Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
609
116.858.310
 
Hư thực
Phùng Văn Khai
Chương 2

Đào. Hay ho gì cái sự giống nhau? ừ. Hay ho gì cái sự giống nhau. Nếu giống nhau, hai thằng đàn ông ở núi rừng này chắc đến giết nhau vì buồn chán.

 

Họ Đào băng xong vết thương cho Y, gã lụi cụi chẻ củi. Sao cái gì gã cũng biết thế nhỉ? Làm thuần thục, hăm hở. Chẻ xuôi những cành củi rắn chắc nhiều mắt đốt xếp quanh vách gỗ và bắt đầu loay hoay nhóm lửa, một mình tổ chức bữa cơm trưa. Khi ngọn lửa còn chưa bén to, họ Đào đã vẩy vẩy rổ rau cải rau sam rau giền đi lại từ phía chum nước. Trưa ấy, Y chén bữa cơm canh có lẽ ngon nhất đời mình. Không rượu chè. Không nói không rằng, họ Đào vừa ăn vừa lặng lẽ ngắm Y ăn và tỏ ý vui vui khi Y chén được khá nhiều. Hai chân cũng đã gần như bình thường, đi lại không đau mấy nữa. Mấy người trẻ tuổi đi đâu không thấy về nhỉ. Họ Đào thông báo vắn tắt họ đi lấy đồ Tết, tối mới về. Một số sẽ về quê, chỉ có hai cậu ở xa có khả năng ở lại trực. ừ, cuộc sống của họ cũng nhàm chán, tẻ nhạt giữa nơi thăm thẳm này. Nơi thế này chỉ thích hợp với mấy bố nhà văn. Tha hồ tự do ngẫm ngợi. Đặc biệt họ Đào, gã tỏ ra thích thú kiểu sống này. Tự cung, tự cấp, tự nhiên, tự tại, không ràng buộc, không phiền toái, không sức ép, không phỉnh phờ, không tiếng tàu tiếng xe, thậm chí không cả tiếng người. Họ Đào cho chó ăn. Hai con chó giương mắt nhìn ra chiều thân mật. Y bật cười. Chắc hai ông cún ranh này không thể dính líu nòi giống với lũ hồng cẩu quẩy và chiều nay hứng chí Y sẽ đề nghị mấy cậu trẻ giết thịt đãi khách. Nơi đêm đông giáp tết vùng biên giới đánh bữa thịt cầy còn gì bằng. Như đọc được suy nghĩ trong đầu, lũ chó nhìn Y lấm lét, cảnh giác liếm liếm tay họ Đào, dụi dụi cái mõm non tơ vào ống quần người khách đang thân mật với chúng. Cho lũ chó ăn xong, họ Đào thu dọn những vật dụng bừa bộn trong căn nhà gỗ. Góc nhà, những đồ vật lỏng chỏng được gom lại. Đẽo gọt mấy thanh cật tre, họ Đào đóng những chiếc đanh tre cắm vào khe các tấm ván gỗ và treo móc lên đó những thứ lỉnh kỉnh khá trật tự. Cứ như gã định sinh sống ở đây lâu dài. Chiếc kiềng sắt cong queo được gõ thẳng, đặt ngay ngắn trên sàn bếp. Mấy cậu trẻ tuổi ở đây quen thói tạm bợ, nay bỗng nhiên có sự chấn chỉnh chắc ngạc nhiên lắm. Nơi vắng vẻ, gõ đập thứ gì kể cũng vui tai. Khi tất cả đã ngăn nắp sạch sẽ, kể cả cái túi du lịch quăn queo của gã cũng đã được lau đập sạch bụi, xếp ngăn nắp trên giá gỗ đầu tấm ván, gã ngơi tay, cười cười, nói. Ông thích thì đi loanh quanh đây xem, tôi phải ghi chép một chút. Mấy hôm nhiều việc quá chưa ghi chép gì. Viết thực ra cũng chả cần, nhưng có cảm xúc không ghi lại là công cốc. Suốt từ sáng, lại có hứng viết, ông ạ. Rồi không đợi phản ứng, họ Đào lục tìm cái túi đầy những đá sỏi lôi ra cuốn sổ và cái máy ảnh mất tác dụng, rồi hý hoáy, không biết ghi chép những gì. Nhìn ông bạn cặm cụi, cũng muốn kiểm tra sức khỏe đôi chân, Y vươn vai bước ra ngoài, huýt sáo dụ lũ chó. Hai cậu cún ngoe nguẩy đuôi, lũn tũn chạy theo được vài bước lại vòng trở lại căn nhà. Tuỳ thích các cu cậu. Đường tớ, tớ đi. Ngay trước mắt Y là cái hồ nhỏ mà ở trong nhà không nhìn thấy. Hồ đang cạn, nước lấp xấp, lũ cá nhỏ bé bơi vơ vẩn trong rong rêu, thỉnh thoảng cụm vào nhau rồi lại tóe ra, đùa bỡn. Phía bên kia, hằn dấu vết dòng suối nhỏ chảy vào hồ. Suối cạn, trơ ra toàn sỏi cát. Mọi người ở đây chặn dòng suối để trữ nước và đón bắt cá. Y ngồi xuống thân cây gỗ bắc ghếch làm cầu dùng đi ra múc nước, vục tay xuống, vốc một bụm nước đưa vào miệng, súc òng ọc rồi nhả xuống hồ. Nước tanh tanh, ngai ngái khó chịu. Hồ nước nhỏ, rộng chừng hơn trăm mét. Góc hồ, giàn bí xơ xác dây leo sót lại vài ba quả còi cọc, quăn queo, lay lắt bên đám lá vàng. Mặt nước xao động rồi tĩnh lại. Ngay dưới cây gỗ, dưới mặt nước, khuôn mặt một người đàn ông hiện ra. Y đây ư? Râu ria, hốc hác và méo mó. Mới mấy ngày trông đã khác lắm, không còn lanh lợi, tươm tất, lịch thiệp, trải đời như hôm mới lên tàu. Đã mấy ngày rồi nhỉ? ở nhà bây giờ ra sao? Chắc chả ai để ý đến mình đâu, xua các ông các bà đi công tác, chúng tôi đây nhẹ nợ. Vợ con lại càng rảnh rang. ở nhà các vị chỉ tổ đàn đúm, tụ bạ và khoác lác. Đi xa vài ba tuần, có khi hàng tháng hoặc biến mất càng tốt. Ngữ các ông, ở hay đi cũng chả bận đến ai. Thế giới này hoàn toàn có thể không bận tâm gì đến các ông. Các bố biến mất càng tốt.

 

Ngồi trên cây gỗ, những suy nghĩ miên man, kỳ quặc cứ lộn xộn trong đầu. Đã nhiều lần đi công tác xa, khi về, tưởng cơ quan, gia đình chằm bặp, đón đợi. Ngược lại, những cái bắt tay hờ hững, những câu trả lời xã giao, vội vã, ngay cả những vật kỷ niệm nhỏ nâng niu đem về từ tít trùng khơi, nơi biên viễn tặng họ cũng chỉ nhận đại khái, qua quýt rồi vứt ném quăng quật lung tung. Lạc lõng như những kỷ vật ấy, Y và họ Đào thường ẩn vào cuộc sống nội tâm, tránh va chạm, tiếp xúc và lặng lẽ sáng tác. Cuộc đời này không dành cho Y và gã? Y và gã đã làm gì sai, đã làm gì động chạm đến quyền lợi của ai đó? Y mơ hồ hiểu ra mình không mấy ăn nhập ở cuộc sống này từ lâu. Họ Đào còn hơn thế, gã sống gần như quay lưng với những người xung quanh, những ông tổng biên tập, những bà kế toán, cô thủ quỹ gã coi như không biết, không có ở trên đời, ai muốn suy nghĩ, ứng xử thế nào thì tuỳ, việc ai nấy làm, tội ai nấy chịu. Nhiều lần chỉ cần sống khác mình, đã có thể ở một vị trí khác, có đặc quyền đặc lợi nhưng dứt khoát không là không, mặc chê cười, mặc dè bỉu. Thế giới của ta, ta sống, mặc mi. Cơ quan còn căn phòng để trống có ý dành cho gã mượn, tiện thể đêm hôm cùng bác bảo vệ coi sóc việc lặt vặt phòng khi đau ốm, nhưng hắn không nhận, lấy lý rằng còn đang ở dạng lao động hợp đồng, ăn ở như thế không đúng nguyên tắc, ảnh hưởng đến cơ quan. Mẹ khỉ, bố này lấy nguyên tắc ở đâu, và để làm gì. Bây giờ những ai chấp hành nguyên tắc. Mọi người ngán ngẩm lắc đầu. Ông bảo vệ cười khùng khục, mừng ra mặt vì thỉnh thoảng những hôm vắng người vẫn lôi bà quét rác ở cơ quan bên cạnh vào trong căn phòng ấy hú hí tẩn nhau cả đêm. Họ Đào ở căn nhà ổ chuột cuối ngoại ô. Nhà dột và rất nóng. Trời lạnh thì heo hút như nhà mồ. ở đó có mấy ả sồn sồn không chồng con, không để ý kỹ không ai biết làm nghề gì, chỉ thấy họ luôn biến đi từ lúc nào, gần sáng mới trở về, luôn phờ phạc, ủ rũ, lo âu, luôn hãi sợ cái gì và thở dài. Có đêm đã khuya, hôm ấy dường như không ai đi làm, những người đàn bà lôi họ Đào đang ngủ dậy bằng được và mời uống rượu, có lẽ là sinh nhật một ả nào đó. Những người đàn bà hôm ấy ăn mặc tươm tất, nhà cửa gọn gàng nhưng cũng không giấu nổi thân phận của mình, nài nỉ ông nhà văn dở dở ương ương có đôi lời khai mào về cuộc đời này, trong hôm nay, về tương lai của chúng em. Họ Đào dụi dụi mắt, ngơ ngác nhìn ra xung quanh, dần dần hiểu được tình thế. Nhấp một ngụm rượu chua loét, gã thong thả nói, nửa nghiêm nghị, nửa hài hước. Những người đàn bà lắng nghe, ai cũng chăm chú, một lúc lại cười ré lên. Một lúc có người khóc rấm rứt, người ngặt nghẽo cười. Đám chúng sinh tội nghiệp không ngờ có một ông thánh sống ở bên mình bao năm tháng mà không biết. Hóa ra ông ấy biết hết chuyện của chúng mình, đời sống và suy nghĩ của chị em ta, cả cái nghề mà người đời vẫn dè bỉu là bẩn thỉu, hèn hạ, rác rưởi kia ông ấy cũng biết. Ông ấy biết và ông ấy còn biết thông cảm cho chị em ta thì không cười khóc khóc cười làm sao được. Chị em ơi, cứ cười khóc cho thoải mái đi, ông ấy hiền lắm. Có khi ông ấy cũng bị săn đuổi, bầm giập giống chị em ta. Ngành nghề đôi bên cũng gần nhau lắm. Họ Đào mỉm cười, gã biểu dương chị em ở đây có tinh thần đoàn kết nội bộ. Khu nhà này đã bao năm không có nạn trộm cắp. Đồ đạc của ai người ấy dùng, thiếu thì xin, xin thì cho chứ không có kiểu thó của nhau, càng không ai to tiếng với ai như thế là có văn hóa đấy. Mọi người hôm ấy mới biết, đã không ít lần họ Đào lặng lẽ trả tiền điện tiền nước cho một số chị em bị đau ốm, khó khăn khi chủ nhà hoạnh họe. Chị em ứa nước mắt nhìn người đàn ông nhỏ bé, hiền từ, suốt ngày hý hoáy, lọc cọc bên chiếc máy vi tính cũ kỹ, ẩm mốc, đã bao năm nay lặng lẽ như cậu học sinh ngoan câm điếc bẩm sinh. ở xung quanh mình, luôn có biết bao điều mới lạ. Những người đàn bà liên tiếp rót rượu ra chúc gã, lời chúc ngây ngô, chân thực. Ai cũng xúc động, nước mắt gã cũng rịn ra. Rượu cay quá. Tình đời cay quá. Những chén mừng này hãy cùng nhau uống cạn. Nào, uống cạn! Bể dâu này hãy cùng nhau vượt qua. Nào, vượt qua! Từ bây giờ ông anh là đại ca của chúng em, thủ trưởng của chúng em, ông anh thích gì chúng em chiều tất, chúng em sẽ luân phiên hầu hạ ông anh đến nơi đến chốn trong cuộc đời còn lại của mình, ông anh nhé. Thôi từ mai, ông anh không phải đi đâu cả. Cứ ở tại gia đây thôi. Cuộc đời chúng em đây đã là bao nhiêu kho thực tế rồi cần gì phải đi tìm hiểu thêm ở đâu nữa. Chúng em sẽ kể về cuộc đời mình cho ông anh mà ghi chép lại cho đời sau, cho con cháu chúng nó biết, không mai kia chúng nó tưởng đời chúng mình sung sướng lắm, ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc lắm phải không ông anh. Thôi, từ rày trở đi ông anh không phải đi làm ăn gì cả, cứ ở nhà viết lách, chúng em nuôi. Nhìn cái tạng ông anh, ăn uống mấy nả, cả cái chuyện kia nữa ông anh cứ yên trí, tha hồ thoải mái, muốn đứa nào cũng được. Chúng em thấy ông anh cũng là người có nghĩa khí nên mới mong muốn thế chứ thằng khác đừng hòng. Tẩn thì phải nôn ra. Như thế có được không hả các chị? Nào, cạn! Tất cả bát chén giơ lên, va lanh canh. Những người đàn bà ngấm men say, mắt sáng rực lập tức reo lên, vỗ tay đón chào một sự kiện lạ lẫm, hi hữu xảy ra ở cuộc đời mình. Mà thế thật, suốt đời họ toàn phải lo lắng, đối mặt, gánh chịu những cộc cằn, chửi rủa, bị ăn cướp, ăn quỵt và hãm hiếp, có bao giờ được nghe những điều nhẹ nhàng, phải trái, thông cảm, yêu thương, hiểu biết và chia sẻ với thân phận họ. Những người đàn bà ở đây ai cũng từng đi từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, lường gạt này sang lường gạt khác, hãm hiếp, bắt bớ, đánh đập triền miên. Chỉ đến khi họ lẩn được về đây, ngôi nhà này, mới phần nào yên hàn, một yên hàn tạm bợ, phập phù, đầy lo lắng. Hôm nay, họ tình cờ biết đến những thân phận khác, những con người ngay bên cạnh, cảm thông cùng họ, chia sẻ và hiểu biết tất thảy những gì về họ. Quan trọng hơn, người ấy không coi thường họ, sẵn sàng tham dự vào cuộc vui cùng họ, và cười, và khóc cùng chị em. Chỉ có thể là Phật là Thánh mới làm được điều ấy. Anh ơi! Chúng em cảm ơn anh nhiều lắm. Chúng em cảm ơn đời. Chúng em cảm ơn lắm lắm. Cứ thế, những người đàn bà say bắt đầu ê a hát, đủ mọi loại giọng, đủ mọi sắc thái, ái, ố, hỉ, nộ chen chúc vang lên. Họ Đào cũng hát, hôm nay gã hát rất hay, từng câu từng chữ tròn vành, rõ tiếng. Bài hát về cuộc đời đầy sóng gió của một gái giang hồ và chàng trai trong mộng. Người tình trong mộng bỏ đi, cô gái thay vì trẫm mình xuống dòng sông mù quáng đã kịp thời tỉnh ngộ, đến với vùng đất mới làm lại cuộc đời mình. Và chính dòng sông mà cô gái định trẫm mình, đã dang rộng vòng tay chở che, vỗ về, đón cô đến vùng đất mới. Như nghe được cả tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi và trái tim yêu cuộc sống của cô gái đập dạt dào. Những người đàn bà nắm tay nhau, nhảy múa xung quanh họ Đào, nhảy miên man theo lời bài hát cũng miên man tưởng chừng không bao giờ dứt. Đêm ấy, khu nhà đổ nát như một lâu đài lung linh, huyền ảo, không có thật ở trần gian. Ước gì đêm nào cũng như thế nhỉ. Rồi gần sáng, tất cả lăn lóc say, cả ông anh cũng say li bì, nằm ngổn ngang cùng với mấy cô em. Cũng chả ai để ý, vì khu nhà thông thường ban đêm chỉ họ Đào lặng lẽ, tí tách bên máy tính, còn các cô em thường đi những đâu đâu, tảng sáng mới về. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Họ lăn ra, ôm nhau ngủ. Khu nhà chìm vào im lặng. Cái âm thanh duy nhất là tiếng khóa cửa lạch xạch của họ Đào, và khi sáng hẳn tiếng xe máy nổ bành bạch thả làn khói xám vào trong giấc ngủ của các cô em vẫn đang say lăn lóc, li bì không biết trời đất gì nữa. Sau cái đêm diệu kỳ ấy, rốt cuộc sự việc đâu lại vào đấy. Chả ai hầu hạ gì ai. Ông anh vẫn lụi cụi công việc của mình. Mấy cô em cũng vậy, họ điềm nhiên lao vào cuộc đời riêng, đam mê riêng của họ. Ông anh là người tốt bụng, hồn nhiên chứ không phải thánh thần. Một lần, vào tảng sáng, có gã ma cô dìu một cô em bê bết máu về quăng ngay đầu nhà. Nghe tiếng động, đang kỳ cạch bên máy tính, ông anh ngáp ngắn ngáp dài đi ra tìm hiểu sự tình. Người cô em mềm nhũn, máu me be bét. Lôi vào trong phòng, ông anh dùng phích nước gột rửa, lau mặt mũi cho cô em rồi đặt lên giường đắp tấm mền ẩm mốc, hôi rình cố hữu của mình. Cô em ú ớ, khe khẽ rên rồi lăn ra ngủ. Ông anh nín lặng thở dài, lạch xạch dắt xe đi làm sớm. Chiều về, không thấy cô em đâu. Không một lời cảm ơn. Không một dòng địa chỉ. Chiếc máy tính cậm cạch, chiếc quạt cũ sứt sẹo và chiếc đồng hồ treo tường đã bị tháo đi không một lời nhắn gửi. Cũng lặng lẽ như không, ông anh quay xe, đi về phố máy tính cũ, rước về một chiếc. Mấy đêm tiếp đó, điện phòng ông anh bật sáng cả đêm. Ông anh ngồi đăm chiêu, bóp đầu bóp trán khôi phục lại số bản thảo cũ, thỉnh thoảng nhăn nhó, miệng lẩm bẩm điều gì đó, như là chửi rủa trí nhớ tồi tệ xuống cấp của mình.

 

Bỗng Y thoáng giật mình. Cây gỗ đang ngồi chuyển động, từ từ rời vị trí. Hốt hoảng, Y bật dậy, nhảy phắt lại, chân tê đi vì dùng quá sức mình. Ngược với đà nhảy của Y, cây gỗ lừ lừ lao chuội ra giữa hồ, lặng lẽ chìm xuống không một tiếng động, chỉ vài bọt nước sủi lên, đan cài giữa những rong rêu lắc lư chuyển động. Nhìn cây gỗ nằm im dưới đáy hồ, Y tự nhủ chắc do sức nặng của mình, khiến nó rời bờ chìm xuống chứ đời nào là bẫy giập. Các cậu trẻ tuổi chắc là vẫn ra đây nô đùa trên chiếc cầu tạm này và mùa mưa chả đua nhau nhao xuống hồ bơi lội. Vừa suy nghĩ, Y vừa tiến về phía bìa rừng, nơi những bụi cây lúp xúp đang mùa thay lá. Bỗng phía xa dòng suối cạn thấp thoáng như có bóng người. Y co người lẩn vào giữa bụi cây, quan sát. Đúng người thật. Một cô gái ăn mặc rách rưới, hầu như ở trần đang men theo lòng suối cạn tiến về phía hồ nước, lưng hơi gù, đi cứ dúi về phía trước như mất thăng bằng. Mái tóc rùm ròa che kín khuôn mặt và hai vai. Nửa người dưới quấn một tấm vải cũ nát có thêu hoa văn đen đỏ loang lổ. Cô đi khá nhanh, nhìn quanh quất lấm lét rồi đến bên hồ, bước hẳn xuống, vục đầu uống. Khá lâu, cô ngửa đầu lên, mái tóc xõa ra sau, Y mới kịp thấy một khuôn mặt hoang dại, đôi mắt to, nhiều lòng trắng và đôi lông mày dày, đen cháy. Cặp vú mẩy ưỡn cong màu nâu nhạt. Cô gái trẻ chắc là người dân tộc, từ vẻ mặt, mái tóc xoăn đến cặp mắt nâu, to tròn, miếng vải quấn vội vã và đặc biệt là sợi dây vải đen, đeo lủng lẳng một vật, như một miếng gỗ hoặc đá nơi cổ, nổi bật trên nền da nâu, bóng, không giấu được vẻ phong trần, sương gió. Cô gái lại vục đầu xuống, tiếp tục uống khá lâu. Chắc cô rất khát và theo bản năng mò theo con suối tìm nước. Hai ba lần như vậy, cô quay người đi rất nhanh men theo lòng suối cạn, trở về chỗ vừa xuất hiện. Cô đi như chạy, tay rẽ những cành cây lòa xòa hai bên dòng suối, dáng người chúi về phía trước. Khi đến bìa rừng sát con suối, đột nhiên cô đi như lướt trên các ngọn cây lúp xúp rồi bất thần tung vút người lên một tán khộp thấp. Không tin ở mắt mình, Y dụi mắt, nhô người ra khỏi bụi cây. Cô gái đã chỉ còn là một chấm nhỏ đang chao lượn trên những cành khộp rừng. Là người hay ma? Là người hay vượn? Rõ ràng khi xuống hồ nước, bàn chân cô giẫm lạo xạo trên đám sỏi. Không tin ở mắt mình, Y chạy lại chỗ cô gái vừa xuống uống nước, vệt bùn ẩm ướt hằn rõ trên sỏi đá. Và dưới hồ, những cây cỏ, rong rêu bị xéo nát còn nguyên, nước ngầu đục ở những vết chân lội mới rút đi. Càng kinh ngạc hơn, cây gỗ chìm ở giữa lòng hồ đột nhiên nổi bềnh, giương những hốc mắt sần sùi như mắt cá sấu nhìn thằng người ngơ ngác trên bờ. Y nhìn cây gỗ, lạ lẫm, hoang mang. Mặt hồ im lặng. Phía rừng xa, chấm đen biến mất từ lâu. Chỉ những tàn cây trơ trụi, lặng gió im lìm như đang trêu cợt.

 

Không tin những gì vừa nhìn thấy, Y thập thõm bước về căn nhà, đầu óc váng vất, đôi chân hết công hiệu của thuốc, bắt đầu sưng và đau trở lại. Trong căn nhà, họ Đào đang cắn bút suy tư điều gì. Trời ngả sang chiều, ánh nắng yếu ớt xuyên qua khe hở những tấm gỗ giăng ngang nhảy múa xung quanh họ Đào. Y bước vào bên trong, gã không nhìn, không nói không rằng. Y ngồi phịch xuống tấm ván, gắt lên vô cớ. Ông định để người ta giết tôi ở ngoài kia à? Tiên sư nó, chân với tay, nhức không chịu được. Số ông đen đủi bỏ mẹ. Họ Đào lúc đó mới ngước lên, không hiểu điều Y vừa nói. Nhìn vào vẻ mặt nhăn nhó của Y, gã chợt ngớ ra, nhìn xuống hai cổ chân đang bắt đầu sưng trở lại, họ Đào nhẹ nhàng, nói như nịnh. Thôi mà, tại ham đi nhiều quá. Khớp của ông chưa ổn định. Ngồi xuống, để tôi đắp thuốc cho. Vừa đắp thuốc, gã vừa chăm chú nghe Y thuật lại câu chuyện. Đến đoạn người con gái phóng lên những tàn cây, gã vỗ đùi đánh đét, nói hồ hởi: Thôi đúng rồi. Đúng rồi. Buổi sáng hái lá tôi đã nghi lắm. Hóa ra là có người thật. Tôi cam đoan với ông là người rừng. Phen này thắng lớn rồi. Tôi với ông sẽ làm cuộc khám phá ở cánh rừng này. Chúc mừng ông. Phen này thì biết tay ta. Tất cả sẽ biết đến chúng ta. Ha ha ha. Sẽ biết tay họ Đào này. Y trố mắt nhìn ông bạn đường. Gã sẽ bày ra cái trò gì nữa, ở nơi khỉ ho cò gáy này, hỡi con người dị mọ kia? Tôi còn phải gặp bao nhiêu rắc rối với ông nữa, ông bạn vàng. Hai thằng dở người khám phá một người không tăm tích chỉ nghe đồn thổi, chỉ nhìn thấy loáng thoáng ư. Y bực bội bảo. Ông đừng vớ vẩn. Chắc là tôi hoa mắt. Khác gì hôm nhìn thấy chó sói, thấy lửa cháy, thấy cô bạn gái chết giẫm của ông. Khác chó gì, ông đừng viển vông. Không, không. Hai việc khác nhau đấy, chuyện kia là ảo giác còn đây là sự thật. Thằng nhà văn không khám phá sự thật thì còn ra gì. Nào, chân của ngài đỡ chưa? Đỡ rồi hả. Đầu của ngài đỡ váng vất chưa? Tốt rồi hả. Thế là ngài hoàn toàn tỉnh táo chứ gì. Khẳng định với ngài người con gái mà ngài gặp sáng nay là thật. Để rồi ngài xem. Sáng mai, chắc chắn cô gái ấy sẽ quay trở lại dòng suối.

 

Y ngả người xuống tấm ván gỗ, suy nghĩ miên man. Miếng ván gỗ bên kia, họ Đào hý hoáy ghi chép, trông gã hôm nay có vẻ bảnh bao và thanh thản, như đang đón đợi điều gì. Gã luôn gây cho Y những bất ngờ, ở mọi nơi, mọi lúc. Chắc gã đang nghĩ về cô gái người rừng. Hay nghĩ đến cô gái điên ở gầm cầu thị trấn. Hoặc những người đàn bà nơi khu nhà ẩm thấp mà hắn đang ở trọ. Có khi là ông lão ăn mày ở gầm cầu. Hay gã nghĩ đến số phận con chó đầu đàn nơi cánh rừng phía Bắc bị lợn rừng gặm nát bét chân. Chịu chết. Cái đầu lòa ròa kia nghĩ gì. Y chịu. Sống với gã bao nhiêu năm nay, có bao giờ đoán trúng được gã đang nghĩ gì đâu. Có khi mình đoán trúng cũng chỉ cười cười chả hiểu thế nào. Còn cô gái người rừng, biết xử trí tiếp theo với gã thế nào. Đã trót kể ra với gã, lại mô tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Mắt gã cứ sáng rỡ lên như bắt được của, rồi vỗ đùi vỗ tay đen đét. Chắc cái đầu lòa ròa bí hiểm u ám kia đang lập kế hoạch bắt giữ cô gái. ở nơi hoang vắng này, chỉ hai thằng đàn ông o ép cô gái lạ hay ho gì. Phá! Y sẽ phá hoại cái dự định chả tốt đẹp kia. Ai có đời sống của người ấy, can dự vào biết thế nào, tốt đẹp hay chỉ tổ làm khổ người khác. Lát nữa, để cái đầu kia tỉnh táo sẽ khuyên răn xem sao. Nếu cần sẽ đánh động để cô gái kia chạy vào rừng hoang, bỏ mặc cái ý nghĩ điên rồ của gã. Thật lạ lùng, Y không bao giờ đoán được họ Đào đang nghĩ gì nhưng gã thì ngược lại, luôn biết chắc chắn Y đang suy nghĩ gì và hành động ra sao. Đang mải nghĩ thì hai cậu trẻ tuổi về, mang theo những thứ lỉnh kỉnh, gạo, muối, đồ khô và cả sách báo. Cậu tóc xoăn còn treo lên vách gỗ một giò phong lan rừng mập mạp, xanh mỡ màng với hai bông đang nhú nụ, hứa hẹn một nét xuân đặc biệt nơi vùng biên hẻo lánh khô cằn này. Hai cậu bạn chào Y với một thứ tiếng Kinh chưa sõi. Họ Đào nói chuyện với những người trẻ tuổi bằng tiếng riêng, như cố ý gạt Y ra khỏi những bàn bạc. Hai cậu bạn thỉnh thoảng nhìn Y e dè. Thuốc lá làm Y bớt đau nhức hơn. Y ngồi dậy, bước tới chỗ anh bạn thanh mảnh, gầy gò có mái tóc xoăn, hỏi đại khái mấy câu ra điều thân mật. Người trẻ tuổi nhìn họ Đào rồi nhìn Y, dần dà vẻ e ngại biến mất, cậu có cái tên khá lạ tai, Y Boong. Y Boong ở đây được gần một năm, Tết xong chuyển đi học một lớp ngắn hạn về kiểm lâm. Hai anh bạn trẻ muốn về quê ăn tết, quê trong này nhưng cấp trên bảo cứ chờ xem thế nào. Hai cậu cũng không báo gì với cấp trên là Y và họ Đào đã đến đây. Công việc của hai nhà văn không tên tuổi xã hội không quan tâm. Họ Đào trầm ngâm điều gì rồi phát sóng ngắn với hai anh bạn trẻ. Hai anh bạn mừng ra mặt, líu la líu lô. Y bỗng bực bội vô cớ, lặng lẽ ra cái sân nhỏ, mặc kệ ba người. Hoàng hôn bắt đầu xuống, ánh nắng nhạt dần rồi tắt lịm. Xa xa, tiếng chim kiếm ăn bay về tổ lạt sạt. Hai anh bạn trẻ lũi cũi mang những sợi dây và cọc ra hồ nước bắc lại cây cầu gỗ buổi sáng tự nhiên bị trôi đi. Một lát họ về, tay xách theo mấy con cá lóc và nắm dọc khoai. Ba người đàn ông lúi húi trong bếp. Y vơ vẩn ngoài sân. Không ai bắt chuyện với Y, kể cả mấy con chó, chúng chỉ quẩn quanh trong bếp, thỉnh thoảng nhìn Y thương hại.

 

Y ngồi xuống bậc cửa, nghĩ đến người đàn ông ăn mày ở cổng cơ quan. Sau hôm ấy, thỉnh thoảng Y thấy người đàn ông trong công viên vườn hoa, chiều muộn bước thập thễnh ra phía đầu cầu. Đêm xuống ông tá túc ở đó. Gầm cây cầu hơn trăm tuổi có trăm ngàn cuộc đời, thân phận khác nhau. Có lần những người ở đây bảo nhìn thấy xe hốt rác xúc cả xác người chết đem đi đổ mà không ai quan tâm. Cũng không biết xe rác ấy chạy về đâu. Hoặc nếu biết họ cũng lờ đi. Thân phận những con người ấy có đáng gì. Trong một sáng tác của họ Đào, có một người hấp hối không ai cứu. Họ sợ người nọ chết trên địa phận của mình nên đùn đẩy nhau, người này dưa người kia,

 

cuối cùng người ta quyết định thuê một anh kéo xe bò chở người hấp hối đến một trạm xá hẻo lánh vùng giáp ranh. Chiếc xe bò chở người hấp hối lọc cọc đi trong đêm, suốt đêm, hết nơi này nơi khác cũng chả đâu nhận. Nơi nào cũng có lý lẽ tình tiết riêng để không nhận. Họ còn đòi đánh người kéo xe và thủ tiêu người hấp hối trên xe. Cùng quẫn, không đường về, không đường đến, người kéo xe và người hấp hối ôm nhau khóc, nước mắt đỏ như máu nhỏ sang nhau. Trong suốt chặng đường gập ghềnh gian khó cái đêm ấy, anh kéo xe tâm sự với bạn mình, là người hấp hối kia rằng, anh ơi, tôi mệt quá rồi, ước sao tôi được như anh, cứ hấp hối chết dần thế lại hay, ước gì tôi được chết, được hấp hối cho dù chả ai kéo tôi đi đâu cả. Mà kéo tôi thì ích gì. Thôi, để tôi kéo anh ra sông. Chúng ta cùng chết. Dù sao thì chết ở sông cũng mát mẻ hơn, đỡ tù túng hơn. Cũng có khi không một ai đùn đẩy nhau vớt tôi với anh lên đâu. Chúng ta trôi dạt nay đây mai đó ở cõi đời này, trên dòng sông này. Khi đã chết rồi chả ai mắng mỏ, tị nạnh, ghét bỏ chúng ta. Ô hay, chính cái chết là tự do, không còn phiền toái gì nữa. Tôi và anh cùng chết. Tôi cũng đã muốn kết thúc cuộc đời mình, anh bạn ạ… Sau sáng tác ấy, Y bảo họ Đào, ông viết u ám lắm nhưng cũng cần thiết phải như thế, cuộc đời còn hơn thế nhiều, để tôi cho ông xem. Liền đó, Y trình ra cái truyện viết về những người tù. Họ rất đông, có người mắc trọng tội, có người bị oan, không ít người vốn hiền lành, chất phác, lương thiện và yếu đuối. Họ đang ở trong tù và đang đi thực hiện một công việc đặc biệt. ở cái cái thành phố ấy, nơi họ thi hành án, do những tranh chấp, mâu thuẫn, thù hằn cá nhân, những người có quyền quyết định vào giữa các đêm dùng những con người trên đi giải phóng mặt bằng, với dụng cụ thô sơ đập phá những căn nhà theo kế hoạch mà đã lâu, bằng biện pháp thông thường không thực hiện được. Những bóng người lầm lũi nối nhau đi trong đêm. Tiếng búa âm i. Tiếng người khóc, tiếng trẻ con kêu ré. Tiếng người già nguyền rủa. Hỗn độn, ồn ào. Như những hung thần, vằn vện, đen đốm, đám người như những kẻ câm điếc không còn nghe thấy gì, nhìn thấy gì, họ đập phá, dỡ bỏ mọi thứ theo kế hoạch đã được vạch ra. Đến tảng sáng, những xe đóng hòm kín mịt mùng nối đuôi nhau chở họ đi. Chỗ đập phá là chỗ nào, những người trong xe không biết. Những người trong xe là ai, những người già, trẻ con ở khu phố không biết. Cứ thế đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, khu phố bị san phẳng. Người ở khu phố ấy dần tản mát đi đằng nào? Người kiên nhẫn nhất cũng rời khỏi đó. Những người trong xe hòm có người bị mù mắt, cụt tay, thậm chí có người đã chết trong sau đận ấy. Câu chuyện kết thúc bằng một đám cháy. Khi người ta khánh thành con đường chạy giữa khu phố mới bỗng nhiên toàn bộ khu phố bị cháy. Hôm ấy, trời vần vũ, đang cắt băng khánh thành bỗng tiếng sét trên bầu trời xám ngoét thình lình nổ đoành đoành. Rồi chập điện. Cháy. Ti vi buổi tối đưa tin vụ cháy không thiệt hại về người. Những người ở xe hòm từng tham gia đập phá không hề biết việc ấy. Nếu ai đó hết hạn vãng lai qua chỗ khu phố mình từng đập phá chắc chẳng nhận ra. Câu chuyện kết thúc ở đám cháy không rõ nguyên nhân. Họ Đào bảo, sáng tác ít ra phải như thế, lẽ ra ông đã có một cái gì khá. Hãy thoát khỏi đám đông đi. Y lặng lẽ không nói năng. Dễ gì thoát khỏi đám đông. Sáng tác ấy không in được, xếp xó, Y cũng đã quên từ lâu. ở khu phố mới, do nhầm lẫn chật chội gì đó, đến một ngày, người ta lại tổ chức phá đi. Lần này thì máy ủi, máy xúc phá giữa ban ngày, trẻ con người già ra xem, tươi cười chỉ trỏ. Những tảng bê tông đúc vội nham nhở sắt thép. Mấy ông cả Tây cả ta đi những chiếc xe con đen bóng loáng đến, chỉ xuống đất chỉ lên trời rồi lại đi ngay. Buổi tối hôm ấy đi làm về, ngang qua cầu chui thị trấn, Y vẫn thấy chị điên bới đống vỏ ốc, vừa khêu những con ốc thối đưa lên miệng ăn vừa sịt soạt, xuýt xoa. Trời chạng vạng. Một cơn gió ở đâu thổi thốc đến tối tăm mặt mũi. Một vật gì chạy loáng nhoáng qua mũi xe. Y phanh két rồi ngã vật ra, lăn dúi dụi vào đám vỏ ốc chỗ chị điên. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Y bò dậy còn thoáng thấy chị điên cười, mái tóc dày cáu bết của chị lấp lóa đôi vai trần sạm nắng, bộ ngực trần lắc lư. Rồi thật bất ngờ, chị điên đỡ Y dậy, dựng cái xe máy vẫn còn đang nổ. Y lí nhí cám ơn không biết chị có nghe thấy không rồi lặng lẽ về nhà. Hôm ấy Y bị sốt. Trong cơn mơ, Y thấy chị điên cất một căn nhà nhỏ dưới chân cầu, sát bờ sông. Và thật lạ, chị sạch sẽ, khỏe mạnh, tươm tất và dường như đã khỏi hẳn bệnh. Những con búp bê bằng rác chị bện quăng xuống dòng sông ngày nào đã biến thành những đứa trẻ con khỏe mạnh, từ dưới sông men lên căn nhà, chạy líu lô, đùa nghịch trong căn nhà ấm áp. Trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, thật lạ lùng, có một người đàn ông cũng vừa hiện ra đó. Họ Đào? Đúng họ Đào rồi! Người đàn ông nhìn vào mắt người đàn bà, tay vuốt vuốt mái tóc dày, dài, đen nhưng nhức với vẻ mặt chan hòa hạnh phúc. Đúng lúc Y định tiến đến ngôi nhà, chúc mừng họ Đào thì cơn mơ chấm dứt. Y ú ớ u ơ. Chiếc khăn mặt ướt, hôi sì rơi xuống. Vợ Y lầm bầm, thị gắt gỏng, thị phát đen đét đứa con đang ngủ và chửi đổng ai đó. Chắc là thị chửi Y. Y ốm đột ngột làm bận bịu lên thị cáu. Đã từ lâu, thị luôn cằn nhằn lũ bè bạn của Y. Toàn một lũ rượu chè, luôn túng thiếu và u uất, căm phẫn một ai đó, toan tính một điều gì đó mà thị đoán rằng nó không lợi lộc với gia đình. Chắc chắn, Y và thị cũng khó trụ được với nhau vài năm nữa. Không có lũ con chắc một trong hai người đã bỏ đi. Mấy hôm sau khỏi ốm, khỏi sây sát, kể lại chuyện ấy với họ Đào, hắn dửng dưng thản nhiên bảo. Vớ vẩn. Hoang đường. Làm gì có chuyện ấy. Chắc ông bịa tạc để chế giễu tôi. Chứ cái giống đã điên rồi, khó bình thường được lắm. Mà tại sao ông lại nghĩ về tôi thế được nhỉ. Y kéo ống quần chìa vết sây sát ra. Thật lạ lùng, những trầy xước biến mất, không một dấu vết nhỏ. Y chưng hửng. Ngượng ngùng như người nói dối bị bắt quả tang. Y đâm cáu bảo đã thế từ giờ có chuyện gì đếch nói với ông nữa. Họ Đào xuống nước, chép miệng. ừ, thì cứ cho là có thật đi. Nhưng nó chỉ là trong mộng. Trong mộng thôi ông ạ. Trong mộng khó nói lắm. Còn ngoài đời tôi vẫn là tôi, chị ấy vẫn là chị ấy, cả lũ búp bê nữa, nó vẫn là những con búp bê bằng rác trôi nổi trên sông thôi. Cứ cho là có hồn có vía đi, thì búp bê rác cũng không trở thành trẻ con được. Mà trở thành trẻ con cũng chẳng để làm gì. Khổ lắm, lớn lên càng khổ. Có khi cứ mãi mãi là búp bê rác trôi nổi ở trên sông lại mát, lại được rong chơi. Cả chị ấy nữa, cứ như thế lại tốt mà có khi người ta cũng thích thế, ông bạn ạ. Có khi ông bạn đang phá hoại người ta. Lý luận này của họ Đào nghe sao nhuốm màu thê lương cùng quẫn quá. ừ, nó chỉ là giấc mộng, hãy cứ để nó tự trôi đi. Nhưng hôm nay sự thực thì sao. Sự thật ở vùng biên giới đang diễn ra trước mắt chả lẽ cũng là giấc mơ ư? Thì có giấc mơ nào giống giấc mơ nào. Họ Đào từng có một câu chuyện mơ mộng đến thắt lòng, câu chuyện như một mảnh trăng trong trẻo chen vào các sáng tác u ám của gã. Mà chuyện ấy cũng đã quá lâu rồi. Nó chỉ còn lay lắt như một nét mờ đứt nối mà gã rát sợ nhắc đến.

 

Cái đêm đó họ Đào không ngủ được. Ngay bên cạnh là một cô gái như thực như mơ thì làm sao ngủ nổi. Thực như tối qua ngà ngà trở về phòng trọ đã có sẵn người con gái trong ấy. Người con gái căng mẩy nồng đậm đang ngủ vùi trong chăn trên giường. Trời đã khuya. Khu nhà trọ tồi tàn một mình gã ở lại ăn tết ở thành phố trong tâm trạng rối bời vì những ràng buộc không đâu. Đã là lần thứ ba chuyển cơ quan và dường như mọi cơ quan đều chờ gã đến để khoác cho bao nhiêu việc dưới hình thức hợp đồng thử việc. Nào cứ ngồi lên lớp tập huấn cho đủ quân số. Nào chữa máy vi tính cho mấy đứa con gái giám đốc. Một ả sồn sồn văn phòng rất hay liếc mắt đưa tình với gã. Gã cáu. ả bảo: Ôi giời loại hâm hâm như anh hiếm lắm. Còn hâm người ta còn vời đến tôi còn liếc, đừng có lợn chê cám. Gã không bắt chuyện, kệ thây mụ ngồi hút thuốc nhìn vào khói thuốc. Buổi chiều gã rủ ông bảo vệ đi uống rượu. Một người nói chuyện cách mạng một người nói chuyện quê hương. Ông bảo vệ: Mày có chí, lại có bằng đại học lo gì. Bây giờ thời buổi bằng cấp. Gã mặc kệ ông già triết lý bằng cấp cứ lặng lẽ uống hết chén này chén khác. Mãi khuya, ông già bảo: Thôi, người ta phân trực tết là có ý thử thách cậu, là vào vòng ngắm đấy. Bỏ một cái tết có khi chuyển động cả đời người.

 

Gã ngồi xuống mép giường. Người con gái ngủ ngon lành như trong căn phòng dành riêng cho cô. Nhưng đây là phòng gã, gã là chủ sở hữu căn phòng cho dù là căn phòng đang thuê đã mấy tháng chưa có tiền trả. Gã ngẩn ra, lúng túng. Người con gái làm thế nào vào được đây? Hay gã quên khoá cửa. Hay cô gái là oan hồn hiện về. Bất giác gã rùng mình nhìn kỹ khuôn mặt người con gái. Không son phấn, khuôn mặt mộc như thôn nữ, đôi lông mày hơi sếch bướng bỉnh. Cô gái khẽ mỉm cười trong mơ. Nụ cười mụ dạy làm gã quên tất tật những xấu xa, bon chen, bịp bợm thực tại. Gã gãi đầu lúng túng đứng dậy dắt chiếc xe máy cọc cạch vào phòng. Tiếng lạch xạch khiến cô tỉnh giấc. Cô ấp chiếc chăn lên ngực nhìn gã trân trân, gã chợt trở lên lúng túng: Tôi, tôi xin lỗi. Cô nhìn gã, hồi nhớ việc đã qua khẽ ngồi dậy không rời tấm chăn lí nhí: Anh họ Đào phải không? Em là bạn của anh Y, anh ấy bảo em đến tìm anh. Em đợi anh mãi. Gã ngẩn người, Y nào nhỉ? Gã quen biết đến năm sáu Y, toàn những thằng khôn ranh, chỉ biết đến bản thân và lợi dụng sự tốt bụng của mọi người. Còn đang nghĩ thì cô gái lên tiếng: Anh khép cửa lại rồi nghỉ đi. Đây, ranh giới là con gấu bông. Mai em sẽ nói rõ, đêm đã khuya rồi. Cô nói thoang thoảng rồi khép ngay đôi mi xây người ôm con gấu. Cực chẳng đã gã khẽ gieo người xuống phần giường còn lại cố nhắm mắt càng không sao ngủ nổi, càng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bên kia con gấu, trong tấm mền chăn nồng nàn, hơi thở trinh nữ như sương khói dẫn dụ, huyễn hoặc. Cuộc sống tại sao cứ như một bức tường bí hiểm ma quái chặn đứng mọi tìm hiểu. Gã chìm vào mùi hương trinh nữ. Sáng hôm sau tỉnh dậy không thấy cô gái đâu. Rõ ràng con gấu vẫn chềnh ềnh giữa giường và phía bên kia còn hằn rõ vệt nằm. Gã mỉm cười thấy chiếc xắc nữ treo ngay ngắn trên đinh tường và trong mắc áo hổ lốn có cái áo khoác đỏ xinh xắn đầy nữ tính. Gã tung chăn ngồi dậy. Vẫn mặc nguyên cả quần áo khoác đi ngủ nghĩa là cái ranh giới còn rành rành ở đây. Còn đang ngẫm ngợi lâng lâng thì cô gái bước vào xách một túi ni lông rau quả nhìn gã từ đầu đến chân cười: Thắc mắc về em lắm à. Thôi, đi đánh răng rửa mặt rồi em nấu bữa sáng cho mà ăn. Chuyện đâu rồi có đó. Gã huýt sáo. Đã mấy năm nay mới vừa đánh răng vừa huýt sáo. Khu nhà trọ có sáu phòng đã về ăn tết hết, nhà chủ giao cho gã trông nom mấy ngày tết. Sau bao nhiêu vấp ngã gã tự rút ra kinh nghiệm là cứ mặc kệ thây sự việc. Sự việc thế nào thì cứ để kệ nó. Còn đang tẩm ngẩm nghĩ ngợi thì cửa phòng tắm lẹt xẹt, tiếng cô gái ấm áp: Khăn mặt đây, phích nước đây. Từ giờ anh phải rửa mặt bằng nước nóng. Ôi chao, đời sao lại có lúc thế này. Gã ngẩn nhìn. Cô gái như không để ý khuôn mặt kỳ cục ấy, thoảng bước đi còn nói: Nhanh nhanh rồi vào ăn sáng kẻo nguội rồi đi làm. Chiều về em kể chuyện. Gã xấp cái khăn mặt, rồi soi gương. Ơ hay, khuôn mặt đàn ông ra phết. Lũ ria làm ta hơi già tí thôi. Lập tức gã vớ con dao cạo. Trời đất! Gã như con người khác, sởn sơ, thơ thới không chỉ ở ngoại hình. Gã bước vào phòng mình như bước vào một thiên đường mới. Mấy cây tầm xuân trước cửa chừng như nở thêm mấy bông hoa. Đến cơ quan còn chưa hết bàng hoàng, ông bảo vệ nhìn bộ dạng ngẩn ngơ trêu: Ma ám hả. Hay đứa nào nó chài. Gã cười cười: ừ ma ám, ừ có người chài. Này, tết trực lên phòng uống rượu nhé. Ông bảo vệ đóng cửa nhìn theo lẩm bẩm: Rõ ma làm. Chả thế người ta về tết cả lại dúi sang cậu ấy trực.

 

Khi về đến căn phòng trọ trời đã xâm xẩm tối. Đường phố vắng hoe hoắt, đêm nay là đêm giao thừa. Đã bao nhiêu giao thừa vắng nhà gã không còn nhớ nữa, nhớ cũng chẳng để làm gì. Bây giờ ở nhà cha mẹ và các anh chị ra sao? Gã bước vào phòng. Căn phòng  ấm cúng đến ứa nước mắt. Cành đào trên nóc cái tủ gỗ nhỏ nhắn mộc mạc hé những nụ tuyết căng mẩy, lộc lá tươi non bỡ ngỡ chào chủ nhân trở về. Một đĩa ngũ quả, chuối xanh ôm khít bưởi, cam, quýt, phật thủ, mấy quả cam sành xanh nhưng nhức bầy riêng cạnh hộp mứt tết. Còn chưa hết ngạc nhiên thì cô gái (càng ngày càng xinh đẹp và tự nhiên) bưng vào cặp bánh chưng mỉm cười bảo: Anh đã về. Nước em nấu để trong phòng tắm. Anh tắm gội rồi ta cúng tất niên. Năm nay tháng thiếu hăm chín lấy làm ba mươi. Gã như người trong mộng, lúng túng hỏi một câu thật chẳng ra sao: Em, em mua những thứ này ư?. Em cùng đón tết với anh thật à? Cô gái cười: Kìa anh. Chứ lại không thật. Thôi nào, đi tắm tất niên. Nói rồi đưa cái khăn tắm mới tinh cả cái xô mới đỏ tươi bảo: Em mới mua, để anh dùng cả sang năm. Gã bước vào phòng tắm, thoảng hương bưởi hương nhu hương mùi quen thuộc từ xa lắc, thuở bảy tám tuổi mẹ vẫn thường hái lá hương nhu nhổ cây quả mùi triền sông Lăng kỳ cọ. Gã múc gáo nước ngửa cổ từ từ dội xuống. Một thứ men ấm áp nồng say thơ thới đưa vào chốn tiên bồng. Những vướng mắc, mặc cảm, cả những chán chường, yêu ghét tuột dần, trôi hết trong gáo nước tất niên. Gã dường như không còn nghĩ đến bất cứ thứ gì trên đời, gã đang bay vào miền khói sương lãng đãng nơi cỏ may cào cào châu chấu, nơi hương nhài hương bưởi ven sông, nơi hoa cau rụng xuống vại nước mưa trong vắt, nơi vành tai tượng phật chim sẻ đồng cặp rác và những tảng đá nhẵn thín, mát rượi xếp từng bậc xuống thềm sông. Từng gáo nước hồi sinh mọi ngóc ngách. Giọt nước cuối cùng nhắc gã về thực tại nơi căn phòng nhỏ đang có cô Tấm chờ gã cứ như cõi dương gian bây giờ là một chốn riêng.

 

Cô gái với một bộ áo dài tím tuyệt đẹp ngoài khoác thêm chiếc len màu be lộng lẫy. Gã nhìn cô, cô hơi lúng túng mỉm cười bảo: Em lạ lắm hay sao. Trông anh kìa, cứ như chú rể sắp cưới. Gã tiến đến gần, mùi hương bưởi hương nhu ùa về quấn quýt ấm sực không gian. Vu vơ gần xa tiếng pháo nhà ai kích vào không khí xuân như cách đây mười mấy hai mươi năm, lúc gã còn là cậu bé túm áo mẹ đòi mua pháo tết còn ăn gian vòi vĩnh cả tiền bà mua pháo đốt đì đoạch suốt từ hăm bẩy hăm tám tết và cô gái đang đứng trước mặt đây đích thị là cái Na xóm Đình chứ còn ai nữa. Cái Na thuở ấy chúa hay tố cô các trò nghịch của bọn con trai, toàn bị bọn con trai xóm Cả bắt chuột con mới biết bò bỏ vào cặp sách khiến cô bé một lần sợ khóc thét lên quẳng xuống ngòi nước. Khi ấy gã cùng lũ bạn mới ân hận về trò nghịch dại dột của mình hý hoáy vớt từng quyển vở học trò phơi ở triền đê chắc mẩm tối nay sẽ ăn trận đòn và buổi học sáng mai sẽ phải gặp riêng cô chủ nhiệm lãnh án kỷ luật thì lạ chưa tất cả vẫn diễn ra bình thường. Chiều đi học về đến đoạn mương hôm trước gã chủ động tiến đến xin lỗi lí nhí: Na cho bọn mình xin lỗi. Đôi bím tóc khẽ xoay nghiêng, hai hàng mi chớp chớp nhìn thẳng  mấy cậu quỷ sứ đang đứng thần ra: Cảm ơn các đằng ấy phơi giúp vở. Tớ cũng hay tố các đằng ấy... Có gì bỏ qua nha... thì lúc ấy trời như vỡ ra bao nhiêu thứ lạ lùng ban tặng mấy cậu bé đồng quê quần manh áo vá. Rồi cô bé nghiêng đôi bím tóc bước thật nhanh lên phía triền đê. Chiếc cặp sách xinh gọn ôm khít trước ngực đến bây giờ vẫn là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí gã. Hay Na thật? Cô gái lôi gã trở về thực tại: Sao anh cứ đứng mãi thế. Ta vào cúng tất niên còn chuẩn bị đón giao thừa. Tiếng người như tiếng chuông tiếng khánh văng vẳng. Gã bước vào phòng. Mâm ngũ quả tươi nhuần khoe sắc bên cành đào chúm chím. Một đĩa dưa hành, một khoanh giò lụa, một cặp bánh chưng có lạt điều ngay ngắn. Châm hương thay nước cô gái ý tứ ngồi nép ở mép giường như cô Tấm trong chuyện kể của bà. Gã sửa sang áo quần trang nghiêm, thành kính chắp tay cảm tạ đất trời, thần phật, tổ tông ban tặng những ao ước đến với mọi người, với muôn loài và nàng tiên đang ngồi kia. Tất cả bỗng chợt chìm vào màn khói hương ấm vững đang toả ra từ nóc chiếc tủ gỗ nơi căn phòng cấp bốn tuyềnh toàng mấy năm vắng mùi khói hương đêm nay chìm trong không khí tất niên quần tụ. Gã như say như mơ đăm đắm nhìn những gì đang có thực mà khẩn cầu rồi như người mộng du đi đến bên người con gái. Cô gái ngồi nép vào phía cuối giường tin cậy. Họ như một gia đình nhỏ ở trần gian. Thốt nhiên, cô gái bảo: Anh rót rượu ra đi, mùa xuân sắp đến đấy. Gã tiến đến ban thờ, xá tay nhấc xuống chai rượu. Tuần hương đã cạn, tàn nhang cong vút xoắn bện như hàm chứa một sự chuẩn y. Rượu được rót ra, chàng cầm ly đến bên nàng: Nào, ta nâng cốc chúc mừng mùa xuân. Đỡ chén rượu, nở nụ cười tươi, nàng tiên bảo: Cảm ơn anh. Tiếng chạm cốc vang lên cũng là lúc tiếng pháo đâu đó râm ran và ngàn vạn pháo hoa rực rỡ bung nở bay múa khắp bầu trời. Men rượu, hương hoa, chàng và nàng cùng một lúc tan vào trời đất.

 

Cậu trẻ tuổi tóc xoăn mời Y vào trong nhà. Chiếc chiếu mới nhận về được trải xuống sàn gỗ. Cậu nhỏ gầy lôi ra chai rượu. Họ Đào nói nhỏ nhẹ, khúc chiết. Nào, chúng ta hãy chúc mừng sức khỏe ông nhà văn tài danh của tương lai. Chúc sức khỏe các bạn. Ông bạn đây còn phải dưỡng thương mấy bữa nữa. Rồi tha hồ trò chuyện. Chúc mừng điều thú vị sẽ xảy ra trong nay mai. Họ Đào thao thao. Hai cậu trẻ tuổi kia hưởng ứng nhiệt tình. Thỉnh thoảng họ lại phát sóng ngắn với nhau. Y uống qua loa, ăn qua loa rồi xin lỗi leo lên tấm ván gỗ ghép xộc xệch nằm ệch xuống, bắt tay lên trán. Ba người kia tiếp tục ăn uống, to nhỏ, bàn tán với nhau. Bếp lửa nổ tí tách, thơm và ấm sực. Mùi cá nướng và mùi rượu thơm nồng tỏa khắp căn nhà gỗ. Giá như lúc khác, hẳn Y uống phải biết, và trò chuyện, phét lác kém gì ai. Nhưng hôm nay, Y dường như không còn tâm trạng nào uống rượu và nói chuyện. Y cầu mong cho đôi chân ngày mai khỏi hẳn, khỏe mạnh để tính đường về. Đường về xa lắm. Cầu mong ngày mai cô gái kia đừng xuất hiện, đừng trở lại hồ nước làm gì. Em ơi, hãy cao chạy xa bay. Không, thành ra anh hại em rồi. Cứ ở nơi rừng thẳm mà sống tự do tự tại. Đừng xuất hiện. Đừng trở về. Hãy đi đi. Hãy đi thật xa. Y nằm im nghĩ ngợi, cố hình dung khuôn mặt cô gái. Mái tóc xoăn, dày, cháy khét, để tự nhiên luôn che kín khuôn mặt. Chỉ khi cô gái ngửa cổ lên, mới thấy rõ phần nào. Đôi mắt to, nâu, luôn rực sáng có phần hoang dã. Ngày mai em đừng xuống suối. Xuống suối, những con người kia sẽ bắt em. Cuộc đời em sẽ sang một hướng khác, có thể sung sướng nhưng lệ thuộc, có thể an toàn hoặc bất an nhưng khác lắm cuộc sống em đang sống. Y nhìn thấy cô gái bị trói giật cánh khuỷu, mắt mở thao láo căm hờn nhìn những người bắt cô, không kêu rên, không giãy giụa. Cứ thế, đôi mắt cô gái đột nhiên chiếu vào Y. Y nhìn cô gái, thầm nói bằng mắt rằng, cô gái ơi, hãy cố gắng đợi đi, đợi đêm xuống ta sẽ hành động, sẽ lặng lẽ phóng thích, cần thiết sẽ biến đi cùng cô, muốn ra sao thì ra, bỏ mặc kệ những gì ở xung quanh, bỏ mặc kệ họ Đào và những người kia. Y sẽ gây cho họ Đào một điều khó xử. Rồi mặc xác các người. Mặc xác các người. Không đếm xỉa gì tới những suy nghĩ của Y, ba con người chết tiệt kia cứ thản nhiên, rả rích ăn, uống và nói, phát sóng thứ ngôn ngữ của chúng. Y nhận ra hai kẻ kia ngày mai sẽ là tòng phạm đắc lực của họ Đào. Chúng sẽ cùng nhau dồn đuổi cô gái kia vào chỗ chết, rồi hể hả với chiến tích của mình. Những gương mặt hiếu thắng bắt lửa ánh lên phấn khích, đầy vẻ ăn thua. Những lời nói như thề bồi với một đấng thiêng liêng nào đó đang hiện ra, ban phát và hứa hẹn dành cho những kẻ cuồng tín. Y xoay mặt vào trong, nằm co người lại, không muốn nhìn thấy, nghe thấy những âm mưu hèn hạ, lén lút, đắc thắng một cách bẩn thỉu đang diễn ra. Mấy người kia thì thầm chán, to nhỏ chán, ăn uống chán rồi chúng lăn ra ngủ. Chúng ngủ rất ngon, như không vướng bận điều gì ở trên đời. Như không sẽ cùng nhau thực hiện âm mưu lén lút, đê tiện vào ngày mai. Y trằn trọc, lăn lóc, mộng mị chán rồi cũng thiếp đi trên.

 

Trời chưa sáng Y đã vùng dậy khởi động mấy động tác thể dục. Họ Đào và hai chàng trai trẻ lập tức dậy theo. Họ mau chóng vệ sinh và ăn sáng. Mọi người im lặng một cách bất thường. Bữa ăn đơn giản. Mấy bắp ngô luộc bốc khói nghi ngút. Y hờ hững nhận bắp ngô từ tay một cậu tóc xoăn. Họ ăn rất nhanh rồi không hề chào hỏi ai, hai cậu trẻ tuổi xăm xắm bước ra khỏi nhà, họ Đào nháy mắt, mỉm cười ranh mãnh với hai anh bạn trẻ. Còn Y và gã trong căn nhà gỗ. Họ Đào bồn chồn đi lại rồi bước qua bậu cửa, loanh quanh ở khoảng sân hẹp. Y nhớ hôm ở ngôi đền cổ, buổi chiều gã cũng đi loanh quanh, giục mọi người loạn xị. Và đêm ấy, gã quắp cô gái đi. Buổi sáng trở về hai đứa tươi cười với nhau. Mắt cô gái như có một đốm lửa đang âm ỉ cháy. Một hôm, phởn chí thế nào, họ Đào bảo hôm ấy đã vục đầu vào ngực nó, bú tí nó, tí nó rắn, hoi hoi nồng nồng mùi lúa ngậm đòng. Chỉ thích rúc mãi vào đấy. Hôm nay, ở một thời cơ khác, họ Đào sẽ làm gì người con gái kia. Đôi vú cô gái người rừng chập chờn trong đầu óc Y, chắc họ Đào sẽ vục vào đó. Gã vốn khôn ngoan, nhiều ham muốn, khó lường, kín kẽ và có tài dụ dỗ. Y thầm ghen với gã, bỗng chán ngắt cái sự đứng đắn của mình. Kể không có gã ở đây, Y sẽ chỉ huy, sẽ hạ lệnh cho hai chàng trai trẻ, dù là làm một việc vớ vẩn chẳng hay ho gì đi chăng nữa. Tại sao trong những giây phút quyết định, những giây phút phải thể hiện, cứ luôn là họ Đào chứ không phải là Y. Y đâm cáu kỉnh, khinh khi cái công việc đang diễn ra, nhìn họ Đào loanh quanh ngoài sân, Y càng bực bõ. Họ Đào bước sát ngạch cửa, nhìn thẳng vào Y đề xuất công việc ngắn gọn rằng nếu không thích can dự vào thì ông cứ ở nhà viết lách hoặc dưỡng thương cho khỏe, mọi việc cứ để tôi xoay xở. Còn như muốn tham dự vào công việc thú vị thì hãy nghe lời, đừng phá bĩnh. Đây là việc có tính chất khám phá khoa học về bản thể loài người. Những nhà văn như chúng ta phải có duyên lắm mới gặp được. Ông hãy tin tôi đi. Rồi báo chí, sử học, nhân học, triết học, sinh học, xã hội học, công an, hình sự, tòa án sẽ sửng sốt trước khám phá của chúng ta. Nhưng để chắc chắc phải tận mắt tận tay tiếp xúc với con người này. Đấy, máy ảnh tôi đã chỉnh sửa rồi, ông vốn là người thiện chiến, hãy ra tay chụp càng nhiều càng tốt, nhớ là phải có bằng được những cận cảnh. Y nhấc chiếc máy ảnh lên, bật máy, ừ nhỉ, hôm nay nó lại bình thường. Không thắc mắc. Không tỏ thái độ gì, Y bước theo. Hai con cún lăng xăng chạy theo, họ Đào nhìn chúng, tay làm một ám hiệu rồi khẽ suỵt, hai cậu cún im thin thít, ngoan ngoãn trở vào bên trong căn nhà.

 

Cuộc đi săn khởi đầu vô cùng tẻ nhạt. ấn Y vào bụi cây lúp xúp, họ Đào cầm máy và bấm hai ba cảnh toàn của hồ nước. Tất cả chả có gì đặc biệt. Gã có vẻ ái ngại khi nhìn cây cầu gỗ hai anh bạn trẻ bắc ẩu hôm qua, mấy cọc tre cắm lên trời, tạo ra một dấu ấn lạ mắt, trái với khung cảnh thông thường của hồ nước. Nhìn gã nhấp nhổm tính toán, Y cười thầm trong bụng, nghĩ đến cú tung mình vút lên cây khộp ở bìa rừng của cô gái mà yên trí cho cái kế hoạch sắp phá sản đến nơi. Lúc nãy, họ Đào bảo, theo thói quen, thể nào cô gái cũng tìm ra hồ nước. Đã là người thiếu thế quái nào được nước. Hắn luôn nghĩ đúng. Đúng như chị người điên luôn thích thú tìm đến đống vỏ ốc hôi thối. Sịt soạt, xít xoa tìm những thứ thừa mứa mà con người bỏ lại. Họ cũng là con người. Chị người điên và cô gái người rừng khác gì nhau, khác gì Y và họ Đào, khác gì những chàng trai trẻ. Họ không khác gì cả. Có khi họ coi mọi người mới là một lũ dở hơi, luôn có những hành vi kỳ quặc chả giống ai làm phiền toái người khác. Họ thương hại lũ người sạch sẽ, tươm tất xung quanh. Cái lũ người luôn nhố nhăng, kệch kỡm và hay thóc mách công việc của kẻ khác, đặc biệt là công việc của họ. Cắt ngang dòng suy nghĩ của Y, chấm đen đột ngột xuất hiện nơi bìa rừng. Y thảng thốt suýt làm rơi máy ảnh. Hôm qua, chấm đen lao vút từ tàn cây xuống và ngay lập tức hiện ra một cô gái ăn mặc phong phanh. Hôm nay cũng vậy, chỉ còn mảnh vải quấn ở phần dưới. Phần trên, mái tóc lõa xõa, dập dờn che phủ khuôn mặt và bờ vai. Hai tay cô gái như thừa ra, gạt gạt những cành cây vướng vít ở hai bên dòng suối cạn. Y bấm liền ba kiểu. Một khuôn mặt và trời ơi, một khuôn ngực cực kỳ đẹp, cặp vú trần thây lẩy không che đậy như thách thức cả đất trời. Cô gái dừng lại, tò mò nhìn chiếc cầu gỗ lạ lẫm mấy giây rồi thong thả bước xuống hồ, tấm vải quấn phía dưới đã bắt đầu chạm nước. Họ Đào chết lặng không nhúc nhích. Hắn đã bị cô gái bắt mất hồn. Y nghiêng máy ảnh chớp luôn cả khuôn mặt đần độn ấy. Cô gái dùng đôi bàn tay thừa thãi, lỏng khỏng của mình vụng về vục nước. Đôi lông mày cong vút, các ngón tay dài hằn rõ từng lóng đốt khó khăn không vục được nước đưa lên miệng. Lóp ngóp, cô gái cúi thấp đầu chúi xuống mặt nước, mái tóc đen, dày xõa xuống. Cặp vú tuyệt đẹp nhúng nhẩy khẽ chạm mặt nước dấp dính. Người con gái ngẩng lên. Bất chợt một cành khô ở đâu đó, không biết là do Y hay họ Đào làm gãy chợt gây ra tiếng động. Cô gái vùng mình, nhìn rất nhanh xung quanh vừa quay ngoắt chạy lên bờ. Y bấm lia lịa. Họ Đào vẫn ngây như trời trồng. Cô gái hình như đánh hơi thấy sự nguy hiểm, đang săn đuổi, men theo lòng suối, chạy rất nhanh về phía những tàn cây. Y thầm mong cô gái mau chóng đến bìa rừng, tung mình lên cành cây trước sự chưng hửng của họ Đào. Nhưng trời ơi. Bỗng mọc đâu ra ngay bên rìa suối, thình lình, hai anh bạn trẻ với khả năng thuần thục hiếm thấy của kẻ săn bắt, nhào ra ôm chặt người đang chạy. Tiếng hú hét. Tiếng vật lộn nhau dữ dội. Rồi tất cả nhanh chóng kết thúc. Cô gái bị hai anh bạn trói giật cánh khuỷu đúng như trong tưởng tượng của Y hôm trước. Chỉ khác là kẻ bị săn đuổi kia đã kịp ngoạm một miếng đầy cuồng nộ vào cánh tay anh bạn tóc xoăn khiến gã hét toáng lên, vết cắn bắt đầu rỉ máu. Họ Đào sực tỉnh, hùng hục chạy đến chỗ đám người vật lộn. Y như kẻ mất hồn, thập thễnh chạy theo. Họ Đào và Y đến nơi khi cuộc vật lộn đã kết thúc và phần chiến bại đương nhiên thuộc về cô gái. Họ Đào tiến sát lại. Mắt cô gái vằn lên man dại, hơn cả sự căm hờn. Cặp vú màu nâu nhạt vểnh lên như hai cái sừng dê khiến bốn thằng đàn ông bối rối. Thật bất ngờ, họ Đào cởi ngay chiếc áo đang mặc, khoác lên mình cô gái. Rất thông minh, gã khoác ngược tấm áo, hai tay áo được hắn buộc thít ra sau, chèn lên cả mái tóc đen dài, cáu bết. Khó khăn lắm tất cả mọi người mới đưa được cô gái về căn nhà. Trên đường đi, ba gã đàn ông kia liên tục phát sóng ngắn với nhau. Sau phút mừng rỡ ban đầu, họ Đào chợt trở nên nghiêm nghị. Hai cậu trai trẻ sau hồi vật lộn giờ chợt trở lên mệt mỏi và lúng túng trước ả tù binh bất đắc dĩ luôn vùng vằng, hằn học, chỉ chực giật tung sợi dây trói lao đi. Y bước thấp bước cao theo toán người ngẫm ngợi. Họ sẽ hành xử với cô gái này ra sao. Không. Rõ ràng là chả có gì tốt đẹp với em cả. Tất cả tội lỗi là do ta gây nên. Ta đã hại em. Em ơi. Ta đã hại em rồi. Tại sao lúc em xuống uống nước ta không hét to lên để em chạy đi. Bằng cách nào đó, tại sao ta không báo động cho em. Rằng em đã bị phục kích hèn hạ. Hãy cẩn thận với lũ người xung quanh mình. Bỗng như đoán được nguy hiểm cận kề và những xấu xa đang chờ đợi, người con gái đột nhiên dùng bàn tay dài, đầy xương xẩu móng đốt của mình gạt phăng cậu trẻ tóc xoăn, gã kêu ối một tiếng ngã dúi ra một bên. Như choàng tỉnh, Y nhào đến rút băng sợi dây còn lùng nhùng nơi khuỷu tay cô gái. Cô gái hú lên một tiếng chói tai quăng mình vào tàn cây rìa suối. Một cây gậy ở đâu thình lình quăng theo. Hụt rồi. Lại một cú quăng mình nữa. Ngoài tầm với nguy hiểm rồi. Cô gái lao thốc về phía rừng. Cậu trẻ tuổi tóc xoăn lúc đó mới lồm cồm bò dậy đuổi theo, rồi như phát rồ phát dại cúi xuống bê luôn tảng đá nơi lòng suối dùng hết sức quật về phía người đào thoát. Y hét lớn: Lũ giết người… Lũ… giết… người…

 

Giật mình vì tiếng hét rung động không gian, tất cả choàng dậy, mồ hôi túa ra đầm đìa như tắm. Hóa ra Y vừa trải qua một giấc mơ. Trời nhờ nhờ chưa sáng hẳn. Họ Đào nhổm dậy lầm bầm gì đó rồi lại nằm xuống tấm ván gỗ. Hai cậu trẻ tuổi trố mắt nhìn Y cáu kỉnh. Một cậu lồm cồm đứng dậy, đi ra phía chum nước, súc miệng òng ọc, nhổ phì phì. Y đã hoàn toàn tỉnh táo. Trời sáng dần, khi tất cả uể oải ngồi vào bàn ăn Y thấy cậu gầy nhỏ nhìn họ Đào vẻ ái ngại. Họ phát sóng ngắn với nhau và dường như cậu ấy phản đối công việc mà họ Đào gợi ý hoặc dụ dỗ hôm qua. Y đã có đồng minh. Y nói luôn rằng việc rình rập cô gái hoang đường kia là không tốt đẹp gì. Họ Đào không được kéo mọi người vào câu chuyện phiêu lưu ấy. Cậu tóc xoăn bắt đầu lần chần trước thái độ gay gắt của Y. Gã phát sóng ngắn câu gì đó và họ Đào trầm ngâm. Nếu tránh được hiện thực của giấc mơ kia thì tốt nhường nào. Đuổi bắt vô cớ một cô gái đem về đây mới là rách việc. Ai sẽ là người coi giữ, săn sóc. Chưa kể trong quá trình săn đuổi, nhỡ quá tay làm chết người thì sao. Ai chịu trách nhiệm. Khi ấy biết bao thứ khác sẽ nảy sinh giáng xuống đầu mấy anh em trẻ ở đây. Như bắt đầu thấy được sự phức tạp của vấn đề, hai cậu kia có ý lẩn tránh. Họ phản đối bằng cách đem dụng cụ ra dọn dẹp hồ nước. Có hai ông mãnh xì xụp ở đấy người rừng nào xuất hiện. Y đắc thắng với diễn biến có lợi cho suy nghĩ của mình. Họ Đào trầm ngâm, lặng lẽ. Chắc gã đang tính toán một phương án khác. Gã loay hoay lục tìm máy ảnh, kỳ cạch một lát rồi lắc đầu, bỏ vào túi như cũ. Họ Đào đột ngột đứng lên, đầu trần, tay không, một mình lững thững đi ra phía bìa rừng, không nói không rằng. Hai tiếng. Ba tiếng trôi qua. Trời đã gần trưa vẫn chưa thấy họ Đào trở về căn nhà gỗ. Y bắt đầu nóng ruột. Nhỡ có mệnh hệ gì. Cuộc sống vốn đầy bất trắc mà tính khí ông bạn lại quá thất thường. Hai anh bạn trẻ hết đứng lại ngồi, chờ đợi ý kiến, mệnh lệnh của Y. Lúc vắng gã, Y đã tranh thủ lấy lòng hai anh bạn bằng cách hứa khi nào sửa được máy ảnh sẽ chụp mỗi người dăm kiểu. Y rút trong ba lô của mình ra tặng mấy cuốn tạp chí có hình con gái hở mông hở ngực. Hai cậu thích lắm, lấm lét xem. Nhưng đã hơn mười hai giờ gã vẫn chưa về. Y bối rối nhìn ra bìa rừng bảo hai cậu trẻ tuổi. Nào, ăn qua quýt rồi chúng ta chia nhau vào rừng.

 

Nhìn cái quăng mình của cô gái, bất giác Y nhớ tới một nhân vật trong sáng tác của người bạn. Anh này có cái tật sợ bị giết. Thủ phạm chính là cô vợ phốp pháp và gã nhân tình hai mươi tuổi. Nơi rừng rú, họ sẽ giết bằng dao cho chắc ăn, người chồng rên rỉ khẳng định. Hôm nào người chồng cũng nằm mơ tay tình địch đâm mình vào giữa tim dưới sự hỗ trợ của cô vợ lăng loàn. Khốn nỗi trong con mắt mọi người, người vợ rất thương chồng, còn ở nơi hẻo lánh ấy đào đâu ra gã trai trẻ nào để làm tình nhân. Anh chồng không chịu được giấc mơ kia giày vò, trở đi trở lại khiến anh luôn mất ăn mất ngủ. Một buổi sáng, người vợ thấy chồng chết gục trước cửa nhà từ bao giờ, người tím tái, hai tay co quắp ôm chặt ngực áo, lờ mờ sau bàn tay co quắp như là có cán của một con dao. Hốt hoảng, cô vợ la toáng lên. Hàng xóm đến. Không có con dao nào cả. Không có một nhát đâm nào, một hung khí nào, càng không có một vết thương nào. Thế người chồng ấy tại sao chết? Hay là anh ta tự vẫn. Để ăn chắc, pháp y tiến hành các công việc cần thiết của mình và nghi vấn đầu tiên là bàn tay co quắp đặt lên ngực trái. Và mọi người, kể cả pháp y, ai nấy đều hết sức kinh hoàng khi mổ thi thể phạm nhân đã phát hiện quả tim của người xấu số chỉ nhỏ bằng một phần ba những người bình thường và ở giữa có một vệt trắng lạnh trong suốt hình lưỡi dao nhọn đang dần thẫm lại. Ai nấy đều kêu rú lên. Người vợ lập tức phát điên, tự cào cấu cắn xé quần áo của mình. Cũng khu dân cư ấy, cậu thanh niên hai mươi tuổi vừa đỗ đại học tự dưng biến mất, không biết đi đâu, đến bây giờ không thấy. Câu chuyện kết thúc với bầu không khí u ám mà dường như nó không dừng lại ở đấy. Có hai mươi tư đơn kiện tác giả. May toàn thư nặc danh nên cũng chẳng đi đến đâu. Y giả định cô gái người rừng kia là người đàn bà điên có chồng chết. Khó biết lắm. Biết đâu chị điên ở đầu cầu chả bị mất đứa con gái, và bây giờ nó đã lớn. Và bây giờ nó ở đây. Hoặc là người đàn ông gầm cầu đói khát lang thang bao năm nay đi tìm đứa con mình. Bao nhiêu ý nghĩ dập dồn. Nhưng rõ ràng cô gái kia da nâu, tóc xoăn, dáng hình khác hẳn với những số phận hiện hình kia nhiều. Biết thế nào được. Vừa miên man suy nghĩ Y vừa giục hai cậu trẻ tuổi. Hai anh bạn lụi cụi đi, không vẻ gì hào hứng. Một cậu bảo chả phải tìm mất công, đến chiều thể nào anh ấy cũng về. ở đây bọn em đi rừng một vài ngày mới trở về là chuyện bình thường, chả có gì phải lo lắng. Anh bạn kia im lặng, ngước nhìn ra rừng. Đoàn người đi men theo dòng suối cạn. Thỉnh thoảng rẽ vào hai bên xem xét rồi lại quay về dòng suối. Buổi sáng, có lẽ họ Đào cũng đi theo lối này. Cuối dòng suối này dẫn ra đâu? Y hỏi cậu cao gầy, ưa bắt chuyện. Ra khu rừng bảo tồn anh ạ. ở đấy có nhiều cây to, có cả thú. Thỉnh thoảng bọn em vẫn đi săn. Có hôm bắn được cả mang. Liệu có hổ báo gì không? Lấy đâu ra hả anh. Có thì bọn này đã giàu rồi. Hoặc là bị giết rồi anh ạ. Chỉ chim chóc là nhiều. Nhưng bây giờ không đi đến được đâu, đi về không kịp. Y nén tiếng thở dài, phóng tầm mắt ra xung quanh. Rừng đang trút lá. Những thân cây gân guốc, ngoằn ngoèo. ở những bụi cây to, dây leo quăng mình lủng lẳng đan móc như chão cột thuyền chài mùa bão lũ. Bây giờ khó khăn nhất là đoán xem họ Đào đang ở đâu, đang nghĩ gì. Tại sao gã  một mình bỏ vào rừnga? Còn cô gái. Cô là ai? Từ đâu đến? Cô còn luẩn quẩn ở đây không? Với tốc độ vận động của cô, mấy chục tiếng trôi qua, có khi đã tít tận miền rừng nào rồi. Mãi mãi cô cứ là một ảo ảnh thì hơn. Sẽ không có xáo trộn và tranh cãi. Y sẽ tính đến đường về để sáng tác một cái gì đó và ảo ảnh về cô sẽ mãi là một ảo ảnh đẹp, bí ẩn mà những người ở thành phố chắc là không tin, chắc chắn họ bảo mấy bố nhà văn ấm đầu, khoác lác, thậm chí điên loạn. Rồi thì vô tang chứng, vô tăm tích cái câu chuyện bịa tạc vớ vẩn ấy. Thiếu gì những chuyện cấp bách hơn khiến đám đông phải lao vào tranh chấp, giành giật. Và khi ấy họ Đào sẽ im lặng, sẽ gục gặc hoặc lúc lắc mái đầu tổ quạ của hắn mà ái ngại nhìn Y như hờn trách cái việc không tạo điều kiện, hoặc cùng gã đi đến cùng của khám phá. Một sự sinh động khôn cùng, một cơ hội khám phá trời cho bỏ mất để giờ nằm khoèo trong căn nhà mốc thếch sặc mùi son phấn rẻ tiền mà nuối tiếc. ừ nhỉ. Y đã bắt đầu lung lay cái ý nghĩ chống lại sự khám phá của gã. Cứ để cho gã tìm hiểu, biết đâu chả đi đến một chân trời khác, một thế giới khác mới mẻ hơn, thanh bình hơn và ít bất trắc hơn. Một thế giới mà các tài năng văn chương luôn ao ước, tìm tòi, phấn đấu, giả định, bảo vệ đến nay càng ngày càng xa, càng không thấy. Tìm ra một thế giới mới? Chao ôi! Còn gì tuyệt hơn. Họ Đào có lý hơn khi gã quyết tâm đi con đường chông gai ấy. Còn Y, Y phân vân khi nghĩ về mình. Y luôn trung bình và khôn lanh trong cuộc sống, luôn nhảy tránh trước bất trắc và không dám dấn thân. Y có những khó khăn của mình, sự ràng buộc, gia đình, cơ quan, lười nhác, sợ sệt và trên hết là bất tài. Sự bất tài đẻ ra mọi thấp kém, dốt nát, mông muội khác. Họ Đào lặng lẽ tiến một mình cũng là tránh đi cái tầm thường, ngớ ngẩn của con người. Y đuổi theo với ý đồ ngăn cản với sự hiếu thắng của tầm thường, xuẩn ngốc. Hai anh bạn trẻ tuổi không biết Y nghĩ gì mà bỗng chốc cứ thần ra, ngơ ngác. Hai anh bạn, các bạn tham gia vào đây làm gì. Hai anh bạn trẻ nhìn nhau. Rồi họ nhìn ra rừng. ừ nhỉ. Chúng ta đi vào rừng bây giờ để làm gì. Tại sao mọi thứ đột nhiên  khác đi. Bao lâu nay ở đâu chả có vấn đề gì đột nhiên có hai người đến mọi thứ cứ rối tung lên. Không có hai ông anh, chúng em đây đã bỏ về quê ăn Tết. Nơi khỉ ho cò gáy, ai biết mà kiểm tra. Mà kiểm tra thì đã sao. Có giỏi các người lên đây mà gác rừng, làm thay công việc của chúng tôi. Hai ông anh đúng là vớ vẩn, bày việc phá bĩnh bọn em. Được rồi. Tối nay, nếu cần thiết, chúng em sẽ có ý kiến. Rồi thì mặc xác các anh với nhau. Làm gì thì tuỳ. Bắt ai thì tuỳ. Mặc xác các anh. Y đã đọc được trong vầng trán ngắn, mái tóc xoăn kia đang nghĩ gì. Này các cậu, Y hạ lệnh. Dừng chân nghỉ đã. Tớ mỏi lắm rồi. Ba người đàn ông ngồi xuống một phiến đá. Xung quanh gờ đá, rêu mọc ẩm ướt. Thỉnh thoảng có những cây cỏ chui ra từ kẽ đá, cành lá rùm ròa. Y nhìn cậu cao gầy, nhỏ nhẹ bảo. Ngồi nghỉ một lát. Này, chú em thử đoán xem anh bạn tớ đi đâu, liệu có vấn đề gì xảy ra không. Anh bạn trẻ nhìn Y, khẽ lắc đầu, nói nhỏ nhưng rành mạch. Em chịu. Không biết thế nào đâu. Ngay cả các anh là người thế nào bọn em chỉ biết lờ mờ, cấp trên bảo có hai anh đến công tác lấy tư liệu rồi đi ngay. Hôm anh bị ngã giữa rừng, bọn em tưởng không sống được. Bạn anh cứ như phù thuỷ ấy. Anh ấy giỏi lắm. Biết hết mọi thứ. Còn biết cả chuyện cô gái bị chết oan ở cánh rừng này, biết ở đây mấy năm trước có người tự tử, treo cổ lên cành cây không ai dám hạ xuống, người cứ khô sút đi, lủng lẳng mấy tuần liền. Bọn em ở đây cũng là bất đắc dĩ. Tết xong, có các vàng em cũng không lên đây nữa, muốn ra sao thì ra. Cả cái thằng này, cậu cao gầy vỗ vỗ vào ông bạn tóc xoăn. Nó cũng sẽ phắn khỏi đây với em. ở đây, người ta quên nhau là chuyện bình thường. Rồi thì lúc cần, họ sẽ lập một cái chốt khác. ở đây vẫn thế. Không sao đâu anh ạ. Hay chúng ta cố tìm anh ấy rồi tất cả rút về dưới kia ăn tết. Vẫn còn kịp. Từ đây về dưới ấy chỉ hơn một buổi cắt rừng. Về dưới em, có nhiều con gái. Y nhìn sang cậu tóc xoăn, cậu hơi nhìn xuống, tay mân mê đám rong rêu trên thềm đá. Cậu ít nói lắm, chỉ lúc phát sóng ngắn là mặt tươi lên. Cậu không nhìn ai, nói mấy câu lí nhí. Phải tìm anh ấy chớ, không đi được đâu. Phải đợi anh ấy về rồi đi. Chà chà, mới ít ngày mà đã tình nghĩa quá. Mọi khi Y thấy họ Đào hay phát sóng ngắn với cậu tóc xoăn này. Những lúc ấy họ cười thoải mái. Nhưng bây giờ đi lang thang mãi cũng khó, biết thế nào mà tìm. Y chợt nhớ một sáng tác của mình về cái sự tìm nhau. Chuyện về một tổ tiễu phỉ ở trên rừng, bốn người đàn ông được lệnh đi săn tên trùm phỉ. Cấp trên cho biết hắn đang luẩn quất trong rừng. Manh mối duy nhất là cô gái con ông trưởng bản hiện đang yêu tên phỉ và thường xuyên tiếp tế cho hắn. Tổ tiễu phỉ đến ở nhà ông trưởng bản, bàn với ông cách trừ khử tên phỉ. Tổ có hai người, chỉ huy là người dưới xuôi, hai cậu chiến sĩ là người bản, ở vùng ấy. Tên phỉ vô cùng quỷ quái và bản lĩnh, không biết bằng cách nào, hắn đã vận động được hai người chiến sĩ không giết hắn, thờ ơ với công việc để hắn có điều kiện giết hai người chỉ huy báo thù cho các chiến hữu. Khi âm mưu của tên phỉ sắp thành công thì cô con gái con ông trưởng bản phát hiện ra, khuyên người yêu không được giết người đồng thời báo sự thật với anh đội phó hiền lành, chất phác. Anh đội phó, trước tấm lòng, đặc biệt là sắc đẹp của cô gái nơi biên ải, không biết từ lúc nào, đã thầm yêu cô. Họ xoắn xuýt bên nhau. Đến khi người đội trưởng bảo phải giết ngay tên phỉ theo mệnh lệnh cấp trên thì tình yêu của họ đã như suối chảy trong rừng không dừng lại được nữa. Chàng trai, anh đội phó báo cho người yêu biết và bảo cô gái khuyên tên phỉ ra hàng, chàng sẽ vì tình yêu mà xin tha chết cho hắn. Cô gái nghe lời, đến nơi hẹn để khuyên nhủ kẻ lầm đường. Anh đội phó báo với người đội trưởng kế hoạch ấy. Người đội trưởng im lặng bỏ đi. Dưới sự chỉ huy của người đội trưởng và những tay súng khác họ đã kết liễu cuộc sống tên trùm phỉ trên thềm đá. Khi anh chàng đội phó si tình đến được thềm đá thì mọi chuyện đã kết thúc. Những tay súng kia đấy rút khỏi đấy. Cô gái hóa điên cào cấu chàng trai mà cô cho là phản bội. Ông già ngửi mũi súng của chàng trai và khóc chạy đi tìm cô con gái duy nhất của mình. Hai người chạy mê muội dưới trăng. Và chàng trai đã đợi họ hai mươi năm mà không một ai trở về. Bây giờ, anh đội phó vẫn ở trong căn nhà người trưởng bản, đang làm công việc của ông và vẫn chờ cô gái quay trở lại. Câu chuyện cũng bắt đầu từ một đêm trăng, nhưng nơi nó xảy ra là ở vùng rừng phía Bắc. Câu chuyện như một tội lỗi kinh hoàng luôn trở đi trở lại trong Y. Hình ảnh tên phỉ bị bắn chết cứ liên tục quay về trong ký ức suốt những ngày dài. Tại sao con người lại rơi vào tình thế bi thảm ấy. Tại sao người đội trưởng kia lại lợi dụng những mối ràng buộc thực hiện hành vi của mình, khai thác triệt để những tình cảm ngây thơ trong trắng của người con gái. Sau bao nhiêu năm, cơn ác mộng vẫn ám theo những nhân vật như định mệnh. Không một ai giải thoát cho những người trong cuộc và sự đổ vỡ còn diễn ra đến bao giờ. Có những sự bất hạnh diễn ra dằng dặc và dường như không thể tự giải thoát. Và, từ những tội lỗi kinh hoàng ấy, biết bao câu chuyện trớ trêu sẽ xảy ra. Một ngày nào đó, người con gái kia sẽ trở về. Khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra. Người đàn ông nơi rừng thiêng núi đỏ sau ngần ấy năm sám hối sẽ đối mặt và cư xử ra sao. Những nhầm lẫn và đố kỵ trước đây sẽ ra sao. Đây có lẽ là những âm u chưa rõ nét. Ai là người tiếp tục đứng trên bờ vực sâu thăm thẳm chuẩn bị rơi xuống. Những lúc ấy, Y hãi hùng nhận ra một điều, thật ra mình biết về những nhân vật quá ít. Y băn khoăn cho rằng không thể chịu trách nhiệm cũng như tính toán trước những quyết định của nhân vật. Người đội trưởng đã hành động theo ý thích của anh ta. Tên phỉ hành động theo bản năng của mình. Kể cả người con gái cũng hoàn toàn không nhất quán những mối thiện cảm phức tạp. Sự việc diễn ra không ai kiểm soát được. Những lúc ấy, mọi cố công tìm kiếm một tối ưu cho cuộc đời là vô nghĩa lý. Ai là người ngóc ngách lục tung những kỷ niệm để tìm một bí mật đã phong kín vết thương? Sự giằng co giữa sự thật và những giả dối thị phi luôn vô cùng tận.

 

Trời bắt đầu sâm sẩm. Cậu tóc xoăn bảo phải tìm, phải chờ đợi anh ấy bằng được rồi đi đâu thì đi. Đôi khi biết đâu sáng tác vận vào người. Chàng trai tiễu phỉ đã chờ hơn hai mươi năm, những cơn cớ mới rõ ràng. Anh ấy đã chờ đợi để chuộc lỗi lầm, như thể trẫm mình trong niềm ân hận. Còn Y chờ họ Đào vì cái gì. Vì một sự điên rồ mơ hồ nào đó về một thế giới khác? Bọn Y có ba người với ba thế giới khác nhau, quan điểm khác nhau, niềm tin và khát vọng khác nhau. Có người, thậm chí mơ ước cực kỳ giản dị và thúc bách, là được cắt rừng về ăn Tết với những đứa con gái ở bản. Uống rượu với gia đình, với bà con và đi chơi với những thiếu nữ mùa xuân căng mẩy. Và biết đâu, được ngủ với những cô gái trong mùa động tình. Chờ đợi ở nơi đây, chẳng hứa hẹn kết cục gì tốt đẹp. Y nhìn cậu trẻ tuổi gầy nhỏ đang tỏ ra bứt rứt. Cậu vò những lá cây dại ném đầy xuống chân, mùi nhựa bốc lên hăng hăng, nồng nồng khó chịu. Một con kiến ở đâu cắn nhói vào cổ cậu, cậu nhoài tay ra sau bắt kiến và lập tức giết nó, miệng chửi lầu bầu. Y nhìn quanh, rừng bắt đầu tối. Không thể lần chần mãi, Y lục sục đứng lên, bảo hai chàng trai. Nào, chúng ta hãy trở về nhà. Về đốt lửa lên rồi tính. ở đây cũng chả giải quyết được gì. Rất nhanh, cậu gầy nhỏ đứng lên mừng rỡ, cắm cúi bước đầu tiên. Y uể oải đứng dậy. Anh bạn tóc xoăn lần chần, nhìn hút ra rừng vẻ mặt buồn bã rồi cũng dợm bước theo đoàn. Trên suốt chặng đường về, không ai nói gì với ai. Tất cả bước đi trong im lặng.

 

Từ xa, căn nhà gỗ hiện lên. Chặng đường về bao giờ cũng nhanh hơn. Mới đến đầu hồ nước cạn, đã thấy căn nhà có ánh lửa. Chả phải thông minh gì cũng đoán chắc họ Đào đang ở trong ấy. Gã đang nấu nướng. Mẹ kiếp. Ba người khổ sở đi tìm còn hắn thì ấm áp ở đây. Y buông phịch tấm thân cáu két mồ hôi xuống tấm phản gỗ không nói không rằng. Họ Đào nhìn mọi người, gã phát sóng ngắn với hai chàng trai trẻ và cậu tóc xoăn ngay lập tức mừng rỡ, mặt cứ nở ra. Ba người líu ríu, lạch xạch nấu nướng. Mùi thịt chim nướng bốc lên ngầy ngậy. Họ Đào tiến đến bên tấm phản, nửa thanh minh, nửa dỗ dành. Thôi nào, dậy ăn đi rồi xem công việc thế nào. Lo đi tìm tôi làm gì. Tôi về không thấy ai nên chờ mọi người mãi. Hôm nay, có món thịt chim nướng ông thích đấy. Rượu vẫn còn. Thôi, rửa tay chân rồi vào với anh em. Gớm nữa. Y nín lặng, không nói gì, lục sục đứng dậy, rửa ráy qua loa. Cậu gầy nhỏ thản nhiên. Cậu tóc xoăn và gã luôn tươi cười hớn hở. Y miễn cưỡng ngồi xuống chiếu. Có gã, căn nhà đột nhiên trở nên ấm áp và ngăn nắp. Họ Đào quay sang bắt chuyện với nhưng Y chỉ ừ hữ. Gã biết Y còn giận. Dù gì trao đổi với nhau vẫn hơn. Có mấy người với nhau mỗi ông một ý chỉ tổ làm khổ nhau chứ được ích gì. Giả sử, ông gặp vấn đề gì có khổ thân không. Mà khổ riêng gì thân ông, là khổ lây mọi người. Vừa gầm gừ nhai nuốt, Y vừa nghĩ lan man. Đột nhiên, cậu trẻ tuổi gầy gò nói thủng thẳng. Mai phải về dưới nhà. Y Boong mày không đi cùng tao thì tuỳ. Về ăn Tết. Hôm trước, tao mơ thấy mẹ tao ốm. Mọi người hơi sững lại. Cậu tóc xoăn nhìn bạn, nhìn họ Đào rồi nhìn ngọn lửa, một lúc mới lên tiếng, vẻ khó khăn. Mày về một mình, có sợ lạc đường không? Tao cũng muốn về, nhưng còn các anh ấy, tao sợ… Cậu gầy nhìn đống lửa, uống cạn chén rượu, mặt hơi đanh lại. Đi bao lần rồi nhớ chứ. Mày lo gì. Thôi mày ở lại với các anh ấy. Lúc nào về tuỳ mày. Tao quyết rồi, sáng mai đi sớm. Y nhìn anh bạn trẻ, một tay đặt lên bờ vai mảnh khảnh, nói nhỏ nhẹ. Hay chú em ở đây với bọn anh thêm bữa nữa. Ngày kia, chúng ta cùng rút. Bọn anh cũng chả ở đây lâu đâu. ở đây lâu để làm gì. Ngày kia chúng ta sẽ cùng đi có được không? Không được. Cậu nhìn vào Y và nói. Thôi các anh cứ để em đi trước. Em không chờ được. Bạn anh chưa muốn rời khỏi đây. Anh hãy ở lại cùng anh ấy, bao giờ muốn thì đi, Y Boong biết đường. Em đợi các anh ở dưới bản. Y không nói nữa. Mọi người kết thúc bữa ăn trong không khí nặng nề, u ám. Mấy con cún chạy luẩn quẩn, sủa óc ách từ chập tối bây giờ im lặng, men mén rúc sát vào bếp lửa. Họ Đào khá trầm tĩnh trước quyết định của người bạn trẻ. Gã cũng thôi không phát sóng ngắn với cậu tóc xoăn. Cậu lặng lẽ rời đống lửa, về tấm phản gỗ góc nhà, kéo tấm mền nằm xuống. Y bước khỏi đống lửa, tiến đến chỗ ngạch cửa, ngồi xuống, lặng lẽ nhìn ra ngoài.

 

Ngoài trời rất tối. Sương xuống khá dày, lành lạnh. Căn nhà hoang vu, biệt lập giữa rừng rộng mênh mông. Nếu không có hai người, chắc chắn mấy chàng trai đã rút về dưới bản. Chắc họ Đào cũng suy nghĩ như thế vì thấy gã im im, vẻ buồn buồn. Không biết hôm nay gã có tìm được dấu vết, hình ảnh gì về cô gái không. Và Y nữa, việc hôm nọ là thật hay chỉ là ảo giác. Tại sao lại có cô gái  được nhỉ và tại sao lại chỉ Y bắt gặp? Những con người ở đây bao nhiêu lâu sao họ không gặp cô gái kia? Nếu gặp họ đã báo lên cấp trên và  ầm ĩ lên rồi. Cũng có thể bắt gặp song họ im lặng. Họ mặc kệ. Ta sống cuộc đời của ta mi sống cuộc đời của mi, không ai động đến ai, không ai xâm phạm ai, cứ thế mà sống mà tồn tại ở cuộc đời. Chân Y đã bước ra khỏi ngạch cửa gỗ, tiến đến bên hồ tìm hòn đá ngồi xuống. Màu tối thẫm chợt sáng dãn ra. Hồ nước lăn tăn sóng. Tiếng giun dế âm i đứt nối. Y chợt nhớ đến người đàn bà điên. Chị hầu như sống trong bóng tối, chỉ lúc chạng vạng mới tìm ra ăn những thứ thừa mứa. Đã bao nhiêu năm chị không già đi cũng chẳng chết đi. Người điên có trật tự sống của riêng mình. Không làm phiền ai. Không xâm  phạm ai và chắc rằng họ luôn cầu xin đừng ai giúp đỡ họ. Giúp đỡ thì giúp đỡ lúc lành lặn, lúc tỉnh táo chứ đã điên loạn rồi giúp nhau ích gì. Có khi chỉ làm khổ thêm. Ngồi trên tảng đá nhìn ra lòng hồ sẫm tối, Y bỗng thấy một cái gì xao động giữa hồ, lung linh, bí ẩn, thâm thẫm sáng đang nhô lên khỏi mặt nước. Điều gì đang xảy ra? Y ngồi im phắc và gần như nín thở khi cái khối to tròn, thâm thẫm sáng nhô lên mờ ảo, xoay xoay xung quanh mình rồi từ từ chui hút xuống mặt nước. Nó là cái gì? Mặt hồ đã trở lại phẳng lặng. Nó là cái gì, câu hỏi lại vang lên? Lặng lẽ nhô lên khỏi mặt nước, xoay vòng quanh quất rồi lặng lẽ biến mất. Có bao nhiêu bí ẩn mà con người không giải thích được đang hiện ra, trêu cợt thách thức chính con người. Trong căn nhà gỗ, họ Đào đã đi nằm. Có lẽ cũng như Y, gã đã chứng kiến không ít những phi lý, bí ẩn ở xung quanh, nhưng có điều hắn không giãi bày, tâm sự hoặc đơn thuần chỉ đưa vào các sáng tác. Hiện thực trong các sáng tác của họ Đào luôn u ám và mê tối. Trong các sáng tác, nhân vật thường bị điên, bị chết hoặc biến thành động vật, thường là các sinh vật nhỏ bé yếu ớt. Có thể lắm chứ, các sinh vật nhỏ bé yếu ớt khác gì con người, luôn dễ bị tổn thương, bị sát hại. Sương xuống dày, mặt hồ được phủ một làn khói đục như sữa loãng. Y chờ đợi một cái gì xuất hiện ở mặt hồ nhưng mãi không thấy. Trời khuya, đêm lạnh. Ngày mai, một anh bạn trẻ cắt rừng về thôn bản đón Tết. Y đã muốn rút khỏi đây lắm rồi nhưng họ Đào cứ lần chần, nấn ná. Từ đây về dưới bản nghe nói phải đi già một ngày đường. Cậu ấy lại đi có một mình. Người nhỏ bé thế sức lực ở đâu ra. Liệu dọc đường có gặp bất trắc không. Mai kia liệu có bị kỷ luật không. Cậu ấy bảo sẽ không quay trở lại đây nữa. Đúng thế. Ngay cả Y, chắc chắn không bao giờ quay về đây làm gì, nơi quá buồn thảm và đơn độc. Lan man suy nghĩ, phía tàn cây bên kia hồ nơi đầu con suối cạn bỗng có tiếng gì lạt sạt. Một bóng dáng di chuyển chậm chạp từ cửa ngách căn nhà gỗ tiến ra phía tiếng động. Y vẫn ngồi bất động, dõi mắt về phía con suối cạn. Tiếng lạt sạt biến đi đằng nào và bóng đen cũng mất hút vào sương trắng. Có thể cậu trẻ tuổi thao thức, đi quanh quất tạm biệt nơi ở của mình. Có thể họ Đào đang đêm muốn kiểm chứng một suy tư, một ngẫm ngợi nào đó về các sự việc ở đây. Mặc kệ các người, Y có những suy nghĩ riêng, dù những suy nghĩ ấy không ít lúc luôn rối ren, bế tắc. Một lúc lâu, Y đứng dậy, bước vào nhà. Căn nhà chỉ hơi le lói sáng nhờ tàn của những gộc củi còn sót lại. Tiến về phía tấm phản đã bắt đầu quen thuộc ngả người xuống đó, không buồn nhìn xem xung quanh ai đã ngủ và ai còn thức, hay là ai đã đi đâu. Giấc ngủ chờn vờn kéo đến.

Chương : 1    2   3    4    5   
Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 1563
Ngày đăng: 01.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng