Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
847
116.683.455
 
Đồng Môn
Trần Huy Thuận

1. Thằng Thủy

           

Sau lần gặp lại bạn đồng Môn trường trung học Nguyễn Khuyến (phố Bến Củi) Nam Định tại quê hương, trong một Email gửi cho tôi, , tác giả “Hà Nội trong mắt ai!”, đã kết thúc bằng hai từ: “thằng Thủy”. Cái lối xưng hô kiểu học trò ấy làm tôi cười chẩy cả nước mắt nước mũi! Thế là trong thư trả lời, tôi cũng đáp lại: “chào thằng Thủy. Ký tên: Thằng Thuận”! Các bạn có biết không, cả hai “thằng” đều đã sang tuổi “thất thập cổ lai hy”!

           

Tôi với Thủy là đồng Môn, cùng khóa (1953 – 1957), nhưng không cùng lớp. Trường Nguyễn khuyến chúng tôi học ngày xưa, là trường trung học công duy nhất của cả mấy tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam,... Thành phố thì nhỏ bé, người lại không đông, nên biết nhau gần hết. Ngôi trường chúng tôi học, chỉ là hai dẫy nhà cấp bốn, nằm vuông góc với nhau quanh cái sân bằng đất. Vì thế, đã là đồng môn thì hầu hết đều biết nhau, không phân biệt lớp này lớp khác, khóa này khóa nọ. Chúng tôi biết nhau còn bởi một lẽ nữa: thường đứa nào cũng là những đệ tử trung thành của sân bóng “quảng trường” thành phố!

           

Mặc dù vậy không hiểu sao, giữa tôi và Thủy lại không hề có chút kỉ niệm nào về nhau thời cắp sách? Cho nên khi được tin Thủy về Nam Định, có ý muốn gặp mặt bạn đồng Môn, tôi đã định không đến, vì ngại cái tiếng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”! Mà Thủy đúng là một “người sang” thực sự, ít nhất cũng là với tôi!

           

Tôi biết và khâm phục anh chàng “nghệ sỹ điện ảnh” này trước khi được bạn bè bảo cho biết, Thủy là đồng Môn. Ấy là từ lúc được xem phim “Hà Nội trong mắt ai” của anh, khi phim này vừa được phép nhà cầm quyền cho công bố công khai. Trong tâm tưởng tôi thời kì ấy, anh là một hình bóng cao vời vợi và đáng nể lắm!

           

Khi được Trần Huy Huấn gọi điện báo Thủy sắp đến chơi, tôi cũng hơi băn khoăn, chưa biết nên sử sự sao đây. Vì lẽ, trong cuộc đời, tôi đã không dưới một lần hiểu thế nào là “bạn cũ”!

Khi Thủy vừa đến cửa, tôi vội ra đón và chìa tay bắt. Thủy đã có một cử chỉ làm tôi bất ngờ:

-    không bắt tay gì cả, để mình ôm cậu một cái đã!

Nói là làm liền. Thủy ôm tôi rất chặt, còn nói với vợ tôi: chị ơi, tôi biết anh trước cả chị nhiều năm cơ!

           

Thế là mọi nghi ngại trong tôi đều tan biến hết. Trước mắt tôi lúc này Thủy cũng như Định “Mít”, Huấn, Du “đen” đang ngồi tại nhà tôi đây, đều là những thằng bạn thời non trẻ; không có ai là ông nọ bà kia gì hết!

 

Trước khi trở về Hà Nội, Thủy gửi tặng lại bạn bè một quyển sách viết trong những ngày làm việc tại Mỹ, với lời đề tặng thật thân thiết, và bằng giọng điệu rất... “học trò”:

“Bạn của tôi!... Một nửa thế kỷ, xấp xỉ một đời người chúng ta mới được ngồi lại với nhau... Những kỷ niệm của chúng ta thời học trò trường Nguyễn Khuyến thân thương ngày ấy, các Thầy, các bạn, con sông xưa, thành phố cũ đã ám ảnh tôi khôn nguôi trên khắp mọi nẻo đường đời gần xa, vinh nhục.

 

Tôi nhớ ông Phùng Quán đã nói một câu rất hay nhưng có phần bóng bẩy quá: “có những lúc ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn tôi, xin cám ơn các bạn, những kỷ niệm đầu đời ấy chính là hành trang cho tôi vững tin, không chút ngại ngùng run sợ đi trên con đường độc đạo của kẻ làm nghề”. Rồi anh kết luận:

“Tôi yêu các bạn, vì các bạn là tài sản tinh thần của tôi”.

Trong thâm tâm, tôi rất muốn nói với Thủy: tình bạn! Đúng là rất đáng trân trọng, nhất là tình bạn thời cắp sách. Nhưng, trong cuộc sống, thực ra... nhiều khi nó không được hoàn hảo như thế. Thậm chí có khi... Nhưng rồi tôi tự kiềm chế để những suy nghĩ ấy không buột ra khỏi miệng. Vâng! Hãy để niềm tin về một tình bạn thủy trung, trong sáng tồn tại  trong Thủy, trong mỗi chúng ta, ít nhất cũng là vào thời khắc cảm động này, sau bằng ấy năm xa cách!..

             

 

2. Anh chàng “Mốc” làm quan

 

“Mốc” là biệt danh chúng bạn thời đá bóng, chơi bi chơi đáo, đặt cho anh. Mốc – vì cứ học xong, anh lại phơi mặt trên sân Quảng trường thành phố! Anh là đồng Môn không cùng khóa (trên tôi một lớp), nhưng đều là “bạn” rất gắn bó với trái bóng tròn!

           

Ra trường, tôi đi làm công nhân công chính, rồi đi học trung cấp kỹ thuật. Công tác mấy năm ở Hà Nội, tôi xin được về quê hương để tiện chăm sóc mẹ già. Một lần đi dự mít tinh chào mừng Quốc Khánh, tôi trông thấy anh trên hàng ghế chủ tịch đoàn. Dáng điệu thì vẫn lều khều, mốc mác như xưa, nhưng anh đã là một trí thức XHCN, có bằng phó tiến sỹ do Liên Xô cấp; lại mới được bầu vào HĐND. Ngại cái điều “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nên tôi cũng như nhiều người bạn khác, đều tránh không tìm gặp anh những ngày ấy. Sau này lại càng ngại, vì hầu như mỗi thời gian qua đi, anh lại lên một chức mới. Trong đám bạn cũ, có anh vẫn làm công nhân ngoài mỏ Quảng ninh như Du “đen”, có anh còn lận đận tận Mù Cang Chải như Hoàng quang Lịch,... thì một người như anh quả là đã thành đạt lắm rồi, rất đáng để chúng tôi tự hào và hâm mộ.

           

Bước đường công danh anh không ngừng tăng tiến. Một lần cơ quan tôi tổng kết, anh đã đến dự với tư cách khách mời danh dự. Tôi là phó chánh văn phòng cơ quan, nên có trách nhiệm đón và hướng dẫn khách vào hội trường. Trước đông đủ quan khách và các “xếp” của tôi, bất ngờ anh nói: “Tôi với anh Thuận đây là bạn học cũ!”.

           

Tôi thật sự cảm động trước câu nói ấy của anh. Không cảm động sao được, khi một người có địa vị cao sang như anh, lại nhận tôi là đồng Môn. Giá như anh chỉ ghé tai nhắc điều đó riêng với tôi, thực sự tôi hẳn cũng đã lấy làm sung xướng lắm! Đằng này, anh lại nói trước cả đông đảo quan khách như thế!..

           

Bẵng đi nhiều năm tôi không được gặp anh, nhưng trong lòng vẫn cảm phục anh lắm.

Rồi một chuyện “không may” xẩy ra: Những năm làm công tác phó chánh văn phòng một ngành của  địa phương đã tạo tôi thói quen đọc báo và nghiên cứu chính sách. Sau này về làm cán bộ quản lý một doanh nghiệp Nhà Nước, tôi vẫn duy trì thói quen đó. Tai nạn bắt nguồn chính từ cái thói quen đó. Đọc báo, xem ti-vi, nghe đài, luôn luôn được nghe, được thấy những chuyện tiêu cực xẩy ra ở đây đó; trong đó có địa phương quê tôi. Lại được đọc “những việc cần làm ngay” của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – mà tôi coi đó như lời hiệu triêu quốc dân đồng bào. Thế là máu viết lách nổi lên, tôi bèn tiến hành tổng hợp tất cả các vụ việc sẩy ra trên địa bàn tỉnh mà báo chí đã phanh phui, nhưng có dấu hiệu rơi vào “im lặng đáng sợ”, thành một bài viết nhan đề: “Tại sao không thể loại trừ được những con sâu mọt này”. Ngày 19/7/1990 báo Lao Động đăng trang trọng trên trang 2.

           

Mặc dù tôi không ký tên thật, dùng tên anh con cả; nhưng chỉ mấy ngày sau, nhà báo Lương Mạnh (TTX VN) đã đến cơ quan gặp riêng tôi,  thông báo: “này Thuận, anh không ký tên thật, nhưng lãnh đạo thừa biết tác giả bài báo là ai rồi. Liều liệu mà chờ... “ăn đòn” của ông bạn đồng Môn  nghe!”. Lúc ấy, tôi cho là Lương Mạnh hơi nói quá, chứ tôi có viết gì sai trái đâu? Vả lại những vụ việc tôi nêu trong bài báo, đều là trích từ các báo đã đưa, chứ nào tôi có tự bịa ra? Chưa nói, tôi làm việc này xuất phát từ lời kêu gọi của tổng bí thư đấy chứ? Nhưng sau mấy tuần, tôi mới dần dần nhận ra, cái “đòn” mà Lương Mạnh nói, nó đau đớn như thế nào! Không phải cái đau thể xác – cái đau thể xác cũng đáng kể, nhưng chắc chắn chẳng thấm vào đâu, so với cái đau tinh thần này! Nó buộc tôi phải tự làm đơn xin về hưu trước tuổi (tôi về hưu năm 1991, lúc đó tôi vừa tròn 53).

           

Lương Mạnh lại đến gặp tôi: “mình nói có sai đâu! Thuận dại lắm, đang làm ăn đi lên như thế, lại nhẩy lên mặt báo làm gì cho khổ? Ông quên câu các cụ dậy rồi ư, lập thân tối hạ thị văn chương mà!”. Tôi nói: cám ơn ông đã kịp thời thông báo và chia xẻ. Nhưng tôi cần nói lại hai điều: một là tôi không hề có ý định lập thân bằng văn chương. Hai là, dù sao tôi vẫn cho rằng mình không có gì sai trái cả!

           

Ít hôm sau, tại buổi lễ khánh thành một công trình trọng điểm, tôi có dịp gặp anh bạn đồng Môn của mình. Với trách nhiệm đồng chủ trì trong lễ bàn giao, khi thấy xe anh đến, tôi đã ra tận cửa để chào đón. Thật bất ngờ, khi tôi chìa tay ra, “xếp lớn” của tôi đã không những không thèm bắt, mà còn hằm hằm bước thẳng vào hội trường! Sau sự việc ấy, tôi cứ tự dằn vặt mình: làm sao mà mình ngu thế, mình là cấp dưới, sao lại đi chìa tay ra trước cơ chứ?

Đến tận hôm nay, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn không nguôi ngoai tự dằn vặt: “làm sao mà mình ngu thế?”. Vâng, làm sao mà mình ngu đến thế!

           

&

Sáng nay, các bạn Lê Sáng, Ích Minh (“Minh nhũn”), Định “Mít”, Xinh “sộp” và Kim Oanh đến họp ở nhà tôi để bàn về chương trình họp mặt kỷ niêm 50 năm ra trường. Từ Hà Nội, Độ cũng gọi điện báo về, sẽ có khoảng trên hai chục bạn về tham gia ngày đó, trong đó chưa kể cánh Hải Phòng cũng sẽ về. Độ còn nhắc chúng tôi nên báo cho mấy đứa trong Sài Gòn, cho dù có thể xa quá, chúng nó không ra được.

Buổi trưa, tôi lên mạng, nhận được Email của Thủy:

“Minh da ta lai cuoc gap do cho thang Nguyen Huu Dinh o Canada qua email. No hoi am ngay va gan nhu no khoc tren email”

 

Cuộc gặp mà Thủy kể cho Đính là cuộc gặp hẹp. không thật đầy đủ, do Thủy về đột xuất. Chưa phải là cuộc họp mặt sắp tới. Giá mà Thủy về được trong lần gặp đồng Môn tới đây!

 

3. Đồng môn ? – Quan anh và tôi ... Bé cái nhầm !

           

Ông giám đốc công ty (vốn trước là trưởng phòng XDCB, xếp cũ của tôi) dẫn tôi sang phòng bên, để làm việc trực tiếp với người phó mới của ông. Đó là một kỹ sư trẻ, mới học trường Nguyễn Ái Quốc về, mới lấy vợ, mới được bầu vào cấp ủy địa phương và mới được đề bạt về đây cho có điều kiện phấn đấu, rèn luyện từ cơ sở! Khi sang đến nơi, ông giám đốc chỉ vừa mới định giới thiệu để tôi làm quen, thì anh đã đứng ngay dậy, kéo ghế mời mọi người ngồi, rồi đon đả:

- Mời thủ trưởng và các đồng chí ngồi! Anh nhìn tôi một lát như để khẳng định điều gì đó, rồi bỗng nói một câu làm tôi sững sờ cả người:

- Dạ báo cáo thủ trưởng, em với anh Thuận đây vốn là ... đồng Môn ạ!

 

Tôi nhìn anh, cố tìm một nét thân quen ngày thơ ấu... nhưng tuyệt nhiên không mảy may nhận ra một dấu hiệu gì của hình ảnh thưở học trò  xưa cũ. Thấy tôi tỏ ra ngỡ ngàng, anh nói tiếp, một câu nói đã làm tôi vô cùng cảm động, không chỉ giây phút ấy, mà mãi mãi nhiều năm sau:

- Anh Thuận ơi, tôi với anh cùng học một trường. Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ; anh không chơi với em, nhưng em biết anh!

           

Sau này, tôi biết anh nói như thế là hoàn toàn nhầm! Ba cái nhầm. Thứ nhất, ngày xưa anh học trường tiểu học Vườn Dâu, tôi học Nguyễn Trường Tộ. Thứ hai, sau khi không đậu vào trường trung học Nguyễn Khuyến, anh lên Hà Nội và được người anh rể xin cho làm công nhân nhà máy đèn. Thứ ba, tôi tuyệt không phải là “lớp học sinh lớn”, anh là “lớp học sinh nhỏ” như anh đã nói, bởi khi đọc lý lịch ứng cử viên của anh trong một lần bầu cử, tôi phát hiện ra anh còn  sinh trước tôi một năm cơ!

 

Nhưng đó là ba cái nhầm đáng yêu, thậm trí đáng trân trọng. Nó thể hiện anh là một con người giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa trọng tình!..       Trở về cơ quan, gặp ai tôi cũng khoe chuyện gặp anh hôm ấy,  không ngớt lời ca ngợi anh: một người có học, có văn hóa, rất xứng đáng với sự lựa chọn và tín nhiệm của cấp trên; đồng thời là niềm hy vọng to lớn của nhân dân!.. Nhưng ngay lúc tôi đang “say” như vậy, đã có vài bác lớn tuổi vỗ vai tôi: Thuận ơi, hãy đợi đấy, đừng có vội. Rồi cậu sẽ hiểu thế nào là chính trị! Tôi nghĩ họ già rồi, suy nghĩ mòn cũ, chả nên để ý làm gì. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng hơi chột dạ, nên cũng tự bơn bớt cái mồm  tụng ca anh!

           

Sau khi thống nhất đất nước vài năm, tôi được cơ quan phân công làm thủ tục đưa một nhóm kỹ sư đi tham quan, học hỏi ở mấy tỉnh thành phía Nam. Hồ sơ đã được cấp Ty phê duyệt, tôi mang lên tỉnh nộp. Tại đấy, tôi được đồng chí phó văn phòng, vốn là chỗ quen biết, xem qua tờ trình rồi bảo:

- Thôi, chỗ người cùng ngành trước đây cả, cậu mang thẳng sang trình bầy, khỏi qua chúng mình! Tôi vốn là người trọng nguyên tắc, lại ngại gặp lãnh đạo (mặc dù “lãnh đạo” lúc này chính là người đã từng nhận nhầm tôi là “đồng Môn”, là “lớp học sinh lớn”, là “anh không chơi với em nhưng em biết anh”!); nên cứ năn nỉ nhờ các đồng chí đó giúp theo thông lệ. Cuối cùng, tôi phải chấp nhận phương án, đi cùng anh cán bộ văn phòng.

           

Cửa phòng lãnh đạo khép hờ. Sau khi gõ cửa, tôi nghe vọng ra một giọng nhỏ nhẹ nhưng rất vang:

- Vào đi!

Chúng tôi mở to cửa, bước vào. Lãnh đạo đưa mắt nhìn lướt qua mặt tôi, rồi quay luôn hỏi anh cán bộ văn phòng, tuyệt không hề bảo chúng tôi hãy kéo ghế ngồi xuống:

-    Có việc gì đấy?

-    Dạ thưa anh! Bên cơ quan ... đồng chí Thuận đây, có tờ trình xin đi công tác mấy tỉnh thành phía Nam...

 

Trong lúc chờ đợi, để khỏi mỏi chân, tôi tự kéo lấy một cái ghế để ngồi, trong phòng có rất nhiều ghế trống. Nhưng tôi đã làm một việc thừa, bởi chả cần đợi lâu, chả cần xem nội dung tờ trình đã được cấp cơ sở phê duyệt, anh “lãnh đạo” trẻ đã trả lời thẳng thừng:

- Cơ quan đó chưa cần đi lúc này, để dịp khác!

 

Người cán bộ văn phòng dẫn tôi, liếc mắt ra hiệu bảo tôi hãy trình bầy mà xin lãnh đạo đi. Tôi lại nghĩ khác, lãnh đạo nói thế là lãnh đạo đã quá hiểu về chức năng nhiệm vụ của cơ quan tôi rồi, nên trình bầy cũng bằng thưa. Thế là tôi đứng dậy, và hỏi ngược lại, đương nhiên là với người cùng đi:

- Xong chưa đồng chí? Biết tôi không muốn cò kèo, anh trả lời: “xong rồi”. Tôi nói tiếp: “ta về thôi đồng chí!”. 

Ra về, lòng tôi nặng chĩu một nỗi buồn khó diễn tả. Buồn không được lãnh đạo duyệt cho đi thì ít, mà buồn về cách cư sử lạnh lùng đến vô cảm của người năm xưa tự nhận nhầm là đồng Môn, thì nhiều... Và nỗi buồn ấy còn đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm sau đó.

             

Sau này, mỗi khi nhớ lại hai cái lần gặp anh... “nhầm đồng Môn” kể trên, tôi cứ tự huyễn hoặc mình: giá như lần gặp thứ hai, anh không cần vồn vã, khiêm tốn kéo ghế mời tôi, nhận tôi là bạn học cũ, mà chỉ cần hất hàm buông một câu, một câu thôi, chẳng hạn như: "Thuận đấy à (mà có quên tên thì "cậu gì đấy à", cũng được đi!), có việc gì đấy?" _ Một câu ngắn gọn hơn rất nhiều, so với cái câu:"Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ; anh không chơi với em, nhưng em biết anh!" mà anh đã nói trong lần gặp thứ nhất, phải không? Thế thì hẳn là tôi còn phải đi kể khắp đó đây rằng, "Sao mà trên đời này lại có người làm to đến thế, lại có thể bình dân đến thế, tình nghĩa đến thế, khiêm tốn đến thế, nhã nhặn đến thế?!.". Thôi thế mới là sự đời, mới là cuộc sống, mới có chuyện tôi kể lại đây hôm nay!

 

4. “Người lái đò trên sông Pô-cô”

           

Trong buổi họp mặt đồng môn kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp ra trường, ban tổ chức có chương trình ghi hình và tiếng nói tất cả các bạn. Người dẫn chương trình cho biết như thế, và nói: Nửa thế kỷ là một đời người, với biết bao bể dâu, bao kỷ niệm vui buồn. Địa điểm Trường cũ thì vẫn đấy, nhưng mái trường trung học Nguyễn Khuyến xa xưa, không còn nữa! Thành phố Nam Định thân thương vẫn mang tên cũ, nhưng địa giới, cảnh vật, con người... thảy đều đã đổi thay.

Chị ngồi đấy, im lặng lắng nghe tâm sự của từng người một. Đúng là mỗi người một số phận: Có người tiếp tục học lên cao, có người phải rẽ ngang tìm nghề kiếm sống. Có bạn còn ở trong nước, nhưng cũng không ít bạn phải long đong nơi đất khách quê người. Có người cầm bút và có người cầm súng. Có người thành danh, có người là dân thường. Có người là tỉ phú, có người đến nay vẫn lận đận chuyện áo cơm. Giọng người dẫn chương trình làm chị cảm thấy trong lòng như đang dâng lên một nỗi buồn vu vơ...

 

Đến lượt ghi hình người ngồi cạnh chị: một bà bạn đã ở tuổi gần bẩy mươi, sống độc thân cũng sấp xỉ ngần ấy năm, như chị:      

- Tôi là... sau khi học xong cấp II, cấp III ở quê nhà, rồi được sang học ở Liên Xô... Sau này, khi về công tác ở nhà xuất bản Ngoại văn, tôi lại được sang Pháp học một năm... Tôi có hai cái yếu, một là không biết làm giầu; hai là cái mà mọi người làm được, thậm chí có người làm đi làm lại đến mấy lần, thì tôi lại không làm được(!).

Mọi người cười ồ, nhưng hẳn là ai cũng đều nước mắt chẩy trong tim!

Rồi cũng đến lượt chị thổ lộ tâm sự cùng bè bạn:

- Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Oanh... không có biệt hiệu gì cả!... Học xong lớp bẩy, tôi đi học trung cấp Nông Lâm. Ra trường có về công tác ở quê hương và được cử đi học đại học Kinh tế Quốc dân...Năm 1968 vô Nam và từ đấy trở đi... sang hẳn nghề nhà báo! Hai chữ “nhà báo” chị nói rất nhẹ, vừa như muốn nói, vừa như không. Có người nhắc chị:

- Là tác giả phần lời bài hát...?

Chị im lặng! Người đó lại nhắc lại: “Chị phải nói cái chỗ đó...!”. Nhưng chị kiên quyết:

- Không! Không! Không! Không!

Bốn lần khẳng định một chữ “Không”!

Tôi tìm thấy trên một trang Web:

 

“...Thời gian cao điểm từ mùa khô năm 1965 đến mùa mưa năm 1968, có đêm Puih San chở hơn 30 chuyến đò với hàng trăm lượt bộ đội và hàng hoá qua sông an toàn phục vụ bộ đội ta mở chiến dịch đánh trận Plei Me ở huyện Chư Prông. Tám mùa rẫy cầm chèo, dưới mưa bom, bão đạn, Puih San đã được hai niềm vui lớn: được vinh dự đứng trong hàng ngũ vinh quang của Đảng (ngày 21/1/1965) và đi dự báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sỹ thi đua Mặt trận B3 và của Miền. Chiến công hiển hách của Puih San đã mang lại nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ-chiến sĩ. Nhà thơ Mai Trang sáng tác bài thơ: “Người lái đò trên sông Pô Kô” và nhạc sĩ Cẩm Phong phổ nhạc bài thơ này.

           

Trước đây, từ lâu rồi, tôi đã mang máng biết, chị chính là Mai Trang, cho đến một ngày, không biết ai đó đã đưa cho tôi bài báo viết khá chi tiết về tác giả cùng hoàn cảnh ra đời bài hát, trên đó có in bức ảnh của chị, khi chị sang Liên Xô, thì điều “mang máng” ấy đã được khẳng định!

 

“Bài hát ấy thường xuyên được truyền đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt thời kỳ đánh Mỹ như tiếng kèn xung trận giục giã, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước noi gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của A Sanh (bí danh của Puih San) xông lên phía trước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào...”.

           

Định Mít đọc thấy đoạn viết này, bảo: chính tao đã hành quân ngang qua dòng sông Pô-kô và khi đêm đêm nghe bài hát đó từ chiếc máy thu thanh bỏ túi,  bọn lính chúng tao được cổ súy rất hăng! Tao lúc ấy đâu có ngờ, lời bài hát lại là của Oanh, cô bạn cùng lớp! Mai Trang đã thực sự trở thành “Người lái đò tinh thần” đưa bộ đội ta vượt qua không chỉ con sông Pa-kô cụ thể, mà là tất cả các sông suối Trường Sơn hùng vỹ!...

 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết:  

“Lời ca giản dị, nét nhạc thiết tha trong sáng đậm chất dân ca Tây Nguyên ấy đã quấn quýt với tâm hồn người lính trẻ chúng tôi. A Sanh, ấy là cái tên được nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác dựa trên một nguyên mẫu có thật. Ngay cả nhà thơ cũng không biết rằng, tên nhân vật của mình ngay sau khi ra đời liền trở thành biểu tượng, thành cái tên chung cho những người lái đò trên các dòng sông ở Trường Sơn...”...  “Câu chuyện vừa giản dị vừa khá ly kỳ về sự tích bài hát Người lái đò trên sông Pô Cô suốt hai mươi năm qua cho tới hôm nay nó vẫn còn nguyên vẹn vẻ giản dị và sự lạ kỳ,..”.(Nguồn: http://www.vnmusic.com.vn/music/index.php?aid=nghenhac&id=1567 được lưu ngày 2 Tháng Mười Hai 2007)

           

Đoạn văn trên cho ta thấy, Trung Trung Đỉnh rất biết ai là tác giả lời bài hát; thậm chí còn biết khá rõ! Nhưng ta hãy đọc tiếp đoạn sau, cũng chính của anh:

 

“Tôi nhớ hồi năm 1998, sau khi nghe tin Puih San được Nhà nước phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, có lần tới nhà nhạc sĩ Cầm Phong chơi, tôi kể về ngôi làng có tên Plei Nú ở xã IakRai huyện IagLai, tỉnh Gia Lai có ông Puih San trung uý về hưu, ngày chống Mỹ là chiến sĩ lái đò, là nhân vật chính, tức chàng A Sanh trong bài hát của ông sắp ra Hà Nội tham quan. Ông mừng khôn xiết. Nhưng đúng là "cái số" của hai bác thế nào mà mấy ngày ở Hà Nội, Puih San vì tính quen với kỷ luật nên không thể tách đoàn, lại bị cánh nhà báo quây dữ quá, không cách gì thu xếp được thời gian thăm ông nhạc sĩ, người đã "khai sinh" ra cái tên A Sanh cho mình. Còn ông nhạc sĩ già thì cứ ngồi chờ, đến khi nghe tin A Sanh vào lại trong kia rồi thì cứ ngồi tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Ông đành ôm cây ghi-ta hát vọng vào. Một thời gian sau lại nghe tin buồn Puih San đã mất! Thế là cái hẹn lần sau gặp mặt của hai ông không thành. Tôi cũng lại phải đổ tại cái duyên, cái số của hai quan bác vậy thôi, chứ làm sao!”. (Nguồn đã dẫn).

           

Thế là ngay đến đồng nghiệp văn thơ, cũng chỉ nhớ thoảng qua tác giả phần lời bài hát, còn bao nhiêu tình cảm, anh đều dành cho tác giả phần nhạc; thậm chí còn gán” cả cho nhạc sỹ là “người đã "khai sinh" ra cái tên A Sanh”! Anh đã tự phủ nhận ngay chính điều anh vừa viết ở đoạn trên: “A Sanh, ấy là cái tên được nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác dựa trên một nguyên mẫu có thật”.

            Không trách trang Web chính thức của hội Nhạc sỹ Việt Nam: “VNmusic.com.vn” cũng cho chạy cái “tít”:

“Người lái đò trên sông Pôkô

Nhạc sĩ:Ns. Cầm Phong

Thể hiện:Đăng Dương + Lan Anh

Album:  Đăng Dương + Lan Anh

Thể loại nhạc:    Nhạc trữ tình”

&

Ai đó trong số bạn bè đồng môn chúng tôi, khe khẽ cất lên tiếng hát:

“Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết

Anh lái đò tên gọi A Sanh ?”

Còn tôi, tôi muốn hát thật to lên cùng bạn bè: Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết / Cô lái đò tên gọi Mai Trang!... Và tôi tưởng như nghe thấy, tiếng vọng xa xăm từ ngọn núi Ngăm quê hương yêu dấu, nơi đồng môn chúng tôi chọn làm nơi gặp mặt sau 50 năm ra trường:

Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết..!

Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết!..

 

Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm – Nam Định. 12/2007

 

5. Trường Đời – Vận Người!

 

Hôm ấy vừa bắt đầu tiết học thứ hai. Bỗng dưng, mấy cảnh sát do một thầy trên văn phòng dẫn xuống, xuất hiện đột ngột trước lớp, làm chúng tôi hoảng hồn! Sau khi hai thày trao đổi gì đó với nhau, ba người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát, tiến thẳng vào trong lớp. Đến chỗ bạn Trần Văn Bình – một học sinh lớn tuổi nhất lớp, họ dừng lại. Chúng tôi hồi hộp theo dõi từng hành vi của mấy người “khách không mời mà đến”. Nhưng khi thấy Bình bị trói, dẫn ra khỏi lớp, thì dường như mọi người chúng tôi đều đã đoán được nguyên cớ! Mới hôm qua, trong giờ học nhạc, thầy giáo có nêu vấn đề: mỗi học sinh hát một bài mà mình ưa thích. Mọi người hào hứng hưởng ứng. Bạn hát bài này, bạn hát bài kia, vui nhộn lắm! Khi đến lượt mình, Bình thưa với thầy:

- Dạ thưa thầy, con chỉ nhớ mấy bài hát “Kháng chiến” thôi, có được hát không ạ?!.

 

Đương nhiên là thầy giáo đồng ý.  Vậy là Bình hát, càng hát càng bốc, càng bốc càng hăng; làm không khí lớp học sôi sục hẳn lên.

“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc!...”

Đa số chúng tôi không dám hòa theo, nhưng cảm phục và khoái chí lắm! Trong mắt mỗi chúng tôi lúc ấy, Bình là một thần tượng vừa  lớn lao vừa gần gũi, lại rất đỗi thân thương!

 

&

Chuyên trên xẩy ra vào năm cuối cùng của thời kỳ Pháp tạm chiếm, chỉ mấy tháng trước khi Nam Định được giải phóng!

           

Không khí mừng chiến thắng tràn ngập đường phố, tràn ngập sân trường, tràn ngập tất cả các lớp học sau hòa bình, khiến chúng tôi không còn nhớ gì đến thần tượng của mình, Bình – người bạn đồng môn bị chính quyền cũ bắt giữ ngày nào!.. Phải mấy tháng sau, mọi người mới biết Bình đã bỏ học. Chúng tôi đoán già đoán non, chắc bây giờ Bình đang đảm trách một công tác gì đó của cách mạng! Một người trẻ tuổi mà gan dạ đến thế cơ mà!..

           

Cuộc sống cứ thế cuốn đi với biết bao sự kiện mới mẻ. Cùng với sự đổi thay chung, cá nhân mỗi chúng tôi cũng đã đổi thay. Có người tiếp tục con đường học hành, có kẻ phải lặng lẽ rẽ ngang, tìm công việc kiếm sống. Rồi có người trở thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo,... nhưng cũng có bạn suốt đời trung thành với bộ áo quần công nhân, xám đen dầu mỡ! Thậm chí có bạn đén tuổi ngoài sáu mươi, vẫn lận đận chuyện áo cơm!.. Buổi họp mặt đồng môn đầu tiên, tổ chức ở nhà một bạn,  có khoảng hơn hai chục thành viên về dự. Mới xa trường ba chục năm, mà gặp lại nhau đã thấy có nhiều đổi khác. Mỗi người một tâm sự, mỗi người một nghề nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh sống,...      Nhưng bất ngờ nhất, lại là anh chàng già nhất lớp, thần tượng ngày nào của chúng tôi: Trần Văn Bình! Trong khi chúng tôi vồ vập ôm lấy nhau, mừng vui khôn xiết, mỗi khi nhân ra một người bạn học cũ; thì có một người cứ ngồi lặng lẽ phía cuối căn buồng. Anh có khuôn mặt vuông vức và  dáng người chắc nịch, với nước da tai tái mầu tro,... Trông quen lắm, nhất là đôi mắt – vâng đôi mắt sáng quắc, rất giống một người!.. Bống ai đó reo lên:

- Bình! Trần Văn Bình!..

 Vâng! Người có đôi mắt sáng quắc không thể lẫn vào đâu được ấy, chính là Trần Văn Bình, thần tượng của chúng tôi thưở học trò! Chúng tôi hỏi anh đi đâu, làm gì trong bằng ấy năm trời mà nay mới gặp? Anh khẽ mỉm cười:

- Mình chả đi đâu cả! Mình vẫn sống ở đất Nam Định này suốt từ bấy đến nay. Làm công nhân đốt lò hơi tại nhà máy Chuối (tên gọi dân giã của nhà máy thực phẩm xuất khẩu Nam Định những năm 60 thế kỷ trước).

 

Thế đấy, thần tượng Trần văn Bình, một học sinh bị cảnh sát chính quyền cũ bắt vì có những hoạt động chống đối, lại chỉ là công nhân đốt lò hơi nhà máy chuối? Không thể tin được! Nhưng biết làm thế nào, khi đấy hoàn toàn là sự thật!..

           

&

... Mãi sau này, trong lần dự đám ma một vị lão thành cách mạng, có một bà hỏi tôi: hình như anh có chơi với anh Trần văn Bình, công nhân máy Chuối? Tôi ngạc nhiên nhìn bà. Bà giải thích, tôi nhận ra anh, vì hôm trước có gặp anh ở lễ an táng anh Bình. Rồi bà thở dài:

- Khổ thân anh ấy! Chết đột ngột, chẳng kịp trối trăng gì. Đến giấy tờ chứng nhận có hoạt động trong kháng chiến, bị địch bắt, cũng chẳng biết để đâu! Các anh là bạn cũ, các anh nên giúp chị ấy và các cháu xác minh lại cho vong linh anh Bình được mát mẻ nơi chín suối! Thế ra bà cũng là một trong số những thanh niên Nam Định thời đó, có tham gia hoạt động nội thành!

Tôi nói với bà:

- Chị ơi! Tôi là bạn anh Bình thật, nhưng tôi đâu có hoạt động kháng chiến? Chỉ biết, biết rất rõ việc cảnh sát địch bắt anh tại lớp học thôi. Biết có thế thì giúp gì được hở chị? Người đàn bà im lặng. Không biết chị có nghe rõ điều tôi trình bầy, hay chị đang nghĩ về một vấn đề khác, về một thân phận khác; một thân phận không hoàn toàn giống như Trần Văn Bình, nhưng cũng vô danh, hư ảo như thần tượng một thời của tụi học trò chúng tôi?!.

- Chắc là phải đi tìm những người khác! Những người khác! Nhưng những người khác nào? Người không có vị trí xã hội như chị, như tôi, thì có chứng thực cũng vô giá trị; kẻ lên ngồi ghế cao xa, tầm nhìn lại bị che khuất, hẳn là không thể thấy được những thân phận mong manh như Bình, như nhiều người chúng ta? Tìm đâu? Vâng, tìm đâu?!.

           

Ôi! Trường Đời – Mệnh Người! Không biết đâu mà lường!...

Bất giác, đám nhạc hiếu cử bản nhạc “hồn tử  sỹ” não nùng, làm tôi bừng tỉnh! Đám tang vị lão thành cách mạng đã tới hồi làm lễ truy điệu! Như một cái máy, tôi làm theo mọi người: hơi cúi đầu mặc niệm vong linh người đã khuất!

Trần Văn Bình ơi! Hồn anh giờ nơi đâu?!.

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 3343
Ngày đăng: 28.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tầm xuân...tìm nụ cười Di lạc. - Trần Kiêm Ðoàn
Tết của ngày xưa ơi ! - Lê Minh Tú
Chớp bể mưa nguồn - Hoàng Xuân Phương
Mẹ - Lê Nguyệt Minh
Tạp văn Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Miền yêu -1 - Nguyễn Linh Khiếu
Miền yêu -2 - Nguyễn Linh Khiếu
Ngựa biên - Nguyễn Linh Khiếu
Mưa trên đất mẹ - Quân Tấn
Thế giới của Chóe - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)