Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
777
116.644.745
 
Một ngón tay nho nhỏ
Lê Hoài Lương

Ông bạn tôi là nhà văn, đã chết rồi, chết thật, bằng chứng là tôi đang đốt hương ở bàn thờ ông đây chớ không phải chết kiểu nói bóng bẩy giới ông dành cho người không có tác phẩm xuất hiện trước công chúng nữa hay nói kiểu sống như chết chưa chôn, hay nói chết vì tác phẩm bị đánh bị quy chụp về tư tưởng. Điều này tuyệt đối không xảy ra: ông lành hiền nhút nhát, văn cũng lành hiền một đời chỉ biết đi tìm cái đẹp mà ngợi ca, né tránh những vấn đề gai góc. Bản tính lành hiền nhút nhát thì không đến nỗi, cùng lắm là cuộc sống đôi khi bị ức hiếp chút đỉnh, cũng không đến nỗi. Nhút nhát sợ sệt thì không được quyền thấy nhục thấy uất. Vấn đề ở chỗ ông là nhà văn.

 

Ông là giáo sư dạy triết đệ nhất cấp, có tinh thần ngả về phía cách mạng, sau giải phóng hăm hở viết bài ngợi ca quê hương đất nước, viết hay nên có chút tên tuổi. Được nhận về Hội văn nghệ tỉnh buổi đầu dựng nghiệp, làm thư ký toà soạn. Ông nhiệt thành chăm chút từng trang viết của đồng nghiệp, của bạn viết mới chập chững. Một viên chức mẫn cán. Ứng xử chừng mực. Có lòng tự trọng. Mọi thứ tốt đẹp cho tới khi ông viết và in truyện ngắn “Người cầm chầu”. Quê ông hát bội là văn hoá, là đặc sản đáng tự hào, nó thấm trong máu thịt người dân, là nghệ thuật đỉnh cao cả biểu diễn và thưởng thức. Nhân vật cầm chầu trong truyện là ông chủ tịch tỉnh lần về thăm quê, gặp hát, các trưởng lão vinh dự nhường roi chầu thưởng phạt cho ông. Ông mê hát bội và rành tuồng trước khi đi làm cách mạng nên ngón chầu ông rất khá. Đại khái một đêm vui văn hoá và hoà đồng giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân. Ông bạn nhà văn viết truyện nhằm ngợi ca vị lãnh đạo nặng việc dân việc nước vẫn giản dị gần gũi, không mất gốc. Ac nỗi, vùng này có câu: “Ở đời có bốn cái ngu / Mai dong, lãnh nợ, nuôi cu, cầm chầu”. Vậy là anh công an văn hoá vặt cho ông một trận về việc ám chỉ gì lãnh đạo chuyện cầm chầu? Kêu lên kêu xuống năm lần bảy lượt, ông làm bản tường trình, cam kết cũng mấy phen mới tạm yên. Tôi nói với ông, đáng đời, sao không ngợi ca quần chúng công nông binh lại đi ca lãnh đạo. Ông cãi, chẳng qua đó là nỗi ấm ức thua thiệt, hoặc một kiểu mặc cảm, họ thừa biết lãnh đạo cũng là con người, có người tốt kẻ xấu. Sau chuyện này, đâu đó trong cơ quan có những cách nói ám chỉ việc ông tốt nghiệp đại học triết Sài Gòn, mà triết đó căn bản là của phản động phương Tây! Ông sợ đến năm năm đơ bút. Rồi cũng nguôi ngoai. Ông viết lại với sự điều chỉnh thường xuyên, lý trí luôn có những phản biện điều đang viết hoặc sẽ viết, bao giờ thật an toàn mới yên tâm công bố. Tác phẩm ông ngăn nắp, sáng sủa theo định hướng sáng tác trong các phát biểu hàng năm của Ban tuyên giáo tỉnh uỷ. Rồi cũng có vài giải thưởng nho nhỏ, có vài cuốn sách được in. Cũng là tên tuổi mơ ước của mấy cây bút trẻ trong tỉnh. Có chút chức phận, chút danh, một ít người trong và ngoài tỉnh biết, chuyện viết của ông thôi không nói nữa. Đời ông kể cũng xuôi, nếu không có vụ ngón tay, cái ngón tay nho nhỏ.

 

Ông bị xước cái dằm, ngón áp út, hôm về quê chữa máng heo giúp vợ. Làm độc. Mấy liều kháng sinh kết hợp rửa nước muối không ăn thua gì. Cái dằm làm to chuyện. Trạm y tế phường khuyên lên bệnh viện tỉnh. Tay bác sĩ cứ trùng trình, xa xôi, không mổ, bảo chưa đủ độ. Hỏi độ gì, đáp, ông là bác sĩ hay tôi. Mất mấy ngày. Bạn bè vào thăm sốt ruột thấy vết tấy đang ngày càng ăn sâu vô trong. Làm dữ thì mổ. Không kịp. Lấy một đốt. Mấy ngày sau cũng không lành. Lấy hết ngón. Tức uất nhưng đành im, sợ nó lấy cả bàn tay, cánh tay như chơi. Nông dân ít biết cách diễn đạt kiểu này. Nhà văn ấm ức xuất viện mất đi một phần thân thể, dù nhỏ, rất nhỏ, có thể nào nói khác đi không?

 

Bạn bè xuýt xoa, chửi inh bọn ăn bẩn, vô lương tâm, xúi kiện. Họ sẵn sàng làm chứng. Bàn tay thiếu ngón oan uổng như một nỗi niềm thường trực, canh cánh. Đó là cái xấu, cái ác. Ở đâu ngoài mình thì có thể làm lơ, đàng này nó độp vào chính nhà văn, cay đắng quá. Nhưng kiện nó, nghe đâu tay này hống hách vì rất có thế lực trên tỉnh, bà con xa gần gì đó với ông phó bí thư. Có khi được vạ thì má đã sưng. Lần khân mãi chưa quyết. Một lần uống rượu với văn hữu, được thêm sức mạnh, chém tay vào không khí: sẽ đưa vào văn! Phải vạch mặt cái ác. Cái kiểu cay cú vì bị hắt hủi chèn ép ngoài đời đưa vào văn cho đỡ tức không hẳn đã là giải pháp hay cho văn chương, cũng biết vậy mà uất quá, làm cho giải toả. Tan rượu lại nghĩ: - Thầy thuốc xã hội ta được đào tạo vì nhân dân mà phục vụ, lấy y đức làm đầu, khắp nơi đều thuộc lòng câu lương y như từ mẫu. Anh viết nhân vật bác sĩ thế là xuyên tạc sự thật! Lại thôi. Nhưng hàng ngày, hễ mỗi lần cầm bút, lại chính bàn tay cầm bút, thiếu một ngón cứ lầy cầy, trợt trạc, nhanh mỏi các ngón còn lại. Sẽ không ai nghĩ tới điều này khi các ngón còn nguyên. Người ta chỉ thấy tiếc khi đã mất đi. Hay đại loại cái gì gần như thế. Mất ngón tay được bù lại những ý nghĩ vụn vặt chẳng ra thể thống gì. Thế mất bàn tay sẽ nghĩ ngợi khá hơn, ha ha, ông bật cười như mếu, nếu mất đầu? Chuyện ngón tay và những suy nghĩ vớ vẩn trên ông kể chân thành, không che giấu sự hèn đớn của mình. Mấy đứa nhỏ đang học, ông biết đấy, có bề gì tôi lấy tiền đâu nuôi chúng. Đồng lương lọc cọc với mấy chút nhuận bút còm khéo sắp xếp cũng tạm ổn. Thôi thì mua sự bình yên. Tôi nghĩ ông cắc cớ, cái ngón tay nhỏ nhoi đằng nào cũng cắt rồi, không kiện thưa thì thôi, không viết văn lên án cái xấu cái ác thì thôi, nếu muốn còn đầy dẫy cái xấu cái ác lớn hơn nhiều, nhắm mắt bịt tai cũng nghe cũng thấy sao cứ mãi ám ảnh không thôi.

 

Nhưng ông không có sự bình yên. Chuyện người cầm chầu và văn bằng triết Sài Gòn của ông đã được vài người ở cơ quan đuổi theo tận ba lần xét kết nạp ông vào Đảng. Chuyên môn ông hơn họ, phải chặn ông lại ở trình độ chính trị! Ông bấm bụng chịu đến khi mấy đứa con ra trường, có việc làm liền xin về hưu. Lúc này đang thời đổi mới, nhiều tác phẩm viết khá mạnh tay phê phán những mặt trái xã hội. Tôi bảo sao ông không viết như họ, giờ mọi thứ đâu còn suy diễn chụp mũ như trước. Ông bảo chắc họ có ô dù, thế lực sao đó chứ không đơn giản đâu. Mình xớ rớ lỡ làm sao ai đỡ? Thôi ông viết sao thấy ổn là được, miễn sống bình yên, không dằn vặt ấm ức là được.

 

Cũng không bình yên. Thằng con lớn dành dụm ít tiền mua tặng cha cái computer, thời buổi này không ai hý hoáy bôi bôi xoá xoá trên bản thảo nữa, có gì sửa chữa trực tiếp, trang văn hoàn hảo trước mắt rất kích thích sáng tạo! Ông khoe thời buổi văn minh, khoe con có hiếu. Rồi ngón tay lên tiếng. Các ngón khác đỡ đần nó dần quen trong cầm bút, giờ lập tức trục trặc trên bàn phím. Cái ngón tay oan uổng đuổi theo ông nhắc nhở ông sự hèn đớn. Ông nói với tôi, lần này đã quyết, phải làm một điều gì đó chứ không thấy nhục quá chết khó nhắm mắt. Thằng cầm bút mà so đo mãi tính toán mãi thì mơ làm sao có tác phẩm lớn. Sự hăng hái của ông đến mức tôi phải lên tiếng hãm bớt rằng tay bác sĩ  kia giờ đã là giám đốc sở y tế thế lực càng lớn, chuyện ngón tay năm xưa không làm rụng cọng lông chân hắn đâu, khéo rồi ê mặt. Ông nhìn tôi trân trân bảo, tác phẩm, không phải kiện tụng mà là tác phẩm.

 

Tôi đọc và biết, ví dụ những cây bút hậu hiện đại sẽ khai thác chi tiết ngón tay nhà văn theo kiểu, khi đủ các ngón ông viết ngợi ca tròn trịa trong những tác phẩm làng nhàng, giờ khuyết một ngón trên bàn phím, ý nghĩ thì vẫn tròn trịa nhưng với sự lẫng bẫng của các ngón tay, tác phẩm hoàn thành bỗng khác hẳn đi, như  đột biến siêu việt, như bùng vỡ xuất thần của tư duy và kỹ thuật, như… rồi các nhà phê bình nhất loạt ngợi ca một sự lột xác ngoạn mục, một cơn địa chấn trong làng văn, vân vân. Một kiểu viết lạ, một ẩn dụ táo bạo, một kiểu phá vỡ quy tắc truyền thống, một bất ngờ khó đoán định tạo rộng rãi ngẫm nghĩ cho bạn đọc… Nhiều liên tưởng lắm. Nhưng không phải, tôi đang kể chuyện ông bạn tôi, một nhà văn đã chết và câu chuyện đơn giản hơn nhiều. Sau mấy ngày hăng đã viết được ít nhiều gì đấy, một hôm ông bảo tôi, không được ông ạ, thằng lớn người ta đang xét kết nạp Đảng cho nó, cũng là cơ hội phát triển của con, mình thoã mãn ấm ức của mình có khi lại kẹt cho nó, này, bố cậu đã có tì vết thời còn công tác giờ lại viết lách lung tung nhiều người phản ứng, đây, các cụ hưu trí viết thư lên tiếng, đây, bài viết trên báo của nhà phê bình tên tuổi bài bác…

 

Tôi bực mình, thì ai khiến ông đâu. Ông không vượt qua cái ngón tay bé xíu mà cứ mơ tác phẩm để đời. Bực thì bực nhưng tôi vẫn chơi với ông, ông thành thực với những hèn đớn của mình và sống tốt với bạn bè. Cho tới khi ông chết, vì ung thư máu. Không dính dáng gì tới ngón tay.

 

Tôi thương ông và cứ lẩn thẩn nghĩ, sao sự hèn đớn trong tâm hồn ông chấp nhận được, mang nó theo suốt đời được mà ngón tay nhỏ xíu lại cứ nói nhục nói hèn mà đau khổ? Tới lúc người bạn gái của vợ tôi nói với vợ tôi rằng tao biết chồng tao ngoại tình nhưng cứ ở đâu khuất mày khuất mặt, lỡ tao có bắt được những tín hiệu khả nghi thì cứ chối biến đi, thà như thế chớ nói thiệt chắc tao không chịu nổi, tôi mới lờ mờ lý giải được điều chưa thông về ông bạn nhà văn.

 

Tôi đốt hương bàn thờ ông và lần này thêm lời khấn cầu cho ngón tay thối rữa từ lâu có đủ trên bàn tay ông ở thế giới bên kia, nếu có thế giới ấy, để ông được bình yên ngay trong sự hèn đớn chỉ mình mình biết.

 

Suối trầu, 10 – 4 - 2006

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2206
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)