Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.671.879
 
Sách cháy
Lê Hoài Lương

1.

Đúng ngày… tháng… năm 33 sau công nguyên, trên Thập gía, Giê-xu Ki-tô nói câu cuối cùng trước khi trút hơi thở cuối cùng để ba ngày sau sống lại về trời sau cuộc hoá thân thành người phàm trần để cứu rỗi con người, câu đó là: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Chính vì câu cuối cùng này của Ngài mà tôi mới đặt tên cho câu chuyện của tôi như thế, câu chuyện từ một cuốn sách bị cháy.

 

Quả nhiên dù là bậc thánh dù là Thiên Chúa giáng trần, khi đội lốt con người, ngài vẫn là con người thứ thiệt, bởi vì nếu không là con người thứ thiệt thì những lời rao giảng của ngài ai tin? Và tôi vẫn đau cái đau của ngài khi bị đám người của Thượng tế đánh đập, tôi vẫn đau cái đau của ngài khi bị đóng đinh trên cây thập giá, tôi khát như ngài khát và được thoả cơn khát khi đám lính Thượng tế nhúng giấm vào miếng bọt biển xìa vào miệng. Tôi là con chiên của ngài và tôi tin ngài là Chúa cứu thế. Dù Phê-rô ba lần chối ngài khi đã chứng kiến bao lần ngài làm phép lạ lúc sinh thời, dù sau khi ngài về trời, ít nhất ngài đã hiện ra ba lần cho các môn đồ nhìn thấy. Dù tôi không hề là Giu-đa, môn đồ bán ngài với ba mươi đồng bạc rồi sau đó ân hận ném trả ba mươi đồng bạc rồi thắt cổ tự tử (Kinh Thánh chép vậy chẳng biết có đúng không!) Xin lỗi nếu tôi là Giu-đa tôi không làm như thế! Chỉ thưa ngài, hỡi Đấng cứu thế, vì sao đức độ ngài thế mà những môn đồ ngài người thì chối bỏ, người thì bán ngài với ba mươi đồng bạc, số còn lại bỏ chạy mất dép khi đám quân của Thượng tế tới? Chẳng lẽ lỗi hoàn toàn thuộc về họ? Họ hành xử như thế để hợp với lời tiên tri ư? Nhưng lời tiên tri từ đâu mà ra? Nếu từ những người dân thời ấy thì có ý nghĩa gì: cuộc sống quá khổ sở khiến họ cứ nói phứa lên về một ngày mai tươi sáng. Còn nếu từ Đấng tối thượng thì hai năm rõ mười rồi còn gì mà thử thách thế gian?

 

Tôi là con chiên trung thành của ngài vì tôi còn trông chờ vào một ngày mai bất tử ngài đã rao giảng, ngày mai bất tử ở thiên đàng. Hãy tin, tôi không chối bỏ ngài như Phê-rô. Nhưng xin lỗi, mấy ai nhớ đủ mười hai tông đồ của ngài, nhưng kẻ bán ngài với ba mươi đồng bạc, Giu-đa, mấy ngàn năm sau mọi người đều nhớ. Nhớ để muôn đời nguyền rủa, lên án. Lạy Chúa, xin Người tha lỗi, Giu-đa mới là người con kính trọng. Giu-đa, kẻ bán Chúa! Nhưng đây là người chịu tiếng nhơ muôn đời trong tâm hồn hậu thế để cho Ngài hoàn thành sứ mạng của Thiên chúa, đúng không? Không có Giu-đa thì liệu những lời rao giảng của Ngài, những phép lạ của Ngài trong thời nhập nhoà bao nhiêu phép lạ liệu có ấn tượng gì? Phải có một người như Giu-đa. Luôn luôn như thế khi Thiên chúa tạo ra con người. Luôn luôn như thế. Để cuộc sống này tồn tại với bao phép lạ. Ngàn vạn năm qua cuộc sống tồn tại với bao phép lạ.

 

Nhưng Ngài là người tử nạn cuối cùng. Chắc chắn thế. Vì, sẽ không ai tự nguyện tử nạn vì con người nữa trừ bị bắt buộc. Con người bây giờ vừa thừa đức tin vừa lưu manh hơn nhiều thời Ngài tử nạn. Thật đấy!

 

Và trong logic này xin Chúa tha tội, kẻ tử nạn cuối cùng, thực sự danh giá không phải Ngài mà là Giu-đa. Đây mới là kẻ tử nạn cuối cùng cho cuộc sống đầy dẫy ganh ghét tị hiềm mà những lời dạy bảo của Ngài chừng như không có tác dụng; họ cứ tha hồ làm điều ác rồi cuối tuần tới thánh đường được dựng lên khắp nơi nói lời xưng tội là có thể hồn nhiên tới ngày chết sẽ được vào nước Chúa dù rằng Ngài từng cảnh báo người giàu vào nước Ngài khó như lạc đà vào lỗ trôn kim. Thì kẻ ác vào thiên đàng gỉa dụ cho tôi nói sẽ là con, con gì thật to qua lỗ thật nhỏ tôi không biết nên không thể nói rạch ròi như Ngài, sẽ không vào được? Nhưng về căn bản đây cũng chỉ là một cách nói. Cuộc sống nơi trần thế đã có quá nhiều điều ngược lại. Ô hô! Họ giả vờ tin Ngài đấy thôi. Họ quan tâm tới cuộc sống này là chính vì Ngài đã để cho họ quá nhiều khoảng trống tự do tung tác. Ngài đã để lại quá nhiều Thánh Đường để bảo vệ quyền lợi họ, bao che cho vô vàn cái xấu cái ác của họ, thưa Đấng Toàn năng!

 

2.

 

Giu-đa cứ tưởng mình sẽ thất thiểu đi trong hoang mạc hồn người. Ông luôn mặc cảm về tội lỗi dù chắc rằng với sự bao dung nhân từ của Chúa, với hành vi ném trả ba mươi đồng bạc và thắt cổ tự tử, ông từ lâu đã được tha tội. “Ráp-bi, chào Thầy!” và hôn Ngài. Lời chào, cái hôn chỉ điểm. Giu-đa nhớ lại khoảnh khắc bọn người của các Thượng tế sán đến tra tay bắt Thầy. Có thể có một kết cục khác không, rằng Chúa không bị ông bán, không bị nhục mạ, nhục hình, đau đớn thể xác? Cuộc “hoàn tất” bình thường sẽ ít thiêng chăng? Lạy Chúa Toàn năng, vì sao Người chọn con làm công việc bán Chúa? Dù không bị ném xuống Địa ngục với Sa-tăng với lửa và khói lưu huỳnh nhưng mấy lần con mon men lại gần thì sư huynh Phê-rô canh cửa mấy lần ngoảnh mặt đóng sập cửa lại. Ông ấy cũng ba lần chối Chúa mà được canh cửa Thiên đàng, vì sao có sự sủng ái này? Đành phải chờ đến ngày luận công bình tội cuối cùng- ngày Phán Xét đang đến gần.

 

Giu-đa cứ lang thang, lang thang cả mấy ngàn năm qua. Thỉnh thoảng ông xán đến gần con người. Con người của các thời cứ luôn miệng nhắc chuyện ông bán Chúa nhưng không có vẻ hằn học lên án. Chỉ khi họ vận dụng cho ai đó trong đời sống “Mày là thứ Giu-đa bán Chúa!” Ông không khỏi bị tổn thương dù lời nguyền rủa kia nhằm vào đối tượng khác vào một thói xấu cũng thường trực trong loài người và giá trị phản bội nhiều khi không phải là ba mươi đồng bạc, ba mươi đồng bạc từng đủ mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” dùng làm nơi chôn cất người ngoại kiều, thửa ruộng còn nguyên tên “Ruộng Máu” đến giờ. Con người không hằn học lên án ông vì hẳn họ tin rằng dù có bị Quỷ Sa-tăng cám dỗ đi nữa thì việc ông làm cũng đã có trong liệu định của Đấng Toàn năng. Nhưng sư huynh Phê-rô thì không, dù cũng ba lần chối Chúa. Và được sủng ái. Được trao quyền canh cổng. Chỉ vì sư huynh lanh miệng hơn, sau câu hỏi của Ngài, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, sư huynh đã thưa ngay “Thầy là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống”. Vậy là mọi thứ đã được định đoạt. Câu trả lời đã bộc lộ sự trung tín tuyệt đối. Trung tín. Thực ra với đức tính mẫn cán trong việc giữ cổng, sư huynh cũng chẳng bao giờ nhìn thấy được Giê-ru-sa-lem mới trên nước Chúa “tường xây bằng ngọc thạch, thành thì bằng vàng y, giống như thuỷ tinh trong suốt, nền móng tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý. Nền móng thứ nhất bằng ngọc thạch, nền móng thứ hai bằng lam ngọc, nền móng thứ ba bằng lục ngọc, nền móng thứ tư bằng bích ngọc, nền móng thứ năm bằng mã não, nền móng thứ sáu bằng xích não, nền móng thứ bảy bằng kim châu, nền móng thứ tám bằng lục châu, nền móng thứ chín bằng hoàng ngọc, nền móng thứ mười bằng kim lục, nền móng thứ mười một bằng huỳnh ngọc, nền móng thứ mười hai bằng tử ngọc…” Những điều này tất nhiên Giu-đa chỉ nghe được qua lời bàn tán sùng mộ từ con chiên mọi thời hướng về nước Chúa chớ làm sao có cơ hội thấy tận mắt. Ông đành chờ vào ngày Phán Xét.

 

3.

Sau gần hai ngàn năm, người đàn ông này vẫn nguyên tuổi ngoài ba mươi. Ông chỉ đầy vẻ mệt mỏi. Cũng không dễ dàng gì, ngàn năm lang thang với mặc cảm tội lỗi, ngàn năm đợi chờ. Có thể chỉ tình cờ trong một lần lại gần con người ông nghe tôi phát biểu với bạn bè lời bênh vực ông nên ông chọn tôi là con người đầu tiên để tâm sự. Những chuyện tôi kể trên từ cuộc gặp gỡ này. Ông nói có vẻ khó nhọc: vết dây thừng siết trên cổ vẫn còn hằn bầm tím: Kinh Thánh đã đúng!

 

Đó là một buổi chiều trên ngọn đồi nhỏ sau thánh đường thành phố. Tôi không buồn không vui không chờ đợi ai không một chút tâm trạng, nói chung, một sự trống rỗng. Và cũng chẳng hiểu vì sao tôi lên đồi. Ngồi một mình. Ngó chiều lững thững xuống dần. Từng bước. Và khi chiều đã vào tận vùng rậm rạp xa xa của dãy núi đối diện hay đã chìm vào bếp lửa nhà ai dưới kia tôi không nhớ chắc lắm, người đàn ông ấy từ đâu lững thững đi về phía tôi. Một chút ngạc nhiên, ông ngoại quốc này làm gì ở đây? Mà ăn mặc kiểu y phục nhiều tấm lùng nhùng cổ đại. Thành phố tôi gần đây phát triển du lịch, thường xuyên có khách ngoại quốc nhưng ở đây có gì đáng ngắm đâu. Vả lại cũng chiều tối rồi. Ông chủ động chào tôi bằng tiếng Việt, đúng âm giọng địa phương tôi:

- Chào bạn! Tôi là Giu-đa.

- Vâng…, tôi lúng túng, xin thứ lỗi… hình như tôi chưa gặp anh…

- Đúng là bạn chưa gặp tôi nhưng có biết tôi. Tôi là Giu-đa trong Kinh Thánh. Giu-đa bán Chúa!

 

Tôi ngắm người nghe người rồi rợn tóc gáy: người nổi tiếng của nghìn năm trước đang trước mặt, dĩ nhiên không phải trong hộ khẩu quản lý của xã hội bây giờ. Nhưng nhìn kỹ thấy ông không hề có nét lưu manh, láu cá như những người chung quanh tôi đang tiếp xúc nên nỗi sợ của tôi vơi dần. Tôi đã bớt sợ nhưng còn cứng lưỡi. Dẫu sao, cuộc gặp gỡ này quá bất ngờ. Ông chủ động:

- Có lần tôi nghe bạn bào chữa cho tôi. Đó là lý do tôi tìm đến gặp để cám ơn bạn, và tò mò muốn biết vì sao bạn nghĩ …không xấu về tôi như mọi người.

    

Tôi từng tin những chuyện huyền nhiệm trong đời, giờ mới tận mắt chứng kiến. Và hoàn hồn:

- Tôi đọc lịch sử và biết trên bàn cờ nhân loại có quá nhiều con tốt thí, hoặc để cứu chủ hoặc để tôn vinh chủ hoặc chỉ vì một sự lơ đễnh nào đó của chủ… và tôi thông cảm cho ngài. Ngài chịu tiếng xấu như thế là không công bằng!

    

Giu-đa thở ra nhè nhẹ. Nét ưu tư của ông dường như đã giảm đi chút ít. Ông hiểu dù cách nhau cả ngàn năm, con người vẫn vậy. Chớ không riêng gì chuyện ông. Ông nói sau một biểu hiện gục gặc đầu như nghĩ ngợi như đồng tình:

- Tí nữa tôi sẽ kể cho bạn nghe mọi thứ. Giờ thì… tôi đã yên lòng, dù xuống Địa ngục hay lên Thiên đường đều được cả, tôi đều chấp nhận cả!

 

4.

Ngay khi Giu-đa chào tôi rồi tan biến trong nhập nhoạng chiều, gió cứ thổi thốc vào lưng mà trên đồi những ngọn cỏ vẫn im lìm. Tôi định đứng lên về nhà nhưng không thể. Ngọn đồi lúc tối sầm lúc sáng rực lên một cách kỳ ảo. Trong tối sáng bất định đó, lại một người có vẻ ngoài cũng lành hiền như Giu-đa đến cạnh tôi nói độc một câu: “Ta là Sa-tăng, quỷ Sa-tăng cai quản Địa ngục. Giu-đa thật ảo tưởng, anh ta không có chỗ trong vương quốc của ta đâu!” Lại sáng loà trước mắt tôi. Thiên chúa mang hình hài Đức Giê-xu Ki-tô cũng chỉ nói một câu: “Ngươi đừng nghe lời cám dỗ của quỷ sứ!”

 

5.

May vợ tôi gỡ được cuốn sách đang cháy rừng rực trên tay tôi lúc tôi ngủ quên. Thì ra chập chờn tối sáng trên đồi là từ ngọn lửa của cuốn sách bị cháy. Không biết vì sao nó cháy. Cuốn sách là một trước tác của Nhân Vật Vĩ Đại. Luôn có những bậc khả kính này trong lịch sử loài người. Có thể do tôi hút thuốc rồi ngủ quên chăng? Bây giờ thì nội dung cuốn sách tôi không nhớ.

 

Cuốn sách cuối cùng đã cháy, dù không chắc lý do nào, nhưng nó đã cháy. Và do vậy, tôi đã được cứu thoát. Khỏi cuộc tử nạn cuối cùng.

 

Suối Trầu, 31-8-2006

    

 

 

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2202
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)