Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
645
116.673.298
 
Với tác giả ĐÊM TRẮNG PHẬP PHÙ
Trương Điện Thắng

Đầu tháng 3/2009, Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức buổi ra mắt tập sách  ĐÊM TRẮNG PHẬP PHÙ của nhà văn Trần Trung Sáng. Đây là tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Trung Sáng do Nxb Văn Học ấn hành.

            

Cà phê sáng... là vì phải nói thẳng, lần nào đi ăn tối (hay nhậu) với Trần Trung Sáng thì anh chàng này đều luôn làm tôi cụt hứng. Bia rượu chưa thấm nên câu chuyện nói ra cứ nhàn nhạt, chẳng đầu chẳng đuôi và nghe chừng ít điều tâm huyết. Khi cả bàn đến lúc “cao trào” thì hắn luôn tìm cách bỏ đi; lúc thì đón con, lúc thì chở vợ! Chán!

     

Hồi làm thơ ký bút hiệu Tần Hoa trên báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh hay đăng truyện ngắn trên Bách Khoa của ông Lê Ngộ Châu đến giờ, anh chàng này vẫn vậy. Cứ im ỉm cười. Nói một câu chưa xong thì bỏ lửng. Nhậu vài ly với bạn bè rồi tìm cách chuồn êm. Kiểu cách rụt rè như anh dạy học và chẳng mất lòng ai. Nhưng đó là người mà người ta sẽ tin và giao việc. Nên hắn làm không hết việc: Làm đại diện báo Văn hóa, làm biên tập viên cho Doanh nghiệp chủ nhật, làm trưởng bộ môn văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Đà Nẵng. Có lúc làm cả tạp chí văn nghệ Nắng Sớm cho thiếu nhi với một nhà xuất bản. Rồi vẽ, làm thơ và viết văn. Trần Trung Sáng là một nhà báo, nhà văn viết đều tay, cẩn thận và ít gây ồn ào nhất ở cái thành phố Đà Nẵng khá ồn ào và lắm tin đồn này.

      

Tôi chán những cuộc gặp gỡ chiều tối với Sáng là vì tính cách của anh ta, nhưng điều đó không ngăn cản sự quý mến của tôi dành cho Sáng. Bởi vậy, gần đây chúng tôi không nói chẳng rằng, nhưng lại hẹn nhau đi cà phê và điểm tâm buổi sáng. Đó là một quán nhỏ gần lề đường gần chỗ làm của cả hai.  Trà lá, ăn vội ăn vàng, nói vội nói vàng vài câu vào giờ sớm mai có lẽ thích hợp hơn.

      

Nhưng có một hôm, hắn cười tở mở khoe cả hai tập bản thảo vừa đưa nhà in: tập truyên ngắn "Đêm trắng phập phù" ( gồm 16 truyện ngắn mới nhất, vừa hoàn thành tại Trại sáng tác Đà Lạt) và tiểu thuyết  "Nữ hoàng nhạc Twist" viết về ca sĩ Túy Phượng và ban nhạc Huỳnh Hoa-Túy Phượng từng gây sóng gió trong giới sân khấu miền Nam từ năm 1955 trở đi. Sáng say sưa nói về nhân vật từng là hoa hậu Đông Phương hay “Hoa hậu Lambretta” năm 1957 này: “ Sau 7 năm ngày mất ca sĩ Tuý Phượng (13/11/2001 – 13/11/2008) - người thường được biết đến tại miền Nam vào thập niên 60-70 với danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Twist” thời đó. Nhưng thật ra, cuộc đời của chị còn có nhiều phức tạp vì nó gắn liền với bối cảnh cuộc chiến tranh ở miền Trung cũng như sự chọn lựa không dễ dàng của chị trước những vấn đề cá nhân cũng như của thời cuộc. Cuốn sách chỉ khoảng 400 trang, gồm 6 chương, 30 hồi bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của ca sĩ Tuý Phượng. Bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An – nơi cô ca sĩ theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh, qua đó  với nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị. Tại một cuộc giao chiến sau trận Mậu Thân, viên tiểu đoàn trưởng bị quân giải phóng bắt sống, ca sĩ Tuý Phượng trở lại sân khấu Sài Gòn. Sau 1975, đôi vợ chồng này đoàn tụ trong một tâm trạng phức tạp , khi lựa chọn giữa “đi và ở”, kéo dài cho đến ngày “nữ hoàng nhạc Twist” chết đi trong bệnh tật và lặng lẽ…”.

      

Thiết nghĩ, không nên nói nhiều về “Đêm trắng phập phù”, vì hầu hết những truyện ngắn trong tập sách này  đều đã được giới thiệu trên các tuần báo quen thuộc như : Văn Nghệ, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Doanh nhân Sài Gòn... hoặc các tạp chí Non nước, Đất Quảng, Hợp Lưu...

     

Theo tôi, Trần Trung Sáng lần đầu tiên bước vào lĩnh vực tiểu thuyết, nhưng anh tỏ ra tin tưởng vì thông qua số phận một nghệ sĩ sân khấu như Túy Phượng, cả một xã hội các đô thị miền Nam trong chiến tranh và sinh hoạt văn nghệ thời đó lại được tái hiện với những gương mặt sáng danh một thời như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh…

 

Nhưng thử sức mình trong thể loại tiểu thuyết, Trần Trung Sáng lại nhắc tôi nhớ lại ông cụ thân sinh của anh: Từ một người thợ mộc đóng bàn tủ lại chuyển sang kinh doanh và sửa chữa hàng điện tử với bảng hiệu Ánh Sáng nổi tiếng một thời ở Đà Nẵng, mà nghề nào ông cũng phất lên và giúp đỡ được nhiều người nhờ sự chỉn chu và lạc quan. Nói như một nhà phê bình văn học: viết tiểu thuyết là công việc “tổ chức đánh cướp ngân hàng”, nên rất cũng cần những đức tính đó.

Trương Điện Thắng
Số lần đọc: 2016
Ngày đăng: 01.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bản sắc của con người Việt Nam trong bản sắc văn hóa Việt Nam - Đỗ Ngọc Thạch
Đào Hiếu , Ông là ai ? - Lê Vũ
Cát bụi tuyệt vời - Nguyễn Hữu An
Chiếc áo dài - Võ Phiến
Dinh Thầy Thím - Phan Chính
Phải không, ông Nội 3? - Ngô Phan Lưu
HVT LÀ AI - Hoàng Vũ Thuật
Kỷ niệm với anh Nguyễn Thái Sơn - Đông La
Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi... - Dư Thị Hoàn
Những câu hỏi khi cầm trên tay Pink Slip ! - Vũ Trà My
Cùng một tác giả