Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
670
116.719.410
 
Ấn tượng “Gửi V.B”
Yến Nhi

(Cảm nghĩ về tập thơ Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh - Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2006)

 

Xin bạn đọc cho phép tôi bắt đầu bài viết bằng một ấn tượng rất cảm tính, đó là ấn tượng về những sáng tác đầu tiên (tập thơ đầu, tập truyện đầu…). Chẳng hiểu sao khi gặp những sáng tác kiểu đó tôi hồi hộp như gặp một vì sao lạ. Hy vọng, trìu mến và có cả đôi chút độ lượng bâng khuâng… Gửi VB đến với tôi trong bối cảnh tâm trạng đó, nó giúp nhớ lại những tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… mà mãi đến sau này khi các ông đã thành danh, đã nổi tiếng, nhiều bạn đọc vẫn cảm thấy chất thơ dồi dào sung mãn về sau không say đắm lòng người bằng cái bâng khuâng rạo rực thuở ban đầu ấy.

 

Gửi VB là tập thơ đầu nhưng là của một cây bút đã có thâm niên về văn chương (Phan Thị Vàng Anh đã thành công trong các thể tài truyện, ký, tản văn…), tuy nhiên nó là thơ thì vẫn mang hơi thở ban đầu của THƠ, dẫu là con đẻ của một tác giả sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Khác với những cây bút hiện đại khác lao vào cố tìm cái lạ ở chữ, ưa những hình ảnh ồn ào, “độc”, tìm một lối diễn đạt cầu kỳ khác lạ với các thủ pháp nghệ thuật mà những bạn văn quen gọi là “siêu cá tính”, tác giả của Gửi VB đến với độc giả bằng một giọng điệu rất tự nhiên, rất kín đáo mà cũng rất mới. Nó chinh phục người đọc ở những ý tưởng sâu sắc, tình cảm chân thật đằng sau những hình tượng thơ mang một dáng vẻ riêng.

 

Tập thơ mỏng, 21 bài, bài nào cũng để lại một cảm tình trong lòng người đọc, nổi lên một số bài gây ấn tượng sâu sắc, lộ rõ một phong cách: “Tập làm thơ”, “Hành trình của cây”, “Ngày lạnh nhất Hà Nội”, “Trong Cúc Phương”, “Gửi VB”, “Để được đi xa”...

 

Tập thơ có hai bài viết về công việc làm thơ, trình bày một quan niệm khá độc đáo. Tác giả không muốn trở lại cái kiểu thơ “như con lừa già chỉ biết gặm cỏ thực tế, rồi phun ra cũng chỉ những dòng thực tế”, loại thơ ghi chép không có lấy “cái hạt tí hon tưởng tượng”. Cũng không quá suy tôn (mặc dầu vẫn rất yêu và vẫn viết) cái loại thơ truyền thống cách luật được ví như “cái chăn lục bát đống rơm bà ngoại”, “dặt dìu ru ngủ”… Mà ao ước đời thơ như “hành trình của cây” mơ ước làm một vật thiêng (gỗ quan tài), an ủi, ôm ấp con người đi vào chốn vĩnh hằng. Tuy chỉ là một ước mơ của tuổi thơ hão huyền nhưng vẫn đẹp làm sao, để rồi sau này thứ “gỗ cây” mơ ước trong sự nhào nặn của đời sống trở thành thứ “bột giấy” tầm thường nhưng hữu dụng.

 

Những bài thơ khác viết về đời, về thiên nhiên, về đạo lý, về quê kiểng… cũng là những cảm nhận chân thật, trong trẻo và lãng đãng một màn sương triết lý phía sau. Có thể với những người ưa những cảm giác lạ, mạnh, thì Gửi VB hơi khó vào, nhưng điềm tĩnh một chút sẽ cảm thấy một cái gì đó như là gặp một thân cây không“muốn uốn mình cho giống hình khung cửa”, gặp một cái gì như gần, như xa nhưng rất tự nhiên, chân tình. Đấy là dự cảm của người thiếu nữ truớc cuộc đời vô thường, “nàng” chuẩn bị cho mình một “cuộc đi xa” với một tâm hồn chưa biết sợ hãi cũng như chưa biết vụ lợi, những điều mà về sau sẽ ít hiện hữu khi đã trưởng thành:


Vào cái giờ bông hoa đơn giản nhất cũng còn hương

Đất cũng còn hương

Chưa hề nghĩ đến sâu khi vẹt ngang cành lá

Lòng rất thờ ơ với quả

Lờ mờ treo như không phải để ăn.

(“Để được đi xa”)


Trước cuộc đi xa, lòng thi sĩ chưa hề nghĩ đến sâu, lòng cũng rất thờ ơ với quả, thấy đất trời đều ngát hương! Đó chính cái điều làm nên sự hấp dẫn và trân trọng trong lòng người đọc. Sự bình dị trong trẻo của tâm hồn được gói trong một ngôn ngữ tinh khiết, một nhịp điệu lâng lâng. Nhà thơ như nghĩ gì nói vậy không một chút dụng công:


Dậy sớm

Từ lúc bốn giờ sang

Nhạc mở thế nào cũng là to

Mới biết lũ chó không hề ngủ

Hớn hở đi theo chủ

thành đàn

Và hai con mèo

vắng mặt

không lý do.


Đi vào cuộc đời với những gì ưa thích và thân thiết, có đủ có thiếu, đơn giản vậy thôi!

Một bài thơ khác có tứ khá độc đáo:


Đi cả ngày không giáp mặt một con thú

Chỉ những đàn bướm trắng đơn điệu

Bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ

bị trai true

Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ

Muốn ngửi

lại ngại mũi dính đất

Hơi rừng như mật

như kẹo the

như góc phố thuốc Bắc

Tất cả chim hót đều giấu mặt.

(“Trong Cúc Phương”)


Bài thơ có nhiều ẩn dụ, nhưng cũng tự nhiên và không đến nỗi đánh đố người đọc. Một nhận xét về tài năng, về nhân phẩm, được lồng vào những hình ảnh thiên nhiên ngộ nghĩnh, sinh động: những đàn bướm trắng đơn điệu, bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ bị trai trêu. Hơi rừng như mật, như kẹo the, như góc phố thuốc Bắc. Phần trên chỉ để tạo không khí, nhận xét nằm ở câu cuối “điểm đọng”: Tất cả chim hót đều giấu mặt. Những nhân cách lớn, những tài năng thứ thiệt đều khiêm tốn. Hồn nhiên về miêu tả, sâu sắc về triết lý. Hình tượng bài thơ nghiêng về phía tổng thể toàn bài. Đọc từng câu chưa bắt được ý nghĩa, đến dòng cuối mới vỡ lẽ. Cú pháp thơ là cú pháp toàn bài. Thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc được thể hiện trong một hình tượng chung tổng quát và hình tượng đó yêu cầu một ngôn ngữ tự nhiên phóng khoáng, ngôn ngữ đó lại tìm được sự thể hiện ở thể thơ tự do. Cái lôgic thẩm mỹ nghệ thuật tưởng đơn giản mà quả thật rất đáng suy nghĩ, ta không chỉ gặp ở bài này, mà còn ở nhiều bài khác trong tập như “Hành trình của cây”, “Ngày thứ ba ở Hội An”, “Gửi VB”…

 

“Ngày lạnh nhất Hà Nội” là một bài thơ khá nhuần nhụy ý, tình. Lướt qua những câu thơ ngộ nghĩnh:


Phố nhoen nhoét và mưa van vát

Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại


hay


Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu?


ta bắt gặp những tình cảm chân thành, những ao ước của một trái tim giàu xúc cảm, thậm chí hơi mềm yếu:


Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?

Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình

Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật

Phải viết nhật ký mỗi ngày chỉ cùng một thắc mắc…


Những bạn gái đã trải qua cảm giác này? Cô đơn trong chiều mưa! Nỗi buồn trong đêm mưa đã có nhiều câu thơ từng ám ảnh bao người, nhưng hạ một câu “Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật” thì thật riêng của Vàng Anh. Chính lúc đó nỗi nhớ nhà, nhớ người thân trào dâng, “nàng” thèm một mái ấm:


Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc…

Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim

Nhớ những con hẽm nhỏ ít tiếng nói, nhớ những con người lầm lũi…


Và một câu thơ tiếp đầy triết lý những cũng rất thật, rất đời và rất can đảm:


Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc

Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết


Con người giàu có là con người giàu ký ức, giàu kỷ niệm. Dẫu vui, dẫu buồn, dẫu lạnh giá hay ấm áp… Tất cả tôi luyện và con người giàu có nhờ gia tài đó, một nghịch lý (có “hạt nhân hợp lý” theo cách nói của Hegel) nảy sinh:


Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua

Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.


Lạnh thì buồn, thì cô đơn nhưng ấm áp tất cả cũng không mong, cũng “Buồn làm sao”!

 

Tập thơ là một dấu ấn mới của Vàng Anh trên lĩnh vực thi ca. Tập thơ mỏng nhưng gợi một liên tưởng đầy đặn trong lòng người đọc, đó là sự liên tưởng đến một lối thơ mà ý thì sâu, tình thì thật, lời lẽ rất tự nhiên, lối thơ mà người xưa quen gọi là “đạm”. Thơ ở chính trong lòng phát tiết mà thành, không ở sự thôi xao trên đầu tay! Viết như chơi mà có khi thành tuyệt bút!

 

Và trên hết là cái hương của thuở ban đầu mà thời gian sẽ không cho lặp lại hai lần trên mỗi cuộc đời, dẫu là một đời thơ.

 

Ngày 13-09-2007

© 2007 talawas

Yến Nhi
Số lần đọc: 3917
Ngày đăng: 28.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “Hồn đầy hoa cúc dại” của Lâm Thị Mỹ Dạ - Lê Huỳnh Lâm
Đọc Lục bát Lê Ngã Lễ :Hương thời gian cứ bay quanh đời người - Lê Huỳnh Lâm
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*7 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*8 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*9 - Đại Lãn
Biển của Hoàng Phương - Võ Tấn Cường
Sống và yêu dọc “ những mùa không đợi “ - Nguyễn Trọng Tạo
HUY CẬN: Đốt LỬA THIÊNG, Rực Sáng: CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG! - Lê Xuân Quang
Đọc “Sóng vỗ mạn đời” của Phan Như : Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng - Lê Huỳnh Lâm
Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)