Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
781
116.645.689
 
Hoàng hôn của cha.
Vũ Minh Nguyệt

Lần đầu tiên trong đời tôi bị đau đầu. Đau kinh khủng, nên mỗi đêm tôi chỉ ngủ được vài giờ đồng hồ. Trong vài giờ ấy là những cơn mộng mị không đầu, không cuối. Có đêm tôi mơ thấy thằng con trai lớn bị bọn xấu rủ rê chích ma tuý và lên cơn vật vã. Có đêm tôi lại mơ thấy cô con gái bé nhỏ bị bọn mẹ mìn bắt bán lên vùng cao cho người ta làm bẫy nhử hổ. Rõ ràng là tôi đã nhìn thấy người ta đem nó nhốt vào một cái cũi đặt trên miệng hố gài đầy que lá. Nó gào khóc dẫy dụa, tiếng khóc nghe ngằn ngặt, còn tôi lúc ấy cũng gào khóc điên cuồng. Lạ thế những lúc mơ con mình bị nạn, tỉnh dậy tôi lao sầm sầm sang phòng ngủ bọn trẻ sờ nắn, vuốt ve chúng mãi đến khi cả thằng lớn và con bé quặu cọ tôi mới chịu quay về ngủ tiếp. Lại có đêm tôi mơ thấy chồng mình đang ôm hôn một cô bé sinh viên thực tập. Mới đây nhất là một giấc mơ hãi hùng nhưng tôi đã nhớ lại được tất cả. Mẹ tôi mất. Trong lúc tang gia bối rối có một người đàn bà lạ hoắc đã quỳ lậy trước quan tài của mẹ thú tội và hứa sẽ thay mẹ chăm sóc cha tôi trong quãng đời còn lại.

 

Đã đành giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ thôi, nhưng tại sao tôi không mơ thấy được ăn tiệc trên nhà nổi Hồ Tây hay cưỡi ngựa ở sa mạc vùng Ai Cập. Mỗi lần như vậy là người tôi toát mồ hôi, tôi đập chân, đập tay, miệng ú ớ rất hãi. Tôi chỉ choàng tỉnh lại khi được chồng lay gọi rồi ôm chặt tôi vào lòng. Giấc ngủ không thể đến được nữa.

 

Bệnh đau đầu của tôi kéo dài… Cứ chiều đến hai mi mắt tôi lại trập xuống, toàn thân tôi choáng váng. Tôi chỉ muốn nằm lả xuống gường, ngủ một giấc thật ngon nhưng nằm xuống rồi lại mê man, thức thức, tỉnh tỉnh để rồi mỗi lần tỉnh dậy cả người lại đau ê ẩm, lại rã rời, lại mệt mỏi hơn.

Chồng tôi đã đưa mấy ông bác sỹ quen thân đến khám và kê thuốc mà bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Tôi vẫn bị đau đầu. Tôi đi xem bói, cô thầy bói đeo cái kính đen sì, choán gần nửa khuôn mặt bảo: Phần mộ tứ đại nhà tôi bị rễ cây đâm vào.  Cái rễ cây ấy xuyên qua mấy lớp đất và xuyên cả lần xi măng rắn chắc, chui qua lớp tiểu sành đâm vào hộp sọ của người quá cố…

 

Ngôi mộ ấy mấy năm trước đã được quy tụ lại cùng mộ của mấy đời sau nữa… Có nghĩa là tôi muốn khỏi bệnh phải cải táng lại cả ngôi mộ chung to đùng, xây rất kiên cố và rất đẹp. Chẳng biết có đúng không mà bệnh tình tôi cứ nặng thêm.

 

Đúng lúc ấy tôi nhận được điện: “ Mẹ ốm nặng, con về ngay. Bố!”. Thật là “hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai” Vợ chồng tôi cuống cuồng về quê, chỉ sợ không gặp mẹ. Đầu óc tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mẹ, đến quê nhà.

*

 

Thủa ấy tôi mười chín tuổi.

Tôi mặc quần âu xanh, áo phin trắng nõn may kiểu cổ lá sen tròn yểu điệu. Tôi đội mũ nan chứ không phải nón trắng quai nơ hồng lại viết dòng chữ “ Nón này che nắng che mưa, che cô thiếu nữ sớm trưa đi về” rất bay bướm như con gái làng. Tôi không đi được chân trần trên đường sỏi mịn.  Cánh đồng trước mặt lúp xúp những mô rạ khô nỏ chổng theo hình chóp nón. Những thủa khoai lang um tùm xanh ngắt, người ta chỉ phân biệt được luống này với luống khác bằng hàng đỗ xanh đã tơ tướp hết lá còn lơ thơ những chùm quả lép. Mẹ bảo họ để sau này dỡ khoai thì nhổ luôn cây đỗ làm cái đun  …Ở ngoài đồng chả thấy con trâu nào, lạ thế. Ngày mùa nắng nôi, cỏ lụi tàn, những bờ ruộng chỉ còn trơ cọng cỏ khô khẳng, trâu bò ăn rơm mới ngon hơn.

 

Thi đại học xong buổi sáng, buổi chiều tôi bắt đầu ra đồng với một đôi quang gánh dài lượt thượt. Mẹ bảo:

- Con quấn xà cạp vào chân, xỏ đôi găng tay vào, lấy mảnh khăn trong tủ ra mà che mặt. Con gái phải biết giữ lấy nước da của mình.

 

Tôi y hệt một cô thôn nữ nhưng lóng ngóng mãi không xếp được gánh rạ nên hồn. Vậy là mẹ lại phải làm mẫu, mẹ tóm chặt từng lọn rồi ấn đều bốn phía. Nhìn gánh rạ mà dùng cả mình:

 -  To nặng thế này con gánh không nổi mẹ ạ

 -  Bố cô, ăn thua gì mà sợ. Rạ khô nỏ, nhìn thế nhưng nhẹ lắm.

 

Tôi cất gánh lên vai, đúng là rạ nhẹ thật nhưng khó đi quá, cứ nhùng nhằng, gió gạt ngang gánh rạ cản bước chân tôi lại. Vậy là tôi hiểu không ai lại đi gánh rạ buổi nắng nôi mà việc thu rạ là công đoạn cuối cùng, nhàn nhã, vui vẻ nhất của vụ gặt, người ta chỉ tranh thủ vào những buổi cuối mùa, khi trời có dấu hiệu sắp mưa. Tôi sinh ra ở nhà quê mà đâu có biết những điều ấy. Mẹ đã gánh vác hết tất cả mọi việc đồng áng dành thời gian cho tôi học. Tôi lớn lên ở nông thôn nhưng công việc đồng áng rất vụng về, khờ dại…

 

Thủa ấy tôi mười chín tuổi.

Khi những gánh rạ cồng kềnh đặt xuống chắn hết cả lối đi. Những người đằng sau dù vội cũng phải thả gánh mà nghỉ ngơi, hóng gió đồng, người nhà nông quý những phút giây nhàn nhã hiếm hoi lắm. Mọi người kê đòn gánh bên vệ đường hể hả nói cười, đoán tướng, đoán số. Lúc ấy mặt đất đã sẫm lại nhưng ở phía Tây đỏ rừng rực, gió mát lồng lộng, tôi chợt nhận ra hoàng hôn quê tôi có mầu nâu đất, lại thoang thoảng mùi thơm cỏ mật, ngai ngái bùn non…chứ không tím buồn như sách vở. Hoá ra tôi đã có bao nhiêu buổi hoàng hôn như vậy mà không nhận ra cũng như tôi đã quên cả tuổi thơ, quên cả thời thanh nữ ở làng.

 

Đấy là mùa hè cuối cùng của tôi ở quê. Tôi đỗ đại học, năm năm đèn sách, ra công tác và lấy chồng thành phố. Quê nhà, đồng ruộng nơi tôi sinh ra đã xa vời vợi.

 

Tôi sinh con trai đầu lòng rồi con gái út sau, công nọ việc kia bận rộn quanh năm. Thỉnh thoảng lắm mới đưa con về quê một vài buổi với mẹ. Cuộc đời cứ êm ả trôi đi như vậy nếu như không có một ngày tôi phát hiện chồng tôi yêu đứa con gái khác, tôi khóc lóc, vật vã và đòi tự tử.

 

Mẹ khoác đồ lên thành phố với con cháu. Mẹ thu nhặt hết quần áo bẩn của cả nhà mà mấy ngày tôi không nhìn ngó, giặt sạch sẽ, gấp xếp gọn gàng của mỗi người vào một cái tủ. Mẹ lôi từ ngăn dưới tủ quần áo của con trai ra một đống những giấy vụn, vỏ ốc, cả xương gà và nhiều thứ lổn nhổn nữa, thì ra chuột đã tha ở đâu về làm tổ từ khi nào tôi không để ý. “ Con ơi đàn bà con gái phải…” Đàn bà con gái phải thế nọ, phải thế kia… Tôi đã nghe trăm ngàn lần câu ấy từ ngày ngồi dạng thẻ chân ra đánh chuyền nơi đầu ngõ. Vậy mà bây giờ tôi thành thiếu phụ cao sang, đài các. Tôi biết viết ra trăm ngàn câu văn bay bổng tận trời mây. Tôi cũng biết kích nhẹ “ con chuột” là cả thế giới đông tây kim cổ hiện về. Nhưng tôi đã mải lang thang trên phố tìm vào các cửa hiệu thời trang nổi tiếng nhất, sắm cho mình những bộ áo, váy yêu kiều nhất để đến vũ trường mỗi buổi tối. Tôi còn dành thời gian ngồi nghe tí tách tiếng cà phê rơi tìm cảm hứng văn chương. “ Con ơi đàn bà, con gái phải…” câu nói muôn thủa của mẹ chỉ còn lẩn vẩn trong đầu tôi khi đêm về đơn chiếc. Để rồi âm điệu sập xình, những mốt áo quần lại quấn tôi đi…

 

Mẹ lùa những ngón tay ram ráp còn ngai ngái hơi bùn vào mái tóc nhuộm mầu hạt dẻ rối tung, rối mù mấy ngày tôi không chải. “ Đầu bù , tóc rối con tôi”, mẹ vuốt nhẹ mái tóc còn tôi lại oà khóc -  bỗng dưng tôi trở thành đứa trẻ. Mẹ bắt tôi ngồi dậy, thay quần áo, tôi nhìn cái mặt không son phấn trong gương tưởng không nhận ra mình nữa.

- Bôi tý phấn sáp vào con ạ.

 

Tôi bật cười vì câu nói của mẹ. Bình thường, mỗi lần thấy tôi ngồi trước gương trang điểm là mẹ nhắc: “Phấn sáp nó làm hại da”. Mà mẹ không biết giá của một hộp phấn con đang dùng bằng nửa tấn thóc của mẹ thì sao làm hại da con được. Hai mẹ con tôi lang thang khắp chợ, mẹ tìm mua toàn những thứ quen thuộc với quê nhà: mấy lạng cua đồng, một bó rau rút, rau muống, khoai sọ. Vừa đi, mẹ vừa kể chuyện: “ Con có nhớ bá Lan không ? Tội quá, hiền lành như vậy mà đến lúc chết vẫn khổ, ở một mình cảm chết mấy ngày hàng xóm mới phát hiện ra… Vừa rồi xã tổ chức cắt đất bán cho người ta làm nhà, dưng mà dân làm gì có tiền mua thành thử đất của mình mà toàn người nơi khác đến ở…Cái con nái nhà mình chín mười năm rồi mà vẫn khéo đẻ…”. Toàn những chuyện chả liên quan gì đến việc chồng tôi bồ bịch mà tôi thấy nguôi ngoai chút ít. Mẹ dậy tôi nấu chè khoai môn thật ngon, thứ mà trước đây chồng tôi thích ăn nhất. Mẹ dậy tôi nấu canh hoa lý với thịt nạc, vừa ngọt, vừa thơm mát đến tận ruột gan, mẹ tôi cứ thủ thỉ: Chồng con là đứa con trai tốt, tại con bỏ bê con cái, ham vui bạn bè… Xưa cha con đau dạ dày mà mẹ không bao giờ biết đến quả chuối tiêu, dù mẹ thích ăn chuối lắm “ đàn bà con gái phải thế”. Xưa cha con đi vắng quanh năm … Mẹ khác con chứ, ngày xưa khác bây giờ chứ mẹ ơi!

 

Mẹ tôi tham công, tiếc việc, những ngày nông nhàn đồng áng, mẹ lại ngồi vào khung thêu kiếm thêm công điểm. Áo nâu non chít chặt tấm eo thon, quần xa tanh đen nhóng nhánh, búi tóc dày quấn gọn sau gáy, trông mẹ thung dung, óng ả như người thành phố. Ngày cha mẹ cất ngôi nhà mới trên nền đất cũ, ai cũng bảo nhà ít người mấy đứa con học giỏi thế sau này chúng sẽ sống ở thành phố chứ không về quê với mẹ. Nhiều khi tôi cứ nghĩ không biết mẹ lấy đâu ra thời gian và sức lực để cáng đáng một núi công việc như vậy. Cha tôi chỉ khen mẹ mát tay nên vườn cây mùa nào thức ấy trĩu quả. Mẹ lại thả đủ các loại cá xuống cái ao nhỏ sau nhà, vậy mà còn tham nuôi cả đàn vịt bầu chổng đít rúc ao bèo rồi kêu ầm ĩ cả ngày. Cha tôi trêu mẹ tiếc mấy quả trứng vịt làm mất mỹ quan của cái ao. Cha tôi là cán bộ viên chức trong một cơ quan thuộc ngành Thuỷ lợi, mỗi năm vài ba bận ông về nghỉ lễ, tết. Hết mấy ngày rộn rã cha lại đùm gói ra cơ quan, ở đấy còn nhiều việc đang chờ ông. Cha về mấy ngày rồi cha lại ra đi, mẹ nói cười nồng nã bên cha như những ngày son trẻ. Một mình mẹ nuôi ba chị em tôi, một mình mẹ lại phải lo liệu đình đám, ma chạy, cưới hỏi trong họ mạc. Làng xóm luôn lấy mẹ tôi ra làm gương để học tập.

 

Ngày nghỉ, chồng tôi quanh quẩn ra vào, buổi trưa tôi nằm còng queo, quay mặt vào tường dỗ giấc ngủ. Anh nằm quay lại phía tôi theo tư thế úp thìa, anh ôm tôi vào lòng. Tôi giận hờn không tha thứ cho anh. Tôi hậm hực rủa chồng là đồ tồi tệ. Tôi hận anh nên uống nước rau răm rồi mặc váy mỏng tanh lên gường nhưng cấm anh sờ vào người tôi. Mẹ biết chuyện lại thì thầm to nhỏ. Con là đứa con biết nghe lời nhưng điều này con không thể nghe mẹ được.Trong thâm tâm tôi chỉ mong chồng tôi đứng đắn, tử tế như cha tôi. Trên đời này chỉ có cha tôi là nhất. Cha hiền lành đàng hoàng chung thuỷ. Cha mẹ không hề cãi cọ nhau bao giờ, cha mẹ xa nhau nhưng hiểu nhau đến tận chân răng, kẽ tóc.  Cha mẹ là đôi vợ chồng đẹp nhất thế gian … Tôi lại ao ước giá mà chồng tôi được như cha… Phụ nữ ai chả ước được như vậy.

 

*

 

Nguyên – Bạn tôi hai mươi sáu tuổi, kém tôi đúng một con giáp. Nguyên cao một thước tám,  mặt đẹp như mặt chúa. Nguyên là trưởng phòng kinh doanh một công ty phần mềm đang ăn lên, làm ra. Nguyên quen với tôi từ một lớp học ngoại ngữ buổi tối. Hai cơ quan lại gần nhau nên thỉnh thoảng lại nhắn tin í ới gọi nhau đi ăn cơm trưa. Trong cuộc sống có điều gì cấn vấn, buồn phiền tôi lại tâm sự với Nguyên. Có mấy anh chị lớn tuổi ở cơ quan tôi trêu : “ Cẩn thận lửa gần rơm …”. Tôi nghĩ họ bậy bạ, thực tình tôi thấy quý Nguyên đặc biệt, tôi muốn được che chở, bù đắp cho Nguyên như một người chị gái. Đi đâu họ cũng bảo hai chị em tôi giống nhau như đúc, thế mới lạ. Với Nguyên tôi cứ có một cái gì đó gần gũi, thân thiết có khi còn hơn cả mấy đứa em ruột thịt của tôi. Hai đứa con tôi cũng quý chú Nguyên lắm. Tôi muốn đưa hai đứa đi chơi đâu, thằng cu lớn lại hỏi: “ Có chú Nguyên đi cùng con mới đi”. Nhiều hôm tôi giận chồng, Nguyên lại tìm những lời lẽ thân tình hoà giải – những lúc thế này, Nguyên như anh trai tôi vậy. Lại có lúc tôi nghĩ không biết sau này lấy vợ rồi em có phản bội vợ em không?

 

Nguyên kể: “ Cha mẹ em không phải là vợ chồng. Họ cũng không yêu nhau. Em được sinh ra trong một lần mẹ em đi chống bão lụt. Cha em là một người đàn ông tốt, trước họ làm  cùng cơ quan với nhau. Mẹ em thấy ông hiền lành tốt bụng nên chủ động xin ông một đứa con. Mẹ em vào Miền Nam từ ngày em còn nhỏ. Em ở với bà ngoại nhưng sống chủ yếu bằng tiền chu cấp của cha em. Tuy nhiên em chưa biết mặt cha bao giờ. Ngày còn nhỏ mỗi lần bạn bè nô đùa, trêu chọc, em thường chui vào một xó khóc. Bà ngoại em lại lọ mọ đi tìm vừa dỗ dành, vừa lẩm bẩm điều gì đó. Bây giờ thì ổn rồi, mẹ em cũng có một gia đình yên ấm, nghe nói cha em đã nghỉ hưu về quê với vợ con ông, nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi tiền và quà cho hai bà cháu. Em không thể không nhận vì không biết địa chỉ để gửi trả.  Với lại cũng phải để người lớn có trách nhiệm với việc mình đã làm. Mẹ em muốn giữ hạnh phúc cho gia đình ông. Hình như đấy cũng là một cuộc thương lượng giữa mẹ em và vợ ông ấy. Suốt đời mẹ em yêu ông ấy nhưng mẹ em là người đến muộn nên lỡ làng còn ông ấy lại rất yêu vợ con …”

- Yêu đứa nào đi Nguyên ạ!

- Em chả thấy hợp với ai cả. Có một cô bé rất xinh làm cùng phòng thì mở mồm ra là thấy xe cộ, nhà cửa…

- Cái chính là em có thích nó không?

 

Nói với nhau thì vậy, nhưng tôi đã định nay mai đứa em gái út của tôi học xong tôi sẽ kéo cho hai đứa yêu nhau, tôi cứ tin ý định của mình sẽ được suôn sẻ. Nhưng hình như dạo này mắt tôi hư đốn hơn. Ánh mắt vô tình của tôi cứ xoáy vào cái gáy vuông vạm vỡ của Nguyên. Chiều uống cà phê trong quán vắng, trời lạnh mà mặt mũi tôi cứ nóng bừng bừng. Y hệt như ngày xưa tôi mới gặp chồng tôi vậy. May mà Nguyên vô tư, em ý tứ không nhìn vào mắt tôi.

 

Đúng lúc tôi gặp vướng mắc, suy sụp, bi đát nhất thì Nguyên biến đi đâu cả tuần, điện thoại, nhắn tin đều không được, tôi gọi đến cơ quan lần nào cũng được trả lời: Nguyên đi công tác.

*

 

Tôi về quê chăm sóc mẹ ốm được hai ngày thì thấy tin nhắn của Nguyên, ra là em đi thăm mẹ tận Biên Hoà. Em bảo: “ Có một tin hay lắm. Hôm nào ra em sẽ kể cho mà nghe, rồi em úp mở:  “ Em đã biết được tung tích của cha em”. Tôi thấy mừng cho Nguyên nhưng lại thở dài tưởng tượng ra sắp mất một thứ gì đấy rất mơ hồ.

 

Sông quê tôi mùa này cạn nước ở bên này nhìn sang bên kia rõ mồn một. Ngày còn nhỏ mỗi lần đi học về tôi lại đứng trên mặt đê, đúng chỗ chênh vênh nhất khúc vòng cung uốn lượn, nhìn mênh mông xa tít nơi mố cầu. Có hôm lại thập thõm đếm bước chân từ đầu đê về đến đầu xóm. Bao nhiêu năm rồi, cảnh vật đã không hề đổi khác. Bây giờ tôi lại đứng nhìn sang tận bờ bên kia. Sông nước ngoằn ngoèo thao thiết chảy xuôi về phía biển. Nắng loang loáng nhạt dần dưới triền đê, cả bãi cỏ xanh mênh mông trải dài dưới tầm mắt, cỏ thẫm dần cùng với chiều trôi đi chầm chậm, tôi thấy mình nhỏ bé trong hoàng hôn mầu nâu sẫm. Từ lúc nhận tin nhắn của Nguyên,  người tôi thảnh thơi lạ, đầu óc không đau nhưng còn hơi nằng nặng. Chồng tôi cười tươi, anh khen ông bác sỹ già hôm trước giỏi thật, dù tôi đã dấu chồng cất hết những viên thuốc đắt tiền vào một chỗ.

 

Cha tôi mặc bộ phi da ma mầu lơ trời xắn gọn. Cha đi ra, đi vào, khi ngồi trên gường, sờ tay lên trán mẹ, khi ra vườn tưới cây, lúc lại xúc cho bầy gà nắm thóc. Vậy nên cứ thấy bóng cha ở đâu lũ ngan, gà, vịt lại theo sau lốc ngốc. Vừa thấy ông thấp thoáng ngoài vườn lại thấy ông kỳ cạch gõ lại cái xô mà thằng cháu nội đã làm méo.

- Hôm nào cha bớt thời gian ra cơ quan thăm các cô, các chú một chuyến.

 

Cha tôi chỉ ờ ờ hiền lành nhưng lại lảng đi chuyện khác dù mẹ sốt sắng phụ hoạ theo. Hơn mười năm rồi từ khi về hưu cha không hề trở lại nơi cha từng sống gần như cả cuộc đời. Tuổi già, xe cộ, đường xá xa xôi cha tôi ngại. Hình như cha tôi không muốn xa mẹ một ngày nào nữa. Chạnh lòng nghĩ đến chồng, tôi thấy mình hèn hạ, cố chấp, ích kỷ vô cùng.

 

Những ngày còn đi học cấp ba trường huyện, cha tôi còn đang công tác xa nhà, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng đi chợ huyện. Chợ cách trường tôi học một quãng đường, có hôm ra chơi hết tiết một, tôi gặp mẹ từ Bưu điện đi ra, mẹ bảo: “Mẹ đi mua mấy thứ, tiện thể gửi cho bố lá thư”. Chợ quê tôi họp phiên cách ngày, chợ nhỏ nhưng chả thiếu thứ gì. Thế mà mẹ vẫn lóc cóc đạp xe đi, vài tháng một lần. Đi chợ huyện xa xôi lúc về mẹ chẳng mua gì khác mọi ngày, lạng chè khô đổ vào hộp cho cha, mảnh vải để cắt may cái áo mát, vài lạng thịt nạc như mọi khi. Có hôm mưa phùn gió bấc, rét cắt da, cắt thịt mẹ vẫn xăm xắn lôi xe đạp ra đi chợ huyện. Cha tôi bực mình gắt: “Thì những thứ ấy có thiếu gì ở chợ mình mà bà phải lên tận chợ huyện cho vất vả”. Nhưng lâu nay mẹ ít đi chợ huyện lắm, chỉ năm đôi ba lần, thi thoảng cha tôi còn trêu mẹ: “ Lâu không được ăn, tôi lại thấy thèm thịt chợ huyện rồi bà ạ…” Mẹ tôi chả nói gì chỉ ánh mắt ngẩng lên nhìn cha trĩu buồn nhưng mặt mẹ lại giãn ra như vừa trút xong một gánh nặng.

 

Đã là ngày thứ ba ở quê. Bệnh tình mẹ tôi vẫn không thuyên giảm. Đêm thức chăm mẹ mệt quá, thiếp đi, khi tôi tỉnh dậy thì ánh nắng đã xuyên qua khe cửa sổ. Gió sớm từ ngoài sông thổi rì rào qua bãi ngô mát rười rượi. Chồng tôi cũng vừa dậy ưỡn vai làm vài động tác thể dục. Anh quay ra thấy tôi vươn người với quả nhót đầu cành chín ưng ửng bên vườn: “ Có khi phải chuyển em về quê sống thôi”. Tôi thấy cay cay ở mắt, chợt một ý nghĩ cay độc lại loé lên : “ Chắc anh muốn tống tôi về quê để tự do bồ bịch…” nhưng thấy dịu lại ngay vì hàm răng lấp loá bừng lên trên khuôn mặt rất đàn ông của anh. Lớp lông chân  rậm rạp, xanh rì, xoắn tít lại với nhau quằn qoại. Lại quang quác mấy con vịt bầu chổng đít rúc bèo dưới ao, lại tiếng chính chích gọi gà của cha tôi ngoài vườn.

 

Cuối cùng mẹ tôi vẫn ra đi.

Buổi chiều sau lễ cúng ba ngày cho mẹ, tôi bần thần tìm giở lại các rương, hòm tủ xem đồ đạc của mẹ còn sót thứ nào hoá đi để mẹ có cái dùng nơi chín suối. Tìm mãi vẫn chỉ ngăn nắp mấy bộ quần áo cũ gấp sạch sẽ dưới đáy tủ, tất cả giấy khen của chúng tôi ngày phổ thông, mấy tấm ảnh gia đình mờ nhạt, những bức thư cha tôi viết cho mẹ mầu mực đã mờ ố. Thương mẹ quá, cả đời tần tảo vì chồng, vì con, đến lúc chết vẫn không có một thứ gì đáng giá cho riêng mình. Vừa sắp xếp tôi vừa rấm rức khóc, đầu óc tôi bâng lâng. Trong buồng đứa em gái tôi đang xụt xịt, tôi lại nghĩ đến Nguyên, tôi  tin rằng nó sẽ thành em rể tôi, chỉ có giao con bé vào tay Nguyên tôi mới yên tâm được. “Giầu con út, khó con út”, con bé thế mà vất vả, thương mẹ, thương em tôi đâm nghĩ ngợi lung tung… Mai kia em tôi lấy chồng, nó sẽ không có mẹ dặn “ Đàn bà đêm đi ngủ nhớ mang theo một vật nhọn găm vào đầu gường… đừng bao giờ vuốt sống lưng của chồng khi ân ái…” nhiều lắm, mẹ dặn đủ thứ tôi chưa biết.

 

Lần tay xuống tận đáy lót báo cũ của chiếc hòm nhỏ là một cái phong bì dày cộp, tưởng mẹ tôi cất tiền nong hay sổ tiết kiệm, tôi gọi các em và cả cha tôi nữa mới mở gói giấy. Không có tiền, không có vàng bạc hay thư từ riêng chung nào mà là một tập biên lai, biên nhận mẹ tôi gửi tiền qua Bưu điện đến một người đàn bà có địa chỉ lạ hoắc. Những năm gần đây người nhận lại là Hưng Nguyên… Lớp … Trường… Rồi đến Hưng Nguyên…Phòng kinh doanh… Công ty phần mềm X. Ra là Nguyên của tôi, thằng “em trai” tội nghiệp của tôi. Đất trời rộng lớn bao la nhưng thiên mệnh con người lại chật hẹp vô tình. Tim tôi thót lại, mồ hôi túa ra, trời đất trước mặt tôi sầm tối. Cha đứng ở sau tôi từ lúc nào đó mà tôi không biết. Sắc mặt cha tôi tái dại, ông ngả dần, ngả dần về phía sau. Cha tôi lên cơn co thắt động mạch vành, thằng em trai bình tĩnh hơn, nó tìm được hộp thuốc của cha ngay lập tức. Mấy viên thuốc nhiệm mầu làm cho cha tôi tỉnh lại, ông ngồi tựa hẳn lưng vào thành gường, lần đầu tiên tôi nhận ra, cha tôi đã già quá rồi, trên khuôn mặt khắc khổ của ông ướt nhoè nước. Cha khóc thương mẹ hay ân hận với lỗi lầm của mình. Có lẽ là cả hai. Thoáng chợt tôi nghĩ: như mẹ bây giờ lại sung sướng, chiến tranh, giông bão, gió mưa, mưu toan, lo liệu đều vô nghĩa. 

 

Thắc mắc, hoặc nghi những lần mẹ đạp xe lên chợ huyện đã rõ, vậy là mẹ tôi đều đặn gửi tiền nuôi con riêng của chồng. Cả cha con tôi, cả Nguyên nữa, tất cả đều dại khờ và nhỏ bé, vô vị trước vong linh mẹ. Có thể đêm nay em sẽ tìm được cha em, nhưng sẽ chẳng bao giờ em gặp được người đàn bà vĩ đại đã trùm bóng mát xuống quãng đời thơ dại, thiếu vắng của em.

 

Chiều đang buông phủ dần bóng tối. Một cánh bãi chân đê xào xạc gió, dòng sông vô tình thao thiết chảy xuôi về phía biển. Cánh đồng xa lúp xúp hàng rạ chổng hình chóp nón. Những cơn giông sấm chớp với cuộc đời bể dâu… xa mãi rồi. Ngoài kia, tất cả đang bị phủ trùm dưới nhập nhoạng hoàng hôn mầu nâu sẫm./ .  

 

Tháng 7. 2004

Vũ Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1920
Ngày đăng: 23.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đông chí - Trương Thái Du
Hắc đại bàng - Hoàng Nhật Tuyên
Chiếc bài ngà phiêu lãng - Trần Hạ Tháp
Ký ức Trường Sơn - Huỳnh Văn Úc
Di chúc mùa xuân - Lê Vũ
Người đi tìm hồn - Lê Xuân Tiến
Tiếng đàn kìm - Nguyễn Minh Phúc
Hoài vọng - Văn Xương
Con báo - Nguyễn Khắc Phước
Những người đàn bà ở bến sông - Vũ Minh Nguyệt