Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
793
116.641.156
 
Sông xa
Nguyễn Lệ Uyên

Tuổi già ăn ít đã đành. Ngủ lại càng ít hơn. Mười giờ đã lên giường, nhưng cứ trằn trọc mãi tới nửa đêm mới chợp mắt, để rồi canh hai là lồm cồm ngồi dậy. Bữa nay ông Thành cũng không tài nào dỗ được giấc ngủ, mắt vẫn ráo hoảnh. Chỉ nằm được một lúc rồi rón rén ngồi dậy không một tiếng động, như sợ khuấy rộn giấc ngủ say của các cháu ở phòng bên. Ông lấy bình chén ra pha trà. Phích nước còn nóng, nhưng ông vẫn cảm thấy như chưa vừa đủ, như còn thiêu thiếu một chút gì mà ông đã đánh mất từ hơn hai năm nay...

 

Hồi còn dưới quê ông cũng từng thức dậy sau lần tiếng gà gáy lần đầu cất lên, để bưng cây đèn hột vịt dò dẫm từng bước trên nền đất mát lạnh, xuống bếp nhóm lửa, nấu nước pha trà. Những que củi tre khô bắt lửa cháy bùng lên tỏa ra mùi thơm cay cay, nồng nồng. Nước sôi ro re trong ấm. Chiếc kiềng sắt ba chân như con công đang xòe cánh nhảy múa trên bức vách đen ám bồ hóng. Ông không rõ có phải tất cả những thứ đó nó làm cho bình trà có mùi vị hơn chăng? Có điều với ông, uống trà buổi sáng như vậy ở chốn quê làm cho lòng người ấm lại, trí óc tỉnh táo hơn, như thấy mình tan vào lớp sương mỏng của đất trời buổi sáng sớm. Chén trà bốc khói trong lớp sáng tối nhờ nhờ, hương cau ngoài vườn thoang thoảng như thể ông đang ở một nơi cách xa trần giới, chứ không im lìm như cái phích nước màu đỏ chói trong bốn bức vách khép vô hồn này.

 

Ông không trách lũ con cháu.

Ở cái tuổi bảy tư như ông không còn có quyền cãi lại sắp nhỏ, cũng như hồi nẳm, mấy đứa con

nhỏ nhít của ông không dám cãi lại ông vậy.

 

Sau ngày bà vợ mất, hai đứa con ông nhất định đưa cha lên phố cho kỳ được, với lý do rất đơn giản: “ Ba già rồi, một mình dưới quê không ai cơm nước, chăm sóc hôm sơm lúc ốm đau”. Ông thì cố tình chùng chình, kéo dài thời gian với cái lý của người già: “ Từ hồi nào tới giờ, tao được sinh ra, sống nơi gốc rạ quê mùa này, cũng làm ăn, nuôi chúng bay lớn khôn. Mồ mả ông bà, với má tụi bay còn nằm đó, sao bảo tao dứt tình đoạn nghĩa được?”. Ông nhất quyết không chịu “dứt tình đoạn nghĩa”, nhưng cũng chỉ trong tâm thức sâu thăm thẳm của riêng mình, vì hai năm sau, sau ngày giỗ đầu của vợ, hai đứa con lù lù đánh xe về đậu ngoài ngõ, thu xếp đồ đạt, lôi ông lên xe như lôi một chiếc túi vải nhàu nhò, giao căn nhà cho đứa cháu họ trông coi. Chiếc xe lao đi vội vã coi bộ hớn hở như vừa bắt được tên tội phạm quan trọng. Ông khóc ròng. Ngày vợ mất, ông cũng đau, cũng buồn, nhưng không đau buồn bằng cái cảnh làng quê cứ vùn vụt rớt lại phía sau. Trời đất, giờ thiệt tình ông không còn mảnh ruộng trong tay, những hơn năm mẫu thượng đẳng điền chắt mót dành dụm từ đời ông bà, cha mẹ và vợ chồng ông cũng rớt cái đụi lại phía sau. Đã đành có người khác cày cấy trên đất mồ hôi tổ tiên, nhưng hàng ngày qua lại còn nhìn thấy chúng. Chớ còn làm theo cách của đám con thì coi như ông mất đứt tất cả.

Xe băng qua chiếc cầu dài. Phút chốc dòng sông mất hút phía sau, những bông mướp vàng rực trên bãi cũng tơi tả theo tiếng động cơ nổ ì ầm, cuốn rớt lại một góc hẹp của đời ông. Như vậy có nghĩa là phần đời còn lại của mình coi như mất đứt. Ông cảm thấy căm ghét hai đứa con ruột thịt của mình không biết cơ man nào mà tả, nhưng không nói được thành lời.

 

Thằng con lớn an ủi:

“ Ba sẽ vui khi được gần con gần cháu”

Đứa con gái thêm vào:

“ Ba muốn ở với anh Hai hay với con cũng được. Miễn sao bọn con được gần gũi ba, chạy qua chạy lại chăm sóc ba”.

Ông nổi khùng:

“ Bay dừng xe tao xuống. Tao không cần đứa nào hết. Cái tao cần là được gần gũi ông bà tổ tiên, làng xóm, tối tối được đốt nén nhang cho ông bà”

Đứa con gái vỗ về:

“ Thôi mà ba, ông bà tổ tiên có thể đến được bất kỳ chỗ nào mà ba. Họ linh thiêng lắm. Nhà tụi con, ai cũng có bàn thờ...”

 

Mặt ông đỏ bừng, nhưng đứa con gái kịp vuốt vuốt lên ngực ông như vừa nhận ra là mình lỡ lời. Ông buông thõng một câu, không biết là mắng con hay tự chửi mình: “ tổ cha bay”, rồi ngồi im cho tới lúc cửa xe mở ra.

 

Nhiều đêm nằm nghĩ lại, ông không thể phân định rạch ròi ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Có điều mỗi khi ngó lên bát sành cắm nhang, ông thấy lơ thơ vài cọng chân nhang màu đỏ bầm làm cảnh, khép nép, ngậm ngùi bên hai cây nhang điện cao to. Cũng hai đóm lửa nhỏ trên đầu, nhưng sao trông nó quạnh hiu quá chừng, có vẻ như lúc nào cũng soi mói, chăm chăm nhìn thủng vào bức hình thờ vợ ông phía sau. Một màu đỏ lạnh tanh, không mùi vị, không ấm áp, không la đà những cuộn khói bay vòng. Một hôm ông rụt rè đề nghị với thằng con trai:

“ Tao muốn dẹp bỏ hai cây nhang điện. Nó làm sao ấy, không chịu thấu. Nhang thì phải có hương thơm, có khói bay vòng vèo. Mỗi cụm khói như có mặt cả người chết và người sống, là nơi để hai thế giới gặp nhau, an ủi, nâng đỡ nhau”.

 

Thằng con trai nhanh nhẩu:

“ Dạ được mà ba” – anh ta nói và đứng dậy thực hiện ngay nguyện vọng của ông già. Coi bộ ông hớn hở lắm khi nhìn thằng con trai hăm hở tháo dây điện, gỡ nhang. Ông nghĩ chắc nó phần nào hiểu được nỗi lòng của cha nó, để đêm đêm ông đứng trước bàn thờ vừa thắp nhang vừa hít lấy hít để mùi khói thơm, giống hệt như hồi còn nhỏ ông và lũ trẻ con trong làng chạy theo sau chiếc xe hơi hít lấy hít để mùi khói xăng. Có bữa ông thắp tới ba bốn bận, khói bay khắp phòng, thơm phức. Thế giơi riêng của ông tự nhiên ấm áp hẳn lên. Cho đến một hôm ông và đứa cháu nội đang ê a tập đánh vần thì có bước chân đùi đụi, thình thịch từ dưới cầu thang bước lên. Đứa con dâu vừa cầm chổi lông gà phẩy phẩy bụi vừa phân trần với ông:

“ Bao nhiêu lần con nói với ảnh là ở phố chỉ nên đốt nhang điện, vừa đỡ bụi bặm, vừa tránh được hỏa hoạn. Vậy mà ảnh đâu có nghe. Hễ nổi hứng lên là dẹp nhang điện thắp nhang trầm. Ba biết không, nay làm gì có trầm để làm nhang. Toàn hóa chất. Đốt nhiều không khéo hít phải khói dễ bị ung thư lắm”.

 

Ông chưng hửng, thả rơi quyển sách đánh vần của cháu nội xuống nền gạch hoa láng bóng, ngơ ngác, cổ họng khò khè như con mụ đàn bà đang nắm cổ con vịt sắp cắt tiết “ờ ờ...” như thể ông vừa từ trong cơn mê kinh hãi bước ra.

 

Trật tự phố phường đã được thiết lập lại một cách chắc chắn. Mọi việc đối với ông trở nên cô quạnh như khi vừa mới đặt chân lên thành phố : xa lạ, lạc lõng...

 

Nhịp sống phố phường cứ căng dần lên đến nỗi những đêm không ngủ  được, ông nhẹ nhàng xô cửa, bước ra balcon mong nhìn thấy một góc trăng khuyết, một mảnh nhỏ sao khuya, nhưng hoàn toàn mờ mịt. Bốn bề nhà cửa che khuất, cao lêu nghêu như thể những cụm núi nhỏ, trọc lóc không cây cối, lùm bụi vây quanh ông bít bùng. Cũng không tài nào ngửi được mùi gió đồng, mùi bùn non trộn lẫn mùi phân bò thoang thoảng gần xa. Cả tiếng ếch nhái ban đêm. Và, ngày cũng không thể nghe được tiếng chim cu cườm gù gù đâu đó trên đọt tre cao gọi tình. Với ông, phố phường chỉ thích hợp với khói bụi và chen lấn và ầm ầm máy móc xe cộ. Hàng ngày ông quan sát, hễ vợ chồng con cái thằng lớn bước ra đường là bao là bị bịt chặt bằng chiếc khăn vải nhỏ. Theo ông, đó chẳng qua là sự phản kháng yếu ớt của sinh vật, một cách đề phòng kiên cưỡng. Ở dưới quê, có bao giờ ông phải bịt khăn, phải che mặt như một lũ cướp?

 

Thời gian trôi đi như thể một dòng sông lúc êm đềm, lúc dữ dội tuôn chảy ra biển. Trên trán, trên má ông lại hằn sâu những nếp nhăn như một sự hóa thân mới toanh, như đồng điệu, đồng cảm với chòm râu bạc trắng.

 

Càng về sau, nỗi nhớ ruộng đồng càng ồn ào hơn qua từng cử chỉ, lời nói bóng gió xa gần. Nhưng lũ người phố phường thì giỏi quen chịu đựng, hoặc giả bộ phớt lờ như không hề nghe thấy ông đang tồn tại trước  mắt chúng.

 

Đêm tháng Chạp, trời trở lạnh. Một chút lạnh gây gây, chỉ một chút xíu thôi cũng đủ làm ông xốn xang nỗi nhớ đồng quê. Nhớ chén muối é thơm nồng đầu lưỡi, nhớ khói đốt đồng len tận từng lỗ chân lông ngọt nồng. Một chút khói cay trong bếp. Những đốm lửa rung rinh trên bức vách ám khói và tiếng nổ lách tách từ những mắc củi ẩm đã đánh thức ông. Phải rồi, từ cái thời còn nhỏ xíu, ông đã nhìn ngắm những chiếc bánh bèo tròn trĩnh, ăn chúng và ngắm nghía chúng, cả những chiếc bánh bèo và những cây siêu bằng tre đen bóng để chém bánh. Cái mủng bánh bèo của bà Tư dưới gốc da đầu làng đã đón tiếp không biết bao nhiêu thế hệ qua đi. Cái mủng vẫn còn đó, những chiếc bánh vẫn còn đó, những cây siêu nhỏ xíu, láng nhuốt vẫn còn đó. Chỉ có con người là thay đổi. Tội nghiệp.

 

Tháng Chạp bắt đầu thu ngắn dần. Một hôm, trong bữa cơm, vui miệng ông thổ lộ tâm can mình:

“Tao nói với hai vợ chồng bay, là tết này đi mua một mớ củi đước về nấu bánh tét, bánh chưng. Bay có bận bịu công việc để ông cháu tao làm cho. Tao sẽ thức canh nồi bánh tới tận giao thừa để cúng ông bà, đón ông Táo”.

 

Hai đứa cháu nghe chuyện lạ, có vẻ đầy hấp dẫn, vỗ tay reo:

“ Ý kiến nội rất tuyệt vời, để con thức đón ông Táo vơí nội”.

Anh con trai phân vân, nửa tán đồng nửa chờ ngóng ý kiến vợ. Anh đờ đẫn đến thảm hại. Đứa con dâu liếc về phía chồng, thấy không có phản ứng gì hung, bèn quay sang phía cha chồng, rất mềm và ngọt ngào:

 

“Cha già cả rồi. Giữ  gìn sức khỏe là chính . Còn chuyện bánh trái để con lo. Bổn phận của con mà”

Nghe tới đây ông mừng thầm, bởi kể từ ngày đặt chân vào nhà sống chung với lũ con cháu, đây là lần đầu tiên ông thấy chúng chìu theo ý mình. Nhưng khốn thay nỗi mừng chưa kịp chín thì người con dâu đã rứt cái mừng đó của ông ném ra ngoài cửa:

 

“Ba biết không, chợ Vườn Chuối bánh tét tết người ta bán nhiều lắm, ngon, rẻ, đỡ mất công”.

Ông Thành chưng hửng. Sự hớn hở của hai đứa cháu như hai bông hoa dại vừa mới rực rỡ, tươi rói đó bỗng héo xàu. Còn riêng ông thì như một thân cây bị nhổ trốc gốc. Ông buồn thật sự, lầm bầm thấu trong ruột gan: “ Tổ cha cái văn minh văn miết... Mẹ cha nó cái thứ phố xá...” rồi bỏ lên gác trước sự ngơ ngác của tất cả lũ người đang có mặt trong căn phòng dựng thẳng tựa chiếc quẹt diêm. Ông không phản ứng thành lời hay bằng hành động nào. Ông lầm lũi kéo lê đôi bàn chân, leo lên từng bậc cầu thang, nặng nhọc, lầm lũi, cam chịu.

 

Đêm ông nằm mơ thấy mình trở về căn nhà cũ. Ông hớn hở gói bánh, hăm hở chụm những gộc củi tre sần sùi, lửa liếm đỏ đít nồi. Nước sôi ùng ục. Mùi bánh thơm tỏa ra khắp vườn nhà. Ông ngây ngất, sung sướng như lần đầu tiên ông biết đến nụ hôn, đến cái chạm nhẹ, rất nhẹ vào da thịt người mình thương. Cho đến khi trực giấc, ông mới hay rằng chưa bao giờ ông buồn như lần này, cay đắng và tuyệt vọng.

Một chút nước mắt khô cạn già nua còn sót lại, ngập ngừng lăn xuống nhưng không đầy hai nếp nhăn bên khóe.

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2800
Ngày đăng: 06.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nà Bò cỏ ống - Hoa Ngõ Hạnh
Chị và em - Hội An
Biển xanh sâu thẳm.1 - Peter Hobbs
Biển xanh sâu thẳm.2 - Peter Hobbs
Nhân quả - Trương Hoàng Minh
Mật đắng - Đổ Thị Hồng Vân
Hài nhi không biết cười - Trần Văn Bạn
Một Buổi Chiều - Ian Ranking
Thiên thần 18 - Đào Phạm Thùy Trang
Báo hiếu cha - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)