Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.691.619
 
Bếp của người nguyên thuỷ
Nguyễn Thanh Mừng

một thành phố dạt dào biển giã, nhưng trụ sở  cơ quan anh cũng thật hồn hậu âm hưởng núi rừng. Cửa sổ phòng làm việc của anh  mở về hai hướng, bên sóng vỗ, bên mây ngàn, hướng nào cũng gần, chỉ sau mấy tòa nhà có những nhánh cổ thụ chìa ra ven đường. Phía núi, những chiều muộn, anh có thể ấm lòng nhìn những cánh chim sáo đá hoặc chào mào hối hả sà vào các tổ ấm ven sườn non, trong bờ lau trắng loi thoi hay trên vách rêu đầy cây sơn liễu. Phía biển, tiếng vun vút của chim yến hay giọng vỡ òa của bầy bói cá lại dấy lên không trung những niềm vui cường tráng. Anh làm việc ở tầng hai, bên dưới là phòng khách trông ra khoảng sân sau đủ tỏa bóng  một cây sao đen, cạnh đó là hòn non bộ, đặt bộ bàn ghế sứ. Khách cũng thưa, nên mọi người thường biến thành chỗ tụ tập giải lao. Đôi hồi mát trời họ còn nổi hứng rủ xuống mép duyềnh cào phễnh, nổi lửa í a í ới bày tiệc.

 

Một lần anh ra ngồi trước ban công, nghe loáng thoáng bên dưới chẳng biết ai vui miệng bảo rằng nếu được bình đẳng làm những cư dân đô thị, có thể xếp chim vào loại lâu đời nhất và thủy chung nhất với mảnh đất này. Lời nói đó được đưa ra trong cuộc nhậu vặt ở cơ quan, khi mọi người đang tranh cãi nhau xứ sở này ai về trước ai về sau, con ai thành đạt lập nghiệp phương xa, con ai giờ chí thú với quê hương. Mọi người ồn ào mở rộng đề tài, chim cũng năm bảy kiểu chim, có loại chỉn chu cũng có loại buông tuồng, có loại cần mẫn cũng có loại biếng nhác, có loại trụ bám cũng có loại di trú. Đại loại vậy, mặc dù dứt khoát phiêu bạt bốn phương trời không có nghĩa là xấu hơn khư khư ôm giữ từ đường hương hỏa, nhiều khi còn tốt gấp trăm lần. Tranh luận tưng bừng một hồi, anh chị em lại cụng ly côm cốp đi đến tạm thời nhất trí rằng xã hội chim cũng vừa đa dạng phong phú vừa nhiêu khê phức tạp không khác chi cõi người. Khi men ngà ngà, có ý kiến bổ sung rằng nói chung, đó là loài yêu tự do bậc nhất, đẹp hết mình trong trạng thái vừa bay vừa hót, luôn gây men cho những đam mê của nhân loại lam lũ và giầu mơ mộng. Tưởng chuyện đến đấy chuyển sang chuyên đề khác. Nào ngờ, tay Phiệt là người tập tọng đọc sách cổ kể một lèo chuyện thầy Trang Tử dắt học trò vào rừng, thấy kẻ chặt gỗ không chặt cây vì dù cây tươi tốt nhưng thuộc loại gỗ xấu không dùng được. Thầy Trang bảo cây nhờ bất tài mà hưởng trọn tuổi trời. Đến khi trọ nhà người quen, chủ nhà làm thịt chim mòng thết khách. Đầy tớ bảo một con biết gáy, một con không, nên giết con nào. Chủ nhà bảo giết con không biết gáy. Học trò thắc mắc hỏi thầy Trang sao hôm qua cây vì bất tài mà được sống, nay chim vì bất tài mà phải chết. Thầy Trang cười bảo Chu này ở khoảng giữa tài và bất tài, lấy hòa làm lượng, chơi lông bông ở nơi tổ của muôn vật. Hồi nãy, từ chuyện người lái qua chuyện chim, giờ từ chuyện chim lại hâm nóng chuyện người. Bà Du  ề à lên tiếng bảo chuyện đó cũ rồi, khôn chết dại cũng chết chỉ biết là sống, đại khái người viết là thánh nhân thực nhưng người kể lại dễ bị nhầm là dạy đời, không nên không nên. Phiệt nóng gáy phản đòn là chính bà dạy đời thì có vì hở miệng là chê bai và tung ra nườm nượp những lời khuyên. Chú Huấn trẻ tuổi nhất, láu táu giang tay hát, có một loài chim không bao giờ bay, ấy là loài chị em ta mê say… Lão Khả già vừa cười vừa quát rằng đếch được đếch được, thằng này hỗn. Rồi lão kể chuyện các cụ thi chim, ban tổ chức ra nội quy các cụ có chim đứng qua một bên, các cụ không chim đứng qua một bên, cụ có chim nhỏ đứng sau cụ có chim lớn đứng trước, đề nghị các em các cháu không được lấy cây chọc phá chim của các cụ… Thấy câu chuyện nhốn nháo, người cau có, kẻ cười rần rần, thằng Viện bình luận nhanh, rằng bi có hài có, phản ánh đúng thực trạng vừa đau đớn vừa sung sướng của đời sống thường nhật hỗn mang, thế là huề cả làng. Tay Phiệt còn ấm ức cho rằng bà Du chơi không đẹp, nguyên do vì chồng bà ưa đi mồi chim cu đất, bà lại chúa thích món thịt cu đất băm hòa bột đổ bánh xèo. Hôm đó trúng ngày rằm, mà nhà Phiệt vốn theo Phật giáo, có lệ thả chim phóng sinh. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Phiệt thả  chim trước mắt chồng bà Du, khi ông này rón rén nấp trong lùm cây không dám ho, đợi cu sập bẫy. Sự việc ấy thằng Viện vô tình chứng kiến, lập tức nó rêu rao khắp nơi rằng có kẻ tích phước hết sức thâm trầm, không nói nhưng bằng hành động, ý muốn dạy cho đao phủ chim một bài học. Chuyện đến tai bà Du, bà tức cả hai nhưng ngại Viện miệng lưỡi lu loa, thế là bà ra mặt trị Phiệt bằng cách đợi Phiệt hở môi điều gì bà triệt điều ấy.

 

Anh mở toang hai bên cửa, đón gió. Trời mấy ngày nay nóng quá mà máy lạnh trục trặc, lại vấp hai cú điện thoại gửi gắm giải quyết nhận thêm nhân sự mới, khiến anh cảm thấy mệt phờ. Kiểu này, cũng khó mà  tỉnh táo để xử lý các loại công văn giấy tờ thường ngày. Theo thói quen, khi gặp chuyện khó xử, anh ra ban công hết ngắm núi lại ngắm biển, cố xua đuổi mọi tạp niệm trong đầu để tìm một sự thăng bằng. Hồi mùa xuân, anh để ý trên những hốc cây sao đen có đến mấy tổ chim, mà anh cứ đinh ninh là do chúng thấy cơ quan anh vui, tụ về. Ngày người giỡn đùa cãi vã, đêm tới lượt chim chóc khua khoắng, nói chung sự rộn rịp diễn ra hăm bốn trên hăm bốn. Anh chưa giáp mặt chúng lần nào vì chúng kiếm ăn không theo giờ hành chính, đi sớm hơn giờ mọi người đến cơ quan và về muộn hơn giờ mọi người đã về nhà. Trong chuyến công tác dọc biển mới đây, thấy có đôi chim lạ chớp cánh ở lưng mây, anh cứ dứt khoát cho là chính chúng. Kể cũng vui, anh chợt bật cười khi nghĩ rằng đây là cuộc tao ngộ của những người hàng xóm láng giềng với nhau, giữa trời nước mênh mang. Khi chúng sà xuống, mắt anh giật giật như quan niệm dân gian về một điềm tiên báo. Ý nghĩ anh xoay chuyển rồi buột miệng như từ trong tiềm thức:

- Bồ Câu Du Hành!

Cơn hứng thú bất chợt ùa về, anh nhấp môi khe khẽ ngâm một đoạn bi tráng trong Thần Khúc Dante mà thời trẻ trung anh hay ngâm. Ngâm bao nhiêu lần. Và chỉ cho một người nghe. Để sau đó, lúc ra trường cho đến gần đây, anh không còn đủ tự tin để ngâm ngợi nữa.

                                                            *                       *

Nàng là sinh viên ở Hà Nội về miền Trung thực tập, dáng thanh thoát nhẹ nhàng, đôi mắt lá răm đầy kiêu hãnh, một chiếc xe cuộc gọn trơn cài thêm bi đông nước, thường đi sớm về khuya trên con đường từ ký túc xá đến thư viện, rồi từ đó miên man ra các vùng ngoại ô, lên chái tây gặp cảnh Ngự Bình, xuống mé đông đến cửa Thuận An, vòng vèo nam bắc chẳng gặp núi đồi gò nổng cũng gặp biển trời đầm phá. Chỉ với đôi mắt ấy, muốn biểu lộ việc gì, chưa cần nói đã chứa chan tất cả. Không hiểu sao, nhan sắc hàm súc và tính cách cô tịnh của nàng bỗng dưng thành đề tài râm ran từ giới sinh viên trẻ cho chí cả các thầy giáo tóc bạc da mồi. Cánh đàn ông kháo nhau một cách thơ mộng rằng đừng tìm “Passenger Pigeon” trong các cuộc tụ tập chè chén thơ phú hát hỏng mà hãy phục kích ở những miền hoang dã, lúc sao trời sắp mọc hoặc khi cánh đồng hoa cúc vào kỳ hàm tiếu. “Passenger Pigeon” có nghĩa là Bồ Câu Du Hành, tên một loài chim cực kỳ quý hiếm, bị thảm sát đến tuyệt chủng, đầu thế kỷ hai mươi người ta đã treo giải hàng nghìn đô la cho những ai có bằng chứng nhìn thấy ở đâu một bóng chim này. Cũng tương tự như anh thỉnh thoảng được gắn bằng tên một ngọn núi ở quê, vì anh hay kể với niềm tự hào ngọn núi ấy là lãnh thổ thiêng liêng của nền văn hóa cổ đại.

- Đừng đùa, gì thì gì họ cũng là cô giáo, ông lại là trưởng lớp phải làm gương!

Thằng Linh bí thư chi đoàn vừa hích vai anh vừa nói khi nó đọc được ý nghĩ của anh trong ánh mắt hút hồn lia theo bóng cô gái khuất dần trên bờ sông An Cựu.

- Không không, mình chỉ thấy hay hay ở cái biệt hiệu mọi người trìu mến gán cho nàng - Anh chống chế.

- Đấy, gọi cô giáo bằng nàng mà còn chối tội - Nó tấn công tiếp.

Anh mỉm cười bí mật cho dù nó ra giọng chòng ghẹo:

- Đồ cúng chứ không phải đồ ăn đâu mà bẻm!

Anh hiểu, ý nó bóng gió rằng giáo sư trưởng khoa đặc biệt yêu quý nàng và chính ông là tác giả của cụm từ “Passenger Pigeon” để lũ học trò mơ mộng khuyếch tán biệt danh này như phấn thông vàng tung ra trong gió sớm. Rõ ràng, tự nhiên sự xuất hiện đột ngột của nàng đã góp thêm chút thâm trầm bí ẩn cho cái không khí cố đô vốn đã thâm trầm bí ẩn này.

Bẵng đi rất lâu, cả tháng trời, nàng biến mất khỏi mùa đông xứ sở Thần Kinh mưa dầm lê thê, nhưng hành tung còn đọng lại trong câu chuyện lúc nào cũng hừng hực của đám sinh viên bên tách cà phê bốc khói. Thằng Vương biệt danh Vương nhạc sĩ, chủ nhiệm câu lạc bộ, quả quyết:

- Nàng hành hiệp ở A Lưới rồi vô Giằng trong Quảng nghiên cứu về những khúc ca mê đắm của bộ tộc Katu, kẻ sống đầu ngọn nước.

Thằng Rum lớp phó liến láo:

         - Cô mình rằng cô mình ơi, cô bỏ chúng em lạc loài nơi đô thành phù phiếm, vượt biển trèo non sống cảnh chim trời cá nước.

           Thằng Linh có vẻ thạo tin, rối rít:

         - Cô đang nhờ thầy trưởng khoa dịch giùm một phần quyển sách Chúng tôi ăn rừng rúng động giới dân tộc học của giáo sư Pháp Georges Condominas.

            Thằng Vương tóm lược:

         - Kính chào một loài chim di trú đã bay về phương nam tránh rét. Sang xuân ấm áp, chúng ta sẽ có cơ hội đón nàng!

          Anh  im lặng như không. Theo anh, tin tức ngậu xị của chúng nó ba phần thật bảy phần bịa, nhưng dù gì cũng phải nói nàng có sức hút ghê gớm mỗi khi nhắc tên.

 Bỗng dưng trước Tết vài tuần, bọn sinh viên năm cuối các anh được nghỉ sớm so với các khóa sau, đang rậm rịch tàu xe về quê thì nàng quay lại bất ngờ không báo trước. Anh  gặp nàng trước sân ga Huế, tự nhiên cả hai đồng loạt reo lên như những người thân thiết nhất trên đời phát hiện ra nhau sau trận đại hồng thủy. Ngồi trò chuyện với nhau khoảng nửa tiếng trước sự ngạc nhiên của bạn bè, câu chuyện mỗi lúc thêm cuốn hút và anh đột ngột ra cái quyết định tày đình là trả vé không về quê nữa, cả hai bắt xe đò lên phía tây quyết thực mục được điệu múa Padil Yơ Yã mô phỏng theo vũ điệu mê hồn của đôi chim T’ring trống mái, loài chim mà người Katu đặc biệt hâm mộ, theo nguyện vọng của nàng. Cho đến giờ, anh cũng không hiểu nổi hàng bao nhiêu năm trời điềm tĩnh, mực thước, trời xui đất khiến thế nào mình bộc lộ một cách chân thật nhất khả năng tiềm ẩn của mình ra hết lúc ấy. “Bồ Câu Du Hành và Phượng Hoàng Ngậm Gió đã bay theo tiếng gọi của hoang dã”, đám bạn bè bình luận tại cuộc tiễn biệt ấy và còn bình luận suốt học kỳ cuối cùng của khóa đầu tiên nơi trường Huế. Thực ra, anh chị em cũng đã nhận đề tài luận văn trước, lấy giấy giới thiệu của trường, về ăn Tết ít hôm rồi tỏa đi các nẻo đường rừng núi suốt mùa xuân để lấy tư liệu thực địa, chớm hè mới gặp lại nhau. Nhưng cuộc xuất phát của anh lại quá sớm và không bình thường, làm cho quả bom dư luận thình lình bị rút tung ngòi nổ.

        

 Tuy nhiên, các sự kiện diễn ra đều có lý do cả. Nhớ lại cách đây một tháng, đêm nàng sắp lên đường về Cửa Vịnh, một buổi tiệc đơn giản nhưng sang trọng được tổ chức trong sân nhà thầy trưởng khoa, dưới một vườn táo đỏ, bên cạnh ao sen. Giáo sư nói ngắn gọn nhưng rất ấn tượng, rằng nàng là con gái của một nhà khoa học mà giáo sư kính trọng như bậc thầy, bạn học cũ của giáo sư thời chống Pháp, giờ lưu lạc ở nước ngoài, thế nào cũng được nhà nước mời về. Giáo sư và một vài bạn bè đang ngồi đây đã bảo lãnh lý lịch cho nàng được học đại học, trước khi vào tiếp quản cơ ngơi miền Nam mới giải phóng. Còn lý do được mời đối với anh vì anh là sinh viên xuất sắc, giáo sư hy vọng sẽ cùng nàng mai kia đại diện cho thế hệ, trở thành những nhà khoa học đầu đàn. Thực ra, anh học sau nàng một lớp, bây giờ nàng đã ra trường và đi làm trợ giảng, còn anh bước vào năm cuối, nhưng là bộ đội xuất ngũ, nên nhỉnh hơn nàng đến ba bốn tuổi. Chuyện ấy cũng không thành vấn đề khi nàng lên tiếng trước rằng nàng quý mến anh từ hồi chưa gặp mặt, bởi mỗi lần vợ chồng giáo sư ra Bắc công tác ghé thăm, hay kể về anh đầy thiên vị. Còn một điều làm anh thêm bất ngờ và cảm động, nàng là đồng hương phố biển với anh, bố nàng gốc người Cửa Vịnh, thuở nhỏ thiên di theo bước hoạn đồ của ông nội, bắt đầu học ở Huế rồi ra luôn Hà Nội. Bố nàng trở thành nhà điểu học tiếng tăm, có chân trong hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã thế giới, sau khi đất nước chia cắt thì phiêu dạt trời Tây cho đến bây giờ. Ấy là đầu mối của những nỗi khổ mà gia đình nàng phải chịu đựng trong những năm kháng chiến mà nàng hơn một lần tự nhủ hãy quên đi. Nàng xa bố khi còn trong bụng mẹ.

 

Giáo sư đã mời nàng  trổ tài với món ăn dân tộc để giáo sư đãi chiến hữu. Nàng tự giới thiệu, theo cách của đồng bào vùng quần thể núi Ngok Ang, Pouak mới học được, nàng mạo muội  làm món Zờ Rá truyền thống bằng hoa chuối thái nhỏ, mùi tàu, tiêu rừng, ớt rừng, bơrieeng asiu tức cá  khô, cho vào ống lồ ô nướng chín. Rồi sôi nổi đùa:

- Xin đừng chê cười kẻ đầu bếp vụng về của người nguyên thủy!

Ai cũng tấm tắc khen ngợi ý nghĩa của hương vị đại ngàn giữa lòng kinh thành hoa lệ. Uống mỗi người mấy hơi rượu cần, cuộc gặp mặt trở nên sinh động hẳn. Đêm sinh nhật giáo sư hóa ra giành ưu ái hơi nhiều cho nàng và anh. Anh đã được nói chuyện với nàng rất lâu, kể cả đoạn đường dài dắt xe đạp bách bộ song song từ nhà giáo sư về nơi ở của nàng.

 

Tình hình nàng lặn lội tìm người thân ở quê không có gì sáng sủa ngoài việc chiêm ngưỡng nơi dấy nghiệp của tổ phụ, được một số bậc cao niên mách nước rằng có nghe tên người nọ người kia, thuộc hàng danh gia vọng tộc trong làng, nhưng giờ con cháu phiêu dạt Sài Gòn Hà Nội, một số sang Âu sang Mỹ. Chính quyền địa phương đã giúp nàng một vài việc, kể cả lời hứa một ngày nào đó nàng quay lại sẽ tổ chức cuộc trèo lên đỉnh núi đá hoa cương Phượng Hoàng tìm kiếm dấu tích người cổ đại. Theo nàng ngoài ý nghĩa ấy, còn gắn kết với kỷ niệm mà mẹ nàng hay kể, là nơi bố nàng định danh cho ước mơ khoa học từ hồi thơ ấu. Nàng réo rắt nhận xét rằng quê cha đất tổ quá đẹp, quá hiếu khách, đẹp và hiếu khách không tưởng tượng nổi. Khi anh chia sẻ nỗi buồn tiếc rằng nàng không tìm được họ hàng thân thích thì nàng quay lại nghiêm trang bảo rằng đời em còn có anh, đó chẳng phải là niềm khích lệ ấm áp nhất ở bản quán hay sao. Anh không thể kiềm nén nổi những niềm vui trong trẻo, đầy bất ngờ mà nàng đưa đẩy trong câu chuyện qua các nẻo đường trèo đèo lội suối như vậy. Một đêm lửa rừng trong nhà Gươl, nàng xuống giọng tiên cảm:

- Em biết, đời sống khác thường của mình sẽ đưa em đến sự trơ trọi dù sẽ không vô vọng… Nhưng không sao, chỉ một đoạn gần gũi nhau thế này cũng giúp cho em bao nhiêu nghị lực để đi tiếp con đường của mình.

            Lòng anh bỗng xa xót không chịu nổi. Anh bần thần cả người, chưa kịp bày tỏ, nàng đã quyết liệt:

-    Ông trời ném xuống bắt em phải mang vác ba thứ nặng nề, đó là nhan sắc, sự tự tin và niềm đam mê, em nghĩ bất cứ người đàn ông bình thường nào cũng chỉ háo hức với một thứ đầu và sẽ mỗi lúc một khiếp nhược với hai thứ sau!

Anh dỗi nhẹ:

- Có lẽ, anh là người chưa xứng tầm sát cánh với em trong chuyến đi này.

- Em nói thật anh đừng tự ái, anh bị lôi cuốn vì em và em ngàn lần cám ơn sự bị lôi cuốn tiếp theo của anh. Nhưng em sẽ cám ơn vô biên nếu anh đủ sức tạo ra những lôi cuốn để em bị khuất phục.

  Rồi nàng vuốt tóc anh, nửa đùa nửa thật:

         - Không vì người đẹp, đó là một trong những tội lỗi khó sám hối. Nhưng không vì người tự tin và đam mê, sau này còn khó sám hối hơn gấp bội.

         

Dù trong sinh hoạt thường ngày được bạn bè đánh giá là có lối sống mạnh mẽ, quyết đoán, anh cũng không thể không choáng váng trước sự thẳng thắn của một nữ trí thức nhìn rõ những thế lực của bản thân và thừa nhận không giấu diếm. Anh chưa kịp hoàn hồn với đòn phủ đầu ngan ngát ấy thì đột nhiên, nàng liếng thoắng xoay chuyển câu chuyện, bình luận về một số nhạc cụ dân tộc hồn nhiên mộc mạc như đàn Ang Crao, kèn Kooc, sáo Ap Loat, tù và Cârdool, đàn Tam Bhreeh, đàn Hroa… và hỏi anh đã  thưởng thức hay chưa. “Đêm nay là đêm của bọn mình, anh phải trình bày cho em nghe một bài ca mà anh yêu thích, rồi sau này, cứ mỗi sáng, trước bình minh, anh đều bộc bạch cho em nghe với tất cả niềm say mê như loài chim yêu ánh mặt trời ban cho con người những kiệt tác âm nhạc”, nàng yêu cầu. Nguyện vọng thanh nhã ấy đánh thức một điều gì sâu kín trong lòng anh, nghe lâng lâng như rượu ngọt. Bản trường ca Thần Khúc mô tả địa ngục, tĩnh ngục và thiên đường bất chợt ùa về với những câu thơ bi tráng lung linh tinh thần  triết học, tôn giáo, văn chương của một đại biểu mở cánh cửa Phục Hưng, giã biệt đêm trường trung cổ. Một sườn núi khô khan đột nhiên chuyển động theo cuộc vận hành của những mạch nước ngầm, tất cả các loài cỏ hoa man dại hồn nhiên bừng dậy.

          

Dường như nhân loại luôn có mối liên lạc với nhau, thông qua tư tưởng, tình cảm họ gửi gắm và những trái tim vĩ đại kết nối giúp cho họ. Dante lên trời bằng chiếc thang vàng, chàng ngây ngất trong tình yêu của thượng đế. Vòng tay nàng Beatrice mở ra, đưa chàng xuống tắm sông Lete, lần lượt đưa nhau qua chín tầng, trao đổi sôi nổi về thần thánh, tư tưởng, đời sống tinh thần phong phú của xã hội con người… Có chút quan hệ gì đó với không khí này, khó diễn đạt ra hết. Nơi đây, người Katu chưa hề quên quan niệm trong trẻo của mình về một thế giới hồng hoang, khi ấy dưới ánh trăng, đá sỏi mềm mại và mọi chủng loài, muông thú, chim chóc, con người thường trò chuyện với nhau bằng những lời lẽ tinh khiết nhất. Đó là một thế giới trong sạch và hạnh phúc, không ốm đau, không chết chóc, không thiên tai, không địch họa, Yang xuống đất ăn uống với người và người lên trời gặp gỡ các thế lực siêu nhiên. Anh và nàng mới khởi đầu đã thực sự chìm đắm như  những cư dân trong thế giới phô bày sự hòa điệu diệu kỳ đó.

                                                                       

                                                            *                       *

         Cuộc trở về trước Tết cũng do nàng quyết định đột ngột. Anh nhớ, sau khi chứng kiến và ghi chép tỉ mỉ về một lễ đâm trâu của người Katu xong, nàng đột nhiên bảo:

         - Em đang nhìn về núi Phượng Hoàng! Chúng mình phải về ăn Tết với quê nhà, ở đó có bàn thờ thần mặt trời cho anh và bếp của người nguyên thủy cho em. Một nguyên bản của triệu năm bất tuyệt!

            Anh tròn mắt kinh ngạc trước quyết định này. Nó chóng vánh như hồi mấy tuần trước, lúc gặp gỡ trên sân ga. Nàng không hề nói hai lần, đã nói là đưa ra một thông điệp khỏi phản biện. Tất nhiên, anh không thoát nổi sức hút ấy. Hình như đã hăm tám hăm chín Tết rồi, hai người không khéo sẽ có mặt ở quê nhà đúng tiếng pháo giao thừa cũng nên. Sáng hôm sau, giã biệt đồng bào, nàng đưa anh cắt  rừng đi tắt. Nàng thân mật rủ rỉ:

           - Anh biết không, người bố chưa gặp mặt của em giành cả cuộc đời để tìm hiểu và trân trọng đời sống của các loài chim trên hành tinh này, theo các bài báo nước ngoài thì ông quý như vàng những mẩu xương trong bếp của người nguyên thủy. Nó đánh tín hiệu cho ông về một số chủng loài của thời cổ đại.

         

 Nhiều năm trôi qua, anh vẫn còn thú vị với mối liên hệ thơ mộng rằng, trong những lĩnh vực khoa học mà bố nàng, nàng và anh theo đuổi, đã mở ra thế giới, không hiểu theo cái nghĩa bến cảng, sân bay, ga tầu, dù điều ấy là sự hỗ trợ đắc dụng, nhưng một nhúm tàn tích bên bếp lửa giữa rừng lại quan trọng hơn nhiều, nó mang ý nghĩa chủ đạo. Những kiến giải xác đáng sẽ bắt các mẩu tư duy và mơ ước đã hóa thạch của muôn thế hệ cất lên ngôn ngữ chân thật và trong lành  trước ánh sáng mặt trời của hôm nay. Anh đã cùng nàng ngồi sát bên nhau, nơi mà nàng gọi trong nỗi hồi cố là bếp của người nguyên thủy. “ Bố mẹ em đã từng định danh kỷ niệm, ghi dấu ấn nghề nghiệp, hơn nữa, biết đâu thế hệ sau sẽ có một lứa đôi khoa học khác say mê kiếm tìm nhặt nhạnh hình bóng cũ”, nàng đùa. Chữ lứa đôi mà nàng nhấn mạnh, dường như đã ẩn chứa một nỗi khát vọng mơ hồ nào đó, khi mặc cảm hành trình hiểu biết, khám phá và sáng tạo của nhân loại là hành trình đam mê mà chứa đựng dằng dặc nỗi cô đơn. Tim anh bất chợt nhói lên một tiên cảm lơ mơ nhưng rất chóng vánh tan biến khi sự linh hoạt của nàng bắt đầu khởi động nghi lễ rước ông Táo trên trời về.

 

Trên núi Phượng Hoàng, có thể nhìn thấy đầy đủ gương mặt quê hương, cao nguyên, trung châu, hạ bạn và cù lao. Trước mặt là bến cảng, thấp thoáng những con tàu xé sóng vào ra Cửa Vịnh. Cỗ cúng thật đơn giản, từ núi A Taouat mang về. Trái mơrlong trông giống như dâu đất, đỏ rực từng chùm, trái xơ nia năm cạnh, đúng là khế rừng, trái chơ rum từa tựa xoài cà lăm, trái apic giòn giòn, mang hương vị quả cóc… Thêm việc nổi lửa nướng những củ khoai rẫy và trái a pling cho vỏ ngoài cháy xạm, bóc đặt trên lá chuối, bẻ cây rừng làm đũa. Nàng lâm râm khấn vái cầu cho Táo quân trước khi xuống trần, việc thứ nhất báo cho Ngọc hoàng Thượng đế về tình yêu đường đột của hai người. Việc thứ hai, xin cho những loài chim từng bị thảm sát đến tuyệt diệt phục sinh  trong vòng tay của người cha bôn ba năm châu bốn biển.

           

Chỉ có vậy, một sáng kiến độc đáo của nàng để tạo thêm những bất ngờ cho anh. Đó là một địa điểm tuyệt vời để anh khởi động cho một công trình. Nó gồm một số tảng đá hoa cương mà tạo hóa xếp rất ly kỳ trên núi cao, thành một mái nhà vĩ đại, nàng bảo đó là bàn thờ thần mặt trời, bên cạnh là Đá Chuông, Đá Trống, Đá Mõ, giàn nhạc cụ trong nghi lễ vũ trụ, anh phải ngồi viết ở đó mới nhập năng lượng. Còn nàng, với giàn đá Ông Táo kế đó, nàng sẽ lo liệu cơm lành canh ngọt bằng bếp của người nguyên thủy. Giọng nàng ngân vang một cách dễ thương trong gió, rằng nếu đêm xuống, nàng sẵn sàng cầm đuốc lồ ô soi cho anh viết đến khi gà rừng cất tiếng gáy.

           

Đó là những kỷ niệm đẹp của một thời không bao giờ quên, anh luôn không dứt ra được những lôi cuốn của nàng trước khi tỉnh táo tạo được một sức lôi cuốn ngược lại như nàng mong ước. Cuộc hành trình từ A Taouat về núi Phượng Hoàng và ngược lại, là hành trình con thoi từ sau Tết cho đến mùa hè năm ấy. Dường như  tất cả nguồn cảm hứng đó đã kết tinh trong bản luận văn mà anh hoàn tất trong ba tháng, năm ấy là một bản luận văn đầy hồn vía, anh viết như nhập đồng đến nỗi sau này, dù làm bao nhiêu công trình khoa học với trình độ chuyên môn cao hơn, tư liệu ngập tràn nhưng vẫn thiếu vắng một điều gì. Như lửa. Như mưa. Như những ngọn gió rào rạt của tình yêu trào dâng, nồng đượm trong từng góc khuất của câu chữ. Anh đã đi suốt chất rượu say trong tiếng vỗ cánh của các loài chim thiêng dưới nền trời tâm linh của các bộ tộc sống bên ngọn A Taouat hùng vĩ, nơi triền thung của sông Giằng, sông Cái, sông Bung, những vùng đất hiểm trở của một hệ núi non trùng điệp, cửa ngõ nối duyên hải miền Trung và Bắc Tây Nguyên. Nhắm mắt lại ngoái nhìn chặng đường lên thác xuống ghềnh của một bộ tộc, anh thấy rất rõ những niềm vui cộng đồng bừng sáng lẫn những nỗi cô đơn bay lượn, thấy những gió mưa rú rít lẫn trong tiếng gọi vi diệu của mẹ lúa Yang Akăn Haroo cùng đôi cánh trắng tinh khôi, bảo trọng sự trong sạch và no ấm cho làng bản. Anh cảm nhận rất rõ, tình yêu của anh với nàng là nơi trú ngụ để sao chép các định ước và quan hệ của một bộ tộc từ tro tàn của quá khứ, những tín ngưỡng, tập tục, sức sống bất tuyệt giữa đại ngàn hoang dã.

           - Sự đánh thức của tiềm năng, sự tiếp nối nguồn mạch đầy bản sắc của việc giao tiếp với lịch sử bộ tộc, giải mã tín niệm trong quan hệ với thần linh thông qua lễ hiến tế, thông qua trường lực của những tầng văn hóa huyền bí và mức độ thụ cảm uyên áo người nhập cuộc – Giáo sư hướng dẫn nói.

           

Phải nói, sự kế thừa các thành quả nghiên cứu về bộ tộc này, còn có sự hỗ trợ đắc dụng của những tài liệu tham khảo mang những cái tên lạ lẫm với sinh viên nhưng rất quen thuộc với giới dân tộc học như Daupley, Hoffet, Benedict, Le Pichon, Bourotte Benard, Thomas Kirsh, Anthony Reid, Ann Anbor, Robert Mole… mà trong văn cảnh đất nước mới giải phóng hồi ấy cực kỳ khó tìm. Không có nàng cung cấp và cùng dịch, anh cũng chịu.

          -Tất nhiên, “Passenger Pigeon” là tác nhân trung gian đã lập trình đến mức hoàn hảo cuộc hòa âm quan thiết này - Bạn bè trong khoa hóm hỉnh nhận định.

                                                            *                    *

             Bây giờ ở cơ quan, nói chung cuộc sống thường ngày vẫn đều đặn trôi qua như nó vốn có, đại loại thứ bảy chủ nhật, chồng bà Du vẫn xách xe rủ bạn nhậu ra ngoại ô mồi chim đất, bà vẫn chưa thôi bỏ thói mê món bánh xèo cu. Phiệt thì rằm mồng một cứ đi thả chim phóng sinh có rút kinh nghiệm nhưng đôi khi cũng tái ngộ bất thường chồng bà Du vì ông hay nấp trong bụi khó phát hiện. Lão Khả vẫn kể chuyện tiếu lâm mặn và chú Huấn ưa độ thơ độ nhạc ra lời hai để pha trò tưng bừng. Còn thằng Viện thì cứ ghép nối các hiện tượng để tìm lời bình luận xác đáng rằng bi hay hài. Phòng hành chính thường rủ nhau gầy độ nhậu, rồi lan ra thêm một vài người trong cơ quan, không phải chỉ lúc lĩnh lương lĩnh thưởng mà bất cứ cái cớ gì. Trăm thứ bà rằn, thứ nào cũng có người đòi “rửa”, rửa cái bằng khen, rửa cái tóc mới hớt, rửa cái áo mới may, thậm chí có người mới sinh con trai thì bị đòi rửa… chim thằng cu nối dõi, vân vân… Bà Du vậy mà vui,  phụ nữ cỡ gần năm mươi nhưng bữa nào cũng áo váy xúng xính, chuyển xoành xoạch các mốt trang điểm, hết mắt xanh mỏ đỏ đến mắt nâu môi trầm, lại ưa xam vào các cuộc gài chiến hữu móc túi mua bia về uống chơi. Tửu lượng bà phát triển có kế hoạch, năm kia vài ba ly, năm ngoái năm bảy ly, đến nay thì đôi khi mấy thằng đàn ông cuối chầu phải bỏ của chạy lấy người. Chiều nay, bà hào phóng xách tới cơ quan một lồng chim xanh bắt trên núi Chóp Vung quê bà, tặng anh em nhân dịp nghỉ phép mới về. Chú Huấn độ ca dao: “ Trên đời gì đẹp bằng em – Mắt xanh lưỡi đỏ lại thêm mỏ vàng – Mỏ vàng lưỡi đỏ mắt xanh – Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng”. Lão Khả ngay tắp lự mắng nó: “ Đồ hỗn xược,  gì thì gì mụ Du cũng cỡ em em má mầy”. Chú Huấn gân cổ lên cãi lấy được:   “ Cháu chỉ tức cảnh sinh tình vịnh con chim xanh, còn cỡ chị Du phải nhường cho chú”. Phiệt chóng vánh vào cuộc: “ Theo tôi, thả cho chúng lên trời là du dương cuộc sống nhất”. Huấn cũng bảo: “Tôi không phóng sinh nhưng cũng không sát sinh”. Trước tình thế ấy, bà Du xuống nước:     “ Tôi tặng anh em mang về nuôi cho vui cửa vui nhà thôi mà”. Lão Khả tưng tửng: “ Thế là bọn bay cứ lên chùa mà ở, tao nhổ lông tao nướng, thấy thơm đừng nhào vô”. Thằng Viện không bỏ lỡ cơ hội, kết luận:  “ Một con, một con, lại một con – Khen ai khéo phải ngậm bồ hòn…”.

           

Có điện thoại của thằng Linh, báo rằng sẽ mừng bát tuần thượng thọ cho thầy trưởng khoa ngày xưa. Bí thư chi đoàn lớp đã kế tục chỗ đứng của giáo sư ngày trước. Lòng anh chợt nôn nao lạ. Anh cuống quít trong việc sắp xếp ra Huế. Lớp phó Rum công tác ở Tây Nguyên xuống và chủ nhiệm câu lạc bộ Vương trong Nam ra, tụ tập ở chỗ anh uống rượu rồi cùng đi một chuyến tàu.

           Rum vẫn rộn ràng như hồi nào:

            - Lớp trưởng chúng em ở lại làm con chim đầu đàn điều hành một bầy chim nhốn nháo, nếu không nể cô chúng em sẽ băm ra hòa bột đổ bánh xèo…

            Thằng Vương dàn hòa:

            - Lớp trưởng mình có ân sủng của tạo hóa, mà đã ân sủng thì biết buông đúng lúc, không nên nắm giữ lâu, mang họa… Nào, uống, chúc mừng!

            Thằng Rum nóng gáy:

           - Tôi hiểu rồi, thưa đồng chí chủ nhiệm kính mến! Nghĩ cũng lạ, bao nhiêu anh tài, như tôi đây sức dài vai rộng sẵn sàng bỏ thây vì nàng, theo tới sao Hỏa sao Kim tôi cũng theo, nàng lại không chịu để mắt tới.

           Nó còn đế thêm:

           - Tôi tức là tức lớp trưởng ta vậy mà nhát, đã dám xông pha với nhau đi một chặng đường gian khó nhất mà không dám đi nốt cả con đường thênh thang. Ở lại đây, công việc hành chính sự vụ tối tăm mặt mũi, thì giờ đâu làm khoa học…Nước lọ cơm niêu vò võ, ai người sửa túi nâng khăn.

            Anh phải vào cuộc:

           - Thôi thôi, xin các bạn! Tình hình hồi mới giải phóng phức tạp lắm, tôi lại còn ràng buộc nhiều với mảnh đất này. Ngày ba tôi hy sinh, tôi đã hứa với vong linh ông cụ…

            Rum không chịu cách giải thích ấy. Nó cố lý luận:

           - Vong linh ông cụ sẽ rất thanh thản nếu biết con trai và con dâu bay theo mộng ước khoa học, lượm lặt trí khôn khắp năm châu bốn bể. Đợi thời điểm bây giờ trở về, quê hương sẽ trải chiếu hoa dạ xin mời anh chị đem trí tuệ ra cống hiến. Sang lắm chứ!

            Theo anh, chúng nó vẫn hiểu quá đơn giản về sự việc nàng ra nước ngoài và anh quyết định ở lại. Đặt hai hoàn cảnh lúc ấy và bây giờ trên thế tương đồng rồi suy luận là điều khập khiễng. Anh không còn sự lựa chọn nào khác.

Có lẽ chỉ giáo sư là người thấu triệt chuyện này. Nhưng giáo sư sẽ không đụng chạm tới chuyện riêng tư của nàng và anh, khi chưa có yêu cầu từ chính người trong cuộc. Vẫn mảnh sân cũ rêu phong dưới vườn táo đỏ, trước mặt là hồ sen. Huế dầm dề trong mưa đông, vẫn có những khoảng sáng nhói lòng:

           - “Passenger Pigeon!”

           - Xin đừng chê đầu bếp vụng về của người nguyên thủy!

           - Có lẽ…

           - Không vì người đẹp, đó là một trong những tội lỗi khó sám hối. Nhưng không vì người tự tin và đam mê, sau này còn khó sám hối hơn gấp bội.

             Anh bất chợt lịm người, nghe những hình bóng và âm thanh đối thoại trong ảo giác. Tưởng như mới hôm qua. Giáo sư  nhân hậu, tóc bạc như tiên ông, chống can lững thững chào. 

            Đột nhiên, nàng, chính xác là phiên - bản - nàng từ nhà bước ra theo. Đúng, đôi mắt lá răm kiêu hãnh, dáng thanh thoát nhẹ nhàng của nàng ngày ấy. Anh choáng váng, nghiêng mình đứng dậy, giáo sư  chớp chớp mắt:

           - Con gái của “Passenger Pigeon” mới đáp máy bay về nước học, nhân thể ghé thăm chúc mừng tôi!

           

Anh như Dante vừa chạm được bậc đầu tiên của chiếc thang vàng. Cô gái cũng sững sờ, đứng như trời trồng. Hình như đời anh là thế. Không có sự ngạc nhiên nào giống sự ngạc nhiên nào khi bạn bè chứng kiến những bí ẩn được phô bày của con người ít nói, kiệm luôn cả những nụ cười. Nó xé tung cái vỏ ngoài điềm đạm, mực thước, kín kẽ như  mọi người vốn hiểu.

 

            - Theo lời mama dặn, con định bay vào thăm papa trong một dịp thuận tiện, thăm núi Phượng Hoàng Ngậm Gió có bàn thờ thần mặt trời và bếp của người nguyên thủy! – Đứa con gái xa anh từ lúc còn trong bụng mẹ, ngót hai mươi năm trời không có mối liên lạc nào, đang phát âm lơ lớ bằng tất cả nỗi cố gắng máu mủ trong việc diễn đạt tình phụ tử.     

 

                                                                                                                                                                             Đỉnh Phù Nghĩa, 7.2006

 

Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 4713
Ngày đăng: 01.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện
Tản mạn ngày cuối năm - Nguyễn Thuỵ Nhã
Giữa vòng vây - Nguyễn Đức Thiện
Hoàng nữ anh lên ngôi - Nguyễn Thị Diệp Mai
Ước nguyện vớt lại quả chuông ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Trâu ở chùa - Nguyễn Nguyên An
Thử thách - Văn Chấn Ngọc
Đã 20 mùa thu người Hà Nội - Đặng Thân
Bóng mờ - Huỳnh Mẫn Chi
Cà phê sáng - Nguyễn Thị Diệp Mai