Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
609
116.721.431
 
Căn nhà dưới tàn bông nhãn
Nguyên Quân

Anh vẫn ngồi trầm lặng với những đám khói dày đặc chung quanh. Trong cái im lìm đến lạnh lùng ấy, tôi cảm nhận được có ẩn chứa sự bất bình trách cứ. Điều cảm nhận đó làm không khí trong căn phòng trở nên bức bối, ngột ngạt. Tôi nghĩ, thà anh cứ vung tay, đập bàn la hét hay túm cổ tôi đá vài cú vào mông như vẫn thường làm cách đây hơn ba mươi năm về trước. Khi tôi còn là một đứa bé nghịch ngợm rắn mắt, Chuyên nhúng mũi xăm xoi đến những gì anh có, không chừa cả mấy lá thơ tình của cô bạn gái nào đó gởi, mà anh cất giữ rất cẩn thận. Bây giờ nếu anh dùng hành động như thế để hành xử, thì có lẽ tôi sẽ thấy dễ chịu hơn.vì còn biết được ý tưởng gì đang ẩn dưới mái tóc gần như bạc trắng của ông anh, vừa gặp lại sau quá nhiều năm cách mặt.

·   Anh đi đường nhiều ngày chắc cũng mệt lắm rồi, hãy tắm táp, nghĩ ngơi một Lát. Anh em mình hàn huyên tâm sự sau.

Tôi nói cố tình nhắc nhỡ anh, hòng phá vỡ bầu không khí nặng nề không nên có.  Từ lúc thấy người đàn ông mang chiếc xách du lịch, đứng tần ngần trước cổng nhà, Khiến con chó ky hộc lên sủa inh ỏi, đánh thức cả khoảng đường trưa, ngái ngủ dưới lớp bụi nắng mùa khô. Chỉ thoáng tích tắc, tôi nhận ra ông anh ruột của mình. Một cái bắt tay thật chặt, một ánh chân tình vụt chớp trong mắt và anh vẫn lặng im cho tới lúc nầy.

 

Chẳng đợi anh đồng ý hay không, tôi cũng đứng dậy liền sau câu nói, nhanh chóng làm phần việc gia chủ, hướng dẫn cho ông anh biết nơi nào là phòng tắm, nơi là căn phòng, cái giường dành tiếp khách...”cám ơn chú!” anh nói khi khép cánh cửa phòng tắm. Tôi quay lại phòng khách thả phịch người trên chiếc ghế nệm. Bộ vó ngớ ngẩn của tôi chiếu hiện lên tấm gương soi trang trí trong phòng khách. Tôi bật cười gượng gạo vì câu nói đầu tiên của ông anh ruột thịt. Người mà tôi nhận ra chẳng phải nhờ đôi mắt mà bằng thứ giác quan mơ hồ nào đó trong dòng chảy máu thịt. Bởi thời gian quá dài không gặp, đã thay đổi ngoại hình rắn chắc trẻ trung, thành một Ông già mệt mỏi, chạm chạp đã khách sáo mở lời cám ơn đứa em trai anh đã nặng công nuôi dạy.

 

Lúc anh thức dậy, mọi thành viên trong nhà đã tề tựu đầy đủ bên buổi tiệc tẩy Trần, là tên vợ tôi gọi buổi cơm chiêu đãi khách phương xa về, chỉ bằng vài món mua tạm ở hàng quán ngoài chợ.

Dường như sau giấc ngủ mê mệt suốt mấy tiếng đồng hồ, anh bỗng trở thành một con người khác. Anh vui vẻ cười, kéo ghế ngồi xuống bàn ăn:

·         Này! Chú đã giới thiệu ông anh lạ hoắc nầy với thím và hai cháu chưa?

Vợ tôi mau miệng khi đang so lại từng đôi đũa.

·         Dạ rồi! Anh tệ thật, về sao chẳng báo để bọn em đi đón.

·         Thím sợ tôi không nhớ đường về nhà mình sao?

Anh vừa trả lời vừa đón lấy đôi đũa. Buổi ăn tối rôm rả tiếng trò chuyện, cười đùa. Anh luôn miệng hỏi thăm vợ và hai đứa con tôi từ chuyện học hành, sinh hoạt đến chuyện mua bán, chợ đò. Anh hỏi và chăm chú lắng nghe rất tỉ mỉ từng chi tiết rồi xen thêm những câu bông đùa. Sự hào hứng đối đáp của anh nhanh chóng xua tan chút ngại ngùng lần đầu gặp gỡ. Vô tình giải toả hết mọi lo âu trong tôi khi phải nghĩ dại: nếu anh cứ giữ nguyên thái độ lạnh nhạt, khách khí như lúc ban trưa để tiếp xúc với vợ và hai đứa con tôi thì thế nào nhỉ? Dù thường năm gia đình tôi vẫn nhận được tiền anh gởi về cho, nhưng chỉ tiền thôi chứ chẳng thư từ, hình ảnh chi Về gia đình lẫn cuộc sống của anh bên ấy, ngoài một mẫu giấy ghi vội vài dòng chữ Báo tin: “anh vẫn khoẻ, gởi cho mấy cháu vài đồng tiêu vặt”. Vì thế từ trước đến nay vợ con tôi, chẳng có chút khái niệm gì về con người ruột rà mà rất xa lạ của mình. Thậm chí còn mang thêm mặc cảm về những món tiền anh gởi về, như một thứ trách nhiệm hay ơn huệ, vì lỡ có ràng buộc nhau bằng sợi chỉ huyết thống. Cũng chẳng thể trách được cái ý niệm hình thành trong điều kiện mắt thấy tai nghe sự hợm hĩnh quá đáng của không ít người từ bên kia về và làm khách du lịch ngay trên quê hương bản quán mà họ chỉ mới rời xa dăm ba năm ngắn ngủi.  Riêng tôi, cái vui vẻ cởi mở bây giờ hoàn toàn khác lạ với bản tính anh. Nếu có sự ma sát hơn hai mươi năm ở xứ người không làm thay đổi nó, nhưng cũng chẳng phải thái độ lạnh lẽo trầm uất như đã đối xử với tôi ban trưa. Ngày xưa khi anh còn chắt chiu từng đồng lương công chức hạng bét, phụ giúp mẹ nuôi tôi ăn học và dấm dúi vài trăm đồng tiêu vặt thì vẫn kiểu nói không giông dài, kiểu cách. Dù những Lúc phải đi công tác xa nhà hàng tháng trời. Mẹ tôi trông ngày ngóng đêm, rồi cũng chỉ nhận được những “bản tin vắn”, tên tôi gọi những lá thư anh viết mỗi khi anh gởi về nhà mà mẹ bắt tôi đọc. Để mải nghe bà xuýt xoa, than vãn: “cái thằng! Anh con không nói là ăn ở nơi đó ra sao à, không nói bao giờ được về à...” tiếng à của Mẹ cứ kéo dài, tôi vẫn cứ lắc đầu và anh cứ một thói tính tin vắn cho người thân.  Xong buổi cơm tối đầm ấm không khí đại gia đình, anh nửa đùa nửa thật quay sang xin phép vợ tôi đang lăn xăn dọn dẹp bát đĩa:

·         Tôi định lát nữa mời chú nó ra quán kiếm chầu cay, có được không thím?

Lần đầu tiên tôi thấy bà vợ mình không nhíu mày nhăn mặt trước chuyện liên quan tới rượu chè của cánh đàn ông, lại còn tươi cười:

·         Anh tìm trúng đối tượng số một đấy, món ấy là món ruột của ổng ai mà cản nổi.

Tôi đề nghị.

·         Hay để em bảo cháu nó mua về nhà, anh em mình lai rai thoải mái hơn?

·         Vậy cũng tốt...

Anh trả lời rồi chậm rãi đi về phía cửa lớn mở ra cổng. Từ ở sau lưng, tôi Nhìn theo, mới thấy hết cái dáng đi còng nặng, biểu hiện sự già lão đã vươn níu tới Anh.

*

 

Tôi dừng lại trước hàng hiên, bần thần nhìn con đường rải nhựa bóng loáng ánh đèn, đang nườm nượp dòng xe cộ đủ loại... Con đường nầy ngày xưa lồi lõm những lốt chân trâu, bò hằn lại sau những mùa mưa. Để dưới cơn nắng đổ lửa cả gia đình tôi còng lưng cố đẩy chiếc xích lô lăn từng vòng bánh khó nhọc, qua vô số ổ gà. Trên xe là toàn bộ gia sản của mình. Từ trung tâm thị xã ra đến đây non chục cây số, vậy mà mất gần trọn ngày trời cả gia đình mới đến được nhà mới. Ba tôi thở phào nhẹ nhõm, quệt ống tay áo lau khuôn mặt đầm đìa mồ hôi. Mẹ tranh thủ phe phẩy chiếc nón lá, quạt chút gió mát cho cả nhà. Cảnh dọn nhà đã quá quen thuộc, nên chẳng cần ai chỉ bảo, tôi cũng tự biết phải phụ giúp bốc dỡ đồ đạc xuống xe rồi khuân vào căn chòi tranh, nằm chơ vơ giữa um tùm cỏ dại.

 

Đêm đầu tiên trong căn nhà mới, ngái nồng mùi ẩm mốc, hoang phế, tôi tự hỏi Thầm: mình sẽ được ở đây bao lâu nhỉ? Một câu hỏi đã vang lên chẳng biết bao nhiêu Lần trong trí não non nớt của thằng nhóc mười hai tuổi đầu, đã không nhớ nổi số lần bốc lên,dỡ xuống cái giường, chiếc tủ và chỉ một cái từ dọn nhà cũng hằng ám ảnh suốt tuổi thơ...

*  

 

·         Chú xây lại căn nhà nầy bao lâu rồi?

Anh hỏi bằng giọng ngấm hơi men.

·   Dạ mới năm ngoái đây thôi. Cũng nhờ vào số tiền anh gởi cho, chứ sức vợ chồng em thì không được thế nầy đâu.

Tôi nói và chêm bia vào cốc. Anh bật lửa thắp thuốc, thả tròn những vòng khói.

Tôi có cảm tưởng rằng, anh đang muốn dìm mình trong ảo giác mù mịt nào đó.

·   Chú đừng nói thế, số tiền gởi về chưa đủ cho các cháu tiêu vặt. Thật lòng về Đây, nhìn gia đình chú vui vẻ hoà thuận, vợ đảm con ngoan, anh rất mừng cho chú.  Tôi rất muốn hỏi thăm đôi điều về gia đình của anh. Nhưng chợt nhớ đến cá tính khép kín gần như lập dị, chẳng thích thổ lộ cùng ai tâm trạng của mình dù khi vui hay lúc buồn, nên thôi. Cái im lặng lại rơi xuống giữa hai anh em. Mải một lúc khá lâu sau, anh mới lên tiếng:

·   À, nếu tôi nhớ không lầm thì ngay chỗ chúng ta đang ngồi, trước đây là cây Nhãn. Chắc chú cho đốn khi xây nhà mới.

·         Vâng...

Tôi ậm ừ khi nhận thấy trong câu hỏi chừng như vu vơ ấy còn mang nỗi trầm uất Và hàm ý chất vấn nên buông lững tiếng “vâng”. Anh cũng như vừa nhận ra thái độ dè chừng của tôi.

·   Chú đừng hiểu nhầm, lúc nầy tôi đang cố hình dung cảnh tượng ngày xưa chú bị tôi trói vào gốc cây nhãn ấy vì tội trốn học, nó như thế nào thôi .  Tôi không ngờ những chuyện cỏn con từ thời thơ ấu, mà anh cũng còn nhớ mồn một. Và chính nhờ một chút đả động tới quá khứ lại là chiếc chìa khoá mở toang cánh cửa khép kín cõi suy tư riêng trong mỗi người. Bên chiếc bàn ngổn ngang những chai bia rỗng, câu chuyện bỗng trở nên rôm rả tiếng cười. Chẳng phải chỉ có anh và tôi, Dòng chảy ký ức riêng của hai anh em còn lôi cuốn theo cả bà vợ lẫn hai đứa con của Tôi, về lại khoảnh vườn luôn mát rượi dưới tán lá rậm rì của cây long nhãn. Từng Chi tiết vụn vặt từ quá khứ, được anh nhắc lại, như phép mầu đưa trả tôi về bồng Bềnh trên những năm tháng vô tư, ngỗ nghịch mà đã từ lâu lắm rồi tôi đã quên khuấy, Đã đánh mất trong bộn bề cuộc sống.

 

Anh lớn hơn tôi nhiều lắm, nếu chẳng phải người quen thân, thì ai cũng không tin hay ngạc nhiên bởi khoảng trống chênh lệch tuổi tác giữa hai anh em tôi. Anh ra đời sớm hơn tôi những mười lăm năm. Lúc ba tôi còn là một giáo viên hương thôn, năng nổ nhiệt huyết, muốn đem cái vốn chữ nghĩa, văn hoá ít ỏi của mình truyền đạt Cho lớp trẻ thơ thôn quê, để chúng biết nhìn xa hơn cái cuộc sống mù loà, đen tối, đầy bất công mà chính phủ bảo hộ và bọn cường hào đã áp đặt lên đời sống của người lớp trước. Vì thế nên lúc anh chưa tròn tuổi thôi nôi, ba tôi đã bị chúng bắt, với tội danh hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước bảo hộ của đại pháp. Mẹ tôi sau nhiều ngày bồng bế đứa con dại, lang thang khắp các trại giam để dò hỏi mà chẳng có tin tức gì về chồng, đành phải quay về nương dựa bên quê ngoại tôi. Anh lớn dần, Khôn lên giữa một vùng quê miền trung mưa nắng thất thường, đất đai cằn cỗi, giữa Nỗi khắc khoải chờ chồng của người mẹ luôn bị sự hành sách vô lối của bọn hương lý trong làng.

 

Chưa bao giờ tôi được nghe anh nhắc đến, kể lại tường tận giai đoạn cơ cực, bi thảm suốt cả thời thơ ấu của anh. Mẹ tôi cũng vậy. Tôi chỉ thầm hiểu mẹ và anh tránh cho tuổi thơ tôi khỏi phải nặng mang.

* 

 

Giống như bao đứa trẻ ở vùng quê nghèo, cam chịu thiếu thốn mọi bề, mới mười tuổi đầu tôi đã nếm đủ mùi lam lũ, kham khó. Mẹ tôi rất thương con, nhưng chẳng thể nào làm thay đổi được cái cảnh tôi phải lặn lội trên đồng cạn, ao sâu bắt cá mò cua, kiếm thêm thức ăn cho từng bữa cơm thiếu miếng, độn đầy sắn khoai.  Từng đêm dài mẹ thường ôm tôi vào lòng mà khóc. Tiếng nấc nghẹn từng đêm ấy, Thấm qua từng thớ thịt, ray rứt đến tận đáy tâm hồn non dại của tôi. “nếu có cha con...” mẹ thầm thì hết cái ước ao, tâm nguyện đó trong cả những giấc mớ ngủ. Để một đêm điều mong ngóng đó thành hiện thực. Người cha tôi chưa hề biết mặt đột nhiên trở về, bằng giọng nói thầm thì, bằng vòng tay vụng về ghì siết mẹ con tôi, Rồi ông quay ra bàn bạc chi đó với ông bà ngoại dưới ngọn đèn dầu nhỏ ngọn, và bỏ đi liền ngay trong đêm... Hai hôm sau mẹ dẫn tôi lên thị xã, đón tàu hoả vào tận nơi đây đoàn tụ với cha. Bắt đầu một cuộc sống cũng không kém phần cam khổ trên đất khách quê người.

 

Dầu chưa thể nhanh chóng làm quen với cảm giác, chưa gạt bỏ được sự hụt hẫng trong cái hoàn cảnh bị san sẻ tình cảm toàn vẹn từng dành riêng cho mẹ, cho người cha đột hiện giữa một nếp sống cũng hoàn toàn đổi mới, nhưng ấn tượng tươi sáng một khi cha trở về đã hằn sâu trong tâm trí tôi từ những lời thầm thì từng đêm của mẹ. Ba tôi bây giờ không giống như sự diễn đạt của mẹ suốt năm tháng tôi bắt đầu biết khôn.  Ông khắc khổ, trầm lặng và ông luôn quan tâm tới việc giáo dưỡng con, quan tâm đến độ khắc nghiệt. Đã quá quen với nếp sống tự do lang thang bắt cua, mò ốc nên với sự kèm cặp nghiêm khắc của cha, tôi cũng đâm ra lì lợm, bướng bỉnh. Nhưng thâm tâm tôi vẫn vui thích những giây phút kề cận, gần gũi bên ông. Cái cảm giác gần như mâu thuẫn đó cứ dần dần tan biến theo từng món quà vặt ba tôi lôi ra từ chiếc thùng xe xích lô, mà ông phải cậy nhờ một người quen bảo lãnh, chủ nhà xe mới cho mướn làm phương tiện kiếm sống. Còng lưng, đổ mồ hôi đạp xe suốt ngày, thế mà đến tối, ông phải kiên trì nhét vào đầu óc trống rỗng của tôi từng con chữ đầu tiên trong đời.  Và hễ mỗi lần tôi lơ mơ, lười nhác là mỗi lần ăn roi đau xoắn đít. Mẹ thường an ủi tôi rằng, ông nôn nóng bù đắp lại những mười năm thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ con cái.

 

Bước khởi đầu ở xứ lạ bao giờ cũng cam go, ba mẹ tôi, người lo chạy chợ, kẻ lo chạy khách. Ông bà làm việc chẳng quản ngày giờ với ước mong nhanh chóng tạo lập được một cuộc sống ổn định, thoát khỏi tình trạng ăn nhờ ở mướn. Hồi ấy tôi không biết nỗi niềm, khát vọng người lớn về mảnh đất cắm dùi, mái nhà che đầu ra sao...  Riêng tôi chỉ là một nỗi buồn vớ vẩn khi phải chia tay với từng con bé, thằng nhóc trạc tuổi mới vừa thân quen nhau vài tháng để rồi tỉ mỉ lưu trữ những vật kỉ niệm về bọn chúng trong chiếc hộp bánh bằng thiếc, là những viên bi đất sét, những cái vỏ sò. Chứ không cần nhớ đã dọn nhà bao nhiêu lần trong bao năm vừa trôi đi.  Đối với một đứa bé mới mười ba tuổi đầu, thì một thay đổi dù nhỏ nhặt trong nếp sinh hoạt hàng ngày cũng hằn lên tâm trí nó ấn tượng khó phai nhạt. Vì vậy nên đã qua mấy mươi năm tháng vẫn không thể xoá nhoà hình ảnh ba tôi đứng bên dãy hàng rào tre vừa dựng xong, tươi cười hớn hở nói với mẹ “sướng thật! Thoát cảnh du canh du cư rồi mình ơi...”.

 

Câu nói như một sự bắt đầu cho thời gian hạnh phúc nhất của gia đình. Mẹ tôi vốn rất có tài thích ứng chuyện sắp xếp nhà mới. Bãi cỏ hoang quanh căn nhà nhanh chóng biến mất, thay vào đó là những mầm cây lưu niên vươn cao dần. Chẳng ngại nắng mưa, ba mẹ tôi tranh thủ từng chút thời gian, ra công vun bồi mảnh vườn, mái nhà mua được bằng mồ hôi nước mắt thậm chí có cả máu của bao năm cật lực lao động “sau cho con cháu có quả ngọt để ăn”. Đó là tâm nguyện một đời lam lủ khổ nhục của ba mẹ Tôi.

*  

·         Số ba mẹ đúng là cơ cực cả đời!

Anh chấm dứt dòng hồi tưởng bằng một câu than mỏi mệt, buồn bã, như sự phán quyết của đấng quyền năng vô minh đã bất ngờ cướp đi sự sống của ba tôi bằng một cơn ho thổ huyết. Đó cũng là hệ quả của sau hơn năm năm ông chắt bóp, vắt cạn tinh lực vốn đã mõi mòn suy nhược từ những năm tháng bị lao tù, đày ải. Để tạo dựng cho vợ con có được một mảnh vườn bắt đầu trĩu mùa quả ngọt, một mái nhà vững chải đủ kín gió che mưa. Cũng là lúc tôi đang dần tượng hình trong những cơn buồn đau quặn thắt của mẹ.

 

Vài tháng sau ngày ba mất, tôi chào đời, đúng mùa cây long nhãn trổ bông bói quả. Tiếng khóc sơ sinh và tấm bằng anh mới thi đỗ, như giúp thêm sức mạnh cho mẹ vượt qua nỗi cô đơn mất mát. Ở thời đó lấy được tấm bằng diplome là thuộc loại người hiếm, dù anh còn khá trẻ vẫn dễ dàng xin vào làm thơ ký ở sở công chánh với mức lương tạm đủ giúp mẹ nuôi tôi ăn học đàng hoàng, như sở nguyện của bà. Suốt mười bốn năm, anh bù sớt nửa phần cuộc sống, tình cảm, cộng lực với mẹ lo lắng chăm bẵm tôi. Và bốn năm sau ngày mẹ mất, anh dốc hết nửa phần còn lại thực hiện trọn ước nguyện của mẹ “số các con mẹ khổ thật, cả hai đứa sinh ra đều không thấy mặt cha... Ráng mà bảo bọc nhau nghe các con...” anh nắm chặt bàn tay khô héo, chai sần của mẹ, gục đầu xuống bên giường bệnh. Anh không hề khóc thành tiếng, lần đầu tiên Tôi nhìn thấy trong khoé mắt thâm quầng, nghiêm nghị ấy rướm lệ. Mười bốn tuổi, tôi Chỉ biết khóc chứ chưa cảm nhận được hết nỗi mất mát và trách nhiệm nặng nề đè nặng xuống vai anh.

 

Bây giờ lại khác, anh cũng đang rơm rớm những giọt nước mắt sau vầng khói thuốc mù mịt. Anh không nói ra, tôi vẫn ngầm hiểu cái xúc cảm nhẹ nhàng của một người vừa trút bỏ cái gánh nặng tinh thần, vẫn ngầm hiểu thái độ lạnh lùng trầm lặng ban đầu của anh. Có lẽ nó bắt nguồn từ cơn choáng trước sự sụp đổ hoàn toàn niệm tưởng về sự vật mà anh đã đa mang suốt quãng đường xa vắng, hay từ mặc cảm bị lạc lõng xa lạ giữa mọi đổi thay anh chưa kịp chấp nhận. Để rồi chỉ sau một giấc vùi ngủ bình yên trên chính sự thay đổi đó, anh tỉnh dậy trong căn nhà mới, đầm ấm Không khí gia đình và anh biết đó chính là điều hằng ám ảnh, thôi thúc anh làm kẻ hành hương trở về cố xứ.

*

Lần về thăm của anh không mảy may xáo động nếp sinh hoạt thường nhật của gia đình tôi. Cô vợ đảm đang vẫn ngày hai buổi chạy chợ mặc cả, giành giật với cuộc sống.  Hai đứa con tôi vẫn miệt mài trong thời gian biểu học hành của chúng. Chỉ riêng tôi lần trở về của anh là phép lạ quay ngược thời gian trả tôi về vùng quá khứ mơ hồ.  Nơi chốn tôi biết về nó quá ít ỏi, quá ít để trở thành xa lạ, nhạt nhẽo với chính mình, với ngôi nhà gỗ cũ kỹ dim mát dưới tàng cây long nhãn ba tôi dày công tìm kiếm bằng được giống từ vùng quê ngoại xa xăm, nơi mẹ tôi chưa hề quên thương nhớ, nơi trĩu đầy kỷ niệm tuổi thơ của anh.

 

Đêm mùa khô, hanh hao, trong vắt tỏ rõ những vì sao chấp chới như những linh hồn lang thang giữa bầu trời vô hạn. Đối diện tôi, trên chiếc bàn ngổn ngang những chai bia rỗng, một mẩu giấy báo tin duy nhất tôi nhận được kể từ sau hôm anh vẫy tay chào qua lớp kính thuỷ tinh trong suốt, ở phòng cách ly sân bay tân sơn nhất: “ Tôi mừng giùm chú có một gia đình thật sự êm ấm...” câu sáo ngữ bình thường, nhưng với cá tính của anh là sự bộc bạch trọn vẹn chân tình dồn nén bao nhiêu năm dài trong lòng... Một tiếng chim quốc hiếm hoi gọi nhau đâu đó qua bóng đêm, càng làm tôi xót xa.

Tại sao không phải chính anh hồi hương như từng hứa... Vài năm nữa... Cùng tôi an hưởng tuổi già dưới tán cây long nhãn hai anh em đã lặn lội ra tận miền quê ngoại Xin giống về trồng. Mà lại là mẫu điện báo của người chị dâu anh chưa hề nhắc đến, Tôi chưa hề thấy mặt:

“ Anh chú đã từ trần, nhồi máu cơ tim...”

Nguyên Quân
Số lần đọc: 2141
Ngày đăng: 09.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vườn ổi ngự - Nguyễn Văn Hoa
Vợ chồng già - Nguyễn Lệ Uyên
Tiếng sáo - Hiếu Minh
Đợi hoài không thấy mưa ngâu - Trần Lệ Thường
Khoảng đời ngụ cư - Nguyễn Đình Bổn
Món cá chép - Trang Thanh
Bão xa - Nguyễn Lệ Uyên
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn
Củ ấu và qủa... bồ hòn - Lê Xuân Quang
Mưa mặt nạ - Nhật Chiêu