Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
857
116.685.340
 
Thu đi lá rơi xào xạc - 2
Trịnh Thanh Son

Tôi viết lại từ đầu:

            “…Về Hà Nội, ngay đêm sau, ông điện thoại cho nàng. Ngoài mấy câu xã giao, ông nói một lời thầm thì làm nàng điếng người: “Em có biết không? Hình như tôi yêu em rồi đấy!” Nàng cúp máy cái rụp, mặt nóng bừng vì cảm thấy mình bị xúc phạm.Vài phút sau, lại có tiếng chuông điện thoai, nàng đoan chắc là ông gọi lại, nên không nhấc máy. Có tiếng con gái nàng từ dưới nhà vọng lên: “Mẹ ơi, bố gọi cho mẹ đấy, mẹ nghe đi!” Nàng vội vã nhấc máy lên.Tiếng chồng nàng từ xa xôi vọng về.Thì ra, chồng nàng ra Đảo, tuần này không về được. Nàng trút một hơi thở dài, như trút đi một gánh nặng…Đêm ấy, nàng không sao ngủ được!..”

 

            Bịa! Làm gì có chuyện ấy?Văn chương, dù hư cấu đến đâu, cũng phải bắt nguồn từ hiện thực. Không có hiện thực, văn chương chỉ còn là mớ chữ nghĩa hổ lốn, không cần cho ai và chẳng để làm gì. Trí tưởng tượng như một cánh diều, nhưng cái dây buộc phải nằm trên mặt đất, mặt đất của hiện thực, dù hiện thực ấy có cay nghiệt đến đâu!

 

            Phải viết lại từ đầu:

            “Khi nàng bước ra khỏi giảng đường, nắng chiều đông đã hoe vàng trên những tán cây bao quanh khu sân trường rộng rãi. Các cô cậu sinh viên ríu rít chào nàng, rồi ríu rít dắt nhau đi, xôn xao cười nói, trẻ trung và tươi tắn làm sao! Có một chút thèm thuồng, nhớ tiếc bâng khuâng mỗi chiều khi tan học,khi nàng ngắm nhìn cảnh ấy. Vừa mới đây thôi, chừng mươi năm trước, ta cũng từng ríu rít và xanh tươi thế kia, hồn nhiên và mơ mộng thế kia!

 

            Dắt xe máy từ nhà gửi xe ra, nàng định về nhà ngay, vì sáng nay, đứa con trai lên mười của nàng bị cảm sốt, phải nghỉ học, nhờ bà ngoại trông.

Nàng định ghé qua một hiệu thuốc quen, mua cho con vài vỉ thuốc theo đơn của ông bác sỹ ở cạnh nhà. Chưa kịp lên xe, nàng nghe tiếng chuông điện thoại cầm tay trong túi xách. Giọng một người đàn ông trầm ấm, thân thuộc vang bên tai nàng: “Tôi về Đồ Sơn, làm một bộ phim Tài liệu cho Hải Phòng.Hiện tôi đang ở Khách sạn Nam Phương, em có xuống được không?” Nàng hốt hoảng trả lời: “Em vừa lên lớp xong, đang định về nhà. Thằng con trai nhà em đang ốm, làm sao bây giờ?

 

            Tiếng người đàn ông điềm tĩnh trong điện thoại: “Tiếc quá nhỉ! Tôi chỉ ở lại Đồ Sơn chiều và đêm nay, sáng mai tôi qua Cát Hải.Thôi đành vậy. Hẹn lần sau tôi về Hải Phòng.” Tự nhiên, nàng cuống lên, hét vào trong máy: “Không, không! Ông đợi đấy, em sẽ xuống. Ông đừng đi đâu đấy, cứ đợi em ở Khách sạn!” Tiếng trả lời vui vẻ: “Tuyệt lắm!Tôi sẽ đợi!”

 

            Nàng vội vã quay xe, phóng về hướng biển. Đã bao năm, sinh ra và lớn lên ở đất Cảng này, nàng thuộc Đồ Sơn như lòng bàn tay. Khách sạn Nam Phương, với nàng không khó. Chỉ có điều, ở dưới này, nàng có quá nhiều học trò, quá nhiều phụ huynh học sinh mà nàng quen biết, vì vậy, sự xuất hiện của nàng có thể sẽ là mục tiêu cho nhiều cặp mắt tò mò.Một cô giáo như nàng, đi đâu, gặp gỡ những ai, rất cần thận trọng. Con người, trong cõi đời này, trong xã hội này, chỉ là một con ruồi mắc trong tơ nhện, nàng hiểu điều đó một cách chua xót và thấm thía. Nhưng lúc này, không hiểu vì sao nàng vẫn lao xe xuống Đồ Sơn. Hình như, với tất cả bản năng sống của một con người, nàng không sao cưỡng được tiếng gọi tha thiết ấy. Ở đó có một người đang đợi nàng, một người mà đã bao lâu nay, với nàng đã trở nên thân thiết, trở thành nửa kia của đời nàng. Những ý nghĩ lùng bùng trong đầu, sự thôi thúc của tình cảm bồng bột, một ham muốn cháy bỏng và bồng bột, cả một bản năng bồng bột…Trên hai mươi cây số, giữa nắng hè chói gắt và bụi bặm. Bao ý nghĩ làm đầu nàng rối tung.Nhưng chiếc xe vẫn lao về phía ấy, phía có một người đàn ông đang đợi nàng. Hình như đang có một lực hút nào, một thỏi nam châm nào, một ma mỵ nào cuốn nàng về phía ấy, nàng không sao cưỡng nổi.

 

            Và nàng đi như bay trên đường, xuyên qua cả một rừng xe cộ.

            Ông đón nàng ngay ở cửa khách sạn.

            Giọng ông vui như reo:“Chào em! Cám ơn em đã tới! Ta vào nhà đi!”

            Rồi ông hỏi nàng đi đường có mệt lắm không, rồi ông rót nước lọc mời nàng, rổi ông đưa cho nàng chiếc khăn thấm nước mát, rồi ông hỏi con trai nàng có mệt nặng lắm không, rồi ông hỏi dạo này “thằng giặc” của em có hay về thăm mẹ con em không?...Nếu là người khác, dám gọi chồng nàng là “thằng giặc”, thì chắc chắn nàng sẽ bất bình, thậm chí sẽ nổi đoá. Nhưng nghe ông nói hai từ ấy, nàng thấy vừa dịu dàng, vừa thân thiết làm sao! Hoá ra với ông,“thằng giặc”của nàng cũng không đến nỗi nào.Và nàng hiểu rằng, trong thâm tâm, ông cũng rất tôn trọng “thằng giặc” ấy của nàng.   

 

            Nàng âu yếm gục đầu trên ngực ông hồi lâu, như một đứa con gái gục đầu vào lòng cha, lại như một người tình âu yếm. Nàng đưa hai tay ôm lấy cổ ông, vuốt mái tóc còn đen nhưng rất mỏng của ông như bàn tay người mẹ, sẽ sàng, nhẹ nhàng và âu yếm. Nàng lẩm bẩm mấy tiếng, nghe thoảng như hơi thở, trong một ôm ghì thiết tha: “Em yêu ông! Em nhớ ông vô cùng!”

 

            Ông vuốt mái tóc xanh mềm của nàng, khẽ đưa bàn tay âu yếm nâng cằm nàng lên, nhìn sâu vào mắt nàng hồi lâu, và thầm thì: “Tóc em thơm và môi em ấm. Ta yêu em nhất trần gian!” Nàng thấy mình run rẩy trong vòng tay của ông, nàng chỉ muốn những phút giây này mãi mãi…

 

            Ông buông nàng ra và hỏi khẽ:

            “Chiều nay,em có muốn tắm biển không?”

 

            Nàng vẫn gục đầu trên ngực ông,khe khẽ lắc đầu. Lâu sau, nàng nói trong hơi thở dập dồn: “Lúc này, em chỉ muốn ở bên cạnh ông thôi!”

 

            Ông tự tay cởi áo khoác ngoài cho nàng, rồi âu yếm bế nàng lên giường, đặt gối cho nàng nằm và nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh.Nàng vẫn mặc nguyên áo sơ mi, quần bò và chiếc dây lưng to đùng. Ông lồng tay gối đầu nàng lên cánh tay ông và hôn thắm thiết lên trán nàng, mắt nàng, cổ và ngực nàng. Nàng cảm thấy run rẩy như thể lần đầu được ôm choàng trong một vòng tay đàn ông. Bàn tay ông mềm mại, vuốt ve trên thân thể nàng, những ngón tay mới dịu dàng làm sao! Cả người nàng nóng bừng trong một thèm muốn và khao khát vô bờ.Nhưng với bản tính nhút nhát của một phụ nữ, nàng chỉ biết quằn người lên chờ đợi.Dường như mọi tế bào trong người nàng đã được đánh thức, người nàng nóng hầm hập, căng phồng, nhức nhối và đau buốt đến tận sống lưng. Mọi nguồn nước trong người nàng oà ra, vỡ tung,tràn trề…

 

            Vậy mà, khi ông vừa hôn nàng, vừa lần tay nhẹ nhàng xuống chiếc dây lưng của nàng, nàng bỗng co người lên, chặn tay ông lại. Ông vội vàng buông tay ra, khi nghe nàng nói khẽ: “Đừng, đừng ông!”

 

            Nhưng nàng vẫn nằm im. Nếu ông dám liều lĩnh và quyết liệt tháo bỏ chiếc thắt lưng kia ra, nếu như ông dám liều lĩnh và quyết liệt cởi từng chiếc khuy áo trên ngực nàng…chắc là nàng vẫn sẽ chống cự, sẽ vùng vẫy nữa, nhưng rồi cuối cùng, nàng sẽ là của ông, của ông trọn vẹn.Nàng nằm lặng im, như chờ đợi sự liều lĩnh cuối cùng của ông.

 

            Nhưng ông đã không làm những gì mà nàng hình dung, như nàng ao ước, nàng sẵn sàng, nàng chờ đợi. Ông lại hôn lên trán nàng, mắt nàng hồi lâu và thầm thì nói: “Hay là chúng mình xuống biển đi! Tôi muốn được cùng em ra biển.”

 

            Nàng vẫn nhắm mắt, nói khẽ:

            “ Em muốn nằm ở đây, em không muốn ra biển!”

 

            Ông khẽ khàng trở dậy, bước vào phòng tắm. Có tiếng nước chảy rào rào từ vòi hoa sen. Lâu sau, ông trở lại, ngồi bên bàn nước, châm thuốc hút. Gương mặt ông như buồn rầu, như đăm chiêu. Nhìn dáng vẻ của ông, bỗng nhiên nàng cảm thấy thương ông đến quặn lòng.

 

            Nàng ngồi dậy, vuốt lại mái tóc và nói:

            “Vâng, chúng mình ra biển đi ông!”

            Ông đưa nàng vào một quán nước nhỏ tuyềnh toàng ven biển, gọi hai

quả dừa, có cắm sẵn hai chiếc vòi hút bằng nhựa và trầm ngâm , ngồi im lặng bên nàng. Ông giục nàng uống nước dừa, còn ông ngồi hút thuốc và cứ nhướng mắt nhìn ra biển. Ngoài kia, những con sóng cứ mải miết xô bờ, cứ lặp đi lặp lại cái công việc nhàm chán hàng triệu năm không biết mỏi. Hình như những con sóng kia cũng có điều gì giống như ông, cứ cuồn cuộn xô vào rồi lặng lẽ lui ra…

 

            Biển chiều nay vắng tanh, không một bóng người. Không có những bộ quần áo tắm sặc sỡ, không có lũ trẻ con trần truồng đá bóng hoặc chạy nhảy trên bãi biển rộng mênh mông. Ngồi bên nàng mà ông như đang đắm chìm vào  những cảm xúc và suy tưởng của riêng mình. Nàng lặmh lẽ ngồi ngắm ông như một cô bé hiếu kỳ…

 

            Đột nhiên, ông quay lai, nhìn sâu vào mắt nàng, khẽ nói:

            “Nhìn biển vắng, chợt nghĩ ra mấy câu thơ, tặng em. Em có thích nghe không? Nàng khe khẽ gật đầu và mỉm cười khích lệ. Ông đoc. Giọng ông trầm buồn, nghe âm u trong tiếng biển cồn cào :

                                       Có hai bóng người đơn côi

                                       Cạnh biển chiều im vắng

                                       Trước mặt hai quả dừa im lặng

                                       Câm lặng hai bóng người

                                       Ngồi bên nhau mà không dám cầm tay

                                       Ngồi bên nhau mắt không nhìn vào mắt

                                       Họ nhìn ra biển về phía không đâu

                                       Cuộc đời mong manh quá

                                       Những con sóng già nua muốn táp lên bờ

                                       Biển mùa này cô đơn

                                       Sóng vẫn thầm thĩ hát

                                       Ta thèm hát một lời như sóng

                                       Nhưng biết làm sao được!

                                       Ngày xưa ơi đã quá xa vời

                                       Những con sóng đời người mong manh quá

                                       Quả dừa và em im lặng bên tôi!...       

 

            Đọc xong, ông nhìn nàng, mắt  ông như rớm nước, gương mặt ông vàng vọt nắng chiều. Nghe ông đọc những câu thơ tràn đầy mặc cảm kia, nàng xúc động nghẹn ngào, đưa tay cầm lấy bàn tay ông. Và nàng nói:

 

            “Ông đừng nghĩ ngợi nhiều quá thế…Từ ngày gặp ông, lúc nào em cũng yêu ông. Em yêu ông thật lòng! Yêu bằng tất cả những gì em có thể!”

 

            Ông nghe nàng nói với một vẻ chăm chú đặc biệt rồi khe khẽ gật đầu.Ông đặt cả hai bàn tay mong manh của ông  trên tay nàng và nói:

 

            “Tôi tin em. Tôi tin những gì em vừa nói. Thật sung sướng và cảm động vì điều ấy. Nhưng em hãy nhìn kia, những con sóng cuối mùa mới yếu ớt làm sao! Tôi giờ chỉ như những con sóng buồn bã ấy!...”

 

            Nàng cười: “ Ông hứa yêu em mười năm kia mà? Tính đến hôm nay, mới chưa tròn một năm. Trước mắt còn dài lắm!”

 

            Ông cũng khẽ cười, nắm chặt tay nàng: “ Đừng bao giờ tin vào lời hứa của một lão già, “Mèo con” ạ! Những lời nói của ông, vẻ mặt thánh thiện của ông và bàn tay với những ngón dài gầy guộc đang nằm trong tay nàng, khiến nàng thổn thức, nghẹn ngào…

 

            Nàng chợt nhớ tới cái buổi chiều mưa gió, nàng lên Hà Nội tìm ông. Nàng đứng dưới mưa tầm tã, tren một bến xe buýt và gọi điện thoại cho ông. Ông nói, ông đang quá bận, không thể ra gặp nàng được. Thất vọng và tủi hổ ê chề, nàng về lại Hải Phòng ngay đêm ấy. Nàng đã viết cho ông một bức thư với những lời lẽ thậm tệ. Sau khi nhận được thư nàng, ông liền gửi cho nàng một bài thơ. Khi ấy, nàng mới biết ông không bận gì cả, mà đang nằm trong  Bệnh Viện. Nàng hối hận vô cùng vì đã hiểu lầm ông, ngờ vực tình cảm chân thành của ông giành cho nàng. Bài thơ của ông, nàng đã đọc trong nước mắt. Nàng nhìn ông, hỏi : “ Ông có muốn em đọc bài thơ năm ngoai, ông gửi cho em không?” Ông tỏ ra ngạc nhiên : “Bài thơ nào nhỉ? Từ ngày gặp em, tôi đã gửi cho em cả chục bài thơ…”

 

            “ Nhưng đây là bài thơ đặc biệt, bài thơ chia ly, bài thơ đau buồn nhất mà ông đã viết cho em trong Bệnh viện!” Ông nhìn nàng, sửng sốt: “Sao lại chia ly?”Nàng biết ông đã quên bài thơ ấy, quên cả lá thư đau đớn và giận dỗi mà nàng gửi cho ông sau chiều mưa tuyệt vọng ấy. Và nàng đọc : 

                           Giận hờn ư? Em cứ giận hờn đi

                           Cả khinh ghét, hận thù, nguyền rủa nữa

                           Hãy nhìn thử vào gương, em sẽ rõ

                           Nước mắt nào đang tố cáo mình đây ?

 

                           Vĩnh biệt ư? Em vĩnh biệt ai nào?

                           Dẫu thề độc suốt đời không nhìn mặt

                           Hãy nhìn thử vào gương , ai người đang khao khát

                           Cơn gió nào lạnh buốt gối chăn ?        

 

                           Khổ đau ư ? Ai khổ đau hơn?

                           Người đứng đợi dưới mưa hay kẻ nằm trong Viện

                           Khoảnh khắc ấy như trời xui, đất khiến

                           Mà nước mắt lưng tròng, mà tê buốt tâm can !

                          

                           Thanh minh ư? Lời nào để em tin?

                           Người là phán quan, ta tội đồ câm lặng

                           Cánh buồm nhỏ mà sông đời quá rộng

                           Yêu một đời chưa hết một câu thơ!

                           Hãy nhìn thử vào gương

                           Xin người chớ khóc oà!...

 

         Nghe nàng đọc xong, ông chợt thốt lên: “Ồ, tôi có viết bài thơ ấy thật à? Bậy quá, bậy quá! Tôi xin lỗi em. Đôi khi tôi không làm chủ được tình cảm của minh!” Nhìn vẻ mặt chân thành của ông khi ông nói, nàng cảm thấy thương và yêu ông vô cùng.

 

         Nàng liếc nhìn đồng hồ tay. Đã năm giờ chiều, muộn quá rồi. Nàng còn phải về trên Thành phố, xem con sốt thế nào.Thấy nàng xem đồng hồ, ông ý tứ nói: “Em phải về rồi ư?” Nàng lặng lẽ gật đầu.

 

         Ông nói: “Em về với các con đi.Tôi không tiễn em đâu!”

         Nàng dắt xe, lặng lẽ ra khỏi quán.

         Ông vẫn còn ngồi đó, lặng im như một khúc củi khô, lại giống như một bức tượng nhà mồ…

 

         Hai tuần sau, trong chương trình Thời sự thứ bảy, Đài Truyền hình Trung ương báo tin, ông đã mất đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim. Nhìn bức ảnh ông trên Tivi, nàng gục xuống gối, âm thầm nức nở…

 

         Có tiếng chồng nàng từ dưới nhà vọng lên:

         “Em ơi! Chúng mình đi xem ca nhạc đêm nay.Em chuẩn bị nhanh lên, sắp tới giờ rồi!”

         Nàng vẫn nằm lặng im, úp mặt vào gối, nước mắt giàn giụa.

         Bây giờ, nàng mới tự trách mình, sao đêm ấy, nàng không ở lại?!

                                                           

                                                            *

                          

         Câu chuyện của lão già đến đây là hết. Đọc xong, tôi tức điên cả người. Lão già định lấy cái chết đột tử để trồn chạy ai đây? Lão tưởng, chết dễ lắm đấy à? Thì lão cứ thử chết đi, xem có giải thoát được không? Nếu mọi khổ đau của cuộc đời này, chỉ trốn đi bằng cách chết thì dễ dàng biết bao nhiêu ?

 

Tôi chợt nhớ ánh mắt lão già hoảng hốt thế nào khi ngồi nhìn những lá cây xạ hương rụng trong sân Bệnh viện. Và lão nói với tôi về truyện ngắn Chiếc

lá cuối cùng của Ô. Henri.

 

          Ngày mai, vào Bệnh viện, tôi sẽ cho lão một trận. Tự cháy là một truyện ngắn hoang đường nhất, ngẩn ngơ nhất trong cuộc đời đầy rủi ro và bất trắc của lão!

         Nhưng mà tôi biết, lão lại đang yêu! Khổ chưa?!

 

 *                                             

         Đọc xong cái truyện ngắn giời ơi đất hỡi của lão già, tôi không sao ngủ được. Vợ tôi từ phòng trong bước ra, vừa dụi mắt, vừa hỏi: “ Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?” Tôi biết tính nàng nên không đáp ngay mà tỏ ra đang đăm chiêu suy ngẫm một công việc hệ trọng. Nàng bước tới sau lưng tôi, choàng vòng tay qua cổ và hôn lên tóc tôi. Cử chỉ âu yếm dịu dàng của nàng làm tôi cảm động. Tôi cầm tay nàng và đặt lên đó một nụ hôn dài. Tôi nói: “ Anh đang đọc một truyện ngắn mới của Lão già. Đã lâu lắm lão già mới lại viết truyện ngắn. Câu chuyện vẩn vơ, nó làm anh mất ngủ. Anh nghĩ, lão già đang khủng hoảng. Lần này, lão ốm nặng lắm đấy.Chịu nằm Viện nửa tháng không phải chuyện thường...”. Vợ tôi bảo: “Mai vào Viện, anh cho em đi với!” Tôi nói: “ Chưa cần. Em mà vào, lão già lại càng hoảng,sợ mình bệnh nặng thật. Lão già xưa nay vốn rất yêu quí em mà!” Vợ tôi nói: “ Bạn bè của anh , em chỉ thấy mấy ông già là tốt. Anh chỉ có bạn già, Anh chơi với mấy ông già, em rất yên tâm!”

 

         Bạn già ư ? Tôi chỉ có những ông bạn già thôi ư?

         Hình như vợ tôi nói đúng. Tôi xưa nay chỉ thích chơi với những ông bạn già. Tôi chỉ yêu quí những người bạn già mà tôi thường gọi là chú hay là bác, tuổi ngang tầm bố mẹ tôi, các chú, các cô tôi...Chơi với bạn bè cùng trang lứa, tôi thường thấy chúng nó ngơ ngẩn quá, hãnh tiến quá, tham lam quá, giành giật quá, láu cá hoặc đểu cáng quá! Chúng đểu cáng không phải bản chất hắn đểu, mà vì một sự xúi bẩy vô thức nào đó của đời sống chụp giật, ăn tươi nuốt sống làm cho hắn, dù vô thức bỗng trở thành thằng đểu. Có lần, tôi nói với lão già điều đó, lão nghe xong, điềm nhiên bảo: “ Tôi tin cậu đã nhận xét đúng. Và như thế, cậu sẽ thành người, một người tử tế!”Lão cười cái cười rất đặc trưng của lão, vừa cười vừa như mếu, vừa cười vừa như người đang sắp khóc : “ Làm một con người cho ra hồn người là chuyện khó nhất trần gian. Muốn làm người phải hiểu được con người. Con người là sinh vật kỳ bí nhất mà Thượng đế lỡ sinh ra trong một phút say sưa đầy tuỳ tiện, đầy hứng khởi, giống như cơn bốc đồng của loài thi sỹ! Khi Thượng Đế chính là một Thi sỹ mới lơ đãng sinh ra con người, để thay thế cho loài Khủng Long ăn thịt! Con người thực chất là một loài Khủng Long!” Tôi hỏi: “ Lão già ơi! Làm người khó vậy sao ?” Lão già lại cười khùng khục, vừa cười vừa như mếu, vừa cười vừa như người táo bón, rặn ra rằng: “ Làm một con người là chuyện khó nhất trần gian. Ngoài ra chỉ là những con Kủng Long và những con giòi!”.

 

         Tôi không sao ngủ được. Khi thấy vợ đã ngủ ngon, tôi len lén trở dậy, sang phòng làm việc và mở Vi tính ra. Tôi đánh máy rất nhanh cái truyện ngắn hoang đường của lão già và đọc lại. Đúng rồi, khổ thân lão, lão đang yêu! ở vào cái tuổi xế chiều của lão mà còn yêu thì hẳn là bi kịch rồi! Tôi phải can thiệp vào chuyện này, với tư cách là một người bạn vong niên, nhất thiết tôi phải can thiệp vào mối tình ngẩn ngơ của lão. Tôi không muốn những con Khủng Long giống cái tàn phá cuộc đời lão một lần nữa!

 

         Chiều hôm sau tôi vào Bệnh viện, tìm lão già khắp nơi nhưng không thấy. Tôi ngồi ở sân Bệnh viện đến hơn cả tiếng đồng hồ, trên chiếc ghế tôi ngồi với lão hôm qua. hợt có tiếng người sau lưng: “ Đồ quỉ tha ma bắt, nhà ngươi đến rồi à? Ta đã chờ nhà ngươi hàng thế kỷ!”

 

         Tôi vừa bực, vừa vui vì dù sao cuối cùng vẫn nhìn thấy lão. Hôm nay, trông gương mặt lão có vẻ tươi tỉnh hơn, hào hứng hơn. Lão nói: “ Bỏ ngay cái bộ mặt đưa đám của cậu đi! Vào trong kia, làm vài ly bia nhé?”

 

Trịnh Thanh Son
Số lần đọc: 1973
Ngày đăng: 12.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đối ẩm trong sương - Ngô Phan Lưu
Chiếc ly vỡ - Nguyễn Lệ Uyên
Thời kỳ mèo - Trần Đức Tiến
Tôn gia trang - Ngữ Yên
Xóm Đông - Trang Thanh
Đàn ông đã chết - Lê Hoài Lương
Bây chim trước hiên nhà - Nguyễn Lệ Uyên
Vi đan - Hiếu Tân
Chuyện đám ma - Giang Thị Kim Phụng
Thiên đường chớp mắt - Trần Đức Tiến