Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
307
116.828.814
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 7

Đức Giáo Tông có cảm giác như có một bóng người đang khẽ bước vào căn phòng Vào tịnh. Trong bộ quần áo dài màu trắng, khăn choàng trắng, tóc xõa dài, buông rủ, bóng người ấy như lướt trên mặt đất. Trong trạng thái mơ màng, Đức Giáo Tông có cảm giác người phụ nữ vận y phục trắng toát ấy đang cởi trên đám mây màu trắng. Đó là một người đàn bà cao gầy, ốm yếu trạc tuổi 50. Đức Giáo Tông nhận ra  gương mặt người đàn bà ấy rất gần, rất quen.  Người ấy di chuyển đến ông bằng những bước chân rất nhẹ, rất khẽ nhưng càng đến gần, ngực ông càng cảm thấy trĩu nặng, khó thở. Đức Giáo Tông  vận khí, nhắm mắt định thần…

 

- Kìa, hiền thê Bùi Thị Giàu, sao bà lại ở đây?! Bà đã được đắc vị “ Kim Hoa tiên nữ” rồi mà?!

 

Từ mùa thu năm Đinh Sửu một ngàn  chín trăm ba mươi bảy, bà đã đi cùng mẹ Diêu trì và Cửu  vị tiên nương vào cõi vĩnh hằng trong tiếng khóc xé lòng của các con…

 

Đức Giáo Tông bật thốt lên câu hỏi từ đáy sâu tâm thức. Bà Giàu dường như không nghe lời ông nói, tiếp tục đi đến bên ông bằng những bước chân rất nhẹ, rất khẽ. Rồi khi cách Đức Giáo Tông còn khoảng một tầm tay với, bà dừng lại, ngước nhìn ông bằng gương mặt xanh xao, tiều tụy. Đức Giáo Tông đã từng nhìn thấy trạng thái ấy trên  gương mặt của người vợ thân yêu trong những đêm thức trắng, đau khổ, lo lắng cho vận mệnh của chồng, con…

 

Suốt những năm tháng dài dằng vặc làm vợ ông, bà Giàu đã nhận lấy quá nhiều đau buồn, phiền lụy. Bà không một lời than vãn, lặng lẽ, nhẫn nại trước những thành công lẫn thất bại của chồng. Ngày ông khoác Đại phục bước lên ngai Đức Giáo Tông, trong  hương hoa, lễ vật tấp nập của 96 họ Đạo  đổ về Tòa Thánh chúc mừng  lễ đăng điện  tấn phong phẩm Giáo Tông, bà cũng đã trở thành Giáo sư của Cao Đài Thiên Phong (18). Vậy mà trong Tổ đình bà đã lặng lẽ để rơi những giọt nước mắt. Vào lúc ấy, trong bà nhiều cảm xúc đan xen trái ngược. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc trộn lẫn đau khổ.  Bà khóc vì mừng cho sự tấn phong của chồng. Nhưng bà cũng hiểu rằng, kể từ hôm nay, Đức giáo Tông đã thuộc về một thế giới khác. Chồng bà trở thành Người Anh Cả, là linh hồn của hàng trăm ngàn tín đồ. Với trọng trách của người cầm giềng mối Đạo, Đức Giáo Tông không còn thuộc về của riêng bà. Khoảng cách đời thường giữa người chồng Đức Giáo Tông và  bà ngày càng xa hơn. Thật ra, từ năm 1930, khi về Tòa Thánh tây Ninh, bước sang chặng đường “Thánh Đạo”, Đức Giáo Tông đã vứt bỏ mọi danh vọng lợi quyền chốn quan trường, ly gia cắt ái, phế hết việc gia đình để trọn hiến thân hành Đạo. Bà chợt nhớ lại ngày bị đưa ra Tòa Tam Giáo, dù bị luận tội không hoàn thành nhiệm vụ phẩm Giáo Sư, bà vẫn rất vui lòng. Bởi những bậc chức sắc đều hiểu đối với bà, đó là một sự hy sinh…

 

Để chồng toàn tâm toàn ý với việc hành Đạo, bà đã vượt qua những năm tháng khó khăn của thời kinh tế khủng hoảng bằng một nghị lực phi thường. Bà đã phải vay mượn, bán sạch đồ nữ trang, bán cả những sở đất với giá rẻ mạt để trả nợ canh tác và lo chi phí cho các con ăn học. Rất nhiều khi bà lặng lẽ đứng sau lưng Đức Giáo Tông trong những ngày đại lễ, ngước nhìn lên “Thiên nhãn” cao vời, lòng đầy mặc cảm về con người đàn bà trần tục với những lo toan vặt vảnh, những tính toán chi li. Bà tự cảm thấy mình bé nhỏ trước con người lớn lao luôn trăn trở trước “Thế giới đại đồng”, “Con đường thoát khổ” cho nhân sinh  của Đức Giáo Tông. Bà chỉ có được niềm an ủi rất lớn về sự thành đạt của con cái.  Ba con trai của bà- Ngọc Kỷ, Ngọc Bích, Ngọc Nhựt học giỏi nổi tiếng, lại là những thanh niên tự chủ, đức độ, có chí hướng  nên bà con bên ngoại và bè bạn ở Pháp hứa sẵn lòng giúp đỡ, cưu mang. Lần hồi, họ cũng vượt qua những ngày đầy khó khăn. Khi Ngọc Bích mới về nước, bà Giàu rất vui và hãnh diện. Thời gian và sự xa cách như phép màu đã trả về cho bà đứa con trai cao lớn, vạm vỡ, gương mặt sáng sủa, thông minh ngời lên một trí óc sắc sảo, tự tin. Nhìn con trai, bà không khỏi tự hào về dòng máu họ Bùi chảy tràn trong huyết quản. Đó là một dòng họ lớn định cư ở Mỏ Cày, đã sinh ra ba vị cử nhân. Bà cảm thấy tự hào vì đã sinh ra những đứa con là hiện thân của tinh hoa hai dòng họ Bùi Quang- Nguyễn Ngọc. Con trai bà đầy hồ hỡi, lạc  quan nói:

 

- “ Măng” à, con  quyết định trở về nước để xây những cây cầu bắc qua những con sông lớn. Chắc là papa  sẽ rất vui vì những cây cầu của con sẽ giúp những tín đồ của papa đến Toà Thánh dễ dàng, thuận tiện” hơn.

 

Khát vọng tuổi trẻ, niềm tự hào làm đôi mắt anh sáng long lanh. Bà Giàu ôm con trai vào lòng, thể như anh còn rất bé bỏng, âu yếm :

 

- Chắc là cực lắm hả con? .

 

- Cực nhưng vui “ Măng” à. “ Măng” không tưởng tượng  con sẽ hạnh phúc như thế nào khi những ý tưởng trên bản vẽ trở thành hiện thực .

Vậy mà hôm nay…

 

Linh hồn Bà Giàu xuất hiện trong căn phòng Vào tịnh một cách đột ngột, cũng giống như Henriette Bùi, không cần xin phép, không cần báo trước, bất chấp cả rào cản của hai Thanh đồng hộ tịnh. Tính mạng và sự an toàn của người con, người chồng đang bị treo lơ lững trước mắt khiến những người phụ nữ trong gia tộc Đức Giáo Tông không còn thời gian để chờ đợi, quên đi những phép tắc. Bà Giàu  quỳ xuống dưới chân Đức Giáo Tông, ngước lên nhìn ông, nghẹn ngào:

 

 -  Từ trên mây, tôi vừa mới nhìn thấy vợ thằng Ngọc Bích rời khỏi đây. Trông nó có vẻ đau đớn, tuyệt vọng lắm! Tôi đáp xuống, định ngăn nó lại hỏi chuyện, nhưng mà nó đi nhanh quá, nên tôi mới mạn phép vô đây gặp mình. Mình ơi, ở cõi âm nhưng tình luyến ái mẩu tử mạnh hơn cái chết. Hồn tôi luôn dõi theo các con. Tôi biết hết mọi chuyện. Con trai tôi đang rơi vào tay nhà binh Pháp. Mình ơi, tôi là mẹ của nó, trong lúc này chỉ có mình mới cứu được con, xin mình đừng để tôi tuyệt vọng. Hãy cứu lấy con!

 

Giọng nói khàn khàn, ướt đẫm nước mắt của hồn linh  thêm một lần nữa làm Đức Giáo Tông bất động vì đau khổ. Căn phòng Vào tịnh vuông vức không quá chín mét vuông chìm trong im lặng, lạnh lẽo. Căn phòng quá bé nhỏ nên những âm thanh phát ra từ trái tim đang thổn thức của người mẹ càng quánh đặc. Sự im lặng của Đức Giáo Tông khiến bà không thể chịu đựng được nữa. Bà thốt lên, đầy uất ức, đớn đau:

 

- Thật tình tôi không thể hiểu nổi, thằng Ngọc Bích, con trai mình mới hôm nào còn  hãnh diện khoe với tôi là chính tay nó đã xây nên những cây cầu, thì giờ đây, cũng chính tay nó đã giật sập niềm tự hào đó. Nó tham gia Việt Minh đã đành rồi, còn giật sập cầu làm gì. Quân đội Pháp khép nó  vào tội  phiến loạn và phá hoại, tội nặng lắm. Điều này giải thích ra sao? Đức Giáo Tông, ông là cha nó, ông hãy nói đi!

 

- Nó cũng thật dễ hiểu, như  ý chí của một dân tộc quyết giành lại  độc lập mà con trai chúng ta là một thành viên. Nó tự thấy phải có bổn phận …

 

Mắt nhìn vào một khoảng không vô định, Đức Giáo Tông buông từng từ, chậm rải, như tự nói với mình. Hồn linh sững sờ nhìn ông. Đức Giáo Tông định nói thêm nhưng ông hiểu mọi ngôn từ đều trở nên bất lực, khi trái tim người mẹ trước sinh mệnh  của  đứa con có những lý lẽ riêng, điều khiển cả lý trí. Ở cõi âm, Bà Giàu không chịu hiểu, không muốn hiểu nhưng Đức Giáo Tông hoàn toàn hiểu vì sao Ngọc Bích hành động như vậy. Ông nhớ những ngày đầu giặc Pháp quay trở lại, thi hành lệnh của Ủy  Ban  kháng chiến Sài Gòn, bạn của ông, kỹ sư Nguyễn Văn Đức đã cho triệt hạ hết những bức tượng  do quân Pháp dựng nên. Đó là “ Gambetta” ở vườn Tao Đàn, “ Rigault de Genouilly” ở bờ sông Sài Gòn, “ Francis Garnier” trước Nhà hát thành phố, “ Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh” trước Sở bưu điện. Trong nội thất của Tòa thánh, qua các chức sắc thân cận, Đức Giáo Tông vẫn nghe và hình dung ra cảnh tiêu thổ kháng chiến ở bên kia bờ sông Cửa Đại. Những ngọn lửa ở Mỹ Tho, Sài Gòn không ngừng rừng rực cháy khi quân Pháp quay trở lại. Những ngọn lửa được đốt lên từ những chiến sĩ tự vệ thành. Những chiến  sĩ ấy có khi là những em bé đánh giày, những nữ sinh trẻ măng trong những bộ quần áo dài trắng. Vũ khí của họ đôi khi chỉ là diêm quẹt, vài cuộn bùi nhùi, vài lít xăng… Người dân Sài Gòn đã đánh giặc bằng tất cả mọt thứ vũ khí có được. Quân Pháp chiếm được đất nhưng nào đã chiếm được lòng dân. Và Sài Gòn chúng có trong tay là một thành phố không điện, không nước, không cửa hàng, chợ búa… Để ngăn  đường tiến của quân Pháp, trên những con đường chính ngỗn ngang  bàn tủ, giường, ghế, cây xanh,… bị đốn ngã, cột đèn bị hạ làm chướng ngại vật.

 

Không ít những trí thức như kỹ sư “ Trường tiền” Đức,  như Ngọc Bích- con trai ông  đã tham gia kháng chiến dù chỉ bằng những việc làm  như đào đường, đắp mô, phá cầu… Những công việc mang tính chất “ phá hoại” ấy mang lại hiệu quả đến không ngờ. Mặt trận Chợ Đệm bị vỡ, trong quá trình rút lui ra khỏi chiến tuyến, Việt Minh đã cho phá sập hai cây cầu Tân An và Bến Lức. Nhờ những cây cầu này bị sập, mà quân  Pháp sau khi chiếm Sài Gòn đêm 22 rạng 23 tháng 9 năm 1945 phải mất một thời gian khá lâu để khai thông con đường Cần Thơ- Sài Gòn. Chúng đã phải mất hơn một tháng mới chiếm được hai vị trí  xung yếu nhất của miền Tây Nam bộ là Mỹ Tho và Cần Thơ. Con đường quốc lộ từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây có rất nhiều cầu. Cuộc hành quân của bọn Pháp đêm Noel 1945 chiếm thị trấn Cái Bè cũng thật không dễ dàng. Việt Minh cho đào những chiến hào ngay trên đường khiến những chiếc GMC chở đầy lính Pháp chạy rất chậm, dường như phải nhích từng bước. Đến nửa đường, quân lính phải xuống đi bộ vì cầu Long Định bị phá sập. Mãi đến trưa, quân Pháp từ Mỹ Tho mới tiến vào được thị trấn Cai Lậy. Nhưng thị trấn chúng chiếm không một bóng người. Trước khi rút đi, Việt Minh đã cho đốt hết các công sở. Sân vận động của thị trấn lửa còn ngùn ngụt cháy… Đức Giáo Tông không khỏi tự hào khi chính con trai ông đã góp phần làm nên cảnh hoang tàn, đổ nát của những vị trí mà quân Pháp chiếm được…

 

Mỗi ngày, trong căn phòng Vào tịnh, tin tức cuộc  chiến tranh theo dòng người xuôi ngược của các tín đồ đổ về Tòa thánh không khỏi va đập vào cõi lòng luôn phấn đấu  đạt đến sự bình lặng của Đức Giáo Tông. Cuộc chiến tranh như cơn lốc xoáy kéo theo bao số phận con người. Không ít những tín đồ của ông đã cầm lấy súng, hòa trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại bọn Pháp. Và cũng không ngoại  trừ số tín đồ quá khích, sợ sự trừng trị của Việt Minh đã theo chân bọn Pháp, bị chúng sử dụng như một công cụ, điên cuồng chống lại Việt Minh, giết cả những đồng bào vô tội, trong số nạn nhân đó có cả trẻ em và phụ nữ …

 

 Đức Giáo Tông lặng lẽ tự hào vì những việc làm “phá hoại” của ngọc Bích, vừa không khỏi lo lắng cho sự an nguy của con. Từ sài Gòn xuống tận cùng miền Tây, có hàng trăm cây cầu. cầu Long An, cầu Bến Lức, cầu Long Định, cầu Cổ Cò, cầu Cái Răng, cầu… Với cương vị là Khu bộ phó Khu 9, con trai ông chắc hẳn là đang mải mê đánh giặc. Trong căn phòng Đại tịnh của toà nhà Thiên Lý Mật Truyền, đã nhiều đêm ông để cho phần hồn mình vượt  ra khỏi thân xác,  dõi theo bước chân con. “ Nó còn phải phá những cây cầu mà nó tự hào đã xây. Nó phá để làm lại. Thế hệ chúng nó đang nhận lấy nhiệm vụ nặng nề: “Phá hoại” để có được độc lập tự do, để xây lại từ tro tàn đổ nát của cuộc chiến tranh sau gần 100 năm chìm trong đêm đen nô lệ. Chiến tranh ngày càng lan rộng. Đức Giáo Tông xuống sắc lệnh nhắc nhở toàn Đạo phải gia tâm cúng kinh cầu nguyện, tụng Sám hối, Cứu khổ, Giải khổ, Đoạn nghiệt để cầu phước cho nhơn sanh. Trong nỗi lo chung ấy, cũng đã bao đêm Đức Giáo Tông lặng lẽ quỳ xuống, chắp tay trước ngực, ngước nhìn “Thiên nhãn” với lòng thành kính vô biên:

 

- Xin Thầy hãy phù hộ, che chở cho Ngọc Bích, con trai của con tránh được hòn tên mũi đạn,  thoát khỏi mọi nạn tai để hoàn thành sứ mạng Thần Đạo của nó…

Chương : 1    7   8    14    24    25    26    27    28    29    30    31    32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1573
Ngày đăng: 23.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh