Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
502
116.825.311

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hội thảo “Bàn về tính chuyên nghiệp trong quản lý và sản xuất điện ảnh” Chính chúng ta đã tự đánh mất mình…
Sáng 8-11, tại Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh VN tại TPHCM đã diễn ra cuộc hội thảo “Bàn về tính chuyên nghiệp trong quản lý và sản xuất điện ảnh” do Trung tâm phối hợp với Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức. Đến dự có đông đảo các nhà lý luận phê bình điện ảnh, biên kịch, đạo diễn, diễn viên… thành phố. 11 bản tham luận đã được đọc và được tranh luận tạo nên một không khí sôi nổi, thẳng thắn nhìn vào thực trạng hiện nay của điện ảnh Việt Nam…

Nhà biên kịch Châu Thổ - với bản tham luận “Tính chuyên nghiệp trong điện ảnh dưới góc nhìn của một biên kịch điện ảnh”. Theo chị, chuyên nghiệp trong điện ảnh là chuyên nghiệp về nghề, đồng thời người làm điện ảnh chuyên nghiệp cũng cần hành xử một cách chuyên nghiệp.

 

Nhà biên kịch Hoàng Phủ Ngọc Phan trong bản tham luận của mình đã nhấn mạnh đến vấn đề tư nhân hóa, xã hội hóa, hội nhập thị trường của điện ảnh. Một chi tiết trong bộ phim “Cánh đồng hoang” - một thành công lớn của điện ảnh Việt Nam đã được ông nhắc lại, đó là hình ảnh nhân vật nữ du kích sau khi bắn rơi máy bay, bắn hạ viên phi công Mỹ thì từ túi áo anh ta rơi ra tấm ảnh của một cô gái có lẽ là vợ anh ta… Khi duyệt, hội đồng duyệt ở xưởng phim đã đề nghị cắt chi tiết này, song nhà biên kịch, tác giả Nguyễn Quang Sáng đã không đồng ý. Cuối cùng chi tiết này được giữ lại. Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva, Ban giám khảo đã nhận định chi tiết này là một trong hai chi tiết đắt giá của bộ phim. Ông nhấn mạnh, người làm điện ảnh chuyên nghiệp phải thể hiện được những vấn đề mang tính tư tưởng, những vấn đề mang tính hội nhập quốc tế.

 

Bản tham luận của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nói về vấn đề kịch bản. Nhà văn cho biết “viết văn phải có văn, viết kịch bản phải có hình, kịch bản phim phải đứng trên cái nền của văn học. Nếu không, hình ảnh ấy như một con người có mặt mày, có xương có thịt nhưng lại vô hồn. Với cương vị là nhà sản xuất, ông Thái Hòa, phó giám đốc Hãng phim Giải Phóng đã nói tới một thực trạng là các hãng phim nhà nước không dễ gì từ bỏ thói quen được bao cấp. Bao cấp giống như một “bầu sữa béo bổ” mà ai cũng muốn bám vào. Điện ảnh được bao cấp, những nhà làm phim không cần lo lắng khi phim mình làm ra không ai thèm coi. Năm 2006, nhà nước sẽ cắt bao cấp trong điện ảnh, các hãng phim sẽ phải đối đầu với những thách thức…

 

Bản tham luận của diễn viên Quyền Linh được xem là bản tuyên ngôn về quyền diễn viên mạnh mẽ nhất trong hội thảo. Vấn đề đối xử với diễn viên, thiếu tôn trọng… diễn viên trong các đoàn làm phim đang là nỗi bức xúc chung của nhiều diễn viên hiện nay. Bằng nhiều dẫn chứng cụ thể, Quyền Linh đã kêu gọi các nhà làm phim cần tôn trọng, đối xử đúng mức với những người được xem là linh hồn của một bộ phim. Ngoài ra diễn viên cần phải được đào tạo nghề nghiệp, cần nâng cao trình độ, cần tiếp xúc với những ngành công nghiệp điện ảnh tiên tiến ở các nước…

 

Một bản tham luận khác cũng khá gay gắt đó là bản tham luận của đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn. “Thực tế chúng ta đã có một nền điện ảnh mang tính chuyên nghiệp cao và phát triển đặc biệt giai đoạn 1975 - 1985… Hàng loạt những tác phẩm xuất sắc ra đời như chúng ta đã biết. Những năm đó chúng ta là một cường quốc điện ảnh tại Đông Nam Á…”. Điện ảnh Việt Nam đang quên mất một vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất điện ảnh đó là giám đốc sản xuất”. Một ví dụ được anh đưa ra đó là 2 bộ phim gây tiếng vang gần đây: “Gái nhảy” và “Mùa len trâu”. Nếu không có nguyên giám đốc Ngọc Quang của Hãng phim Giải Phóng sẽ không có 2 bộ phim đó. Hiện nay có những đạo diễn trẻ làm một bộ phim video 1 tập còn đầy lỗi chính tả, ngô nghê trong cả mối nối montage, nhưng đùng một cái nghe tin người này làm 20 tập, người kia làm 30 tập.

 

Một số công thức để có được tính chuyên nghiệp trong điện ảnh cũng được bản tham luận của tác giả Trần Khải Hoàng đề ra và được hội thảo quan tâm vì tính khoa học của nó. Theo ông những yếu tố như: phương pháp quản lý, con người, kinh phí, máy móc, tiếp cận thị trường… cần phải xem trọng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý để các thành phần tham gia đầu tư điện ảnh có cơ sở để hoạt động…

 

Một vấn đề khác là đào tạo cũng gây tranh cãi tại hội thảo trong các bản tham luận của Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà và nhà báo Tô Hoàng. Nhà báo Tô Hoàng thì cho rằng chương trình đào tạo tại các trường sân khấu điện ảnh lộ ra quá nhiều khuyết điểm… Nhà giáo Phan Bích Hà ngược lại cho biết công tác đào tạo là một sự nỗ lực cố gắng lớn và đã tạo nên những thành quả nhất định về mặt chất lượng như mọi người đã biết… “Có thể xem khâu đào tạo như một bệ phóng để đưa sáng tác đi vào quỹ đạo của tính chuyên nghiệp…”.

 

Có thể nói buổi hội thảo đã thành công với những bản tham luận đầy tính xây dựng và những đóng góp sôi nổi, chân thành với mong mỏi mang các tác phẩm điện ảnh đến gần công chúng hơn. Và cuối cùng xin lấy lời của đạo diễn NSƯT Lê Cung Bắc làm kết luận: “Hiệu quả là cốt lõi của tính chuyên nghiệp. Mong buổi hội thảo có được hiệu quả”.

 

Ảnh : Diễn viên Quyền Linh đã lên tiếng nêu ra sự thật: quyền diễn viên bị xâm phạm

Hà Giang - SGGP
Tin tức khác