Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
777
116.648.253
 
Thở dài
Nguyễn Lệ Uyên

Mỗi năm cô chỉ gửi cho anh một lá thư. Lúc thì dài lê thê. Nhưng có khi lại chỉ vỏn vẹn một chữ  thôi”. Năm nay khác hơn, cô cắt một bài thơ in ở báo nào đó, gửi anh. Những câu thơ lạnh lùng, run rẩy cứ như thời gian trôi lướt thướt trước mắt anh.

                        “ Mái tóc nào kia chớm bạc

                         Không! Không! Không phải em đâu”

                                                                        (NTHN)

 Ở dưới câu thơ cô còn viết thêm bằng bút bi màu mực xanh “có mong gặp lại?”. Cái dấu hỏi ấy đập vào mắt như một nỗi cô đơn bị co rúm lại, méo mó, dị dạng. Chưa hết cô còn gạch chân thật đậm. Nét gạch nom như vết dao cứa nhẹ lên da thịt.

Hai mươi mốt năm rồi, cô và anh chia tay nhau mà không vì một lý do nào cả. Nó diễn ra một cách nhẹ nhàng như thể hết ngày rồi lại tới đêm. Như khi đói phải ăn, khát phải uống. Không hiểu tại sao cô và anh lại phải làm vậy, kể cả những người hay thóc mách chuyện riêng tư. Nếu như hai người không chia tay nhau. Và nếu như hai người lấy nhau thì mối tình ấy sẽ đẹp biết bao, có hậu biết bao. Rồi họ sẽ có con với nhau. Con cái họ bây giờ cũng đã lớn. Không chừng cô và anh đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại rồi cũng nên.. Nhưng tiếc thay, niềm hạnh phúc ấy, niềm hạnh phúc mong manh đã vuột khỏi tầm tay. Cả hai như thể con cá chẽm quẫy mạnh đuôi phóng vọt qua khỏi miệng hồ bông súng thơ mộng.

Những bông hoa, những cánh bướm ảo diệu ban đầu hóa ra lại xơ xác về sau đến thảm hại, để mỗi năm một lần, họ phải sụt sùi kiểu “mưa ngâu”, như để tự dằn vặt, đau khổ và hoài nhớ nhau. Rồi sau đó, mỗi người bị cuộc sống cuốn hút, tạm nguôi ngoai, tạm quên đi. Chuyện xưa chỉ còn là vết sẹo mỏng, được đặt tiếp vào bộ nhớ, chờ đúng kỳ vào năm tới.

Buổi tối, anh ôm mùng màn lên sân thượng, nằm nghe gió thở dài sườn sượt, loại gió từ đại dương thổi về mang theo mùi muối biển, mùi vảy cá, san hô và rong tảo. Trời đầy sao. Sao lấp lóa, nối dài với đèn thuyền đánh cá ngoài khơi tạo thành một vành cong, sáng trắng. Đêm cũng thở dài, kéo thành một vạc mỏng như dải lụa bạc bềnh bồng, trôi về phương nam, nơi cô đang soi mình trong gương, đang ngó mong xuống cây mận góc sân, hay cô cũng lên sân thượng ngóng về phía chòm sao Đại Hùng?

oOo

Ngày ấy cô là một sinh viên mới ra trường. Cô thông minh và đẹp. Đẹp đến nỗi ngay cả người cùng giới cũng bị cuốn hút về phía cô. Vẻ đẹp của một thỏi nam châm, hòa trộn giữa sự thuần khiết và nhục cảm, giữa hư và thực, giữa mộng mị ma quỉ và thanh thoát diệu kỳ. Đồng nghiệp nam ví cô là một đóa hoa gai. Còn anh, khi đã thật hiểu rõ về nhau, anh mới khám phá ra rằng đó là một đóa hoa gai rất đỗi dịu dàng, như thể gai lông chông miết nhẹ trên da thịt, gây một cảm giác nhột nhạt vừa kích thích tất cả mọi dây thần kinh xúc cảm.

Còn theo sự nhìn nhận  của những người khác, thì cô là nhân vật đặc biệt kỳ quặc!

Ngày đầu tiên cô đến nhận nhiệm sở, đang giữa mùa khô hanh, trời nắng chang chang, bỗng nhiên đổ xuống cơn mưa rào thật dữ dội. Ếch nhái kêu ran mặt đồng trắng nước tựa một dàn kèn đồng, bất ngờ trổi lên khúc hoan ca. Cô bước qua cổng trường với tóc tai, áo quần bám đầy bụi đỏ. Cô bước mà không hề chạm đất, chung quanh tỏa ra mùi hương bông bưởi, bông tràm lềnh bềnh trong lớp sóng mồ hôi dập dềnh như sóng cuốn.

Các vị phụ huynh còn kể thêm rằng họ thấy cô ở bến xe thị xã, loay hoay hỏi thăm đường đến trường với tâm trạng nửa chạy trốn, nửa tìm kiếm vật gì vừa mới đánh rơi. Họ nghĩ cô là người yêu, thậm chí là tình nhân một  viên chức cao cấp nào đó trong quận lỵ. Họ không hề nghĩ cô là cô giáo, một nữ giáo sư trung học sẽ gây nhiều chú ý và tranh cãi sau này. Họ khuyên cô đợi tắt ráng, tránh đi đường bộ có thể gặp mìn bẩy, cũng có thể gặp quân hai bên đánh nhau. Cô nhỏ nhẹ cảm ơn rồi biến mất. Cuối cùng một số ít trong bọn họ nhìn thấy cô như một kẻ nhàn du trên đoạn đường dài mười chín cây số, bị băm vằm, cày xới như đất vỡ hoang. Họ còn nhìn thấy cô đủng đỉnh theo sau chiếc xe bò, rồi lắc lư trên đó cùng bọn trẻ con áo quần xốc xếch, tóc tai vàng hoe ám đầy khói đồng, phân bò và bùn non.

Đám trẻ về đến nhà, tháo bò ra khỏi gọng xe với tâm trạng phấn kích lạ đời. Chúng hát vang dưới lạch sâu, trần truồng ngâm mình trong dòng nước đỏ quạch. Cha mẹ chúng hết sức ngạc nhiên vì chưa bao giờ ở miệt đồng này nghe lũ trẻ con hát, mà toàn là những bài hát lạ, khó hiểu: “ Pheè ...dắăc... cờ... Phèè ...dắắc...cờờ... Đoóc meê... vuu...”. Họ đồn đại thêm rằng, có một bà tiên bay xuống giữa đồng, ngoắt lũ trẻ lại, giỡn chơi với chúng, dạy cho chúng ngôn ngữ của thế giới tiên, làm cho chúng bị mê lú, không còn thiết gì đến chuyện giúp cha mẹ chở phân khô ra đồng như trước kia nữa. Cha mẹ chúng vô cùng đau khổ.

Ấn tượng khó quên đối với cô ngày đầu tiên nhận nhiệm sở mới, là ông tùy phái và con trâu. Ông gầy nhom, ngồi khuất sau chiếc bàn gỗ to xù xì. Lúc cô đặt tờ sự vụ lệnh lên bàn và tự giới thiệu về mình, ông giật nẩy người, nhìn cô đăm đăm và có vẻ như phút chốc trẻ lại đến hơn chục tuổi, mặc dầu ông đã ngoài bốn mươi và có đến ba bà vợ cùng chung sống trong một căn nhà rất thân thiện, hòa bình. Cô thấy ông cứ vân vê tờ sự vụ lệnh, tâm thần đờ đẫn, như thể trong đêm tối ông vuốt ve thân thể vợ mà sợ nhầm lẫn. Cô thấy tất cả. Hiểu tất cả. Nhưng cô phớt lờ. Không buồn. Không giận.

Trong khi chờ trình diện ông giám học, bất thần cô thấy con trâu thò đầu vào cửa sổ, cách chỗ cô đứng chừng hơn sải tay. Hai chiếc sừng nhọn, cong vút lúc lắc trên chiếc đầu dài, tỏ vẻ thân thiện, như có vẻ  chào đón cô. Tim cô đập thình thịch theo nhịp chày giã gạo, dù rằng hồi nhỏ cô cũng đã từng chăn trâu, cưỡi trâu. Cô lùi lại theo bản năng tự nhiên. Con trâu cũng rút đầu ra khỏi cửa sổ như  tỏ vẻ thất vọng, như giữa nó và cô chưa có sự đồng cảm. Khắp gian phòng rộng, tự nhiên bay ra mùi hương lạ tựa như hương bông lài bị nhốt lâu ngày, rất lâu trong chai. Cô nghe ông giám học hắc hơi liền mấy cái, ở phía sau vách ngăn.

Như vậy ngay từ ngày đầu đến trường mới, không có những bó hồng đỏ thắm. Cũng không có tiếng ly cốc chạm lanh canh, sóng sánh màu rượu vang hổ phách như con Liên nói ngay sau ngày thi tốt nghiệp. Sự tưởng tượng rất hào phóng này chỉ đủ khả năng giúp cho từng đứa tạm quên đi chốc lát thứ tình cảm bịn rịn, trong vắt như pha lê suốt bốn năm học chung lớp. Đứa nào cũng lên gân để tự đánh lừa mình, vì chúng nó biết rất rõ, rằng sẽ không còn có dịp nương nhờ nhau, giúp nhau. Không còn những chuỗi cười hồn nhiên vang động sân trường, mà sẽ chỉ có khóc thầm, nhớ nhung. Chỉ còn cười bằng mắt, bằng tai. 

Mọi việc diễn ra y chang như một thứ định mệnh được báo trước. Buổi gặp mặt cuối cùng trước ngày nhận nhiệm sở, buồn còn hơn đám ma. Nước uống, trái cây, bánh kẹo... bày la liệt trên bàn nhưng chẳng ai đụng tới. Nước mắt giọt vắn giọt dài. Từng tốp nhỏ túm tụm lại thầm thì, nom giống những tín đồ Hồi giáo đang đọc kinh Coran. Những tiếng rì rầm ấy kéo dài tựa như những sợi bún thiu. Không khí thật ảm đạm. Họ cố giữ chút gì còn lại, thật thiêng liêng, mà nếu như làm khác đi sẽ vỡ tan tành.

Ngay buổi tối hôm đó, Oanh đến nhà cô. Nó ném bọc giấy to tướng lên bàn rồi ôm chầm lấy cô khóc nức nở. Cô để cho nó khóc trên vai mình, để cho nước mắt nó chảy tự do xuống đầu núm vú bên trái nghe mặn rát niềm-hạnh-phúc-đắng-cay.

“ Suốt đời tao không quên ơn mày. Cầu mong Chúa luôn che chở mày” – Oanh nói bằng cái giọng phô diễn tất cả tim gan, đến nỗi cô cảm thấy như mình cũng tan dần vào thân thể nó.

Cô đẩy Oanh ra:

“ Thôi, dẹp chuyện đó đi” – Cô la lên mà không biết là la mình hay la nó.

“ Gia đình tao rất có lỗi với mày” – Oanh lại nức nở.

“ Đồ con khỉ. Cứ lảm nhảm như con mụ điên”.

Điều Oanh gọi là mang ơn, chẳng qua là việc cô tự ý đổi nhiệm sở cô chọn trong thành phố cho nó để nhận ngôi trường ở đâu đó xa lắc, tìm hoài trên bản đồ không hề thấy. Cô làm vậy vì cô và Oanh rất thân nhau, vì Oanh còn bà mẹ già tối mắt, còn cả một đàn em lít nhít ở sau. Ba nó phải làm cật lực mới đủ nuôi sống tám miệng ăn. Còn cô thì không phải lo nghĩ gì. Cô là con út. Gia đình khá sung túc.

Nhưng hỡi ơi, giờ  này đây cô không còn bên cạnh nó. Không có nó. Không có con Liên. Không có lũ bạn để cười đùa, chọc phá, hờn giận và làm lành... Cô một mình, đang ở giữa cánh đồng nước mênh mông. Hãy tưởng tượng rằng, chính lúc này con Oanh đang đứng dưới tán lá bần, sát mép đìa, phía đầu sân chơi bên kia, trong cái thị trấn nhỏ xíu bằng lòng bàn tay, xa tít, cách trở đò sông mà nghĩ về mẹ nó thì sao nhỉ? Chắc nó sẽ khóc ngất, ngã quỵ và rơi tòm xuống ao? Chắc là sẽ có vài ba ngày trong tuần nó rớt xuống ao như vậy giữa đám bần non, khi nó tưởng tượng mẹ nó mò mẫn lặt từng cọng rau muống, mò mẫn ra phía vò nước, rồi chấp chới, ngã bổ nhào trên nền gạch tàu đỏ hoét? Tới khi lũ em nó đi học về thì bà chỉ còn thoi thóp thở. Và khi ba nó đi làm về thì bà đã qua đời! Cô bỗng rùng mình. Toàn thân cô lạnh ngắt. Không hiểu sao cô lại nảy ra những ý nghĩ xằng bậy và vô cùng độc ác một cách có ý thức như vậy?

Buổi chiều, có giờ trống giữa buổi, cô tha thẩn ngoài sân trường, rồi đứng dưới tán lá bần, sát mép đìa chạy dài từ đầu sân đến cuối sân. Nhưng cô không nghĩ gì về Oanh, về mẹ Oanh và bọn con Liên. Cô chỉ đăm đăm ngó đám cặt bần tách khỏi mặt nước,chỉa thẳng lên như gươm giáo thủy binh. Mùi bùn non hăng hắc bốc lên. Mùi khói đốt đồng thoảng qua. Rồi mùi phân trâu, mùi nước tiểu ngai ngái trộn lại, quấn chặt những tia nắng xói xiên, rừng rực. Cái nóng oi nồng giữa tháng Ba làm cho mấy con cá rô thỉnh thoảng phải quẫy nước nhoi lên, đụng cả vào những tàu lá bông súng nằm soãi trên mặt đìa. Nước xao động, làm vỡ những tia nắng màu lửa chói rực. Nhưng tất cả có vẻ không làm xao động một thứ tình cảm nào trong cô. Mọi thứ đều bắt đầu mòn lĩn dần, đều bắt đầu quen thuộc dần. Cô cũng quen dần với những ý nghĩ rằng cô là một cô gái kỳ quặc. Rằng cô phách lối kêu căng. Rằng cô tự phụ về nhan sắc, về trình độ. Nói chung họ liệt cô vào loại khó ưa, thứ dở hơi, gàn bướng. Tốt nghiệp hạng ưu, chọn được trường tốt trong thành phố, không chịu lại chui đầu về cái xó xỉnh tối tăm này. Rồi dám cãi lại ông hiệu trưởng về chuyện giờ giấc, tranh luận với ông giám học về chuyên môn. Nhưng nguy hiểm nhất và xấc láo nhất là việc chê bai ngay trước mặt ông thiếu tá quận trưởng về cái đảng cô gọi là “Đảng Đánh Trống Thổi Kèn” , mà nếu như cô không có nhan sắc đến nỗi ông quận trưởng hay thường xuyên lấy cớ tới thăm trường, cha cô không có thế lực về tiền bạc thì không rõ số phận cô sẽ ra sao ở nơi thị trấn nhỏ heo hút này, nơi không phân biệt được ai là Việt Cộng, ai là Quốc Gia? Tất cả những sự thể mà cô lần lượt mang tới được giới trí thức trong thị trấn nhờ vào Tam Đoạn Luận của Socrates để lý giải, lôi cả Nietzsche, cả Freud để đưa cô lên bàn mổ. Vô hình chung, các cụ tổ của các trường phái triết học phương tây cứ choảng nhau côm cốp. Lúc thì ở hành lang, khi thì trong phòng hội đồng, quán nước... bất phân thắng bại. Dĩ nhiên là không có mặt cô những lúc đó.

Chỉ có đám học trò là tỏ ra vô tư, thân thiện, vì có đứa suýt soát bằng tuổi cô, dù rằng chúng chỉ mới lớp Đệ Nhị. Cũng có đứa ngổ ngáo, đặt cho cô biệt danh “Bà Chằng Lửa”, bỡi cô thường hay truy bài chúng, những đứa con nhà giàu trong thị trấn, con các quan chức trong quận, coi đồng tiền như cỏ rác, sự học là chuyện thứ yếu: “nhỏ không học lớn làm đại úy”.

Duy nhất trong số các đồng nghiệp, có anh chàng dạy môn quốc văn là thản nhiên, không thèm quan tâm đến bất cứ  việc gì, của ai ngoài những trang sách. Sách của anh ta nhiều vô thiên lủng. Sau những giờ dạy, anh ta chỉ có sách là bạn bè tâm tình. Lúc nào cũng có thể đọc và ghi chép được, nhai chữ  nghĩa rào rào như mọt nghiến trèo trẹo trên kèo gỗ. Anh chàng người cao to. Đen trùi trũi như ông hộ pháp. Cằm vuông. Mày rậm. Tướng mạo dữ dằn. Học trò lần đầu gặp anh, đứa nào cũng sợ, tưởng có thể đái ra quần ngay. Nhưng anh chàng lại có những thứ rất trái khoáy với vẻ dữ tợn ngoại hình: tính tình và nụ cười rất con nít.

Một lần có giờ trống, cô vừa đặt chân vào phòng hội đồng đã thấy anh ngồi bất động với quyển sách nhỏ nằm lọt thỏm trong đôi bàn tay to bè, mải mê lật từng trang sách. Cô nghĩ, không phải anh đọc bằng mắt mà nhai nuốt từng con chữ như  thủy thủ nhảy tọt lên đất liền nhai rau tươi. Anh không một lần ngước lên nhìn cô. Mà dẫu có ai khác anh cũng không làm cái động tác ấy. Tiết kiệm lời nói, tiết kiệm nghe, tiết kiệm nhìn có vẻ như là thuộc tính cố hữu của anh. Cô liền có một ý nghĩ hết sức bây bạ: như có một ai đó, ví dụ như cô chẳng hạn, ngã lăn đùng ra thì anh có chịu buông quyển sách ra không nhỉ?

Công bằng mà nói, chính anh ta mới là con người kỳ quặc.

Chính nó mới gây nên sự chú ý, tạo nên ấn tượng mạnh trong cô lúc nào không hay. Cứ mỗi ngày một chút, mỗi tháng một ít, lâu ngày tích tụ dần như xác lá tràm tích tụ dưới tầng nước mặn, dày thêm, cao thêm.

Cô không thể nào cưỡng nổi sự  tò mò, muốn xấn xổ vào anh, banh tất cả ruột gan, tim óc ra để khám phá những điều bí ẩn, kỳ cục, mãi gợi sự thắc mắc trong cô như một khối u. Cô không thể chống lại một thứ tình cảm tự nhiên tự đáy lòng như mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Và những con sóng nhỏ ấy đập mãi, vỗ mãi vào tảng đá vô thức là anh, để cuối cùng tảng ấy cũng phải mềm nát.

Còn anh chỉ thực sự chú ý đến cô trong những ngày đầu lao vào dọn dẹp những thứ đổ nát sau chiến tranh. Áo quần, tóc tai cô cũng bê bết bùn đất từ những dòng kênh mới xẻ. Cô cũng vác đất, cầm len như mọi người. Cô cũng mệt mỏi, hân hoan như mọi người. Cô cũng có những niềm kiêu hãnh của một công dân trong đất nước đã hết bom đạn, cũng có những hoài nghi về sự điều hành thô thiển, những định chế phân phối trật khớp, sự cào bằng về trật tự.v.v. Tóm lại cô cũng là một con người có đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố như ai. Cái vỏ tiểu thư, kiêu căng và gì gì nữa... tựa như một lớp vôi, cứ tróc dần ra trước mắt mọi người.

Anh từ ngạc nhiên này nhảy qua những bất ngờ khác và rồi yêu cô lúc nào chẳng hay.

Mối tình “bùn đất” – theo cách gọi của anh và cô sau này, được kiểm nghiệm qua các lớp chính trị, tập huấn nghiệp vụ liên miên. Mỗi người một nơi, luân phiên xa nhau. Ban đầu mới chỉ là một chút nhớ hiu hiu như gió nồm. Đi riết, xa lâu nỗi nhớ như nam cồ, nam mái. Cuối cùng nhớ quay quắt, nhớ cồn cào trong từng giấc mơ khúc đoạn.

Ba tháng đủ để hột lúa từ khi gieo xuống đất ngả sang những gié vàng ruộm, đủ để những chùm hoa trắng nõn màu cánh sữa trở thành những trái chín vàng mật ong.

Trước đây những chuyện như vậy, trong tiểu thuyết anh cho là nhảm nhí, bịa đặt. Làm gì có chuyện yêu nhau đến nỗi trái sầu riêng trên cành bỗng rụng xuống? Chim ngừng hót? Sóng thôi vỗ vào bờ? Đến cả những bông cỏ may cắm đầy ống quần, luôn gây sự bực bội cũng trở nên đẹp đẽ khác thường như thể đang trong một thế giới tuyệt vời nào đó?

Trên ba mươi tuổi, trí tuệ anh mới chịu mở ra để hiểu thế nào là sự vĩ đại, phi thường của tình yêu...

Vậy mà anh và cô lại chia tay nhau, không vì một lý do nào cả. Thật phi lý. Không thể tin được...

oOo

Nửa đêm vợ anh khoác chiếc áo len mỏng lên chỗ anh nằm, khẽ khàng quỳ bên cạnh, khẽ khàng giũ rộng tấm mền đắp lên ngực anh. Nàng dòm sát vào mặt xem anh đã ngủ chưa, rồi ngồi trong tư  thế bó gối, nhìn ra phía biển. Anh nằm im một lúc rồi cũng mở mắt ra. Nàng như một pho tượng thạch cao, lồ lộ bên thân anh ngã đổ. Nàng như gần mà như xa, giữa khoảng không cao vòi vọi. Mấy lần anh đưa tay lên với ý định kéo nàng nằm xuống bên cạnh anh. Nhưng mỗi lần như vậy anh thấy mình chấp chới, gần như đuối sức. Bất giác anh ngước nhìn lên bầu trời đầy sao. Những ngôi sao li ti, lạc lõng. Những ngôi sao li ti cô đơn. Có cái chợt ngã bổ nhào, rơi vào vũng tối, có cái đứng tách xa thăm thẳm.

Vợ anh đột nhiên cuối xuống, hôn nhẹ lên trán.

- Mình xuống phòng đi, sương nhiều lắm. Tóc anh ướt đẫm cả này – Nàng nói và luồn những ngón tay thon nhỏ vào tóc anh.

- Không việc gì đâu, em nằm xuống đi – Anh nói và duỗi tay ra làm gối cho vợ. Nàng nép sát vào người anh, chuyền cho anh hơi ấm áp của người vợ yêu chồng. Hai người nằm ngửa mặt nhìn trời cao, không biết là bao lâu.

Lúc sau nàng quay về phía anh hỏi:

- Sao thỉnh thoảng mình lên sân thượng nằm một mình vậy?

Anh ôm vợ vào lòng mà không trả lời. Anh vùi đầu vào mái tóc thơm nức mùi chanh để tránh câu trả lời. Anh không nói được. Ngàn lần anh không trả lời câu hỏi của vợ tại sao lại như  vậy. Anh ôm chặt vợ hơn. Bỗng mái tóc nàng trở thành một vệt trắng lung linh, nối tới tận những ngôi sao xa tít.

Có một tiếng thở dài bật ra.

Rồi một tiếng thở dài nữa.

Đêm hoàn toàn yên tĩnh.

oOo

Truyện được kết thúc ở đây, được đánh máy sạch sẽ và chuyển lên phòng biên tập. Những tưởng có thể yên tâm đi tán phét với bạn bè trong một góc quán bia hơi nào đó. Nào ngờ sáng hôm sau, ông trưởng phòng biên tập gọi tới. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là, hai tay ông cứ vò mãi lên cái đầu hói, không có lấy một sợi tóc để làm thuốc. Ông đẩy tập bản thảo ra trước mặt khi tôi chưa kịp ngồi xuống ghế:

- Cậu phải cố tìm xem và giải thích cho bạn đọc biết vì lý do gì mà hai người không lấy được nhau. Tờ báo của mình là tờ lá cải. Bạn đọc của lá cải họ đòi hỏi phải có hậu, phải lâm li. Cậu hiểu chưa?

- Dạ hiểu – Tôi đáp.

Đi mà làm cái việc ấy đi, nhanh lên – Ông gắt giọng ra lệnh.

Tôi gọi điện vào thành phố, gặp chị. Câu trả lời thật ngắn gọn: “Xin lỗi anh, tới giờ này mà tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy”. Tôi liền gọi đến một thành phố nhỏ ven biển, nơi anh đang làm việc. Câu trả lời cũng chẳng cung cấp thêm thông tin nào mới mẻ: “ Tôi không hiểu tại sao”.

Tôi bê toàn bộ những dữ liệu cũn cỡn này đặt lên bàn ông trưởng phòng. Ông lại vò chiếc đầu hói, nhăn nhó:

- Thật phức tạp. Con người thật phức tạp. Sống, yêu nhau, xa nhau, nhớ nhau... để làm cái gì kia chứ ?

 

 

                                                                            Tháng 3-1999

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 3219
Ngày đăng: 18.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chim vịt kêu chiều - Nguyễn Đình Bổn
Lưỡng lự * - Lê Anh Hoài
Mưa đỉnh núi xa - Hoa Ngõ Hạnh
Tha hương (*) - Nguyễn Một *
Lục Bình trôi - Trần Lệ Thường
Căn nhà dưới tàn bông nhãn - Nguyên Quân
Vườn ổi ngự - Nguyễn Văn Hoa
Vợ chồng già - Nguyễn Lệ Uyên
Tiếng sáo - Hiếu Minh
Đợi hoài không thấy mưa ngâu - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)