Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
940
116.654.581
 
Phấn
Nguyễn Hiệp

Chạng vạng, mắt thường quáng gà, lại là thời điểm người nuôi ong làm việc cật lực, họ sống trong chạng vạng nhiều hơn. Họ phải tất bật cho ong “ăn” ngay trong cái chốc lát đó, không được sớm cũng không được muộn. Sớm thì ong ở các thùng khác sẽ tấn công thùng nào được cho “ăn” trước. Muộn thì ong sẽ không “ăn” được, không tìm được phao, ong sẽ rớt vào nước đường. Phấn là một người đàn bà nuôi ong nhiều năm, là người làm việc phần lớn vào các buổi chạng vạng, hơn ai hết chị hiểu đồng hồ sinh học của chị chỉ giờ cao điểm vào lúc ấy. Xong việc vào giờ này, người ta thường nghĩ về bản thân mình nhiều nhất. Khi bóng người dài ra, sắp tan vào bóng đêm là khi con người bất nhất: tâm hồn hoa, thân xác vật. Cảm giác vừa dâng trào rạo rực lại vừa khước từ chị trong các thời khắc chạng vạng. Lâu dần rồi sẽ quen, lâu dần rồi sẽ quen, lâu dần rồi sẽ quen... Chị luôn nhắc nhở mình hy vọng... Lâu dần mình sẽ quen.

 

... Lưỡi lướt nhè nhẹ, liếm phớt lớp mật xoa da mặt Phấn. Chị tỉnh hồn, bước ra khỏi giấc ngủ. Chị vẫn giả vờ nhắm mắt, bất động. Lưỡi lại lướt bên má còn lại. Da thịt chị rân rân, vùng cảm giác sâu kín đã ngủ quên lâu nay chợt thức dậy. Một đường ấm nóng nữa, tới vành môi thì lưỡi ngập ngừng dừng lại. Phấn cố kềm chế để khỏi ưỡn người lên. Chị không dám cử động vì sợ mất đi những cảm giác mà rất lâu, rất lâu rồi chị chưa sống lại trong nó, dù là khoảnh khắc thoáng qua. Một cái gì đó nóng và nồng khẽ chạm môi trên, chỉ khẽ chạm viền môi rồi lại thôi. Chị chờ đợi. Chị nín thở chờ đợi. Chị nghe hơi thở gấp gáp phả lên mặt. Lưỡi đột ngột rà lượn mạnh bạo, tham lam quấn quanh môi, chỉ liếm lớp mật mà chị làm mặt nạ dưỡng da trước khi ngủ, còn môi chị vẫn đang hứng chịu cơn gió lạnh phũ phàng trêu ngươi. Phấn bàng hoàng choàng người dậy. Không có ai. Không bóng người. Không tín hiệu gì là vừa nãy đây đã có một chiếc lưỡi mềm nóng và nồng nàn tiếp xúc với chị. Chị rà tay lên khuôn mặt rít trịt của mình thì rõ ràng một số chỗ lớp mật đã mỏng đi. Chị muốn tự cười vào cái cảm giác rân rân như thật vừa qua. Có lẽ chỗ lớp mật mỏng đi ấy cũng là do chị đắp xoa không đều tay? Dù sao chị vẫn cố tin. Có ai đó, chắc chắn có ai đó đang yêu chị trong lén lút, trong sợ hãi. Cảm giác của chị đã bị khước từ; chị thốt lên khe khẽ, như là thái độ khinh miệt cho trí tưởng tượng của mình: Phấn ơi là Phấn!

 

Chị biết phấn chẳng phải là những hạt ánh sáng trên thiên đường rơi xuống trần gian tích tụ trong hoa. Không, muôn ngàn lần không, chị không còn dám tin những mộng tưởng của một thời con gái ấy. Những thân phận đã nhuốm đủ đầy trần ai nhưng tạo hoá trớ trêu lại đặt vào trong hoa thì có, nó chỉ mang một phần sự sống mong manh, mong manh đến mức tự nó thì không là gì cả. Khi còn trẻ đôi lúc chị còn tưởng tượng bao nhiêu là phấn hoa khắp cùng trời đất đã tụ hội về mà tạo ra vóc dáng hình hài bằng xương bằng thịt của mình. Mình là phấn. Lớn lên, Phấn là kẻ luỵ tình. Phấn chìm lặng trong bầu trời tình luỵ. Phấn xáo trộn và đổ vỡ. Phấn khát khao thoả mãn và mong muốn chìm ngập trong cảm giác được yêu...

 

“Làm hoa để người ta hái

Làm gái để người ta thương”

Hoa tàn thì nhạt phấn phai hương...

Phấn tàn thì là gì đây?...

 

Phấn rùng mình với bao ý nghĩ, bao liên tưởng chẳng đầu chẳng đuôi gì nhưng cứ tuôn tràn trong lòng. Phấn mở mắt thật to nhìn căng ra màn đêm đặc sệt, chị lắng nghe tiếng nước mưa rơi khẽ khàng trên lá, có giọt đọng đầy buông rơi những tiếng bục bục lách tách xuống nền nước ứ trong vườn. Chắc cơn mưa đêm trong khu vườn này cũng sinh ra từ trần tục nên cơn mưa mất trinh vì bụi bặm đục ngầu. Có một thời chị cứ ngỡ giọt mưa trong veo, cũng như chị đã từng tin rằng mình là hạt ánh sáng giáng trần. Chị thật sự thấy chua xót rồi thở hắt ra một cái thật mạnh, chị quấn chặt mền nhắm mắt lại.

 

Đêm sau. Đêm sau nữa. Cứ đêm đến là Phấn đắp mật lên mặt làm chiếc mặt nạ dưỡng da. Đêm nào chiếc mặt nạ mật ấy cũng đưa chị tới trước ngưỡng cửa của căn nhà cảm giác, rồi đóng cửa đánh rầm một cách ác độc...

 

&

 

Chạng vạng là thời điểm mắt sáng ngời nhưng không thấy gì vì khi bóng dài ra người ta quay vào bên trong. Ma ái tình đam mê là một loại vua không ngai, ai cũng nói, cũng tin nó ngự trị đâu đó trên trần gian này nhưng không ai thấy bao giờ... Phấn quá mệt mỏi vì ngày đầu dựng trại nhưng những ý nghĩ về ái tình cứ bám riết lấy chị, con người luôn bị hành vì thứ mình thiếu mà.

 

... Những chú ong thám thính lượn liên tiếp mấy vòng số tám rồi đáp xuống trước cửa thùng. Trong thoáng chốc tất cả vội vã bay đi, tiếng vo vo vu vu lan toả khắp khu vườn, đàn ong đã nhận được tín hiệu về một vùng phấn dồi dào và khởi động hành trình lấy phấn se tổ. Không gian dày đặc những dấu chấm li ti và âm thanh ngân nga quen thuộc. Vài con đã nhanh chóng bay trở lại, chân con nào cũng như mang những đôi ủng phấn màu cam. Phấn đứng quan sát chăm chú, chị đảo mắt một vòng vườn đào, cầu mong trời yên gió lặng, hơi an tâm vì lá trong vườn chỉ khẽ lay lay, im phăng phắc cũng sợ lắm, đó là sự im lặng chuẩn bị giông bão. Trời đất thật giống con người, cái gì trong trời đất có thì trong từng con người cũng có. Phấn lắc đầu quay bước vào trại. Vừa dọn gọn lại những chiếc khung dính sáp nham nhở, chị vừa nhanh tay gom mấy que củi nhỏ vương vãi cho ra phía sau, chuẩn bị bếp lửa đầu tiên của lần hạ trại này.

“Chào người về theo mùa bông!”

“Ủa vậy mà em tưởng... phải nói ‘về theo mùa bông trái vụ’.” Thanh long chong điện ra trái vụ...

“Trái, nhưng mà nhiều người làm thành ra thuận.”

Người vừa lên tiếng hết sức văn hoa ấy là một trung niên mù đeo kính râm. Ông ta đứng lại một thoáng lắng nghe tiếng bước chân của Phấn rồi phăm phăm bước tới.

“Sao nói hôm qua ra?”

“Có ai đợi chờ gì mình đâu anh, cứ thủng thẳng.”

“Có chớ. Có người ngồi lắng nghe tiếng chân em suốt cả ngày.”

“Thiệt sao?!...”

 

Mùa phấn, đương nhiên không phải là mùa lấy mật rồi, đó chính là mùa tăng đàn, gầy thêm ong chúa, củng cố lại lực lượng ong thợ. Chỉ sau tháng hai cho đến giáp tháng mười một, chị và bầy ong mới có mặt ở những vườn cây có hoa như vườn thanh long cạnh vườn đào lộn hột này.

 

Bếp lửa thả một ngọn khói mỏng manh lơ lửng lên trên những tán lá thưa. Hai người ngồi bên nhau lặng im. Đầu óc Phấn trống rỗng, chị đã làm tất cả những gì phải làm, giờ bắt đầu thấm mệt. Bốc những thùng ong trong đêm. Ngồi gật gù trên chiếc xe chở ong chạy gần hai trăm cây số. Liên hệ, xin phép chính quyền địa phương. Chuyển thùng ong xuống đặt ngay ngắn trên các giá sắt. Đóng cọc, giăng bạt. Lăn các thùng đường vào trại. Pha đường cho kịp buổi ăn chiều chạng vạng của ong... Đôi lúc Phấn không thể hiểu nổi sức lực ở đâu ra mà mình đã làm được chừng ấy việc. Hình như khi cha mẹ đặt cho ta cái tên thì đã vận vào ta một cái nghiệp nào đó rồi. Phấn nghiệm thấy trường hợp của mình thì đúng quá.

 

Ba trăm thùng ong không phải là một đàn lớn lắm nhưng đó là tất cả gia sản của Phấn. Thật ra chẳng có lý do gì để Phấn yêu đời đến mức luôn chân luôn tay như hôm nay. Phấn chẳng còn muốn nhớ đến cái gia đình đã tro lạnh từ lâu của mình. Lấy chồng chín năm là đúng chín năm ngồi chờ chồng. Cơm nguội rồi hâm lại, rồi lại nguội. Cái lồng bàn màu đỏ đậy mâm cơm là hình ảnh Phấn nhìn vào nó nhiều nhất trong chín năm mang lấy đời sống làm vợ. Phấn có lúc ngớ ngẩn nghĩ rằng mình đã nhìn nhiều đến mức làm bạc màu cái lồng bàn ấy. Nghe tiếng xe giảm ga ngoài đường là chồm người dậy nhưng rồi lại thất vọng quay vào. Có hôm, đợi mãi, khoanh người trên bộ xa-lông ngủ lịm đi rồi giựt mình, ra nhìn trời thấy khuya lắc khuya lơ, làng xóm chìm trong giấc ngủ, Phấn chỉ biết đánh một hơi thở thườn thượt ngao ngán rồi thui thủi quay vào nhà. Mà chẳng phải lí do chính đáng gì cho cam, bữa nào cũng chỉ một nội dung là nhậu, là lai rai, là karaoke. Vợ chồng người ta có thể gây gổ, xúc phạm nhau đến tận cùng rồi sau đó làm lành với nhau, lại yêu thương nhau như những ngày bắt đầu mới mẻ, đó là chuyện cơm bữa của nhiều gia đình, nhưng người ta không thể sống chung với một người chồng không thèm đếm xỉa gì đến mình. Sáng, anh ta đi từ sớm. Khuya, anh ta về trong trạng thái say khướt. Phấn cố chiều chuộng anh ta bằng mọi cách nhưng chẳng thay đổi tí gì và thật sự chị cũng có quá ít cơ hội. Phấn tìm cách lý giải nhưng rồi cũng chẳng lý giải được gì vì chẳng có thước tấc nào đo nổi lòng con người. Có khi anh ta mê muội những trò nhậu nhẹt, nghêu ngao ấy chỉ vì anh ta mê muội nó, thế thôi. Quyết định chia tay đến trong đầu Phấn như giọt nước tràn ly, nó nhanh chóng trở thành một quyết tâm sắt đá: Làm lại cuộc đời. Chị tin có những người đàn ông biết yêu thương đang chờ đợi mình. Chồng chị là giám đốc công ty thu mua mật ong. Anh ấy sinh ra trong một gia đình có nghề lấy mật lâu đời ở cực nam đất nước. Bà con dòng họ anh bây giờ vẫn còn sinh sống quanh khu chợ Kramuôn So, tức chợ Sáp-Ong-Màu-Trắng. Ông cố nội anh là thợ gác kèo “ăn ong” chuyên nghiệp từ thời người cháu sáu đời của Mạc Cửu là Mạc Tử Khâm đấu tranh đòi Krautheiner, thống đốc Nam Kì, trả nguồn lợi ong cho dòng họ gia tộc của ông ta. Cha anh đấu thầu lô, làm ăn phất lên, là người luôn đóng vai trò Tằng Khạo, một vị trí ở bậc nhất trong “Trại ăn ong” được cất hàng năm. Truyền thống gia đình là vậy nhưng người chồng của chị đã sa đà vào chốn ăn chơi trác táng, bỏ mặc công việc, bỏ mặc vợ ở nhà. Vợ chồng cưới nhau xong là gia đình hỗ trợ thành lập cơ sở nuôi ong và mua bán mật lớn nhất lúc bấy giờ ở miền Đông nhưng cho đến khi Phấn quyết định chia tay thì công ty ngấp nghé trên miệng vực của sự phá sản. Phấn bỏ lại sau lưng tất cả và trở thành người nuôi ong du mục từ đó.

 

&

 

Chạng vạng là ranh giới giữa khoảnh khắc và trăm năm... Phấn vẫn tiếp tục miên man trong dòng suy nghĩ.

 

... Phấn vẫn phải sống, vẫn phải bám vào cái nghiệp du mục. Từ đầu năm đến nay, đàn ong của Phấn đã di chuyển hơn mười nơi. Thoạt đầu, trong những chuyến đi dài ngày lùi lũi trong cô đơn lạnh lẽo, trong nắng gắt mưa mù triền miên, Phấn còn mong đến tháng mười một, nhìn thấy bụng con ong vàng óng lên là mừng, là đã vào mùa quay mật để kết thúc một năm rày đây mai đó bầm dập, nhưng rồi bây giờ chị không còn cảm giác trông đợi ấy nữa. Đi cũng chính là cuộc sống của chị. Bầy ong chính là những người bạn thân thiết của chị. Con ong chúa ở thùng số chín đã quá sồ sề, vô dụng, bị bọn ong thợ khiêng ném ra ngoài. Một lần lỡ cho ăn trước giờ chạng vạng, các bầy ong xông vào thùng giành đường của nhau, những trận chiến ác liệt xảy ra, xác ong chết vốc từng nắm trên tay, chị khóc sạch nước mắt. Một mùa phấn, cách đây bốn năm, hơn nửa bầy ong tự dưng rụng cánh rồi ngã lăn ra chết. Khi lim dim mắt đã thấy cái hố “trắng tay” hiện ra ám ảnh, tưởng tất cả đã không thể cứu vãn, nhưng rồi Phấn phát hiện ra bầy ong bị một loài kí sinh giống như những con chí nhỏ tấn công. Muộn còn hơn không, chị chạy đôn chạy đáo bằng mọi cách để cứu được bầy ong còn lại... Tất cả chuyện về bầy ong, những sự cố, những được mất, vui buồn của bầy ong cũng chính là những câu chuyện được mất vui buồn của chính Phấn.

 

Phấn hoa, một chút gì đó thoảng nhẹ trong không khí, chỉ có những người nuôi ong như Phấn mới nhận biết, thường thì phải nhờ đến đôi chân của những chú ong. Chị không lí giải được khả năng đó, mà cũng hơi sức nào với những thắc mắc vớ vẩn như vậy. Chỉ có một điều làm chị thấm thía: Cuộc sống của chị là cuộc sống đi theo mùa hoa, mùa lá. Mùa thanh long, chong điện ra hoa, thì theo lấy phấn se tổ gầy đàn. Mùa lá cao su tiết mật lá non, mùa bông tràm đọng mật vàng rực, Phấn dẫn đàn bám theo từng khu vườn, có khi đi qua năm ba tỉnh để lấy mật. Quay mật bán xong lại mua đường dự trữ, lại gầy đàn, từ một thùng ba khung, rồi bốn khung, đến mức đạt sáu khung, lại quay mật, lại ra đi. Phấn đi mãi, chẳng còn nghĩ đến chuyện trở về, không còn có khái niệm trở về trong đầu. Cũng chính những chuyến ra đi bất tận như vậy đã hoá giải được nỗi hận, niềm đau trong lòng chị, tất cả đã được chôn kín xuống đáy tim, cho đến một ngày...

 

...Gió lồng lên xao xác vườn đào lộn hột, ong co cụm lại trước cửa thùng, một số con liều mạng bay lên nhưng đã bị thổi bạt trở lại, chân trơ ra như những chiếc que nhỏ, không giọt phấn. Hơn ba trăm thùng ong xếp thành hai cụm chín hàng như hai ngôi làng nhỏ heo hút buồn bèo, cư dân ong không buồn trò chuyện với nhau, không buồn chào nhau. Tất cả co cụm lại. Chỉ có gió rít, gió giật. Gió không trong veo như người ta tưởng, gió nhám xàm, thổi qua vườn rồi vẫn cứ nhám xàm, không thấy đâu vẫn cứ nhám xàm, thốc vào mặt thì như roi quất, lòn vào da thịt thì da thịt tấy đỏ cả lên. Bụi đất ở cái xứ sở này cũng nhiều như ma vậy, cũng ẩn mình ghê gớm như ma vậy. Người còn muốn ngã gục, huống là ong.

Phấn nhắc ghế ngồi bó gồi nhìn lên trời sao. Chị nghĩ mông lung về bầu trời sao trống rỗng vậy mà chứa bao nhiêu là sự sống, bao nhiêu là sự kì diệu. Lòng người hẹp hòi quá chắn chắn sẽ bế tắc. Phấn cố chuyển dòng suy nghĩ của mình về hướng yêu thương.

 

“... Hoan lạc thú, biệt ly sầu

Nỗi khổ chứa đầy tình tương tư.”

 

Phấn ngâm nga đoạn thơ nàng nghe được khi vào trong xóm lấy nước, truyền hình đang chiếu phim, ngày còn đi học, đọc truyện Kim Dung nhiều, thậm thà thậm thụt, lén lén lút lút cúi đầu xuống hộc bàn, vậy mà không nhớ mấy câu này, nay tự dưng nghe từ miệng sát thủ Lý Mạc Sầu trên phim lại không sao quên được, nó cứ bám dính như keo. Tại sao kẻ hận đời hận tình lại ngâm nga được những câu thơ hay như vậy?

 

&

 

... Bước ra từ căn phòng quay mật tối om, Phấn cởi bỏ bớt một lớp áo, chị phát hiện ra mấy con ong đã chui vào tận áo lót. Trong khi bắt những con ong táo tợn ấy, chị chợt nhớ về người đàn ông mù chủ vườn mà chị bám víu như một cứu cánh. Anh ấy đã làm chị thất vọng.. Phấn nghĩ là mình đã cuốn anh ta vào trò chơi “ăn ong liếm mật”, một trò chơi xuất phát từ những hoang tưởng cuồng dại của mình.

 

... Phấn bực mình vì anh ấy cũng chỉ biết liếm mật trên chiếc mặt nạ dưỡng da của chị rồi ngồi bần thần. Chị định ôm chầm lấy anh mà kéo rịt vào lòng nhưng nhìn thấy khuôn mặt ấy, mọi hứng thú đã nhanh chóng tan biến.

 

Đêm sau, không dừng ở mặt nạ mật, Phấn thoa mật lên khắp cả cơ thể, rốn chị ứ đầy mật, mật tràn xuống cả hai bên bẹn. Phấn cười thầm một mình rồi nằm ngửa ra trong lều. Khi nghe tiếng chân của anh mù đến, chị nhắm mắt, nén cho hơi thở nhè nhẹ, giả ngủ say. Anh chàng bắt đầu rờ mó nhè nhẹ rồi bắt đầu như mọi khi, khắp nơi trên khuôn mặt, trừ môi chị. Lại rờ mó. Lại tận rốn. Một cách tham lam. Phấn nghe cả hơi thở anh mù bắt đầu mạnh dần, nhanh dần. Cả cơ thể anh ấy bắt đầu vồ vập trên người chị. Người chị đã bắt đầu ứa ra, cảm giác tê mê đã lan khắp cùng khiến toàn thân mềm nhũn. Ngay lúc ấy, anh mù đã dừng lại. Chị cố chờ đợi thêm, nhưng vẫn không có gì ngoài những giọt nước nóng hôi hổi nhễu ra từ người anh ta.

Mật em đây, sao anh không uống?

Hồn em dâng, sao anh chẳng...?

Phấn kết luận: đa phần đàn ông chỉ thích mật chứ không biết yêu.

Bực mình, Phấn đã đuổi anh ta đi cùng với lời đoạn tình dứt khoát trong đêm: “Hãy coi nhau là bạn anh nhé!”

 

Ngày hôm sau, trước khi chạng vạng, Phấn đã thay mật bằng nước đường rưới lên khắp cơ thể. Và ngay lập tức từ hơn ba trăm thùng ong, tiếng vù vù rộ lên, đàn ong vỡ tổ. Chúng đậu đầy trên mặt chị, Phấn nhắm mắt lại, bất chấp. Chúng đậu đầy trên vú, trên rốn chị khiến toàn thân chị rạo rực. Cảm giác nhột nhạo dâng lên. Trăm ngàn mũi kim li ti châm vào da thịt, chỗ này nhói đau, chỗ kia nhói đau, chỗ kín nhói đau, chỗ hở cũng nhói đau. Phấn chồm dậy, cố mở mắt nhìn, chị hơi hốt hoảng với cảnh tượng cả cơ thể đã bị lũ ong phủ kín. “Con người ong” khẽ cựa quậy. “Con người ong” lưỡng lự, nửa muốn dừng lại cuộc chơi điên rồ này, nửa lại tiếc uổng những cảm giác rất lạ nên cố nằm xuống. Ảo tưởng. Chị tiếp tục ảo tưởng về sự thoả mãn, dù đau nhưng thoả mãn, còn hơn ta mãi mãi không được gần nó. Sự ảm đạm hằng ngày ở trại ong đã bị nàng giết chết bằng trò chơi ảo tưởng này. Chị bị cuốn vào dòng xoáy của những mũi kim. Da chị mòn đi bởi những mũi kim. Máu chị cạn đi bởi những mũi kim. Một thứ cảm giác diễm lệ hơn tất cả tình yêu diễm lệ trên đời này cộng lại. Chị đang có nó. Chị tự tạo ra nó. Chị muốn biết như thế nào là tột đỉnh để lý giải niềm bất hạnh của mình. Chị giận đôi mắt mù, con người mù. Chị dưỡng da cho trắng trẻo để làm gì khi có ý định ăn ở với một gã mù chỉ biết quờ quẫn rờ mó. Chị nhờ những đôi cánh côn trùng để trả thù đời, để lý giải chính mình. Phấn tưởng mình nhanh chóng kết thúc bữa ăn cảm giác này, sẽ bắt đầu cất tiếng hót của chim trời trong tột đỉnh cao xanh, trong ngất ngây đê mê, trong rùng mình mãn nguyện, nhưng chị đã lầm, cơn nhức nhối ê ẩm không chịu nổi chợt lan ra nhanh chóng. Cơ thể chị tan rã. Những hạt phấn tạo nên chị tan rã trong cơn đau buốt. Mắt hoa. Tai ù. Chị bắt đầu chao nghiêng. Chị bắt đầu mê man. Chị thấy rõ ràng bầy ong đã bay lên rồi tụ lại đen kịt trước mặt, bầy ong đã sắp xếp thành hình khuôn mặt, rồi mắt, rồi mũi... Đó là hình khuôn mặt người chồng cũ của chị, khuôn mặt mà chị đợi chờ ngày ngày đêm đêm trong chín năm làm vợ. Tại sao cứ phải thấy khuôn mặt ấy?! Hơn ai hết, chị hiểu tất cả những việc làm điên rồ của chị, kể cả sẵn sàng huỷ hoại cơ thể của mình cũng chỉ vì mục đích muốn trả thù người đàn ông đã phản bội tình yêu. Chị tức giận gào lên, chồm lên.

 

Phấn tỉnh lại, quằn quại gạt phăng lũ ong ra khỏi cơ thể. Ảo tưởng sụp đổ. Rã rượi. Chị ôm mặt khóc rấm rức, tiếng khóc nặng đến mức rơi xuống như những giọt mưa, cơn mưa đêm trong vườn chẳng còn trinh trắng.

 

&

 

Nỗi xót xa trong tình trường dù ở mức nào rồi cũng phải qua đi. Những năm đầu xa chồng đầy khó nhọc sẽ qua đi. Phấn còn phải sống với, trong thực tại của chính mình, vậy thì cớ gì mình lại để sự oán giận dẫn đường. Có lẽ Phấn cũng đã biết mình sai khi lấy sự thù hằn, hờn giận thế gian làm tâm mình, biết đó là độc tố của đời sống sao không tìm sự trống rỗng tĩnh lặng mênh mông như của bầu trời kia? Trung tâm của con người, đường đi của con người sao không phải là bầu trời vị tha mênh mông ngập tràn sự sống. Nghĩ được như vậy chị thấy mình như một hạt phấn lửng lơ trôi bên vô vàn những hạt phấn khác thơm tho ngào ngạt cả một vùng trời. Trong một đêm, vườn thanh long sáng rực bởi những bóng điện nối nhau mút mắt, bởi trăm trăm ngàn ngàn bông hoa trắng muốt trinh nguyên, mặt đất đầy hoa và ánh sáng như sự tụ hội của ý hướng tinh sạch, giải toả hết mọi áp lực, chị đã tự tha thứ cho mình với những gì xảy ra trong các buổi chạng vạng vừa qua. Đừng bao giờ xét đoán kiểm duyệt mùa xuân, dù là chỉ xét đoán, kiểm duyệt những bóng mờ của nó! Chị tâm niệm như vậy, từ chính cuộc đời mình.

 

Phấn hình dung đến cảnh sáng mai, trong ánh nắng sớm rẽ quạt lung linh của vườn đào, chị vừa vươn vai vừa mở nắp những thùng ong để chúng vù đi. Trên tầng xanh cao cao, chiếc lá non vừa nhú lên đã đọng giọt mật lấp lánh ánh sáng như ngọc của cây, những giọt mật cùi thanh sạch quý giá, không nhiễm độc tố. Sau những u uất, đông lạnh, xám trơ, mùa xuân của đất trời sẽ về thật đúng lúc. Mùa xuân của con người rồi chắc chắn về đúng lúc. Phàm điều gì xảy ra trong trời đất cũng xảy ra như vậy trong từng con người. Chạng vạng vừa rớt mất dạng vào cái túi không có thật, cái-túi-cảm-giác của Phấn, mà cũng là của vũ trụ mênh mông.

 

Dưới chân núi Tà Cú, 12/2008

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 1957
Ngày đăng: 21.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghiệp cày - Phùng Phương Quý
Sài Gòn,những ngày mưa - Mang Viên Long
Lễ tưởng niệm - Đông La
Xin đừng như sóng - Hạ Dung
Sao trong chòm cự giải - Dương Thuỳ Dương
Buổi sáng sinh phần - Trần Vũ
Ma chuột - Nguyễn Đông Phương
Chuyện đời thường - Khaly Chàm
Người đóng thế - Lê Mai *
Người hoang tưởng - Nguyễn Minh Phúc
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)