Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
445
115.871.503
 
Hà Nội, những ngày khó quên
Trần Dzạ Lữ

 

Có 3 “động lực “ khi nghe  những bài hát: Hà Nội Phố của Phú Quang ( phổ thơ Phan Vũ  ) Hà Nội Mùa Thu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội của Trần Quang Lộc phổ thơ Tô Như Châu để tôi luôn náo nức về miền đất ngàn năm văn vật ấy.Phải làm một chuyến Bắc du.Tôi và Người Dưng thống nhất như thế.Khi mua vé của VietJet, Người Dưng khoe với cô em gái chợ Đào.
Cô ấy kêu  mua dùm vé để hai vợ chồng đi cùng chuyến.Trước ngày bay, trời SG mưa như trút.Em gái chợ Đào lo lắng:” Người Dưng ơi! Nghe Hà Nôi mưa to những  ngày mình sắp ra.”Sự lo lắng của KM kéo theo Người Dưng nên nàng phập phồng không ngủ được.Tôi cũng lo nhưng cố trấn an hai người:”Không răng mô ! “
 Sự háo hức lấn lướt  nên chúng tôi bình tâm…
15.9.2015
Qua đêm, trời SG hửng nắng.Vậy là trời thương chúng tôi.Chuyến bay VJ  152 dự kiến cất cánh tại phi trường TSN lúc 10 giờ 30 nhưng chúng tôi phải  chờ đến 11 giờ 30 mới thực sự bắt đầu.
Lên máy bay rồi vợ chồng em gái chợ Đào mới yên tâm.Người Dưng thì khoái nhìn mây trắng la đà.Qua cửa kính, chỉ thấy toàn mây và mây.Những lọn mây tuyệt đẹp như hôn phối với trời xanh..Hèn gì ngày xưa tôi mê đọc cuốn đời Phi Công của Toàn Phong…Tiếc là mình không cao ráo để trở thành một phi công thứ thiệt như ước mơ.Nhìn những chàng trai cô gái tiếp viên hiện hữu.Tôi nghĩ: Máy bay chính là
 Nhà bởi thời gian ở trên không nhiều hơn là mặt đất.Hai giờ bay rồi cũng trôi qua,phi trường Nội Bài hiện ra rõ mồn một.Tôi rưng rưng vì sắp chạm vào Hà Nội như chạm vào trái tim tình nhân.Như vướng vít hương Kiều thơm trong tâm tưởng ngày nào…Tôi sắp nhận mặt: Cây Cơm Nguội vàng.Cây Bàng lá đỏ  và đường Cổ Ngư xưa mà tôi từng liên tưởng và thú vị.Xuống máy bay, chúng tôi đã được tài xế của khách Sạn đón về bởi có hợp đồng từ trước nên chẳng ngại ngùng...   Qua  mấy chục cây số đi dọc đê Yên Phụ , hơn 2  giờ chiều chúng tôi nhận phòng, tắm rửa, nghỉ ngơi.Hẹn nhau 4 giờ chiều đi bộ ra hồ Hoàn kiếm  cảm nhận chiều đầu thu.
Chính xác hồ Gươm đẹp lạ lùng bởi có tháp rùa và cây ven hồ thả tóc lung linh...Người Dưng chỉ cho tôi xem cây nào là cây Si, cây nào là cây Sấu.Cây nào là cây Lộc Vừng.Mải  mê chụp ảnh, ghi hình vì vậy chúng tôi đi hết vòng bờ hồ hồi nào không hay.Qua đền Ngọc Sơn  gặp lúc  không mở cửa đón khách nên chẳng qua được cầu Thê Húc.Nhưng đứng bên này nhìn ngắm không thôi cũng mãn nhãn cái màu đỏ của cầu hất ngược lên trời..Em gái miền Nam cứ trầm trồ mùa thu Hà Nội.Đức ông chồng thì mải mê nghe điện thoại từ công ty để chỉ đạo,sắp xếp công việc…thấy mà thương.Cậu ấy hiền khô.Tôi mừng cho em gái KM..Loanh quanh mãi đến 21 giờ chúng tôi lại về lại khách sạn nghỉ đêm.
16.9.2015
Chương trình ngày hôm nay là chúng tôi thuê một chiếc taxi đi hồ Tây và thăm Văn Miếu, chùa Một Cột.Qua hồ Tây mênh mông.Ghé chùa Trấn Quốc,Người Dưng và em gái chợ Đào tranh nhau chụp ảnh.Tôi và em trai lặng lẽ quan sát từng ni tấc của phủ Tây Hồ.Đúng là Hà Nội có nhiều hồ trong phố.Nhiều cây xanh ven đường nên phố rất hữu tình.Sự bon chen, tranh sống không lộ diện như SG.Quê gốc Người Dưng là Hà Đông, lại là phật tử thuần thành nên nàng rất thành thục và nghiêm túc trong việc chiêm bái chùa chiền.
Đi vòng hết hồ Tây, chùa Trấn Quốc chúng tôi ghé thăm chùa Một Cột.Nghe danh này hơn nửa thế kỷ giờ tôi mới tận” mục sở thị’ Khách du lịch ngoại quốc và ngườii trong nước  tham quan, lễ bái rất đông.Chùa chỉ một cột ,nho nhỏ nhưng nét đan thanh thật lạ lùng.Bao quanh chùa là hồ nước long lanh.Những  cây Bàng , cây Sấu chính là tàn lọng  nên thơ nhất cho bóng mát quanh năm.
    Rời chùa Một Cột , chúng tôi ghé  qua Văn Miếu-Quốc Tử Giám.Bạn bè thường kháo nhau đi Hà nội mà không qua Văn Miếu,không ghé Hạ Long, chưa về Bắc Ninh là một thiếu sót không nhỏ. Chỉ mấy mươi phút di chuyển là xe đã đỗ trước Văn Miếu.Ước lượng khoáng mấy mẫu Tây.Khu Văn Miếu ngói nâu rêu phong .Nơi đây ngày xưa các sĩ tử đi thi, đỗ Trạng là đây. Lòng chúng tôi tự dưng nghe bồi hồi mà nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? “
Nhìn bia đá nơi đây, tôi nghĩ sĩ tử vẫn quanh quất đấy thôi.Vào đền thờ đức Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử… tôi vái lạy.
Chính nhờ triết thuyết của các ngài mà lớp người như thế hệ chúng tôi biết nhân, biết đức, biết trước biết sau là vậy.Đối nhân xử thế bằng sự chân thành, hiếu nghĩa, không ngoa ngôn, độc ác..
Tôi thật xúc động khi ngắm nhìn vẻ cổ kính của  Văn Miếu. Người Dưng nói nhỏ bên tai tôi:” Trước đây người ta còn cho sờ đầu Rùa  vào mỗi mùa thi nữa đó” Tôi nói với nàng:” Vào đây mình chỉ nên nhìn bằng mắt và hồn chứ không nên động tay động chân”. Nàng nói :”Em kể cho vui vậy thôi.Chứ  không nên thế là đúng rồi!”
Sau khi tham quan,chúng tôi mua một ít đồ lưu niệm.Mười hai giờ trưa, taxi lại đưa chúng tôi đến một quán ăn ngon nhất Thủ Đô.Nói là ngon nhất nhưng khi ẩm thực  tôi thấy cũng khá thôi  chứ không phải câu:”Danh bất hư truyền.” Buổi chiều , sau giấc ngủ ngắn, chúng tôi lại lang thang tìm quán ăn trên phố cổ. Phở gà ở đường Lương Văn  Can thật đúng hương vị xứ Bắc với nước dùng đặc trưng....
Phố Cổ ở đây với những con đường ngăn ngắn nối liền nhau với biết bao khúc cua, quẹo phải trái, chỉ cần đi vài chục mét là có thể qua một con phố khác.Chúng tôi cùng nhau tìm kiếm thêm hương vị một món đặc sản ngoài này, đó là món chả cá Lã Vọng nổi tiếng và phở gà ở đường Lương Văn Can…..Xâm xẩm tối, lại rủ nhau thong thả ra bờ hồ, ghé cà phê Lục Thủy nhâm nhi cà phê.Quán cà phê này thuộc hạng sang và nằm bên hồ Hoàn Kiếm nên khách cũng khá đông. Ngồi đây sực nhớ NLC ra dự  ngày Lục Bát.Com nên tôi gọi.Hơn 30 phút sau  C đi taxi tới.Thế là” Tha hương ngộ cố tri” .Chuyệnđời, chuyện văn thơ chúng tôi “xả” rôm rả.Tôi hỏi: C ra HN nhiều lần chưa. C trả lời:" trước đây em ra HN như đi chợ vì cơ quan chủ quản ngoài này.'
Hết chầu cà phê tôi kêu :Tính Tiền,Cô bé phục vụ ngớ ra.Người  Dưng liếng thoắng: Chắc họ xài từ khác, không như SG. Khi hiểu ra, cô bé cười thú vị:'Chú kêu là thanh toán cháu mới hiểu.'Thì ra là thanh toán.Tôi nghe như từ giang hồ  xử nhau mà “ớn lạnh”. Nhớ hồi chiều cậu taxi cũng dùng từ lạ tai: "vất” lắm.Vất là vất vã mà ngoài này bỏ bớt chữ vã.
 Chia tay C, chúng tôi hỏi đường ra phố Bàng Bông.C nói cứ đi dọc Lý Thái Tổ rẽ trái là gặp Hàng Bông.Đi” mút chỉ cà tha” vẫn chưa hết phố Hàng Bông.Thì ra con đường này dài nhất phố cổ.Hàng Bông nhưng nào thấy bông đâu..Đi mỏi mòn lại gặp Phố có tên Cấm Chỉ.Nghe đâu ,ngày xưa có một vị tể tướng ra đây ăn uống, đụng phải thức ăn ngộ độc nên  Cấm Chỉ.Từ đó có tên Cấm Chỉ. Phố Cấm chỉ bây giờ cũng là phố cơ man hàng quán ăn uống.Chắc là phố dành cho Tây Ba Lô và dân ăn nhậu.Lơ ngơ quay về ks nhìn đồng hồ thì gần 22 giờ đêm...
17.9.2015
Ngày thứ 3 của hành trình Bắc du, chúng tôi lại thuê bao một taxi đi thăm làng lụa Vạn Phước( Hà Đông cũ ) và gốm sứ Bát Tràng.Xe đi dọc con đê sông Hồng dài mút mắt. Đê sông Hồng là con đê mới nên không có dáng vẻ cổ kính rêu phong như đê Yên Phụ.Ngót nghét gần 2 tiếng đồng  chúng tôi đến làng lụa Hà Đông. Cổng chào có tên Vạn Phước.Tản bộ vào làng, tôi chợt nhớ bài thơ Áo Lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa:
Nắng SaiGon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…
Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc rất hồn vía.Trong lúc tôi đang thả hồn vào cõi mênh mang của thơ nhạc thì  em gái chợ Đào và Ngươi Dưng a vào làng như một cơn gió.Họ lia máy hình và đi tìm lụa.Làng lụa Vạn Phước không bao la như  mình tưởng tượng.Nó nhỏ  nhoi bởi những dọc dài bán quần áo, khăn
choàng bằng lụa đủ loại từ mỏng tới dày, dài, ngắn...Đi hết mấy vòng, em gái chợ Đào mua được 3 bộ bà ba bằng lụa thêu hoa văn màu nâu sẩm.Em ấy vận vào người hí hửng , tươi mươi như trẻ thơ mới được mẹ cho quà.
Còn Người Dưng cũng sắm được 2 áo sơ mi  hoa văn màu trắng và màu nâu đen cùng 2 chiếc khăn quàng duyên dáng. Ở làng lụa hơn một tiếng đồng hồ thì chúng tôi từ giã để qua làng gốm sứ Bát Tràng. Cũng vẫn là làng nho nhỏ xinh xinh, người  ta tiếp tục nghề truyền thống của bao đời nay. Thời gian chính là thủ phạm làm thay đổi con người. Làng nghề này không  qui mô như gốm sứ ở Bình Dương. Tại đây, chúng tôi gặp một cơn mưa lớn .Nước lênh láng  ngập những gian hàng bán gốm sứ...vợ chồng em gái chợ Đào mất tăm….Tôi và Người Dưng cùng nhau đứng trú mưa hơn nửa tiếng đồng hồ.Sau đó tôi liên lạc bằng điện thoại  mới gặp lại vợ chồng KM. Em ấy ôm một mớ gốm sứ lỉnh kỉnh cười tươi. đắc ý.Chào gốm sứ Bát Tràng, chiếc taxi chở chúng tôi quay lại phố cổ quá trưa. Bụng đói, may nhờ tài xế là người địa phương rất hiểu ý khách,  đưa chúng tôi vào quán cơm có tên Mỹ Hải. Vào quán Mỹ Hải ăn những món ăn không có gì gọi là cao lương mỹ vị. Chỉ là gà luộc, canh cải bẹ xanh nhưng sao thấy ngon lạ ngon lùng. Chắc là ở đây nấu hợp khẩu vị với Saigon. Nhất là cơm trắng có mùi thơm lá dứa, lại không nhão, không khô .Nhất định lần sau ra  HN phải kiếm quán cơm này...
    Buổi tối, sau khi cơm nước xong,chúng tôi kêu 2 chiếc xích lô để đi dạo 36 phố cổ..Xe qua phố Hàng Trống, không có Trống.Tới phố Hàng Rươi chẳng thấy bán Rươi. Rồi phố Hàng Khoai cũng tuyệt không có mặt hàng như phố đã có tên. .Chiếc xích lô đưa chúng tôi thong thả qua phố Hàng Buồm, cũng không hề có mặt hàng này nữa..Tên cũ vẫn còn nhưng bây giờ người ta bán đủ thứ trên trời dưới biển...
Anh xích lô chở tôi và Người Dưng vừa đạp vừa nói về lai lịch những con phố. Xe phía sau vợ chồng KM  bấm máy lia lịa vì lần đầu ra phố cổ.Tới Hàng Bồ,anh xích lô nói vọng: “cô chú ngồi yên trên xe , đưa ipad tớ chụp hình cho.”Tôi tức cười, nếu hai người ngồi trên xe và anh ta bấm máy thì ai giữ thắng xích lô? Người Dưng nhanh nhẩu bước xuống chớp mấy cái liền.Hình ghi rõ tôi ngồi một bên, vẫn chừa chỗ một bên.Ai cũng hiểu hình này là đi một cặp. Đi vòng vòng cũng không sao hết 36 phố.
Ngày xưa ,đọc tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân tả phở Bắc nghe bắt thèm.Nay chúng tôi cũng kiếm được một chỗ  để ăn phở Gà  ngon tuyệt ở phố  Lương Văn Can và chả cá Lã Vọng ở Hàng Cân .Mấy ngày ở ks Hàng Trống , tôi không thể nào quên tiếng leng keng leng keng  thu gom rác( người ta gọi đó là nét văn hóa rác ) và 3 giờ chiều tiếng rao” Tào Phớ” ( tức là đậu hủ chén) của người Tàu già.
18.9.2015
Chương trình dự kiến của ngày hôm qua là tham quan Hạ Long nhưng thấy trời  âm u nên  đành hẹn lại chuyến đi sau.Suốt đêm mưa dầm, chúng tôi không ngủ được vì lo máy bay delay, nhưng may thay trời ngớt mưa. 7 giờ 30 chúng tôi lên xe ra phi trường Nội Bài. Vào làm thủ tục  cũng nghe thông báo  giờ bay chậm hơn giờ dự kiến hơn một tiếng rưỡi.Vậy là đợi như lúc đi ở phi trường Tân Sôn Nhất.11 giờ 45, khi máy bay số hiệu VJ 157  sắp cất cánh thì nghe tin mưa gió đùng đùng ,cây ngả đổ, đường kẹt xe.Hú vía, nếu chúng tôi đi trễ thì không biết thế nào…
    Về Hà Nội chỉ gần 3 ngày thì có thấm tháp gì, ít nhất là một tuần mới “mục sở thị “ được nhiều điều của Thăng Long xưa.Nhưng, 3 ngày ấy cũng ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.Hà Nội.Hà Nội  ơi! Hẹn tao ngộ cùng người để  ghé Hạ Long  xem hang Sửng Sốt. Về Bắc Ninh nghe  giọng nói ngọt ngào của kiều nhi mà“rớt khăn rớt nón”, liêu xiêu tấc lòng…
Trên máy bay, lúc sắp xuống  phi trường TSN, tôi ngheNgười Dưng thì thầm bên tai:

HẸN THÊM LẦN HÀ NỘI
Vì đã hẹn nên em sẽ đến
Phố Hàng Bồ thong thả mưa đêm
Câu Quan Họ...người ơi, người ở...
Bên Hàng Dầu tìm kiếm hài tiên(*)

Chiều Hồ Tây rộng như lòng mắt
Đi một vòng tìm mãi Cổ Ngư
''Ta còn em...mùi hương hoa sữa...''(**)
Thăm thẳm rồi, như chửa vào thu

Vội vã hẹn Hạ Long bát ngát
Sửng Sốt(***)người, hay sửng sốt riêng?
Đêm Cát Bà mơ hồ em thấy
Phố Hàng Mành lay động bên hiên!

Tình chưa vội nên tình thong thả
Như thu chưa nhuộm đỏ lá bàng
Ta cứ hẹn thêm lần Hà Nội
Cùng chiều vàng nhặt dấu thời gian...


T.G

(*)Phố Hàng Dầu, hiện nay chuyên bán giày dép các loại
(**) Nhạc Phú Quang
(***)Động Sửng Sốt, hang động nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long

Tôi cũng sửng sốt vì Người Dưng cảm xúc nhanh nhạy và hình thành bài thơ quá hay.
“Cảm ơn em đã cho nghe bài thơ  hay khi hẹn thêm lần Hà Nội’  Vẫn nụ cười kiêu bạc muôn thuở ấy, nàng nói: “Cảm xúc khi về lại quê Cha  đất Tổ mà anh”
Vâng, Hà Nội chỉ ở mấy ngày.Nhưng khi chia tay, lại trùng trùng thương nhớ…

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 2569
Ngày đăng: 05.10.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điệu Valse của Văn Cao - Hà Phan
Người cùng thời với cha tôi - Yến Lan
Hào nhoáng Trịnh Công Sơn - Hà Phan
Tản mạn về một người bạn - Trần Dzạ Lữ
Xin góp đôi lời - Vĩnh Thông
Tròn trăng tháng tư - Phan Trang Hy
Mỗi ngày mừng tuổi mẹ - Tâm Thường Định
Trong nỗi âu lo - Phạm Thanh Chương
Từ nay khép lại - Phạm Thanh Chương
Hồi quang từ một “ Bến Xuân” - Nguyễn Nhã Tiên
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)