Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
665
116.674.587
 
Nà Bò cỏ ống
Hoa Ngõ Hạnh

Mùa thu năm 1994 làng Nà Bò Cỏ Ống xảy ra chuyện lạ. Đêm nguyệt thực, trẻ con tụ tập giữa làng lấy những tấm gương vỡ bỏ vào chậu nước để nhìn mặt trăng và mặt trời “nuốt nhau”. “Đó! Bắt đầu rồi đó!”. Bọn trẻ reo lên chen nhau cắm mặt soi vào chậu nước. Bỗng nhiên chúng hét lên một tiếng kinh hãi và bỏ chạy biến mất. Sáng hôm sau, trẻ con cả làng bỏ bú. Những đứa lớn hơn lăn ra sốt li bì. Người ta vạch quần ra và thấy ở bẹn của chúng đều có một vết bầm tím, xung quanh tấy đỏ giống nhau. Già làng đi rước thầy cúng về vẫn không cứu được sinh mạng của hai mươi ba đứa trẻ xấu số. Trận dịch hạch đi qua, bọn trẻ còn sống sót mới dám thuật lại câu chuyện một cách rụt rè, sợ hãi. Chúng kể, đêm nhật thực khi nhìn vào thau nước thì thấy một con chuột rừng to tướng hiện lên nhe hai chiếc răng nanh nhọn hoắc.

 

Đầu mùa đông, một lão già điên loạn ở đâu không biết đến làng. Lão đi ngang qua hai mươi ba căn nhà giữa làng đọc một bài vè có đầu nhưng không có cuối. Lời bài vè tưởng như vô nghĩa nhưng ngẫm lại thấy nhiều ý ẩn dụ, dễ suy diễn. Lão đọc như sau: “Lẳng lặng mà nghe. Bài vè con chuột. Ăn vụng ăn vụt. Rồi trốn vô hang. Tính tính tình tang. Một bầy chuột nhắt. Kẽo cà kẽo kẹt. Một giấc ngàn thu. Âm âm u u. Kêu không dậy nữa!”. Quanh quẩn trong làng một hồi, đọc đi đọc lại bài vè xong rồi lão thẳng vô núi một mạch. Khi người làng kịp giật mình mới sực nhớ ra không ai nhìn thấy mặt lão già điên cả. Chỉ biết lão mặc một bộ đồ nâu bẩn thỉu, đầu đội chiếc nón cời được chằm bằng lá tơi che kín nửa mặt, dáng điệu ung dung tự tại. Kỳ thực, đó chẳng phải là lời sấm truyền vì câu chuyện tai ương xảy ra từ mùa thu. Lúc đó, hoa chìu chớm nở thơm lừng trên các ngọn núi, mây trắng chiều chiều ghé vào tận những nóc nhà, cuộc sống đang bình yên vô sự.

 

Năm thứ tư học trường y, tôi đi thực tập ở làng Nà Bò Cỏ Ống, được phân vào ở nhà trưởng thôn tên Lễ. Bố ông Lễ năm đó ngoài chín mươi nhưng còn minh mẫn, thông tuệ. Cả làng lác đác năm mươi bảy ngôi nhà nằm cách xa nhau trên những triền núi quanh làng. Mùa đông, khí núi toả ra lạnh buốt. Buổi tối mọi nhà phải đốt lửa để sưởi ấm và tránh thú dữ. Những đêm như thế dài bất tận trong đời người. Lũ trẻ con chín mươi chín phần trăm bị bệnh bướu cổ vừa thao thức vừa sợ hãi theo những câu chuyện cuốn hút rợn người bên bếp lửa. Một đứa bé trưởng thành ở làng này, tính ra đã được trang bị cả một trăm lẻ một câu chuyện kể mà phần lớn đều mang một thứ triết lý nào đó về cuộc sống, về con người khiến chúng sau này hầu hết trở thành một người vừa mộng mơ vừa ý chí. Ở đâu thì không biết, riêng ở làng Nà Bò Cỏ Ống thì điều đó cần thiết biết bao!

 

Người dân ở đây chỉ chuyên làm rẫy. Ruộng cũng có nhưng rất ít, nằm len lỏi giữa các thung lũng nhỏ mà họ gọi là hố, mỗi năm chỉ cày cấy một vụ vì phải ăn nước trời. Có năm chả làm được vụ nào vì lũ quét đến sớm. Ngày xưa nghe nói Nguyễn Duy Hiệu lập căn cứ chống Pháp ở vùng dưới. Khi đại cuộc tan rã, một số bại binh trốn vào thung lũng này sinh cơ lập nghiệp đến tận bây giờ. Hồi họ mới đến, rừng núi còn âm u hơn. Đêm đêm, bò rừng kéo về các thung cỏ nhỏ để ăn cỏ ống hàng đàn. Lũ hổ dữ di chuyển theo các đàn bò rình rập săn mồi. Bò rừng đi đâu hổ theo đó. Cố nội của ông Lễ, một trong số những bại binh nói trên trong lúc đi rẫy đã bị hổ bứt mất đầu. Khi mọi người phát hiện gõ mõ khua chiêng lần theo vết máu thì ông đã mất mạng. Vừa sợ truy bắt, vừa sợ thú rừng nên con người ở đây đâm ra thông minh và mơ mộng lạ thường.

 

Nhà ông Lễ có năm người. Vợ ông đẻ cả thảy tám lần nhưng chỉ còn tồn tại ba đứa con. Có đến hai đứa trong những phận sa sẩy bị chết vì trận dịch hạch mùa thu. Thằng con trai lớn năm đó hai mươi, đứa con gái kế tên Sen mười sáu tuổi và thằng em út lên mười. Tất cả đều không học hành gì. Ông Lễ bảo chả cần học chữ làm gì. Con trai lớn lên cần phải biết làm rẫy, biết đi săn. Con gái lớn lên biết bắt cá ngoài suối và sinh con đẻ cái cho thật tốt là đủ rồi. Tôi đi thực tập ở Nà Bò Cỏ Ống đến ngày thứ hai mươi thì ông bảo nếu mày muốn tao gã luôn con Sen cho mày dẫn về thành phố mà sống. Tôi chỉ cười cười. Sen thì đỏ mặt cầm củ sắn nướng đã bẻ đôi ngơ ngẩn bên bếp lửa. Hôm ấy cả đêm tôi không ngủ, bên vách ngăn bằng nứa bên kia cũng nghe lâu lâu có tiếng thở dài. Ngoài rừng khuya, mấy con chim ăn đêm kêu ngơ ngác buồn buồn. Lâu lâu, có tiếng mang tát thảng thốt vọng vào.

 

Công việc thực tập của tôi thật giản đơn. Chỉ thống kê, phân loại mức độ bệnh bướu cổ ở làng này. Trong vòng một tháng rưỡi tôi đã làm xong. Có đến chín mươi chín phần trăm trong số hai trăm bảy mươi ba nhân khẩu ở Nà Bò Cỏ Ống mắc bệnh bướu cổ. Thông thường, khi bệnh phát trầm trọng, người ta mời thầy về nhà cúng bái. Thầy cúng bắt bệnh nhân nằm trên giường lấy một thứ tro than gì đấy bôi lên yết hầu, niệm chú cầu khẩn, sau đó cho uống một loại lá và rễ cây rừng. Bố ông Lễ có lần gọi tôi vào bảo: “Ôi trời! Tôi thấy con người càng ngày càng bày vẽ đủ điều. Không khéo chừng mươi triệu năm nữa con người sẽ không còn đôi chân vì đi lại đã có xe cộ nên đôi chân không cần thiết, trí nhớ cũng sẽ biến mất vì đã có máy móc nhớ thay. Cậu xem con chó nhà tôi đấy. Lúc động trời nó đau lăn lộn nhưng sau đó tự ra rừng tìm lá cây để ăn  thì khỏi ngay. Không khéo con người thì mất mà con chó thì còn!”. Nghe ông già nói tôi thấy cũng hay hay. Đêm nằm tưởng tượng ra con người có đôi chân và cái đầu nhỏ bé còn cái bụng thì to như người có chửa chợt phì cười. Sen nằm gian bên cạnh hỏi: “Giờ anh chưa ngủ hay sao mà còn cười gì?”. Tôi giật thót mình. Cô bé nói rất khẽ, vừa đủ nghe. Tôi dường như nghe cả hơi thở thơm tho mùi lá rừng của một người con gái hoang vu vừa mới lớn. Nàng có đôi mắt to, ngón chân cái dài hơn các ngón khác. Tôi nghe nói đấy là biểu hiện của nữ tính mạnh mẽ.

 

Trước khi đi thực tập một năm, tôi đang chán đời. Trong đời các bạn đã có khi nào rơi vào tâm trạng như vậy chưa? Chả biết mình là ai, sống để làm gì? Có một thời gian dài tôi quay ra đọc sách nhà Phật. Mục đích cố hiểu được chữ “GIÁC” nhưng càng cố lại càng chẳng biết gì. Tôi đâm ra chán nản. Nó chẳng an ủi được tôi. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng đến với triết lý nhà Phật rất giản dị nhưng cũng đầy khó khăn, giống như đi câu cá. Không phải ai đi câu cũng được cá. Không phải ai muốn trú ngụ vào đấy cũng được. Đó là một quãng thời gian khổ ải nhất trong đời tôi. Khi vừa đặt chân đến làng Nà Bò Cỏ Ống tôi liền có linh cảm rằng mảnh đất này sẽ cho tôi một điều gì đó, ít nhất là một bài học vỡ lòng. Chủ nhà rất quí tôi nhưng có lúc tôi sơ ý làm hỏng việc gì đó thì ông cũng sẵn sàng phun vào mặt tôi. Ông này nói tục kinh khủng. “Mày làm như con c… họ. Thôi, về nghỉ đi!”. Kỳ thực, tôi không thể giận được. Lại cảm thấy thoả mái nữa là khác. Ơ trường, chẳng có ai nói với tôi như vậy. Trường học đã dạy tôi một thứ gọi là lễ phép.

 Đã sắp đến cuối kỳ phải quay về trường báo cáo kết quả thực tập. Những ngày đó mưa rừng dữ dội. Mưa vuốt mặt không kịp. Lại kèm theo cả sấm chớp nữa. Bầu trời tối đen. Tôi cũng biến thành một cụ già suốt ngày ngồi cời than với bố ông Lễ và uống nước lá cây sơn hón, một loại lá rừng uống thay trà. Mưa và sấm chớp làm cho con người thấy bẩn thỉu, bé đi và hoang mang hơn bao giờ hết. Ông già vừa bập thuốc đều đều vừa kể chuyện hoang đường không biết mệt. Tôi biết có chuyện thật nhưng cũng có chuyện do ông bịa ra. Ông kể, thời trai trẻ của ông có lần sắp chết hụt. Hôm đấy ông vào rừng nhặt hạt ươi bay. Đi một mình. Đến một khoảng rừng rậm phải chui qua lùm cây chát ngấy. Chui qua được nửa chừng, bỗng giật mình vì có đôi bàn tay đầy lông ôm choàng ngang hông kéo lại. Hai cánh tay lông lá cứng như sắt lôi đi tuồn tuột. Ông định thần nhìn lại thấy một con dã nhân, giống vượn cô độc hung hãn, đang nghiến răng nghiến lợi siết chặt ông vào. Với cái rựa trên tay, rất bình tĩnh, ông quay ngang chặt hai ống tre lồ ô rồi xỏ đôi tay vào chìa ra cho con dã nhân cầm. Con vật như hung thần mình đồng da sắt này chộp ngay hai ống tre nhắm mắt nhắm mũi cười ha hả. Tiếng cười đắc ý, mãn nguyện. Rất lẹ làng, ông già rút đôi tay khẳng khiu ra khỏi hai ống tre chuồn thẳng. Kể xong ông cũng cười trơ hai hàm răng đã rụng sạch và kết luận: “Mẹo đi rừng thôi! Loài dã nhân này có tật hễ chộp được đối phương rồi thì nhắm mắt cười quên cả trời đất! Đến nỗi những điều tốt đẹp vừa có trong tầm tay vụt đi lúc nào cũng không hay biết!”. Vừa lúc đó, Sen đi rẫy về. Áo quần đẫm nước mưa dính bết vào da lộ rõ từng mảng thịt da cần che giấu của người thanh nữ. Cô trừng mắt nhìn ông già giận dỗi: “Nội lại bịa chuyện gì ra kể với khách đó?”. Ông già cười hồn nhiên, có vẻ hối lỗi: “Ừ! Thì tao già rồi làm sao nhớ chuyện thật mà kể!”. Thấy tình hình hơi căng, tôi can: “Ông già kể chuyện vui thôi mà! Có gì đâu!”. Sen ngúng ngoảy đi ra sau nhà. Lát sau, có tiếng nước dội ào ào từ giếng vọng vào. Tôi chợt nhấp nhổm, tim gõ thình thịch.

 

Mấy ngày trước khi đến hạn rời làng Nà Bò Cỏ Ống, trời hửng nắng đẹp. Chim chóc đua nhau khoe mẽ gợi tình. Tôi đang sắp xếp đồ đạc thì Sen rủ tôi: “Đi ra rẫy nhổ sắn với em!”. Tôi bỏ đồ qua một bên lót tót đi theo. Đôi chân Sen leo dốc thoăn thoắt không biết mệt. Tôi đi sau, chú ý vào gót chân thấy cô trèo lên sườn núi theo hình chữ chi. Đường rừng vừa mưa xong hãy còn trơn, mấy lần sém ngã. Đến nơi, Sen để đôi giỏ gánh ở bìa rẫy bảo tôi vào theo. Đất còn ướt nhưng củ sắn cắm sâu một mình cô không nhổ lên được. Tôi xắn tay nhào vào phụ Sen. Hai đứa cùng đứng một bên. Bốn bàn tay trên dưới nắm chặt thân cây nhổ. Đôi ngực săn chắc và tròn lẳn của cô chạm mạnh vào lưng tôi nóng ấm. Tôi khẽ rùng mình. Đã lâu lắm rồi tôi không rùng mình. Tôi thầm đếm từng bụi nhổ được, nghe rất lâu. Đến lần thứ bảy đột nhiên bụi sắn bật gốc thật nhanh. Tôi ngã đè lên người Sen. Lúc đó tôi chẳng kịp hiểu gì. Hình như Sen đã ôm tôi thở dốc. Mùi mồ hôi vừa mặn vừa ngọt đã dâng đầy trong cổ họng tôi. Thịt da rùng rùng như lửa đốt. Thân xác cả hai không một chút khách sáo nào. Khi ấy chỉ có trời với đất và rừng cây. Thời gian cũng âm âm u u dường như không có. Tôi chỉ nghe mùi đất rừng mới trải qua một trận mưa hăng hăng, hơi tanh tanh. Loáng thoáng hình như có tiếng con mang rừng tát văng vẳng xa xa… Trời đã ngã trưa lúc nào không biết.

 

Sen. Đôi mắt to rực rỡ. Đôi bàn tay săn chắc nhưng mềm mại dịu kỳ vừa búi tóc vừa hỏi tôi: “Lúc nảy anh có nghe con mang cái trắng tát không? Trời đang nắng con mang này tát thì trời mưa. Trời mưa nó tát thì trời nắng. Nó sống một mình, ăn lau ăn lách trên đỉnh Hòn Than, uống nước sương đêm trên ngọn cỏ kim nhỏ xíu. Nội bảo, con mang cái trắng là mang thần. Nó tát hoài tát mãi vì tìm không được con gấu xanh. Con mang trắng mà lấy con gấu xanh thì đẻ ra một dũng sĩ dưới thung lũng Nà Bò Cỏ Ống này!”. Tự nhiên tôi thấy buồn. Quả tim trong lồng ngực bỗng nhói đau. Trong lòng tôi dự cảm rằng chẳng bao giờ con mang trắng tìm được con gấu xanh kỳ lạ này.

 

Hôm sau, tôi viết một lá thư giả nét chữ run rẫy xiêu vẹo gửi về trường nói dối rằng tôi đã bị sốt rét và xin bảo lưu kết quả học tập đến khi nào lành bệnh. Năm ấy tôi ở lại ăn Tết ở thung lũng Nà Bò Cỏ Ống. Đó là cái Tết dịu dàng đầm ấm nhất trong đời tôi. Đêm giao thừa, theo tập tục ở đây không ai ngủ cả. Mọi người thức và chờ đợi để lắng nghe năm ấy con vật gì đã ra đời. Con hổ ra đời thì năm đó đầy thiên tai địch hoạ. Con gấu ra đời làng xóm sẽ mạnh mẽ hẳn lên. Con mang con khỉ ra đời khiến những đứa con của rừng núi trong thung lũng nhanh nhẹn, tháo vác. Những người miền núi ở Nà Bò Cỏ Ống chỉ sợ con chuột ra đời. Đấy là một năm hôi hám, bẩn thỉu. Nó còn khốn nạn gấp vạn lần con hổ… Khoảnh khắc giao thừa ở làng vì vậy trở nên căng thẳng âu lo. Bên bếp lửa, phía tay trái tôi là Sen, đến ông Lễ, vợ ông, rồi con trai út ông. Người anh đầu của Sen lúc đó bỏ làng đi làm ăn xa không kịp về. Cả nhà và tôi đều uống rượu. Rượu sắn được mẹ Sen cất từ mấy năm trước rồi chôn xuống đất nên có vị đặc biệt thơm nồng.  Qua khoảnh khắc giao thừa ai nấy đều say ngầy ngật. Ông Lễ nâng ly rượu lên tuyên bố đầu tiên: “Tôi vừa nghe con khỉ kêu ngoài rừng! Năm nay con khỉ ra đời đây!” Mẹ Sen cãi lại: “Tôi thì tôi nghe con mang tát!” Sen nói khác, tôi biết cô bịa ra: “Con vừa nghe tiếng gấu xanh gầm!” Ông bố thật thà bảo: “Gấu có đấy nhưng làm gì có gấu xanh!” Im lặng một hồi ông nội Sen bỗng hướng đôi mắt mờ đục dưới vầng trán thông tuệ vào lần lượt từng người: “Tao nghe hình như có tiếng trẻ con khóc chào đời! Con người mới quan trọng!”. Ai nấy đều nhìn nhau. “Cháu! Cháu có nghe tiếng con gì chào đời không?” - mẹ Sen hỏi. Tôi quay mặt đi, lặng lẽ uống ly rượu rồi nói thều thào như người đang lịm hơi: “Cháu chẳng nghe gì cả!”. Ông nội Sen chợt cắt ngang. Thôi, đừng đoán con gì ra đời cả. Tốt xấu cũng đều do người mà ra. Này cháu, uống thêm ly rượu sắn này đi để mai này dù có đi đâu về đâu cũng nhớ thung lũng Nà Bò Cỏ Ống khỉ ho cò gáy này.

 

Xa xa có tiếng gà gáy canh đầu của ngày mới năm mới. Mùi bông giang ngoài rìa làng bay vào tận nhà nồng nàn nồng nàn mãi… Buổi sáng mùa xuân, đứng dưới đáy thung sâu Nà Bò Cỏ Ống nhìn lên bốn sườn núi chỉ thấy một màu hoa trắng…

 

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 2364
Ngày đăng: 05.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mật đắng - Đổ Thị Hồng Vân
Hài nhi không biết cười - Trần Văn Bạn
Một Buổi Chiều - Ian Ranking
Thiên thần 18 - Đào Phạm Thùy Trang
Báo hiếu cha - Lê Xuân Quang
Cậu bé và con khỉ - Nguyên Quân
Từ mái trường xưa - Nguyễn Lệ Uyên
Lão gù ở ngã ba sông - Nguyễn Đình Bổn
Thở dài - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyến xe ngày hai tám - Nguyên Quân