Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
614
116.672.063
 
Miền cực lạc
Trần Đức Tiến

 

Truyện này viết từ năm 1991. Một năm sau gửi tham dự cuộc thi truyện ngắn của nxb Văn nghệ Tp HCM, được chọn in vào một tập truyện dự thi (trước khi chấm giải). “Miền cực lạc” được chọn làm nhan đề tập truyện Vì truyện ngắn này mà khi cuốn sách đó ra đời đã lập tức bị thu hồi, sau đó NXB cũng hủy luôn cuộc thi! Một sự cố hình như chưa có trong tiền lệ.Mãi đến mười năm năm sau, nó mới được in lại trong tập “Truyện ngắn hay năm 2001’ của NXB Hội Nhà Văn. Sau đó năm 2003 được in trong tập truyện ‘Tuyệt đối yên tỉnh “ của tác giả. Năm 2005, “Miền cực lạc”  được dịch ra tiếng Nhật in trong tạp chí Shincho (số 1200 ) trong một tạp chí văn học lâu đời và uy tín ; nhất là tạp chí đó lần đầu dịch và in truyện nước ngoài. VCV

 

            P., bốn mươi tuổi, cao một mét sáu mươi, mười bảy năm phục vụ trong ngành thống kê, là một người đàn ông trông vẻ ngoài không có gì đặc biệt so với những người đàn-ông-viên-chức khác, ngoại trừ một cố tật là hay đỏ mặt.

 

            Ông sống trong một khu tập thể nghèo nàn nhưng yên tĩnh, không hề có ý định giao du với bất cứ ai và nói chung cũng không ai hơi đâu để ý đến ông.

 

            Hàng ngày ông đạp xe đi làm và từ chỗ làm trở về nhà theo một lộ trình đã ổn định từ mười bảy năm nay. Trên quãng đường ấy, thỉnh thoảng P. gặp lại một người quen cũ – một bạn học từ thuở xa xưa hay một người nào đó đã từng biết ông qua những lần giao dịch công tác. Những người này mỉm cười gật đầu chào ông. Có người thân ái hơn thì dừng hẳn xe lại, bắt tay và hỏi han đôi ba câu ân cần. Mỗi lần như vậy, P. đỏ văng hết cả mặt mũi, nói năng lắp bắp, cử chỉ lúng túng cực kỳ khó coi. Ông còn phải tiếp tục sống trong tâm trạng thảng thốt rất lâu sau đó, giống như người suýt bị bắt quả tang vì một việc làm ám muội.

 

            Đã nhiều năm trôi qua như vậy, và cuộc đời của P. có lẽ chẳng còn gì phải nói nếu không muốn làm cho nó thêm loãng nhạt. Cho tới một buổi sáng tháng mười năm một ngàn chín trăm chín mươi mốt… Sáng ấy trên đường tới sở, P. bất chợt gặp đám đông đang xúm xít chung quanh một chiếc xe tải đỗ chềnh ềnh giữa lòng đường. Nhìn vẻ mặt hiếu kỳ của mọi người, ông đoán ngay: tai nạn giao thông. Giá như mọi lần khác thì ông đã tìm cách lảng xa – ông vốn là người lịch sự và luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh các lề luật ở nơi công cộng. Nhưng hôm đó không hiểu có sức cám dỗ ma quái nào đã khiến ông dừng xe và ngó cổ vào. Trên nền đường, ngay cạnh bánh xe tải, xác một người đàn ông nằm sóng sượt. Thi thể nạn nhân bầm dập, nhưng hàm răng lại đang nhe ra như cười. Điều này đột ngột gây cho P. cú sốc rất mạnh. Ngay lập tức, ông hiểu rằng thực sự người kia không chết. Linh hồn – tức cái phần còn sống, thậm chí còn tồn tại vĩnh cửu của y đã vọt thoát ra khỏi ngôi-nhà-thân-xác vừa kịp lúc ngôi nhà đó bị húc đổ và dập vỡ. Giờ đây, nó, cái linh hồn nhanh chân ấy, hẳn còn đang quanh quẩn đâu đây, trên ngọn cây, thậm chí ngay trên nóc xe tải, và đang lặng lẽ cười vào mũi đám đông lăng xăng dưới lòng đường.

 

            Có linh hồn thật không? Có sự siêu thoát ngoạn mục của nó khỏi thể xác thô tạp và ngán ngẩm hay không? Thần kinh P. tập trung cao độ vào câu hỏi này. Đến nỗi, ông không hề biết rằng, con người ông, về mặt cơ chế, đang có sự chuyển đổi ráo riết. Phải đến khi nhìn thấy chính mình đang ngồi trên xe đạp, ông mới kịp kinh ngạc. Xe vẫn lăn bánh, còn gương mặt ông – gương mặt của con người đang ngồi trên xe ấy – thì lại trắng bệch ra như cái xác không hồn. Sau một cú va chạm mạnh vào lề đường, P. lồm cồm bò dậy và sực tỉnh.

 

            Ông không dám nhảy lên xe đi tiếp. Người chưa hết run, ông dong xe đi bộ trên hè, cố làm ra vẻ bình thản, nhưng một nỗi hồi hộp thật khó tả khiến tim ông đập cuồng lên. Ông biết rằng, do sự tình cờ, ông đã phát hiện ra cái khả năng dị thường của chính mình.

 

                                                                   *

            Cuộc thí nghiệm đầu tiên dự kiến vào lúc mười chín giờ ba mươi phút cùng ngày. Bữa cơm vừa kết thúc, mâm bát dọn đi, một mình P. ngồi nán lại bên bàn. Ông bình tĩnh pha một ấm trà. Suốt cả ngày hôm nay ông căng thẳng chờ đợi giây phút này. Đã có lúc lòng kiên nhẫn suýt bị đánh gục – P. định thử luôn ngay tại bàn giấy… Nhưng bây giờ, ông lại thấy cái khả năng phi thường đó không có gì xa lạ với ông – ông muốn đem nó ra sử dụng lúc nào cũng được.

 

            P. thong thả mở cặp, lấy ra tờ báo mới. Ngay trang nhất, báo đưa tin về cuộc thi hoa hậu đoan trang toàn quốc. Cần phải nói thêm rằng, ở cái thành phố hẻo lánh của P. không mấy ai quan tâm đến cuộc thi, nhất là những người ở lứa tuổi ông và có hoàn cảnh sống tương tự. Nhưng P. thì ngược lại – ông âm thầm theo dõi ngay từ lúc cuộc thi khởi đi bước đầu tiên. Và khi đài phát thanh, trong bản tin chiều cách đây vài ngày loan báo kết quả, ông đã lặng lẽ mặc quần áo đi ra đường. Nói đúng hơn là cả thành phố quạnh vắng lúc bấy giờ chỉ có một mình P. đổ xuống đường, làm một cuộc diễu hành chào mừng thầm lặng.

 

            Trên trang nhất, những tấm ảnh màu tuyệt đẹp – kỹ nghệ in ấn mấy năm qua đã tiến một bước dài! P. tò mò ngắm nhìn gương mặt Hoa hậu. Không, quả thật ông không thích các hoa hậu nói chung. Vẻ đẹp của họ hoàn thiện quá, trí tưởng tượng của kẻ chiêm ngưỡng sẽ chết luôn cùngvới niềm thán phục. Ông yêu các á hậu hơn. Ông sẵn lòng chia sẻ với họ nỗi cảm thông trước một thắng lợi chưa tuyệt đối.

 

            Á hậu thứ nhất đứng bên phải Hoa hậu, không hiểu sao lại có vẻ mặt hơi buồn. Khi P. nhìn nàng bằng cái nhìn dịu dàng nhất mà ông có, đột nhiên nàng thay đổi thái độ. Từ trong trang báo, nàng khẽ nheo một mắt lại – dấu hiệu chứng tỏ nàng đã nhận ra ông, đồng minh đáng tin cậy, giữa cái đám đông có khiếu thẩm mĩ nông cạn nhốn nháo nhiều ngày qua trước mặt nàng. P. cảm động ngây ngất. Sau cơn rùng mình khoan khoái, ông chợt thấy mình rơi tõm xuống một lòng giếng sâu hun hút, tối mù mịt. Gió thổi ù ù hai bên tai. P. hoảng hồn, cố vùng vẫy để thoát khỏi trạng thái rợn ngợp không trọng lượng, nhưng vô hiệu. May sao đúng vào lúc tưởng như hoàn toàn tuyệt vọng thì cuộc rơi bất ngờ kết thúc. Một khoảng không chan hoà ánh sáng mở oà ra trước mắt P. Trong vùng ánh sáng siêu thực, ông nhìn thấy nàng – Á hậu thứ nhất – bằng xương bằng thịt. Cái chấm nhỏ xíu trên mép nàng trong bức ảnh đã hiện nguyên hình là một nốt ruồi son. P. thấy mình vững tin lên và hơn thế, ông còn hào hoa phong nhã chẳng kém gì ai.

            - Đợi anh đã lâu chưa? – Ông hỏi.

            - Một thế kỷ! – Nàng đáp.

            - Thế cũng chưa gọi là lâu – P. thở phào, tự nhiên nảy ra nhu cầu triết lý – Có những người mãi mãi tìm nhau nhưng vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp nhau. Còn anh và em thì…

            - Tiền!

            P. ngừng bặt. Ông ngơ ngác mất một chút. Ông có nghe nhầm không đấy? Hình như là ông nhầm. Để khẳng định mình nhầm, ông dấn lên một bước. Quả thật nàng đã ngoan ngoãn để cho ông hôn lên nốt ruồi son. Họ dắt tay nhau đi, phơi phới trong khoảng không bao la với thứ ánh sáng diệu huyền. P. còn định hỏi nàng một số câu hỏi nữa, tỉ như: tại sao nàng yêu ông; nàng có hiểu ông không; nàng có tin rằng ông là người duy nhất trên thế gian này đánh giá đúng vẻ đẹp tâm hồn và thể xác nàng, vân vân… Nhưng không hiểu sao cái âm thanh chết tiệt ấy – “tiền” – cứ văng vẳng bên tai ông, khó chịu như tiếng vo ve của một con nhặng. Lại nữa: nàng vẫn mặc trên người chiếc áo thời trang còn nguyên cả biển số, như đang trong cuộc thi. Số 36! Chín nút. P. lại liên tưởng rất nhanh đến những chiếc biển số gắn sau đuôi xe máy. Chả là ông vẫn có thói quen mỗi lần đi ngoài đường lại nhẩm tính số nút của những chiếc xe máy phóng ào qua mặt. Thường là xe càng sang thì biển số càng “đẹp” – nghĩa là số nút càng lớn. Nút của nàng tối đa… Rõ thật khỉ! Nhảm nhí đến thế là cùng. P. kiên quyết xoá bỏ những liên tưởng thô thiển chỉ chực làm phương hại đến cái không khí thần tiên mà ông đang đắm mình trong đó.

 

            Cuối cùng, họ cũng đến được đích mà không quá phức tạp như ta tưởng. Khi cả hai đã ngả mình trên bãi cỏ êm ái và P. chuẩn bị ngất lịm đi vì sung sướng, đột nhiên ông lại nghe:

            - Tiền?

            - Gì cơ?

            - Tiền!

            - Tiền nào?

            P. dỏng tai lên để nghe cho rõ thì lập tức tai ông bị tóm ngay lấy và xoắn đi khá đau. Trời đất bỗng tối sầm. Tất cả biến mất – chốn thần tiên cùng Á hậu tuyệt kỳ. Con đường hầm hun hút. Gió thổi ào ào. Chớp mắt, ông đã hiện diện ở nhà mình bên chiếc bàn ăn. Tờ báo đẹp lăn xuống đất.

            Những ngón tay tai ác nới lỏng vành tai của ông ra. Giọng bà vợ rin rít:

            - Chỉ khéo vờ vịt. Mê ngủ chắc? Tiền, tiền nào nữa… Hôm nay là mồng năm, nhớ chưa?

            P. hồi tỉnh, thừa nhận đúng hôm nay là mồng năm. Đã thành lệ, cứ đúng ngày mồng năm hàng tháng là bà vợ khảo tiền lương của ông. Nhưng lần này…

            - Hôm nay là mồng năm, nhưng là tháng đầu qúy, lương chậm.

 

            P. ôn tồn giải thích, đồng thời rất ngạc nhiên thấy có cái gì vương vướng ở trong quần. Ông thoáng đỏ mặt. Lừa cho bà vợ ngồi xuống yên ổn ở chiếc ghế bên kia bàn, ông đứng dậy, ấp úng đi vào nhà trong. Dáng đi lom khom khác hẳn thường ngày, nhưng may vợ ông không để ý – bà đang rầu rĩ về chuyện tiền nong.

 

            P. đi thẳng xuống nhà tắm, cẩn thận cài cửa lại. Ông tụt phăng chiếc quần mặc nhà rộng thùng thình. Bộ phận đàn ông trên cơ thể ông cương to, rắn chắc, nóng rãy, bật văng ra như một chiếc lò so bị hãm. P. bàng hoàng. Rồi ông lập tức hiểu ra đấy là di chứng duy nhất của cuộc du hý vừa rồi trong miền cực lạc. Ông bần thần hồi lâu. Sau rốt, quyết định hạ nhiệt độ cho nó bằng cách tưới lên những gáo nước lạnh.

 

            Tốn khá nhiều nước. Xong xuôi, P. thư thái bước lên nhà. Có một niềm vui trẻ trung, tuyệt mật, đang nhảy nhót trong lòng ông.

 

                                                                *

            Vậy là cuộc thí nghiệm, mặc dù không được P. chủ động, vẫn cứ diễn ra và kết thúc khá thành công. Giờ đây bất kỳ lúc nào, chỉ cần khôn khéo hơn một chút, ông cũng có thể từ bỏ cái thế giới xám xịt và tẻ ngắt thường ngày để phiêu diêu sang một thế giới khác hoàn toàn như ý. Những lúc ngồi một mình trước cái bàn giấy lạnh tanh ở cơ quan mà chẳng có việc gì làm. Những buổi tối vò võ bên bà vợ khắc khổ trong căn nhà thừa muỗi và thiếu ánh sáng điện. Ông chẳng dại gì làm việc đó khi đang đi trên đường. Và thích hợp hơn cả là sau bữa ăn tối lẻn ra ngồi ngoài sân dưới giàn hoa thiên lý. Ở đó, P. đã bố trí sẵn cho mình một chiếc ghế tựa. Từ cái sân bay bằng gỗ tạp hết sức khiêm tốn này, ông đã thực hiện bao nhiêu phi vụ tuyệt thú. Trong cái lãnh địa lý tưởng chỉ mình ông biết cách đặt chân tới, linh hồn ông mặc sức rong chơi, chạy nhảy tung tăng như đàn gia súc trên đồng cỏ tươi non.

 

            Đã có lúc, lạy Chúa, ông muốn ở lại hẳn bên ấy. Ông định vĩnh viễn từ bỏ cái thế giới cứ khiến ông luôn luôn bị đỏ mặt! Có quá nhiều lý do chính đáng để ông làm việc này, kể cả một thực tế mà nhờ có chuyên môn P. mới nắm được: theo những số liệu thống kê mới nhất, số người đỏ mặt trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang ngày một ít đi. Điều này khiến P. ngấm ngầm lo ngại. Tuy vậy, ông vẫn chần chừ. Ông chần chừ vì những lý do khác kém quan trọng hơn, nói đúng ra là những lý do cực kỳ vớ vẩn: chiếc xe đạp để ngoài sân quên chưa khóa, một tờ bạc rách chưa kịp dán lại… Và bà vợ… Ôi chao, bà vợ ông, người đàn bà héo hon giờ đây chỉ thạo nắn túi chồng trong những ngày mồng năm hàng tháng. Một ngày xấu trời xa lắc nào đó, ông đã kết hôn cùng với bà; đã chung sống với bà chừng ấy năm và đẻ ra một lũ con xem ra tương lai cũng chẳng có gì sáng sủa hơn bố, nghĩa là cũng ngơ ngác, âu sầu và rất hay đỏ mặt. Ông không nỡ từ bỏ họ. Trong cái hành vi quay về của ông, bên cạnh sự khờ dại, còn có một nỗi buồn mà không phải ai cũng dễ dàng thông cảm.

 

            Dần dà, với nàng Á hậu khả ái, lòng ngưỡng mộ của P. cũng ít nhiều bị thương tổn. Thực tình ông không làm sao phân biệt nổi ai là người đã đòi tiền ông hôm đó – vợ ông hay nàng? Nghi ngờ thì rất khổ. Vả lại, trong cái thế giới hoàn mĩ kia không có chỗ cho sự nghi ngờ. Những chuyến bay vì thế đã có phần chểnh mảng. Chưa biết chừng chúng còn chấm dứt hẳn, nếu không bất ngờ xảy ra một sự việc khiến nguồn cảm hứng của ông được hâm nóng, và ông ráo riết chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu mới…

 

            Hôm ấy, P. quyết định đi may một chiếc quần. Bình thường ông chỉ có hai chiếc để thay đổi. Cả hai đều đã cũ sờn, gần đây lại phải trưng dụng thường xuyên vào những cuộc mật du như ta đã biết, nên một chiếc đã bục rách. Ông chọn cái tiệm may vắng vẻ, xoàng xĩnh ngay trên đường đi làm hàng ngày. Tiệm có cái tên rất đẹp: Ngọc Hân. Nhưng chủ tiệm – trùng tên nàng công chúa nổi tiếng trong lịch sử – lại là một cô gái nhỡ thì, suốt ngày ngồi bên bàn may lơ đãng nhìn ra đường, đầu nghênh nghênh sang bên như người nặng tai. Lúc P. mang vải tới, cô có vẻ mừng rỡ ra mặt. Cô dẫn ông vào phòng trong, đo cho ông rất cẩn thận.

            - Thằng bé nằm bên nào?

            - Thằng bé nào? – P. ngạc nhiên, và ông phải nhắc lại câu hỏi lần thứ hai, cô chủ tiệm mới nghe ra rồi cười ngặt nghẽo.

            - Dạ thưa, nó đây ạ – Cô khẽ búng ngón tay vào chỗ đó của ông – Tôi thấy nó hơi khác thường nên phải hỏi để tính toán cho kỹ, kẻo quần may xong ông mặc vào trông không được nhã.

 

            P. đỏ nhừ cả hai tai. Nhưng ông thấy thinh thích. Hàng lông măng sẫm màu trên mép nàng. Cái cổ áo trễ nải. Thậm chí cả đến vẻ nghênh nghênh lãng tai kia nữa… Lúc Ngọc Hân quay ra bàn để viết biên lai, ông phải lén thò tay vào túi quần, búng một cái thật mạnh.

 

            Lấy quần hôm thứ bảy, P. dự định dành cả buổi sáng chủ nhật sau đó sẽ cùng cô chủ tiệm may ngao du tới chốn thiên đường của riêng ông. Chưa lần nào ông háo hức và chu đáo như lần này. Ông tìm thấy ở cô công chúa điếc ấy một sự thân gần đặc biệt, hơn hẳn so với nàng Á hậu. Cô đã cười với ông, đã dám búng ngón tay vào chỗ thiêng liêng nhất… Rõ ràng để gian díu với cô, ông không cần phải cố.

 

            Nhưng một trục trặc nhỏ đã xảy ra. Đúng buổi sáng chủ nhật, ăn sáng xong, mặc quần mới đàng hoàng để chuẩn bị ra sân bay dưới giàn thiên lý, bà vợ ngăn ông lại. Bà yêu cầu ông đèo bà đi chợ. Bà có hàng tỷ lý do để đi chợ vào ngày chủ nhật. Ông biết mình không đủ sức mạnh để cưỡng lại ý muốn sắt thép đó, đành ngậm đắng dắt xe ra.

 

            P. đèo vợ đi cắm cúi. Chỉ đến lúc ngang qua chỗ tiệm may Ngọc Hân, ông mới liếc một cái thật nhanh về phía cửa tiệm. Ông chưa kịp nhìn thấy bóng cô chủ thì đã có ngay một con chó từ đâu đó lao vụt đến. Con chó màu xám, hộc lên một tiếng xấc xược, rồi cứ thế ép sát bên chiếc xe cà khổ của ông, tìm cách đợp vào chân ông. P. hoảng hốt co cả hai giò lên cao. Bà vợ ngồi sau ôm riết lấy ông, mắt nhắm tịt, miệng tru tréo. Chiếc xe lạng quạng. Tình huống thật bất ngờ và cực kỳ khôi hài. May mà P. hãm lại kịp, và con chó – sự bày đặt xỏ lá của số mệnh – đã quay đầu nhông nhông chạy đi.

 

            Bên kia đường, Ngọc Hân thò cổ ra. Cô bỗng nhận ra ông và cười rũ rượi.

            Mặt P. đỏ tía lên, rồi chuyển sang tím ngắt. Một nỗi căm uất đột ngột trào lên họng. Ông muốn đá một phát chết tươi con chó. Ông muốn – điều này ghê gớm hơn – hất nhào bà vợ vào gầm chiếc ô-tô tải bất kỳ nào chạy qua (không hiểu sao đến lúc này bà vẫn còn ngồi vắt vẻo sau xe đạp?). P. hoàn toàn có thể, và ông khát khao làm việc đó, một lòng khát khao mãnh liệt và tăm tối.

            Nhưng rất tiếc (hay là rất may?) không có chiếc ô-tô tải nào kịp đoán ra ý ông.

 

                                                                   *

            Về đến nhà, khi đã bình tâm lại đôi chút, ông thấy người mệt rũ. Ông bỏ đi nằm ngay, không ăn uống gì. Nửa đêm, ông tỉnh dậy quờ tay sang vợ. Cánh tay ông nóng hầm hập. Ông thận trọng ôm riết lấy cái thân hình khô cứng của bà, khiến cho những đốt xương kêu lên răng rắc như những cành củi nhỏ bị bẻ gãy. Hoàn toàn không hiểu gì về tính chất sám hối trong hành động của chồng, bà vợ P. đã kiên quyết giãy ra khỏi vòng tay ông, càu nhàu một câu gì đó khiến ông bật khóc.

 

            P. nằm liệt giường khoảng một tuần lễ. Khi bình phục, ông bỗng có thái độ đố kỵ kỳ lạ với những chiếc ô-tô tải. Ông tìm mọi cách tránh mặt chúng mỗi khi đi ngoài đường. Cái lộ trình quen thuộc mười bảy năm nhà-cơ quan-nhà bị đảo lộn lung tung. Nhưng hình như chính vì thế mà chúng, những chiếc xe mất dạy ấy, lại cố tình tỏ ra không biết điều. Bất kỳ ở ngã ba hay ngã tư nào đó, chúng cũng có thể đâm bổ ra, rú lên như quái vật và thốc bụi khói vào mặt ông. Những lúc ấy, P. đứng lặng hồi lâu bên lề đường, hai tay ghì chặt lấy ghi-đông xe đạp, hoang mang không biết nên xử sự ra sao – đi tiếp hay quay lại? Ban đêm, những chiếc xe tải ấy còn hành ông dữ hơn nữa. Trong giấc mơ, chúng biến thành đàn bọ hung gớm ghiếc bò lổm ngổm lên người ông. Chúng rúc vào nách ông, bấu chặt những chiếc móng sắc vào da thịt. Ông đánh vật với chúng, phát khùng lên và sáng ra khi tỉnh dậy, trong đôi mắt đau ốm của ông còn lóe lên cái tia sáng man dại của một tên hung thủ chưa bị phát giác.

 

            Hôm ấy là mồng năm – ngày lĩnh lương hàng tháng. P. đếm tiền rất cẩn thận, chia làm ba phần nhét vào các loại túi có trên người. Dọc đường về, ông ghé vào một cửa hiệu thuốc tây. Ông dựng xe bên ngoài hè phố rồi thận trọng bước đến trước cái tủ kính bày la liệt các loại chai lọ, hộp giấy, ống tiêm, thuốc vỉ… Những cái nhãn hiệu in hình con rắn đang ngóc đầu nhả nọc độc vào miệng chiếc ly liên tiếp đập vào mắt P.

            - Ông làm ơn cho hỏi, ở đây có thuốc diệt côn trùng không? – Giọng P. vang lên không hoàn toàn tự tin.

            Viên chủ hiệu thuốc rời mắt khỏi trang sách đọc dở, ngước lên nhìn. Một cặp kính dày như hai cái vỏ sò đựng đầy lòng trắng trứng:

            - Thứ dành cho người cũng có, nếu ông muốn.

            P. rùng mình. Viên chủ hiệu nhận ra ngay câu đùa không đúng chỗ, vội nghiêm mặt lại:

            - Ông cần thứ nào? Ruồi, muỗi, gián, hay là thạch thùng? Ở đây có đủ những thứ đặc hiệu, sê-ri mới nhất. Chẳng hạn như thuốc diệt thạch thùng – Ông ta nhanh nhẹn lôi từ trong ngăn kéo ra một gói bột màu trắng – Không biết ông thế nào chứ tôi ghét cay ghét đắng cái giống bò sát kinh tởm này! Chỉ cần một chút bột rắc lên tường chỗ chúng hay qua lại. Một thời gian sau, chúng khá lên trông thấy, núc na núc ních và thôi không bắt muỗi nữa. To chừng ngón chân cái, chúng sẽ rơi xuống và đứt ra từng khúc. Nói chung đối với giống sâu bọ, cứ phải vỗ béo chúng rồi tự khắc chúng sẽ lăn ra chết. Đánh đập chúng tàn nhẫn quá không ăn thua gì đâu…

            - Tôi cần thứ thuốc trừ khử loài bọ hung!

            Bị P. cắt ngang, viên chủ hiệu thuốc hơi cụt hứng. Ông ta hỏi lại một cách dè dặt:

            - Xin lỗi, nhưng hình như ở vùng ta không thấy xuất hiện loại côn trùng này?

 

            Vừa vặn lúc đó có một chiếc ô-tô tải chạy ngang qua. Chiếc tủ kính đựng thuốc rung lên nhè nhẹ. P. ép sát bụng vào thành tủ, người cúi rạp về phía trước trong một tư thế không bình thường. Mặt ông đỏ lên với nụ cười méo xệch:

            - Ông lầm… Có rất nhiều… À mà thôi! Thế ở đây có thứ gì đầu độc các giấc mơ không? Sao, ông không hiểu à? Tiếc nhỉ. À, mà ông hiểu làm sao được. Không hiểu được…

            P. quay lưng, loạng choạng bước ra trong sự kinh ngạc trộn lẫn lòng trắng trứng. Chiếc xe đạp của ông không còn thấy đâu nữa. Hè phố vắng ngắt.

            P. ngơ ngác mất vài giây đồng hồ. Rồi sau khi hiểu ra rằng mình đã mất xe – bị một tên kẻ cắp nào đó thuổng mất – ông tặc lưỡi, đi bộ.

 

            Ông rẽ vào một quán rượu. Ở đó, ông uống đủ đến mức không nhận tiền thừa người ta trả lại.

 

            Từ quán rượu ra, P. lang thang dọc các hè phố hồi lâu. Ông lạc vào một con hẻm đèn đóm lờ mờ. Nhưng điều đó chẳng hề làm ông lo ngại. Ngay cả khi có một ả đàn bà bất đồ từ trong vườn tối băng ra nắm lấy tay ông và nói một câu gì đó, ông còn lẳng lặng đi theo ả. Sau đó, trong căn phòng chật hẹp, ả chỉ thấy ông mở miệng nói một câu duy nhất với bức tường. Ấy là lúc ông vừa từ cái nhà tắm nhớp nháp trở về – ông chỉ tắm qua quýt nửa người bên dưới – ngồi trên giường thõng hai chân xuống, còn ả thì qùy dưới nền nhà dùng một chiếc khăn bông lớn lau khô nước cho ông. Bằng vẻ mặt quan trọng và giọng nói thì thầm đứt quãng, ông hướng vào bức tường vôi loang lổ trước mắt:

            - Thưa qúy vị… Tôi nói khí vô phép… Làm chó gì có qúy vị nào… lúc sắp lên giường… được vợ lau chân… như thế này?…

            P. nấc lên, sau đó thì ông lên giường và không còn biết gì nữa.

 

            Rời khỏi cái nhà thổ ấy, tất cả các túi trên người P. đều sạch nhẵn. Không còn phương tiện và cũng không còn nơi chốn nào để đến nữa, ông lần về nhà. Cửa nhà ông chốt chặt. Trong phòng tối om và yên ắng. Ông thở dài, định ngồi bệt xuống cho đỡ mỏi thì chợt nhìn thấy chiếc ghế dưới giàn thiên lý. “Lâu quá mình không bay”… Ông lảo đảo bước tới bên chiếc ghế quen thuộc. Khi đã vịn được tay vào thành ghế, ý nghĩ ông lập tức trở nên sáng tỏ. “Phải thoát ra khỏi vũng bùn hiện tại này. Phải thoát”… P. vội vã thực hiện các thao tác mà đã lâu ông xao nhãng. Ông cảm thấy chật vật hơn rất nhiều. Đúng vào giây cuối cùng, ông lại đột ngột thay đổi ý định. Ông không thả hồn mình phiêu lãng đến cái thế giới huyền hoặc như mọi lần…

 

                                                                   *

            Mùa hè năm một ngàn chín trăm bảy tư.

            P. vừa tốt nghiệp đại học, còn vợ ông lúc bấy giờ đang là sinh viên năm cuối cùng. Chàng và nàng chưa cưới nhau, nhưng quyết định ở lại trường với nhau suốt mùa hè ấy. Bằng cách nào đó, nàng đã bí mật mượn được một căn phòng lợp rạ, vách đất trong khu tập thể tồi tàn của sinh viên. Căn phòng kê vừa chiếc giường cá nhân, còn thừa ra một lối đi hẹp. Trong cái tổ chật chội và đạm bạc ấy, cả hai vẫn chưa dám bước tới giới hạn cuối cùng của tình yêu – các buổi tối, chàng vẫn phải bấm bụng đi ngủ nhờ nhà người bạn ở ngoài phố.

 

            Trước mỗi bữa ăn, nàng thường cất giọng vui vẻ hỏi:

            - Anh thích món gì?

            - Tùy em – chàng đáp, vẻ thờ ơ như một kẻ no đầy không bao giờ phải bận tâm tới chuyện ăn uống.

            - Thì chọn phứa đi, gà tần hay vịt quay?

            - Hừ… ừm! Gà vịt mãi ngấy bỏ xừ. Đổi món đi. Sườn xào chua ngọt, hay cá bỏ lò cũng được, em ạ. Với lại, anh van em, đừng có nốc sâm-banh nữa, đầy bụng lắm.

            Nàng rũ ra cười, cười chảy cả nước mắt. Bao giờ chàng cũng tỏ ra có khiếu hài hước hơn nàng. Thay vì cá bỏ lò, họ chia nhau bánh mì suông với cả một bình nước đun sôi để nguội.

            Một lần đi đâu về, chàng phát hiện ra đống sách của mình xếp chất ngất ở cuối giường bị vơi đi một ít. Chàng chưa kịp hỏi thì nàng đã lôi chiếc soong từ gầm giường ra khoe:

            - Hôm nay em đãi anh món này, thú vị lắm – Nàng chỉ vào mớ cá giếc còn tươi rói với những quả cà chua đỏ mọng xếp trong đó.

            - Thế những quyển sách?…

            - Em thanh toán bớt đi rồi.

            Chàng quay ngoắt lại, bất ngờ tóm chặt lấy vai nàng:

            - Anh giết!

            Chỉ là đùa thôi, chàng định thế. Nhưng nàng đã khéo léo ngã ra giường, như sẵn sàng để cho chàng “giết”.

            Khi P. tỉnh lại, chàng ngạc nhiên nhìn thấy cửa sổ, cửa ra vào vẫn mở toang. Nắng chan hòa ngoài sân trường, và căn phòng chật chội dột nát này chìm đắm trong một bầu không khí yên tĩnh tuyệt vời trong sạch.

 

            Họ cùng ăn bữa trưa với nhau – bữa trưa có món riêu cá giếc. Vệt nước mắt đã khô trên má nàng. Đó là bữa ăn tuyệt trần nhất trong đời P. Xương cá giếc hơi cứng, nhưng chàng nhai ráo cả xương.

            Ăn xong, chàng uể oải đứng lên, thản nhiên rút ra từng quyển sách quăng xuống nền nhà. Không cần nói nửa lời, nàng cũng hiểu ra ngay ý chàng.

            - Cả Ban-zăc à?

            - Cả Ban-zăc.

            - Cả Hê-ghen à?

            - Cả Hê-ghen.

            - Cả…?

            - Tuốt! Văn học! Triết học! Kinh tế học! Thống kê học! Các nhà kinh điển! Các giáo sư!… Cho đi gói xôi tuốt!

            Hai con người bé nhỏ yêu nhau, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đang sung sướng và điên khùng đóng bao toàn thế giới đem đi bán đồng nát.

 

            Chàng ở hẳn lại cùng với nàng cả ngày lẫn đêm. Suốt những ngày hè còn lại, họ hầu như chỉ có việc ăn rồi lên giường với nhau. Tiếng chiếc giường rên rỉ, tiếng mặt đất hổn hển, tiếng mồ hôi đầm đìa hối thúc, không làm sao dập tắt cơn khát cứ hừng hực cháy lên dưới cái nắng hè thiêu đốt. P. hầu như không ngủ – chàng chỉ ngủ khi phải đèo nàng đi đâu đó, những giấc ngủ ngắn và khoan khoái ngay trên yên xe đạp.

 

            Mùa hè chói chang ánh nắng và tràn đầy sinh lực. Quá khứ ư? Vớ vẩn! Tương lai ư? Phụ thuộc và đầy bất trắc! Chỉ có hiện tại, hiện tại tươi ròng, xác thực như một cái đầu dương vật trong cuộc giao hoan. Mùa hè ấy là của P. Thế giới bất hợp pháp, điên rồ nhưng có thật ấy thuộc sở hữu của ông. Nó từng bị chôn cất mười bảy năm, và giờ đây đi trong ánh sáng của chính nó, ông bàng hoàng, sung sướng, đau đớn như lạc vào một xứ sở hoàn toàn xa lạ.

 

                                                                  *

            Nửa đêm, vợ P. tỉnh giấc mở cửa ra sân. Bà nhìn thấy chồng đang ngồi bất động như pho tượng, đầu cúi gục. Bà hoảng hốt dìu ông vào nhà vì sợ ông bị cảm lạnh. Thân thể ông nhẹ bỗng như bị rút hết ruột, khiến bà không ngần ngại bế bổng ông lên.

 

            Bà không bao giờ ngờ được rằng bà đã giết ông bằng chính cái hành động từ thiện của mình. Khi linh hồn tươi tốt của P. từ mùa hè năm bảy tư hân hoan quay về cái sân bay dưới giàn hoa thiên lý, nó không tìm thấy ngôi-nhà-thể-xác đâu nữa.

 

                                                      Vũng Tàu, tháng 10-1991

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2744
Ngày đăng: 28.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Lễ” của nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Mưa núi - Trần Đức Tiến
Hoa xương rồng - Hội An
Tình..yêu thương - Tuệ Hải
Liệt nữ - Phạm Lưu Vũ
Đợi một tình yêu đã mất - Nguyễn Văn Học
đứa đầu têu - Minh Chung
Chuyện lạ của anh tôi - Hiếu Tân
Ghi chú về những tấm gương - Trần Nhã Thụy
Viên đạn lạc - Lê Anh Hoài