Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
681
116.725.609
 
Theo dấu chân các giáo sĩ Dòng Tên – đi tìm cội nguồn chữ Quốc Ngữ
Ban Mai

 

 

Chiều nay tôi trở lại Cảng Nước Mặn, vẫn không gian yên tĩnh với những con đường làng hiu quạnh nghĩ đến một thời phồn thịnh 400 năm trước.

Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán đánh dấu một thời kỳ phát triển rực rỡ. Sách Xứ Đàng Trong miêu tả: "Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, người nước ngoài đủ màu da, nhiều tiếng nói, đi lại nhộn nhịp trên đường phố".

Thương cảng Nước Mặn đầu thế kỷ thứ XVI được hình thành và phát triển rực rỡ ở xứ Đàng Trong nằm trên đồng bằng cuối hạ lưu sông Côn thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định. Nước Mặn nằm tại phủ Quy Nhơn – một phủ giàu có của Đàng Trong. Sản vật có nhiều loại như: trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ông, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, gỗ, thóc lúa… Không những thế, Phủ Quy Nhơn lại nằm gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, Dinh Nha Trang. Sự phong phú của các sản vật tự nhiên đã mang lại nguồn hàng dồi dào, có giá trị, thu hút sự có mặt của các thương nhân, tàu buôn tại khu vực này. Nơi đây đã trở thành một cửa khẩu thương mại quan trọng trong vùng Đông Nam Á và là một thương trạm quan trọng trên “Con đường gốm sứ” ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương, đây cũng chính là nơi các giáo sĩ dòng Tên theo đường biển vào các cửa sông để tìm đến cư dân truyền đạo. (1)

 

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 18.01.1615  đoàn thừa sai Dòng Tên từ Ma Cao lần đầu tiên cập bến Đàng Trong tại Cửa Hàn/Hội An, gồm Linh mục Francesco Buzomi, Linh mục Diogo Carvalho và Tu huynh Antonio Diaz với mục đích phục vụ các nhu cầu tôn giáo cho các tín hữu Nhật Kiều và các thương nhân Bồ Đào Nha. Lúc bấy giờ Nhật Kiều được chúa Nguyễn bố trí ở Hội An, các thương nhân Bồ Đào Nha chỉ tạm trú, các giáo sĩ đến Cửa Hàn ở cùng thương điếm với Nhật Kiều.

Vào mùa Thu năm 1616 tại Cửa Hàn trời hạn hán, mất muà dân đói khổ. Dân chúng cho rằng hạn hán là vì các thần thánh  nổi giận khi thấy nhiều ngươi bỏ đạo cũ theo đạo mới cuả người Tây Phương, nên nổi giận đốt nhà cửa của các giáo sĩ và yêu cầu chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trục xuất các thừa sai. Vào đầu tháng 6 năm 1617 tất cả các giáo sĩ xuống thuyền ra đi, nhưng thuyền không thể xuất bến vì gió ngược. Các giaó sĩ phải lên bờ nhưng dân làng không cho vào, đành phải sống lẩn lút trong một cánh đồng đầy nắng gió gần biển, khổ sở đói rét. Linh mục Buzomi ngã bệnh, sưng phổi, mụn nhọt đầy mình. May mắn thay, ngay lúc đó quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa là người quen biết trước đây với linh mục Buzomi đang đi công cán ở Dinh Chiêm, biết chuyện nên ông cưu mang đem linh mục Buzomi về tư dinh của ông ở Quy Nhơn và mời thầy thuốc danh tiếng nhất xứ đến chữa bệnh. Năm 1618, sau khi khỏi bệnh linh mục Buzomi cùng quan trấn thủ Trần Đức Hòa đến Cửa Hàn /Hội An đón các linh mục Cristoforo Borri (Ý), linh mục Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) cùng về Nước Mặn tại phủ Quy Nhơn. Tháng 7.1618, quan phủ dựng cho các giáo sĩ một ngôi nhà gỗ rộng rãi và một ngôi nhà nguyện lớn tại Nước Mặn. Như vậy, Nước Mặn là Cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong được tự do truyền đạo cho dân chúng địa phương, mặc dù các ngài đã đến Cửa Hàn trước đó ba năm. Từ năm 1618 đến năm 1620, số thừa sai hoạt động truyền giáo  ở Nước Mặn gồm: Linh mục Buzomi, Linh mục Pina, linh mục Borri và tu huynh Diaz, trong đó linh mục Buzomi là Bề trên  của cư sở (2)

 

Truyền thống tốt đẹp của các thừa sai truyền giáo là phải viết báo cáo hằng năm gởi về cho Bề trên của mình. Việc làm tốt đẹp đó và công tác lưu trữ của các dòng đã để lại cho đời sau nhiều kinh nghiệm tham khảo quý báu. Trong bảng chỉ dẫn các thừa sai khi làm việc truyền giáo có ghi rỏ: “ Cha phải thu thập những thông tin về các dân tộc sống trên mọi đất nước mà cha đi qua… ghi lại lối sống, phong tục và kỹ năng của họ, thương mại, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo cùng với các tín điều. Cha tìm hiểu ngôn ngữ mà các dân tộc dùng để nói… tìm hiểu chữ mà họ dùng để viết, về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bảng chữ cái, chú ý ghi lại bằng mẫu tự la tinh tương ứng, cha làm thế nào để có được một bản mà gửi về Rome…”  (Roland Jacques, Các  nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam, 2004, Định Hướng Tùng Thư, France, tr 197)

 

Để công việc truyền đạo được dễ dàng các giáo sĩ học tiếng Việt và ký âm chữ Quốc Ngữ, một trong những người khởi xướng là đức cha Francesco Buzomi người Ý và Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, các giáo sĩ phiên âm ra tiếng la tinh rồi cấu tạo câu. Trong các sử liệu thư báo cáo thường niên năm 1619 ghi “ Các thừa sai dòng tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác”.  Năm 1620 Linh mục Pina đã thông thạo tiếng Việt.  Trong báo cáo thường niên năm 1620 có đề cập đến một cuốn sách giáo lý được viết bằng tiếng Đàng Trong được sử dụng hữu hiệu trong cuộc truyền giáo tại địa phương. “ Quyển giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đã đem lại nhiều lợi ích, không chỉ trẻ nhỏ thấu hiểu mà còn cả người lớn tuổi cũng am tường”. Tác giả chính của cuốn sách là linh mục Pina và một người thanh niên Việt Nam cùng làm việc với ông. Bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo ghi: “ Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng, anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô , nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh…” ( Roland Jacques, Các  nhà truyền giáo Bồ Đào Nha,,, sdd, tr 85). Sau này giáo sĩ Francisco de Pina chuyển sang giáo phận ở Quảng Nam, nơi này ông dạy tiếng Việt cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes người vừa được phái đến. Năm 1651, với tài năng ngôn ngữ bẩm sinh giáo sĩ Alexandre de Rhodes soạn ra cuốn Tự điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ. Ngoài ra, cuốn “Phép giảng tám ngày” được xem là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. (3)

 

Đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam. Việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây. Giai đoạn đầu (1618-1622) phải kể đến sự đóng góp thuộc về các tên tuổi phư Pina (người Bồ Đào Nha), Borri (người Ý), Buzomi (người Ý). Công lao của các giáo sĩ khác như Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau – những giai đoạn hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.

 

Trong bài tựa Tự điển Việt – Bồ - La, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã nhắc tới ba nhân vật có công trong việc biên soạn các tác phẩm của mình, người đầu tiên giáo sĩ nhắc đến là linh mục Pina người thầy dạy tiếng Việt cho mình, sau đó đến hai giáo sĩ Amaral và Barbosa là tác giả Tự điển Việt – Bồ và Tự điển Bồ - Việt: “ Trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô - sinh và Đông – kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giesu rất nhỏ bé chúng tôi, là thày dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của Cha  Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm” (4)

 

Ba Cư sở (5) đầu tiên các vị thừa sai Dòng tên đến ở hoạt động truyền giáo tại Đàng trong là cư sở Nước Mặn (1618), cư sở Hội An (1619) và cư sở Dinh Chiêm (1625). Nhưng Nước Mặn là nơi các thừa sai được tiếp cận với cư dân bản địa, tự do hoạt động truyền giáo, nghiên cứu ngôn ngữ, dưới sự bảo trợ của khám lý Trần Đức Hòa, quan trấn thủ Qui Nhơn – người anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn. Vì vậy, Nước Mặn xem như là cái nôi phôi thai đầu tiên của chữ Quốc ngữ.

 

Mái nhà tranh đầu tiên các giáo sĩ đến Cảng nước Mặn truyền đạo nay là một di tích, phần đất cũ được biểu trưng bằng một cây cổ thụ cành vươn cao với hàng chữ được viết bằng bảy thứ tiếng Việt, Anh, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Latin, Nôm, để ghi nhớ công ơn của các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đã đến nơi này truyền đạo, di tích hiện tọa lạc tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định. Nằm xung quanh di tích

Cảng Nước Mặn là nhiều nhà thờ nằm giữa các thôn xóm sầm uất, bên cạnh dòng sông Gò Bồi là Đền thờ thánh Stephano, nhà thờ Gò Thị… nhưng có lẽ Tiểu chủng viện Làng Sông nằm ở xã Phước Thuận, Tuy Phước là ngôi nhà thờ cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic cách đây gần 160 năm là nơi tạo cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhà in đầu tiên ở Đàng Trong, truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam, với một số mẫu máy in typo được Pháp sản xuất từ 1869-1921. Nhà in được thành lập vào thế kỷ thứ 19. Năm 1904 Đức Cha Damien Grangeon Mẫn tái thiết, hiện đại hóa. Năm 1922, dưới sự điều hành của cha Paul Maheu nhà in Làng Sông đã in tờ báo Lời Thăm, mỗi số 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương. 18.000 tờ báo định kỳ, 1000 đầu sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in trong năm 1922 bằng chữ Quốc ngữ.

 

Trong buổi chiều tĩnh lặng, tôi đứng trong tiểu chủng viện Làng Sông tưởng như có bóng dáng các giáo sĩ Dòng Tên đang lướt qua ngoài khung cửa, các ngài đang cần mẫn bên ngọn đèn dầu nghiên cứu ngôn ngữ Việt ở Nước Mặn, tôi như nghe tiếng nói thâm trầm của linh mục Pina, giọng nói trong như pha lê của cậu thanh niên người Việt Phê-rô đang trao đổi thứ giọng Đàng Trong phát âm như thế nào để ký âm bằng mẫu tự latin cho dể hiểu, với một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai: Ondelim “ ông đề lĩnh”, Unsai “ông sãi”, Ungue “ông nghè”, Cacham “ Kẻ Chàm”, con gnoo “ con nhỏ”, Nuoecman/Nuocman “ Nước Mặn”, Chiuua “Chúa”, Chiampa “ Champa”, chìa “trà”,  Quignin “Quinhon”… Nhờ công ơn của các Đức Cha Dòng Tên, Việt Nam đã có một thứ chữ Quốc ngữ với mẫu tự latinh dễ hiểu dễ nhớ. Tờ Nguyệt san MISSI ở Hoa Kỳ đã từng nhận định: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".

 

Có lẽ buổi chiều tà u tịch, trong không gian trầm mặc làm người ta dễ nhớ đến một thời đã xa. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo" đã 400 năm trôi qua.

 

 

29.10.2022

 

 

Ghi chú:

 (1) Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn) Xứ Đàng Trong, Lê Đình Phụng; in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI – XVII, nxb Thế giới, 2007, tr 583 - 592

(2) Nước Mặn, cảng thị và trung tâm truyền giáo; linh mục Gioan Võ Đình Đệ, in trong “Chữ Quốc Ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông – Kỷ niệm 400 năm Chữ Quốc Ngữ, GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, LM.Gioan Võ Đình Đệ, TS. Trương Anh Thuận. NXB Đồng Nai, 2018” tr 29-42

(3) Vai trò các thừa sai dòng tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định; linh mục Gioan Võ Đình Đệ; in trong “Chữ Quốc Ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông – Kỷ niệm 400 năm Chữ Quốc Ngữ, GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, LM.Gioan Võ Đình Đệ, TS. Trương Anh Thuận. NXB Đồng Nai, 2018” tr 63-100

 

(4) Từ điển Việt – Bồ - La, Alexandre de Rhodes,  nxb Khoa học Xã hội 1991, tr 3 (bản dịch)

(5) Cư sở (Residentia) là một loại nhà của các thừa sai Dòng Tên được Hiến pháp Dòng Tên quy định: Khu nhà lớn có nhiều tu sĩ ở và có nhiều loại hình hoạt động tông đồ.

 

(*)Nằm bên cạnh di tích Cảng nước Mặn là chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Thành hoàng làng, được dân làng xây dựng 400 năm trước cùng thời với thương cảng nước Mặn. Hàng năm, họ tổ chức lễ hội  Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (còn gọi là Lễ hội Đô thị Nước Mặn) trong ba ngày từ ngày cuối tháng Giêng đến 2/2 Âm lịch. Đây là lễ hội dân gian lớn để tưởng nhớ những thương nhân tạo nên cảng Nước Mặn - cảng từng có tên trong các hải đồ thương cảng thế giới. Vào các ngày lễ, người dân ở đây thắp đèn lồng, chuẩn bị đồ ăn trong nhà để chào đón khách thập phương đến và xem đây như Tết thứ hai trong năm.

Từ giữa thế kỷ 18 về sau, biển lùi ra xa, cửa biển bị vùi lấp, tàu thuyền không vào được cảng Nước Mặn, từ đó giao thương suy tàn.

 

(**) Những thành tựu nghiên cứu chữ Quốc ngữ mà chúng ta có được hôm nay, về cơ bản đều dựa trên những công trình khảo cứu của các nhà Việt ngữ học ở nước ngoài và ở Miền Nam Việt Nam trước 1975 thực hiện gồm: Hoàng Xuân Hãn (1959), Thanh Lãng (1958,1961,1968), Lê Ngọc Trụ (1961), Hoàng Phê (1961), Đoàn Thiện Thuật (1963, 2000, 2008), Trần Nghĩa (1985), Nguyễn Văn Hoàn (1990), Hoàng Tuệ (1993), Nguyễn Thị Bạch Nhạn (1994), Hoàng Tiến (1994)… đặc biệt là một loạt bài viết của Nguyễn Khắc Xuyên (1959, 1960, 1961, 1963, 1993, 1996). Năm 1972, đánh dấu sự ra đời của công trình “ Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính… và nhiều công trình nghiên cứu giá trị khác. Đặc biệt, năm 1994 học giả người Pháp Roland Jacques – một nhà ngôn ngữ học thông thạo nhiều ngôn ngữ, đã khám phá nhiều tài liệu viết tay trong kho lưu trữ lịch sử Dòng Tên ở Roma trong bộ sưu tập “Jap-sin”, báo cáo “Niên giám học viện Ma Cao năm 1918”, các bức thư thường niên viết năm 1621 về khu truyền giáo Đàng Trong… “đã cống hiến được một số những sự kiện khách quan lịch sử, đẩy lui được những tiền kiến hoặc những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự là sai”.

 

 

Công trình kỷ niệm các thừa sai đầu tiên đến Nước Mặn.

Tiểu chủng viện Làng Sông

 

Ban Mai
Số lần đọc: 385
Ngày đăng: 04.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phật pháp là gì? - Võ Công Liêm
Dạng thơ bình thanh - La Thụy
Heidegger(III) và quan trọng hóa việc sinh tồn - Võ Công Liêm
Quan lộ ngài Uy Viễn - Đỗ Nhựt Thư
Chút tản mạn về các đoản văn “Tựu trường” của Anatlole France, “Tôi đi học” của Thanh Tịnh và “Cảm thu” của Đinh Hùng - La Thụy
Văn học so sánh (Comparative literature) - Phan Tấn Uẩn
Giáo dục trong tầm nhìn thế kỷ - Phan Văn Thạnh
Chất nhà nông trong “cây không rễ” - Nguyễn Tiến Nên
Heidegger (II) Hiện hữu và thời gian / siêu hình là gì? - Võ Công Liêm
Về một số nhầm lẫn trong cách đánh giá Lược Khảo Văn Học của Nguyễn Văn Trung - Bùi Đức Hào
Cùng một tác giả
Thời gian (tạp văn)