Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
765
116.774.406
 
Hão-1
Vinh Huỳnh

I.

Vũ Quê ở ngoại thành. Người ta giải toả đất nhà Quê để xây khu công nghiệp, tiền đền “một cục” tưởng mở mày mở mặt ai dè miệng ăn núi lở tiền vào chẳng có  tiền ra vèo vèo- Sốt cả ruột. Hết ruộng chẳng lẽ cày đường nhựa ! Sức dài vai rộng như Quê đi ăn xin cũng chả ai cho, mà việc làm thời công nghiệp hoá này cần thợ chứ ai thuê dân cày. Quê nghĩ chán, đâm chạnh lòng, vớ điếu cày rít  tụt nõ, say sây sẩm cả mặt mày. Theo quán tính, Quê với tờ báo nuôi hy vọng đâu đó thuê người, nhưng tịnh không, rặt những quảng cáo tiếp thị, bán hàng, cho thuê…. Bất đồ mắt Quê sáng lên khi lướt qua dòng chữ “Chiêu sinh viết văn”. Quê mừng hú như trúng sổ xố. Xưa, Quê học văn trong lớp chả kém đứa nào. Giá chịu khó chuyên tu thì cũng giật giảI hàng huyện chứ chả bỡn. Ấy thế nhưng thân phụ nhà Quê lại cho rằng “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”, ngắn học một tý cũng chả chết ai, chứ ruộng khoán không người cày thì bỏ bố. Thế là đang ôn thi đại học Quê bèn nghỉ quách. Bây giờ cha chết, ruộng hết, cơ hội đến, máu văn chương trong Quê nổi lên sùng sục. Đằng nào chả thất nghiệp, tiền đền bù sẵn đấy đi học cho ấm vào thân tội gì. Nghề văn khí hay: Vừa cao sang, lại vừa nhàn tản mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu cứ  ngồi rỗi ăn không, nói quấy, nói quá người nghe ầm ầm, hậu vận lại chả an nhàn sung sướng lắm ru.

Thế là Quê quyết. Quê thi. Thi đỗ.

*   *   *

 

Văn Tỉnh gốc ba đời ở  Hà thành, sinh ra giữa thời bom rơi đạn nổ, lớn lên bằng gạo mậu dịch, quen mặc quần xanh công nhân nhưng kể cũng được coi là giai phố. Cha Tỉnh là nhà toán học, nảy nòi ra Tỉnh lại có khiếu văn chương. Tỉnh hám văn chương từ bé, nhưng thứ  ấy ở xứ hạ giới coi rẻ như bèo, con trai mà giỏi văn thì chả đáng mặt anh hào. Tỉnh thích học văn, nhưng cả lò thiên hạ coi thường. Nên tự dưng đâm chán, đâm nản. Món ấy hèn hèn, kem kém, đuôi đuối một cách đáng khinh khi. Nhà Tỉnh gia truyền nghề toán nên lẽ dĩ nhiên Tỉnh bị khuôn nghiệp toán, đúng như người ta vẫn thường nói mãi “Cha nào con nấy”…. Tỉnh học toán cực nhọc như khổ sai chung thân, nhưng nhờ toán Tỉnh cũng kiếm được một nghề - Nghề quy hoạch thống kê - Cái nghề suốt ngày hì hục tắm mình trong các con số, dữ  liệu dày đặc đông đúc như tằm ăn rỗi khiến lúc nào Tỉnh cũng đinh đầu nhức óc. Tuy không chuyên văn, nhưng vốn mọt sách nên văn vẻ Đông Tây ngấm vào chân tơ kẽ tóc, lúc nào Tỉnh cũng có thể ho ra thơ thở ra văn. Tỉnh có tật hay phán. Hễ  có tác phẩm nào mới ra lò, Tỉnh sẽ vừa bình, vừa  than, vừa lôi cái lý sự cùn tầm chương trích cú ở tận đẩu tận đâu ra (Chả bao giờ gặp trên báo chí công luận nước nhà) mà săm soi, mà hỉ mũi vào ba cáI mớ văn chương nghệ thuật cảI lương quốc nội với chất giọng đầy cao ngạo, thậm chí còn  hoắng rằng: “Đây mà viết thì chán vạn đứa có mà đi xách dép”

Trưởng phòng bảo:

- Thằng này sỹ hão, chuyên môn của mình chả ra đâu vào đâu còn hay ngứa mồm  xía vào sửa gáy người khác, rõ tinh vi rởm

Tức khí, Tỉnh xắn tay viết thiên phóng sự đăng ngay báo ngành. Được bao nhiêu nhuận bút Tỉnh “Dùng mỡ nó rán nó” tái đầu tư vào cánh biên tập để “lách”, thế là cả sê ri bút ký chuyên đề được tạp chí ngành đăng đàn ráo. Tỉnh phô tô từng tập, từng tập tướng, khoe loạn cào cào, khiến bà con lác cả mắt, truyền thanh phường hẹn phỏng vấn, truyền hình nghành xin ghi hình. Người ta coi Tỉnh như một nhân tài mới được khai quật, danh tiếng Văn Tỉnh vụt nổi như phao cứu nạn, trưởng ban thi  đua tức tốc đề nghị  viện trưởng cử  Văn Tỉnh đi học khoá viết văn cấp tốc để bồi dưỡng cán bộ khung cho ban thi đua tuyên truyền của viện.

II.

Văn chương là tiếng chim gọi bầy, vừa nhập trường Quê & Tỉnh đã quấn lấy nhau như tất với giầy. Ngay từ những ngày khai giảng Quê & Tỉnh đã được tiếp kiến những bậc quân sư siêu phàm thông kim bác cổ.

Thầy Tưởng Kỳ Trí  phán rằng: “Văn chương là để dành cho các bậc kỳ tài, nếu ít  tài thì nên giải tán càng sớm càng tốt, kẻo mà tai hoạ. Nghề này không thể kém tài, tài năng quyết định 99%. Quan trọng nhất là tưởng tượng nghĩa là cứ phải bịa vung xích chó lên. “Chỉ những gì tưởng tượng mới là xác thực, tôi không tin vào bất kỳ một cái gì khác ngoài sự thật của sự tưởng tượng”1 . Viết tiểu thuyết là bày trò bịa đặt. Nhưng chớ đặt điều kẻo đứa nào nó động lòng là bỏ mẹ đấy”

 

Thầy Trương Văn Siêu vóc tiều tuỵ râu ria như bàn chải sắt. Giọng hổn hển như công nông lên dốc, rít thuốc như máy hút khí. Rượu nốc như máy bơm. Mặt chán đời hơn dân phủi xì ke ma tuý. Hô hào văn là người, là tinh hoa kết tụ, là kỳ khí phát tiết  từ mỗi con người, nên nó trở nên thiêng liêng và cao quý nhất

 

Tỉnh nghĩ  “Văn như người thế này, thiên hạ trông thấy đến lộn mửa mất mà dễ thường khi làm khoa học người ta không phát tiết cái tinh hoa, cái thần khí trong người ra chắc”

 

Thầy Thạch Quảng Giao, tóc trơn nhẫy ruồi đậu trượt chân lộn cổ. Miệng rộng  gần bằng cá ngão, múa mép tít thò lò như đít vịt, ra sức cổ suý: “Cứ phải quan hệ giao du thả phanh, càng nhiều càng ít, dan díu vô tư, bất kể ai. Thứ nhất là kẻ anh hùng thứ nhì là kẻ vẫy vùng đó đây. Chí làm trai phải quyết giang hồ lang bạt, chơi bời khắp mọi nơi rồi về chúi vào một xó mà viết về một nơi. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại. Đi ngày đàng học sàng khôn, ghi chép một bịch tướng làm nguyên liệu về mà chế biến dần”

 

Thấy chuyện giang hồ vui chơi, Quê lấy làm khoái chí lắm, gã  đắc ý: “Ô viết văn dễ ợt  ! Chả khác nào mình đi mót thóc đồng quê, quá lắm cũng như phô tô copy trên hàng phố là cùng khó gì”

 

Tỉnh càng nghe càng vận thêm lo vào mình: “Nói thế chẳng hoá mình viết truyện ma, quỷ, viễn tưởng thì không phải văn hay sao ?  Đang cố hoá thân vào nhân vật mà thầy lại cứ  thuyết văn là người với chả ngợm”

 

Thầy Vương Trọng Dật với gương mặt lờ mờ mờ sương, lục túi nào cũng thấy ảnh khoả thân. Khoe ỏm tỏi các mối tình lãng xẹt, cả quyết rằng văn chương cần phải cởi mở cho thế giới tươi mát ùa vào cảm xúc, phải thẩm mỹ, phải đẹp, phải “NUY”, phải “NUY” hoàn toàn mới thực sự tôn vinh cái đẹp. Giai nhân là tổng hoà của mọi cái đẹp trong giời đất vậy nên văn chương thiên về hơi hướng đàn bà. Cần khai thác các góc độ sắc đẹp đàn bà, bởi nó là tài sản tự nhiên, tạo hoá ban cho như năng khiếu văn chương của các anh vậy thôi, nếu không được thường xuyên chăm sóc thì nó sẽ cùn mòn đi, mất giá đi. Các anh cần viết về cái ẩn ức chìm sâu trong vô thức, khơi dậy đi đến giải toả những ham muốn cá nhân. Cõi tiềm thức kia mới thực là văn chương hiện đại.

 

Thầy Khổng Lão Tài lại ẩn xe bò: Văn chương không bao giờ khiến ta nhàm chán tựa người tập đi xe đạp cứ ngã huỳnh huỵch mà vẫn khoáI, cứ nhoi nhoi nhao lên để mà ngã. Mà văn mỗi người cũng tựa như vết xe đạp trên đường, ngày ngày có cả vạn chiếc tắc cả đường nhưng cóc vết nào trùng vết nào, lại cũng giống như lá cây rừng vậy, có lá cây nào giống lá cây nào không ? Cái khó của văn chương là làm sao từ bỏ được những cố tật những quán tính, bao thứ  do mình nghĩ ra gắn bó tha thiết máu thịt với mình là thế, vậy mà bỗng dưng lạI phảI bỏ đấy đi tìm cái mới khác

 

Sau khi hấp thụ cả mớ thuyết lý của các loại thầy, đầu Quê rực sáng như đèn pha ô tô, tưởng đã đắc đạo lắm. Rõ xưa nay, không thầy đố mày làm nên. Quê lập tức lao vào viết. Viết đêm, viết hôm, viết lia viết lịa thâu canh một, hết canh hai lại canh ba căng thẳng nên nỗi lên lớp là lăn quay, ngủ gục ngay trên mặt bàn.

 

Tỉnh trông bạn làm văn như tôm tươi mà sốt cả ruột trong lòng thực sự rối như canh hẹ chả khác nào chắt chắt lạc vào rừng xanh. Tỉnh đang cố tìm cách mở toang những góc sâu thẳm thầm kín nhất của thiên hạ. Tỉnh tâm tâm niệm niệm một điều cần phải xoáy vào thân phận nhân vật, vào những suy tư về đời, về cuộc sống đang bị những yếu tố bên ngoài che khuất. Tỉnh cứ trăn trở, cứ nghiền ngẫm cố khám phá những tầng tầng lớp lớp bí ẩn tâm linh, những nỗi đau lặp lại của muôn đời.

III.

Có công mài sắt có ngày nên kim. Tin lành cập bến. Bài tin nhanh của Quê về hội làng gửi tới tờ “Tin Bắn”, toà soạn lập tức đăng ngay trang nhất. Hôm lĩnh nhuận bút cô thủ thư  mắt rang lạc, miệng chích choè:

-          Từ trước đến nay chưa từng có tác giả nào mới gửi bài lần đầu đã được đăng liền như anh đâu đấy. Thật hiếm có khó tìm.  Anh hơi bị giỏi giang đấy.

 

Quê nức nở cả mấy tấc lòng, suýt hắt xì hơi, xúc động quá quên khuấy cảm ơn, làm uổng bao công tiếp thị của cô thủ thư xinh đẹp. Vừa về vừa suýt xoa, tiếc đứt ruột, rõ hoài của quá ! Có đâu hai tiếng ngoáy ngòi  bút  đã kiếm cả yến thóc giống thế này, mình múc cả tháng thì kiếm tấn thóc như bỡn. Giá TA theo đòi sớm hơn thì có lẽ đã bằng mấy cày ruộng rồi, có nhẽ đâu nông nỗi đuối kém thế này. Chẳng những thế oai danh ta từ bấy hẳn đã bay qua mấy luỹ tre làng Vô Vi này tới hàng phố từ lâu. Chỉ ngày mai thôi khắp nơi từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái đều biết đến đến danh Võ Quê.  Bạn bè  gần xa, bà con cô bác, họ hàng thân thích cầm tờ báo lên sẽ nghĩ  thế nào nhỉ. Bất ngờ, ngạc nhiên, bàng hoàng, thán phục, tự hào….

 

Cả làng, cả tổng, biết bao đồng bào mới phát sinh được một văn nhân như  mình. Chả nói đâu xa ngay đến cụ tổ họ Vũ vốn từng đỗ đạt vinh hiển là thế mà  cũng chỉ dám ao ước: “Có được đôi chữ để đời là có thể yên lòng nhắm mắt xuôi tay”. Nay Quê có cả trang báo, cả tác phẩm dài hàng ngàn chữ được đăng đàn ngay trên trang nhất thật oách xì lai. Chắc  hẳn sẽ mãi mãi đi vào tâm khảm đồng bào. Chỉ mới tưởng tượng thôi, lòng Quê đã lai láng bồi hồi, rưng rưng tệ. Quê khấp khởi, mặt phởn, bụng sướng: Chà chà cứ tưởng tượng mà xem từ nay  tác phẩm của TA  sẽ trở nên bất tử, lưu truyền sử sách, nằm lòng dân gian, tên tuổi TA sẽ trở nên lừng danh như anh hùng dân tộc, ngàn năm sau người đời còn nhớ đến TA. Rồi thăm thú , rồi diễn thuyết, rồi quảng bá đó đây.

 

Ý tưởng của TA sẽ được truyền tụng trong  từng trang sách giáo khoa của thiếu niên nhi đồng cả nước, thế hệ này qua thế hạ khác tha hồ ngâm ngợi, mổ xẻ phân tích tán thưởng. Thiên hạ sẽ thay đổi cái nhìn về TA, tất nhiên là nể phục và ngưỡng mộ rồi. Mỗi khi ra đường người ta sẽ xì xào, sẽ bàn tán: “Này trông lì xì  thế kia nhưng mà là nhà văn đấy” …. “Dòng dõi nhà ai mà giỏi giang thế nhỉ ?”. Nhờ TA cả họ Vũ sẽ rạng rỡ vinh quang. Đâu như cha TA sinh thời cứ “Làm cha mà nói ngoa”, suốt ngày chửi mắng TA nào là đồ vai u thịt bắp, nào là đồ  “Dùi đục chấm mắm cáy” vv… Giờ đây hẳn người đương ngậm cười nơi  chín suối vì lẽ “Con hơn cha là nhà có phúc” thật là “Hậu sinh khả uý”. Từ nay liệu mẹ TA có còn bỉ mặt ta là “Trai gì ốc trai sò, trai ăn trong bếp trai mò trong niêu” nữa hay thôi ? Cả mấy thằng ranh bảo nông trong làng nữa, cứ khinh suất Quê này nữa đi.  Giờ đã biết tay ta chưa ? Chúng bay có hối thì cũng muộn rồi, đừng hòng nhờ cậy gì đây nhá !

 

Rồi ra TA sẽ viết dịch vụ. “Tuổi trẻ cười” còn mở quán cóc, buôn đi bán lại cái văn chương huống hồ TA đây  có bằng viết văn xịn, lý do chi mà không dám viết dịch vụ văn chương: Chuyên hồi ký, chuyên điếu văn, chuyên báo cáo tổng kết … Rồi tác phẩm của TA sẽ được in thành sách, xuất bản hàng ngàn, hàng vạn bản. Lúc ấy thì tiền để đâu cho hết nhỉ, thế nào mình cũng phải tậu chiếc xe cho ra hồn chứ văn sỹ ai   đời lại đi xe đạp như con ngựa sắt thế này ôi diều quá ! Thời buổi hội nhập quốc tế này thế nào người nước ngoài chả đọc được tác phẩm của mình, người ta sẽ biên dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Văn chương của TA, tinh thần của TA sẽ “Bay trên đầu thế kỷ nhân gian” 2. Thế nào người ta chả mời tác giả Tây du thuyết trình về tác phẩm của mình. Lão thầy bói cứ bảo mình không có số xuất dương nữa đi, rõ không hiểu gì về điện: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” 3 - Sư phụ Nguyễn Du quả chí lý, chí ngôn, chí thánh thật !    

 

Lúc ấy các em sẽ quây quanh ta xin chứ ký đông như biểu tình. Tầm cỡ như ta thì vệ tinh có mà hằng hà sa số, có khi toàn siêu vệ tinh cả ấy chứ. Chả xa xôi gì, ngay trong trường đây cũng có mấy vị cô nương để ý đến Quê rồi cơ đấy. Trong buổi giao lưu văn nghệ toàn trường. Sau khi được giới thiệu với giọng hát Thị Thành của khoa Biểu Diễn  suýt nữa thì Quê chết chìm trong ánh mắt mỹ nhân. Chết dở ai người đẹp kỳ lạ, đẹp thậm tệ thế không biết ! Cả đời Quê nào đã một lần được tiếp kiến người đẹp nào kiều diễm đến dường vậy. Đùi dài, da trắng,  tóc tém, môi cong, mặt nữ hoàng, chân xăng đan, quần ống vẩy và bộ siêu ngực thần sầu. Cỡ ấy, trước tới giờ Quê chỉ mới được chiêm ngưỡng thi hoa hậu hoàn vũ trên ti vi mà thôi. Giọng nàng thánh thót như tiếng suối reo, như lời của gió, như nắng rụng, như mưa rơI. Không ! Không ! Phải tả  là như  lời thầm thì của bản Sô Panh không số, như bản giao hưởng đồng quê, như “Thư gửi E li ze” 4  mới thực đắc địa.

 

Tiếng hát của nàng sao mà hay, mà bay bổng, mà quyến rũ, mà dậy tình đến thế: Khi sầm sập như bão cấp 12, khi khoan nhặt tựa tiếng lá rơi, khi xốn xang mơ màng làm thổn thức đến cả cõi lòng người đã khuất núi. Có lẽ cua trong lỗ nghe thấy cũng phải bò ra mất thôi. Thoạt nghĩ đến THỊ PHI, người bấy lâu nay Quê vẫn gọi là “NGƯỜI YÊU”,  mà cám cảnh quá, quê kiểng quá, tủi hổ quá ! Người ngợm quê mùa một cục. Ngữ ấy rước về nhà thì còn gì là “Giàu vì bạn, sang vì vợ” nữa. Ai đời tứ thời quần lụa áo tơ tằm, chân loẹt quẹt đôi dép lê, nom  bức mắt tệ. Thời hiện đại bây giờ lên sàn Dancing, Pop Rock thì biết làm sao. Mồm miệng chả biết có ai gang ra không mà toe loe như hoa loa kèn, giống ấy các cụ nhà ta bảo “Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”.

 

Giọng thị lí nha lí nhí như hụt hơi đã thế lại còn nhõng nhẽo điệu như đường chảy nước, nghe chói cả nhĩ. Ấy thế mà lúc nào cũng ra điều dịu dàng, nhã nhặn, nết na, chẳng qua là dút dát, “ăn không nên đọi nói chẳng nên lời” ưa thói nông dân quen đời. Thoạt đầu Quê tưởng xứng là người  tình trăm năm, lâu dần thấy chỉ đáng người tình 500đ. Sách báo truyện trò thị chỉ khoái khẩu món lãng mạn tâm lý tình cảm Sài Gòn. Nghe người ta hắt hơi sổ mũi ở đâu, y rằng chưa đầy năm phút thị đã có mặt. Rồi thị về, thị chê bôi, thị thêu dệt, thị thêm thắt, thị  thầm thì, thị ì xèo xúc xiểm, thị thêm mắm thêm muối, tương cà gia giảm, thị xào xáo - y xì phoóc một mẹ cà lê đôi mách, lắm điều rất chi chi là đáng ghét. Người ngợm cả đời  chả gieo nổi một đôi vần thơ. Chả thèm biết đến lục bát đường luật nó là cái mô tê gì. Thị hiếu âm nhạc nghệ thuật của thị còn ê mặt gấp bội chẳng hiểu lấy một nốt nhạc bẻ đôi là thế nào, suốt ngày hết chèo í a, lại dân ca í ị, … nghêu nghêu ngao ngao. Quê cứ ngẫm giá độ sau này, đến lúc Quê nổi tiếng, thiên hạ người ta mời xem nhạc kịch vũ ba lê, giao hưởng thính phòng thì có nên dắt thị đi hay không ? Phép lịch sự bao giờ giấy mời cũng kèm phu nhân, thế mới tiến thoái lưỡng nan chứ ! Những người nổi tiếng bao giờ người ta chả mời đi dự lễ khánh thành công trình, khai trương lễ hội, mở cửa biển lúc ấy dễ thường bỏ thị một mình sao đang ! Cặp kè với thị thì khác nào công đi cạnh gà. Tắm biển, thiên hạ người ta trần như nhộng cả, Quê với thị ngồi trên lầu mà “Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta” 5 hay sao ! Cả đời thị có lúc nào xa vắng được cái quần nái đen để mà tồng ngồng một mảnh, hai mảnh tênh hênh trước đám đông  đâu. Thật rầy rà, phiền hà quá.

 

Về sau ngộ nhỡ Quê được bổ về toà soạn - Tài năng như Quê thế nào chả được mời về - Giữa   môi trường  văn nghệ sỹ ấy, lỡ thị lò dò mò lên thăm chồng để rồi lại giở cái giọng kim the thé  nhắn nhe lại với các nhà văn, nhà báo đồng nghiệp cuả Quê rằng:

“ Em ở quê xa, nhà em  ở đây có gì trăm sự nhờ các bác  chỉ giáo giúp, chứ tiếng là văn sỹ thế thôi, dưng mà toàn về móc bím bu em đấy”

 

Khi ấy thì cả toà soạn có mà cười  vỡ bụng, người ta sẽ chỉ chỉ trỏ trỏ:

 

“Này này vợ  tay văn sỹ Vũ Quê đấy !”  Các em cùng phòng sẽ tha hồ mà đàm tiếu, mà buôn dưa lê. Quê có lọt xuống đất cũng không hết xấu hổ. Người như thị thà cứ chịu lép một bề đi đã đành, đằng này lại “cành cao”, làm mình làm mẩy mới lộn ruột chứ. Nghĩ đến đây Quê sực nhớ lại những buổi tối đứng chờ ngoài ngõ muỗi đốt chân đỏ như da lợn gạo. Quê huýt sáo đến khan cả cổ mà thị nào có thèm ló cái bản mặt ra. Có buổi đương huýt sáo chợt nghe :

                        Loạt xoạt.. Loạt xoạt …loạt xoạt

 

Quê cả mừng đến líu cả lưỡi, tưởng thị mò ra suýt ôm chầm lấy, nào ngờ “chú  cẩu” xồ ra oảng một cái, rồi nhất tề xông tới. Quê luống cuống không kịp ra đòn nên bị ngoạm cho hai miếng, một choác ở mông, một choác ở đùi may không vào chỗ phạm chứ không thì mất giống. Kể  đau thì cũng không sao, vết thương nào chả lành, chỉ có cái quần bò Le Vi’s Quê mượn của thằng May mới là thiệt hại thật sự. Bữa ấy Quê  ngọt nhạt nịnh bợ bã bọt mép đứa em gái nó mới chịu mạng giúp cho. Lúc trao trả thằng May  nhất nhất bắt đền  vì hỏng quần mồi, Quê nói khó mãi nó mới chịu nhận với điều kiện phụ thêm  năm yến thóc.  Sau vụ ấy Quê đổi chiến thuật từ huýt sáo sang ném đá. Có hôm vô phúc thế nào, thay vì  tung vào phòng nàng Quê lại tương vào đúng giữa nhà. Thân mẫu nàng lập tức la toáng lên như nhà hoả hoạn rồi te tái chạy ra đầu ngõ bắc miệng chửi

- Cha tiên nhân sư đứa nào ném đá vào nhà bà ghẹo con gái bà nhá, mày ném đá vào nhà bà thì cửa kính nhà mày cũng trong suốt đấy con ạ  

Cũng may là Quê đã từng đoạt giải  chạy 500m chứ bữa ấy chậm chân anh trai thị mà túm được thì có mà no đòn. Sau dịp ấy có bữa Quê đi ngang cửa nghe lỏm trong nhà mẹ nàng  răn đe:

 

- Mình con nhà gia giáo đừng có lăng nhăng lít nhít với cái quân vô công rồi nghề ấy mà rồi khổ cả đời con gái đấy con ạ.

Mẹ kiếp “Cái quân vô công rồi nghề ấy” Chả Quê thì ai vào đây  ạ !

Quê cay cú nhủ  thầm: “Được phen này sẽ biết tay ta, thật là  có mắt mà không nhìn thấy núi Thái Sơn. Ông nổi đình nổi đám rồi cả hai mẹ con lại chả tiếc đứt ruột ấy à, ai bảo dại cho chết. Bây giờ  đừng mọng nhé, đáng lý ra Quê hãy còn lưỡng lự, lưu luyến Thị Phi nhưng càng nghĩ càng tức, nay nhân dịp gặp được người đẹp Thị Thành vậy là Quê quyết chuyển hướng chiến lược. Quê đâm lao. Quê "đầu tư" quan hệ …Nhưng càng đi sâu Quê càng nhận thấy mình chẳng hợp với Thị Thành tý nào kể cả tính lẫn nết. Thị Thành sôi nổi ưa phong trào, còn Quê trầm tĩnh ưa nội tâm. Quê ghen thói  đa tình, đong đưa của nàng, nhưng lại chính vì thói ấy mà Quê  thích. Quê mê tít thò lò, cứ bị hút vào thun thút,  say như điếu đổ, y như thài lài gặp cứt chó, chẳng hiểu thế nghiã là sao. Về mặt công danh Quê cũng đáng mặt thi sỹ  trẻ để Thành khoe mẽ. Nàng dắt Quê đi mọi nơI khoe khoang với đủ mọi hạng người. Quê làm thơ, phàm là thi sỹ thì hay cả nghĩ, đa cảm và  chính điều đó mang lại sự  khốn khổ cho Quê.Trong các cuộc vui người  ta cứ nghĩ người làm thơ là con hát, hễ có mặt là y như  rằng bị lôi lên giới thiệu bằng những tràng mùi mẫn văn hoa, rỗng tuếch và rồi người ta bắt Quê đọc thơ, mỗi bài thơ là mỗi kỷ niệm buồn, là những vết thương lòng mà Quê muốn chôn vùi ba tấc đất thì ở đây người ta lại bắt Quê  tự nhắc đi nhắc lại và đau hơn nữa là người ta lại vỗ tay bôm bốp và hô hố cười tán thưởng hệt như  xem hề Sác Lô. Quê khoái tham dự đêm thơ, bèn rủ Thành đi nhưng nàng bảo: "Nghe tấu suông kiểu ấy quê kiểng và nhạt phèo". Nàng chỉ thích đi nhảy thôi mà phải sàn hiện đại như Disco, Rap ... ở vũ trường "Hard Rock Metal" hay "Sparkling" gì đó giá vé  đâu có  5 đô (5 U$D) thôi mà…

 

Kỷ niệm sinh nhật, Quê  gọi điện mời nàng tham dự năm lần bẩy lượt nhưng hình như nàng lại "lên cơn ốm" hay bận rộn vì một chuyện không đâu nào đấy để rồi  không thèm đến

Một lần Quê  lấy làm hãnh diện to tát với bầu bạn vì mời được nàng đi tham dự  sinh hoạt câu lạc bộ văn chương. Ấy thế mà bỗng dưng nửa buổi nàng ngoe ngoắt  bỏ về. Quê  mất mặt chạy theo. Tính Quê hay ngại, đi nghênh ngang trên đường đã là quá thể thế mà nàng lại đang tâm bắt Quê  lẽo đẽo theo sau cả chặng dài vừa đi vừa lải nhải lặp lại những lời cầu xin nhạt nhẽo và vô nghĩa. Nàng cứ  thong thả gõ gót trên hè phố đầu nghếch cao mắt bâng quơ nhìn về cõi xa xăm nào đó tựa hồ như Quê  là liệt sỹ. May mắn thay Quê  được cha truyền cho cái nết kiên trì. Quê  đeo đuổi. Quê  nhẫn nại. Quê bám trụ Nhũng nhằng nhẵng. Nhũng nhằng nhẵng. Để đền đáp công lao của Quê  trước lúc chia tay nàng ban cho Quê  một nụ hôn. Cái ân sủng  ấy đọng lại trong Quê niềm hân hoan và sinh lực cho cả mấy ngày lên lớp.

Có lần Quê hỏi Tỉnh:

 

- Ông thấy tôi yêu thế ổn không ?

Vinh Huỳnh
Số lần đọc: 2405
Ngày đăng: 12.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời - Hồ Tĩnh Tâm
Kẻ đạo văn - Hòa Vang
Ngày đã qua - Nguyễn Ngọc Tư
Đi xa - Nguyễn Văn Ninh
Bến cây ổi - Nguyễn Đức Thiện
Lương - Nguyễn Ngọc Tư
Đứa con không về - Bích Ngân
Có Vợ - Phan thị Vàng Anh
Muốn có tự do, một cõi cho mình thì hãy mặc lòng chấp nhận - Nguyễn Thị Thu Hiền
Người về - Đinh Lê Vũ
Cùng một tác giả
Thăng trầm (truyện ngắn)
Phù du (truyện ngắn)
Ám ảnh (truyện ngắn)
Nghĩa tử (truyện ngắn)
Hão-1 (truyện ngắn)
Hão-2 và hết (truyện ngắn)
Gái quê (truyện ngắn)
Cạnh tranh (truyện ngắn)
Vợ dại (truyện ngắn)