Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.701.237
 
Đàn ông đã chết
Lê Hoài Lương

Tôi cười rũ. Cười thoải mái vô tư cùng mấy người bạn gái. Anh chồng vui tính của người bạn nhận xét về lứa U 40 chúng tôi: “Mấy bà như chậu hoa ngày tết bưng ra để trước cửa. Cho đứa nào bợ đi cũng được. Sáng ra thấy nó lấy mất cái chậu, hoa bỏ lại!” Anh có khiếu hài hước, chuyện gì qua cách kể cách nói của anh cũng vui. Anh là sĩ quan quân đội, hấp dẫn nhiều mặt, nhưng đừng vội nghĩ sai, chồng bạn thì đừng tơ tưởng. Thà khuất mày khuất mặt, chồng của ai đó. Nhưng liệu có còn người đàn ông nào nữa không cho mình tơ tưởng? Tôi cũng U 40, tôi cười vì cách ví von nghe ngộ của anh chớ không phải ý nghĩa câu nói này. Đối với tôi, đàn ông đã chết. Tôi, hai đời chồng và vô khối đàn ông trong những cuộc tình những gặp gỡ thoáng chốc. Tôi, giám đốc một doanh nghiệp kha khá, có tiền có quyền, nhất là còn nhan sắc.

 

Anh khóc. Sau khi đã làm tôi thỏa mãn. Anh có vẻ cũng thế. Tôi không dám chắc, đàn ông thường gian manh trong chuyện chăn gối. Anh khóc vì lời cầu hôn lần thứ một trăm tôi vẫn từ chối. Người đàn ông nhỏ hơn tôi gần chục tuổi này có thể hình đẹp, dục tính sung mãn, nhiều hấp lực với nữ giới. Đàn bà càng từng trãi càng nhanh chóng bị hấp lực này quyến rũ. Tôi dẫn anh lên giường ngay lần gặp đầu tiên. Anh luôn trong trạng thái ấm ức, thứ nhứt anh không phải kẻ chinh phục, thứ hai dù rất hài lòng hưởng thụ, tôi không hề có vẻ thường thấy của những phụ nữ khác là khi đàn ông đã nằm trên bụng họ là có một ảnh hưởng, một quyền lực, một tác động nào đó khiến người nữ- kẻ bị khuất phục- có đúng một ngàn lẻ một lý do để biện minh cho sự lệ thuộc của mình bằng cách tô vẽ cho người đàn ông những phẩm chất  hoặc thói tật đáng yêu; họ rơi vào trạng thái tự lừa phỉnh một cách vô thức xét cho cùng cũng là biểu hiện rất bản năng, một sự yêu mình, đề cao mình, rằng, đấy mới là người đàn ông xứng đáng với ta, đấy mới là người đàn ông ta lựa chọn; anh ấm ức vì biết càng lúc càng rõ ràng, tôi chỉ cần anh trên giường, và cho dù rất hài lòng thì cũng chỉ vậy, hết.

 

Con trai tôi một hôm bảo: “Sao mẹ không lấy chồng nữa?” Nó đã lớn. Chắc là đang yêu.

 

Tôi đã khóc hai lần. Lần đầu khi nghe Tần lúng túng nói lời chia tay. Lần thứ hai lúc thành đàn bà. Cả hai đời chồng tổng cộng mười một năm hôn nhân hợp pháp kèm theo hai lần li dị hợp pháp tôi không rơi một giọt nước mắt. Chắc là còn một lần nữa trong đời, người ta thường nói quá tam ba bận, tôi để dành khóc mình chăng? Tôi, nếu còn biết khóc trong hai lần mười một năm ấy thì chắc giờ đã có đời chồng thứ ba, thứ năm gì đó, dĩ nhiên hợp pháp. Tôi đã lựa chọn như bây giờ, không khóc tuyệt đối, nghĩa là lạnh tanh chớ chẳng có kiểu như ai nói nước mắt chảy vào trong, lựa chọn này cũng là tôi danh chính ngôn thuận dừng lại ở hai chồng, một con trai, của người chồng trước.

 

Bây giờ thỉnh thoảng tôi có gặp Tần, anh yên phận ở cái chức tổ trưởng bộ môn trường cấp III huyện. Đáng lẽ phải là trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng hiệu phó gì đó, Tần vào Đảng trong năm cuối sinh viên, giờ đã hai mươi tuổi Đảng rồi. Những lần gặp nhau không bao giờ chúng tôi đụng tới chuyện này vì liên quan tới cái điều quá thê thảm quá tội nghiệp thời trẻ, thời khờ khạo trong sáng vô ngần, mối tình đầu của chúng tôi.

 

Trước trường là vịnh biển vi vút hàng dương. Biển mềm thơm ấm nồng môi hôn, vú biển háo hức căng dần trên ngực, biển rân ran đầy tròn dưới làn da mịn màng nhạy cảm. Biển đắm say. Biển khát. Miên man. Biển chỉ có một mùa yêu nhau. Đến ba năm. Đột nhiên biển động. “Ngọc ơi… Tần biết thật vô lý… nhưng mà… Tần phải vào Đảng… đó là… lẽ sống của Tần, của mọi… thanh niên… bọn mình… không thể có nhau trong đời được… cái lý lịch… người Hoa… của Ngọc…” Biển tử thương. Không vật vã. Không gào thét. Mắt biển vốn đầy dư ba đầy những tiết điệu mỹ miều và hương thơm trong vắt, bỗng thao láo, rồi chầm chậm rỉ hai dòng ngập ngừng nhanh chóng đông lại như máu. Suốt đêm. Rồi thao láo vô hồn đến mấy năm.

 

Giá như chồng tôi hỏi, tôi sẽ thành thật kể với anh. Anh hơi hẫng một chút đêm tân hôn khi biết tôi đã là đàn bà, nhưng anh cũng nồng nhiệt dâng tặng và thụ hưởng. Anh không hỏi nghĩa là tôi không có lỗi trong chuyện này, nghĩa là nhiều lần thấy anh trầm tư nhấm nháp cảm giác bị lừa, tôi có chút thương cảm nhưng cứ để mặc. Rồi đẻ con. Quanh thằng bé xinh như mộng chúng tôi bận rộn hơn, ngôi nhà ấm áp hơn. Thực ra ngôi nhà chưa hề lạnh trong suốt thời gian chúng tôi chung sống. Chỉ có những khoảng trống vĩnh viễn không thể lấp đầy. Tôi không ân hận gì, chỉ một chút tiếc. Chồng tôi là một kỹ sư xây dựng tốt bụng và nghiêm khắc. Với mình. Với người. Tôi tiếc cho anh không hỏi và tiếc cho tôi, người biến tôi thành đàn bà chỉ là người đàn ông tôi tình cờ quen trong mấy ngày thăm người bà con ở một thành phố du lịch. Ngay cả người đàn ông này cũng ngạc nhên vì “trời” cho anh nhiều đến vậy, bất ngờ đến vậy. Nhưng đừng tưởng, tôi cũng cảm ơn anh, người đàn ông thậm chí đến giờ tôi lơ ngơ không rõ tên, anh đã cho tôi cảm giác sống lại sau cái chết của mùa biển động, tôi hiểu, lần đầu tiên hiểu rằng sống sướng như thế nào, còn chết thì chưa biết, chưa nghe ông bà tổ tiên ngợi ca sự chết trong những lần đốt hương khấn vái trước bàn thờ các vị. Anh đã có vợ nên chúng tôi không thành vợ thành chồng. Sau này tôi mới hiểu, giả dụ anh còn độc thân thì mọi thứ chưa chắc đã tốt hơn. Nhưng thôi, chuyện đại khái nó vậy, ba cái thứ yêu đương nhì nhằng rất không đáng quan tâm. Vì chồng tôi không đến nỗi nào nên tôi có chút nuối tiếc về sự không trọn vẹn. Nhưng giả dụ tôi trọn vẹn thì cuộc sống tôi có tốt hơn không?

 

Chúng tôi quyết định chia tay nhẹ nhàng. Để không làm tổn thương nhau. Tôi nhận nuôi con và không ràng buộc chồng bất kỳ điều kiện nào về vật chất. Con trai chúng tôi mới năm tuổi. Hơn năm sau tôi lấy chồng hai, chính xác là anh ta chủ động xin cưới. Tôi ô kê. Sao lại không? Anh làm công an tỉnh. Thời này, vợ gốc người Hoa cũng không sao. Anh một đời vợ. Tôi một đời chồng. Con riêng của anh ở với vợ trước. Có chồng cũng có phần được tuy nhiều ràng buộc, cái được rõ nhất là về căn bản luôn sẵn một người đàn ông. Cả thằng đàn ông liệt dương thì vẫn có chỗ hữu dụng, thật đấy. Đó là ý nghĩ của tôi lúc gật đầu lên xe hoa lần hai. Anh ghiền tôi vì qua vài lần ăn nằm thấy tôi gái một con không chỉ mòn con mắt mà đáng đồng tiền bát gạo, xin lỗi, tôi mới ba mươi, bắt mắt, già dặn chuyện giường chiếu, hành xử có hiểu biết, không đáng tiền ư? Thậm chí hãnh diện nữa. Anh chỉ là một trong nhiều người viết đơn. Tôi duyệt anh vì đơn giản, tôi đang bắt đầu gầy dựng sự nghiệp kinh doanh, chồng công an cũng đỡ đôi phần. Đúng là cái bóng anh có giúp tôi ít nhiều. Nhưng sự này không cản được tôi, ký tên nguyên đơn xin ly dị. Rất nhiều lần, rủ bạn bè về nhà nhậu, anh điện cho các em ca- ve tới rót bia, lần sần rồi ngả ngớn tại nhà, không anh thì bạn bè đầy quyền lực của anh. Dù đã qua một ngàn đàn ông thì tôi vẫn đang là vợ anh, vợ hợp pháp rõ ràng, cư xử với tôi như gái bao à? Tôi đuổi cổ, công an hay ai cũng vậy. Có lần anh đóng cho tôi cái tát tai. Tỉnh, anh mới thấy mình quá đáng. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Ngành công an thời bình đã làm hư anh từ lâu. Con người chất phác ở một miền quê “nhảy núi” vào bộ đội tỉnh, sau giải phóng chuyển sang công an, công việc nhiều quyền lực khiến anh từng ngày biến thành kẻ khác mà tôi, dù lắm thăng trầm vẫn còn ngu ngơ? Không hẳn. Tôi nghĩ có thể hãm anh lại được. Và đây là sai lầm. Hãy hy vọng bất kỳ điều gì khi chưa thuôc về nhau! Dĩ nhiên lần này tôi vất vả hơn để được tự do. Và lần này thì quá đủ. Sẽ không có người đàn ông nào của đời tôi nữa.

 

Sẽ không có người đàn ông nào của đời tôi nữa.

 

“Con nghĩ, mẹ cứ cưới.” Con trai tôi động viên. Nó đang chuẩn bị vào đời. Mà cuộc đời tươi đẹp quá. Nó đang yêu và nó biết hai người thật tuyệt diệu.

 

Tôi, hai đời chồng và vô khối đàn ông trong những cuộc tình trong những gặp gỡ thoáng chốc. Tôi, giám đốc một doanh nghiệp kha khá, có tiền có quyền, nhất là còn nhan sắc. Anh, nhỏ hơn tôi gần chục tuổi, thể hình đẹp, dục tính sung mãn, mơ ước của nữ giới, vẫn kiên trì đặt vấn đề hôn nhân. Với tôi. Đúng một trăm lần. Sau mỗi lần làm tôi thõa mãn. Và tôi cũng ngần ấy lần từ chối. Tôi biết anh không bỏ cuộc. Tôi rồi còn mỉm cười lắc đầu một trăm. Một ngàn lần nữa. Với tôi, đàn ông đã chết.

 

Con trai tôi có thành đàn ông không, tôi không biết. Nhưng tôi biết một ngày nào đó đàn ông sẽ tái sinh. Ngày đó tôi không cần họ nữa.

 

                                                                Suối Trầu, 13 – 5 - 2006

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2520
Ngày đăng: 08.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bây chim trước hiên nhà - Nguyễn Lệ Uyên
Vi đan - Hiếu Tân
Chuyện đám ma - Giang Thị Kim Phụng
Thiên đường chớp mắt - Trần Đức Tiến
Anh ở đâu? - Trang Thanh
Bóng đổ suốt trăm năm - Lê Hoài Lương
Nhớ…. - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyện xứ Mitoman - Hiếu Tân
Thiếu phụ răng đen - Trần Đức Tiến
Chuyện vua nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)