Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
790
116.668.364
 
Những người đàn bà gánh tro
Nguyễn Hiệp

Con người có khả năng vượt thời gian không? Có lẽ có! Bằng chứng là mình đang ngồi trên chiếc xe về lại nơi của quá khứ,  một thứ gì đó chợt kéo trào lên, nấc nghẹn nơi cổ, nơi tim, cả cơ thể cứ dờn dợn từng hồi làm như có những cơn sóng điện nối nhau trườn trên da thịt; rồi mình lại trộn lẫn những mơ ước, lo lắng cho tương lai, tất cả như đang hiện hữu theo thứ tự một chương trình cuộc đời giản đơn mà kì bí. Quá khứ! Quê hương! Lễ mơ màng nghĩ về những điều thiêng liêng đó, anh phân vân chẳng biết chuyến về thăm này ra sao: có sự quay về, cái chạm tay làm những sợi dây đàn tâm hồn rung ngân giai điệu hạnh phúc nhưng cũng có cái chạm tay làm cây đàn ấy im tiếng vĩnh viễn… Lễ miên man trong dòng suy tư từ lúc xe chuyển bánh rời bến Miền Đông. Lễ là người bỏ quê nhà mà đi, trước kia anh đã từng mang một lời hứa: không bao giờ trở về quê hương khi chưa thành đạt; sống lâu rồi anh mới thấu hiểu : tiền bạc nhiều, danh phận cao mà trơ ra như đá chưa chắc là thành đạt,  phó dân bình dị mà thấu lẽ đau đời cũng chưa chắc là thất bại.  Anh đọc trong sách của vua Trần Nhân Tông có nói: “Người quay đầu liền đến quê nhà”, anh lấy bút gạch dưới câu đó; đêm, ngủ mơ lại nghe tiếng nói từ trời vọng xuống: -“Ngàn năm nữa mọi chuyện vẫn thế!”. Lễ chưa hiểu hết ý câu đó ám chỉ điều gì, có lẽ trong vô thức của anh có tiếng nói của quy luật chuyển biến, chứ không phải là phát triển, nhất là chuyện nhân tình thế thái… Nhưng sao sáng ngủ dậy lại thấy bần thần cả người làm như có ai dần xương dần cốt anh vậy? Qua hai ngày nghỉ việc, Lễ quyết định về quê. Những hàng cây chạy ngược về phía sau, những căn nhà lợp lá lấp ló trong lùm cây xanh giúp Lễ hình dung  rõ mồn một nơi ấy, nơi thời gian không thay đổi, nơi chôn nhao cắt rốn của anh, vùng đất tam giác trước núi thiêng liêng và đầy kỉ niệm, nơi ấy là con đường hai chiều: lối xanh xuôi hạnh phúc, nẻo nâu ngược thương đau. Núi Tà Cú, Mũi điện Kê Gà, Hòn Bà đã tạo một tam giác hữu hình: núi non, cát cháy, biển bờ và một tam giác vô hình: ngoại, má và em; hai tam giác đó là kỉ niệm, Lễ không thể giết chết được kỉ niệm, nhưng hai vành tam giác lồng thành một đó là nỗi dằn vặt, buồn tủi, thương đau thường nhật quật ngã Lễ, chiếm trọn Lễ, anh như  bị hút bởi một thứ thần lực không cưỡng được. Con người ta có thể tách mình ra khỏi đất mẹ nhưng không thể tách đất mẹ ra khỏi mình được. Ngoại ơi, Má ơi và em nữa! Chẳng có ai còn sống mà đón thằng Lễ bạc tình, vô đạo trở về !  Chẳng ai còn trên cõi đời này để Lễ về đứng yên trên đầu cầu Khóm Một mà lặng lẽ nhìn hình ảnh thân thuộc : dáng cò ngoại, dáng cò mẹ, dáng cò em… tựa câu hát ru thấm đẫm cái chất một nắng hai sương, oằn lưng, tối mặt gánh tro bán cho làng “lagim”trồng rau cải? Những gánh tro trấu đen đủi, những gánh tro tình duyên mang nặng từ đời này qua đời khác, như  hậu quả bí ẩn của một việc làm vô tâm động đến quỷ thần. Làm sao để hạnh phúc muộn màng buông cánh đậu xuống vai những người đàn bà đã ra đi vĩnh viễn của Lễ? … Nỗi buồn từ trong máu buồn ra, từ khởi nguyên lòng mẹ đắng cay, vùi dập, từ  à ơi câu hát ru  êm êm, não nề, nhoi nhói tim can suốt cả đời người.

         

Xe đã dừng lại ở ngã ba Ba Tuy. Rác rến theo những con trốt vừa xoáy vừa chạy cuốn lên cao như đang rướn mình đè đầu, cưởi cổ những con người lầm lũi, da khói hun, sạm cháy. Núi Tà Cú mờ rệt hơi sương như khuôn mặt người khổng lồ đang ngữa lên trời được nhìn qua làn nước mắt, Lễ ngước tìm nơi góc sườn phân thủy quen thuộc một dòng suối  trườn trên đá, ngày xưa, xa trông chỉ thấy ánh bạc loang dài như nước mắt tràn ra gò má núi. Nay, nước mắt đã khô rồi sao, đã lặn vào trong rồi sao, hay niềm vui mới mẻ nào làm lành lặn vết thương hạnh phúc, hay một thoáng lạc đường, yếu đuối mà thờ ơ, chai lạnh tính người? Chiếc xe ôm đưa Lễ rẽ vào một ngõ nhỏ đắp đất sỏi đỏ badan. Trời chạng vạng, cái thời khắc chuyển tiếp, đêm cũng chưa hẳn đêm mà đèn đốt lên cũng  leo loét, mờ mờ, dân quê gọi đây là lúc“mắt quáng gà”. Tất cả màu sắc nhạt nhòa rồi nhanh chóng chuyển qua sắc độ tương phản rõ rệt: mặt sông lượn ngoằn ngoèo rẽ vô vàn nhánh nhóc là những con kênh dẫn thủy nhập điền, chúng ẩn hiện như  những đoạn dây rời rạc cạnh sợi dây thừng lớn,  tất cả dát chì  đông cứng, bàng bạc. Vườn tược rậm rịt, quện quyện, cảnh vật như một đoạn phim âm bản: nhìn đen ra trắng, nhìn trắng sao thấy đen quá, ấy vậy mà rất thật, thật như  trong những giấc mơ của anh: tràn ngập mà trống rỗng, sờ thấy đó mà ảo đó, mong tìm gặp đến cháy khát nhưng khi đến gần lại sợ, lại thôi, lại lo mình làm lộ ra cái sự thật ba chiều  mà tội nghiệp trái tim.

     

Chiếc xe ôm hiệu Mink thô kệch lội vào con đường đất sét trơn lầy, đôi lần chiếc xe đảo mạnh, anh chàng tài xế phải chạng chân làm càng chống, lết dưới sình để vượt qua. Lễ ngồi phía sau, chợt nhớ những bước chân bé bỏng của mình từng bấm quặp các ngón chân tí tẹo xuống nền đường đất sét  lồi lõm này, lẫm đẫm, run rẩy đi qua cả đoạn đường trơn trợt, cả chiếc cầu ván bốn nhịp xẹo xọ nữa để được dự lớp khai tâm mà ông thầy là cậu Hai vừa mãn hạn tù Côn Đảo, má Lễ mới đi đón về. Má ơi, thật ra giờ đây, mái đầu đã hai màu tóc rồi, con cũng chưa xong lớp khai tâm của cuộc đời. Lễ bần thần nhớ đến má, một trong ba người đàn bà gánh tro mà dù không còn ở trần gian này nữa, nơi tim anh , họ vẫn sống một đời sống không có thời gian.

      

Má Lễ quay lại nghề gánh tro trấu đi bán cho mấy nhà trồng lagim từ khi ông Bảy Nhung  ở cạnh nhà mở máy xay lúa, chiếc máy to kềnh càng có rất nhiều hộc gỗ và những sợi dây cơ- roa tổ bố, quay tít. Ngày đó, đi theo má hốt trấu về un, Lễ thường lén nhìn cái chỗ nối của bẹ dây ấy, một con vật đen sì sì chạy cà giật, vòng vòng như bị ai rượt đuổi, Lễ thích chí cười một mình, đó là trò giải trí hấp dẫn nhất của một đứa bé nghèo khó tận cùng như Lễ, một đứa bé mà trong đầu không có khái niệm “đồ chơi”, một đứa bé không có tuổi thơ. Ba Lễ chết năm Giáp Thìn- 1964, má gánh anh em Lễ trên hai chiếc thúng  vừa chạy vừa khum người tránh những làn đạn lửa đan chéo đỏ bầu trời của đợt dồn dân  cuối cùng về ấp chiến lược Văn Mỹ. Má kể cho Lễ nghe: Hồi má đang mang bầu Lễ đến tháng thứ tám thì bị bà nội và bà cô cởi lên bụng mà đánh đến ngất sỉu, đến lòi con ra rồi bỏ cả lên võng cho người khiên trả về nhà ngoại. Cũng may ngoại là một thầy thuốc giỏi nên mới cứu nổi hai mẹ con Lễ. Đứa bé đẻ non là Lễ ra đời trong mưa dầm nước mắt của má vậy đó! Được mười ngày, má Lễ  vừa đi đứng lại được, thậm chí ăn uống chưabình thường, ngoại lại thúc con gái về nhà chồng vì sợ chữ bất tín. Má Lễ liền bị bắt đi gánh tro cho người ta kịp bón lót vụ rau cải bán Tết, Lễ ở nhà khát sữa  khóc thét hết hơi, người đẹt lét như  thân con cò hương, èo ọt, đỏ hỏn, còng queo như  dáng con chuột con tưởng không sống nổi. Má Lễ thì bị sữa căng vú đau đớn, nhức nhối, đầu óc căng buốt; trong những lúc nghỉ chân phải vắt bỏ bớt, ngồi nhìn trân trân cái khum bàn tay mình hứng dòng sữa thừa nóng bỏng ấy mà mắt dại đi như kẻ mất hồn. “ Nghe tiếng con khóc văng vẳng, bịt tai, nhắm mắt lại cũng nghe, nhắc gánh tro trên vai chạy như điên cũng nghe, gục xuống ngồi khóc càng nghe rõ hơn, nghe cho đến lúc trời đứng bóng, đến lúc mặt trời lặn, mờ mịt, về đến nhà nhìn thấy con ôm vú bú chùn chụt mới hết…”  Sau này Lễ lớn đã nghe má kể như vậy. Hơn mười hai năm, từ ngày ba Lễ qua đời,  mẹ con đùm túm chạy trốn khỏi nhà nội, một mình tần tảo nuôi  năm đứa con, cho ăn cho học đầy đủ, má Lễ mới đi bước nữa với một người đàn ông bước ra từ một gia đình đổ nát, vợ trước ông ta phải tự tử mà chết vì tính tham lam và lưu manh ngang ngược của chồng. Hồi đó, Lễ đang học lớp tám phải về ở với ngoại. Một ông anh , gọi má Lễ là cô ruột, sau giải phóng làm Bí thư xã, ông này rất thích những tấm tôn dài của Mĩ  trên mái nhà Lễ nên buộc gia đình Lễ vào diện đi kinh tế mới, sau lại thỏa thuận với má Lễ: sẽ giúp ở lại nếu chịu dỡ nhà để mái tôn lại cho ông ta. Má bán đất, dỡ nhà, chấp nhận mọi điều kiện, nhưng sau vẫn bị trở mặt. Má Lễ buồn lắm bỏ  làng đi cùng với người đàn ông mới. Gã này sống với má Lễ được hai năm, khi những đồng tiền bán nhà cuối cùng được vét sạch gã cũng cao chạy xa bay như một thằng lừa đảo hạng bét: hèn hạ và nhẫn tâm.

     

Lễ nghe kể lại: Ngày má Lễ chết, bà ngoại lăn ra than: _ Lá vàng khóc lá xanh có lạ không hở trời, bịnh ung thư của con tôi  là do buồn quá, do đau khổ quá, do tủi nhục, đắng cay quá mà sinh bịnh… Ông trời có thấu không?! Tro với trấu cả đời con tôi, cả đời con tro với trấu không vậy con!?...Bà ngoại Lễ không phải người gánh tro bán cho làng lagim, nhưng cả đời gánh tro tình duyên, tro tàn đổ vỡ của gia đình người khác. Lúc Lễ ở với bà hay nghe bà nói: _ Cái nòi tình nó vậy! Là ý ám chỉ cả má Lễ và cuộc đời bà cùng lụy tình, đau vì tình và cũng sẽ chết vì tình. Lễ nhớ nhất bà ngoại có cặp vú “bị” to dài như hai trái mướp trâu, hồi nhỏ có lần má gởi Lễ cho ngoại, Lễ ngồi kéo vú ra phía sau lưng ngoại mà mum vú da. Lễ nghe đâu những người có vú như vậy theo sách tướng là khổ một đời vì tình. Tính ra ngoại tới bốn đời chồng đấy thôi: Người thứ nhất là một lí trưởng điển trai nhưng đoản mệnh, mất năm ba mươi tuổi vì bị cọp vồ mang xác lên ăn trên dốc Chùa, dân làng xách thùng thiết đập, gõ vang trời mới lấy lại được nửa thân trên. Người thứ hai tục huyền với ngoại lúc đã bước sang tuổi năm mươi cũng nhanh chóng qua đời. Người thứ ba là ông ngoại ruột của Lễ, mọi người gọi là ông Hương, bây giờ gọi là thôn trưởng, ở nhà ngói năm gian, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Mới sáu mươi ba tuổi, sau một lần vác cuốc đi dạo hết các sở ruộng về, ông cho gọi con cháu lớn nhỏ lại, dặn dò cách ăn ở với tá điền, cách quản lí ruộng vườn, rồi thay bộ đồ  bà ba trắng tinh nằm ngủ và đôi mắt an nhiên đó không mở ra lần nào nữa. Đời chồng thứ tư : ngoại phải làm bé trong một gia đình buôn nước mắm tỉn, bà vợ lớn đau tim, suốt ngày cằn nhằn không ai chịu nỗi. Con cái quá đông, tối ngủ xếp lớp như cá, sau hàng thứ mười rồi không biết bao nhiêu đứa út: Ut Nữa, Ut Cuối, Ut Rớt, Ut Rán, Ut Thôi... Người nào cũng choắt lại như cây tăm, tay chân lòng khòng loèo khoèo, tanh khoắm mùi nước mắm; ngày đầu, ngoại thấy bầy con lem luốt ấy mà phát bệnh. Ngoại hay nói với Lễ:_  Ngôi mộ của ông cố chôn ở thế đất dữ có trùng bạch hổ nước chảy xuyên bên trong nên đường tình duyên con cháu gái không an toàn, phải hai ba lần goá bụa trở lên mới ổn. Lễ hỏi: _ Sao ngoại không dời đi chôn chỗ khác? Ngoại nói: _ Đâu có đơn giản như vậy, phải giải chớ, hơn nữa chiến tranh tán loạn, bom Mĩ cày xéo, đâu còn biết chỗ nào mà hốt cốt. Ông ngoại đầu của cháu rất giỏi địa lí, âm trạch vì chết bất đắc không làm được điều đó. Hồi còn sống, ổng nhìn mả nói: _  Người coi đất, táng huyệt mộ này không biết gì về thủy tán, sa phi, chôn không chú ý thanh long, bạch hổ để thủy hung vào hài cốt báo hại con cháu phải hứng chịu cái nạn “ trùng hổ hoán phu đồ”. Những câu chuyện tâm tình của ngoại, Lễ nghe chưa hiểu gì cả, nhưng cuộc đời nhãn tiền của ngoại, của má mỗi khi nghĩ đến là Lễ rùng mình lo sợ. Vậy đó mà ngoại vẫn là người được trọng vọng của cả hai làng : Làng cũ và Ap chiến lược. Một tay ngoại đỡ đẻ cho biết bao con người ở đây, rồi bệnh đau của dân làng, ngoại kết hợp các bài thuốc Đông y với lòng tin mà chữa chạy lành bệnh cho mọi người. Hồi Tổ Hữu Đức, (người trị hết bệnh cho bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức và có công khai sơn Linh Sơn Trường Thọ Tự), còn ở Bưng Thị, một khu làng hẻo lánh, để trị bệnh cho dân nghèo, ông cố ngoại Lễ nghe tin đã vượt rừng sâu nguy hiểm tìm xin học nghề thuốc, sau, truyền cho con gái. Ngoại sống đến chín mươi tám tuổi vẫn minh mẫn, mỗi bữa ăn cả chén cơm đầy và một trái chuối sứ tráng miệng, sau, do nửa đêm trở dậy lọ mọ đi thắp nhang cho ông ngoại bị té rồi qua đời.

         

Và người con gái yêu thương của Lễ nữa, con người có đôi mắt biết nói đo, cũng đã ra đi vội vàng ở tuổi hai lăm, tuổi đẹp nhất đời người. Họ đã yêu lăn yêu lóc trên những đồi cỏ xanh, yêu vùi mình nhau trong những cây rơm, yêu đến đau đớn nghẹn ngào trong lén lút sương khuya. Quả thật Đến có bà con xa với Lễ, gọi là bà con chứ cũng sáu bảy đời rồi, cơn bão mạnh thổi đây qua đó chỉ còn những sợi gió mong manh. Mẹ Đến vin vào cái cớ bà con để cấm tuyệt sự qua lại của hai người, nhưng sự thật là như bà ta nói thẳng vào mặt Lễ: _ Đũa mốc mà bày đặt chòi mâm son, mày nghèo mạt như thế mà không biết phận! Lễ uất quá, nhục quá nên bỏ làng mà đi. Đến theo mẹ lên lạy Phật trên chùa núi về bị bọn lục lâm trên Dốc Đá xuống chặn lại hiếp đến  chết đi sống lại, ba ngày mùi tinh dịch vẫn còn nồng nặc cơ thể. Mẹ Đến dấu nhẹm chuyện này rồi tìm cách ép gả con gái cho một người đàn ông vợ chết nhưng giàu có nhờ nghề giết heo, gã đáng tuổi cha của Đến. Vì chữ hiếu, Đến nghe lời mẹ, nhưng trong đêm động phòng, lại bị gã đàn ông nọ cởi hết quần áo, hành hạ thân xác đến rã rượi, ê chề; khi gã nọ đã no đủ, thoả mãn lăn ra ngủ say, Đến đã dùng dao lam cắt động mạch tay, thòng tay ra mép giường cho máu phun túa đến giọt cuối cùng. Nghe đâu sau đó vài năm gã đồ tể heo ấy cũng bệnh mà chết, chẳng ai biết bệnh gì mà gã  cứ thòng đầu ra khỏi giường, lấy hơi lên khè khè rồi ộc ộc như heo bị chọc tiết cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Dân làng xầm xì : _ Quả báo!

           

Đêm đó, ở lại nhà người anh (khi xưa là nhà cũ của ngoại), Lễ thao thức cả đêm, cứ nhắm mắt lại, vừa thiu thiu là thấy những người đàn bà gánh tro lầm lũi, những đôi mắt trĩu nặng nỗi đau, những đôi vai oằn xuống nhưng vẫn chạy như điên về cuối chân trời, mồ hôi, máu và nước mắt của họ tuôn túa về phía sau, va vào mặt Lễ  những âm thanh ướt đẫm mặn chát như tiếng khóc trẻ thơ. Rồi những con trốt cuốn tro từ đôi gánh của họ tung lên trời, quần tụ lại thành những dấu hỏi khổng lồ, xám xịt bay lờ lờ khắp nẻo. Anh giật mình sờ tay lên mặt thấy da mặt ráo khô, biết mình nằm mơ, rồi anh không sao chợp mắt được nữa. Sáng, Lễ đi thật sớm ra thăm mộ ba người đàn bà của mình. Chín cây nhang thắp cho ba ngôi mộ đều có tàn cong xoắn lại như hình những dấu hỏi làm bằng tàn tro trong cơn gió xoáy. Những dấu hỏi làm bằng tro- tàn- trong- cơn –gió- xoáy!

                                                                

Núi Tà Cú . Tháng 8. 2002

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2409
Ngày đăng: 27.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một câu chuyện … - Ngữ Yên
Ðám Cưới - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Lái lợn - Lê Xuân Quang
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện
Tản mạn ngày cuối năm - Nguyễn Thuỵ Nhã
Giữa vòng vây - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)