Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
709
116.730.553
 
Các bậc thầy văn chương thế giới: Saint-John Perse
Trần Tiển Cao Ðăng

Thơ không chỉ là nhận thức, mà còn là chính cuộc sống trong sự đủ đầy trọn vẹn của nó. Nhà thơ đã sống trong lòng người ăn lông ở lỗ và sẽ sống trong lòng người thời đại nguyên tử, bởi vì thơ ca là một đặc tính không thể tách rời của nhân loại. - S.J. Perse

 

Saint-John Perse (31/5/1887 - 20/9/1975)

Giải Nobel Văn học 1960

* Nhà thơ Pháp

* Nơi sinh: Saint-Léger-les-Feuilles, Guadeloupe (Hòn đảo thuộc Pháp ở biển Caribe)

* Nơi mất: Presquile-de-Giens (Pháp)

 

Saint-John Perse thuộc hàng những nhà thơ đặc sắc nhất thế kỉ XX, nổi bật với những hình tượng tinh tế và táo bạo, ngôn ngữ mang tính văn chương cao. Với ông, thơ không chỉ là nhận thức, mà còn là chính cuộc sống, là một phần không thể tách biệt của nhân loại. Bằng những phương tiện thơ ca, Saint-John Perse đã ghi lại nhiều mặt của thời đại chúng ta.

 

Saint-John Perse tên thật là Marie René Alexis Saint-Léger, sinh tại một hòn đảo nhỏ gần Guadelupa, Đông Ấn. Năm 1899, cả gia đình ông chuyển về Pháp. Ông học luật ở Bordeaux và tự học môn kinh tế chính trị. Ra trường (1914) ông phục vụ trong ngành ngoại giao, có một sự nghiệp đầy hứa hẹn: làm đại sứ Pháp ở Bắc Kinh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ ngoại giao Pháp.

 

Năm 1940, do phê phán chính sách thân Hitler của giới cầm quyền Pháp, ông bị cách chức. Ngay trước khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông đã kịp thời chạy trốn sang Mỹ; ông bị chính quyền Vichy tước quyền công dân, chức tước, phần thưởng và tịch thu tài sản. Từ năm 1941 tới 1945 Saint-John Perse là cố vấn văn học cho Thư viện Quốc hội Mỹ. Sau Thế chiến II ông được phục hồi tư cách công dân và chức tước nhưng không quay trở lại nghề ngoại giao. Năm 1950, ông chính thức về hưu với danh hiệu Đại sứ của nước Pháp, sinh sống thường xuyên ở Mỹ.

 

Các tác phẩm văn học của ông, trong đó có tập thơ đầu tiên Tụng ca (một thể loại thơ điền viên, viết năm 1910) được xuất bản một phần dưới tên thật của ông nhưng chủ yếu dưới tên Saint-John Perse. Sau nhiều bài thơ phản ánh ấn tượng về thời niên thiếu, ông viết trường ca Anabase (tiếng Hy Lạp có nghĩa là Đi vào nội tâm) vào năm 1924 khi ông ở Trung Quốc. Đó là một tác phẩm gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phê bình và đã có người cho rằng người Châu Á hiểu tập thơ này hơn người Phương Tây; tập trường ca đã được T.S. Eliot chuyển ngữ sang tiếng Anh năm 1930. Nhiều tác phẩm của ông được viết sau khi ông định cư ở Mỹ như Lưu đày (1942), Bài thơ tặng người phụ nữ nước ngoài (1943), Cơn mưa (1943)... Các tác phẩm Saint-John Perse viết trong thời kì làm công việc ngoại giao phần lớn chưa được in, nên toàn bộ sự nghiệp văn học của ông chỉ thu lại trong bảy tập sách.

 

Năm 1957 Saint-John Perse quay về Pháp, mặc dù chủ yếu vẫn ở Mỹ như trước, nay ông dành một phần thời gian cùng người vợ Mỹ cưới năm 1958 về sống tại quê nhà. Năm 1960 ông được tặng giải thưởng Nobel. Trong bài Diễn từ ông nói về chức năng của thơ ca: "Thơ không chỉ là nhận thức, mà còn là chính cuộc sống trong sự đủ đầy trọn vẹn của nó. Nhà thơ đã sống trong lòng người ăn lông ở lỗ và sẽ sống trong lòng người thời đại nguyên tử, bởi vì thơ ca là một đặc tính không thể tách rời của nhân loại". 

 

Saint-John Perse mất năm 1975.

* Tác phẩm:

- Tụng ca (Élogues, 1910).

- Tình bạn của hoàng tử (Amitié du prince, 1924), trơờng ca.

- Anabase (1924), thơ [Anabasis].

- Lưu đày (Exil, 1942), trường ca.

- Bài thơ tặng người phụ nữ nước ngoài (Poème à l’érangère, 1943), thơ [Poem to a foreign lady].

- Mưa (Pluies, 1943), thơ [Rains].

- Tuyết (Neiges, 1944), thơ [Snows].

- Gió (Vents, 1946), thơ [Winds].

- Những cột mốc ngoài khơi (Amers, 1957), thơ [Seamarks].

- Biên niên sử (Chronique, 1960), thơ [Chronicle].

- Những con chim (Oiseaux, 1963), thơ [Birds].

- Ca hát bởi nàng (Chante par celle qui fut là, 1969), thơ.

 

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Anders Österling, Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển

 

Người được trao giải Nobel năm nay mang một cái tên có âm hưởng khác thường, bởi trước hết ông muốn tự vệ trước những kẻ tò mò. Saint-John Perse là cái tên đã trở nên lừng lẫy trên toàn thế giới bởi một người mà trong đời sống công dân được gọi là Alexis Léger và từng đạt được uy tín lớn lao trong một lĩnh vực khác của đời sống cộng đồng. Vậy là cuộc đời ông được chia làm hai giai đoạn: một đã chấm dứt còn một vẫn đang tiếp diễn: Alexis Léger, nhà ngoại giao, đã chuyển hóa thành Saint-John Perse, nhà thơ.

 

Tuy được coi là một nhân vật văn học, ông có một tiểu sử nổi bật ở nhiều phương diện. Ông sinh năm 1887 tại Guadeloupe trong một gia đình người Pháp định cư tại đây từ thế kỷ 17. Thời thơ ấu của ông trôi qua ở chốn Địa đàng nhiệt đới này, nơi suốt ngày tiếng cọ rì rào, nhưng đến năm mười một tuổi ông theo gia đình trở lại Pháp. Ông học tại Pau rồi ở Bordeaux, quyết định lấy bằng luật, và năm 1914 ông bước vào sự nghiệp ngoại giao. Đầu tiên ông được cử đến Bắc Kinh, sau đó được giao phó những nhiệm vụ ngày càng quan trọng. Với tư cách Tổng thư kí Bộ ngoại giao trong nhiều năm, phẩm trật ngang với ủy viên hội đồng quốc gia, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách trong thời kì diễn ra những sự kiện chính trị ngay trước cuộc Thế chiến thứ hai.

 

Sau khi Pháp thua trận năm 1940, ông bị đình chỉ công tác và bắt đi đày, bị chính phủ Vichy coi là một phần tử nguy hiểm, thậm chí bị tước quốc tịch Pháp. Ông tìm nơi nương náu tại Hoa Kì, làm chân cố vấn văn học cho Thư viện Quốc hội. Chẳng bao lâu sau chính phủ Pháp phục hồi toàn bộ danh dự cho ông, nhưng kẻ đi đày cự tuyệt trở lại ngành ngoại giao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây ông thường xuyên trở lại Pháp vì lý do cá nhân.

 

Đây là một sự nghiệp mở ra những triển vọng lớn lao và hàm chứa trong một con người vốn thành công ở nhiều lĩnh vực và dưới nhiều hoàn cảnh, kết hợp với một giọng nói đậm chất tâm linh có phẩm tính năng động khác thường. Tính năng động có tầm cỡ quốc tế này, dấu ấn không nhầm lẫn của một nhà du hành vĩ đại, còn là một trong những chủ đề thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của nhà thơ. Thành công đầu tiên của ông là chùm thơ Tôn vinh tuổi ấu thơ (Pour fêter une enfance, 1910) với những hình ảnh chói lòa gợi lại trong buổi hoàng hôn óng vàng của hồi ức tuổi thơ về cõi thiên đường xa xăm của Guadeloupe, với những loài cây cối và thú vật như trong huyền thoại. Từ Trung Hoa ông trở về với một trường ca, Tiến quân (Anabase, 1924), với một hình thức ám gợi và rắn như men sứ, kể về một cuộc hành quân huyền bí vào những vùng sa mạc châu Á. Cũng một hình thức đó, nén chặt một cách không khoan nhượng, mà trong đó thơ và văn xuôi thống hợp thành một dòng chảy uy nghiêm hoà quyện giữa thơ Kinh thánh với nhịp thơ Alexandrine, lại xuất hiện trong các tập thơ kế tiếp: Lưu đày (Exil, 1942) và Gió (Vents, 1946), đều được viết tại Hoa Kì. Các tập này là một diễn ngôn sừng sững về vòng xoay không ngừng nghỉ của thoái hóa và phục sinh, trong khi Ngấn biển (Amers, 1957) thì ngợi ca biển cả, nguồn sức mạnh vĩnh cửu, cái nôi đầu tiên của các nền văn minh.

 

Quả thật, các tác phẩm này có một tính độc sáng đáng kể, phức tạp về cả hình thức lẫn tư tưởng, nhưng nghệ sĩ bậc thầy đã tạo ra chúng hoàn toàn không phải là một người lập dị, nếu bảo lập dị có nghĩa là ông giam chính mình trong tự mãn và chỉ quan tâm đến chính mình. Hoàn toàn ngược lại; phẩm chất chủ đạo của ông là nỗi khao khát thể hiện con người với toàn thể tính đa bội của nó, trong toàn bộ diễn trình của nó; ước muốn miêu tả con người, vĩnh viễn là kẻ sáng tạo, đấu tranh từ thế kỷ này sang thế kỷ khác để chống lại sự ương ngạnh cũng vĩnh hằng không kém của các nguyên tố. Ông tự đồng nhất mình với mọi chủng tộc từng sinh sống trên trái đất đầy bão táp của chúng ta. “Nòi giống chúng ta già cỗi,” ông viết trong một bài thơ, “nòi giống chúng ta vô danh. Và thời gian biết nhiều về tất cả những con người mà chúng ta có thể từng là... đại dương sự vật vây bọc chúng ta. Cái chết nằm ở ô cửa sổ, nhưng đường của chúng ta không ở đó”.

 

Trong những lời ngợi ca này đối với sức mạnh sáng tạo của con người, đôi khi Saint-John Perse có thể gợi nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Đức Hölderlin, vốn cũng là một nhà phù thủy của ngôn từ, tràn đầy sự vĩ đại của nghiệp thơ ca. Rất dễ xem sự trung thành hết mực này vào sức mạnh của thơ ca như một nghịch lý để rồi coi thường nó, đặc biệt là khi nó dường như tự khẳng định mình với một sức mạnh ngang bằng với nhu cầu khơi dậy một phản ứng tức thời đối với nỗi khao khát cảm thông giữa con người với con người. Mặt khác, Saint-John Perse là một ví dụ hùng hồn về sự tách biệt và tự lánh đời mà trong thời đại chúng ta là một điều kiện sống còn cho sáng tạo thi ca một khi mục đích của nó là cao cả.

 

Người ta không thể không khâm phục sự nhất quán trong thái độ thơ ca của ông, sự nhất quán của ông trong việc kiên trì phương thức biểu hiện duy nhất khả dĩ cho phép ông hiện thực hóa những ý đồ của mình, một hình thức đặc dị nhưng luôn luôn thích đáng. Sự sum suê vô tận trong phong cách sinh động của ông đòi hỏi rất cao ở người đọc về trí tuệ, nó có thể làm độc giả kiệt sức vì phải nỗ lực tập trung cao độ. Ông lấy những ẩn dụ từ mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi huyền thoại, mọi khu vực; những chuỗi thơ của ông gợi đến những vỏ sò biển khổng lồ từ đó phát ra một thứ âm nhạc của vũ trụ. Trí tưởng tượng vô biên này là sức mạnh của ông. Lưu đày, chia cắt - những khơi gợi mà tiếng thì thầm vô thanh của chúng mang lại giọng điệu chung cho thơ của ông; và thông qua chủ đề lưỡng nghĩa về sức mạnh và sự bất lực của con người, chúng ta có thể lĩnh hội một lời hiệu triệu đầy dũng cảm, một lời hiệu triệu có lẽ được thể hiện rõ ràng hơn trước trong tác phẩm cuối cùng của nhà thơ, Sử biên niên (Chronique, 1960), tràn đầy hơi thở của cái lớn lao mà trong đó nhà thơ tóm tắt vạn sự, khi đưa ra những bóng gió che đậy về hiện trạng của thế giới. Thậm chí, ông còn đưa ra lời kêu gọi có tính tiên tri với châu Âu: hãy nghiền ngẫm cái thời khắc định mệnh này, cái bước ngoặt này trong tiến trình lịch sử. Nhà thơ kết thúc với những lời sau: “Chúng ta ở đây - một thời đại lớn lao. Hãy đo trái tim con người”.

 

Thế nên, ta hoàn toàn có thể nói rằng, đằng sau một sự bí hiểm và những biểu tượng thường khó nắm bắt, Saint-John Perse mang lại cho những người cùng thời một thông điệp phổ quát. Người ta có thừa lí do để bổ sung rằng bằng cách riêng của mình, ông tiếp nối một truyền thống lớn lao của nghệ thuật thơ ca Pháp, đặc biệt là truyền thống hùng biện thừa kế từ các nhà cổ điển. Nói ngắn gọn, giải thưởng Nobel được trao cho ông chỉ xác nhận cái vị trí mà ông đã đạt được trong văn học như là một trong những nhà thơ lớn nhất.

 

Trần Tiễn Cao Đăng dịch

 

Diễn từ Nobel :Saint-John Perse

 

Nhân danh Thơ, tôi xin nhận cái vinh dự trao cho tôi ở đây, và cũng mong được sớm trả lại vinh dự ấy cho Thơ.

 

Không có quý vị, Thơ hiếm khi được tôn vinh, bởi vì càng ngày ta càng thấy rõ có một sự tách rời giữa hoạt động thơ ca và cuộc sống xã hội vốn bị nô lệ vào vật chất. Nhà thơ chấp nhận điều đó dù họ không tạo ra sự tách rời đó. Nhà khoa học thì, ngoài việc đi tìm những ứng dụng khoa học, họ cũng giống như nhà thơ. Song chúng ta tôn vinh cái tư duy vô tư của cả nhà thơ lẫn nhà khoa học. Chí ít thì, ở chốn này, nhà khoa học và nhà thơ không bị coi là những người anh em kình địch. Vì đôi bên giống nhau là cùng tra hỏi về cùng một cái vực thẳm, chỗ khác nhau chỉ là cung cách họ khảo sát cái vực thẳm ấy.

 

Ta hãy nhìn tấn bi kịch của nền khoa học hiện đại đang đứng trước những giới hạn duy lí trong cái tuyệt đối toán học; ta hãy nhìn trong vật lí học hai chủ thuyết lớn, một bên đặt ra nguyên lí tương đối luận, một bên đưa ra nguyên lí lượng tử vốn nghi ngờ ngay cả tính chính xác của những đo lường vật lí; ta hãy lắng nghe nhà đổi mới khoa học vĩ đại nhất của thế kỉ này, người khởi xướng vũ trụ luận hiện đại, người đã rút gọn cái hợp đề tri thức to tát nhất thành chỉ còn một phương trình, nghe người ấy gọi trực giác đến hỗ trợ cho lí trí và tuyên bố rằng “tưởng tượng là vườn ươm thực thụ của khoa học”, thậm chí còn đi xa hơn thế, đến độ đòi nhà khoa học phải thừa hưởng một tầm nhìn đích thực của người nghệ sĩ: liệu có chứng minh nổi là đúng không khi ta coi công cụ thơ ca cũng chính đáng như công cụ logic?

 

Thực ra, mọi sáng tạo của tư duy khởi thủy đều là “thơ” theo nghĩa đen, và trong chừng mực có một sự tương đồng giữa phương thức nhạy cảm và phương thức trí tuệ, thì ngay từ khởi thủy cả nhà thơ và nhà bác học đều đã theo cùng một nghiệp.

 

Đi con đường tư duy logic biện chứng hay đi con đường tinh túy thơ ca - cách nào đi xa hơn và từ chốn xa trở lại được? Và từ cái đêm đen khởi nguyên khi hai kẻ mù lòa bẩm sinh đang sờ soạng tìm đường, một người có trong tay công cụ khoa học, người kia chỉ được trụ đỡ bằng những lóe sáng trực giác, kẻ nào rồi sẽ ngoi lên và chất chứa những long lanh ngắn ngủi? Câu trả lời nào có can hệ gì. Chung cho cả đôi bên là sự diệu huyền. Và cuộc đại phiêu du của tư duy thơ ca cũng chẳng chịu thua chút nào những phương trời đầy kịch tính của nền khoa học hiện đại. Có những nhà thiên văn từng nổi điên lên vì cái lí thuyết về vũ trụ đang giãn nở, nhưng cũng có không ít sự giãn nở trong cái vô cùng đạo lí của vũ trụ người. Khoa học càng đẩy lùi được các biên giới khoa học, thì trên khắp vùng nằm trong vòng cung căng theo những đường biên giới ấy, ta sẽ còn nghe được tiếng đoàn chó săn của nhà thơ đang đuổi con mồi. Vì nếu như thơ ca, như người ta vẫn nói, không còn là “cái thực tuyệt đối” nữa, thì nó cũng đến được gần sát chốn đó, bởi vì thơ ca đến sát nhất lòng đeo đuổi thực tại và đến sát nhất sự tri giác thực tại, cái tưởng như được nằm ở nơi giới hạn cùng cực của thực tại và sự săn đuổi thực tại, nơi dường như thực tại hình thành ngay trong bài thơ.

 

Thông qua sự tương đồng và sử dụng biểu tượng, qua sự khởi sáng xa vời của công cụ biểu đạt, và nhờ sự tương quan đến ngàn vạn chuỗi phản ứng và liên tưởng lạ kì, và cuối cùng nhờ cái duyên của ngôn ngữ đủ sức diễn đạt sự chuyển động của Cái Hiện Tồn, nhà thơ có được một siêu thực tại không thể giống hệt như cái thực tại của khoa học. Ở con người liệu còn có thứ biện chứng nào mãnh liệt hơn và ai trong mọi con người dấn thân mạnh mẽ hơn vào đó? Khi ngay các nhà triết học đào tẩu khỏi cái ngưỡng siêu hình, thì chính nhà thơ đến đó thế chỗ nhà siêu hình; khi đó, Thơ đã tỏ ra đích thực là “đứa con diệu kì” theo cách nói của một nhà triết học thời cổ, người vẫn coi Thơ là đáng ngờ hơn cả trong vai trò ấy.

 

Thế nhưng, còn hơn là một phương cách nhận thức, Thơ trước hết là phương thức sống - và sống trọn vẹn. Nhà thơ tồn tại trong con người sống nơi hang động, nhà thơ lại sẽ sống trong con người thời hạt nhân, vì chất nhà thơ đó là phần không thể thiếu của con người. Ngay cả tôn giáo cũng sinh ra từ Thơ, một đòi hỏi tinh thần, thế rồi nhờ có Thơ mà cái tia lửa thiêng trời phú sẽ được gìn giữ mãi trong hòn đá lửa người. Khi các huyền thoại sụp đổ, cái linh thiêng đi tìm nơi trú ngụ trong Thơ, có thể tiếp tục sống trong Thơ. Hệt như trong các đám rước cổ, những người rước Bánh nhường cho những người rước Đuốc đi trước, đó chính là sức tưởng tượng của Thơ thắp lên niềm đam mê kiếm tìm ánh sáng đến vô cùng của con người. Hãy nhìn niềm kiêu hãnh của con người bước đi dưới gánh nặng sứ mệnh vĩnh cửu! Hãy nhìn con người bước đi dưới gánh nặng nhân loại khi một chủ nghĩa nhân văn mới, một sự hợp nhất thực thụ về tâm trí, được mở ra trước mắt con người... Trung thành với sứ mệnh của mình, chính là sự đào sâu vào bí ẩn con người, Thơ hiện đại dấn thân vào một sự nghiệp mà càng đeo đuổi thì càng khiến con người được hoàn toàn là chính mình.

 

Trong một thứ Thơ như vậy, chẳng có gì như thể cuộc tranh tài. Cũng chẳng hoàn toàn là thẩm mĩ. Đó không phải thứ nghệ thuật như thuốc xoa bóp chữa đau, cũng chẳng phải là thứ để trang trí. Nó không sản xuất ngọc trai nhân tạo cũng không buôn bán những biểu trưng thay thế, và nó cũng chẳng thấy thỏa mãn với bất kì cuộc liên hoan âm nhạc nào. Trên đường đi, Thơ liên minh với Cái Đẹp - liên minh tối thượng, những vẫn chẳng coi đó là mục đích tối hậu, cũng chẳng coi đó là miếng mồi duy nhất. Bằng cách chối từ việc tách rời nghệ thuật khỏi cuộc sống, cũng như tách rời tình yêu với nhận thức, Thơ là hành động, Thơ là đam mê, Thơ là sức mạnh và sự đổi mới luôn luôn không biết đâu là giới hạn. Tình yêu là ngôi nhà ấm của nó, bất tuân lệnh là niềm tin của nó, và nó ở khắp chốn cùng nơi, ở trong khả năng đi trước và thấy trước. Nó không bao giờ là sự vắng mặt hoặc sự khước từ. Tuy nhiên, nó không trông đợi gì ở những thuận lợi của thời đại. Bị trói chặt vào cái mệnh của mình, và hoàn toàn không bị ràng buộc vì bất kì ý thức hệ nào, Thơ tự thấy mình ngang vai bằng lứa với chính cuộc sống, và chỉ có mỗi một chốn để biện bạch đó là chính cuộc sống. Và hai cánh tay Thơ giang ra một lần ôm như một khổ thơ lớn sinh động, thế là nó ôm cả quá khứ lẫn tương lai, cả chất người và chất siêu người, toàn bộ không gian hành tinh và không gian vũ trụ. Vẻ tối tăm bí hiểm nó bị người đời chê trách không phải là bản chất của nó, vì bản chất nó là soi sáng, là cả cái đêm đen đang được nó thăm dò; đó là tâm hồn con người và cả chốn thẳm sâu đen tối ngập tràn cuộc tồn tại người. Cách biểu đạt của nó không thể tối tăm, và điều nó tỏ bày không hề kém chính xác so với cách diễn đạt của khoa học.

 

Thế là, nhờ có sự gắn bó hoàn toàn vào cái hiện tồn, nhà thơ giúp chúng ta duy trì mối liên hệ với cái tồn tại thường xuyên và tính thống nhất của Bản thể. Và bài học nó rút ra là bài học lạc quan. Đối với Thơ, chỉ có một nguyên lí chi phối toàn bộ cuộc thế này, đó là nguyên lí hài hòa. Không có cái gì có vượt quá khuôn khổ bản chất người lại có thể xảy ra ở đó. Những thăng trầm tồi tệ nhất của lịch sử chỉ là những nhịp điệu chuyển mùa nằm trong cái chuỗi sự kiện và đổi mới to rộng hơn rất nhiều. Và những vai Nữ thần Cuồng nộ(1) đang giương cao đuốc đi ngang sân khấu thì cũng chỉ soi rọi được chốc lát một chủ đề quá dài đang tiến diễn. Những nền văn minh đang chín muồi đâu có bị chết lây vì vài ba vụ thất bát lúc thu sang, đó chỉ đơn thuần là những chuyển động để đổi thay. Chỉ có sự ý trệ là mối đe dọa đáng sợ mà thôi. Nhà thơ là người có mặt ở đó giúp ta phá vỡ các thói quen. Và cũng chính vì vậy mà dù chẳng muốn thì nhà thơ vẫn thấy mình gắn bó với biến thiên lịch sử. Và chẳng có tấn kịch nào trong thời anh ta đang sống lại xa lạ với anh. Mong sao nhà thơ gửi được rõ ràng cho tất cả chúng ta cái phong vị sống vào thời khắc vĩ đại ấy! Bởi chưng thời khắc thì trọng đại và mới mẻ để ta có thể nắm bắt cái mới hoàn toàn. Và suy cho cùng, liệu chúng ta muốn giành cho ai cái vinh dự được sống đầy đủ cái thời đại này?

 

“Đừng sợ sệt” - Lịch sử lên tiếng vào một ngày nó bóc đi tấm mặt nạ bạo lực, và một tay giơ cao, nó làm dấu hiệu dàn hòa của Thánh nhân Đông Phương giữa cao trào vũ điệu thịnh nộ - “Đừng sợ sệt, và cũng chớ hoài nghi - vì hoài nghi là vô sinh và sợ sệt là súc sinh. Tốt hơn cả là hãy lắng nghe nhịp đập bàn tay ta đóng dấu ấn sáng tạo vào câu nói lớn của loài người luôn luôn trên con đường sáng tạo. Không lẽ nào cuộc sống lại có thể khước từ chính mình. Không có cái gì là sống lại xảy ra trước hư vô hoặc do ưu ái cái hư vô. Nhưng cũng chẳng có gì trong dòng chảy không ngừng của Hiện tồn mà lại duy trì được hình hài hoặc khuôn thước. Điều bi kịch không phải là ở trong bản thân đổi thay. Tấn kịch đích thực của thế kỉ là ở khoảng cách ta tạo ra to rộng giữa con người hữu hạn và con người vô hạn trong thời gian. Liệu một con người đã được khai sáng ở bên này dốc khi sang bên kia dốc cũng con người đó có u tối đi chăng? Và sự trưởng thành bắt buộc của con người trong một cộng đồng không ai giao tiếp với ai phải chăng chỉ là sự trưởng thành giả hiệu?...”

 

Giữa lòng chúng ta, nhà thơ chân chính là chứng nhân cho cái sứ mệnh kép của con người. Và điều đó có nghĩa là nâng cao trước đầu óc con người một tấm gương hết sức nhạy cảm để con người soi những khả năng tâm trí của mình. Đó là cất cao tiếng ngay trong thế kỉ chúng ta đang sống đây để nói lên cái thân phận người xứng đáng hơn cái thân phận con người do tổ tông sinh ra. Cuối cùng đó là gắn bó tâm hồn tất cả mọi con người vào dòng năng lượng tâm trí của toàn bộ thế gian. Đứng trước năng lượng hạt nhân, liệu cây đèn đất sét của nhà thơ có đủ sức làm điều đó? Câu trả lời là làm được, nếu như con người nhớ lại được đất sét.

 

 Và đối với nhà thơ, như vậy là đủ để anh ta thành tấm lương tri tồi tàn của Thời đại mình.

 

Phạm Toàn dịch từ bản tiếng Pháp

(Nguồn: http://nobelprize.org)

 

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - VietNamNet

Trần Tiển Cao Ðăng
Số lần đọc: 2531
Ngày đăng: 06.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ xưa viết về Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Văn học nghệ thuật : Đi con đường thị trường - Trần Thị Trường
Cứ đi theo những dòng sông - Tương Lai
Trần Dần - nhà cách tân thơ Việt - Nguyễn Trọng Tạo
Giải thưởng lần thứ nhất ( 2007), Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam : Chào mừng những mầm non văn học ! - Triệu Xuân
Vầng hào quang , Dòng nước mắt và suối mồ hôi - Nguyễn Khắc Phê
Sinh khí nào cho những người cầm bút : Những tương xung vô hình - Khaly Chàm
Một vài yếu tố văn hoá đặc trưng của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu có thể khai thác du lịch và tổ chức lễ hội - Đinh Văn Hạnh
"Thiên duyên tình mộng" Hồi xuân ca của Phạm duy?! - Trần Kiêm Ðoàn
Rượu thơm vương 9000 năm… - Hà văn Thùy