Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
448
115.871.602
 
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * )
Trần Dzạ Lữ

Một buổi chiều của năm 1969, tôi đang lang thang trên đường Triệu  Nữ Vương , Đà Nẵng-bất chợt có hai chiếc bóng lẽo đẽo theo sau.Tôi chưa kịp” cắt đuôi “ thì một người mập lùn  bước đến vỗ vai tôi” Xin  lỗi ,anh có phải là Trần Dzạ Lữ? “  Tôi hơi ái ngại, chưa vội trả lời mà  chỉ mỉm cười thì người thứ hai tiếp lời bạn” Có đúng anh không vậy?”

 

Tôi đành trả lời:” Vâng,tôi là Lữ đây,có chuyện gì không vậy? Người  mập lùn nhanh nhẩu:” Nghe anh đã lâu, nay mới gặp.Thôi vô đây”Anh  ta kéo tôi vào một quán bên đường .Anh tự giới thiệu mình là Trung ( làm thơ ) và người bạn của anh là Trần Quang Lộc( nhạc sĩ ).Trung đãi  tôi một bữa nhậu : Rượu đế và khô mực.Tôi vốn là người không thích  rượu nhưng Trung và Lộc nói “ khích “ thế nào mà bữa đó tôi uống đến  “ bò “ luôn .Một buổi chiều Định Mệnh hay Nghi Ngẫu ? Tôi không  biết .Nhưng từ đó tôi , Trung và Lộc đã thành bạn.Từ đó trung hay rủ tôi  về nhà ngủ để trao đổi chuyện văn chương.Nhà Trung nghèo,vậy mà chị  Kim Vân ( Vợ Trung , lo nuôi chồng nuôi con, còn tiếp đãi bạn bè của  chồng mà không hề hé ra một lời thở than, hồi đó Trung trốn lính)Trong  những đêm- bạn- bè như thế, Trung đưa tôi đọc rất nhiều bài thơ anh đã làm .Tôi thích nhất là bài Còn Một Chút Gì Để Nhớ , bài thơ giàu  nhạc tính và là bài viết về Pleiku rất hay.Tôi hỏi Trung “Ông đã sống  trên đó rồi à?” Trung nói:” Thời bị bắt quân dịch lên đó và đã trốn về”  Đúng vậy, có sống ở đó anh mới tái hiện được một Pleiku trong thơ   như thế.Cũng qua trao đổi về thơ nhạc, Trung và tôi đều mê nhạc sĩ Phạm Duy  và Trịnh Công Sơn.Một người trung niên là “ phù thủy “  âm nhạc và một người trẻ tuổi tài hoa.Tôi nói với Trung “ Người nhạc  sĩ trẻ ấy có lời nhạc hay hơn cả thơ” Trung đồng tình và bảo” Anh ấy  là người Huế đó” Tôi nói” Ước gì bọn mình  gặp được hai nhạc sĩ  ấy “ Trung tươi cười:” Phải gặp mới được”.Tôi cũng động viên Trung  nên gửi thơ đăng báo. Đăng báo người ta mới biết mình, chứ làm để   đọc thì uổng.Thời gian này bọn tôi còn chơi thân với Đoàn Huy Giao,  Đynh Trầm Ca , Hồ Đắc Ngọc.

     

Một năm sau ( 1970 ) Trung có thơ đăng trên các tạp chí ở SàiGòn  với bút danh Vũ Hữu Định.cùng lúc này bài thơ Còn Một Chút Gì Để  Nhớ  được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bài hát được phổ biến  rộng rãi.Cũng từ năm 1970 đến 1973 , Vũ Hữu Định xê dịch rất nhiều  Định đi giang hồ với cái túi xách trên tay, không tiền bạc, không một  một tấm giấy tờ tùy thân.Vậy mà, lúc thì nghe Định ở Sài Gòn với  Võ chân Cửu , Nguyễn Lương Vỵ, lúc ở Đà Lạt với Phạm Cao Hoàng,  Lúc trôi nổi tận Cần Thơ với Lê Triều Điển , Bùi Đức Long, khi tá túc  nhà Ngô Nguyên Nghiễm bên cầu Chữ Y và có lần phiêu bạt về Đồng Tháp với Hạc Thành Hoa ,lại có lần Định trú ngụ lâu nhất ở Đại Ninh  với Nguyễn Đình Dzu…Định mải miết phiêu bồng  đến nỗi chị Kim Vân sinh con cũng không quay về.Tội nghiệp chị ấy một mình lo toan tất cả .Những năn này tôi còn ở Đà Nẵng nên thường ghé thăm chị và các cháu.Nhưng giữa năm 1973 , tôi lại “ Hành Phương Nam “ và cuối  năm 1973 Định lại về Đà nẵng.Vậy là ở đó Định chỉ còn Đoàn Huy Giao, Nguyễn Tịnh Đông và Đynh Trầm Ca để giao tình lúc uống rượu, ngâm thơ..

    

Sau năm 1975, tôi đem vợ về sinh sống ở Huế .Thời gian này chuyện cơm áo là trên hết nên tôi gác chuyện văn chương, bè bạn, tuy biết Định đang sống ở Đà Nẵng.

     

Vậy mà,năm 1976, Vũ Hữu Định và  Đoàn Huy Giao lại tìm về Huế thăm tôi khi nghe tin tôi sống những ngày long đong ở đó.Tôi thật bất ngờ và cảm động. Định và Giao ở lại một ngày , một đêm rồi trở vào Đà Nẵng .

 

Cuối năm 1977, tôi bỏ Huế vào lại Sàigòn ,lại tiếp tục cuộc” mưu sinh vất vả” Thời gian này , nghe Định đã vào làm nhân viên ngành điện lực .Tuy vậy, con người ấy vẫn mê thơ, rượu, mê đi giang hồ…Định nói với bạn bè là thèm khát những chuyến đi như xưa.

       

Rồi năm 1981, nghe tin Định chết trong đêm 16 tháng giêng năm Tân Dậu bên bờ sông Hàn sau bữa nhậu với bạn bè.Tôi bàng hoàng, sửng sốt vì không bao giờ nghĩ Định chết sớm vậy.. Định chết thật sao?Chết giữa lúc còn biết bao hoài bão, dự phóng trong đời chưa thực hiện. Định chết ở tuổi”  bất hoặc” đầy tưởng tiếc.Anh ra đi để lại vợ và 5 con .Thương Định tôi lại càng thương chị Kim Vân hơn. Những người đàn bà sống với nhà thơ đúng là những người vĩ đại bởi họ chịu biết bao thiệt thòi.Tôi ngậm ngùi và bất chợt làm mấy câu thơ:     

 

Những người vợ có chồng làm thơ

Là những hoàng hôn tím đợi chờ

Người đi xa ngái như là mộng

Còn thực u hoài trong gío mưa…

         

Không bao lâu sau ngày Định chết, Lữ Thượng Thọ từ Đà Nẵng vào thành phố tìm tôi và đưa hai bài thơ  của Định.Một bài Thơ Năm Bốn Mươi như một bài kiểm điểm đời mình và một bài Tết Nhớ Thằng  Bạn Xa Quê ,làm cho tôi. Đó là di cảo cuối cùng của Vũ Hữu Định. Đọc hai bài thơ lòng tôi rưng rưng. Định tước sau vẫn là người sống hết mình vì rượu, thơ và bè bạn.Sau lữ Thượng Thọ là Trần Từ Duy.Duy từ Đà Nẵng vào SàiGòn lập nghiệp.Duy lại kể về cái chết và đám tang Định ở Đà Nẵng có rất đông bạn bè theo tiễn  đi vào cõi thiên thu…

 

Từ đó ,năm nào đến ngày giỗ Vũ Hữu Định ,Duy cũng tổ chức ở nhà riêng và  mời tôi làm” chủ lễ “ Duy rất thương mến Định vì cái chân tình ăm ắp nơi anh.Duy rất băn khoăn và nói hoài với tôi  làm sao in tập thơ cho Vũ Hữu Định. Điều này, tôi cũng đã nghĩ từ lâu , nhưng  hoàn cảnh chưa cho phép.Mãi đến giữa năm 1995. Duy quyết định vận động bạn bè .Tôi cũng đồng tình.Thế là Duy lao vào công việc: Tìm kiếm bản thảo,xin phép chị Định, xin giấy phép nhà xuất bảnvà vận động bạn bè, anh em đóng tiền để in tập thơ đầu tay cho một người tài hoa đã  qúa cố.

 

Bây giờ thì tập thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định đã ra mắt bạn đọc.Tập thơ in đẹp và sang trọng  gồm 45 bài( trong số mấy trăm bài Vũ Hữu Định đã làm , được Nguyễn Tịnh Đông trừ Đà Nẵng mang vào).Ngoài bài nền Còn Một Chút Gì Để Nhớ , tôi vẫn tiếc là gía như tìm được những bài khá hay của anh Định  để in vào tập này như bài Chẳng Hay .Bài này có 2 câu tôi rất thích:

 

Giang hồ đâu có ai phong ấn

Mà nghĩ từ quan trở lại quê…

Hay bài Cảm Ân Người Vợ Khổ có 4 câu cảm động:

Lần nào em sinh nở

Anh cũng trên đường xa

Lần này em sinh nở

Anh cũng không có nhà..

           

Bài thơ còn nhiều khổ nữa nhưng tôi không nhớ hết, chỉ nhớ là đọc trên tạp chí Bách Khoa năm 72,73 gì đó.Bài thơ Định làm cho vợ- chi Kim Vân, người vợ khổ để Định đi rong rêu với bạn bè.Hoặc một bài thơ 8 chữ Định làm lúc tạm dừng bước phiêu du có hình tượng rất độc đáo:

 

Như con sâu đo, đo đoạn đời buồn…

             

Định còn làm những bài thơ lạ hơn nữa , nhưng anh cũng như tôi-thường làm thơ xong rồi không lưu giữ bản thảo vì vậy nhiều bài thơ bị thất lạc.Hy vọng sau này tái bản tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ, .bạn bè hoặc gia đình sẽ bổ sung.

             

Cùng với việc phát hành tập thơ , Trần Từ Duy và Vân Khanh đã tổ chức một đêm thơ Vũ Hữu Định tại Nhà Văn Hóa Phú Nhuận.Đêm thơ rất đông bạn bè và đầy ắp không khí thân tình , dễ thương.

              

Số tiền tổ chức đêm thơ và số tiền bán tập thơ Còn Một chút Gì Để Nhớ của Định, Trần Từ Duy mang ra Đà Nẵng  trao cho chị Kim Vân( Trần Từ Duy còn định tổ chức một đêm thơ ở ĐN).Tất cả số tiền trên dự kiến sẽ xây lại mộ Vũ Hữu Định .Tôi chắc rằng chị Vân sẽ vui lòng  và Định ở chốn Vĩnh Hằng cũng sẽ mỉm cười vì Duy và anh em bằng hữu  đã Cảm Ân Người Vợ Khổ  lần thứ hai thay cho Định.

              

Trên đây là những kỷ niệm nhỏ của người viết đối với tác giả Còn Một Chút Gì Để Nhớ nhân dịp tập thơ đầu tay được ấn hành.Tôi chắc rằng trong những năm tháng Định còn ở trần gian với thơ, rượu, đi giang hồ khắp chốn và bạn bè khắp nơi còn nhiều điều để nhớ hơn nữa.

 

( Tp Hồ Chí Minh, đêm mưa 15.7.1996 )

(*) Nhân dịp tập thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của VHĐ được ấn hành.NXB Trẻ 1996.

( Nguồn : Bài viết của TDL đăng trên Đặc Tuyển THỜI VĂN số    13 và 14 -1996 ).Bản của tác giả

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 4123
Ngày đăng: 10.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Vũ Hữu Định - Nguyễn Đình Toàn
Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ - Trần Hoài Thư
Thư gửi cho vợ nhân ngày thơ Việt Nam - Trần Ngọc Tuấn
Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Đức Thạch
Đêm! - Đỗ Thư
Ngày xuân xem hát bội - Mang Viên Long
Cảm Thức Mùa Xuân - Lê Huỳnh Lâm
Nghĩ về giáo dục - Nguyễn Trung
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)