Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
647
116.670.545
 
Lương Xuân Đoàn, trong khoảng trống không vết tích của thời gian
Khánh Phương

Thanh thản làm nghề

 

Một người vẽ và thiết kế bìa cho các ấn phẩm văn học được dư luận quan tâm, yêu mến suốt thời kỳ đầu đổi mới, những năm 1990: Ánh trăng ( tập truyện ngắn, giải thưởng Báo Văn nghệ 1990- 1991), Những kiếp hoa dại ( Vương Trí Nhàn), Hoa cỏ may ( Xuân Quỳnh), Bầy ong trong đêm sâu ( thơ di cảo Lưu Quang Vũ), Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh, tình yêu và sự nghiệp... Lương Xuân Đoàn quen thuộc với công chúng có lẽ từ việc vẽ bìa cho những cuốn sách. Bạn đọc yêu văn chương có thể không chú ý lắm tới bìa, công đoạn tưởng như chỉ nhằm “làm đẹp”, để hăm hở cuốn theo dòng nội dung, nhưng khi đã đồng cảm với chữ nghĩa của nhà văn, thì không thể thiếu nhu cầu và... quyền được nhìn nhận bức tranh bìa như một sự chia sẻ, cao hơn là đồng sáng tạo của hoạ sĩ với tác phẩm. Có thể đối với nhiều người, việc làm bìa sách chỉ đơn thuần là trang trí, cốt sao bắt mắt, và lặp lại máy móc “đại ý” của cuốn sách, từ đó mà xuất hiện những tranh minh hoạ cẩu thả, lai căng, vô hồn trong một thời kỳ dài. 

 

Lương Xuân Đoàn thiết kế bìa sách cho các đồng nghiệp của mình nâng niu cẩn trọng, khiêm nhường, như một cách lặng lẽ thẩm định và cổ vũ cho tài năng. Bìa và minh hoạ truyện thiếu nhi của ông hồn hậu thơ ngây, hầu như không có bóng dáng sự già dặn hơn lứa tuổi thơ.

 

Có thể đọc lên ở mỗi bìa sách của Lương Xuân Đoàn những rung động riêng tư của hoạ sĩ, dù có được gợi lên do cuốn sách hay từ dòng tâm thức cá nhân trước cuộc đời. Kể từ những vệt bút mềm mại đa cảm và duy mỹ, một bố cục khúc chiết của mảng màu và khoảng trắng, hay sự xoay chuyển ngẫu hứng kết cấu không gian đến nhịp điệu của bức tranh... Mỗi bìa sách là một sự kiên trì, gắng sức gom góp những mảnh nhỏ sống và sáng tạo của hoạ sĩ. Tất cả thổi bùng lên một khát vọng âm thầm được vẽ, được hết mình trong sáng tạo nghệ thuật.

 

Tốt nghiệp hệ trung cấp Mỹ thuật, Lương Xuân Đoàn có mặt trong số những người lính cầm súng của chặng đường huy động tổng lực giải phóng miền Nam. Trở về học tiếp Đại học, và vẽ tranh như một cơ duyên. Đây cũng là thời kỳ ông làm nghề hoạ sĩ một cách cần mẫn, tự tại. Con đường sáng tác của Lương Xuân Đoàn tưởng chừng như bị chia cách, khó lòng cộng hưởng thăng hoa tới đỉnh cao. Nhưng thực chất ông vẫn âm thầm đi tới bằng sự thôi thúc riêng và niềm đam mê trong trẻo.

 

Trên sân chơi lớn nghệ thuật

 

Vốn sống và cảm quan nghệ thuật của ông, vượt qua chiến tranh, đọng lại những điều riêng biệt, báo hiệu cho một thế hệ nghệ sĩ có cá tính và hoà nhịp được với những phong cách đa chiều của thế giới. Chiều trên đảo Hòn Tre, bức tranh được giải thưởng tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980, là sự “ly khai” liều lĩnh đối với bảng màu của tranh lụa truyền thống, bằng sắc đỏ biến ảo đắm đuối phảng phất như giấc mơ. Ông quan niệm, sự thay đổi hay cái mới lạ bắt nguồn trước hết từ nội giới của người vẽ, từ cảm nhận khác lạ về hiện thực chứ không xuất phát từ bảng màu hay các biểu hiện hình thức khác. Lương Xuân Đoàn đã đưa đến với người xem những “cuộc chơi” gai góc vừa bất thường vừa cực đoan về màu sắc, lối tạo hình, bố cục, Hà Nội của tôi, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua năm 1981, là ví dụ tiêu biểu. Cái khác thường, vượt ra ngoài, thậm chí đi đến những biểu hiện đối nghịch với những giới hạn sẵn có trong thủ pháp, , chính là hiện thực hoá con đường của tâm trạng. Thánh nữ trường Sơn, Trường Sơn của tôi, chất liệu sơn dầu trong những năm 1980 hay loạt tranh giấy dó về các cô gái trong chiến tranh hoàn thành trong năm 1995, không hề có bom rơi đạn nổ, vẫn tiếp tục lối cảm nhận riêng của Lương Xuân Đoàn, vượt ra ngoài hiện thực đề tài, hướng về chất siêu thực huyền bí và xúc cảm tôn giáo. Tràn ngập trong loạt tranh giấy dó của những năm 1990 cái mơ mộng và chiêm bao đau xót của lối vẽ biểu hiện.

 

Lương Xuân Đoàn vẽ đàn bà dưới cái nhìn phần nào lý tưởng hoá và cách thể hiện tuyệt đẹp. Trong những ngày “lang thang” trên đất nước Phần Lan giá lạnh, sự thôi thúc về cội nguồn đã khiến ông vẽ bộ tranh tam toà Thánh mẫu trên giấy dó. Dường như trong vẻ hư ảo quyến rũ của Mẹ Thượng ngàn, Thượng thiên, Mẫu Thoải (Thuỷ), còn phảng phất những nét hiền từ của người mẹ Hà thành xưa sinh ra ông, vừa tôn quý vừa tảo tần, suốt mùa đông dài chiến tranh, thiếu thốn, ngồi đan những tấm mũ trẻ em để giữ gìn đời sống ấm áp cho cả gia đình, hay vẻ trong trắng toàn vẹn của con gái xinh đẹp. Có thể vì lẽ đó, Tam toà thánh mẫu của ông gần gũi với Đức mẹ Ba ngôi trong tâm thức nhiều người xứ lạ.

 

Nét bút mỏng manh tựa hồ những đường viền rung động của chính cơ thể sống, với lối kết cấu và màu sắc hư ảo của giấc mơ đem lại vẻ đẹp vừa nhục cảm vừa cao siêu cho những tranh thiếu nữ khác của ông.

 

Lương Xuân Đoàn tri âm và dành hầu hết sự tìm tòi cho nét. Bút lông với mực tàu, bút sắt, bút chì nước, màu dầu... với mỗi vật liệu ông đều có những kỹ thuật tạo nét tinh tế nhuần nhuyễn của riêng mình, với lối kết cấu tương xứng, trong cuộc chơi có lúc nghiêng về duy mỹ. Nhiều khi là cái ngun ngút mà vô hình của khói nhang. Lúc gân guốc như thác đổ. Lúc lại hiền hoà đài các như gấm lụa. Với ông, nét là sự thể hiện vừa cụ thể, mạch lạc, sắc sảo vừa mơ hồ, biến ảo vô hạn. Với nét, Lương Xuân Đoàn đã gói ghém tâm hồn mình bước ra thế giới mênh mông của biểu cảm và cái đẹp.

 

Tuy nhiên, ông là người vẽ không nhiều, như nhận xét của nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật Dương Tường. Động lực mạnh mẽ lôi cuốn ông dấn thân chính là cái mới, cái liên tục- sống động trong quan niệm về nghệ thuật và thế giới. Lang bạt qua siêu thực- biểu hiện, hân hoan với trang trí thuần tuý, tiếp bước sang trừu tượng, hay quay về lối cảm nhận dân gian thơ ngây, Lương Xuân Đoàn vẽ vừa như cách để đáp trả con người xúc cảm trong bản thân vừa để thoả mãn khao khát về tri thức.

Cũng chính sự nhanh nhạy đặc biệt với cái mới đã khiến ông trở thành người hiểu và bênh vực các sáng tạo của đồng nghiệp, hoạ sĩ trẻ, hay các nghệ sĩ trên sân chơi lớn nghệ thuật. Ông đã hết lòng ủng hộ những vở múa của Ea Sola Thuỷ, góp thêm một tiếng nói để nó nhanh chóng được quảng bá trong nước.

 

Nghệ thuật như một thái độ sống

 

Một tất yếu, song hành với công việc sáng tạo là năng lực thẩm định. Lương Xuân Đoàn trở thành một người viết, có lẽ trước hết là để hiểu rõ mình hơn. Ông kiếm tìm trong tác phẩm phê bình của các bậc đàn anh những lý tưởng nghệ thuật gần gũi với bản thân, nhận ra trong sáng tác của bạn bè đồng nghiệp những sự khởi phát còn đang là ẩn ức trong chính mình, như sự chia sẻ giữa những người sáng tạo. Viết về Thái Bá Vân ông cũng đồng thời khẳng định chính con mắt nhìn nghệ thuật của mình: “Ông coi nghệ thuật như một hoạt động nhân văn. Từ bỏ sự nhìn nhận nó như sự phát triển của lịch sử và như sự kế tục nhau của các phong cách, hình thức nghệ thuật... Ông đề nghị hãy coi đó như là những chủ kiến và thái độ khác nhau của con người để làm cho con người hoàn thiện hơn”.

 

Nghệ thuật sẽ không là gì nếu nó chối từ thông điệp sống mà con người, bằng những nỗ lực cao độ, để lại trong khoảng trống không vết tích của thời gian.

Lương Xuân Đoàn không “tẩy chay” việc bán tranh. Ông chỉ muốn đứng tách xa một chút khỏi hoạt động ồn ào phiền toái này để lẳng lặng đi con đường mình đã chọn. Đó là nhìn cuộc sống, hạnh phúc hay khổ đau bằng con mắt tôn thiêng. Một thứ tôn giáo- đời.

 

Như ánh sáng khởi đầu ngày mới len vào bóng đêm, người sáng tạo đi trên con đường có mà không, ranh giới mỏng manh giữa khuất phục và không khuất phục, tầm thường và không tầm thường.

Khánh Phương
Số lần đọc: 3719
Ngày đăng: 06.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mối quan hệ giữa lý luận-phê bình và sáng tác mỹ thuật - Đinh Hồng Hải
Họa sĩ HỒNG TRỌNG MỸ từ đường nét,sắc màu nộI tâm - Võ Quê
Không biết tới bao giờ mỹ thuật Thừa Thiên Huế mới có một bảo tàng? - Võ Quê
Du ngoạn trong thế giới màu sắc của Nguyễn Ngọc Quế - Khuyết danh
Đỗ duy Ngọc: Nghe nhịp thời gian,nghe cả tiếng linh hồn. - Triệu Xuân
Không đề số 3 - Kông Tâm
Không đề số 4 - Kông Tâm
Tranh dân gian - Khuyết danh
Nơi hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ tỏa sáng - Trịnh A Khuê
Không đề số 1 - Kông Tâm