Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
684
116.694.202
 
Thời kỳ mèo
Trần Đức Tiến

Người khách lạ bước vào quán với một thoáng ngơ ngác trên gương mặt bơ phờ có hàng ria thưa lởm chởm. Anh ta đặt chiếc túi khoác trên vai xuống. Cái túi vải nhẹ tếch, nhàu nát và bê bết những vệt màu bẩn, như một cái dạ dày quá cỡ nằm dúm dó trên mặt bàn.

            - Một tái bò!

            Giọng kêu khàn đục và hình như hơi thiếu tự tin. Đáp lại anh ta, chỉ có sự yên tĩnh xa vắng của một cái quán phở tỉnh lẻ thoảng tiếng ruồi vo ve và tiếng dao thớt chểnh mảng của chủ quán.

 

            Ông Dần đưa mắt nhìn người khách lạ, nửa chăm chú nửa dửng dưng. Có vẻ như anh ta vừa chân ướt chân ráo bước xuống từ một chiếc xe đò liên tỉnh. Vẻ lạ lẫm toát ra từ đôi mắt, từ cách ăn mặc chẳng giống ai - chiếc áo thổ cẩm với những hình thêu sặc sỡ và đôi giày da lộn há mõm. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản anh ta tập trung toàn lực vào việc giải quyết bữa ăn sáng một cách xuất sắc. Cái cách ăn phở như thế làm tăng giá trị của bát phở lên nhiều lắm.

            - Quán chưa có tên à?

            Người khách lạ cất tiếng hỏi, sau khi nhận được điếu thuốc mời từ tay chủ quán như một món quà khuyến mãi.

 

            Chủ quán bật lửa mồi thuốc cho khách, liếc nhìn chiếc túi vải nhàu nát, ở miệng túi thòi ra mấy chiếc quản bút vẽ bằng gỗ nhẵn bóng:

            - Chú là thợ vẽ?

            - Họa sĩ tự do.

            - Cái gì?

            - À... Bác nói cũng đúng: thợ vẽ. Nhưng hơi khác một tí... Có nghĩa là những thứ tôi vẽ ra không hẳn...

            - Có vẽ được bảng hiệu không? - chủ quán sỗ sàng cắt ngang lời giải thích của khách.

            - Được chứ. Nhưng bác cần một bảng hiệu như thế nào?

            - Phở Bắc. Chính cống Hà Nội. Thơm ngon tinh khiết. Ăn một lần nhớ mãi... Đấy, đại khái thế. Và tất nhiên phải kèm một hình ảnh gì đó về Hà Nội.

            - Tháp Rùa nhé?

            - Không... Quen lắm. Hay là vẽ Văn Miếu đi. Ăn uống cũng phải có văn hoá, đúng không?

            - Hoàn toàn đúng! Văn Miếu. Được. Bác cho em bao nhiêu?

            Chủ quán đưa ra một cái giá khá bèo, nhưng cuộc thoả thuận vẫn diễn ra chóng vánh theo đúng tinh thần hợp tác phát triển, và kết thúc bằng tô tái bò thứ hai không tính tiền.

           

Khách hẹn trong ba ngày sẽ kẻ vẽ xong tấm bảng hiệu, ứng trước một số tiền rồi hăm hở khoác túi lên vai. Hàng ria mép vừa lại hồn, trở nên bóng mượt và ngăn nắp trên gương mặt đã phục hồi vẻ tự tin. Ra khỏi cửa, bất ngờ anh ta quay đầu lại, vui vẻ nháy mắt với ông Dần.

           

Ba ngày sau, vào buổi sáng quán phở trưng bảng hiệu, ông Dần lại có mặt. Có thể vì tò mò, cũng có thể vì một sự dẫn dắt bí ẩn nào đó mà bấy giờ ông Dần chưa kịp hiểu. Tấm bảng với những nét chữ điệu đà còn thơm mùi sơn. Còn cái hình vẽ trên đó thì ông Dần có thể quả quyết rằng nó chỉ có họ xa với Văn Miếu. Ông chưa bao giờ đến Hà Nội, nhưng hình ảnh gác Khuê Văn thì ít nhất ông cũng đã thấy trên ti vi, trong sách báo không dưới vài lần. Hoàn toàn không phải là cái vọng gác ở cổng đồn binh như thế kia! Đúng vào lúc ông định bộc lộ sự nghi ngờ chính đáng của mình thì bị gã "họa sĩ tự do" thúc nhẹ một cái vào sườn, khiến ông im bặt.

 

            Sau đó, khi đã theo ông về nhà, gã họa sĩ mới cau có giải thích:

            - Em không muốn tranh luận với một gã chủ quán phở. Em chỉ muốn nhanh nhanh cho xong việc... Nhưng còn bác, bác phải biết là hội họa khác xa với quay phim chụp ảnh. Người họa sĩ chỉ vẽ cái thần của sự vật, chứ không vẽ cái xác...

            - Chú đến Hà Nội lần nào chưa?

            Gã họa sĩ bỗng nhiên chùng người xuống:

            - Chưa!

            - Sao chú liều thế?

            - Em không liều thì em đói! Thú thật với bác, lần mò được đến đây là em nhẵn túi. Hôm ấy giá như lão hàng phở không thuê em vẽ bảng hiệu, thì em cũng chưa biết đào đâu ra hào để trả tiền tô phở. Vừa ăn em vừa nghĩ: hay thật, không hiểu rồi cuộc đời còn đưa đẩy mình đến nông nỗi nào... Chỉ nghĩ vu vơ thế thôi, chứ tuyệt nhiên không thấy ngượng, không thấy sợ. Vậy mà trời thương em. Trời lại còn cho em gặp bác. Em xin tá túc ở nhà bác ít bữa, kiếm việc làm...

            Ông Dần im lặng. Thật đúng là ma xui qủy khiến, không dưng rước người giời ơi đất hỡi về ăn ở trong nhà mình. Nghĩ thế nhưng ông Dần không ân hận. Thậm chí ông còn an ủi, động viên gã:

            - Nhà tôi ít người, chú yên tâm. Bây giờ tắm rửa, nghỉ ngơi cho lại sức, chiều hãy đi "tiếp thị". Cái thị xã này tuy bé nhưng có lẽ cũng đủ việc cho chú làm. Chỉ nhớ là đừng có bốc đồng lên về vụ Văn Miếu ở quán phở nữa. Chẳng có đứa nào nhìn ra chú vẽ cái gì đâu, nghe chưa?

            - Cám ơn bác. Cho em hỏi tí: bác làm nghề gì?

            - Tôi làm việc ở nhà in, chuyên sửa các lỗi in sai - Ông Dần cười xuề xoà - Ở nhà in người ta gọi tôi là anh "cò"...

 

                                                            °

            Những người lịch lãm hẳn có lý do để chê cười khiếu thẩm mĩ của ông Dần. Ông chẳng có mấy kiến thức về hội họa, nhất là hội họa hiện đại. Với ông, thứ sản phẩm mỹ thuật có giá trị duy nhất là những bức ảnh chụp các cô gái đẹp, và đương nhiên phải là ảnh màu. Những năm gần đây, thứ này xuất hiện nhan nhản trên sách báo với chất lượng ngày càng gia tăng. Có lẽ vì thế mà ông Dần dửng dưng đứng trước bức tranh mới vẽ của gã họa sĩ khách trọ, mặc dù bề ngoài cố tỏ ra chăm chú để thích hợp với cung cách của người thưởng ngoạn nghệ thuật.

 

            Để có được bức tranh đó, gã họa sĩ phải mất bao nhiêu ngày lang thang trong thị xã kiếm việc làm. Gã nhận tất cả những công việc liên quan đến vẽ vời bôi trát, kể cả quét vôi tường hay sơn cánh cổng. Để có tiền sống tạm, "lấy ngắn nuôi dài", như gã nói. Ý đồ làm nghệ thuật đích thực của gã xem ra còn âm ỉ lắm. Vấn đề là phải biết kiên nhẫn chờ đợi. Chờ có đủ tiền. Chờ đầy vốn sống. Chờ tài năng chín muồi. Và không thể không tính đến cơ may mà ông trời đỏng đảnh chỉ ngẫu hứng ban phát cho một số rất ít người nào đó. Ngày hai bữa, gã về ăn cơm với vợ chồng ông Dần. Ngoài số tiền ăn phải đóng góp, gã còn dành dụm riêng được một ít. Dần dần thấy gã tha về lúc thì mấy gói bột màu, mấy ống sơn, lúc thì mảnh vải, xấp giấy, và cả những chiếc khung gỗ cũ kỹ, long mộng moi ra từ một kho đồ cũ nào đó. Vào một ngày đẹp trời, cảm thấy những điều kiện dâng hiến cho nghệ thuật đã hội đủ, gã đơn phương hủy bỏ hợp đồng trang trí cho một quán cơm niêu, quyết định ở nhà, căng vải lên khung, rồi trầm ngâm ngồi hút thuốc, đón lõng một cơn cảm hứng...

 

            Bức sơn dầu vẽ người con gái đội nón ngồi thu lu trong bụng bò. Cô gái có cái cổ dài như một đọt măng, khuôn mặt hình bầu dục nằm xoay ngang trên cổ. Con bò màu đỏ rực, mọc ra đến tám cái chân như chân cua. Rải rác đây đó trên nền xám bức tranh là những hình tam giác to nhỏ, đen hoặc nâu, không thể đoán biết là cái gì. Ông Dần chú mục vào những hình tam giác bí ẩn, nổ đom đóm mắt mà vẫn không tìm ra mối liên hệ ngấm ngầm, thâm thúy nào giữa chúng với cô gái vẹo cổ và con bò tám chân.

 

            Như để hướng cho trí tưởng tượng của ông đi đúng đường, gã họa sĩ đứng cạnh thì thầm:

            - Mỗi nghệ sĩ đều trải qua những thời kỳ sáng tạo khác nhau. Mỗi thời kỳ phải để lại dấu ấn... Pi-cat-sô có thời kỳ màu hồng, thời kỳ màu lam. Còn em... - gã ngập ngừng giây lát rồi quả quyết - Có thể tạm gọi thời kỳ này là thời kỳ tam giác.

            "Tam giác... Tam giác cái lồn mẹ chú! Phí cả tiền!" (1).

            Vì quá chăm chú vào bức tranh nên cổ ông Dần mỏi nhừ. Ông chỉ muốn văng ra một câu như vậy để giải cơn khó chịu trong người. Nhưng may chuyện đó không xảy ra. Ông còn đủ kiên nhẫn lắng nghe gã họa sĩ ba hoa một thôi một hồi nữa về bức tranh, gật gù mấy cái cho gã yên lòng, rồi mới ý nhị rút lui trong diễn biến hoà bình.

 

            Vào phòng trong, ông Dần cẩn thận chốt chặt cửa lại. Ông tới bên chiếc bàn nhẹ nhàng mở khoá ngăn kéo lôi ra bộ sưu tập đặc biệt. Những tấm ảnh đủ mọi tư thế, dáng vẻ. Đủ mọi loại thời trang "mô-đen", từ nhã nhặn đến suồng sã. Tư thế nào, mô-đen nào cũng chực "giết" đàn ông cả! Ông khoan khoái ngả lưng ra ghế, nhắm mắt, chuẩn bị cho họ "giết". Trước khi rơi vào trạng thái lâng lâng hư ảo, ông còn kịp hãnh diện với ý nghĩ rằng mình có thể thay đổi "thực đơn" cho bữa tiệc tinh thần của mình luôn luôn: lứa này chưa kịp bạc màu sờn mép thì đã có ngay lứa khác mới toanh thay thế. Da thịt họ lúc nào cũng tươi mởn. Rồi mùi hương. Rồi hơi ấm. Ông gần gũi họ đến mức có thể mân mê lọn tóc xoăn của nàng này, cài lại cái áo con cho một nàng khác. Ông ngạc nhiên đến khoái trá khi phát hiện ra cái bớt nhỏ trên bầu vú trái của một nàng khác nữa. Rõ thật là thứ nghệ thuật cứu rỗi. Những tấm ảnh giúp ông thoát khỏi cái buồn nhạt của đời sống tỉnh lẻ; thoát khỏi bà vợ beo béo thâm thấp, mồ hôi lúc nào cũng rịn ra ướt đẫm hai bên nách áo; thoát khỏi cái nhà in ngầy ngật mùi mực in và những lỗi in sai...

            - Đóng cửa ăn vụng ai trong buồng thế này?

            Giọng bà vợ vang lên cùng tiếng gõ cửa dồn dập. Ông Dần bàng hoàng như rơi từ đỉnh cao nghệ thuật xuống chiếc ghế bằng gỗ tạp, vơ vội những cái xác người đẹp ấn vào ngăn kéo.

 

                                                                 °

            Bà Tuyết khác chồng. Chẳng hạn như với gã họa sĩ, bà khác ông ngay từ cái nhìn thứ nhất. Ở ông Dần, thoạt đầu gã chỉ gây cho ông chút gì giống như lòng thương hại, thì ở bà lại là sự tò mò khác thường. Hai tiếng "họa sĩ" đối với bà rõ ràng có một tác động mạnh. Nói như thế không có nghĩa là bà am hiểu hội họa hiện đại hơn ông. Bà chả cần tốn hơi sức để tìm hiểu ý nghĩa của những cái hình tam giác, hay những cặp chân thừa ra của con bò. Nhưng bà rất thích ngồi xem gã họa sĩ vẽ. Những lúc đó, bà cảm thấy mình được tham dự vào một trò chơi thú vị. Một trò chơi phiêu lưu mạo hiểm, tương tự như trò bịt mắt bắt dê. Hai mắt tối đen. Hai chân dò dẫm. Còn hai tay thì cứ việc quờ quạng, lần mò. Bất kỳ lúc nào cũng có thể đụng chạm, xô đổ hay túm bắt được một thứ gì đó không biết trước. Thú vị hơn nữa là trong trò chơi này, dường như gã họa sĩ cũng chả giỏi hơn bà. Cây bút vẽ trong tay gã cũng ngắc ngứ, chệnh choạng, vấp ngã trên khung vải. Chỉ có điều gã là kẻ đầu têu, là kẻ dẫn đường trên con đường thoắt ẩn thoắt hiện trong mơ ước và trong tưởng tượng.

 

            Dạo này gã bắt đầu dành thời gian cho việc sáng tác nhiều hơn. Bà Tuyết cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn với cái quán sách cho thuê của mình. Văn hoá đọc đang hồi xuống dốc. Những cuốn sách cũ kĩ hẩm hiu của bà nằm im trên giá cho bụi phủ. Kinh tế gia đình thâm hụt, nhưng nhàn rỗi khiến cho bà đẫy ra và trở nên đa cảm. Trời không thương cho vợ chồng bà một mụn con thì bà nuôi một lũ mèo. Những con mèo béo rất khoái nằm lim dim trong lòng bà mỗi khi ngồi xem gã họa sĩ vẽ tranh. Nhưng gã có vẻ không ưa đám con cưng vô tích sự này lắm. Đến bữa ăn, thấy bà để cho chúng tự do lượn quanh mâm, trèo lên lòng lên vai mình; rồi bà vừa cho ăn vừa gỡ giùm chiếc xương hóc trong cổ cho một con nào đó, gã lấy làm ghê tởm. Tuy không lộ ra mặt, nhưng mỗi khi có cơ hội, gã liền thẳng tay trừng phạt giống vật lười nhác được nuông chiều quá đáng này. Gã túm cổ một con mon men đến bên giá vẽ và nhanh như cắt lẳng tít ra ngoài đường. Đôi khi gã còn co cẳng đá văng một con khác quẩn bên chân như đá quả bóng hết hơi. Tuy nhiên cung cách cư xử đó không ảnh hưởng gì đến quan hệ thân tình giữa hai người. Từ lúc nào chả nhớ, được ngồi xem gã loay hoay với bức tranh và nếu có thể, cùng tán gẫu với gã về đủ mọi đề tài, đã trở thành nhu cầu tự nhiên của bà Tuyết.

 

            Gã họa sĩ không còn mặn mà lắm với những cái hình tam giác. "Thời kỳ tam giác" xem ra đã chấm dứt êm ái. Một lần trong lúc vẽ, không hiểu tiện tay hay cố ý, gã bỗng đập chết được một con gián. Gã lập tức dùng keo gắn chặt xác con vật lên bức tranh dở dang - bức chân dung ông già đội mũ - ở vị trí con mắt phải của ông. Sáng tạo bất ngờ xem ra có vẻ hay hay. Liên tiếp sau đó là những tranh có xác nhện, xác chuồn chuồn, thậm chí cả xác muỗi - những sinh linh bé nhỏ kém may mắn vô tình lọt vào tầm tay tầm mắt gã. Nhưng đặc biệt ấn tượng hơn cả là một chú thạch thùng. Đúng lúc đang bí không biết kiếm đâu ra con gì để bảo hiểm cho tác phẩm, chú thạch thùng bất hạnh từ xó nhà - bị mèo bà Tuyết truy nã - chạy vụt qua trước mặt gã. Một nhát đập vừa đủ mạnh. Con thạch thùng chưa chết hẳn. Tỉnh lại trên mặt tranh, giữa vùng da thịt trắng ngà của một thiếu nữ khoả thân, nó còn cố lết thêm một đoạn. Đến chỗ vực thẳm giữa hai bầu vú của nàng thì nó hoàn toàn kiệt sức (hay đã tự hài lòng với chính mình?) nên vĩnh viễn nằm lại đó. Để chắc ăn, gã họa sĩ lấy mấy chiếc ghim nhỏ ghim chặt con vật lên mặt vải. Đoạn gã úp tranh vào tường, vui vẻ xoa tay:

            - Bà chị có biết thế nào là một anh "cò" nhà in lý tưởng không?

            Còn chưa hết xúc động trước sự tuẫn nạn hào hùng vì nghệ thuật của chú thạch thùng, câu chuyện đã bị bẻ quặt sang hướng khác khiến bà Tuyết ngơ ngác:

            - Cò nào?... Cò làm sao?

            - Là em muốn hỏi chị về công việc của ông anh nhà mình ấy?

            - À... Thấy nói ông ấy cẩn thận, trách nhiệm lắm. Đợt nào ông ấy nghỉ ốm hay nghỉ phép là báo lại in sai lung tung cả. Chả biết như thế có phải là "lý tưởng" không?

            - Một anh "cò" lý tưởng cần có hai điều kiện - gã họa sĩ đổi giọng nghiêm trang, nhưng hai mắt tinh quái liếc xéo qua bà Tuyết - Điều kiện thứ nhất: biết đọc! Nên nhớ là chỉ cần biết đọc thôi, chứ không cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của những dòng chữ. Những người thông minh chưa đọc đã hiểu, khi làm"cò" chắc chắn sẽ bỏ qua nhiều lỗi.

            - Còn điều kiện thứ hai?

            Gã họa sĩ tỉnh queo, giả bộ làm ngơ. Đợi cho bà Tuyết cũng cường điệu sự tò mò của mình lên như một thiếu nữ ngây thơ, giục đến lần thứ ba, gã mới chặc lưỡi:

            - Em nói, nhưng cấm bà chị không được giận.

            Bà Tuyết gật đầu, mắt long lanh.

            - Điều kiện thứ hai là... Cái ấy... Cái của quý của anh ta... phải ngắn! Càng ngắn càng tốt! - gã họa sĩ thở dài - Em cũng không hiểu tại làm sao phải như thế. Có lẽ những người như thế mới có khả năng tập trung rất cao vào công việc.

            - Thế người như chú có thể làm "cò" được không?

            Đòn phản công bất ngờ, táo bạo, rõ ràng là của một người đàn bà từng trải, khiến gã họa sĩ chới với. Nhưng rốt cuộc gã cũng kịp trấn tĩnh và cười xoà:

            - Em hả? Em đi thi tuyển thì chỉ có trượt đầu nước.

            Bà Tuyết ngồi im, nghe những giọt mồ hôi thánh thót rơi trong nách. Câu chuyện cợt nhả dừng lại đúng lúc. Nhưng dư âm của nó ngấm ngầm lan toả. Suốt ngày hôm đó bà Tuyết ngẩn ngẩn ngơ ngơ ra vào trong căn nhà của mình. Như phải đột ngột chuyển sang sống ở vùng khí quyển khác, những cơn nóng lạnh bất thường thi nhau truyền qua người bà. Trò bịt mắt bắt dê vừa kết thúc. Băng vải đen đã lột ra. Tất cả những gì quen thuộc bỗng trở nên xa lạ, mới mẻ như được tắm trong một thứ ánh sáng khác. Một nỗi niềm gần giống như hối tiếc, như oán giận... Cái trò chơi kéo dài quá lâu. Lâu đến nỗi bà quên rằng cuộc đời còn có nhiều trò khác thú vị hơn gấp bội.

 

                                                                 °

            Đã từ lâu, hai vợ chồng ông Dần ngầm thoả thuận với nhau: hàng tháng, họ chỉ gần gũi nhau một lần vào ngày mồng một. Nhưng ngay cả vào những dịp hiếm hoi đó, họ cũng không còn cơ may tìm lại cho mình được chút hưng phấn. Bà Tuyết tỏ ra bồn chồn bực dọc bao nhiêu khi thời điểm ấy đến gần, thì ông Dần lại đăm chiêu lo lắng bấy nhiêu cho việc thi hành bổn phận. Tuy vậy, không bên nào dám tự ý phá bỏ cái thông lệ đó. Bản giao kèo ngán ngẩm không biết còn kéo dài đến bao giờ, nếu gã họa sĩ không xuất hiện và đẩy câu chuyện tới mức, nói như dân tỉnh lẻ, việc gì phải đến sẽ đến.

 

            Sau mỗi lần ăn nằm với gã họa sĩ, bà Tuyết lặng lẽ tận hưởng niềm vui, khoái cảm của việc phát hiện ra chính mình. Không cố gắng trở nên ngoan lành như những người vợ ngoại tình ngây thơ, cũng không công khai nổi loạn tung hê tất cả. Bà chỉ lẳng lặng đơn phương hủy bỏ thỏa ước ngày mồng một! Chính vì vậy ông Dần nhanh chóng hiểu ra vấn đề mà không cần tiến hành bất cứ một cuộc điều tra thẩm vấn nào. Bằng cảm nhận tinh tế của người đàn ông quá quen nết vợ - quen đến nỗi một thay đổi nhỏ ở bà cũng khiến ông liên tưởng đến một âm mưu vượt ngục, hay cái gì đại loại thế - ông đã biết khá chính xác những lần mình bị phản bội. Phản ứng duy nhất mà ông có được sau mỗi lần như vậy là cầm viên phấn đỏ (giấu trong ngăn bàn), cẩn thận vạch một vạch lên tường.

 

            Chuỗi vạch phấn nhẫn nại thực hiện cuộc hành trình có một không hai của nó trên bức tường trống trơn.

 

                                                                  °

            Bà Tuyết bồng bềnh, bồng bềnh trôi ra khỏi vực xoáy của niềm đam mê man dại. Cơ thể dần dần trở lại trạng thái có trọng lượng. Bà he hé mắt, rồi nheo ngay lại vì chói. Từ chỗ nằm nhìn qua bức mành thưa ở khung cửa sổ, có thể thấy rõ lá bàng xao động trên mặt đường đầy nắng, và thỉnh thoảng ai đó vô tình đi ngang qua, từng bước chân lại vang lên rồi tắt dần trong con hẻm yên tĩnh. Sự mạo hiểm làm tăng thêm cảm giác thích thú, khiến bà ngồi nhỏm dậy. Cứ để nguyên thân thể lõa lồ như thế, bà cúi xuống ôm riết lấy gã họa sĩ và hôn lên cặp mắt nhắm nghiền của gã:

            - Dậy thôi, nhanh lên!

            Gã nhân tình lẩm bẩm câu gì như ngủ mê. Nhưng cũng chỉ vài giây sau, gã tỉnh táo ngồi dậy. Cả hai sửa soạn áo quần rất nhanh, trong im lặng.

            - Có mang theo những thứ này đi không? - bà Tuyết đưa ánh mắt ngần ngại nhìn những bức tranh úp mặt vào tường và đống đồ nghề lỉnh kỉnh của gã.

            - Không! - gã họa sĩ vòng tay ôm lấy từ sau lưng tấm thân mềm mại, ấm nóng của người đàn bà giờ đây đã hoàn toàn thuộc về gã - Anh chỉ mang theo tác phẩm giá trị nhất của đời anh là em thôi!

            Giọng gã có vẻ màu mè nhưng xúc động. Một con mèo đến cọ mình vào chân bà Tuyết. Bà cúi xuống định ẵm nó lên, nhưng gã họa sĩ ngăn lại. "Cần phải biết đoạn tuyệt với quá khứ", gã vừa nói vừa khôn khéo lùa tất cả những con vật ngốc nghếch xuống bếp.

 

            Cảm giác bơ vơ thoáng qua, khi bà Tuyết đứng một mình trong căn phòng quen thuộc. Đúng lúc đó, chuỗi vạch phấn trên bức tường đập vào mắt bà, đỏ rực lên. Cảm thức bừng tỉnh. Trong ánh chớp vụt lóe của linh giác, bà chợt hiểu ra toàn bộ ý nghĩa của nó. Một nỗi giận dữ trộn lẫn với hả hê đầy ứ trong tim, khiến người đàn bà hơi loạng choạng, rồi bật ra một tiếng nức nở như tiếng nấc.

 

                                                                    °

            Bước qua cánh cửa mở toang, vật đầu tiên ông Dần nhìn thấy là chiếc guốc phụ nữ bị gãy gót, nằm lăn lóc trên nền nhà. Cửa tủ cũng mở và bên trong trống hoác. Trên dây phơi quần áo, còn lại duy nhất chiếc áo thổ cẩm nhem nhuốc như sắp rớt xuống. Hoàn toàn im lặng. Bầu không khí phản nghịch từ từ dâng lên trong căn phòng.

 

            Ông Dần nhặt chiếc guốc lên tay, ngắm nghía nó như một thám tử lần tìm dấu vết tội phạm. Rồi ông thong thả ngước nhìn lên bức tường có những vạch phấn đỏ. Một vết lõm sâu vừa cỡ với gót nhọn của chiếc guốc. Những vệt phấn vụt trở nên sống động. Chúng nhảy nhót, gào thét vào tai ông những điều ông đã biết tỏng. Ông chờ đợi giây phút này lâu rồi. Và cũng chính vì thế, ông lại bất giác vung tay, phũ phàng tặng thêm cho chúng một nhát guốc nữa.

 

            Ông nằm vật ra giường, nhắm mắt. Có tiếng mèo vẳng từ đâu đó. Tiếng mèo dựng ông dậy, dẫn ông đi xuống bếp. Cửa bếp hé ra. Những cặp mắt tròn xoe, xanh biếc từ trong tối nhìn ông trừng trừng. Lũ mèo chưa kịp ngạc nhiên hay hy vọng thì cánh cửa đã sập ngay lại.

 

            Ông Dần loay hoay với những sợi dây thừng mươi phút. Đủ bảy sợi cho bảy con. Bảy cái thòng lọng xinh xắn như đồ chơi của trẻ. Sau đó, ông biến mất vào bên trong cánh cửa bếp.

            Nửa tiếng sau, những cô gái trong bộ sưu tập của ông đã kịp thời có mặt đầy đủ trên bức tường, che kín những vạch phấn đỏ. Tất thảy các nàng như được tháo cũi sổ lồng, đồng loạt nhìn ông bằng con mắt biết ơn và nở những nụ cười mê hồn. Lần đầu tiên ông vui chơi thoả thích với họ mà không cần phải canh chừng ai. Trong bếp, xác bảy chú mèo bình thản đong đưa, đong đưa...

 

 (1): Câu này khi in ở báo Văn nghệ (số 52, 2006) bị sửa thành: "Tam giác... Tam giác cái con khỉ! Phí cả tiền". Thật đúng là... phí cả văn! Sửa như thế thì còn gì vẻ đẹp của ngôn ngữ.

 

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2371
Ngày đăng: 09.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xóm Đông - Trang Thanh
Đàn ông đã chết - Lê Hoài Lương
Bây chim trước hiên nhà - Nguyễn Lệ Uyên
Vi đan - Hiếu Tân
Chuyện đám ma - Giang Thị Kim Phụng
Thiên đường chớp mắt - Trần Đức Tiến
Anh ở đâu? - Trang Thanh
Bóng đổ suốt trăm năm - Lê Hoài Lương
Nhớ…. - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyện xứ Mitoman - Hiếu Tân