Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
580
116.780.906
 
Suy nghĩ về những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát
Quach Hien

Rồi, rốt cuộc thì giới sử học chính thống cũng đã lên tiếng. Nói chung mọi hệ lý thuyết luôn cần phải được đem ra phản biện, tranh cãi, nhỉ? Nói chung “lương thức” (cẩn thận không thì lại đọc thành “lương thực” đấy mấy anh chàng mắt cận ạ) của con người luôn phải tự đấu tranh thì mới ra vấn đề, nhỉ?

 

Thứ nhất, nói ngay là trong máy mình có lưu một bản Đại Tạng Kinh và mình đang dò từng chữ một trong Lục độ tập kinh (bản chữ Hán)…Ai quan tâm có thể tìm thấy văn bản này trong trang web Trung Quốc điện tử Phật điển hiệp hội ….

 

Thứ hai, lúc đầu định dàn một bài viết rất công phu, xưng “tôi tiếc” rất cẩn thận nhưng rồi lại thấy mình viết blog cho mọi người đọc đâu phải gửi bài cho tạp chí Xưa và nay của bác Dương nên chỗ nào còn non nớt, yếu kém xin các bậc thức giả hai chữ "đại xá" cho ạ. Đây chỉ là những ý tưởng chính, sẽ vừa viết vừa nghĩ tiếp, nếu có thời gian và thấy cần thiết thì sẽ triển khai thành bài viết hẳn hoi.

 

1. Cái văn bản Hán Nôm nước mình nó thế...(nghe thấy có quen quen không nhi?)

 

Bây giờ mà bới mấy tủ sách để tìm thì sẽ thật kinh khủng, ý mình muốn nói cái cuốn Kiến văn tiểu lục của cụ Lê Quý Đôn. Muốn kiếm tra lại thông tin trong cuốn đó mà đành chịu, mai sẽ kiểm tra lại.

 

Theo thiền sư Lê Mạnh Thát thì “Xuân nhật tức sự” không phải của Huyền Quang mà của Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân đời Tống ( ? – 1203). Nhưng theo như bài của tác giả này thì bài trên còn một dị bàn khác chép trong Thiền Tông tụng cổ liên châu thông tập (quyển 13) có xuất nhập một số chữ và được cho là của 1 tác giả khác:

 

日暖佳人刺繡遲。

 

紫荊枝上囀黃鸝

 

欲知無限傷春意。

 

盡在停針不語時。

 

(南叟茙)

 

Thú vị nhất là tác giả Viên Như đề xuất một giả thiết rất dễ chịu: Không phải nhà sư Huyền Quang “mượn” bài kệ đó, mà biết đâu chính các thiền sư Trung Quốc “mượn” của các cụ nhà ta thông qua điển tích sách vở bị nhà Minh thu về bên Trung Quốc...Wow, hay quá, nhưng quan trọng là phải chứng minh giả thiết đó như thế nào?

 

Một điều đáng lưu ý nữa, Bùi Huy Bích học trò của Lê Quý Đôn khi làm Hoàng Việt thi tuyển có chọn 7 bài thơ của Huyền Quang nhưng không có bài thơ trên. Bài thơ hay như thế, mà hay thực sự (nhà báo Hoàng Hải Vân bảo là “hay đến lạnh cả người”...lạ nhỉ?) sao ông lại không tuyển. Chắc chắn phải có lý do của nó.....

 

Nói chung, thưa cụ Lê Quý Đôn, giả dụ rằng cụ có sự nhầm lẫn trong việc dẫn nguồn bài thơ trên thì cũng chẳng vì thế mà uy tín của cụ lại bị sứt mẻ đi trước một hậu bối như tiểu nữ con đây. Cụ vẫn là nhà bác học, một bậc cường ký mà con ngưỡng mộ. Cũng giống như cụ Lê Mạnh Thát, không vì cái vụ “phát hiện chấn động” này mà mình bớt khâm phục cụ đi một tý nào. Ở Trung Quốc, không phải chỉ là nhầm lẫn, mà nhiều người còn cao tay hơn dám ngụy tạo kinh điển sách vở thánh hiền. Cố Hiệt Cương đã chứng minh thiên Nghiêu điển trong Thư Kinh là ngụy tạo do đời sau chép thêm vào (Tham khảo Tranh luận với Tiền Huyền Đồng về cổ sử), hay mấy chương cuối trong Luận ngữ cũng vậy.(Xem phần khảo sát niên đại biên soạn sách Luận ngữ trong cuốn Quân Tử Nho dữ Thi giáo).

 

Công việc “trả lại tên cho ...các cụ”, xác định niên đại, tác gia, tính chân ngụy của một tác phẩm, so sánh dị bản chọn bản nền (hay còn gọi là bản trục hoặc bản đáy), đó là công việc mà bất cứ một sinh viên ngành Hán Nôm nào cũng đều phải tiến hành khi làm Khóa luận tốt nghiệp ra trường. Những sự nhầm lẫn vẫn đang và sẽ tiếp tục được phát hiện. Chả lấy gì làm xa xôi, bác Ánh Vô công năm ngoái vừa công bố trên Tạp chí Văn học những phát hiện của anh về Cưu đài thi tập, chứng minh bản hiện đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm đó là một tập thơ của người Trung Quốc chứ không phải của Nguyễn Húc. Công việc đó là cần thiết khi mà các văn bản Hán Nôm (đặc biệt là các bản chép tay) mà chúng ta thừa hưởng lại từ Viện Viễn Đông Bác Cổ đều nằm trong tình trạng rất đáng nghi ngờ. Đặc biệt nghi ngờ là những văn bản do Viện Viễn Đông Bác cổ thuê các nhà Nho chép lại từ các nguồn thư viện sách của các gia tộc đầu thế kỉ XX. Bởi vì trong khi sao chép không thể tránh khỏi sai dị, đấy là còn chưa kể rất có thể vì lý do kinh tế (Viện Viễn Đông cổ trả tiền chép theo độ dài số trang hoặc số chữ) vì thế mà một số người đã tự ý chép thêm những nội dung khác vào cùng một cuốn sách…vân vân...

 

2. Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập kinh từ tiếng Phạn hay Tiếng Việt?

 

Đụng đến vấn đề chính rồi đây. Rất mệt và cũng rất cam go. Nói chung lần sau mình nên cả tin hơn nữa hoặc sẽ giả vờ tin vào nhiều thứ hơn nữa chứ như thế này thì hơi bị mệt....

 

Có hai chứng cớ để Thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng Khương Tăng Hội đã dịch Lục độ tập kinh từ một bản đáy là tiếng Việt:

 

Thứ nhất: do những “tàn dư” của ngữ vựng, ngữ pháp, cú pháp tiếng Việt trong văn bản. Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng thống kê trong Lục độ tập kinh một loạt những từ mang cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt như “trung cung”, “trung tâm” ...vân vân.....

 

Thứ hai: theo Thiền sư Lê Mạnh Thát trong Lục độ tập kinh chứa đựng “một lượng bất bình thường” các tư tưởng , quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam.

 

Về vấn đề thứ nhất:

 

Phản bác dưới góc độ ngôn ngữ học: Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng như ông Hà Văn Thùy đều lấy những thông kê về các từ như “trung tâm”, “thần thọ” vân vân....trong các kinh điển của Trung Quốc để làm minh chứng cho dấu ấn ngôn ngữ Việt trong các tác phẩm đó.

 

Đó là dấu vết của ngôn ngữ Hán Tạng nói chung chứ không phải là ngôn ngữ người Việt nói riêng. Hán ngữ và Việt Nam ngữ đều thuộc ngữ hệ Hán Tạng. Xem ngữ hệ Hán Tạng ở đây. Theo bảng ngữ hệ Hán Tạng của Vương Lực trong Hán ngữ sử cảo thì Hán ngữ và Việt Nam ngữ cùng nằm trong Hán Đài ngữ quần. Như vậy Hán Ngữ và Việt nam ngữ cùng chia sẻ những đặc điểm chung về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng với các ngôn ngữ khác cùng hệ....

 

Tuy nhiên Hán ngữ cũng có sự khác biệt với các ngôn ngữ khác trong hệ:

 

“Về ngữ pháp, trừ Hán ngữ, trong các ngôn ngữ khác của ngữ hệ Hán Tạng, hình dung từ (tính từ) thông thường vẫn được đặt đằng sau và tu sức cho danh từ . Ví dụ như “nhất tứ bạch mã” trong Tạng ngữ, phiên theo trục từ thành “mã bạch nhất”, “công ngưu” trong Cáp ni ngữ, phiên theo trục từ thành “ngưu công”, ...”nam nhân” và “nữ nhân” trong Wuming ngữ , phiên theo trục từ thành “nhân nam”, “nhân nữ”, “bạch mã” trong Bảo Đình Lê ngữ, phiên theo trục từ thành “mã bạch”, và “nam hài” và “nữ hài” trong Việt Nam ngữ, phiên theo trục từ là “tử nam” và “tử nữ”... (Theo Vương Lực, Hán ngữ sử cảo (Trung Hoa thư cục¸ chương 5, tr.31):

 

Nói một cách rất đơn giản như thế này, các văn bản kinh điển tử tập tiên Tần như Thi, Thư, Luận ngữ, Mạnh Tử…trong những chừng mực nhất định đều phản ánh ngôn ngữ nói đương thời. Các nhà ngữ văn Trung Quốc xưa nay đã chỉ ra mối liên hệ với ngôn ngữ của các văn bản cổ này. Văn bản Trung dung được viết theo phương ngữ Tề, tập thơ Ly Tao được viết theo phương ngữ Sở (Nhan Chi Thôi, 1922, La Thường Bồi, Chu Tổ Mô 1990, tr.234). Các tác giả của Luận ngữ , Mạnh Tử sinh ra ở nước Lỗ, Trâu, tự nhiên chúng cũng phản ánh phương ngữ Lỗ, Trâu….Đặc biệt là Kinh Thi, đây là một tập hợp các bài ca trong dân gian nên không tránh khỏi có ảnh hưởng phương ngữ của rất nhiều vùng. Trong những thống kê về những hiện tượng “trung tâm”, “trung lâm”, “trung lộ”…mà ông Hà Văn Thùy thống kê ở trên thì nó nằm chủ yếu ở phần Phong chứ không phải là bộ phận Nhã, Tụng… “Thi sưu tập quốc phong của 15 nước Chu, Thiệu. Bội, Dung,Vệ, Vương, Trịnh, Tề, Ngụy, Đường, Tấn, Tào, Cối, Mân…”…Những phương ngữ này chắc chắn sẽ mang rất nhiều dấu vết của ngôn ngữ Hán Tạng…..

 

Giả thiết (nhấn mạnh giả thiết) đặt ra là, thời Tiên Tần, cấu tạo dạng theo kiểu từ “trung tâm” được dùng một cách phổ biến trong Hán ngữ. Lục độ tập kinh được Khang Tăng Hội dịch sang Hán ngữ thời ấy và có ảnh hưởng phương ngữ của nơi ông đang sống.

 

“Năm Xích Ô thứ 10 (tức 247cn, của nước Ngô ông đến Nam Kinh, dịch bộ kinh Phật là Lục độ tập kinh. Ông đã sáng lập chùa Kiến Sơ, là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Nam”.

 

Như vậy, tôi vẫn giữ vững quan điểm: Lục độ tập kinh không có một bản đáy tiếng Việt, mà Khang Tăng Hội dịch nó từ một bản kinh Phật Sanskrit sang Hán văn……..

 

Phản bác dưới góc độ lịch sử, tư tưởng:

 

Nếu như giả thiết Lục độ tập kinh được dịch từ một kinh Phật tiếng Việt thì có nghĩa là ở Việt Nam trước đó Phật giáo đã rất phát triển.

 

Thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng Phật giáo đã có ở nước ta từ thời Hùng Vương chứ không phải thế kỉ II CN. Chứng tích là truyện Nhất dạ trạch với chi tiết sư Phật Quang truyền Phật Pháp và phép thuật cho Chử Đồng Tử. Theo phân tích của Lê Anh Minh (người mà mình vô cùng ngưỡng mộ dù chưa từng diện kiến một lần nào..Hic hic hic) trong bài Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam (in trong cuốn Triết giáo Đông Phương với Dương Ngọc Dũng) thì chi tiết Phật giáo xuất hiện từ thời Vua Hùng thứ 3 chỉ là hư cấu…Lê Anh Minh cho rằng những chuyện phù phép trong truyện mang tính chất Đạo giáo nhiều hơn là Phật giáo. “Ngoài ra Lĩnh nam chích quái không phải là chính sử, các nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng có thể là hư cấu để minh họa một hôn nhân không phân biệt sang hèn (vốn là một chủ đề phổ biến trong các truyện cổ tích Việt Nam” (Trích nguyên văn, sách đã dẫn, tr.491). Dù “đã được Phật Quang truyền Phật pháp” nhưng Chử Đồng Tử không để lại dấu ấn nào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngược lại, cũng theo Lê Anh Minh thì trong tín ngưỡng của người Việt. Chử Đồng Tử được thờ là một trong Tứ Bất Tử , còn trong Đạo giáo thì được thờ là Chử Đạo tổ….

 

Lê Anh Minh cho rằng khó có khả năng Phật giáo xuất hiện ở Giao Chỉ trước thế kỉ I CN. Bởi vì Phật giáo Ân Độ ra đời vào thế kỉ VI hoặc V TCN. Bắt đầu từ thế kỉ I CN, Phật giáo mới từ Ấn Độ nhanh chóng truyền sang các nước phía đông. Tôi đồng ý với quan điểm này.

 

Liên quan đến vấn đề này, xin đưa thêm ra một quan điểm của nhà Việt Nam học người Nga GS Deopik D.V (Trường Đại học các nước Á Phi, Đại học Lomonoxop) trong một công trình của mình (dựa trên những phát hiện khảo cổ học) đã khẳng định:

 

- Người Việt cổ có quan niệm về người Kinh và người Thượng từ rất sớm, và có tâm thức của người đồng bằng. Đặc biệt người Việt cổ là dân tộc đi biển (điều này khác hẳn với người Việt thời Hán thuộc). Ông cũng cho rằng Đông Nam á là cái nôi của văn hóa đồ đồng trong đó văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao. (Lưu ý: đồ đồng đời Hán ở Trung Quốc đã suy thoái hơn so với đồ đồng thời cổ của Trung Hoa. Văn hóa đồ đồng xuất hiện ở Trung Quốc một cách đột ngột , chỉ trong vòng 2 thế kỉ đã vượt lên một cách đột ngột như một đỉnh cao của thế giới).

 

- Việt Nam có nhà nước Việt Nam cổ, là nhà nước nguyên sinh tuy nhiên có nhà nước nhưng không có văn tự

 

- Tôn giáo của Việt Nam là tôn giáo thờ cúng tổ tiên: đồ đồng của Trung quốc không có hình ảnh của con người nhưng trên đồ đồng Việt Nam lại có hình ảnh của con người (trên trống đồng). Đó là con người đang hành lễ thờ cúng tổ tiên. Trong tư duy của người Việt cổ chưa đặt ra những câu hỏi vũ trụ quan. Tôn giáo này của người Việt bị suy thoái vì nó tiếp xúc với một tôn giáo cao cấp hơn nó, đó là đạo Phật….

 

Thời Hùng Vương chúng ta có một tôn giáo, gọi là thờ cúng tổ tiên như ông Deopik D.V hay là đạo ông bà như L. Cardière gọi, giả thiết này hợp lý hơn là giả thiết về Phật giáo có từ thời Hùng Vương…..

 

Suy nghĩ (2)

 

Một “chấn động” dẫu nhỏ đến đâu nhưng nếu nó được “cộng hưởng” thì sẽ tạo thành một cơn động đất lớn. Vì thế chúng ta cần phải cảnh giác trước những rung động nhỏ nhất được tạo ra từ cánh của một con bươm bướm….Đó là lí do vì sao thi thoảng tôi từ bỏ sự tầm phào mà tôi ưa thích để nghiêm túc viết một vài điều….(Blog quachhiennb)

 

Tôi đơn thuần chỉ là một người đàn bà bên cửa sổ, tầm nhìn và nhận thức của tôi phụ thuộc vào những gì đã, đang và sẽ diễn ra ngoài cửa sổ. …(Mẹ Gấu)

 

Tôi có một tình yêu lớn, rất lớn ở trong tim….(Quách)

 

Như đã trình bày với các bác ở entry trước, em vẫn cứ nghĩ đến đâu, viết đến đấy…Sau khi nghĩ hết rồi, biết đâu lại kết luận được điều gì đó….

 

1. Lục độ tập kinh không thể là sản phẩm của người Việt.

 

Ngoài vấn đề về mặt ngôn ngữ như đã nói ở entry trước, việc tôi phủ nhận tác phẩm này không thể là sản phẩm của người Việt còn vì nội dung của nó mang đậm dấu ấn của văn hóa Ấn. Trong Lục độ tập kinh ta bắt gặp rất nhiều các mô típ giống như trong sử thi Ramâyâna và Mahabharata: ví dụ như thụ thai trinh khiết, Bồ Tát hóa thân làm người phàm tục để trải qua các kiếp nạn (ở trong sử thi Ân Độ là các ví thần phải trải qua các kiếp phàm trần để rửa sạch tội lội) hay môtíp từ bỏ bản thân để cảm hóa người khác, môtíp người đàn bà trải qua các kiếp hóa thân để trả thù: (Lục độ tập kinh truyện 28, truyện 36. Ở trong Mahabrata đó là câu chuyện về nàng Amba tìm cách để trả thù Bishma nên đã đi tu hóa thành người nam, rồi đi vào kiếp sau để trả thù..vvv) , môtíp người vợ bị quỷ dữ bắt đi, người chồng diệt quỷ dữ, cứu thoát vợ nhưng lại nghi ngờ tiết hạnh của vợ cho đến khi có dấu hiệu thần kỳ xuất hiện (truyện 46) giống như câu chuyện về nàng Sita trong Ramâyâna …..

 

Dấu ấn đậm đặc nhất, thể hiện rõ nhất của văn hóa Ấn: sự hiện hữu của “Sữa” trong Lục độ tập kinh như bằng chứng của sự liên hệ huyền bí giữa người mẹ và người con (truyện 14, truyện 23) hay bằng chứng cho “sự bất tử cho người ngoan đạo chịu hy sinh” (truyện 44)…..

 

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới:. “Sử thi Ramâyâna cho rằng amrita, thức uống của sự sống, được sản sinh ra từ việc đánh biển sữa. Là thức uống đầu tiên và thức ăn đầu tiên, trong đó tất cả các thức khác tồn tại ở trạng thái tiềm tàng, đương nhiên sữa là biểu tượng của sung túc, màu mỡ và cũng là của tri thức được hiểu theo một nghĩa bí truyền, và cuối cùng như là con đường thụ pháp, sữa là biểu tượng của sự bất tử. Không nền văn học tôn giáo nào lại ca ngợi sữa hơn là nền văn học Ân Độ” (tr.836)

 

2. Về truyền thuyết khởi tổ

 

“Mang thai đủ ngày, sinh ra một trăm cái trứng, hoàng hậu cung phi cho đến tì thiếp không ai là không ghét. Bèn chặt cây chuối khắc hình tượng quỉ, đợi khi sinh, lấy tóc phủ lên mặt, bôi nước bùn dơ lên cây chuối rồi đem trình vua. Bọn yêu che sáng, vua lầm tin theo.

 

Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng lại, quăng xuống giòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng miệng lại, chư thiên theo giữ, xuôi dòng dừng lại như trụ cắm đất. Vua nước hạ lưu đang ở trên đài, xa thấy giữa dòng có hũ trôi xuống, ánh sáng rực rỡ, như có oai trời. Bèn vớt lên xem, thấy dấu ấn Đế Thích, mở có trăm trứng, ra lệnh trăm người đàn bà ấp nuôi ấm nóng. Đủ ngày thành hình, nở ra trăm người con trai, sinh ra đã có trí thượng thánh, không dạy mà vẫn tự biết, nhan sắc hơn đời, tướng tốt hiếm có, tài cán thế lực hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống.” (Lục độ tập kinh, quyên 3, truyện thứ 23).

 

Đây là đoạn trong Lục độ tập kinh mà Thiền sư Lê Mạnh cho rằng chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc Việt Nam

 

Về cái vỏ thì giống nhưng về bản chất của hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau

 

1. Trong câu truyện trên trứng chỉ là biểu tượng phản ánh sự tái sinh, sự “thoát khỏi chu trình hóa kiếp bất tận” xuất phát từ lời ước nguyện ban đầu của một người đàn bà góa…

 

2. Truyền thuyết trăm trứng ở Việt Nam là một truyền thuyết phức tạp với nhiều tầng lớp nghĩa ….

- Trứng là khởi đầu của sự sống: Thực ra truyền thuyết về việc sự sống sinh ra từ quả trứng không phải là một huyền tích chỉ có ở riêng Việt Nam. Đây là một huyền tích có cả ở người Celts, người Hy Lạp, người Ai Cập, người Phénecien, người Cananéen, người Tây Tạng, người Ấn Độ, người Việt Nam, người Trung Quốc, người Nhật Bản, các dân tộc ở Xibia và Inđônexia và rất nhiều dân tộc khác nữa….(Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới)…

 

Ở Việt Nam, sự kết hợp giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là một “cuộc hôn nhân thần thánh” (Chữ dùng của Frazer trong Cành vàng) là sự kết hợp giữa rồng (rắn) và chim…Đây cũng có thể là một nhánh khác của huyền tích về sự kết hợp giữa thần rắn sáng tạo Degei và thần sáng tạo diều hâu? (Địa Đàng ở Phương Đông) Còn theo Frazer, huyền tích này phản ánh một tập tục có thật là sự hiến tế trinh nữ cho các thủy thần (thường xuyên được nhận biết dưới hình hài những con rắn lớn hoặc những con rồng) ở các cư dân ven biển….

 

- Sự phân tách 50/50: biểu hiện nguyên thủy của nó chính là sự phân tách của trời và đất, của âm và dương, sau một thời gian lớp huyền tích này mang lớp nghĩa về sự phân tách giữa Núi Non và Biển Cả, về người Kinh và người Thượng…

 

- Còn có thể phân tích nó dưới lớp nghĩa về vật tổ có ngoại hôn cấm chỉ loạn luân theo Freud....vân vân và vân vân

 

Phân tích đại khái như vậy để thấy rằng không nên vội vàng ghép lớp nghĩa của câu chuyện này với lớp nghĩa của một câu chuyện khác. Nếu như Thiền sư nói rằng, câu chuyện trăm trứng kia chính là khởi tổ cho câu chuyện về huyền tích Việt Nam thì tôi cũng có thể "vội vàng" mà nói rằng câu chuyện về khởi tổ của người Việt nằm trong tít ở sử thi Mahabrata với chi tiết nàng Gandari vợ của Đơritaratra sinh được 100 người con trai…vân vân và vân vân….Nếu như suy luận kiểu như thế thì làm gì có triều đại của các vua Hùng được nữa?

 

3. An Dương Vương là ai? Đó vẫn là một câu chuyện dài…

 

Khoảng năm 1999-2000, giới sử học đã xảy ra một cuộc bút chiến “đẫm…mực”, giữa một bên là phe nghiên cứu sử học của trường Đại học KHXH&NV với một bên là phe các ông Bùi Thiết. Một trong những vấn đề tranh cãi giữa họ là về nhà nước Văn Lang, Thục Phán An Dương Vương và các vấn đề khác thời Tây Sơn. Xin tóm lược cuộc tranh cãi về An Dương Vương như sau:

 

Quan điểm của phe Bùi Thiết: Yên Bái chính là nơi phát tích của An Dương Vương. Quan điểm này được củng cố bởi những chứng cứ sau: dựa trên truyền thuyết dân gian của người Tày gọi là “Cẩu chúa cheng vua” (chín chúa tranh vua). Cùng với truyền thuyết này là một hệ thống truyền thuyết về những cuộc đụng độ giữa Sơn Tinh với Thục Phán, hay chính là cuộc chiến tranh Hùng Vương- Thục Phán xảy ra trên địa bàn từ sông Đà đến sông Lô thuộc đất Phú Thọ , Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang chứng tỏ rằng Thục Phán phải ở đâu đó gần kề với bộ lạc Văn Lang….Chứng cớ khảo cổ: sự phát hiện của thạp đồng Đào Thịnh và sự phát triển về nghệ thuật đúc đồng thau ở Yên Bái có liên quan đến nghệ thuật đúc đồng thau ở Cổ Loa….

 

Quan điểm của phe Sử Đại Học: Anh hùng né, gần như không phản bác lại gì ngoài một vài quan điểm phản bác về thời điểm xuất hiện của nhà nươc Âu Lạc….

 

Một điều cần phải lưu ý trong cuộc tranh luận này là hai phe tranh luận với nhau về thời điểm, về gốc gác phát tích của An Dương Vương mà không hề đặt ra vấn đề “An Dương Vương liệu có thật trong lịch sử”?

 

1. Quan điểm của cụ Lê Mạnh Thát là triều đại Hùng Vương có thật, sử liệu còn lưu giữ trong Ngọc phả. Cụ rất coi trọng Ngọc phả nên cháu cung kính thưa rằng An Dương Vương cũng có ngọc phả. (Theo bản Thục An Dương vương sự tích, phần Ngọc phả, do Nguyễn Bính (không phải bác Nguyễn Bính Chân quê đâu đấy) soạn vào đời Lê, Thư viện khoa học xã hội, A.384)

 

2. Nếu câu chuyện về Hùng Vương và An Dương Vương chỉ là mô phỏng lại cuộc chiến đấu giữa hai chi Kôrava và Pandava trong sử thi Mahabharata thì sẽ giải thích thế nào về một loạt những truyền thuyết về An Dương Vương mà nhà nghiên cứu Đinh Nhật Thận đã khảo cứu được trong truyền thuyết của người Tày, và truyền thuyết về Vua Chủ (theo nghiên cứu của GS Nguyễn Từ Chi, cung kính nghiêng mình trước cụ), những lễ hội liên quan đến truyền thuyết An Dương Vương như Hội Nhội…..vân vân

 

Trước khi kết thúc xin trích một đoạn trong cuốn Góp phần nghiên cứu tộc người của GS Nguyễn Từ Chi (tr.638):

 

“ Thục An Dương Vương là ai? Câu chuyện này cần phải nghiên cứu lâu dài, nhưng tạm thời có thể kết luận : trước Bắc thuộc có một cộng đồng người ở xa sông Hồng (có thể Hán-Thái hay Tạng Miến) đã đến đầu tam giác châu xây dựng tổ chức xã hội như một nhà nước, tự xưng là An Dương Vương và An Dương Vương đã xây nên thành Cổ Loa, thành phòng ngự đầu sông Hồng. Thành Cổ Loa đắp ba vòng tương tự ba vòng thành Xán Mứn của người Thái (mường Thanh). Kiểu kỹ thuật Xán Mứn trùng hợp với kỹ thuật xây thành Cổ Loa và kỹ thuật đắp đê.”…….

 

Nói chung vấn đề này sẽ còn tranh cãi mệt nghỉ thì thôi…

 

(Còn nữa…Bài sau: Vâng, Sĩ Nhiếp, ông là ai?)

 

Quach Hien's Blog

Quach Hien
Số lần đọc: 2849
Ngày đăng: 19.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”: Không thể phủ nhận sự tồn tại của triều đại An Dương Vương - Trần Lưu
Lịch sử , sự thật và sử học - Hà Vãn Tấn
Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động - Trương Thái Du
Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -1 - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -2 - Nguyễn Đức Hiệp
Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai ? - Đinh Văn Hạnh
250 năm thành lập Đông Khẩu đạo : một dấu ấn lịch sử của Sa Đéc - Nguyễn Hữu Hiệp
Rời khỏi địa đàng hay hành trình chiếm lĩnh trái đất - Hà văn Thùy
Làng Hòa Hảo ,kiên trì và duyên cách- đại nét từ tiên thân đến hóa thân - Nguyễn Hữu Hiệp