Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.678.144
 
Tạp văn Trần Huy Thuận
Trần Huy Thuận

Quỳ

 

“ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”: đó là câu ca trong dân gian nói về quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ - buổi đầu đời của mỗi một con người. Trong quá trình ấy, không, tuyệt nhiên không có trạng thái “QUỲ”.

 

Ấy vậy mà khi lớn lên, chính con người, lại bắt con người... quỳ! Không thuộc bài: quỳ! Không nghe lời người lớn: quỳ! Quỳ trên nền gạch thôi chưa đủ, còn bắt quỳ lên gai mít, quỳ giữa trời nắng chang chang!  (gần đây, cá biệt có cô giáo còn áp dụng cả biện pháp... bịt miệng trẻ bằng băng keo nữa! – Thật khủng khiếp, thật man rợ!..).

 

Trưởng thành, con người lại dậy nhau kinh nghiệm sống: muốn tồn tại, muốn tiến thân, phải biết... quỳ - không phải “quỳ theo nghĩa đen”, mà là “quỳ theo nghĩa bóng”! Người ta gọi những người có được những địa vị không bằng thực tài của chính họ như thế, là những người “biết đi bằng đầu gối”. Không chỉ đi, họ còn biết “uốn gối” nữa! (động thái này, thì các bác sỹ chuyên khoa chỉnh hình cũng phải chào thua!). Những người khảng khái, những người có tư chất – những người đích thực, thì trước bạo lực, thậm chí trước kẻ thù, cũng quyết không chùng gối! Nhà thơ Hữu Loan sinh thời đã từng viết: “Thế quỳ, thế đội, thế bò; gặp thời thế, thế mà chẳng thế!”. Trong trường hợp này, “quỳ” hay “đội” hay “bò”, đều là những hành vi giống nhau về mục tiêu, giống nhau về lối sống!

 

Trong các loài động vật, hình như chỉ có con voi, con trâu, con bò là phải quỳ trước khi đứng dậy - Chắc vì các con vật này to xác quá so với sức mang của đôi chân chúng? Con chó tiếng thế, lại không có động tác ấy, ngay cả lúc chó đang nằm ngửa, khi đã đứng là đứng dậy liền!

 

Nhưng nói thế, hoàn toàn không có nghĩa cứ quỳ là xấu cả: Trong phong tục nhiều nước, người ta có thói quen hơi khuỵu gối xuống một chút, khi gặp cấp trên, gặp người lớn tuổi. Đấy là một kiểu chào hỏi -  một ứng sử hoàn toàn mang tính văn hóa! Trong lĩnh vực quân sự, có tư thế “Quỳ bắn” - một trong những động tác bắn súng khi luyện tập, thi đấu thể thao cũng như trong chiến đấu. Quỳ bắn rõ ràng là một TƯ THẾ ĐẸP, DŨNG MÃNH, tư thế của người anh hùng. Nhiều nước đã đựng tượng tư thế này của con người.

 

Thưa các nhà giáo dục! Vì tương lai tươi đẹp của thế hệ Trẻ, xin các vị chỉ dậy cho trò của mình quỳ bắn trong những giờ luyện tập quân sự. Nhất quyết không bắt chúng quỳ - dù đó là quỳ theo nghĩa đen hay quỳ theo nghĩa bóng; trong bất kì hoàn cảnh nào, với bất cứ lý do nào! Phải coi việc bắt học trò quỳ, cũng là một hành vi bạo hành giáo dục, bạo ngược con người!

 

Đứng và đi

 

“Đứng” và “Đi” bằng hai chân, là hành vi đánh dấu sự tiến hóa đặc biệt của con người. Vậy mà người ta vẫn phải nhắc nhau: “Hãy đứng (hoặc hãy đi) bằng chính đôi chân của mình!”. Thế có nghĩa là, trong thực tế vẫn có kẻ (lành lặn hẳn hoi), đứng và đi bằng chân người khác!..

 

Đứng và Đi luôn luôn khăng khít với nhau. Không ai đứng mãi một chỗ    đứng như thế có ngày ngã qụy, bởi chồn chân mỏi gối!; cũng không ai đi mãi, đi mãi tất phải dừng –  không thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà đi! Người ta có thể đi bộ liên tục nhiều tiếng đồng hồ, nhưng chẳng mấy ai đứng yên một chỗ nổi một tiếng! Đứng rồi Đi, Đi rồi lại Đứng; hai trạng thái ấy cứ thế thay đổi, đan quyện nhau,  trong suốt quá trình sống của mỗi người, trừ trường hợp bị bại liệt!

 

Đứng – phải tuân theo pháp luật: có những nơi không được đứng, nhất là đứng tụ tập đông người, thì chớ có đứng! Có khu vực cấm đỗ xe cơ giới, mà cứ phớt lờ, cho xe đỗ, là vi phạm pháp luật! Có chỗ chẳng cấm, nhưng xét thấy chẳng nên đứng, nên dừng, thì cũng lặng lẽ mà đi đi; chứ đứng lại, e bị coi là người thiếu văn hóa!

 

Đi –  càng phải tuân theo pháp luật: phải đi đúng làn đường dành cho mình; cho dù đi bằng chính “đôi chân của mình” hay đi bằng các phương tiện cơ giới! Vượt đèn đỏ hoặc vượt ra ngoài các hàng cọc tiêu, giải phân cách,... trước sau đều sẽ gây tai nạn, sẽ rơi xuống sông, xuống vực. Nghĩa là không được vô phép tắc theo kiểu:  “đường ta, ta cứ đi!”.

           

Đứng cũng có nhiều “thế” khác nhau: Đứng thăng bằng trên giây là thế đứng chênh vênh, chỉ những nghệ sỹ xiếc mới dám làm. Đứng trên vai người khác lại là thế đứng không của riêng nghệ sỹ xiếc, mà người thường nhiều khi cũng áp dụng. Không chỉ đứng, bọn người này còn sẵn sàng đạp lên vai, lên đầu, lên cổ đồng đội để đi tới! “Đứng dạng chân chèo”, “đứng tấn”, là những thế đứng chắc khỏe của người lao động và của các võ sỹ. Nhưng đứng một cách thực sự chắc khỏe, dạng chân chèo cũng chẳng bằng, đứng tấn cũng xin thua; đó chính là cách đứng... dựa thế người trên.

 

Đứng núi này trông núi nọ, là kiểu đứng thể hiện sự tham lam, không tự   đánh giá được mình.

Đứng quay lưng lại thực tế, quay lưng lại nỗi bất hạnh của đồng loại, là thái độ đứng vô trách nhiệm.

Người tự trọng và biết tôn trọng người khác, thường hay đứng trước gương, mỗi lần sắp đi đâu đó.

Đứng trước hoa, lòng người thanh thản, yêu đời. Đứng trước nạn quan tham lộng hành, lòng tin người dân sút giảm.

Đứng trước ngã tư đường đời, người khôn ngoan bao giờ cũng thận trọng  lựa chọn     trong mọi quyết định.

Đứng trước vành móng ngựa, kẻ ác đến mấy, cũng thường hối hận.                  

           

Hành vi Đứng còn gắn với thái độ ứng sử nữa: Đứng thắp hương trước ban thờ gia tiên, cần nhất là lòng thành kính chứ không phải mâm cao cỗ đầy. Đứng trước Nhân dân cần sự trân trọng. Đứng trước bề trên phải cung kính lễ độ; trước bề dưới phải ân cần chu đáo. Không thị tài, tùy tiện huơ chân múa tay, nhất là trước đám đông.

           

Mỗi bước đi, đều phải có mục đích; thận trọng nhưng phải quyết định nhanh, giống như người chơi cờ: có nước tiến, có nước đi ngang, thậm chí có nước tạm lùi, “lùi một bước để tiến nhiều bước”. “Bước đi vô định” hoặc “Nhắm mắt đưa chân” thì sớm muộn cũng gặp tai họa.

           

Bây giờ ra đường, nhiều bạn trẻ hễ ngồi lên xe là rất thích phóng nhanh và vượt lên trước người khác, cho dù người khác ấy là ông già bà cả! Vượt thì cũng được thôi, nhưng vượt theo kiểu chèn trước mũi xe người khác; vượt và rẽ ngang mà không thèm có tín hiệu báo trước, thì gây tai nạn là cái khó tránh khỏi. Gây chuyện rồi, đáng nhẽ phải dừng lại cứu hoặc xin lỗi người bị nạn, thì nhiều bạn trẻ lại phóng xe đi và cười hô hố! Xem thế đủ thấy: Tư chất của mỗi một con người thể hiện qua Đứng và Đi! Một khi đã không đàng hoàng trong đi, đứng, thì không thể đàng hoàng trong cư sử, trong ý thức và trong hành động. Một người ĐI, ĐỨNG ĐÀNG HOÀNG, thì bao giờ phong cách sống cũng ĐÀNG HOÀNG . Nói cách khác, muốn biết một người nào đó có phải là con người ĐÀNG HOÀNG hay không, hãy quan sát anh ta Đi, ĐỨNG có ĐÀNG HOÀNG hay không!

 

Chúng ta tập đứng, tập đi từ tám, chín tháng tuổi. Lớn lên, lại đi đó đi đây, trong nước, ngoài nước có cả; ấy vậy mà đến già, có khi vẫn phạm lỗi trong ĐI, ĐỨNG; chưa biết ĐI, ĐỨNG thế nào cho phải phép! Quả có thế, xin thưa!..

 

Chuyện cái mắt -cái mũi-cái tai

 

Khi có điều chướng mắt, không muốn nhìn, người ta quay mặt đi hoặc nhắm nghiền mắt lại! Đấy là cách sử sự thông thường. Còn khi điều chướng mắt ấy lại diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ, thì làm sao có thể quay mặt đi hoặc nhắm mắt mãi mãi được? Vậy là phải tính nước chuyển nhà, chuyển nơi làm việc – một “nước” đi không hề đơn giản; vì nhẽ, đâu phải cứ muốn chuyển là chuyển ngay được? Thế là đành đi đến quyết định tiêu cực: thôi, coi như mình không trông thấy hoặc coi như chẳng có gì diễn ra chung quanh ta cả! Quá lắm thì tự coi như mình đã mù! Thế là xong!..

 

Khi môi trường bốc mùi khó chịu, người ta bịt mũi lại! Nhưng cũng giống như trường hợp “nhìn”, nếu cái đầu mối phát sinh ra mùi đó lại ở kề kề cạnh ta, thì chẳng ai có khả năng bịt mũi suốt ngày này sang tháng khác được! Thế thì phải làm thế nào? Chả thế nào ngoài cách... này: dọn đi nơi khác – vâng, dọn đi nơi khác! Không chịu, thì đành... nút hai lỗ mũi lại, vô hiệu hóa cái khả năng “ngửi” mà trời đã phú cho nó đi; để có thể “chung sống với...  cái mùi xú uế” cạnh ta!

Khi tiếng ồn vượt quá mức chịu đựng, người ta bịt tai lại! Khi bị xúc phạm, người ta cũng bịt tai, hoặc phản đòn bằng cách cũng dùng lời lẽ “đầu đường só chợ” của đối thủ, để... xúc phạm lại đối thủ! Quá nữa, mà kẻ xúc phạm lại yếu hơn mình, thì tốt nhất là... bịt mồm nó lại, dán băng keo vào miệng nó như cái cô giáo mầm non nọ đã làm – khỏi phải dài dòng tranh luận, phân tích cho nó mất thời gian! Đến thế mà đối thủ vẫn chưa chịu thua, thì phải dùng vũ lực – các cụ dậy rồi: “già đòn, non nhẽ”!

 

Nhưng “tiếng ồn” nằm ngay sát vách ta, nó không phát ra từ những cái mồm sinh học, mà nó là tiếng máy, tiếng còi xe,.. thì các cách trên đều bó tay!

-Có cách đấy!

-Cách gì?

-Tự chọc vào tai cho điếc đi!

 

Nghe ghê quá! Nghe “tiêu cực” quá! Nhưng trong cuộc sồng thường nhật, nhiều khi mục tiêu “lợi nhuận” đã đẩy các “ông chủ” đến việc bất chấp tất cả. Và rồi cũng do lợi nhuận, có những “nhà chức trách”... phải “quên” luôn bổn phận ăn lương của mình, bất chấp điều gì sẽ xẩy ra đối với môi trường sống của cộng đồng: một nhà hàng karaôke ông ổng thâu đêm; hoặc một vị thuyết giáo chuyên “tra tấn” đám cử tọa toàn bằng những ý tưởng sáo rỗng, cũ mèm! Một ca sĩ uốn éo với bộ y phục... hở hang đến mức không thể hở hang hơn nữa; hoặc một “sếp nhớn” thản nhiên ôm nữ nhân viên của mình ngay tại văn phòng, ngay trong thời gian “tám giờ vàng ngọc”! Một dòng nước nhiễm độc từ nhà máy nọ, thải vào khu dân cư; hoặc một vụ án “treo” bôc mùi rác rưởi bao che, làm dư luận bất bình, phẫn uất!

 

Vậy thì trong những trường hợp như thế, cái “ý tưởng” tiêu cực: làm cho mắt mù đi; làm cho tai điếc đi; hoặc làm cho mũi tịt đi chắc không thể không trở thành hiện thực?!!

             

 

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 2668
Ngày đăng: 23.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền yêu -1 - Nguyễn Linh Khiếu
Miền yêu -2 - Nguyễn Linh Khiếu
Ngựa biên - Nguyễn Linh Khiếu
Mưa trên đất mẹ - Quân Tấn
Thế giới của Chóe - Trần Áng Sơn
Hình như là sẽ quen - Hội An
Ba tạp văn ngắn của Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Cám ơn mùa xuân - Triệu Từ Truyền
Nguyễn Tấn Cứ - Trần Áng Sơn
Câu chuyện của tôi với nhà văn Dương Kỳ Anh - Phan Cung Việt
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)