Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
872
116.664.673
 
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng
Nguyễn Lệ Uyên

tặng chị XuânHương

 

Si  le  coeur  vous  en  dit

Prenez  si  ça vous  plait

(J. Prévert)

           

1. Những lần trước, cuối thư, bao giờ chị Yên cũng viết: “ Thành cố thu xếp công việc, về trên này một chuyến”. “Chị yên tâm, thế nào tôi cũng về, sau khi công việc xong xuôi”. Tôi đã nhiều lần trả lời với chị như vậy, nhưng chưa lần nào thực hiện được. Một chuyến trở về đơn giản, song không dễ dàng chút nào. Công việc níu kéo, nhấn lún hết cả thời gian khiến những lời nhắn nhe của chị nhanh chóng nằm im trong ngăn kéo, hoặc mất hút trên đường dây. Lần này chị không viết thư mà gọi điện, lời lẽ có vẻ bi thiết hơn nhiều: “Thành đợi tôi chết rồi mới chịu lên phúng viếng chắc?”. Tôi không biết phải phân bua với chị thế nào cho phải, đành buông một lời xin lỗi mà khi chị nghe chắc còn lạt lẽo hơn sự tệ bạc của những kẻ xa lạ.

 

Chuyện trách móc nhau, ai cũng gặp phải trong đời, nhưng lời lẽ trách móc của chị nghe sao não nuột, ngân ngấn ruột gan người được nhắn gửi. Hay là có chuyện gì không hay đang xảy ra với chị? Ngồi trong phòng, tôi loay hoay với đống hồ sơ giấy tờ chồng chất, cùng mớ bùi nhùi nhùng nhằng của những câu tự hỏi và tự trả lời, không căn cứ, chợt hiện chợt biến trong đầu.

 

Hơn hai mươi năm rồi, mà cũng có thể là xa xa hơn một chút, tôi chưa một lần trở về nơi tôi hiểu thế nào là vị ngọt ngào cùng những thắc thỏm đợi chờ vu vơ của một thứ tình cảm bất định. Chị Yên cũng vậy, có lẽ suốt đời chị vẫn gọi tôi bằng cái tên cúng cơm, suốt đời chị không biểu lộ một chút tình cảm thật lòng, vẫn cố giấu trong nỗi ngắc ngoải mỏi mòn, né tránh và háo hức đợi chờ như thuở đầu đời chị biết mình trở thành thiếu nữ. Tôi vẫn là Thành của chị từ bao năm nay. Không là em, là cậu, không là gì cả. Điều này có thể nhận ra trong từng ấy năm, trong cách xưng hô giữa chị với tôi, cứ lơ lửng trên không như kiểu người ta treo hòn đá tảng để cong vít cành cây. Chị kéo tôi đến thật gần, rồi bất ngờ xô bật ra; nâng bổng tôi lên rồi lại ném vụt xuống lòng hố sâu thăm thẳm đen. Dưới mắt chị, tôi có đó mà như không, là sinh vật không thể thiếu trong cuộc đời chị nhưng lại quá thừa thãi để có một chỗ đứng ngay thẳng, dù không cố định. Thật lòng thì tôi không buồn vì chị, thất vọng vì chị nhiều hơn là những niềm vui nho nhỏ thỉnh thoảng chị gửi đến tôi bằng vài chữ ngắn ngủn, hoặc đôi khi là những tiếng nói bị nhiễu, ngắt khúc trong điện thoại.

 

Những thông tin về cuộc đời chị sau khi tôi rời bỏ thành phố xinh đẹp đó cho tới bây giờ, tôi biết được, là chị vẫn sống một mình, trong căn nhà rộng thênh thang, một biệt thự cũ cha chị mua lại của một người Pháp, nằm ở ngoại vi thành phố. Vì nếu như chị lập gia đình hay thay đổi cuộc sống thì hẳn chị đã báo cho tôi biết rồi. Sự liên lạc thưa thớt kiểu người dưng không hơn không kém, khiến tôi khổ tâm, tự trách mình rồi trách lây sang cả chị. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Không biết bây giờ chị ra sao, có còn đẹp như ngày xưa? Một vẻ đẹp như khói như sương, mỏng manh như một làn sương sớm vắt chéo qua ô cửa sổ, chỉ có thể nhìn được qua khe nắng xiên dọi từ trên cao. Vẻ đẹp ấy đã đẩy hất anh Tùng bay lên, ngây ngất trong miền mơ tưởng về niềm hạnh phúc sẽ níu giữ được trong tầm tay, để cuối cùng anh trở thành người anh hùng vô danh ở một nơi chốn nào đó trong núi rừng đại ngàn, để chị thỉnh thoảng lật tấm hình anh ra, lặng lẽ ngắm nhìn và lặng lẽ khóc thầm, khóc vì tình bạn vừa chớm sang một chút tình cảm mới lóe lên. Trong thế giới hư ảo của vạt sương lung linh ấy, không chỉ riêng một anh Tùng đặt chân đến, còn rất nhiều người khác. Nhưng trái tim của chị chỉ chịu đập loạn lên với bước đi cố định, dáng lênh khênh khi bước qua chiếc cổng gạch mắc kín hoa tường vi, nhịp đập của trái tim thời thiếu nữ, vu vơ buồn, vu vơ khóc. Sự vu vơ ấy đột nhiên bị gãy khúc, để từ ngày đó, tôi trở thành nhân vật chị gửi gắm, chia sẻ, giải bày. Tôi như thanh tre làm cọc giậu cho dây tầm xuân bò qua. Dưới bóng râm mát và ấm áp kia, càng ngày chiếc cọc tre càng bị lún sâu hơn với một thứ tình cảm không thật rõ hình dạng, nửa như đốm lửa cháy rực, nửa như được vùi ủ trong lớp tro nóng, khiến ông Sâm, vị giáo sư hướng dẫn luận văn cho tôi phải lên tiếng khuyến khích: “Cậu hãy can đảm lên. Mọi việc chỉ có thể giải quyết một cách rõ ràng khi nào cậu chịu bày tỏ những gì cậu giấu kín trong lòng”. Tôi đã ngước nhìn vị giáo sư khả kính của tôi về một lời khuyên chân thành và đã đứng dậy, không phải để bước tới chiếc cổng có khóm hoa tường vi, mà bước ngược về phía có vệt nắng chiếu xiên qua ô cửa.

Hôm tôi đến chia tay, chị vô cùng kinh ngạc:

 “ Chị nghe ông Sâm nói giữ Thành lại trường, sao lại bỏ đi? Bỏ luôn xứ này và cả chị nữa chắc?”.  

“ Không. Xứ sở đẹp tuyệt vời này không bao giờ tôi từ bỏ được. Rời khỏi không có nghĩa là từ bỏ, mà để giữ nó sâu hơn, chặt hơn”.

“ Nghĩa là sao?” –  chị hỏi.

“ Sau này ông Sâm sẽ giải thích với chị”.

“Chị không hiểu gì cả” – Giọng chị Yên chùng xuống, buồn bã.

“ Có. Chị có hiểu nhưng không dám nói ra, như tôi vậy”.

 

Chị Yên bật khóc. Hai vai chị rung lên bần bật, mặt úp vào hai bàn tay sũng nước mắt. Tôi ngồi xuống ôm giữ bờ vai mỏng manh của chị, an ủi:

“ Tôi sẽ thường xuyên về thăm chị, biên thư đều đặn cho chị. Tôi nghĩ, thỉnh thoảng ông Sâm sẽ đến, chia sẻ những niềm vui mà ông khám phá trong thế giới sách vở của ông ta với chị cùng với những khóm dã quỳ vàng rực trong vườn nhà”.

“ Thành đi đi. Tôi không cần bất cứ ai cả”.

Chị hét lên. Đó là lần đầu tiên tôi nghe chị hét, nhưng âm sắc thoát ra không giận dữ như tôi tưởng, như một chuỗi nghẹn nấc khiến sau đó, khi đứng ngoài đường nhìn vào, tôi thấy ngôi biệt thự cũ kỹ cũng rung lên, sắp ngã đổ đến nơi.

 

Tới khi xe đổ đèo, lao vào đoạn đường gập ghềnh, nhảy chồm chồm trên những ổ gà, dằn xóc, tôi mới chợt nghĩ  mình ra đi như thể một kẻ trốn chạy, một kiểu trốn chạy hèn hạ rất cao cấp!

Trong khoảng thời gian hai mươi năm này, tôi không còn nhớ là vào lúc nào, tôi đã gặp lại người thầy cũ trong cuộc hội thảo khoa học. Ông siết chặt tay tôi, với câu nói đầu tiên:

“ Tại sao cậu hành động thiếu cân nhắc như vậy? Tôi không nói chuyện cậu từ  chối chân giảng viên cho trường. Chuyện khác kia, cậu hiểu chứ?”.

“ Tôi nghĩ dẫu sao thầy cũng là người lịch duyệt, khả kính. Thầy luôn mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp. Tôi hy vọng thầy đã làm được điều này”.

“ Thôi đi cái kiểu trí thức đỏm dáng của cậu. Cậu nghĩ  tôi là con người như vậy sao? Bao nhiêu năm gần gũi tôi mà cậu đã nhầm to”.

“ Tôi xin lỗi thầy. Tôi không định nói ra như vậy, mặc dù trong thâm tâm tôi rất mong điều này xảy ra – Tôi nói lảng sang – Mà chị Yên nay thế nào?”

 

Ông Sâm nhếch môi:

“ Tôi cũng không rõ. Sau ngày cậu bỏ đi, tôi chỉ đến thăm cô ấy một lần duy nhất. Hôm đó tôi thấy cô ta buồn. Buồn mà vẫn giữ được nét đẹp rất riêng, chỉ duy nhất trên đời này cô ta mới có được. Một vẻ đẹp thanh thoát, thuần khiết như cậu đã từng nhận xét. Và cô ta có nhắc đến cậu, dành cho cậu tình cảm thật đặc biệt. Tôi nghĩ thế, mỗi khi có dịp nhắc đến cậu ”.

“ Cảm ơn. Thầy nay thế nào?”.

“ Vẫn thế. Sách vở, sinh viên và những cuộc hội thảo vô bổ, liên miên rồi quay về với căn phòng rộng hai chục mét vuông không đổi. Cái đổi lớn là tủ sách thêm nhiều hơn và trên bàn viết thường xuyên có một bông hồng, một loại hồng cậu vẫn thấy trước kia. Và trong góc sân là bụi dã qùy tự mọc lên, tôi vẫn để nguyên. Những bông dã quỳ nở vàng rực để tôi nhớ một thời thật đẹp có cậu, có cô Yên”.

“ Thầy cũng lãng mạn đó chứ?”.

“ Tôi không thể, mà cậu tính, chừng này tuổi, tôi cũng tự cho phép mình làm những gì mình thích chứ. Nhưng còn cậu?”.

“ Cái thành phố bụi bặm đông đúc dưới này không còn chỗ cho một cây cỏ dại mọc, huống chi là bông hoa”.

“ Cậu đã bi thảm hóa vấn đề”.

“ Chưa hẳn vậy. Nếu xét về mặt tích cực nhất trên đời này, thì chính thầy mới làm cho cuộc sống của mình bi thảm hơn”.

“ Rất có thể là vậy. Song cậu phải dám nhìn thẳng vào vấn đề: chỉ có cậu chứ không ai khác đã khám phá ra thế giới lóng lánh của dải lụa trắng nõn vắt chéo qua ô cửa. Tôi dám chắc rằng, suốt đời dải lụa kia vẫn rung lên như vẫy, như gọi, như thầm thì hạnh phúc mỗi khi cậu đứng chỗ vệt nắng chiếu xiên qua ô cửa nhỏ”.

“ Tôi không định. Tôi vẫn coi...Vả lại những cánh dã quỳ đó?”

“ Nữa. Cậu lại tự dối lòng mình nữa rồi. Nhìn thoáng qua, tôi đã hiểu mọi cơ sự: không chỉ mình cậu mà cả hai người. Cậu là mẫu người faint-hearted”.

Ông Sâm giơ hai tay lên trời tỏ vẻ thất vọng và bước vào phòng họp.

 Suốt mấy ngày hội thảo ông lấy đủ cớ để tránh gặp lại tôi.

 

2.  Suốt quãng đường từ thành phố lên, hai cô gái ngồi cùng băng ghế nói toàn về một nhân vật “chàng” nào đó rất hứng thích. Qua lời đối thoại, tôi hình dung “chàng” là người thông minh, rắn rỏi, có góc cạnh mà cả hai đều phải lòng và đang cố gắng tìm mọi cách để tiếp cận. Họ có vẻ như là sinh viên, cười nói rất vô tư, chẳng cần ý tứ.

- Tao mà “bắt” được, sẽ ôm chặt chàng trong vòng tay suốt ngày! – Cô đeo kính cận, có chiếc mũi xinh xắn nói.

- Còn tao ấy hả – Cô có chiếc răng kểnh, nheo mắt lại, tưởng tượng – tóm được,  tao sẽ trân trọng đặt chàng trong lồng kính để suốt ngày ngồi mà nhìn mà ngắm!

- Chàng sẽ ngộp thở, chết mất. Rồi chẳng còn gì để ngắm nhìn nữa đâu em ơi?

 

Cả hai vụt cười giòn về những ý tưởng ngộ ngĩnh của bạn, trong khi chiếc xe khách bắt đầu ì ạch bò lên dốc đèo. Đường quanh co gấp khúc. Xe lắc lư nhồi sụp trên mặt đường ổ gà loáng sũng nước mưa, khiến một vài hành khách vội vã lôi ra nào khăn, nào túi nylon để đối phó với cảnh ngộ thực tế hơn. Hai cô bé ngồi cạnh cũng trong trường hợp ấy, bắt đầu nôn thốc tháo ở đoạn ngoặt có mấy chiếc am thờ bên lề. Họ giữ chặt khăn trên miệng. Anh chàng nào đó của hai cô biết phận, tự động rút lui, khỏi hai chiếc miệng xinh xắn để nhường chỗ cho cảnh tượng không lấy gì làm thơ mộng, vui vẻ.

Cô bé có chiếc răng khểnh nói phều phào sau chiếc khăn dày:

- Chú làm ơn lấy giúp lọ dầu trong chiếc sắc con.

 

Tôi đưa chai dầu gió, nhưng cô ta ngước nhìn với bộ mặt thảm não, lắc đầu nhè nhẹ, ra hiệu là hai tay không thể rời bỏ chiếc khăn. Tôi làm theo ánh mắt hướng dẫn của cô ta và thầm nghĩ: giá như anh chàng ấy giờ này ngồi đây và làm cái công việc săn sóc như tôi đang làm, liệu có thể giữ được cho các cô trở lại trạng thái bình thường trong niềm hạnh phúc nở to, trong trường hợp ngoài ý muốn này không?

 

Tôi chia tay hai cô bé ở bến xe. Phía sau là chiếc đuôi dài đeo bám nhùng nhằng những lời mời gọi. Cái đám xe thồ ấy có vẻ hào phóng với những tấm carte de visite, một lối tiếp thị “tra trấn” mà chỉ có nơi này mới có cái kiểu ấy. Khi quay ngược lại phía sau để từ chối với những người lái xe thồ, vô tình lại nhìn thấy nóc tháp nhà thờ chánh tòa nhô lên cao. Nóc tháp đen, cô độc vẫn như vậy bao nhiêu năm nay không đổi, khiêm tốn trong khoảng không gian vừa đủ để mọi người nhìn thấy, nhớ về và nghĩ  tới, để hoài nhớ và mơ tưởng. Những bậc đá thời gian đã in dấu được bao nhiêu cặp tình nhân bước lên để cầu nguyện sự che chở, nối kết bền chặt và bao nhiêu đã đánh tráo sự nghiêm túc bằng chuyện bỡn cợt, chia xa, khổ đau, nước mắt...? Tôi chưa lần nào bước chân lên những phiến đá đã mòn lĩn kia, nên không thể hình dung về sự chịu đựng của cây thập tự giá đối với những lời cầu chân thật lẫn giảo trá. Muôn năm, hai cánh tay của Chúa vẫn cứ phải giang ra mà chịu đựng. Đường phố đông đúc, nhà cửa ken dày hình hộp, nhô cao hơn xưa, như thể bầy chim cánh cụt chụm lại để tránh giá rét, sưởi ấm cho nhau. Đứng trên đầu dốc nhìn ngang, tôi có cảm tưởng như thành phố này bắt đầu giống hệt một bức ký họa cẩu thả của các sinh viên mỹ thuật lười biếng, nguệch ngoạc cho xong chuyện để có thời gian chui vào quán cà phê tán gẫu với bạn bè!

 

Công việc đầu tiên của tôi khi đặt chân trở lại nơi một thời tôi sống là vào quầy điện thoại công cộng và gọi cho ông Sâm. Ông có vẻ mừng rỡ:

- Tốt lắm, cuối cùng thì cậu cũng là người biết điều.

- Tôi đợi thầy.

 

Không lâu sau, ông Sâm tới. Vẫn nhanh nhẹn như hồi hai thầy trò gặp nhau trong cuộc hội thảo dưới thành phố, nhưng tóc thì có lốm đốm sợi bạc. Ông chống xe, ôm lấy tôi:

- Xin chào sự trở về muộn màng.

- Chào thầy vẫn khỏe mạnh như xưa.

- Bây giờ em về chỗ tôi chứ?

- Tôi nghĩ, chúng ta nên tới chỗ chị Yên trước.

- Phải rồi, tôi đến đãng trí mất.

 

Ngồi phía sau tôi có cảm giác như ông Sâm vẫn không thay đổi gì nhiều, luôn là người nghiêm túc với tất cả mọi chuyện lớn nhỏ. Chỉ có thành phố này là thay đổi. Đoạn đường nào cũng có năm bảy khách sạn lớn nhỏ. Thậm chí những ngôi biệt thự cũng cố rướn lên hay doi ngang một khối hình hộp quái dị để tỏ lòng “hiếu khách”, đến nỗi những cây thông cũng phải rút sâu hơn về phía trong khuất. Đồi cỏ rộng mênh mông màu xanh từng dành cho người già, trẻ con lẫn những người đang yêu nhau gần như không còn chỗ cho họ. Tôi nói ra những nhận xét ban đầu sau hai mươi năm trở về. Tiếng ông Sâm dập dợn theo gió bay ngược ra sau:

- Người dân chạy theo sự phát triển kinh tế đã phá vỡ trật tự đô thị cùng những cảnh quan, môi trường. Thành phố nào mà chẳng vậy. Cậu còn lạ gì!

- Có lẽ tôi và thầy đều là những người lạc hậu. Lạc hậu bỡi sự ám ảnh của sách vở và mô phạm quá ư thừa thãi chăng? Thầy coi: thói quen đâu phải lúc nào cũng tốt?

 

Ông Sâm chưa kịp trả lời, chúng tôi đã ở trước cổng nhà chị Yên. Khóm tường vi đã biến mất, thay vào đó là những dây leo xanh bao kín trụ cổng để đánh lừa dấu vết thời gian. Ngôi biệt thự cũ, càng cũ hơn xưa. Duy nhất chỉ có khu vườn là ngăn nắp hơn, như có bàn tay của ai đó chăm sóc hàng ngày: một giàn su su bên hông nhà, những luống hồng, tulip thẳng tắp. Tuyệt nhiên không còn nhìn thấy những khóm dã quỳ mọc tràn như trước. Cái màu vàng rực đến náo nức cõi lòng giờ đã biến đâu mất. Tôi bật cười một cách vô cớ. Ông Sâm ngó về phía tôi trong khi tay vẫn bấm chuông:

- Cậu cười gì thế?

- Về trật tự cũ xưa bị phá vỡ.

 

Ông Sâm buông nút chuông và kịp nhìn thấy những điều tôi vừa nói với ông.

Chị Yên bước ra. Thoáng một chút sững sờ, một chút kinh ngạc, bước đi như chạy về phía chiếc cổng khóa trái.

- Không ngờ có ngày còn được gặp lại các vị – Rồi quay sang tôi – Thành thì vẫn như trước, già dặn hơn. Anh Sâm vẫn vậy, trẻ ra.

- Không dám. Tôi xin nhường lời khen tặng ấy lại cho cô – Ông Sâm lên tiếng trước.

Chị Yên cầm tay tôi đi trên những ô gạch, cỏ mọc lém ven rìa như dắt tay một đứa em hoang tàn trở về dưới mái nhà xưa. Bàn tay chị nóng rực như thể tất cả các mạch máu đều dồn xuống chỗ này. Cả ba bước vào phòng khách. Một lọ thủy tinh kiểu dáng quý tộc thế kỷ XIX đặt trên bàn, nhưng thay vì cắm những loại hoa sang trọng, đắt tiền thì lại toàn các thứ hoa dại chị hái đâu đó trong vườn nhà. Tôi liếc nhanh về phía ông Sâm, thấy ông bần thần ra mặt. Chị Yên không để ý đến những chi tiết nhỏ ấy, cười nói luôn miệng, tự tay chị pha bình trà ướp hoa ngâu, loại ông Sâm vẫn ưa thích.

 

Chị Yên rót trà ra chén:

- Mời anh Sâm, mời Thành. Thế này nhé, lâu rồi, đã quá lâu chúng ta chưa có dịp ngồi với nhau một cách đầy đủ như thế này. Tôi mời anh và Thành ở lại dùng bữa cơm họp mặt.

Ông Sâm:

- Cảm ơn chị, có lẽ chị cho tôi ngày mốt hay bữa kia, nếu như Thành còn ở lại. Bỡi vì, thú thật tôi còn phải soạn mấy giáo trình cho các tuần thỉnh giảng sắp tới ở Cần Thơ. Họ tôn trọng thì mình không thể làm qua quít được. Tính tôi xưa nay vậy. Xin chị Yên thứ lỗi. Ngày mốt thì chị mời bao nhiêu tôi cũng nhận. Mà có khi không mời tôi cũng cứ đến. Vậy nhé? -  Nói và ông đứng dậy chìa tay ra.

 

Chị Yên tiễn ông Sâm ra cổng. Khi quay lại, tôi thấy vẻ mặt chị hơi khang khác, có điều gì đó hơi căng thẳng, buồn. Chị ngồi xuống ghế hỏi tôi không biết bao nhiêu chuyện về đời sống, công việc, gia đình. Cuối cùng chị nói:

- Thành lên mà không báo trước nên bây giờ người phụ việc mới dọn dẹp căn phòng cũ của Thành vẫn bỏ trống bao nhiêu năm nay. Thành lên bỏ đồ đạt rồi đi tắm. Tôi đi làm cơm. Chuyện bao nhiêu năm để lại buổi tối, Thành nhỉ?

 

Lúc chị Yên quay xuống bếp, tôi thấy trên mặt tủ trà có chiếc gạt tàn và mẫu thuốc lá. Và trên chiếc móc bằng sừng nai của cha chị để lại, có chiếc mũ dạ kiểu đàn ông. Cha chị mất đã lâu, từ khi tôi chân ướt chân ráo đặt bàn chân đầu tiên lên thành phố lạnh lẽo này. Sáu năm sau đến lượt má chị. Cả hai qua đời để lại cho chị ngôi biệt thự cũ và một ít vốn liếng trong nhà băng. Hai đứa em trai thì ở tận nửa bên kia trái đất, không bao giờ có ý định trở về. Lúc sinh thời, ông bà Khanh, cha chị, là chỗ bạn bè nối khố của gia đình tôi đang hồi sa sút nghiêm trọng. Để chia sẻ những khó khăn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đã đề nghị ba má để tôi lên ở với ông bà “cho có tiếng cười nói trong nhà, bớt quạnh hiu”. Và tôi từ một người xa lạ, đã trở thành một thành viên trong gia đình chị Yên.

Khoảng thời gian ngắn ngủi, tình cảm dành cho ông Khanh chưa sâu nặng bằng quãng sau với mẹ và chị, nhất là chị, vừa như cật ruột, vừa như người láng giềng không thể thiếu. Một thứ tình cảm rối rắm, khó giải thích rạch ròi cứ lớn dần trong người tôi. Có lẽ chị Yên cũng nhận thấy điều đó mỗi khi tôi hái bó dã quỳ cắm vào lọ hoa đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ ngoài hiên thềm, hay những đêm trăng sáng đục trong màn sương vắt qua khu vườn, tôi đàn những bản classique cho chị nghe. Những Mozart, Schubert từ những thế kỷ trước đã giúp chúng tôi gần thêm một chút, hiểu thêm một chút về nhau: Chị sống khép kín, ít giao du, bè bạn như sợ phơi lộ vẻ đẹp trước mắt thiên hạ. Tôi ngưỡng vọng lối sống của chị với một tấm lòng vị kỷ, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chị vui, nhưng thâm tâm không muốn bất kỳ người người xa lạ nào bước qua cổng nhà chị. Ông Sâm là ngoại lệ duy nhất. Có lần hai chị em có công việc lên Trạm Hành, nửa đường chị hỏi: “Thành quý ông Sâm như yêu quý những cây dã quỳ phải không?”. Tôi yêu quý ông Sâm thật lòng, chẳng phải vì suốt mấy năm ngồi trên ghế đại học, ông đã tận tình giúp đỡ, khuyến khích tôi: “cậu chịu khó chút nữa sẽ trở thành nhà khoa học giỏi”, mà bỡi nhân cách của ông trong công việc, đời sống. Ông sẵn sàng gạt bỏ mọi nhu cầu riêng tư để cùng sinh viên lao vào những ý tưởng tưởng chừng có thể biến thành sự thực. Một nhà khoa học lãng mạn như cái lãng mạng háo hức của đám sinh viên trẻ. Người ông luôn tràn trề sức sống mãnh liệt và vì thế, tôi nghĩ  ngay đến việc làm thế nào để ông và chị Yên được gần nhau hơn. Nhưng trong con mắt của ông ta, luôn bảo với tôi rằng: “cậu đừng tưởng là tôi không biết gì cả nhé!. Được, tôi chấp nhận làm cây tre bắt qua giòng suối cho cậu”..  Còn chị Yên thì nói lưng lửng: “Thành lạ thật”. 

 

Bữa cơm dọn ra khá thịnh soạn, nhưng hai người chỉ ăn qua quít đến nỗi người giúp việc luôn miệng giục:

- Kìa, cô và chú ăn đi chứ!

Tôi gát đũa lên chén, cười cái kiểu cười bào chữa:

- Lâu lắm mới gặp lại chị. Mừng quá, không ăn vẫn no.

Chị Yên chợt nhớ điều gì, vừa đứng lên vừa nói:

- Xin lỗi, tôi quên một chuyện không đáng quên.

Chị bước đi, lát sau trở ra, trên tay mang theo chai rượu vang và ba chiếc cốc pha lê.

- Thành còn nhớ chai rượu này không?

- Có, có nhớ.

- Vậy thì mình uống phần còn lại để nối với chuỗi ngày xưa, đẹp tuyệt vời.

 

Chị rót rượu ra cốc, sủi tăm và trong suốt. Đó là chai rượu của ông Khanh dưới tầng hầm tôi và chị mang lên sau ngày bà Khanh mất. Chúng tôi đã mang ra nghĩa địa, thắp nhang, đổ rượu lên ngôi mộ cầu nguyện ông bà siêu thoát. Chúng tôi trở về ngồi uống bên gốc thông để chia sẻ, an ủi về sự mất mát, thiếu hụt. Một ly rượu nhỏ mà cả hai đã uống đến cạn đêm với những tâm trạng khác nhau, tưởng chừng nỗi lòng phơi dần ra, có thể nhìn thấy được, tựa như lớp sương đêm phủ dày lên bãi cỏ. Giờ này, ba cốc rượu trên bàn như một khúc tưởng niệm ai hoài.

- Chúng ta nâng cốc mừng ngày hạnh ngộ –  Chị Yên nói.

 

Ba cốc rượu chạm khẽ vào nhau không thành tiếng, tựa như tiếng vọng mơ hồ của thời gian xa, quá xa.

Bữa cơm có nhiều dấu than và dấu hỏi khiến thức ăn cũng nhanh chóng nguội ngặm và nhanh chóng chấm dứt để mang tiếp theo những dấu than dấu hỏi treo lơ lửng trước mặt.

 

Chị Yên đề nghị “mình lên phòng khách uống trà”. Người giúp việc chỉ tay lên bàn ăn “cô chú tự nhiên”.

Ngoài hiên một chút nắng cuối ngày mỏng tanh như tờ giấy lụa vàng trải trên thảm cỏ non mượt. Màu nắng dịu dàng cuối ngày ở một xứ sở hào phóng sương mù, hào phóng khí hậu mát mẻ hình như đã làm cho mọi người trở nên đẹp hơn, đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Điều này có thể nhận ra một cách khá dễ dàng khi ngồi ngắm nhìn bàn tay thon thả của chị Yên khi rót trà ra chén, khuôn mặt thanh thoát đôn hậu và dáng vẻ dịu hiền của đức mẹ Maria, dù chị đã bước qua khỏi bốn mươi, một lằn ranh tuổi tác mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng dè chừng, e ngại.

- Thành uống trà – Chị Yên bưng chén trà lên. Tôi đưa hai tay giữ chén trà và  cả bàn tay chị. Lần đầu tiên tôi chủ động giữ bàn tay ấm áp của chị trong tay mình  lâu đến vậy với một cảm giác như vừa được uống một ly champagne. Chị vẫn để yên, không rụt lại, cũng không nói một lời nào. Mọi vật đều như ngưng đọng, cả thời gian. Trong lớp sáng lờ mờ của gian phòng chưa bật đèn, hình như tôi nhìn thấy ngấn nước trên khóe mắt chị kịp giữ lại, long lanh.

 

Theo bản năng của người phụ nữ, chị rụt tay vội vã, nhắc như hơi thở nhẹ:

- Thành uống trà đi, kẻo nguội. Tôi còn nhiều chuyện để nói với Thành.

 

Chúng tôi ra vườn, ngồi trên ghế đá già nua của người chủ cũ để lại, loại ghế thường thấy trên bờ sông Seine qua tranh ảnh. Chị Yên đột ngột hỏi:

- Hồi nãy Thành thấy chiếc mũ trên móc tường phải không?

- Chiếc mũ trên móc có gì là lạ?

Chị níu thành ghế, lơ đãng nhìn ra cổng, lát sau chị nói:

- Có đấy. Chính vì thế nên tôi mới gọi Thành về.

- Tôi không hiểu gì cả?

Chị Yên đặt bàn tay lên tay tôi:

- Trước sau gì Thành cũng phải hiểu. Mọi sự đều có khởi đầu và kết thúc, dù tốt hay xấu. Chiếc mũ đó là của một người đàn ông. Thành không biết ông ta đâu. Trước kia là giáo sư ở đại học khoa học, quen biết ba tôi không rõ là trong dịp nào, nhưng thuộc lứa em út xa của ba. Hồi đầu năm này, ông ta lên Đà Lạt, mở một trại cấy ghép mô lan rừng, ghé lại thăm. Một lần rồi nhiều lần. Vợ ông ta mất từ lâu. Đứa con gái duy nhất ở Pháp, ông ta nói vậy. Và cuối cùng thì ông ta xin cầu hôn.

Tôi ngắt lời chị:

- Tôi thấy không có gì trở ngại, nếu như chị cũng yêu ông ta. Chị không thể cứ phải sống một mình đến cuối đời như vậy mãi được.

-Vấn đề không phải là ở chỗ đó. Nhưng yêu nhau rồi sống chung với nhau trong mớ tuổi tác chất chồng như thế này sẽ giải quyết được những gì cơ chứ?

- Có một trường hợp như thế này – Tôi bịa ra – Có một bà chị làm cùng sở, vừa nghỉ hưu, chồng mất cách đây chín năm. Hồi còn làm việc thì không có vấn đề gì, nhưng nay, khi về nhà thui thủi một thân một mình suốt ngày trong căn nhà rộng mênh mông, con cái sáng sớm đã đi mất, tối mịt mới mò về, khiến chị ấy buồn và cô đơn hơn bao giờ. Chị ấy luôn tìm cách bày tiệc tùng với anh em trong cơ quan cũ, hoặc những người thân quen để lấp bớt khoảng trống đó. Tâm trạng của họ là vậy. Chị tuy hoàn cảnh khác, nhưng tôi nghĩ, nếu như ông ta thật lòng, luôn dịu dàng và tôn trọng chị thì sự thay đổi đột ngột này sẽ khiến chị sẽ được hạnh phúc hơn?

- Khổ nỗi là tôi chỉ thấy thương hại, kính trọng ông ta chứ không hề yêu.

- Từ thương hay thương hại tới yêu chỉ cách nhau có mấy bước chân. Tôi nghĩ, một người trí thức như ông ta, sẽ tự biết cách làm thế nào để chiếm được tình yêu của chị. Mà trí thức hay không cũng chẳng là gì. Quan trọng là sự chân thật.

- Chuyện đó chỉ có thể xảy ra với tuổi trẻ. Đằng này cả hai đã hơn nửa đời người rồi. Với lại, tình yêu thì không thể cưỡng bức.

- Chị quá khắt khe với cuộc sống.

 

Chị Yên lại thở dài:

- Không đâu. Với tôi, nó chỉ đến một lần duy nhất trong đời, không có lần thứ hai. Mãi mãi vẫn là mối tình vô vọng ấy, nhưng những định kiến và tập quán phương Đông tạo thành bức rào cản vô hình. Không ai đủ can đảm để thực hiện điều mình yêu thích. Tôi cũng vậy thôi. Hồi còn trên này, Thành cố trói tôi vào với ông Sâm mà có được gì đâu. Thành biết vậy mà vẫn cứ cố tình che đậy.

- Tôi chỉ có mỗi một ước mơ duy nhất là được nhìn thấy chị hạnh phúc!

 

Chị ngước mắt nhìn tôi như một thỏi nam châm:

- Thành nói thật lòng chứ? Vậy thì Thành làm gì để tôi được hạnh phúc như Thành vừa nói đây?

 

Câu hỏi của chị nghe như một giòng nước sôi réo phía đầu nguồn rồi hụt hẫng phía cuối, chỉ còn là một vệt nước trên mặt đất khô nứt, khi nhìn thấy đôi bờ vai mỏng manh của chị rung lên. Chị khóc không thành tiếng. Những cơn rung giật từng hồi như thể chị là cành cây non bị bão lớn xô đẩy oằn oại. Tôi sững sờ ngó chị và bất lực. Tôi không biết phải làm gì trong tình cảnh khá bi hài này. Chị không phải là cô gái bé nhỏ để tôi vuốt ve, dỗ dành. Mà an ủi chị thì tôi không thể kiếm ra câu chữ lúc này. Đầu óc mịt mù. Trí não kéo căng cứng. Tôi thật bối rối. Chợt nhớ câu nói khá khôi hài của ông Sâm, đã lâu lắm rồi, khi đưa đám sinh viên chúng tôi đi thực tập: “gan dạ dành cho đám võ biền, can đảm dành cho kẻ yếu đuối. Còn trí thức nửa vời như các cô cậu thì nên gộp cả hai để làm vũ khí tự vệ khi cần thiết”. Ông nói đúng . Mớ chữ nghĩa lộn xộn tích góp bấy lâu chẳng giúp ích cho ai được gì, nhất là với tôi, trong tình cảnh này.

 

Chị Yên ngước mắt về phía tôi như thể chờ đợi một phép màu nào đó. Tôi cầm bàn tay lạnh ngắt của chị, một bàn tay có vẻ như không còn sinh khí:

- Với chị, tôi đúng là một người vô tích sự.

- Có lẽ Thành nói không quá: từ thương tới yêu chỉ cách nhau mấy bước chân. Có khi cứ nghe theo lời khuyên của Thành mất – Giọng chị giáp với nỗi tuyệt vọng – Và bây giờ thì tôi không còn cần thiết cho bất kỳ ai thân thích nữa. Gía như anh Tùng đi chậm hay sớm vài ngày, thì sự thể đã khác, không phải ngồi than vắn thở dài. – Nói và chị lặng lẽ bỏ vào nhà.

Băng ghế đá bắt đầu trở lạnh. Hơi ấm từ chỗ chị ngồi bắt đầu đọng làn sương mỏng. Và có lẽ mối quan hệ khói sương này cũng sẽ chấm dứt một khi tôi không có đủ can đảm lẫn gan dạ? Một cảm giác được báo trước, rằng những cánh dã quỳ sẽ khuất lấp đâu đó sau chân mây, héo hắt trong lớp nắng quái chiều hôm. Và miền đất này chỉ còn là miền mơ tưởng đến niềm hạnh phúc không bao giờ có thật.

 

Đẩy cổng, bước ra đường trong cái lạnh váng vất mà không biết mình đi đâu, cho đến khi chân mỏi nhừ, ngồi lên bờ đá, ngước nhìn về phía quầng sáng, chỉ thấy nóc  nhà thờ nhô cao, lẻ loi giữa những chỏm nhà lô xô bên dưới.

 

Người đàn bà, cánh dã quỳ và miền mơ tưởng, tôi thốt lên như một lời cầu kinh của kẻ tội đồ vô mệnh.

 

Đà Lạt, tháng 4/2003

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2767
Ngày đăng: 19.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Lụt - Trần Văn Bạn
Ghen - Nguyễn Tiến Lợi
Tô Canh Bù Ngót-1 - Hư Thân
Tô Canh Bù Ngót-2 - Hư Thân
Chuyện sau trận lụt - Đổ Thị Hồng Vân
Đã đến lúc quay về nhà - Mường Mán
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)