Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.716.870
 
Xưa là chợ rượu
Nguyễn Thanh Mừng

Từ thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) rẽ xuống hướng đông men theo hữu ngạn sông Thạch Đề là những bãi phù sa xanh tươi bắp đỗ liền kề những thôn xóm ẩn mình dưới bóng vông đồng và tre trúc. Thôn Thuận Thái xã Nhơn An tọa lạc trên quãng đường nầy – quãng  đường còn lưu lại các địa danh nổi tiếng Bến Rượu, Cầu Rượu, đặc biệt là Chợ Rượu – những cái tên làm ngây ngất khách đa tình: “Còn trời còn nước còn non – Còn cô hàng rượu anh còn say sưa”.

 

Những làng xóm phụ cận thành Đồ Bàn và thành Hoàng Đế dường như ẩn hiện dáng vẻ hào hoa riêng bên cạnh cái lam lũ thường nhật. Vùng mẫn cảm của kinh kỳ là ở đây chăng khi hàng trăm gánh rượu với trăm mầu trăm vị trăm loại nồng độ tập trung về phục dịch cho thảo dân, danh sĩ, hảo hớn, vua quan. Tương ứng với các chủng loại rượu là hàng trăm thứ be, nậm, bình, vò, thạp cùng những kiểu dáng phong phú, gợi cảm. Một chiếc be không quai và kiểu nắp khi dốc ngược vẫn không hề đổ rượu ra ngoài, ấy là loại bình kỵ sĩ mà người dùng mãi xông pha nơi trận mạc, ăn cơm và uống rượu trên lưng ngựa. Một chiếc nậm đáy nở bừng như hoa lê, vòi thanh như lưỡi chim hạc, địa chỉ thường trú của nó là túi thơ của một văn nhân ưa ngao du sơn thuỷ hơn là câu thúc trong dòng hoạn lộ. Một đôi bình âm dương mới thoạt nhìn đã hiện lên vẻ tôn quý và dầu dãi của càn khôn, ấy là đôi bình nghi lễ, giành cho các cuộc tế cáo trời đất thánh thần, giang san xã tắc. Những chai rượu búp hoa chuối là giành cho những người cầm cày cầm phảng, có thể rút nút lá chuối ngửa cổ tu một hơi sau khi đã nhai giòn tan một con cua nướng vội bằng cỏ khô bên bờ ruộng. Vò rượu tăm kia là gì mà khi thò gáo dừa đen nhánh vào múc tưởng như chập chờn hình ông Tơ bà Nguyệt? Chợ Rượu xưa không chỉ đựng rượu trong các đồ sành đồ sứ mà còn có cả vỏ bầu khô, sọ dừa, bong bóng trâu, thậm chí có cả những ống tre, bình trắc mật… Mỗi loại tương ứng với phong vận người hoặc mục đích lễ nghi hội hè thù tạc mà người cầm sắm.

 

Nghe nói ngày xưa có một thái tử sắp lên ngôi vua đã rời cửa thành giành hẳn một trăm ngày đêm vi hành với một trăm cái lốt khác nhau, khi là một kẻ ăn mày cùng đường, lúc là người  thợ săn bất hạnh phải bán cả cung nỏ và con chó nòi yêu dấu, hồi này là một vị quan trung chính bị thất sủng, hồi nọ thành tù binh nước người trốn về cố quốc… Chợ Rượu là nơi ông lựa chọn ngắm nhân tâm qua chén rượu để tìm ra trong muôn hình ngàn dạng một người sẽ đội vương miện hoàng hậu ngày mai. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba… đến ngày thứ chín mươi chín, ông đã uống đến chín mươi chín ve rượu khác nhau say sưa tán tụng những lời hoa mỹ điệu đàng với bao nhiêu tửu nương, duy chỉ khi đã uống đến độ bình tâm tĩnh trí, ông mới đến một ngôi hàng tranh thưa người, đối diện với một cô hàng rượu bé bỏng và không thể thốt lên  được một lời nào nữa. Không nói thì thiếu mà nói thì thừa  trước ánh mắt mỹ nhân vừa rạng rỡ vừa bí ẩn. Hình như mọi cái lốt mà ông tự khoác lên mình, tinh vi lắm, kín kẽ lắm, qua mặt hết thiên hạ nhưng không qua mặt nổi con người này đây. Một con hổ bị lóc da moi óc phơi lòng ruột trên nia thịt giữa chợ cũng không rõ ràng bằng bụng dạ tim gan của ông trước cô hàng rượu chất phác hồn nhiên kia, chất phác hồn nhiên một cách thuần khiết. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ chín mươi chín, ông mới giác ngộ rằng điều ông cho là bí hiểm không hiểu nổi, chính là sự sáng trong thuần khiết của con người. Sáng trong và thuần khiết như rượu, đại diện cho sự tinh túy của đất trời.

 

Cả quãng đời quyền quý trong thành, mọi người rót rượu cho ông uống. Chín mươi chín ngày vi hành ông tự rót rượu cho mình uống. Chỉ còn cái nấc cuối cùng của đời người, ông hiểu, là mình rót rượu cho người khác uống. Ay là điều mà đôi mắt Nàng Tiên Rượu của ông khẩn cầu ngay tại ngôi hàng thử thách chân mệnh đế vương. Giờ thì ông hiểu, chức năng của vị vua chân chính đơn giản vậy là cũng ác liệt vậy, không còn cách lựa chọn nào khác.

 

Ngày thứ một trăm là ngày bi kịch của đời ông, bi kịch của sự lựa chọn. Giá như có ai dùng móc câu tùng xẻo róc từng mảnh thịt của ông thả vào chảo dầu sôi cũng không đau đớn bằng sự dằn vặt trước cuộc lựa chọn trầm thống này. Ông hiểu, trước mắt ông chỉ có hai con đường. Ông sẽ dắt tay tác hợp cô hàng rượu và một chàng trai làng tuấn tú, thân hành rót rượu mời họ vào loan phòng sau khi nói những lời chúc phúc. Lời chúc phúc của một ông-mai-dong-thiên-tử, kẻ đại diện giang san xã tắc chăm lo cho hạnh phúc thần dân. Là vua, ông phải chấp nhận xé trái tim mình giấu trong đó tàn lửa của cuộc tình vô vọng. Còn con đường thứ hai là ông phải giành vai trò thiên tử cho một người khác, người đó là kẻ rót rượu tơ hồng cho ông và cô hàng rượu. Sau đó, ông trở thành một người chồng tốt bụng và chăm chỉ, giang san của ông là ngôi nhà tranh và người vợ hiền tấm mẳn.

 

Anh mắt sáng trong và thuần khiết của cô hàng rượu bé bỏng gửi tới ông một thông điệp bất di bất dịch của càn khôn, ấm áp vậy mà lạnh lùng như vậy.

 

Vị thái tử đã đến lúc suy kiệt, không chọn nổi một trong hai con đường. Người thì bảo ông đã chọn con đường làm vua nhưng trở thành một vị vua đầy mặc cảm tội lỗi, vật vờ chiếc bóng trước hoàng cung. Người thì bảo ông đã chọn con đường làm dân nhưng trở thành một công dân bất đắc dĩ, một ông chồng bê tha không tròn chức phận. Người thì bảo ông đã vỡ tim mà chết lúc không giờ ngày thứ một trăm, thời điểm cuối cùng để ông đưa ra quyết định. Cũng không rõ quyết định chọn ngôi báu hay chọn người tình.

 

Chỉ biết rằng Chợ Rượu từ đó nổi danh như cồn và những người hát rong đời nối tiếp đời dệt nên những bài hát thảm về mối tình kia, hát cho những tửu khách nghe. Nghe mà vui nghe mà buồn nghe mà thấm thía tùy theo cơ địa tâm tính của từng người.

 

Ay là Chợ Rượu Cổ. Chợ Rượu thời mở cõi có những phong vị riêng của khách lưu dân, khi trên tay nải mỗi kẻ lưu đày, mỗi đoàn di dân thường không thiếu chiếc nậm sành vương vấn một mùi men cố quận. Họ vỡ ruộng, phát nương, dựng nhà, lập xóm mới và ngùi trông phương bắc mù xa, ở đó họ từng có những tổ ấm, từng họp bạn chè chén dưới trăng thanh. Bên ngọn khói đốt đồng bây giờ, họ cũng lấy rượu giải sầu.Rượu không thể thiếu lúc ưu tư phiền muộn của cá nhân, rượu càng không thể vắng với lễ lạt, hội hè, đình đám, khao vọng của làng nước.

 

Trâu Dương đời Hán có bài phú về rượu(1): “Thanh giả vi tửu, trọc giả vi lễ. Khúc Tiêu Khâu chi mạch, nhượng dã Điền chi mễ. Lưu quang dịch dịch cam tư nễ nễ. Lễ tửu ký thành, lục từ ký khải, thả khuông thả lộc, tái sưu tái hựu. Thứ nhân dĩ vi hoan, quân tử dĩ vi lễ” (Dịch nghĩa: Rượu trong là tửu (rượu cay), rượu đục là lễ (rượu ngọt). Làm men bằng lúa mạch ở Tiêu Khâu, gầy rượu bằng nếp ở Dã Điền (rượu cay) trong sáng long lanh, (rượu ngọt) ngọt và đục mùi vị dồi dào. Rượu ngọt rượu cay đã thành, bình xanh đã mở, lại gạn, lại lọc, lại lượt, lại mời. Người bình dân uống cho vui, người quân từ dùng làm lễ).

__________________________

1. Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn,tập III, NXB Văn hóa thông tin 1995, trang 166

 

Chợ Rượu hoàng cung đã trở thành chợ rượu biên tái. Có thể mượn câu thơ của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính để gói hồn cốt của thời xa xưa ấy: “Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay – Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy – Tôi uống cả em và uống cả – Một trời quan tái mấy cho say”. Thời mở cõi, ở đất này người ta uống rượu bằng bát bằng vò, rượu hâm nóng kiểu Lương Sơn Bạc. Rượu rắn, rượu bìm bìm, rượu chình, rượu tỏi, rượu hồ tiêu, rượu gừng, rượu hà thủ ô, rượu mật gấu.v.v. thường xuất hiện trong hàng quán phục vụ từ người khai hoang hai sương một nắng đến trang hảo hớn hành hiệp giang hồ.

 

Vào cuối thời các chúa Nguyễn, tình hình Đàng Trong trở nên rối ren. Tuy vậy, Chợ Rượu  cũng không ngớt các tửu đồ và nhuốm mùi “chợ thế sự”. Chúng ta biết cận kề địa vực Chợ Rượu về phía  bắc là phủ Quy Nhơn, bao nhiêu hạng người tìm đến chợ khi thì dừng chân trong cuộc mưu sinh, lúc ngồi ngẫm ngợi lặng nghe thời cuộc. Nghe nói, đàn em của chàng Lía thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở đây trước khi thực hiện các cuộc tấn công bọn tham quan ô lại. Trong Vè Chàng Lía, dân gian có kể việc Lía và cha Hồ chú Nhẫn kéo từ Truông Mây về thi võ ở phủ thành Quy Nhơn. Nhưng hồi này viên giám khảo hống hách, muốn vòi tiền chứ không phải muốn tuyển chọn nhân tài thực sự. Chàng Lía hô lâu la đốt phá Trường Thi và bắt giết viên giám khảo. Tuần phủ Quy Nhơn cho quân truy đuổi đến tận Truông Mây quyết tâm san bằng sơn trại. Lía dắt quân ra đường núi lộn lại phủ thành, cõng lâu la nhảy vào đốt các dinh trại, chém đầu tuần phủ, bắt người ái thiếp của hắn mang về núi…

Thời Tây Sơn, trung ương Hoàng Đế đóng ở thành Đồ Bàn cũ, khu vực Chợ Rượu thêm phần thịnh đạt. Ở đây, rượu tập trung về bằng gánh, bằng thuyền, bằng xe trâu, xe ngựa. Ngoài rượu Bàu Đá còn có Rượu Con Cọp, Rượu Nanh Chồn, Rượu Sen Hồng, Rượu Tiên, Rượu Nếp Than danh tiếng. Như Lê Quý Đôn mô tả, người Chàm xưa “cày bằng dao, trồng bằng lửa”(1`) . Và các vùng bộ tộc thường canh tác giống lúa nếp đặc biệt này trong ngọn khói rẫy, lửa vừa tắt còn nóng lấy dao vạch đất rừng trỉa. Qua những cơn mưa tháng giêng nếp tốt mịt mù, cho đến tháng năm thì chín, dùng tay mà tuốt chứ không gặt. Loại lúa nếp này xưa thường tiến vua Thủy Xá Hỏa Xá nước Nam Bàn. Người các bộ tộc dùng măng vòi giã trộn cơm rượu làm men, nấu xong đem chôn dưới đất ba năm mới uống. Đây là loại rượu Nếp Than đặc sắc mà sau này trong Chợ Rượu người ta thường mua để biếu sui gia bày tỏ mối thịnh tình. Rượu Con Cọp nấu bằng gạo lúa Hổ chưởng đạo (lúa bàn tay cọp) tương truyền là thứ lúa cổ do những binh lính nhà Nguyên mang từ Trung Quốc qua

________________________

1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trang 122

 

trong đợt tấn công Chiêm Thành năm 1284. Rượu Sen Hồng nấu bằng lúc Hồng Liên, “hột to mà lông màu hồng và đỏ, tháng 5 trồng tháng 9  chín”(1). Rượu Nanh Chồn nấu bằng lúa Hỏa Mễ, thường  trỉa trên các vạt đồi đá sỏi bón bằng phân tro rừng. Rượu Tiên nấu bằng lúa tiên thượng hạng, “hột nhỏ dài mà trắng, vị ngọt mà thơm”(2). Đây là những giống lúa Chàm truyền thống mà nhà Tống đã từng sai sứ lấy đồ trân bảo đem đến đổi của Chiêm Thành mang về Trung Quốc cấp cho dân. Về việc giao thương buôn bán thời kỳ này, Lê Quý Đôn có viết: “Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã phủ Quy Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh ở trong hang núi thành đàn hàng trăm hàng nghìn con, có con cao tới 2 thước rưỡi và 3 thước trở lên. Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng hóa sang Phú Yên. Cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cưỡi ngựa là thường”(3). Hình ảnh con ngựa khỏe mạnh tải những sọt tre nan trong đó chứa đầy các bong bóng rượu là hình ảnh thân thuộc của Chợ Rượu lúc này, một vùng chợ truyền thống đang viên mãn với không khí say mê của anh hào tứ chiếng.

Tương truyền rằng vào một buổi chiều cuối thế kỷ XIX có một thiếu phụ bồng con phiêu dạt vào Thuận Thái, nét mặt quý phái còn đầy nỗi lo âu vì sóng gió. Một con thuyền đắm ở cửa bể Thị Nại đã bỏ lại mẹ con thiếu phụ bơ vơ cầu thực. Người đàn bà họ Ma không chồng không con sống trong căn chòi tranh bên dòng Thạch Đề đã mở cửa ân cần đón tiếp người khách lỡ độ đường. Từ đó, no đói có nhau, miếng cơm độn, con cá lá rau được chia sẻ để thiếu phụ bình tâm dưỡng sức nuôi con.

Ba tháng sau, thiếu phụ ra đi, hành tung bí ẩn như hồi ghé lại. Chỉ biết có một số người dò la tin tức rồi đến đón trong đêm. Thiếu phụ chỉ kịp dặn ân nhân: “Tui cám ơm vú, vú hãy lấy tờ vàng bạc trên thượng lương để tui điểm chỉ vào, sau này còn sống ắt tìm đến nhau”. Người đàn bà họ Ma làm theo rồi gạt nước mắt chia tay mẹ con thiếu phụ.

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, thiếu phụ tìm lại về chốn xưa đã cưu mang mình. Thuở lưu lạc, Nguyễn Anh chạy đến Ao Vuông có khấn rằng nếu mình có chân mệnh đế vương thì hãy cho voi đi. Ao Vuông thuộc khu vực thành Chánh Mẫn, thành lũy của nhà Tây Sơn. Nguyễn Anh cầu xong thì bành voi bỗng nhiên rơi xuống, sợ hãi vứt dấu vuông bỏ chạy vào Nam. Thiếu phụ

________________________

1,2. Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ, trang 195

3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trang 337.

chính là một người thiếp của Nguyễn Anh, ly tán trong cuộc thất thủ này.

 

Thiếu phụ gặp ân nhân, mừng mừng tủi tủi. Nhưng cho gì, bà già họ Ma cũng không nhận. Chỉ đáp: “Thấy người thất cơ lỡ vận thì tôi giúp vì lòng nhân, không có ý muốn đền ơn. Nếu lệnh bà có lòng xin  miễn sưu thuế cho dân làng”. Thuận Thái nhờ vậy được triều đình nhà Nguyễn miễn sưu thuế trong 30 năm. Bọn cường hào ở phủ huyện cũng không dám hạch sách dân làng vì sợ mệnh vua.  Đến thời Pháp thuộc, tuy Pháp độc quyền nấu rượu và cấm đoán mọi nơi mọi chỗ nhưng Thuận Thái vẫn ít bị dòm ngó đến. Do đó Chợ Rượu được phồn thịnh. Lúc nầy quanh Chợ Rượu là tre, duối, vông đồng um tùm, có thể giấu rượu trên chạc ba cổ thụ hay trong các lùm cây kín. Trong đêm, các nơi chở rượu đến bằng ghe, qua dòng mương Nhị Thị đến Cầu Rượu và Bến Rượu tập kết hàng. Hoặc có người gánh gánh , chở rượu bằng xe ngựa, các phương tiện truyền thống của  Chợ Rượu từ bao đời. Ngoài rượu Bầu Đá, rượu Con Cọp,  rượu Nanh Chồn … thuở trước, còn có rượu Phú Đa, rượu Bì, rượu Bạch Huê. Lúc nầy, rượu Nanh Chồn trở thành rượu thượng thặng, ngon và hiếm vì vẫn giữ được phong độ truyền thống, chưa bị lai tạp giả hiệu. Nghe nói rượu Nanh Chồn có một ưu điểm đặc biệt là khi làm thịt gà, ướp hành tiêu nước mắm gia vị xong nhớ rưới một ít rượu Nanh Chồn làm phép, xong mới bắc lên bếp, Dù là con gà già đến đâu vẫn cứ sẽ mềm và ngọt xớt từ thịt đến da, từ mề cổ đến chân móng, từ phao câu đầu cánh đến lắc lẻo khuỷu xương. Bởi vậy nó là tri kỷ của các cụ răng long đầu bạc. Rượu Con Cọp là rượu quý nhưng trở nên hơi thưa vắng vì lúa Hổ Chưởng Đạo năng suất thấp, ít kiếm được. Rượu Bạch Huê trên khằn nến có dán giấy hồng  đơn, rất phổ biến. Rượu này khi rót bong bóng dưới đáy ly nhỏ tí, càng lên cao càng to dần nhiều dần và nở xoè như một đoá hoa cúc trắng, tên Bạch Huê do đó mà có . Ông Phụng Thành ở Thuận Thái có bộ chén “Bạch Huê tiên” gồm một bình và sáu chén uống rượu. Mỗi chén có bốn ông tiên ở bốn phía. Khi rót rượu, đến lúc rượu chảy ra lỗ mũi ông tiên là vừa đầy có ngọn. Ông tri phủ Hồ Yêm muốn mua bộ chén nhưng đây là của gia bảo nên ông Phụng Thành dứt khoát không bán. Ông ta bèn cậy ông Phan Minh Bật là cựu phủ đến nài giùm nhưng vẫn không lay chuyển được ý định của chủ nhân. Tuy có quyền lực trong tay nhưng các ông phủ không có ý định cưỡng ép vì là chỗ “người biết uống rượu” với nhau. “Người biết uống rượu” chỉ mấy chữ ấy thôi làng thơ rượu giành cho nhau là đã trân trọng đến tầm. Bởi trong hàng vạn tửu đồ không ít kẻ tục tửu, lênđược hàng thượng thừa tiên tửu đâu phải dễ dàng. Có người giành cả đời để uống rượu cho  đến khi gần nhắm mắt xuôi tay mới ngộ ra là mình chỉ là “kẻ chưa biết uống rượu”.

 

Thời kỳ này, mỗi phiên họp chợ họp từ ba đến năm trăm người, phổ thông nhất là Rượu Bì. Bì là tên gọi một dụng cụ đựng rượu do ông Đỗ Bì chế tác bằng đất nung. Ông Đỗ Bì trước ở chòi Cây Da, thấy đất sét bờ chòi có nhiều tính chất phù hợp với đồ gốm, ông nặn ra đồ đựng rượu khoảng 2 lít, bầu tròn, cổ đứng, miệng dãi ra như chiếc môi trề cho dễ rót, rất thích hợp trong sử dụng của quảng đại quần chúng. Bì có hai loại,  bì đỏ đựng rượu giành đi đám tiệc, bì đen đựng rượu gia dụng thường ngày.

 

Chợ Rượu ngày nay đã hết vai trò nhưng ký ức của những người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ những hình bóng thời phồn thịnh của nó cùng với vai trò của địa cuộc An Nhơn, khi là kinh đô lúc là dinh là phủ, lúc lại là miền thảo dã. Dù thế nào đi nữa, nhắc đến Chợ Rượu Thuận Thái, những tao nhân mặc khách vẫn còn cảm khái với mùi men nồng truyền thuyết và hiện thực trên những quãng đường xưa vang bóng.

Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 2923
Ngày đăng: 01.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngó về quê Mẹ… - Lê Huỳnh Lâm
Mùa hoa giữa phố - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đến với Hội Bảo Trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nguyên An
Thành phố bây giờ... - Phạm Lưu Vũ
Bóng tối - Bích Ngân
Mẹ Ca Dao - Trần hữu Lục
Nghệ sĩ ở tỉnh… - Đào Đức Tuấn
Kẻ không cần quảng cáo - Phạm Lưu Vũ
Mùi rạ,mùi rơm trong con cá lóc - Võ Ðắc Danh
Cõi âm...Thời hội nhập - Lê Duy