Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
702
116.668.970
 
Gương mặt!
Đỗ Thư

Quy thừ người, lẳng lặng gạch gạch rồi xoá xoá, bức tranh vẫn ỳ ra, lạnh lùng vô cảm. Bó gối trầm ngâm một lúc, ừ, thì thôi, cứ gác lại đã, làm sau. Bước chân ra khỏi phòng, không quên ném lại cái gương mặt khuằm khuặm đau khổ kia một cái nhìn liếc xéo, bực tức và có gì đó bất lực. Quy muốn diễn tả một con người mà tất cả những gì thẳm sâu nhất, tồi tệ nhất và đẹp đẽ nhất, nhưng nhận ra năng lực mình bị giới hạn quá nhiều. Quy ghét phải công nhận điều đó, đã bao lần rồi, từ ngày theo cha đi khắp các ngõ ngách phố phường Hà Nội , kể cả những vùng hẻo lánh hoang sơ, Quy đã ao ước được sống trọn vẹn cùng cây cọ vẽ và những gam màu, được sáng tạo nhưng càng ngày càng thấy mình tuột dài trong nỗi hi vọng không được đền đáp. Càng ngày, cái dốc càng dài và thẳng đứng hơn. Người ta bảo, Quy có khả năng nhưng chính bản thân Quy biết mình đang ở vị trí nào. Có thể Quy quá tham vọng, quá mơ mộng và ảo tưởng. Dù như thế nào thì Quy vẫn chấp nhận. Đã đi phải đi đến tận cùng. Nhưng càng đi lại càng hun hút. Không tự an ủi mình bằng một thứ triết lý của lòng kiên trì và sự nhẫn nại, có thể Quy đã bỏ cuộc từ lâu rồi, giống như nhiều thứ khác, nhiều con người khác đã không đủ kiên trì để chờ đợi, cuối cùng phải từ bỏ trong thầm lặng, từ bỏ Quy mà đi trên những con đường khác, có thể không đẹp nhưng chắc chắn và đảm bảo hơn. Con bạn thân bảo Quy điên, Quy chỉ cười: “ cũng may còn tao điên với mày, không thì cô đơn cho mày biết”. Đứa nào cũng có những chỗ điên khùng của mình, và đứa nào cũng trong tận đáy lòng mình mong đứa kia mau chóng thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của những tham vọng và khát khao, để được bình thường, để được vui vẻ sống, vô tư và hồn nhiên như trước đây, đã bao lâu rồi nhỉ, từ khi người ta bắt đầu biết yêu một cái gì đó, mà ranh giới của tình yêu và đam mê, bắt đầu từ lúc nào thì mấy người biết được. Một bên là cây bút lông, một bên là cây bút mực, cây nào khổ hơn. Cả hai đều thấy mình khổ mà đều không khổ, cứ mải miết với những sự lựa chọn và ước mơ riêng, không cam chịu, không bằng lòng với những gì mình có, rồi đau khổ, rồi thất vọng, mất đi nhiều thứ, nhưng cũng không thể nào thoát ra được. Biết mình phải làm gì và không nên làm gì nhưng bước chân thì cứ vô thức bước vào cái quãng đường trống gập ghềnh sỏi đá ấy, một cái vực sâu đầy ma lực. Hấp dẫn đấy nhưng cũng đầy những thứ mà người ta gọi là mặt trái. Có lẽ nó giống như một trò cá cược, mà người ngồi vào bàn cược tự đặt chính tương lai của mình lên để cá. Thế thôi.

           

Bước xuống lan can, gặp chị dâu vừa ngái ngủ vừa bước ra khỏi phòng, cái bụng to tròn bệ vệ không đủ để che giấu cho một gương mặt còn non, búng ra sữa kêu tanh tách… hà!  Mới mười tám tuổi đầu, vừa đủ tuổi để kết hôn theo luật pháp, chưa đủ để nhận thức được hết những điều mình làm, đã chuẩn bị làm mẹ. Không biết là sướng hay khổ đây? Hai vợ chồng trẻ con và một đứa trẻ thứ ba sắp chào đời, ngày ngày ngửa tay xin tiền bố mẹ. Đời không vui, không buồn, không suy nghĩ. Quy không muốn và chưa bao giờ muốn tự đặt mình vào vị trí ấy . Với cô, cuộc sống còn nhiều thứ khác để vươn tới hơn, đó có phải là tham vọng không mà người ta bảo cô lạnh lùng và tham vọng? Quy cũng có một trái tim chứ, hai hai tuổi đầu, vẫn chẳng đâu vào đâu, tình đến rồi đi cũng chỉ như một sự tình cờ.

           

Bố ngồi trầm ngâm ngậm tẩu trên đi văng, trên bàn ấm trà tàu còn bốc khói, mùi thơm thoang thoảng, bố cũng lạ, pha chỉ để đấy mà thôi, không có người đối ẩm, chẳng đụng đến một giọt bao giờ, chỉ để thưởng thức cái hương trà nồng nồng, đăng đắng rồi chìm sâu dần trong những suy nghĩ mà chỉ có thời gian mới có thể cho biết được là có những gì. Những gương mặt trên tường lặng lẽ nhìn nhau cười. Quy cũng bật cười, có cái gì đó giống sự khoa trương ở cái lối bày biện. Hai hoạ sĩ trong một căn nhà, liệu có quá nhiều không? Một đã quá già cho một sự sáng tạo vốn không còn hào hứng với những cái gì đổi thay quá nhiều, đã đi qua quá nhiều chặng đường, gặp quá nhiều chuyện nhập nhằng với những đúng sai thì cảm hứng cũng như một cánh đồng đã bị cày xới nhiều lần mà người ta thì lại quên mất rằng, nó cũng cần được ăn, được chăm sóc, cứ lụi dần đi, chỉ còn sáng bằng một thứ ánh sáng của quá khứ vinh quang. Còn một, cũng chỉ đang chập chững bước vào ngưỡng cửa của nghề, với những hi vọng và thất vọng tạm thời, đôi khi tuyệt vọng, đôi khi hi vọng… và đôi khi nghi ngờ cả chính mình. Đã lâu rồi hai cha con không ngồi nói chuyện với nhau, hình như khoảng cách thế hệ cứ dài ra, cứ rộng ra mãi mà không thể nào chạm tới được gần nhau hơn. Mặc dù cũng chính bàn tay ấy, đã cầm bàn tay nhỏ bé hơn, lững thững dắt vào con đường ấy. Và rồi, lạc tông đi theo những hướng khác nhau. Nói gì thì nói, có thể chính cái đam mê cộng với cái bảo thủ cố hữu mà hai cha con ngày càng cách biệt. Để không động chạm tới, tốt nhất không bàn nhiều.

           

Vậy mà dường như trong căn nhà này chỉ có hai cha con là thuộc về một thế giới khác, không thực nhưng cũng không kém phần nghiệt ngã như anh từng nói. Mẹ, không yêu cái thứ gọi là nghệ thuật, không hiểu và quan tâm vừa đủ để thể hiện lòng yêu thương vô bờ với chồng con, niềm cảm thông với những ước muốn khát khao của chồng con, mẹ chỉ biết một điều, mẹ yêu bố cũng như cô, cũng như anh_ đã bước vào cái đoạn lững thững giữa số hai và số ba đầu hai con số tuổi đời, vẫn phân vân như một đứa trẻ, không đam mê không khát vọng, hạnh phúc nằm ở sự bình yên. Cả đời mẹ miệt mài với những con số, những tính toán để nhẹ dần gánh nặng vai cha, anh có lẽ cũng thế. Anh trai. Quy có cảm tưởng như những bản nhạc quá ồn ã và thừa mứa những thanh âm lạc dòng. Mẹ là thế giới thực, để đi bên cạnh một thế giới mơ, cho nó cân lại giữa dòng đời. Không va chạm, sống hiền lành, lững thững như một dòng sông trôi ở miền đồng bằng bằng phẳng.

           

Cuộc sống có rất nhiều điều không thể hiểu nổi , trước kia đã thế, giờ đây vẫn vậy, nhiều tới nỗi không còn buồn đi tìm câu trả lời nữa. Cuộc sống cứ nên để nó trôi đi như những gì vốn có và cần có.

           

Dắt xe ra ngoài , trời nắng nhẹ, có phần hơi u buồn, cái buồn phảng phất trên nền trời trăng trắng, bằng lặng và im ắng, không phải thanh bình. Cơ hồ như ẩn giấu đằng sau đó là một cái gì khác, khác hẳn . Quy ghét, ghét cái cảnh này. Ghét buồn, vì cái buồn chẳng dội lên mà cứ âm ỉ gặm nhấm trong người, bực bội và khó chịu, nhoi nhói như một thứ ung nhọt, lắm lúc muốn vỡ tung ra mà còn ngập ngững không biết là đúng hay sai. Vậy mà cũng qua, qua hết, kể cả cái ngày mà Tùng rời đi, không từ biệt. Thế giới của anh khác, của Quy khác. Quy cứ tự an ủi lòng mình như vậy , nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn cứ thấy như xót xa, như thấy có lỗi mình là người đã bẻ cong con đường anh đi theo một hướng khác. Tiếc nuối ư, có tiếc nuối, buồn ư, có buồn, nhưng ân hận thì không, mỗi người phải lựa chọn cho mình những quyết định riêng, Quy đã lựa chọn và anh cũng đã lựa chọn, không thể lấy áp lực của mình để áp đặt lên người khác. Thế thôi. Đôi lúc muốn an ủi, muốn chạm vào chỗ gọi là nỗi đau mà không dám, chỉ sợ mình lại kéo dài nó ra, khoét rộng nó ta. Anh ra đi cũng là một cách để cả hai an lòng,… đến bây giờ, những giấc mơ vẫn cứ chập chờn, thấy nhiều, nhớ nhiều, trống rỗng cũng nhiều. những giấc mơ không kéo dài được quá khứ, không thay đổi được hiện tại. nhanh thật, mấy năm rồi.

           

Gió mát, hình như hơi lành lạnh. Tới đường Bưởi thì mạnh hơn, xô đuổi nhau rào rạt. Mưa lộp độp trên lá, trên mặt đường rồi trên vai. Mưa như trút nước, nhạt nhoà. Quy tấp vào một trạm xe bus, chờ đợi cơn mưa qua. Màn mưa dày nhưng trời thì không đục, sẽ qua nhanh thôi. Theo thói quen, Quy đưa mắt quan sát xung quanh. Một bà già, một cô gái, một đôi vợ chồng. Mỗi người một gương mặt, một hình hài của sự ngóng trông. Nếu là Tuệ, hẳn nó sẽ không để cho những gương mặt kia được bình thản như thế, sẽ mổ xẻ nó ra trong những triền miên suy nghĩ, trong những đấu tranh nội cảm mà chỉ có trí tưởng tượng của nó mới có thể phát hiện ra nổi, rồi mặc sức tung hê. Quy bị thu hút bởi cặp vợ chồng kế bên, đó là đoán thế, và tránh để không bị đánh giá là khiếm nhã. Không trẻ cũng không già, tầm gần 40 gì đó. Thể hiện ở cách ăn mặc, ở cái cách mà họ nhìn nhau, kể cả khi đang giận nhau. Nước mắt ầng ậng trên gương mặt, cố không để bật ra một cách tức tưởi, vằn lên những tia đầy uất ức, chị vợ thu mình trong một góc như một đứa trẻ hờn dỗi bị cướp mất thứ đồ chơi mà mình ưa thích. Anh chồng nửa như bối rối, nửa ra vẻ cương quyết, có trời mới biết họ đang nghĩ gì nhưng những ấn tượng về đường nét , về những đè nén đằng sau gương mặt khiến Quy thích thú, vội vã ghi lại trong đầu để rồi sau đó nhập nhằng với hàng trăm đường nét khác tạc nên một khối màu đan chéo lồng cộng , thành chính Quy, thành cái gương mặt mà Quy từng mơ thâý, thành sự bất lực mà  những gam màu không cho Quy thoả mãn.

           

Mưa vẫn rơi, đều đều , không ồn ào, không vội vã. Xe tới. Anh chồng đứng bên, xách cặp táp lấy làm khó xử không biết phải an ủi vỗ về hay mặc kệ, cô vợ tiếp tục dỗi hờn. Nhưng xe đã tới, phân vân trượt dài trong sự ương bướng của cả hai… có thể anh sai, có thể chị sai, không có gì để biết được đúng sai, tốt xấu ở họ.

           

Mưa rơi dài…

           

Quy bất giác bật cười thành tiếng rồi bỏ ra ngoài, nhấn ga, bánh xe xè xè xé nước đi. Mưa mát lạnh trườn bò trên gương mặt, trên tóc, xuống cổ, mắt môi,… Mưa để làm gì nhỉ? Mưa?

           

Chiều nay lại có thêm hai gương mặt mới chồng lên cái gương mặt hỗn tạp gồ ghề sắc cạnh đang chờ đợi sự hoàn tất mà chính tác giả của nó cũng không biết là đến bao giờ… Mưa!

 

Hà Thành 2/2009

Đỗ Thư
Số lần đọc: 1965
Ngày đăng: 11.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * ) - Trần Dzạ Lữ
Luận về bài thơ Trên Sông của Nguyễn Thanh Mừng - Duy Phi
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Vũ Hữu Định - Nguyễn Đình Toàn
Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ - Trần Hoài Thư
Thư gửi cho vợ nhân ngày thơ Việt Nam - Trần Ngọc Tuấn
Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Đức Thạch
Đêm! - Đỗ Thư
Ngày xuân xem hát bội - Mang Viên Long