm vào dòng đời với một tiếng thở dài ngao ngán.

Hơn lúc nào hết, trong lúc này tôi nhận ra rằng quyền lực, sắc đẹp và nhà cao cửa rộng không còn nghĩa lý hay giá trị gì. Chúng không thể mang khí trời mà ta đang cần.

          Thành phố vắng hoe. Người người phải cách xa nhau, sợ  phải gặp những ai trên đường, sợ thấy người khác mỉm cười và gật đầu chào nhau. Ôm và hôn nhau hai bên má như một thói quen để chứng tỏ tình thân của người Ý bỗng có thể là một điều nguy hiểm. Và, mỉa mai thay, tránh né, cách xa nhau, chợt trở thành hành động văn minh, biết tôn trọng và yêu thương người khác!

  Anh ở đâu? Em ở đâu?  Trong đầu tôi  như thể vừa nghe tiếng kêu tuyệt vọng về nỗi sợ hãi cô đơn. Tiếng kêu thảng thốt, âm vang, nhưng không có lời đáp mà chỉ có tiếng dội lại từ những bức tường thành rong rêu  xây từ ngàn năm trước.

  

  1. Từ Roma đến Milano

 

 

Cuối cùng rồi tôi cũng đến ga Termini. Cái nhà ga lớn bậc nhất châu Âu này cũng vắng tanh, nhân viên an ninh đông hơn khách. Nhà chức trách làm bốn hàng rào để kiểm soát người ra vào, từ tàu ra hay từ ga vào nơi tàu chạy. Tôi kéo lê hành lý đi tìm một quán ăn, xưa nay nơi đây nhộn nhịp mà bây giờ tất cả  hàng quán đều đóng cửa. Đi mãi đến cuối ga mới thấy có duy nhất một quán ăn nhỏ mở cửa. Mừng quá, quán vắng, không phải xếp hàng, tôi đứng  vào vạch xanh  cách quầy chừng 1 mét và hỏi mua được một miếng pizza nóng. Quán không có bàn ghế gì, tôi ngồi phịch xuống đất, cảm giác như đang sống lại thời sinh viên nghèo khó, lang bạt  của những ngày đầu đặt chân lên đất Ý.

Lúc đó là 13 giờ ở Italy. Và tôi vẫn còn một hành trình dài ở phía trước.

Tôi gọi điện báo tin cho Elena là mình đã đến ga và còn phải chờ 4 tiếng nữa mới có tàu về Milano.

Sau đó tôi nối mạng và nhắn tin cho các em trong gia đình và các bạn là mình đã đến Roma. Tất cả đều rất vui và chúc mừng tôi đã đến nơi bình an.

 

Ngồi dưới đất dựa lưng vào một cửa hàng và chờ chừng một giờ, tuy hãy còn sớm nhưng sốt ruột, tôi muốn vào chờ ở đường ray mà tàu sẽ đến. Kéo hành lý đến trạm kiểm soát, trình giấy tự khai báo nhân thân nhưng nhân viên an ninh không lưu giữ mà trả lại: “Nhìn hành lý cồng kềnh thế kia thì chắc ông từ xa về nhà rồi, ông giữ giấy để nộp khi về đến Milano. Chúc ông đi bình an!”

Tôi vào chờ xe lửa trên bờ thành đường ray. Nhìn lên màn hình  thông báo các chuyến tàu thỉnh thoảng bị ngắt để truyền thông điệp của chính phủ: “Hãy ở nhà. Bỏ virus ở ngoài cửa”, “Cách xa mà đoàn kết”…  Nhìn quanh, toàn nhà ga vắng vẻ, hành khách đi tàu rất ít. Đứng chờ đến giờ tàu sắp chạy mà chẳng thấy ai. Rồi từ xa tôi nhìn thấy con tàu đang đến.

Chờ cho hành khách xuống, tôi kéo hành lý đi đến chỗ ngồi của mình ở toa số 8. Vừa đi được mấy bước thì thấy một nhân viên soát vé từ trên toa 14 bước xuống. Tôi mỉm cười chào thì ông hỏi:

  • Ông về Milano hả? có vé chưa?
  • Có, tôi vừa nói  vừa cầm vé đưa ông ta xem.
  • À, toa số 8. Mà ông lên ngồi trên toa 14 này cũng được.

Tôi cảm ơn ông ta, với hành lý thế này mà tiết kiệm được một quãng đường 6 toa, gần 150 mét thì thật quý hóa.

Tôi đưa hành lý lên tàu. Chiếc valy tuy không nặng nhưng cồng kềnh, tay kia còn vướng valy xách tay và chiếc ba lô nên tôi hơi lúng túng. Còn đang loay hoay thì đã thấy nhân viên soát vé chạy đến, “để đấy tôi giúp cho. Ông đi xa chắc còn mệt!”.. tôi không dám bắt tay nhưng nhìn ông ta với ánh mắt đầy thiện cảm và miệng nói cám ơn.

Cả toa tàu chỉ có bốn hành khách, ngồi rải từ đầu đến cuối toa. Tôi chọn một ghế trống cách xa mấy người, sắp xếp va ly cho gọn gàng rồi yên tâm ngồi xuống. Chẳng bao lâu thì tàu chạy. Vì hành trình kéo dài chừng 4 tiếng đồng hồ nên tôi nghĩ là mình có thể ngủ một giấc nhưng giấc ngủ không đến, cứ chập chờn. Qua mỗi trạm dừng, tôi đều gọi điện hay nhắn tin cho Elena. Những thắc thỏm và âu lo, theo đó vơi dần.

Chín giờ tối hôm đó tôi về đến Milano. Cũng như ở sân bay Fiumicino ở Roma, tôi xuống tàu và đến sắp vào hàng người hướng về trạm kiểm soát đặt trước lối ra. Hành khách người đeo khẩu trang, người không, đứng cách nhau một mét. Cảnh sát đứng dày trên sân ga.

 

 

 

 

Tôi cầm tờ tự khai nhân thân đã điền và ký sẵn đứng trong hàng, tiến từng bước một  mắt chú mục nhìn qua khung kính và thấy Elena mang khẩu trang  đứng đợi ở  bên ngoài.

Tôi rời hàng, chạy áp người vào tấm kính vừa lúc Elena đang nhìn vào. Hạnh phúc vỡ oà. Chúng tôi vẫy tay chào nhau,  tôi ra dấu bảo nàng đứng yên chờ tôi làm thủ tục. Chừng  10 phút sau nộp xong tờ tự khai (autocertificatione) tôi thoát ra ngoài.

Tôi vẫy tay chào Elena, mấy ngón tay khẽ chạm chứ không dám ôm nhau. Tôi bảo nàng đứng ra xa rồi cởi áo khoác  bỏ vào túi nylon đã chuẩn bị sẵn trong valy xách tay và thay bằng chiếc áo khoác sạch. Tôi cẩn thận như thế để tránh mang con coronavirus  nếu lỡ bị bám trên đường đi về nhà và có thể lây nhiễm cho Elena.

 Ra xe, tôi mở cửa định ngồi chéo góc ở băng sau nhưng Elena nói, cứ ngồi băng trước đi. Anh cẩn thận thay áo rồi còn gì.

 

  1. Trên đường về nhà.

 

Đường về nhà vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua. Bên lề đường, thỉnh thoảng  có những tấm biển carton trên đó viết tay bằng nét bút lớn: Coraggio, Forza Italia… Hãy can đảm, Mạnh mẽ lên nước Ý… nhằm khích lệ tinh thần để  không gục ngã. Nước mắt tôi chợt trào ra, tuôn chảy. Ôi, thương lắm đất nước này, nghệ sĩ và nhân văn,  nơi mà thời gian sống còn nhiều hơn nơi mình đã sinh ra. Và tuy có những năm tháng khó khăn và vấp ngã nhưng nước Ý đã giúp tiếp thu được một nền văn hóa: nhân tình.

Trên những ban công nhiều nhà có treo cờ Ý hay cờ cầu vồng. Trào lưu vẽ cầu vồng trước nhà được bắt đầu ở Ý và nhanh chóng được người dân châu Âu và sau đó là Mỹ hưởng ứng. Nó được coi là một biểu tượng của hy vọng và lời hứa hẹn về đại dịch sẽ qua đi, một thời điểm tốt đẹp sẽ đến.

 

Về nhà, tôi  tháo giày, bỏ hết hành lý ra ban công, thay quần áo, khử trùng trước khi bước vào nhà. Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Elena đã chuẩn bị những món Ý nóng sốt cho chồng. Bữa cơm tối lúc này đã có hai người.

Ngày hôm sau 17/3, chính xác là 2 giờ sau khi tôi về đến nhà, phi trường Rome chính thức đóng cửa, lệnh phong tỏa toàn quốc được ban hành ở toàn nước Ý. Mọi đường bay vào Âu Châu đều bị khép kín.

Sau đó một ngày, ở Việt Nam, Vietnam Airlines cũng dừng khai thác đường bay quốc tế đến hết tháng Tư.

             

  1. Những ngày sau đó.

 

Cuối cùng thì chuyến bay về tâm dịch cũng đã đến, nếu ví von theo cách của một bạn văn thì Kinh Kha đã vào được đất Tần mà vẫn bình yên. Tuy sở Y tế địa phương không yêu cầu nhưng tôi vẫn tự cách ly 14 ngày, và sau đó còn tăng thêm 1 tuần nữa cho thực yên tâm.

Nhịp sống nơi tôi ở như chùng hẳn xuống. Đường sá vắng lặng. Mỗi nhà chỉ một người được đi mua thực phẩm nên Elena lái xe đi từ rất sớm để tránh đông người còn tôi thì hay gọi điện cho bạn bè ở Ý cũng như cafe “liên lục địa” với các bạn ở Việt Nam, thỉnh thoảng nói chuyện với hàng xóm qua khoảng cách của chiếc ban công. 

 

Khi về Ý tôi có thêm mấy người bạn mới. Qua báo chí kể về chuyến đi, họ tìm đọc các bài viết của tôi trên internet rồi nhắn tin kết bạn.

Có một chuyện tôi thấy cũng cần kể thêm: khi các bạn sinh viên Việt Nam đưa bài báo nói về chuyến đi của tôi thì có một comment làm tôi xúc động. “Rất xúc động khi biết bác này gần 70 mà dám bay mọi đường đến Milan! Nếu biết bác ghé Roma thì tôi sẽ tình nguyện ra đón và lấy xe đưa bác về thẳng Milano!” Tôi thật xúc đông, vội vàng cảm ơn và sau đó kết bạn trên FB. Lúc ấy mới biết anh là nhân viên Sứ Quán Việt Nam đang công tác ở Roma: “Thời kỳ này mà có người như bác thì em sẵn sàng đánh xe đưa đi giúp. Xe biển CD  ( thuộc phái bộ ngoai giao) chắc họ không ngăn cản gì, mà lứa anh em mình xông pha có sợ gì đâu! Trong khi nhiều SV trẻ trốn chạy! em đăng stt trên Hội SV khuyến khích SV học y tham gia tình nguyện với các nước giúp họ tí chút, kể cả đi đưa thức ăn... thế mà LĐ Hội SV nó xóa stt của em! Hết lời về thế hệ trẻ!”

Giờ thì, trong một căn hộ nhỏ tôi và Elena yên bình bên nhau, đọc sách, viết hay dịch thuật, mỗi người tự do đuổi theo những ý tưởng của mình.

Nhờ có nhiều thời gian nên tôi đọc được mấy quyển sách hay, mua đã lâu mà nằm yên trên kệ.  Mừng là viết cũng được nhiều tuỳ bút về cơn đại dịch, để làm tâm điểm cho 1 tập sách  “Cùng bay vào tâm dịch” để in chung với các bạn văn.

Những buổi tối im ắng tôi thường nghĩ về đại dịch nhận ra là con coronavirus tinh quái,  nhỏ bé mà tàn bạo này đã cho ta thấy một sự khủng hoảng, không phải chỉ kinh tế mà còn là sự khủng hoảng của niềm tin và trí tuệ. Chúng ta đang chay theo cái điều có lợi thay vì điều đúng và cần làm. Bất cứ nền kinh tế nào mà không quan tâm đến môi trường sống của con người, không thể gọi là “bền vững” được.

Một tương lai đen tối, hỗn loạn và không ổn định hiện ra trước mắt toàn thế giới. Ở thời điểm này hình như không có tổ chức quốc tế nào có thể vạch ra một con đường vì có quá nhiều ngã rẽ hay đường vào ngõ cụt.

 Cuộc sống đâu chỉ có cạnh tranh mà không cần hợp tác? Chỉ mua sắm tiêu thụ mà chẳng cần yêu thương?

 Cái cảm giác yên bình là tài sản chung của hàng tỉ con người đáng lý phải được xây dựng thành một trật tự khôn ngoan đã không còn ai bảo vệ.

Thật vô ích nói rằng chúng ta được muốn sống an toàn. Chúng ta thừa biết cách sống cho an toàn, chỉ có điều đã cố quên là chúng ta chỉ có một hành tinh để sống!

 

Những hình ảnh đoàn xe tang đưa người đi hoả thiêu  cùng những tiếng chuông nhà thờ rời rạc càng làm  ý  nghĩ  buồn thêm.  Thế nhưng, một hình ảnh xuất  hiện trên TV  đã hoá giải được nỗi muộn phiền: Tiếng đàn violin của một nữ bác sĩ  trên nóc bệnh viện ở Cremona sau ca trực mệt nhọc, chỉ 3 phút thôi, âm nhạc đã thay tiếng hụ còi xe cứu thương trong những ngày tang tóc. Đó không chỉ là tiếng nhạc mà là giai điệu niềm hy vọng, giai điệu của lương tâm tình đồng bào, tình nhân loại.

Nước mắt tôi ứa ra, cảm động. Tôi chợt hiểu là chúng ta sẽ không gục ngã, và nhớ lời Darwin là nhiều loài sinh vật đã tuyệt chủng nhưng loài người vẫn tồn tại,  không  phải vì con người mạnh mẽ hơn mà là khả năng thích ứng cao hơn./.

 

    Milano 4-2020

 

PS  Bai viết của Elena sau khi về lai Việt Nam  sau hơn 2 nam cách ly vì đại dịch: https://thanhnien.vn/xuong-tan-son-nhat-on-ao-nao-nhiet-nguoi-vo-y-toi-da-ve-viet-nam-post1475955.html

 

 

 

 

 

 

 

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 266
Ngày đăng: 20.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xanh biển lặng (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Cùng... bay về tâm dịch 'Phần II: Từ Sài Gòn đến Doha' - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng ( Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến ( Chương 9) - Phan Tấn Uẩn
Cùng…bay về tâm dịch ‘Phần I : Từ Milano đến Sài Gòn. ‘ - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 7) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 6) - Phan Tấn Uẩn
Hải hành mùa đại dịch 11 (Chương cuối) - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)