Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
647
116.705.293
 
Lỗi tại mẹ Âu Cơ
Lê Hoài Lương

1.

“Đó là tiền định. Mẹ không có quyền lựa chọn thay vì đẻ một bọc trăm trứng nở ra cùng lúc trăm đứa con sàn sàn nhau hay là đẻ từng đứa có vai vế anh em rõ ràng.”

 

“Dẫu sao thì chúng con cũng luôn tự hào rằng tất cả là đồng bào. Cùng một bọc cũng hay chớ sao. Nhưng mẹ là Tiên, cha là Rồng, đây mới là lý lịch dòng dõi đè nặng trên vai chúng con mấy ngàn năm qua. Người ngoài ngạc nhiên đã đành, chúng con vừa tự hào vừa ngạc nhiên không kém. Sao cha, mẹ không phải gốc người, không cùng chủng cùng loài mà sinh con, lại là những đứa con không hề kế thừa chút nào tinh tuý của cha Rồng mẹ Tiên? Những đứa con phải chia tay nhau sau đó lên rừng xuống biển lập nghiệp và đã có quá nhiều lần huynh đệ tương tàn, nhiều lần buộc phải giải quyết bằng cách chia để trị. Chúng con đã không thể mạnh lên vì cứ bằng vai phải lứa thì ai chịu nhường ai. Và vì sao không ai trong chúng con kế thừa được tinh tuý con dòng cháu dõi?”

 

“Mẹ đã nói đó là tiền định. Cho tới giờ mẹ cũng không biết vì sao có cuộc nhân duyên giữa cha và mẹ. Đúng ra mẹ muốn mình là người bình thường để có cuộc sống bình thường như các con sau này. Để, nếu được làm mẹ một lần nữa, mẹ sẽ có niềm hạnh phúc bình thường với người đàn ông mẹ yêu và lóng lánh những giọt mồ hôi trong cơn đau trở dạ.”

“Sao mẹ không lựa chọn điều đó khi làm mẹ chúng con?”

“Mẹ không được quyền lựa chọn. Mỗi dân tộc được sinh ra đều có những bi kịch riêng, những bí ẩn riêng.”

“Sau cuộc chia tay vĩ đại ấy, có khi nào cha và mẹ gặp lại nhau?”

“Có chứ. Thường xuyên trong những lần các con nhắc tới dòng dõi mình.”

“Không phải, ý con là cha mẹ bất tử bất lão, có khi nào gặp lại nhau để tái hôn và làm cuộc sinh nở khác hợp lý hơn lần đầu? Và có thể sẽ có một dân tộc tinh tuý thực sự?”

“Ta không thiết tha lắm không hy vọng lắm cuộc sinh nở nào khác. Bấy nhiêu chưa đủ khổ cho các con ư? Và ai biết cho dù lần sinh sau của ta đẻ thứ tự từng đứa thì chúng không tàn hại nhau, riết róng nhau như bây giờ?”

 

“Vậy thì mọi thứ lỗi ở chúng con? Lỗi ở chỗ chúng con đứa nào cũng muốn làm vua, đứa nào cũng có thể làm vua?”

“Không hẳn. Các con cũng từng có những vị vua tốt được nhân dân muôn đời ngợi ca đấy chứ. Có nhiều tượng đài được dựng lên để hậu thế chiêm bái. Điều này thì con biết quá rõ còn gì.”

“Vâng, nhiều tượng đài. Nhưng không có tượng đài nào cho thuỷ tổ là cha mẹ. Điều này có bình thường không? Hay là nguồn gốc chúng con có gì đó chưa thật sáng tỏ? Hay là cha và mẹ không thật? Hay là biết không phải nhưng chúng con cứ dựng nên gốc gác mình cho sang? Hay là…”

“Ta không trách con những băn khoăn nghi ngờ. Ngay cả ta còn ngờ ngợ huống chi… Nhưng thôi, chẳng lẽ mẹ con ta cứ loay hoay mãi về vấn đề nguồn gốc của các con mà ta đã nói là tiền định.”

“Vậy chúng con, để cũng cố niềm tin bằng cách dựng tượng đài cho cha và mẹ thì mẹ giúp chúng con chứ?”

 

“Ta sẵn lòng. Không có gì khó khăn trong chuyện này cả. Nhưng lâu nay ta và cha con đã từng có tượng đài rất vững chắc trong lòng các con đấy thôi, tượng đài không thể phôi phai theo mưa nắng, thời gian. Vì sao bây giờ phải làm tượng đài thật. Có ai đó nghi ngờ nguồn gốc xuất thân của các con chăng?”

“Một nguồn gốc xuất thân sang trọng như thế việc gì nội bộ chúng con nghi ngờ, dù rằng, thật ra chúng con chẳng thương yêu nhau lắm. Chúng con chỉ gắn kết với nhau khi thấy có nguy cơ bị tiêu diệt. Chỉ vì cứ loay hoay mãi chúng con vẫn thấy chưa xứng tầm với gia phả. Và có thể người ngoài sẽ bảo chúng con là những kẻ khoác lác?”

“Thật đáng tiếc, ta chẳng giúp gì cho các con trong vấn đề nội bộ. Còn người ngoài không ai quan tâm đến thành phần xuất thân của người nước khác. Xứ sở nào chẳng có cái cách riêng của mình để hình thành một cộng đồng đáng tự hào. Sự hùng mạnh mới có sức thuyết phục chứ không phải gia phả.”

 

“Mẹ có thất vọng về chúng con không, trong chuỗi dài mấy ngàn năm tự khẳng định mình?”

“Không. Ta đã chẳng giúp được gì cho các con khi từ cách sinh ra, các con đã tự gánh lấy một sứ mạng nặng nề. Sự tồn tại mấy ngàn năm đã là khẳng định. Nhưng có chút âu lo là các con đã quá hãnh diện về sự tồn tại này.”

“Đôi khi chúng con nghĩ dại rằng đất nước nghìn năm của chúng ta những thời điểm nguy nan là thực sự tốt đẹp. Khi ấy chúng con khá hơn nhiều, yêu thương nhau, đoàn kết tạo ra sức mạnh đáng kể và kẻ thù hùng mạnh nào cũng bị đánh bại. Thời bình lại lắm thói hư tật xấu, lại tranh giành xâu xé nhau. Sẽ có cách nào đó thoát ra khỏi tình trạng này, mẹ hãy giúp chúng con!”

 

“Giá như mẹ có thể.”

“Vì sao?”

“Các con không ai chịu ai. Mọi xưng tụng nếu có cũng chỉ vì mục đích có lợi. Cũng đành, như đã nói với nhau, chuyện này không phải lỗi ở các con. Nếu cần một lời khuyên, ta chỉ nói rằng, hãy giảm bớt niềm kiêu hãnh!”

“Làm sao biết được mức nào là kiêu hãnh cần thiết?”

“Ta không biết thế nào là kiêu hãnh cần thiết. Nhưng hãy nghĩ cách làm sao cho tương lai tốt đẹp hơn là cứ tổ chức những cuộc tán tụng nhau về quá khứ.”

 

“Thực ra vì như con đã nói, chúng ta chỉ giỏi đánh giặc để tồn tại. Chúng con chỉ thật giỏi giang khi đất nước lâm nguy. Khi cầm gươm cầm súng chúng con cũng nghĩ là vì tương lai tốt đẹp hơn đấy chứ?”

“Giặc đến thì đánh, đó là lẽ tự nhiên. Đánh đuổi giặc để bảo vệ nòi giống, đó là điều tốt. Nhưng hùng mạnh để không ai dám bức hiếp mới là thật đáng tự hào. Sao không bảo ban nhau vì mục đích bền vững lâu dài và là cơ sở căn bản cho độc lập tự chủ thực sự này?”

 

“Chúng con không ai chịu ai… Cùng một tiếng nói mà mỗi vùng miền đã phát âm khác nhau… Kẻ thô mộc chê người kinh lịch giả trá; người đô hội có ý phô trương văn minh khai hoá… ai cũng tự hào về cái điều vụn vặt vùng mình, nhà mình và rất thích dùng chữ truyền thống. Chữ truyền thống được lạm dụng đến mức nó ngơ ngác với chính mình rồi thành một món lẩu thập cẩm tha hồ mọi người vứt bừa vào đó thứ gì mình khoái khẩu, thậm chí chỉ là thứ sẵn có trên tay chớ không cần lựa lọc… Thực tế này mỗi thời một khác nhưng nó là một thứ mặc cảm tự tôn đã ăn sâu trong máu thịt. Mẹ hãy giúp chúng con hoá giải…”

“Phải, lỗi tại ta, cơ sự này…”

 

2.

Vua nói: “Ta thoái vị thôi. Muôn dân đang trông chờ người tài đức hơn ta để gánh vác trách nhiệm này.”

Hội đồng bô lão nói: “Ngài cứ tại vị. Chúng tôi biết ngài không có tài nhưng ngài cần cho chúng tôi. Như thế là quá đủ.”

 

Vua nói: “Nhưng còn dân chúng? Và đất nước đang phải nhịn nhục, bị o ép nhiều phía? Ta biết mình không được học hành tử tế, không được đào tạo căn bản để làm vua.”

Hội đồng bô lão nói: “Ngài từng biết nước ta có nhiều vị vua không hề được học hành tử tế, không được đào tào căn bản để làm vua. Dân chúng thì thời nào cũng vậy, họ luôn đòi hỏi. Họ đang ở xa. Chúng tôi mới trực tiếp bỏ phiếu cho ngài. Ngài sẽ không chịu thiệt đâu.”

 

Vua nói: “Nhưng đời sau sẽ lên án, nguyền rủa chúng ta tham quyền cố vị, làm suy kiệt đất nước. Càng lúc ta càng thấy muôn dân coi thường triều đại mình. Các ngươi không thấy sao?”

Hội đồng bô lão nói: “Thì có riêng triều đại ta đâu, lịch sử có khối ra đấy. Tiếng thơm tiếng nhơ. Vả lại, đã chắc gì người khác giỏi giang hơn. Ngài cứ an vị.”

 

Vua nói: “Thôi thì ta nghe theo các ông. Ở ta còn có những vị trí ngoài luật. Nhưng các ông đừng vì thế mà quá quắt.”

 

3.

Người dân 1 nói: “Sắp tới chúng ta sẽ giàu có sung sướng. Mới có chiếu vua ban rất quan tâm đến quyền lợi đám dân đen chúng ta.”

Người dân 2 nói: “Đúng là một bậc minh quân!”

Người dân 3 nói: “Sắp tới bọn quan lại không còn nhũng nhiễu dân chúng nữa. Mọi người đều bình đẳng và hành xử theo luật.”

Người dân 4 nói: “Vừa rồi nhà vua đã ra chiếu nhận lỗi với muôn dân vì có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng của quan lại trong triều. Chắc chắn bọn này sẽ bị nghiêm trị. Dân tộc ta thật có phúc!”

Người dân 5 nói: “Lạy trời, đời ta tận hiến không uổng. Con cháu ta sẽ được sung sướng.”

 

Quan 1 nói: “Dân vẫn còn tin chúng ta!”

Quan 2 nói: “Sẽ cho họ chút ít quyền lợi. Bản chất của đám đông là cả tin. Nhưng đừng cho nhiều quá. Được voi họ sẽ đòi tiên!”

Quan 3 nói: “Mềm nắn rắn buông.”

Quan 4 nói: “Sẽ có nhiều lễ hội, nhiều vui chơi giải trí tập thể. Người dân sẽ hài lòng vì được xã hội quan tâm. Đây là một kiểu tín ngưỡng mới của chúng ta.”

Quan 5 nói: “Huy chương và bằng khen không hạn chế số lượng. Thứ tự rồi đều có cả.”

 

4.

Tất cả các dòng sông đều chảy.

Núi, đồng bằng và biển.

Nắng.

Mưa.

Gió bão.

Mỗi mùa một khác.

Mặt trời lúc ẩn lúc hiện đi qua bầu trời ngày ngày. Mặt trăng lúc mọc lúc lặn đi qua bầu trời đêm đêm.

Những bông hoa cứ tàn rồi nở. Nở để rồi được tàn úa.

Một đứa bé đang hình thành bảo: “Tôi có quyền không sinh ra chứ?”

 

5.

Mẹ Âu Cơ nghĩ ngợi lung lắm. Bà có điều khó xử. Chẳng lẽ cứ để mọi thứ diễn ra theo quy luật, hết mưa rồi nắng hết thịnh lại suy? Trong cái hữu hạn đời người rất không thể lựa chọn sống thời thịnh, cũngkhông thể biết mức nào là cực thịnh cực suy. Đám đông con bà phải bám vào ảo tưởng thường trực để tồn tại. Số ít tầng lớp trên thì tham lam, ma mãnh. Lỗi tại ta, bà nghĩ, có thể sẽ làm lại một cuộc “vượt cạn”. Một thế hệ mới sẽ ra đời cho đất nước phồn vinh. Nhưng liệu chúng nó có thực muốn ta sinh nữa không? Và những đứa con trong lựa chọn sửa sai của ta có muốn chào đời?

 

Suối Trầu, 20 – 6 – 2006

 

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2113
Ngày đăng: 07.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Long Lanh Ánh Nến Giữa Trời Đêm - Nguyễn Thế Hoàng
Người Đàn Bà Bay Trên Mây - Nguyễn Lệ Uyên
Điêu Thuyền - Miêng
Lỗi văn hóa - Trương Thái Du
Cánh bèo đã có đôi - Ngọc Thiên Hoa
Tài năng trẻ - Lê Xuân Quang
Gương mặt hoàn hảo - Hồ Ngạc Ngữ
Thế gian một thẻo nhân tình - Nguyễn Trọng Nghĩa
Mùa mưa gai sắc - Trần Vũ
Hận lòng của chuột - Ngọc Thiên Hoa
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)