Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
619
116.722.129
 
Lại thêm một người viết "về Huế"
Lê Văn Lân

Người đó là Trần Kiêm Đoàn ! Nhìn vào tiểu sử và thân thế, điểm nổi bật đáng chú ý là không những chàng này sinh trưởng và học hành tốt nghiệp tại vùng đất đặc biệt nầy - Một người "Huế rặt", "Huế chay", một người mà lấy máu ra phân chất thì thấy có nhiêu "chất ớt" vì quen ăn "bún bò", "cơm hến" cay xè - mà là chàng ta vì thời thế loạn lạc đảo điên trở nên "một người Thầy giáo phải tháo giày", một người trí thức phải đi " lái xe Lam " chạy đường Bao Vinh - Chợ Đông Ba, một người đi "bán Chợ Trời  Tây Lộc"... Có lẽ chưa hết cái nỗi  "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi", chàng trai đất Huế này còn lắm nổi truân chuyên như qua Mỹ kiếm sống với chuyện đánh cá ở vùng Louisiana, cắt cỏ, làm vườn ở Cali. Ấy rứa mà chưa đủ, chàng trai "họ Trần" nầy lại cố phấn đấu vươn lên... Chàng tốt nghiệp Cao Học ngành Xã Hội, làm việc cho Bộ Y Tế & Nhân Vụ (Department of Health & Human Services) ở Sacramento và giảng dạy tại trường Đại Học địa phương.

 

Dài giòng văn tự về thân thế của chàng, tôi chỉ cốt nêu lên một đặc tính rất Huế nơi chàng ta là, như các ôn mệ ở cái xứ "trời hành cơn lụt mỗi năm" thường dạy con cháu là " thanh cũng được... mà thô cũng chẳng sao"!

           

Kể trong vòng trên dưới một trăm năm, đất nước Viêt Nam đã trải qua ba cơn bão lịch sử lớn: nào là Pháp chiếm (1884), nào là Nhật đảo chánh (1945), nào là Việt Minh nắm chính quyền, sau đó với cuộc chiến dai dẳng ba thập niên để rồi chấm dứt năm 1975 !  Lần nào...Đất Huế cũng lãnh hậu quả thiệt hại nhất, đau thương nhất, máu và nước mắt nhiều nhất!  Ký ức của người dân xứ Huế còn in hằn hình ảnh của Thất thủ Kinh Đô (23 tháng 5 năm Ất Dậu 1885), Tết Mậu Thân (1968), những ngày kinh hoàng của Huế 1975! Tâm tình của người dân xứ Huế vì vậy mang nhiều u uẩn lắm, nếu không nói là mâu thuẫn, tương phản lạ kỳ!  Cảnh trí Huế "Đẹp và Thơ" với cung điện, lăng tẩm của triều Nguyễn, với nước xanh ngắt của giòng Hương Giang, với thông reo trên các đỉnh núi Thiên Thai, Kim Phụng ...Dân Huế đâm ra lãng mạn, thâm trầm, nói ít mà cảm nhiều.

           

Trần Kiêm Đoàn có lẽ là người đầu tiên nói rõ trên giấy trắng mực đen điều "mâu thuẫn rất Huế" này! Nhân nói về tô "Bún Bò Huế", chàng ta lạm bàn: "...sống kiểu Huế là nghèo mà vẫn muốn làm sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn, ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng."

           

... "Huế mâu thuẫn từ buổi mới vào đời, đài các từ ngày mới có tên. Tên đất thì nhỏ như nốt ruồi son: Ô, Rí, Huế... mà tên người lại dài lướt thướt như mái tóc mây dài chấm gót..." Chỉ có chàng họ Trần xứ Huế mới gói ghém cái mâu thuẫn "Huế" Bằng một câu đáng để đời : "Huế quá trầm lặng và chật như cái bể cạn mà phải chứa những tâm hồn bão nổi sông hồ..."

           

Tập bút khảo "Chuyện Khảo Về Huế" đầu tay của chàng Trần Kiêm Đoàn chứa nhiều chất mâu thuẫn "Huế"!

           

Ngay giòng mở đầu cho tập sách, Đoàn đã viết: "Không hiểu sự tình cờ nào đã đưa tôi vào nghề dạy học, trong khi tính tôi lại rất ham vui và thích trốn học". Nói chí tình, "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", Đoàn rất giống tôi ở cái điểm là thích nói dăm điều ba chuyện, nói "chuyện tầm phào xị  đế, đầu rồng đuôi rắn" tức là nói "chuyện khào". Do đó, tôi mới viết vài trang giới  thiệu cho tập chuyện của Đoàn, mặc dù đối với đất Huế, tôi chỉ là "dân Huế ngụ cư", "dân Huế ăn theo, chạy dọi". Dẫu sao, đối với cái xứ đã cưu mang tôi từ cái thuở tôi được mẹ ẳm ngửa đến lứa tuổi hai mươi, Huế đã nằm ẩn một góc kín của tim tôi.

           

Đoàn đặt tựa sách là " chuyện khào về Huế " nhưng ai muốn hiểu rằng là "chuyện khào về Huế" cũng không răng mô !  Miễn rằng ai đọc mà thấy thú vị và bổ ích, tức là người viết đã thành công tuy rằng Khảo và Khào, chỉ khác nhau một cái dấu ở trên đầu! Tiếng Việt lại còn phân biệt chữ "Chuyện" là điều được nói, được kể ra bằng lời còn "Truyện" là điều được chép ra trên giấy trên sách như Truyện Kiều, Truyện Thạch Sanh Lý Thông v.v... Truyện, theo chữ Nho là Truyền (      ) tức như kinh sách của thánh hiền xưa lưu truyền, như Tứ Truyện được hiểu là Tứ Thư của Khổng giáo! Hiểu như vậy, thì những điều tâm tình của Trần Kiêm Đoàn rõ là những mẩu chuyện của một người dân xứ Huế kể ra!  Mà nói chí tình ra, Truyện Kiều là một tác phẩm văn học lớn của dân tộc ta, thế mà Nguyễn Du chỉ mong sao sản phẩm tinh thần của mình là:

 

Lời quê góp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh!

 

kia mà!

Dưới ngòi bút linh động, hoạt bát, khi rỉ rả tâm tình, khi vui đùa bỡn cợt, khi lãng mạn, lúc khắc khoải, nhưng "chuyện" của Trần Kiêm Đoàn rất xứng đáng để cho người đọc mất thì giờ lắm chứ!

 

Đoàn đưa đẩy người đọc đến biết bao nhiêu điều "về Huế".  Lối viết của Đoàn có một sắc thái khác biệt những cây bút trước Đoàn về Huế! Trước Đoàn, con số những người viết về Huế, nói theo tiếng Huế, là "bắt loạn", nghĩa là bắt người ta loạn cả trí óc! Xin kể sơ vài tên tuổi lớn:

 

Người Pháp thì có Cadière là chủ bút biên tập Tạp Chí Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H.)  là một tài liệu rất quý giá hiện nay "nghìn vàng dễ kiếm, sách kia khôn tìm!" Có những tâm hồn thi sĩ như Henri Guibier (tác giả bài thơ nổi tiếng: Nocturne Sur Le Fleuve Des Parfums), Henri  Cosserat với nhiều bài thơ ca tụng Huế với tâm tình của một người Pháp lai, có người mẹ Huế!  Có những triết gia như Foulon với lời nhận xét để đời về Huế là nói: "tóc tang cười nụ, vui mừng thở than" (Le deuil sourit, la joie soupire)!  Lại có sử gia như Charles Patris nhận định về nét hiền triết của các vị đế vương triều Nguyễn trong kién trúc về lăng tẩm:

 

 ... ces rois de Annam très sages,

qui font sourire la mort

Au décor

De familiers paysages

                                   

( Hiền triết thay!  Bao Đế vương xứ Huế

Khiến Tử Thần bỗng mỉm môi cười nhoẻn

Giữa tẩm lăng, chốn yên ngủ ngàn thu

Được trang hoàng bằng cảnh trí thân quen)         

 

Còn phía người Việt viết về Huế, có thể nói là "bắt loạn" và người ta có thể lập hẩn một thư mục. Huế đã trở thành một đề tài chuyên biệt: Lịch sử Huế, Cố đô Huế, Mỹ thuật Huế, Ngôn ngữ Huế, Vua  chúa Huế, Chùa chiền Huế, Ca nhạc Huế, Thổ âm Huế, Chuyện tiếu lâm "hoang" xứ Huế, Chửi giọng Huế, Ngâm thơ Huế, Đồ cổ Huế v.v... Tôi đã nói là "bắt loạn" mà, kể không "ngạ"!  Kể về tên tuổi của những tác giả viết về Huế thì chỉ đan cử vài người nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Đông Hồ, Tản Đà, Thái Văn Kiểm, Bửu Kế, Phan Văn Dật, Phạm Đăng Trí, Vương Hồng Sển, Lê Văn Hảo, Nguyễn Hữu Ba v.v... và  v.v...

           

Kể từ sau 75, tâm tình "Nhớ Huế" cũng dài lê thê đối với những tâm hồn tỵ nạn với các tập san như Tuyển Tập Nhớ Huế của Võ Văn Tùng (Cali), Tiếng Sông Hương (ở Washington DC của Lê Chí Thảo, ở Dallas Texas của Nguyễn Cúc), Tuyển Tập Phượng Vỹ (ở Houston của Tôn Nữ Quế Hương, ở Toronto Canada của Y La L.K. Ngọc Quỳnh) v.v...

           

Đương nhiên, Trần Kiêm Đoàn ăn sau chạy dọi khi viết về Huế, tội chi mà phải leo lên những ngọn núi Thái sơn về mức độ thông thái, bác học, biên khảo; dại chi mà lội lại trong những giòng sông tình cảm thương nhớ của những tâm hồn ướt át!

           

Bí quyết viết về Huế của Trần Kiêm Đoàn để tạo ra cho mình nột hướng đi riêng biệt ở đâu?

           

"Mỗi lần nghĩ đến Huế, tôi không biết mình đang về với Huế hay Huế đang về trong tôi... Nếu không có năm 1975, có lẽ tôi sẽ không biết rõ Huế đã về trong tôi tự bao giờ, một cách âm thầm nhưng tự nhiên và mãnh liệt ...". Chìa khoá mấu chốt là ở đây! Chât liệu về Huế đã sẵn có đồi dào rồi, chúng nằm ẩn trong tiềm thức từ thuở nằm nôi... rồi được tài bồi qua thời gian tuế nguyệt, chả kiếm đâu xa. Chàng Trần Kiêm Đoàn tinh khôn lắm. Viết văn chương, dù là viết cách nào, nhưng với một tinh thần "nhập thể" với đối tượng, thì đương nhiên sẽ đi thẳng vào lòng người đọc. Cũng giống như vừa rồi một bà lão Mỹ 92 tuổi viết hồi ký về cuộc đời trầm lặng của mình - đương nhiên là không được gọt dũa ly kỳ như cây bút chuyên nghiệp - nhưng Warner Bros đã mua với giá bạc triệu!

           

Trần Kiêm Đoàn đã viết về Huế một cách "nhập thể" qua những kỷ niệm về Bún Bò Huế, Cơm Hến, Chề Bắp Cồn, Chè Sen Tĩnh Tâm... Chàng viết một cách say sưa chân thành như là một tín đồ Hồi Giáo đọc kinh Coran! Chàng  ta đã chinh phục tôi ngay từ ngọn chưởng đầu tiên đăng trên Tuyển Tập Nhớ Huế với câu mở đầu dí dỏm:... "cái thuở ban đầu ỏcơm hếnõ nớ!... Cơm Hến Huế cũng như giống như tình cảm của người con gái Huế: Chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm"

           

Trước đây Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân ca  tụng Món Ngon xứ Bắc một cách thậm xưng mà anh bạn Hồ Trường An người Nam cho rằng "đía dàng trời", thì nay Trần Kiêm Đoàn lại mở hẳn một lối nói thậm xưng khác!

           

"... ví dù ở bất cứ phương trời nào, cơm hến cũng là một tấm giấy thông hành tình cảm để những người có chút duyên nợ với Huế tìm về nhau mà chan, mà húp, mà nghẹn ngào và rơm rớm nước mắt vì... cay!" (Cơm Hến Huế)

           

"Tô bún Huế cũng là một biểu hiện của văn hoá Huế vì đây cũng là một sự ỏdấy nghĩaõ trong truyền thống nấu ăn khi cho bò nổi heo chìm trong cùng một nồi, trộn lẫn hai tính chất mâu thuẫn ỏbò nấu thì teo, heo nấu thì nởõ thành một thể hài hòa..." (Bún Bò Huế)

           

Nói "đía" như Đoàn thì các ôn mệ xứ Huế gọi là nói "dóc", "nói phách tấu"... Nhưng đây là một thứ "phách tấu trên trời dưới đất nghe!" Ta hãy nghe Đoàn nói về sự tích của Bà Bún ở làng Vân Cù mà mê! Chàng Đoàn lại ví von nhiều điều về sợi bún: bún con, bún vắt, bún lá, bún mớ, bún ngảo, bún kim... Toàn là những chuyện mà ngay cả dân Huế cũng ít người biết... Đoàn viết văn đôi lúc lại nhắc đến những chuyện bất ngờ như chuyện người yêu ăn bún bò bị chút ớt đỏ dính vào... kẻ răng, trông rất dị, nên  "...cả hai đứa dừng lại, đứng khuất sau gốc cây long não, tôi xé mảnh giấy trắng nhất trong tập vở học trò, vo lại thành cây tăm và nín thở khêu chút ớt màu bún bò vô tình nằm chênh vênh không đúng chỗ. Hai đứa nói nhỏ như ngại hàng long não đứng nghe. Hoàng vùng vằng sợ tôi nhìn sâu hơn đáy mắt:

 

- Ngó dữ chưa tề, dị chết!

Tôi thanh minh như Vương Tử Trực:

- Coi tề, không ngó chộ mô mà khêu!" (Bún Bò Huế)

Cái duyên kể chuyện của Đoàn là ở cái điểm ăn nói ngây thơ "tửng tửng"!

 

Cái lối viết của anh chàng gốc Huế ni nhiều lúc cứ kéo dài lòng thòng, lê thê, muốn nói về "chè sen Hồ Tịnh", chàng ta lung khởi đã đời trên chén chè bắp Cồn! Ta hãy nghe chàng thanh minh về cái lối viết nầy: "Huế nhỏ lắm mà có khi đi loanh quanh một đời chưa thấu vì giang sơn Huế và tâm hồn Huế có quá nhiều ngõ ngách, khi thì dễ thấy sừng sững như sông Hương núi Ngự, khi lại khó hiểu như miễu Âm Hồn. Vì vậy, muốn kể chuyện Hồ Tịnh, tôi phải đi loanh quanh theo kiểu Huế từ Vỹ Dạ qua Cồn, trước khi vô cửa Thượng Tứ coi sen Hồ Tịnh," (Chè Huế).

Đọc văn của Trần Kiêm Đoàn, tôi thấy phảng phất hơi hướm của nhiều cây bút sở trường về lối kể chuyện dí dỏm với cái lối lòng thòng đáng yêu, đại khái như Anatole France, Nguyễn Tuân, Vương Hồng Sển v.v...

           

Đọc Trần Kiêm Đoàn, nếu đọc qua loa để biết cốt truyện thì hỏng, Lý do là người ta không tìm thấy nhiều cái "sừng sững", mà bỏ sót cơ man là những điều "ngõ ngách".  Đoàn dắt ta đi vào cái nét "ăn" của người Huế qua các bài về Bún Bò, Cơm Hến, Chè Bắp, Chè Sen... rồi Đoàn lại đưa ta đi vô cái "dzụ" Ngủ Đò cấm kỵ!  Thế nào là "ngủ chay"?  Thế nào là "ngủ mặn" trên sông Hương được ngày xưa mệnh danh là giòng "Tiêu Kim Thủy" (giòng sông xài phí tiền bạc)!

           

Một trong những chuyện kể của Đoàn được mang một sắc thái riêng biệt, nghiêm trang hơn, thầm lặng hơn, nhuốm mùi triết lý hơn là chuyện Tâm Huế. Có lẽ đất Thừa Thiên từ cái thuở mới thành lập đã thấm nhuần truyền thống Phật Giáo, nên con người xứ Huế đã có một cái "Tâm" riêng biệt chăng? Câu chuyện của Đoàn xây dựng trên vấn đề "chấp" hay "phá chấp"! Tôi có cảm giác như được uống một chén trà pha điệu nghệ sau khi đọc chuyện về "Tâm Huế"!

           

Tôi nghĩ qua chuyện "Tâm Huế", tôi đã gặp một Trần Kiêm Đoàn đứng tuổi bao nhiêu, thì tôi lại tìm lại bóng dáng một Trần Kiêm Đoàn thanh niên bấy nhiêu qua những mẩu chuyện hồi ký về quãng đời làm thầy giáo trẻ của chàng ta.  Sanh năm 1946 - hầu như gần chính giữa lòng thế kỷ 20 - cuộc đời của Đoàn đã nhuốm mùi ly loạn khi mới bước vào đời: tốt nghiệp Đại Học Huế vào tuổi 24, mái tóc còn xanh mướt, để tạo cho mình cái vẻ đạo mạo của nhà giáo, Đoàn phải nhờ vả vào con khô mực (cà-vạt) đeo vào cổ!  Quãng đời của thầy giáo trẻ mang tính chất vừa lý tưởng, vừa lãng mạn ở cái vùng địa đầu với "Mùa Hè Đỏ Lửa", nên Đoàn đã lếch thếch hết "Tản Cư" rồi lại "Hồi Cư"! Câu chuyện kể của Đoàn, qua hai chuyện này, không xảy ra ở Huế, mà là ở tỉnh Quảng Trị! Đứng trên phương diện lịch sử thành lập đất Phú Xuân Huế, thì Huế với Quảng Trị cũng là một, khi dính liền, khi tách biệt!  Địa bàn của những câu chuyện do Trần Kiêm Đoàn kể ra tương đối là "nhất quán" nếu người đọc không đến nỗi khắt khe!  Dẫu sao, cũng là câu chuyện của một chàng trai Huế! 

           

Vẫn cái giọng kể tửng tửng dí dỏm cố hữu, Trần Kiêm Đoàn lại cho người đọc những chuyện lý thú: nào là cậu giáo sư non choẹt khi mới tới nhậm chức lớ ngớ làm sao bị "bác cai trường" vụt ngọn roi ngang lưng với một lời mắng: "Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ?", nào là sự so sánh ngộ nghĩnh sau:

           

"...làm thầy giáo tỉnh lẻ cũng như làm diễn viên của gánh hát bình dân lưu diễn ở các làng xã, cần giữ một khoảng cách và một thế giới riêng tư..."

           

Tuy nhiên, thầy giáo Đoàn vẫn gặp nhiều chuyện trớ trêu ngộ nghĩnh; đọc chuyện của Đoàn đố ai mà không nín cười được! Ấy vậy, mà đôi lúc Đoàn lại cho chúng ta những mẩu chuyện oái oăm và cảm động như chuyện thầy giáo và bà xã đi buôn "chui" bị học trò cũ làm cán bộ kinh tế bắt!  Đoạn đời của người thầy giáo phải tháo giày còn rất nhiều nỗi truân chuyên!

           

Chuyện Khảo Về Huế của Trần Kiêm Đoàn đại khái được xây dựng trên những chất liệu đơn sơ mộc mạc như vậy nhưng viết một cách "nhập thể" và linh động, dí dỏm.  Sau khi đọc xong, tôi không biết phân loại nó vào thể loại sáng tác nào!  Nhưng có một điều mà tôi xin đoan chắc với những người sắp đọc Trần Kiêm Đoàn là các bạn sẽ thấy thời gian mà các bạn bỏ ra để đọc là một thời gian lý thú trộn lẫn với nhiều bất ngờ!

           

Bạn không tin ư?  Hãy tìm đọc cái anh chàng xứ Huế này đi!

 

Mạnh Xuân, Đinh Sửu - 1997 
Lê Văn Lân
Số lần đọc: 3527
Ngày đăng: 14.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cần giữ gìn sự trong sáng vốn có của ngôn ngữ nam bộ ! - Nguyễn Hữu Hiệp
“Muốn ăn bánh ít lá gai …” - Mai Thìn
Đinh Quang Tốn với trăng suông, rượu nhạt - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn Sơn Nam – Nhà nam bộ học - Hùynh Công Tín
Thăm đất Bến Tre - Hùynh Công Tín
Nguyễn Ngọc Tư càng khẳng định mạnh mẽ hơn những gì mình đang viết và sẽ viết - Lê Chí
Người đọc và đổi mới thi ca - Mai Văn Phấn
Sự thật về "Cánh đồng bất tận" - Lê Chí
THIÊN HÀ đứa con của HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - Sơn Nam
Nhà thơ Vũ Trọng Quang: Người đi bộ trong giấc ngủ… - Ngọc Anh
Cùng một tác giả