Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
889
116.665.759
 
Mượn kiếp đào nương...
Khánh Phương

Bạch Vân không thật giống với những gì được hình dung về đào nương. Nước da bánh mật. Xốc vác, nóng nảy, thậm chí ngang tàng. Miệng cười rạng rỡ. Chị là một trong những người đầu tiên lao vào học ca trù từ lớp nghệ nhân cuối cùng, các cụ tuổi đều đã ngoại 80. Không muốn coi ca trù chỉ là di sản tồn tại trên giấy mực, với những gắng gỏi xả thân, Bạch Vân trở thành người nối nghiệp đào nương, và chứng minh, ca trù là nghề có thể lập thân lập danh trong đời sống hiện tại. Còn ca trù của gần một nghìn năm về trước, là tiếng lòng của con người thuở còn giao du đứng ngồi với tiên...

 

            Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người

Không phải có quá hiếm người còn ghi nhớ về giá trị thật của ca trù trong đời sống tinh thần Việt. Nhưng thân phận của nó đã từ lâu được buông xuôi. Vì ca trù xưa quá, khó quá. Vì những mối lo tồn tại thực dụng trước mắt, mà ca trù, đương nhiên, chưa ai nhìn thấy giá trị thực dụng. Để trở lại với ca trù, phục sinh nghệ thuật này, thì sự tỉnh táo và “con mắt xanh” là hai điều quan trọng nhất. Thứ đến mới là đam mê và cả thêm một chút “liều mình”.

 

            Bạch Vân không mặn duyên với thanh nhạc hiện đại, chị bỏ dở năm thứ 2 ở trường nhạc Việt Nam ( nay là Nhạc viện Hà Nội), chuyển sang khoa Nhạc- Văn hoá quần chúng tại trường Đại học văn hoá. Lẽ ra chị có thể làm một người hành nghề nghệ thuật, với địa vị và đời sống mát mẻ êm thấm. Cái ngang tàng của người đàn bà xứ Nghệ đã xui khiến Bạch Vân lập chí, phải tìm cho được con đường của riêng mình. Và đó lại là cái chí “phù suy”. Khen cho con mắt tinh đời, lại tỉnh táo và cả gan để đi trên con đường hiểm hóc ca trù. Bởi nghề ca trù không phải cứ muốn và cần cù là học được. Trước kia các cụ có câu nhất thanh nhì sắc. Trong tình trạng mai một như hiện tại, thì điều kiện trước tiên để được truyền nghề là hiểu biết, quyết tâm và lòng trân trọng tri thức.

 

            Ca trù cũng là nghề đòi hỏi lòng tự tôn rất cao và không chấp nhận lối học rập khuôn, “ăn sẵn”. Để thể hiện được một điệu, ngoài nhập tâm nằm lòng kỹ thuật và ngón nghề, phải luôn giữ cho tinh thần ở trạng thái tập trung và thăng hoa linh diệu. Cũng vì thế, nhiều cụ nghệ nhân một mực “làm cao”, không dễ dãi truyền nghề. Chính Bạch Vân cũng không có may mắn được nhiều thời gian ở gần và học nghề của riêng một nghệ nhân nào.

 

 Chị sẵn lòng nhẫn nại cùng mình, tận tuỵ đến từng chân tơ kẽ tóc để vời được một cụ nghệ nhân truyền nghề hay cộng tác, dù cho có khi người già như trái chín cây. Sẵn có óc thực tế, có tài tổ chức, Bạch Vân  một mình đứng mũi chịu sào, thành lập và điều hành Câu lạc bộ ca trù Hà Nội rộn rã suốt 15 năm.

           

            Chị dám trả giá đắt cho sự lập chí và cái “phù suy” của mình. Không có một phần vị kỷ và thiếu tinh thần mã thượng của kẻ “cứu khốn phò nguy”, hay chỉ một chút lơi là thiếu mạnh mẽ dứt khoát, cũng không làm nổi điều chị đã làm. Hiếm có người đàn bà nào dám coi nghề nghiệp và lý tưởng cao hơn gia đình, hạnh phúc, như Bạch Vân.

 

            Khúc thiên tiên

 

            Một người thơ phong lưu bậc nhất xứ Bắc hà, “bác” Tản Đà, đã gắn bó trọn vẹn tâm hồn và nghệ thuật của mình với tinh hoa điệu ca trù. Tinh thần cao siêu thanh lọc của nghệ thuật hát- văn ( hát và văn tiếng Việt) đến lượt nó quay trở lại đưa thi ca đến một cung bậc mới mẻ và tuyệt đích. Lá đào/ rơi rắc/ lối thiên thai... Suối tiễn/ oanh đưa/ luống ngậm ngùi... Nửa năm/ tiên cảnh/ một bước/ trần ai... Uớc cũ/ duyên thừa/ có thế thôi... Đá mòn/ rêu lợt/ nước chảy/ huê trôi... Cái hạc bay/ vút tận trời...( Tống biệt_ Tản Đà)  hay Nước non/ nặng một/ lời thề... (Thề non nước), những bài thơ đạt đến đỉnh cao của thể loại, cũng đồng thời vượt khỏi vòng khuôn thước tinh thần của Đường thi hay cái thuần nhất của thể lục bát truyền thống. Lối nắn hơi bắt chữ của ca trù đem vào thơ tiết tấu và kiểu rơi thanh phá cách thần tình. Cái tinh tuý và biến hoá của cảm xúc trong thơ cũng xứng đáng là khúc thiên tiên.

 

            Theo cụ nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đệ, 82 tuổi, cho đến nay, các thể Tì bà, Cung bắc, Thét nhạc, Ngâm vọng chỉ tồn tại mỗi thể duy nhất một bài, các cụ gọi là một câu. Không đa dạng về ngón đàn cũng như “e” hát, nhưng sự tiếp biến giữa thanh điệu, tiết tấu và thần thái của ngôn ngữ văn chương trong bài thơ với điệu ca trù, là độc nhất và khó lòng phân tách. Theo cụ Đệ, người đời sau khó đặt nổi câu hát cho bốn thể ca trù ấy, vì  thiếu văn. Ca trù không chỉ có đàn hát phách sênh, mà còn đòi hỏi phải theo nghề bằng linh cảm, hồn phách và sự thanh khiết.

 

            Nghệ thuật ca trù manh nha, hình thành và phát triển gắn liền với bề dày ngôn ngữ văn chương thuần Việt, mà giai đoạn rực rỡ nhất là từ nửa sau thế kỷ 18. Dù trải qua nhiều biến cố, nhưng đây là thời kỳ đời sống vật chất và tinh thần của người Việt đạt đến độ thăng hoa. Sự khủng hoảng tột cùng và những khát vọng đẹp nhất của con người , làm sống lại hơn bao giờ hết “khúc thiên tiên”. 

 

            Bạch Vân ngồi, thủ thỉ hát lại điệu Tì bà, nghiêm trang lẩn mẩn như người ngồi sám tụng lại những vui buồn cay đắng của một đời học ca trù. Với chất giọng  trung trầm khoẻ khoắn, trường hơi, nhưng không hẳn là đặc sắc, chị đã khổ luyện gần như thành thục các ngón nghề  hơi, ngân, luyến, nhấn của đào nương. Đem cuộc đời gắn bó, phụng sự và gánh cả phần nào vận mệnh ca trù, Bạch Vân cũng đã mượn kiếp đào nương mà nói được chí mình.

 

            Xưa, có ả đào đem tiếng hát mê hồn lừa bắt giặc Minh, bỏ xuống sông như bỏ lợn. Tiếng hát thì thăng trầm biến hoá khôn lường. Đời sống cũng mỗi ngày một náo nhiệt muôn vẻ. Chỉ có ca trù, khúc thiên tiên,  đã mượn kiếp đào nương, để lưu truyền và làm sáng lại những gì đích thực con người.
Khánh Phương
Số lần đọc: 2907
Ngày đăng: 14.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...” - Khánh Phương
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Nghi lễ Bàu Đá “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” - Nguyễn Thanh Mừng
Ngày nghinh ông bên vàm sông ông Đốc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngô Ðức Thịnh
Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng châu thổ Bắc bộ - Đặng Hoài Thu
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Nói thơ : Một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Tục nhuộm răng ăn trầu ở Bình Định xưa - Mai Thìn
Tiếp cận” bí ẩn” ở Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ? - Nguyễn Văn Hoa