Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.697.560
 
Văn hóa từ chối
Trần Đức Tiến

1.                                         

Sách “Hậu Hán thư” kể chuyện quan thái thú quận Đông Lai tên là Dương Chấn, nửa đêm có kẻ mang vàng đến lễ, nhưng ông từ chối không nhận. Kẻ nọ - vốn là quan cấp dưới được ông đề bạt - cố nài nỉ cho ông đổi ý, viện cớ đêm khuya, làm gì có ai biết mà e ngại. Dương Chấn bảo: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao lại bảo là không ai biết”?

           

Ngày nay xem lại chuyện của nghìn năm trước vẫn còn nóng hổi ý nghĩa thời sự. Hành vi không nhận quà biếu của Dương thái thú chính là biểu hiện của một thứ văn hoá mà bây giờ chúng ta có thể gọi là văn hoá từ chối.

           

Những năm gần đây, trên những phương tiện thông tin đại chúng, văn hoá từ chối được đề cập khá nhiều. Biết bao vụ việc xung quanh chuyện hối lộ, nhận hối lộ được phanh phui. Lái xe hối lộ cảnh sát giao thông. Bệnh nhân hối lộ bác sĩ. Phụ huynh hối lộ thầy cô để chọn trường học cho con. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu hối lộ hải quan. Tư thương hối lộ quản lý thị trường. Bên B hối lộ bên A để được “hái chùm khế ngọt”… Nặng hơn nữa thì bỏ tiền mua chức mua quyền; bỏ tiền để qua mặt cả quan thanh tra chính phủ. Ấy là chưa kể đến hình thức hối lộ được khoác cái áo có vẻ mĩ miều hơn là quà biếu. Nhân dịp lễ lạt, tết nhất, thậm chí lợi dụng cả đám tang đám cưới để bày tỏ lòng biết ơn, biết điều, sự trung thành cùng với ý nguyện cúc cung phụng sự cấp trên là chuyện cơm bữa. Thường tình đến nỗi, đã có lúc tưởng như cả xã hội mặc nhiên thừa nhận những hành vi đó, coi đó là cách xử sự hợp lẽ, khôn khéo của kẻ “ưu thời mẫn thế”; đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không làm như thế mới là khờ dại, lạc hậu.

           

Người viết bài này không ít lần tận mắt chứng kiến những cái tết ở nhà vị quan nọ. Cận tết chừng vài bốn ngày là người xe lại tấp nập ra vô nhà ông. Họ đến và đi rất có trật tự, như đã hẹn nhau từ trước, đảm bảo không người nào dẫm chân người nào. Mỗi lượt “thăm hỏi” chỉ diễn ra vài phút, thậm chí vài chục giây đồng hồ, đủ cho một thùng rượu (Tây), một gói quà, hay một phong bì nhẹ nhàng êm ái lọt qua cánh cửa sắt ở phòng khách nhà “sếp”. Có lần, do định vị sai, hoặc do tâm thần bất ổn mà cả thùng quà có giá trị lớn lại rơi uỵch vào cửa… nhà bên cạnh (!). Trường hợp này chỉ có trời biết, đất biết, chứ “tôi” với “ông” coi như không biết. “Cá vào ao nhà ai nhà nấy được”. Ông hàng xóm cứ nghiễm nhiên mà xài thùng quà.

                      

2.

Từ chối quà biếu là từ chối cái mà mình chưa có, không có, không xứng đáng được có. Còn từ chức lại là từ chối cái mà mình đã có, đang có, nhưng không xứng đáng được giữ nữa.

           

Quà biếu được coi như bổng lộc của người làm “quan”, còn chức tước lại gồm bổng lộc cộng với quyền lực. Mất một đương nhiên là mất ít hơn so với mất cả hai. Vì thế mà từ quà đã khó, nhưng từ chức còn khó hơn gấp bội.

           

Một vụ từ chức có thể là kết quả của sự tự giác, nhưng cũng có thể là do áp lực từ công luận. Mỗi khi người đứng đầu một ngành, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể… không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra những sự việc tiêu cực trong phạm vi mình phụ trách, công luận lập tức lên tiếng. Thậm chí ngay từ cuộc phỏng vấn đầu tiên, việc từ chức đã được các nhà báo đặt ra. Thực tế là đã có những người buộc phải từ chức, kể cả những người giữ cương vị cao. Mỗi lần như vậy, rõ ràng công luận như một quả bóng bơm căng được tháo hơi. Thái độ khoan hoà của dân chúng là món quà đưa tiễn những người sớm biết lỗi và nhận lỗi. Tất nhiên không phải lúc nào báo chí cũng đúng, cũng thỏa đáng. Nhưng ít nhất báo chí cũng giúp cho đương sự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc, xem cái ghế ngồi có xứng đáng với tinh thần trách nhiệm và kết quả công việc của mình?

             

Hiện nay, dường như chúng ta mới làm quen với việc từ chức vì áp lực từ công luận. Còn những trường hợp tự giác rời bỏ chiếc ghế của mình, số đông lại có vẻ… ngỡ ngàng! “Làm gì có chuyện ấy? Đang ở chỗ béo bở thế cơ mà”? “Ôi chà, hóc lắm nên mới nhả ra đấy”. “Lại mắc phải phốt gì nên vội vàng hạ cánh cho an toàn”… Thế là, thay vì tiếng vỗ tay để biểu dương tinh thần tự nguyện, lòng trung thực và sự liêm sỉ, lại là những tiếng bấc tiếng chì mang nặng tính suy diễn, thiếu công bằng. Công chúng dường như mới chỉ quen đòi hỏi, chứ chưa quen chấp nhận. Điều này chứng tỏ quyền chức, bổng lộc vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng, sâu sắc trong tiềm thức nhiều người.

           

Nói đến sự ám ảnh này, tôi lại sực nhớ đến chuyện về vườn của vị quan chức nọ. Rời khỏi ngôi vị cao sang, ông lập tức tuyên bố về cái sự “nhẹ người” của mình. Ông có vẻ khoan khoái đắm mình vào đời sống thảo dân. Ông đạp xe, ăn cơm bụi, đánh bạn với lũ trẻ đánh giày hay bán vé số… Và một số người (văn nghệ sĩ có tên tuổi hẳn hoi) - trước đây, khi ông còn tại vị, nhìn thấy ông cũng khó chứ chưa nói là hân hạnh được ông tiếp chuyện - nay lân la tìm đến ông, viết về ông bằng những lời rưng rưng cảm khái. Thú thật, tôi thấy có điều gì đó thiếu sòng phẳng. Ở chỗ ông quan nọ không phải là người chủ động rũ áo từ quan, mà thực chất là do những áp lực này nọ khiến ông… bật sới! Ông xách dép theo hầu cụ Nguyễn Khuyến cũng không đáng! Vậy thì ông có gì đáng được thông cảm, và nhất là ca ngợi? Thế mới hay, lắm khi quyền chức đã mất rồi, nhưng cái bóng của nó vẫn còn đủ sức mê hoặc, cám dỗ, kích thích những cơn thèm khát bí ẩn.

           

Bình thường hoá, giải thiêng quyền chức, bổng lộc không phải dễ. Và thực sự số đông mới chỉ tiếp cận, tập làm quen với một phần của quá trình dân chủ hoá.

 

3.

Trở lại câu chuyện từ chối nhận quà của quan thái thú họ Dương. Điểm nhấn của câu chuyện là thời khắc diễn ra sự việc: đêm khuya. Nó chứng tỏ kẻ hối lộ đã tính toán rất kĩ. Đó là lúc sự kín đáo đạt đến mức tối ưu. Nhưng cũng chính vì thế mà câu trả lời của Dương Chấn mới bật ra bất ngờ, mạnh mẽ như lò so nén chặt: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao lại bảo là không ai biết”?

           

Nói như Dương thái thú chỉ là một cách nói. Thật ra thì chẳng có trời đất qủy thần nào. Trời đất ở đây chẳng qua là chính lương tâm ông. Lương tâm ông tạm thời tách ra khỏi ông, đang chăm chú theo dõi, phán xét ông như một thế lực bên ngoài. Ông biết xấu hổ với nó, biết xấu hổ với chính mình nên không thể chìa tay ra nhận.

           

Xấu hổ lẽ ra là thứ tình cảm tự nhiên, vốn có của con người, nay bỗng dưng được tôn lên thành văn hoá, thành phẩm chất xa xỉ với không ít kẻ. Những kẻ này thản nhiên giành lấy, giữ lấy, nhận lấy những thứ mà họ không xứng đáng được hưởng. Chẳng cần đợi lúc đêm khuya, mà cứ lộ liễu vô tư ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Nếu Dương Chấn còn sống, hẳn ông cũng phải nhiều phen nhăn mặt cau mày, quẳng tờ báo đọc dở sang bên hay nhanh tay bấm rờ-mốt chuyển kênh truyền hình khác…

 

Đầu năm 2008

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2646
Ngày đăng: 29.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đồng Môn - Trần Huy Thuận
Tầm xuân...tìm nụ cười Di lạc. - Trần Kiêm Ðoàn
Tết của ngày xưa ơi ! - Lê Minh Tú
Chớp bể mưa nguồn - Hoàng Xuân Phương
Mẹ - Lê Nguyệt Minh
Tạp văn Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Miền yêu -1 - Nguyễn Linh Khiếu
Miền yêu -2 - Nguyễn Linh Khiếu
Ngựa biên - Nguyễn Linh Khiếu
Mưa trên đất mẹ - Quân Tấn